Giải SGK Kinh tế Pháp luật 11 Bài 10 (Kết nối tri thức): Bình đẳng trong các lĩnh vực

6.7 K

Lời giải bài tập Giáo dục Kinh tế Pháp luật lớp 11 Bài 10: Bình đẳng trong các lĩnh vực sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi Kinh tế Pháp luật 11 Bài 10 từ đó học tốt môn KTPL 11.

Giải bài tập KTPL lớp 11 Bài 10: Bình đẳng trong các lĩnh vực

Mở đầu trang 60 KTPL 11: Hãy chia sẻ với các bạn trong lớp về những việc làm của các thành viên trong gia đình em thể hiện được sự bình đẳng giới.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Một số việc làm của các thành viên trong gia đình em thể hiện sự bình đẳng giới:

- Bố và mẹ em cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau thực hiện các công việc trong gia đình.

- Các thành viên trong gia đình đều tôn trọng, yêu thương nhau, cùng nhau tham gia bàn bạc, nêu ý kiến, quan điểm về các vấn đề.

- Bố mẹ yêu thương, đối xử công bằng, bình đẳng, không phân biệt giới tính giữa các con.

- ……

1. Một số quy định cơ bản của pháp luật về bình đẳng giới trong các lĩnh vực

Câu hỏi 1 trang 61 KTPL 11: Từ thông tin 3, em có nhận xét gì về việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở nước ta?

Lời giải:

 Yêu cầu số 1: 

- Trong thông tin 3 cho thấy, nước ta rất chú trọng đến việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, thể hiện qua thực tế là: Tại tất cả các cơ quan quyền lực của nhà nước từ trung ương đến địa phương đều có một tỉ lệ nữ đại biểu nhất định và đạt ở mức cao trên thế giới.

- Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn chưa tương xứng so với tỉ lệ nữ trong dân số và chưa đạt được mức mà nhà nước mong muốn, do đó: trong thời gian tới nhà nước ta vẫn tiếp tục chú trọng thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị để đảm bảo tỉ lệ nữ trong các cơ quan nhà nước cao hơn so với hiện nay.

Câu hỏi 2 trang 61 KTPL 11: Ở trường hợp 4, theo em hành vi của ông N có vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị không? Hậu quả mà ông N có thể phải chịu trách nhiệm khi thực hiện hành vi này là gì? Vì sao?

Lời giải:

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 125/NĐ-CP ngày 18/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới thì hành vi của ông N đã vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị vì ông đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là chị M. Ông N có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng vì hành vi này.

Câu hỏi 3 trang 61 KTPL 11: Em hãy lấy ví dụ trong thực tiễn về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính tri ở nước ta hiện nay.

Lời giải:

- Một số ví dụ về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở nước ta:

+ Ngày 31/3/2016, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, bà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu làm Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Bà trở thành nữ chính khách Việt Nam đầu tiên giữ các cương vị này, đồng thời cũng là người đầu tiên thực hiện quy định tuyên thệ khi nhậm chức.

+ Ngày 26/7/2021, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, bầ Võ Thị Ánh Xuân được bầu giữ chức Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Câu hỏi 1 trang 62 KTPL 11: Theo em, mong muốn của ông bà nội A có phù hợp với quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế không? Vì sao?

Lời giải:

Mong muốn của ông bà nội A không phù hợp với quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, bởi vì, theo quy định của pháp luật thì bố và mẹ A bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lí doanh nghiệp,…

Câu hỏi 1 trang 62 KTPL 11: Em hãy cho biết, nội dung quy định tại khoản 3 Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019 nhằm mục đích gì? Vì sao?

Lời giải:

Nội dung quy định tại khoản 3 Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019 nhằm mục đích thúc đẩy và bảo đảm thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, vì những quy định đó có thể ngăn chặn và tạo điều kiện để xử lí những người sử dụng lao động do định kiến giới mà đối xử bất bình đẳng, trả lương cho lao động nữ thấp hơn lao động nam khi họ làm công việc có vị trí như nhau.

Câu hỏi 2 trang 62 KTPL 11: Thông báo tuyển dụng giáo viên của Trường Mầm non dân lập B có vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động không? Trường Mầm non dân lập B có thể phải chịu hậu quả gì về hành vi này? Vì sao?

Lời giải:

Thông báo tuyển dụng giáo viên của Trường Mầm non dân lập B đã vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, bởi vì, thông báo đó đã thể hiện sự từ chối tuyển dụng người lao động thuộc giới tính nam. Theo khoản 2 Điều 8 Nghị định số 125/2021/ NĐ-CP ngày 18/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới thì Trường Mầm non A có thể bị phạt tiền từ 10 000 000 đồng đến 15 000 000 đồng.

Câu hỏi 3 trang 62 KTPL 11: Em hãy lấy ví dụ trong thực tiễn về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động ở nước ta hiện nay.

Lời giải:

ví dụ về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động ở nước ta hiện nay

- Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019, có 54,6 triệu lao động Việt Nam có việc làm, trong đó, lao động nam đạt gần 28,8 triệu người (chiếm khoảng 52.7%) và lao động nữ là 25,9 triệu người (chiếm khoảng 47.3%).

- Theo báo cáo của Tổ chức lao động quốc tế, phụ nữ Việt Nam tham gia lực lượng lao động với tỉ lệ cao hơn mức trung bình của toàn cầu và khu vực. Năm 2019, có 70,9% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động tham gia thị trường lãnh đạo. Tỷ lệ tương ứng ở cấp độ toàn cầu là 47,2%, và tỷ lệ ở Châu Á - Thái Bình Dương thậm chí còn thấp hơn, ở mức 43,9%.

Câu hỏi 1 trang 63 KTPL 11: Nội dung quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Giáo dục năm 2019 đề cập đến vấn đề gi?

Lời giải:

Nội dung quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Giáo dục năm 2019 đề cập đến vấn đề bình đẳng trong cơ hội học tập giữa mọi công dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế, trong đó có bình đẳng giữa nam và nữ; từ đó tạo cơ sở để bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đồng thời cũng xác định quyền và nghĩa vụ học tập cho công dân, không kể nam, nữ; xác định trách nhiệm của Nhà nước là phải xây dựng trường lớp các cấp, các loại hình, các chương trình giáo dục, đào tạo, tổ chức tuyển sinh, đào tạo... để công dân thực hiện được quyền và nghĩa vụ học tập của mình.

Câu hỏi 2 trang 63 KTPL 11Theo em, trong thông tin 3, việc tổ chức thi tuyển và cử người đi tu nghiệp tại nước ngoài của Công ty X có phù hợp với quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo không? Vì sao?

Lời giải:

Việc tổ chức thi tuyển và cử người đi tu nghiệp tại nước ngoài của Công ty X hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, vì công ty này đã tạo cơ hội và bảo đảm cho người lao động nam và nữ bình đẳng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Câu hỏi 3 trang 63 KTPL 11: Em hãy lấy ví dụ trong thực tiễn về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay.

Lời giải:

ví dụ về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục ở nước ta hiện nay

- Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019 - 2020, trên cả nước có khoảng 8,718,356 học sinh tiểu học. Trong đó có 4,165,968 học sinh nữ (chiếm khoảng 47.7%) và 4,552,388 học sinh nam (chiếm khoảng 52.3%)

Câu hỏi 1 trang 64 KTPL 11: Theo em, trong các trường hợp 2, 3, ai là người thực hiện đúng, ai là người vi phạm quy định về bình đẳng giới trong gia đình ? Vì sao?

Lời giải:

- Hành vi của ông M là thực hiện pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình, cụ thể là việc thực hiện quy định “Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự; có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình” của Luật Bình đẳng giới năm 2006.

- Hành vi của anh T là vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình vì anh không chia sẻ các việc nhà với vợ.

Câu hỏi 2 trang 64 KTPL 11: Hãy kể những việc mà em và người thân đã làm để thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình.

Lời giải:

Một số việc mà em và người thân đã làm để thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình:

- Bố và mẹ em cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau thực hiện các công việc trong gia đình.

- Các thành viên trong gia đình đều tôn trọng, yêu thương nhau, cùng nhau tham gia bàn bạc, nêu ý kiến, quan điểm về các vấn đề.

- Bố mẹ yêu thương, đối xử công bằng, bình đẳng, không phân biệt giới tính giữa các con.

2. Ý nghĩa của bình đẳng giới đối với đời sống của con người và xã hội

Câu hỏi 1 trang 65 KTPL 11: Ở thông tin 1, việc thực hiện bình đẳng giới đã mang lại những kết quả gì đối với đời sống của con người và xã hội?

Lời giải:

Việc thực hiện bình đẳng giới ở nước ta đã mang lại những thay đổi tích cực ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và các lĩnh vực khác. Cụ thể: 

- Về chính trị, phụ nữ đã nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, lần đầu tiên có 3 nữ uỷ viên Bộ Chính trị, nữ Chủ tịch Quốc hội (giai đoạn 2011 - 2020). Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế và có nhiều cơ hội để có những việc làm tốt, mang lại thu nhập cao hơn.

- Về giáo dục, tỉ lệ nhập học của trẻ em trai và trẻ em gái ở bậc Tiểu học và Trung học đều cao và cân đối.

Câu hỏi 2 trang 65 KTPL 11: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là nhằm mục đích gì? Vì sao?

Lời giải:

- Quy định về số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 nhằm mục đích bảo đảm thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. 

- Bởi vì, nếu không quy định như vậy thì số lượng đại biểu nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân có thể sẽ rất ít và do đó sẽ không bảo đảm được tiếng nói đại diện và phản ánh nguyện vọng của phụ nữ - một nửa dân số trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của cả nước và của mỗi địa phương; trong việc quản lí nhà nước, hoạt động xã hội; tham gia xây dựng và thực hiện các quy tắc chung. Việc bảo đảm một tỉ lệ thích đáng phụ nữ tham gia vào các cơ quan trong bộ máy nhà nước sẽ bảo đảm cho nam, nữ cùng có tiếng nói chung, được cùng tham gia và có vị trí, vai trò ngang nhau trong việc quyết định các vấn đề chung của đất nước, địa phương, cơ quan, tổ chức và gia đình, làm cho các quyết định đó phù hợp với lợi ích và nhu cầu của cả hai giới, tạo cho hai giới có cơ hội như nhau trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 66 KTPL 11: Em đồng tình với ý kiến của C hay T trong trường hợp dưới đây? Vì sao?

Trường hợp: Trong buổi thảo luận nhóm về các nội dung liên quan đến bình đẳng giới, B nêu ý kiến: Theo các bạn, chúng mình có thể thực hiện pháp luật về bình đẳng giới bằng cách nào?

- C nói: Mình cho rằng các bạn nam có thể thực hiện pháp luật về bình đẳng giới bằng cách phụ giúp bố mẹ kiếm tiền để chăm lo cho gia đình, còn các bạn nữ thì có thể thực hiện pháp luật về bình đẳng giới bằng cách giúp mẹ làm công việc nội trợ.

- T nói: Theo mình, dù là nam hay nữ thì chỉ cần chia sẻ công việc gia đình với ông bà, bố mẹ phù hợp với năng lực của mỗi người là đã thực hiện pháp luật về bình đẳng giới rồi.

Lời giải:

- Đồng tình với ý kiến của bạn T. Vì: theo quy định của pháp luật: Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển; các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình...

Luyện tập 2 trang 66 KTPL 11: Em hãy cho biết mỗi biện pháp được nêu trong thông tin dưới đây nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực nào? Vì sao?

a. Bảo đảm tỉ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

b. Quy định tỉ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động.

c. Quy định tỉ lệ nam, nữ tham gia học tập, đào tạo.

d. Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật

Lời giải:

- Thông tin a. Biện pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

- Thông tin b.Biện pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động.

- Thông tin c. Biện pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

- Thông tin d. Biện pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế.

Luyện tập 3 trang 66 KTPL 11: Em hãy cho biết, quy định pháp luật dưới đây được ban hành nhằm xử phạt chủ thể vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực nào? Vì sao?

Khoản 3, 4 Điều 9 Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 18 - 12 - 2021 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới quy định.

“3/ Phạt tiền từ 2 000 000 đồng đến 3 000 000 đồng đối với hành vi vận động, ép buộc người khác nghỉ học vì lí do giới tính.

4/ Phạt tiền từ 5 000 000 đồng đến 10 000 000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây.

a) Vận động, ép buộc có tổ chức nhiều người nghỉ học  lí do giới tính;

b) Từ chối tuyển sinh đối với người có đủ điều kiện vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng vì lí do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ...”

Lời giải:

- Khoản 3, 4 Điều 9 Nghị định số 125/2021/NĐ-CP được ban hành nhằm xử phạt chủ thể vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bởi vì, theo quy định này:

+ Chủ thể nào vận động, ép buộc người khác nghỉ học vì lí do giới tính thì có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng; 

+ Chủ thể nào vận động, ép buộc có tổ chức nhiều người nghỉ học vì lí do giới tính hoặc từ chối tuyển sinh đối với người có đủ điều kiện vào các khoá đào tạo, bồi dưỡng vì lí do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Luyện tập 4 trang 66 KTPL 11: Em hãy nhận xét hành vi của các chủ thể trong những trường hợp sau

Trường hợp a. T có một em gái, mẹ là giáo viên và bố là doanh nhân. Hằng ngày, mọi công việc trong nhà đều do mẹ và em gái đảm nhận. Chỉ những ngày kỉ niệm Quốc tế phụ nữ 8 - 3 hay thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20 - 10, bố và T mới bàn nhau mua hoa, tặng quà và chia sẻ việc nhà với mẹ và em gái.

Hành vi của T và bố T có phù hợp với quy định của pháp luật về bình đẳng giới không? Vì sao?

Trường hợp b. Bố A làm việc trong một công ty may mặc. Bố rất yêu thương, quan tâm chăm sóc cho A và em gái. Bố thường xuyên nhắc nhở A không được bắt nạt em và cùng bố mẹ làm những công việc nội trợ trong nhà.

Hành vi của bố A có thực hiện đúng pháp luật về bình đẳng giới không? Vì sao?

Trường hợp c. Công ty D tuyển nhân viên làm lái xe taxi. Chị K đến nộp hồ sơ dự tuyển nhưng bị Công ty từ chối với lí do chị là nữ, làm việc một thời gian rồi sinh con, nuôi con nhỏ sẽ ảnh hưởng đến công việc.

Việc Công ty D từ chối nhận hồ sơ dự tuyển của chị K có vi phạm pháp luật về bình đẳng giới không? Vì sao?

Lời giải:

- Trường hợp a. Hành vi của T và bố T không phù hợp với quy định của pháp luật về bình đẳng giới. Vì theo quy định của Luật Bình đẳng giới năm 2006 thì bố T và T có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình với mẹ và em gái hằng ngày chứ không phải chỉ có ngày 8 - 3 và 20 - 10 mới chia sẻ.

- Trường hợp b. Hành vi của bố A là thực hiện đúng pháp luật về bình đẳng giới. Vì bố A không chỉ yêu thương, quan tâm chăm sóc cho cả hai anh em A mà còn thường xuyên nhắc nhở A không được bắt nạt em và cùng bố mẹ làm những công việc nội trợ trong nhà.

- Trường hợp c. Việc Công ty D từ chối nhận hồ sơ dự tuyển của chị K là vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động. Vì Công ty D đã từ chối tuyển dụng người lao động thuộc giới tính nữ và theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 125/2021/NĐ-CP thì Công ty D có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Luyện tập 5 trang 67 KTPL 11: Em hãy nêu hướng giải quyết các tình huống sau:

Tình huống a. C có bố là bác sĩ và mẹ là doanh nhân. Mặc dù công việc ở bệnh viện khá bận rộn nhưng khi về nhà, bố C thường chia sẻ việc nhà với vợ, con. Khi thấy bố C rửa bát, lau nhà, giặt quần áo, bà nội của C không hài lòng vì cho rằng đó không phải là công việc của nam giới.

Nếu là C, em sẽ thuyết phục bà nội như thế nào để bà có thể đồng tình và ủng hộ việc làm của bố?

Tình huống b. Bố mẹ M muốn mua một căn hộ mới rộng rãi và tiện nghi hơn nhưng bố thì thích căn hộ trong khu đô thị còn mẹ lại muốn ở khu dân cư ngoài phố. Mẹ M dự định sẽ tự mua nhà theo ý mình mà không cần sự đồng thuận của bố.

Nếu là M, em sẽ thuyết phục mẹ như thế nào để bảo đảm thực hiện đúng pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình?

Tình huống c. Gia đình H là người dân tộc thiểu số theo chế độ mẫu hệ. Khi chị gái H kết hôn thì anh rể về sống cùng với gia đình H. Sau khi chung sống được 10 năm thi chồng chị H đề nghị li hôn. Trong phiên toà xử li hôn, Toà án đã ra bản án tuyên bố mẹ H phải chia cho anh rể H một phần tài sản thuộc tài sản chung của gia đình tương xứng với công sức đóng góp của anh cho gia đình trong 10 năm. Tuy nhiên, khi anh rể H yêu cầu được chia tài sản thì bố mẹ H kiên quyết không chia vì cho rằng theo luật tục, anh rể H là người chủ động xin li hôn nên không được chia tài sản.

Nếu là H, em sẽ thuyết phục bố mẹ như thế nào để bố mẹ thực hiện đúng bản án của Toà án nhân dân?

Lời giải:

- Tình huống a. Để thuyết phục bà nội ủng hộ việc làm của bố, C nên giải thích cho bà hiểu rằng việc làm của bố mình là thực hiện đúng quy định của pháp luật về trách nhiệm chia sẻ việc nhà của các thành viên trong gia đình.

- Tình huống b. Để thuyết phục mẹ, M nền giải thích cho mẹ hiểu rằng nếu mẹ tự mua nhà theo ý mình mà không có sự đồng thuận của bố thì mẹ đã vi phạm pháp luật, vì theo quy định của Luật Bình đẳng giới năm 2006 thì bố, mẹ bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình; bố và mẹ có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình.

- Tình huống c. Để thuyết phục bố mẹ, H nên giải thích cho bố mẹ rằng theo quy định của pháp luật thì chị gái và anh rể H có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của anh chị và quyết định các nguồn lực trong gia đình, vì thế, Toà án đã quyết định gia đình phải trả cho anh rể phần tài sản thuộc quyền sở hữu của anh, nếu không thì sẽ vi phạm pháp luật và bị Nhà nước xử lí theo pháp luật.

Vận dụng

Vận dụng trang 67 KTPL 11: Viết bài chia sẻ một việc làm cụ thể của bản thân em liên quan đến việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình hoặc trong lớp em.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Bài viết tuyên truyền với nội dung “Các thành viên trong gia đình cùng nhau chia sẻ việc nhà”

Từ bao đời nay, người ta vẫn quan niệm việc nhà là việc của phụ nữ. Đó là những công việc vặt vãnh, không tên, nhẹ nhàng, đơn giản, ai làm cũng được. Chính nhiều phụ nữ cũng còn cho rằng chỉ có mình mới làm tốt công việc nội trợ; có một số phụ nữ không khuyến khích nam giới làm mà còn tỏ ra ái ngại khi thấy chồng hoặc con trai làm những công việc nội trợ một cách vụng về. Nam giới ít khi làm việc nhà vì họ nghĩ rằng: Nam giới là trụ cột gia đình nên chỉ làm việc lớn; nam giới làm việc vặt sẽ mất thể diện với mọi người trong gia đình, bạn bè, hàng xóm; trong khi phụ nữ làm việc nhà khéo hơn nam giới; Trách nhiệm của phụ nữ là sinh đẻ, nuôi dạy con gắn với nội trợ trong gia đình; Mẹ nói năng nhẹ nhàng, tình cảm nên để mẹ dạy con tốt hơn còn bố nóng tính, hay quát mắng con làm con dễ sợ và bố chỉ dạy con việc lớn. Do vậy, nam giới không thường xuyên làm việc nhà, họ chỉ làm khi không có người phụ nữ nào giúp; nhưng trong thực tế nam giới cũng có thể làm tốt các công việc như đi chợ, nấu ăn, chăm sóc người già, trẻ con, người ốm, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, chăm sóc, dạy dỗ con.

Cùng nhau chia sẻ việc nhà sẽ mang lại nhiều lợi ích:

- Đối với người vợ:

Nếu không được người chồng chia sẻ việc nhà thì người vợ phải làm quá nhiều việc nhà, bản thân người vợ phải chịu nhiều thiệt thòi, sức khỏe giảm sút, gầy yếu, nhanh già hơn chồng; có ít thời gian nghỉ ngơi, giải trí; thiếu thời gian học tập nên thiếu kiến thức về mọi mặt; không có thời gian tham gia các hoạt động chung của cộng đồng, nên thiếu mạnh dạn, tự ti, vị trí xã hội thấp dần; thiếu hiểu biết để cùng chồng bàn bạc các công việc gia đình và xã hội; quan hệ vợ chồng thiếu đồng cảm.

Nếu được người chồng cùng gánh vác công việc gia đình, người vợ sẽ giảm gánh nặng công việc, có thời gian học tập, tham gia hoạt động xã hội để nâng cao kiến thức, mạnh dạn, tự tin trong cuộc sống, địa vị người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội được nâng cao; chị em có thời gian tham gia hoạt động thể dục thể thao rèn luyện sức khoẻ; có thời gian nghỉ ngơi, giải trí làm phong phú đời sống tinh thần, vui vẻ, trẻ lâu và không khí gia đình hòa thuận, hạnh phúc.

- Đối với con cái:

Khi người bố không chia sẻ công việc gia đình thì quan hệ tình cảm giữa bố và con ít gần gũi, thiếu sự cảm thông; trẻ phát triển không toàn diện vì thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của người bố; trẻ em trai chịu ảnh hưởng của tính gia trưởng và thiếu trách nhiệm; trẻ em gái trở lên tự ti, mặc cảm, an phận.

Khi người bố tham gia nhiều hơn vào việc nhà sẽ mang lại nhiều lợi ích cho con cái; trẻ phát triển cân đối, khỏe mạnh, thông minh, ngoan ngoãn; con cái tự hào về bố, mẹ và gia đình; con học tập gương bố để tự giác làm việc nhà; quan hệ tình cảm bố con gắn bó hơn; trẻ sớm có hiểu biết về bình đẳng giới.

- Đối với người chồng: Người chồng cũng tự hào có gia đình hạnh phúc, vợ đẹp, con khôn; thông cảm hơn với sự vất vả, khó khăn của người vợ; thạo việc gia đình và dạy con làm tốt hơn; là tấm gương tốt cho con noi theo; có uy tín hơn đối với các con.

Do đó:

- Mọi người cần thay đổi quan điểm lạc hậu để nam giới chia sẻ công việc nội trợ, chăm sóc dạy dỗ con. Các thành viên trong gia đình, nhất là phụ nữ cần mạnh dạn khuyến khích, động viên nam giới cùng chia sẻ công việc gia đình.

Nam giới sẽ tích cực chia sẻ việc nhà khi được gia đình, họ hàng, bạn bè, hàng xóm.... đặc biệt là người vợ động viên, khuyến khích.

Nam giới làm việc nhà là việc làm đáng tự hào và có ý nghĩa thiết thực, góp phần vào sự phát triển bền vững của gia đình và xã hội vì nó hỗ trợ phụ nữ có điều kiện tiến bộ và bình đẳng, trẻ em được đảm bảo quyền lợi.

Lý thuyết KTPL 11 Bài 10: Bình đẳng trong các lĩnh vực

1. Một số quy định cơ bản của pháp luật về bình đẳng giới trong các lĩnh vực

a) Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

- Trong lĩnh vực chính trị là: Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của các tổ chức khác.

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 10: Bình đẳng trong các lĩnh vực | Kinh tế Pháp luật 11

b) Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế

- Trong lĩnh vực kinh tế là: Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường....

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 10: Bình đẳng trong các lĩnh vực | Kinh tế Pháp luật 11

c) Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động

- Trong lĩnh vực lao động là: Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác,...

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 10: Bình đẳng trong các lĩnh vực | Kinh tế Pháp luật 11

d) Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

- Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo là: Nam, nữ bình đẳng về độ tuổi đi học, đào tạo, bồi dưỡng; trong việc lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo; trong việc tiếp cận và hưởng thụ các chính sách về giáo dục, đào tạo.....

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 10: Bình đẳng trong các lĩnh vực | Kinh tế Pháp luật 11

e) Bình đẳng giới trong gia đình

- Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. ở thành quả của sự phát triển đó.

- Trong gia đình là:

+ Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình;

+ Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển; các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình...

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 10: Bình đẳng trong các lĩnh vực | Kinh tế Pháp luật 11

- Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới như: bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động.... không bị coi là phân biệt đối xử về giới.

2. Ý nghĩa của bình đẳng giới đối với đời sống của con người và xã hội

- Bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống gia đình và xã hội sẽ:

+ Bảo đảm cho nam, nữ có cơ hội cùng có tiếng nói chung, cùng tham gia và có vị trí, vai trò ngang nhau trong việc quyết định các vấn đề chung của đất nước, địa phương, cơ quan, tổ chức cũng như mỗi gia đình;

+ Mang lại những thay đổi tích cực trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các lĩnh vực khác của xã hội.

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 10: Bình đẳng trong các lĩnh vực | Kinh tế Pháp luật 11

Xem thêm các bài giải SGK Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

 
Đánh giá

0

0 đánh giá