Giải SGK Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 Bài 5: Ôn tập giữa học kì 1 | Cánh diều

7.4 K

Lời giải Tiếng Việt lớp 3 Bài 5: Ôn tập giữa học kì 1 sách Cánh diều gồm đầy đủ các phần Đọc, Viết, Nói và nghe, Góc sáng tạo giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 3 Tập 1. Mời các bạn theo dõi:

Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 Bài 5: Ôn tập giữa học kì 1

Ôn tập giữa học kì 1 Tiết 1 trang 59

Tiếng Việt lớp 3 trang 59 Câu 1: Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng: Mỗi học sinh đọc một đoạn văn, đoạn thơ khoảng 60 – 65 tiếng hoặc đọc thuộc lòng một đoạn thơ (bài thơ) đã học.  

Phương pháp giải:

Em đọc to, rõ ràng, truyền cảm bài đã chọn.  

Trả lời:

Em đọc bài thơ, đoạn văn đã chọn. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 59 Câu 2: Sắp xếp các tên riêng sau đây theo thứ tự trong bảng chữ cái:

Ôn tập giữa học kì 1 Tiết 1 trang 59 Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 | Cánh diều (ảnh 1)

Phương pháp giải:

Em sắp xếp tên theo bảng chữ cái. 

Trả lời:

Chiến, Cường, Khánh, Kiên, Nam, Nga, Nghĩa, Thanh, Trung, Tùng.  

Ôn tập giữa học kì 1 Tiết 2 trang 59, 60

1. Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng.  

Trả lời:

Em chủ động luyện tập kĩ năng đọc và học thuộc.  

2. Đọc và trả lời câu hỏi

Ngày em vào Đội

Ôn tập giữa học kì 1 Tiết 2 trang 59, 60 Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 | Cánh diều (ảnh 1)

Chị đã qua tuổi Đoàn

Em hôm nay vào Đội

Màu khăn đỏ dắt em

Bước qua thời thơ dại.

 

Màu khăn tuổi thiếu niên

Suốt đời tươi thắm mãi

Như lời ru vời vợi

Chẳng bao giờ cách xa.

 

Này em, mở cửa ra

Một trời xanh vẫn đợi

Cánh buồm là tiếng gọi

Mặt biển và dòng sông.

 

Nắng vườn trưa mênh mông

Bướm bay như lời hát

Con tàu là đất nước

Đưa ta tới bến xa.

 

Những ngày chị đi qua

Những ngày em đang tới

Khao khát lại bắt đầu

Từ màu khăn đỏ chói. 

XUÂN QUỲNH

Tiếng Việt lớp 3 trang 60 Câu 1: Bài thơ là lời của ai nói với ai, nhân dịp gì? 

Phương pháp giải:

Em đọc khổ thơ 1. 

Trả lời:

Bài thơ là lời của chị nói với em, nhân dịp em được kết nạp Đội.  

Tiếng Việt lớp 3 trang 60 Câu 2: Em hiểu 2 dòng thơ “Màu khăn đỏ dắt em / Bước qua thời thơ dại.” như thế nào? Chọn ý đúng:

a) Màu đỏ của chiếc khăn quàng sẽ giúp em khôn lớn.

b) Chiếc khăn quàng đỏ sẽ giúp em bước qua thời thơ dại.

c) Lễ kết nạp Đội đánh dấu bước trưởng thành của em. 

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.  

Trả lời:

Chọn: c) Lễ kết nạp Đội đánh dấu bước trưởng thành của em.  

Tiếng Việt lớp 3 trang 60 Câu 3: Tìm những hình ảnh đẹp gợi tả tương lai ở khổ thơ 3, khổ thơ 4.  

Phương pháp giải:

Em đọc khổ thơ 3, khổ thơ 4 để tìm những hình ảnh gợi tả tương lai.  

Trả lời:

Những hình ảnh đẹp gợi tả tương lai ở khổ thơ 3, khổ thơ 4 là:

- Này em, mở cửa ra / Một trời xanh vẫn đợi

- Con tàu là đất nước / Đưa ta tới bến xa.  

Tiếng Việt lớp 3 trang 60 Câu 4: Em hiểu 2 dòng thơ cuối bài như thế nào?  Chọn ý đúng:

a) Người chị tin là em đang có những ước mơ đẹp khi trở thành đội viên.

b) Người chị chúc em có những ước mơ đẹp khi trở thành đội viên.

c) Người chị căn dặn em thực hiện những ước mơ đẹp khi trở thành đội viên. 

Phương pháp giải:

Em đọc hai dòng thơ cuối để trả lời câu hỏi.  

Trả lời:

Chọn đáp án: a) Người chị tin là em đang có những ước mơ đẹp khi trở thành đội viên. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 60 Câu 5: Em thích hình ảnh so sánh nào trong bài thơ? Vì sao? 

Phương pháp giải:

Em tự liên hệ bản thân và nói lên cảm xúc của mình.   

Trả lời:

Em thích hình ảnh so sánh “Con tàu là đất nước / Đưa ta tới bến xa”. Vì hình ảnh này chứa đầy niềm tin, hi vọng vào tương lai phía trước. 

Ôn tập giữa học kì 1 Tiết 3 trang 61

Tiếng Việt lớp 3 trang 61 Câu 1: Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng.

Trả lời:

Em chủ động luyện đọc và học thuộc bài. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 61 Câu 2: Chọn 1 trong 2 đề sau:

a) Viết đoạn văn kể về một tiết học em thích.

b) Viết đoạn văn kể lại một cuộc nói chuyện điện thoại của em. 

Phương pháp giải:

Gợi ý:

a) Viết đoạn văn kể về một tiết học em thích.

- Giới thiệu về tiết học.

- Thời gian diễn ra tiết học.

- Những hoạt động trong tiết học.

- Cảm xúc của em về tiết học.

b) Viết đoạn văn kể lại một cuộc nói chuyện điện thoại của em.

- Cuộc nói chuyện diễn ra vào khi nào?

- Em thực hiện cuộc nói chuyện với ai?

- Chủ đề của cuộc nói chuyện là gì?

- Cảm xúc của em? 

Trả lời:

Em dựa vào gợi ý để viết đoạn văn.

a)

Bài tham khảo 1:

Trong các môn học, em thích nhất là mĩ thuật. Môn mĩ thuật sẽ được học vào tiết hai, buổi sáng thứ ba và thứ năm hàng tuần. Cứ đến giờ học, em lại cảm thấy vô cùng háo hức. Thầy giáo dạy mĩ thuật đã dạy chúng em cách vẽ tranh, tô màu. Em thích nhất là được vẽ những bức tranh về cây cối, hoa lá. Sau mỗi tiết học, chúng em thường đem tranh của mình ra để khoe với các bạn khác. Mỗi tiết mĩ thuật thật là vui vẻ, bổ ích.

Bài tham khảo 2: 

Một tuần, chúng em có bốn tiết học toán. Chúng em sẽ được tìm hiểu về các số, hình học hay các phép tính cộng, trừ. Mỗi tiết học toán diễn ra đều rất vui vẻ, sôi động. Bởi cô giáo thường tổ chức các trò chơi giúp cả lớp ôn tập lại kiến thức. Những phép tính khó đã trở nên dễ hiểu hơn. Em rất thích thú khi đến tiết học toán.

b)

Bài tham khảo 1:

Bố em đi công tác xa nhà. Bố thường gọi điện về hỏi thăm tình hình học tập của em. Hôm qua sau khi ăn tối xong, bố có gọi. Em nhanh nhảu bắt máy:

- Alo ạ, con là Minh đây ạ.

- Tuần vừa rồi con học thế nào? - Bố em hỏi.

- Dạ, thưa bố, tuần qua con học cũng được ạ. – Em đáp.

- Có môn nào được điểm cao không con?

- Dạ, con được 7 điểm môn Toán và 9 điểm môn Văn ạ.

Sợ bố mắng nên em nói lí nhí. Ai ngờ bố không mắng, bố nhẹ nhàng bảo rằng:

- Không sao đâu con, như vậy cũng là giỏi lắm rồi. Cuối tuần bố về sẽ dẫn cả nhà mình đi chơi. Chịu không nào?

- Dạ, vâng ạ. Con cảm ơn bố.

Tôi cười tít mắt cả lên và cảm thấy có một niềm vui nho nhỏ trong người.

Bài tham khảo 2:

Em và Na là bạn thân từ khi vào lớp 1. Nhưng năm nay Na đã chuyển trường. Dù ít gặp nhau những chúng em thường gọi điện thoại cho nhau.

Hôm qua, Na gọi điện thoại và mang đến cho em một niềm vui bất ngờ.

- Alo, Lê ơi, tớ là Na đây!

- Alo, tớ nghe! Cậu đã ăn cơm chưa?

Na bảo:

- Tớ ăn rồi! Tớ có một chuyện muốn báo cho cậu.

Em rất tò mò, em hỏi:

- Có chuyện gì vậy? Hi vọng đó là chuyện vui.

- Tất nhiên là chuyện vui rồi! – Na hào hứng đáp. – Cuối tuần này tớ xin phép bố mẹ sang nhà cậu chơi, bố mẹ đã đồng ý rồi!

Nghe Na nói vậy, em reo lên vui sướng: - Thật à! Thế là chúng mình được gặp nhau rồi! Tớ rất vui!

Sau đó chúng em đã bàn xem sẽ cùng nhau tận hưởng ngày cuối tuần như thế nào. Em rất vui và chờ đợi được gặp Na.

Ôn tập giữa học kì 1 Tiết 4 trang 61, 62

Tiếng Việt lớp 3 trang 61 Câu 1: Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng. 

Trả lời:

Em chủ động hoàn thành bài tập.  

Tiếng Việt lớp 3 trang 61 Câu 2: Nghe – viết: 

Bà mình vừa ở quê ra

Bà cho cả bưởi, cả na đi cùng

Áo bà xe cọ lấm lưng

Bưởi na bà bế bà bồng trên tay.

Đường ra tỉnh rất là dài

Qua một cái núi với hai cái cầu

Rồi bao nhiêu mái nhà cao

Bao nhiêu phố nữa, với bao nhiêu đường...

Đón bà, nhà rộn mùi hương

Theo bà có cả cây vườn quê xa. 

PHAN QUÊ

Phương pháp giải:

Chú ý:

- Viết đúng chính tả.

- Viết hoa các chữ cái đầu dòng, viết hoa tên riêng. 

Trả lời:

Em thực hiện viết bài vào vở. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 62 Câu 3: Xếp các từ ngữ dưới đây vào nhóm thích hợp:

Ôn tập giữa học kì 1 Tiết 4 trang 61, 62 Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 | Cánh diều (ảnh 1)

Phương pháp giải:

Em phân loại và sắp xếp từ vào nhóm thích hợp.  

Trả lời:

- Sự vật: núi, cầu, bưởi, xe, áo.

- Hoạt động: bồng, bế, đi, đón. 

- Đặc điểm: rộn, cao, lấm.

Tiếng Việt lớp 3 trang 62 Câu 4: Đặt câu với một từ chỉ sự vật (hoặc chỉ hoạt động, đặc điểm) em vừa tìm được.  

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập. 

Trả lời:

- Trên cầu, xe cộ nhộn nhịp di chuyển.

- Trời mưa, mẹ đi chợ về vạt áo lấm bùn. 

Ôn tập giữa học kì 1 Tiết 5 trang 62, 63

Tiếng Việt  lớp 3 trang 62 Câu 1: Đánh giá kĩ năng đọc thành tiếng, học thuộc lòng.  

Trả lời:

Em chủ động hoàn thành bài tập.  

Tiếng Việt  lớp 3 trang 62, 63 Câu 2: Nghe và kể lại câu chuyện:

CON YÊU MẸ

Ôn tập giữa học kì 1 Tiết 5 trang 62, 63 Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 | Cánh diều (ảnh 1)

Gợi ý:

a) Cô con gái 8 tuổi lo lắng về điều gì?

b) Người mẹ trách con trai như thế nào?

c) Điều gì đã làm người mẹ cảm động và ân hận?

d) Người mẹ đã làm gì với tờ giấy dán tường có bức vẽ của con? 

Phương pháp giải:

Em nghe cô giáo kể chuyện và dựa vào gợi ý để kể lại câu chuyện.   

Trả lời:

CON YÊU MẸ

Người mẹ mệt mỏi trở về từ cửa hàng sau một ngày làm việc dài đăng đẵng, kéo lê túi hàng trên sàn bếp. Đang chờ bà là đứa con trai tên David lên 8 tuổi, đang lo lắng kể lại những gì mà em nó đã làm ở nhà: “… lúc con đang chơi ngoài sân còn bố đang gọi điện thoại thì Tom lấy bút chì màu viết lên tường, lên chính tờ giấy dán tường mới mà mẹ dán trong phòng làm việc ấy! Con đã nói với nó là mẹ sẽ bực mình mà!”.

Người mẹ than thở rồi nhướng lông mày: “Bây giờ nó đâu?”. Thế rồi bà bỏ hết hàng ở đó, sải bước vào phòng của đứa con trai nhỏ, nơi nó đang trốn. Bà gọi cả tên họ của đứa bé, mà ở các nước phương Tây, khi gọi cả tên lẫn họ như thế này là thường thể hiện sự tức giận. Khi bà bước vào phòng, đứa bé run lên vì sợ, nó biết sắp có chuyện gì ghê gớm lắm. Trong 10 phút, người mẹ nguyền rủa con, là bà đã phải tiết kiệm thế nào và tờ giấy dán tường đắt ra sao! Sau khi rên rỉ về những việc phải làm để sửa lại tờ giấy, người mẹ kết tội đứa con là thiếu quan tâm đến người khác. Càng mắng mỏ con, bà càng thấy bực mình, cuối cùng bà ra khỏi phòng con, cảm thấy cáu đến phát điên!

Người mẹ chạy vào phòng làm việc để xác minh nỗi lo lắng của mình. Nhưng khi nhìn bức tường, đôi mắt bà tràn ngập nước mắt. Những gì bà đọc được như một mũi tên xuyên qua tâm hồn người mẹ. Dòng chữ viết: “Con yêu mẹ” được viền bằng một trái tim!

Và giờ đây bao thời gian trôi qua, tờ giấy dán tường vẫn ở đó, y như lúc người mẹ nhìn thấy, với một cái khung ảnh rỗng treo để bao bọc lấy nó. Đó là một sự nhắc nhở đối với người mẹ, và với tất cả mọi người: Hãy bỏ một chút thời gian để đọc những dòng chữ viết trên tường!

- Em dựa vào gợi ý để kể lại câu chuyện. 

Ôn tập giữa học kì 1 Tiết 6 trang 63, 64, 65

Đọc và làm bài tập

Ba anh em

Ôn tập giữa học kì 1 Tiết 6 trang 63, 64, 65 Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 | Cánh diều (ảnh 1)

Xưa, có ba anh em sống với nhau rất hòa thuận. Đến khi họ có gia đình riêng thì tình cảm anh em không còn được như trước nữa.

Cha mẹ già lần lượt qua đời. Mấy anh em chia của cải cha mẹ để lại ra làm ba phần đều nhau. Chỉ còn một cây cổ thụ trong vườn, cành lá xum xuê. Một người em nhất quyết đòi chia nốt. Mấy anh em gọi thợ về chặt cây để xẻ thành ván rồi chia.

Đến hôm định hạ cây xuống, ba anh em ra vườn thì thấy cây cổ thụ đã khô héo tự bao giờ. Người anh cả bèn ôm cây mà khóc. Hai người em thấy vậy, bảo:

- Một thân cây khô héo đáng giá bao nhiêu mà anh phải thương tiếc thế?

Người anh đáp:

- Anh không khóc vì tiếc cái cây. Nhưng anh buồn vì cỏ cây biết sắp phải chia lìa còn khô héo, huống chi anh em ta là ruột thịt. Anh nhìn cây nghĩ đến tình anh em nên mới khóc.

Nghe anh nói, hai người em cùng òa khóc. Từ đó, gia đình ba anh em lại sống với nhau êm ấm như xưa. Cây cổ thụ đã khô héo cũng xanh tươi trở lại. 

Truyện dân gian Trung Quốc

Tiếng Việt lớp 3 trang 64 Câu 1: Đánh dấu tích vào ô trống trước ý đúng:

a) Đoạn 1 câu chuyện cho biết ba anh em sống với nhau thế nào?

- Trước kia hòa thuận, về sau không được như trước nữa.

- Trước sau đều không hòa thuận với nhau.

- Trước sau đều hòa thuận, không có gì thay đổi.

b) Vì sao ba anh em định chặt cây cổ thụ để chia nhau?

- Vì cây cổ thụ đã khô héo.

- Vì cả ba anh em đều cần có gỗ.

- Vì một người em nhất quyết đòi chia.

c) Chuyện gì xảy ra khi mấy anh em chuẩn bị hạ cây cổ thụ?

- Cây cổ thụ xum xuê khác thường.

- Cây cổ thụ bỗng nhiên khô héo.

- Cây cổ thụ xanh tươi hơn trước.

d) Vì sao người anh cả ôm cây mà khóc?

- Vì ông nhìn cây mà buồn về chuyện anh em không hòa thuận.

- Vì ông không muốn chia cái cây cho hai người em.

- Vì ông không muốn chia của cải cha mẹ để lại.

e) Chi tiết cây cổ thụ xanh tươi trở lại thể hiện điều gì?

- Cây cổ thụ vui vì nó đã khỏi bệnh.

- Cây cổ thụ vui vì nó mọc cành lá xum xuê.

- Cây cổ thụ vui vì ba anh em lại hòa thuận như xưa. 

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ bài đọc hoàn thành bài tập.  

Trả lời:

a) Đoạn 1 câu chuyện cho biết ba anh em sống với nhau thế nào?

- Trước kia hòa thuận, về sau không được như trước nữa.

b) Vì sao ba anh em định chặt cây cổ thụ để chia nhau?

- Vì một người em nhất quyết đòi chia.

c) Chuyện gì xảy ra khi mấy anh em chuẩn bị hạ cây cổ thụ?

- Cây cổ thụ bỗng nhiên khô héo.

d) Vì sao người anh cả ôm cây mà khóc?

- Vì ông nhìn cây mà buồn về chuyện anh em không hòa thuận.

e) Chi tiết cây cổ thụ xanh tươi trở lại thể hiện điều gì?

- Cây cổ thụ vui vì ba anh em lại hòa thuận như xưa. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 65 Câu 2: Tìm trong bài đọc:

a) Một từ có nghĩa giống hòa thuận.

b) Một từ có nghĩa trái ngược với khô héo. 

Phương pháp giải:

Em đọc bài đọc để trả lời.  

Trả lời:

a) Một từ có nghĩa giống hòa thuận: êm ấm.

b) Một từ có nghĩa trái ngược với khô héo: xanh tươi, xum xuê. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 65 Câu 3: Đặt câu với một từ em vừa tìm được.  

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và hoàn thành bài tập.  

Trả lời:

Cây phượng trước nhà cành lá xum xuê, hoa nở đỏ rực cả một vùng trời.  

Ôn tập giữa học kì 1 Tiết 7 trang 65

Tiếng Việt lớp 3 trang 65 Câu 1: Viết đoạn văn kể về một sự việc hoặc hoạt động mà em được chứng kiến hoặc tham gia ở trường. 

Phương pháp giải:

Gợi ý:

- Giới thiệu về sự kiện hoặc hoạt động về em tham gia hoặc chứng kiến.

- Trong sự kiện đó xảy ra những chuyện gì?

- Cảm xúc của em khi đó? 

Trả lời:

Bài tham khảo 1:

Vào thứ sáu hàng tuần, trường em sẽ tổ chức cho học sinh tổng vệ sinh toàn trường. Lớp chúng em được phân công quét dọn khu vực nhà thể chất. Sau khi dọn dẹp xong lớp học, cả lớp nhanh chóng đến khu vực được phân công để dọn dẹp. Nhà thể chất của trường em cũng khá rộng. Đây là nơi dành cho học sinh học thể dục hoặc diễn ra hội thao của trường. Bạn lớp trưởng đã chia lớp ra thành bốn nhóm theo bốn tổ. Mỗi tổ phụ trách một công việc khác nhau. Tổ một phụ trách quét dọn khu vực sàn nhà thể chất. Tổ hai phụ trách nhặt giấy rác trên khu vực khán đài. Tổ ba phụ trách quét dọn lá khô, giấy rác xung rơi xung quanh nhà thể chất. Còn tổ bốn, cũng là tổ của em thì phụ trách lau cửa sổ và cửa ra vào. Sau một buổi chiều lao động chăm chỉ và hăng say. Chúng em đã khiến cho nhà thể chất trở nên sạch sẽ. Cả lớp cảm thấy rất vui vẻ vì đã góp phần vệ sinh trường lớp, bảo vệ môi trường.

Bài tham khảo 2:

Trong các hoạt động và lễ hội do nhà trường tổ chức như hội hoá trang, tham quan ngoại khóa ở Kizcity, lễ khai giảng, lễ Noel,…Em thích nhất là chuyến tham quan ngoại khoá ở Kizcity.

Buổi sáng hôm ấy, bầu trời trong xanh có những chú chim hót véo von trong vòm cây, chúng em rất nô nức đi tham quan. Chúng em có mặt tại trường lúc sáu giờ sáng, Chú hướng dẫn viên tập trung và dẫn chúng em di chuỵển ra xe, xe bắt đầu lăn bánh. Khi đến Kizcity, em và các bạn trải nghiệm rất nhiều ngành nghề khác nhau như làm bánh, thợ sửa xe, điều dưỡng ở bệnh viện nhi, lính cứu hoả,…Em thích nhất là nghề điều dưỡng. Ở đấy, em học được cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Em thấy các bạn, ai ai cũng náo nức muốn được học làm việc này, việc kia. Chúng em còn được nghỉ trưa và dùng bữa với bạn bè và thầy cô. Sau đó, em vào vườn nông nghiệp học cách trồng cây. Em phải dùng xẻng  và hạt giống như các bác nông dân, trồng xong em nhận được năm kizo.Khi nghe tiếng còi của chú hướng dẫn viên, chúng em tập trung  để chuẩn bị ra về. Em cảm thấy chuyến tham quan thật đặc sắc và thú vị, giúp chúng em được trải nghiệm về các ngành nghề và định hướng cho các em về các nghề trong tương lai. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 65 Câu 2: Viết đoạn văn kể về một kỉ niệm đáng nhớ của em với một người thân trong gia đình.  

Ôn tập giữa học kì 1 Tiết 7 trang 65 Tiếng Việt lớp 3 Tập 1 | Cánh diều (ảnh 1)

Phương pháp giải:

Gợi ý:  

- Kỉ niệm đáng nhớ của em với ai?

- Câu chuyện xảy ra khi nào?

- Câu chuyện xảy ra như thế nào?

- Cảm xúc của em khi đó như thế nào? 

Trả lời:

Bài tham khảo 1:

Trong gia đình em, bà ngoại là người cao tuổi nhất, bà luôn là người mẫu mực, dạy bảo cho con cháu những điều hay lẽ phải, em rất yêu quý bà, sau đây em xin kể về bà ngoại của em.

Bà ngoại em năm nay hơn 80 tuổi, lưng bà đã cong nên đi đâu bà cũng phải chống gậy, da bà có rất nhiều nếp nhăn và những vết đồi mồi, tóc bà đã bạc riêng còn đôi mắt vẫn rất tinh. Những buổi trưa ngủ dậy em thường nhổ những chiếc tóc trắng sâu cho bà và khi đó bà sẽ lại kể chuyện cho em nghe. Bà rất hay đọc báo, bà nói đọc để luyện mắt và nắm bắt thông tin. Mỗi lần đọc báo bà lại đeo chiếc kính lão và khi đọc xong bà lại lau chùi cẩn thận rồi cho vào hộp cất trong ngăn kéo tủ. Nghe mẹ kể khi em còn bé, em rất hay ốm, những lúc mẹ vắng nhà mà em đau ốm bà lại tất tả chăm sóc chu đáo cho em, có đêm nào mà nhớ mẹ không ngủ được thì bà lại kê chuyện cổ tích và hát ru cho em nghe. Ngày còn bé chắc là em không nhớ nhưng bây giờ nghe bà hát em vẫn thấy rất hay, giọng bà trong trẻo nhưng ấm áp và da diết lạ thường. Mỗi ngày bà lại thêm yếu, em thường hay xoa bóp chân tay cho bà vì bà rất mỏi, mỗi lần như thế bà lại xoa đầu em và mỉm cười.

Em rất yêu quý bà, không chỉ vì bà là người cao tuổi nhất trong gia đình mà còn vì bà luôn dạy cho em những đạo lý làm người, biết kính trên nhường dưới, trung thực, nghe lời và hiếu thảo. Em mong bà sẽ mãi bên em để em sẽ luôn được dạy dỗ và chỉ bảo.

Bài tham khảo 2:

Kỉ niệm đáng nhớ nhất của em là về ngày đầu tiên đi học. Tối hôm trước, mẹ đã giúp em chuẩn bị mọi thứ đầy đủ. Còn em chỉ cần đi ngủ thật sớm để ngày mai thức dậy đúng giờ. Sáng hôm sau, em thức dậy vào lúc sáu giờ. Em đánh răng rửa mặt, ăn sáng và mặc bộ đồng phục mới. Đúng bảy giờ, mẹ đã đưa em đến trường bằng chiếc xe máy cũ. Trên đường đi, em cảm thầy vừa hân hoan, vừa lo lắng. Chẳng bao lâu, ngôi trường Tiểu học đã hiện ra trước mắt. Từ phía ngoài đường nhìn vào đã thấy chiếc cổng trường rất to, phía trên cao là bảng tên trường. Đi sâu vào bên trong sẽ nhìn thấy sân trường rất rộng rãi, được đổ bê tông phẳng lì. Mẹ đưa em đến phòng học đã có cô giáo đứng chờ. Em nép phía sau lưng mẹ mà không dám bước vào. Mẹ đã ân cần động viên em. Giọng nói nhẹ nhàng, cùng ánh mắt trìu mến của mẹ đã tiếp cho em một nguồn động lực to lớn. Em nghe lời mẹ bước vào lớp cùng cô giáo. Buổi học đầu tiên rất vui vẻ, thú vị. Em đã quen được rất nhiều bạn mới. Đến chiều về, em đã kể lại cho mẹ nghe về buổi học. Em cảm thấy thật hạnh phúc vì đã có mẹ ở bên vào một ngày đặc biệt. 

Xem thêm các bài giải SGK Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 4: Mái ấm gia đình

Bài 6: Yêu thương, chia sẻ

Bài 7: Khối óc và bàn tay

Bài 8: Rèn luyện thân thể

Đánh giá

0

0 đánh giá