Tìm hiểu về phong cách viết của những tác giả có bài học được sưu tầm ở trên

726

Với giải Câu hỏi 2 trang 90 Chuyên đề Văn 10 Kết nối tri thức chi tiết trong Viết bài về một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập Chuyên đề Văn 10. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập Chuyên đề Văn 10 Viết bài về một tập thơ, một tập truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết

Câu 2 (trang 90, SGK Chuyên đề học tập, Ngữ văn 10 – Kết nối): Tìm hiểu về phong cách viết của những tác giả có bài học được sưu tầm ở trên.

Trả lời

Tham khảo:

Phong cách sáng tác của Nguyễn Trãi

- Tư tưởng nhân nghĩa và niềm trăn trở về thế thái nhân tình

Tư tưởng nhân nghĩa. Nguyễn Trãi là nhà Nho hành đạo, người thấm sâu tư tưởng đạo lý Nho gia, người sống luôn đặt chữ “Nhân”, chữ “Đức”, chữ “Nghĩa” lên đầu. “Nhân nghĩa”, hiểu một cách đơn giản là lòng yêu nước, thương dân. Phạm Văn Đồng cho rằng: “Triết lý nhân nghĩa của Nguyễn Trãi cuối cùng chẳng qua là lòng yêu nước thương dân, cái nhân cái nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng chống ngoại xâm, diệt bạo tàn, vì độc lập của nước, hạnh phúc của dân”. Với Nguyễn Trãi, “nhân nghĩa” không chỉ là tư tưởng chính trị, tình cảm, tấm lòng với dân với nước, mà nó đã trở thành tư tưởng nghệ thuật, thành cảm hứng thẩm mĩ, chảy dài, xuyên suốt toàn bộ sáng tác của ông từ chữ Hán đến chữ Nôm, từ văn chính luận đến thơ ca thẩm mĩ.

Mở đầu tác phẩm Bình Ngô đại cáo Nguyễn Trãi viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo. “Nhân nghĩa” theo Nguyễn Trãi là “cốt ở yên dân”, là “điếu phạt”. “Nhân nghĩa” là làm cho dân được bình yên, hạnh phúc. Hai từ “điếu phạt” xuất phát từ cụm từ “điếu dân phạt tội”, tức thương yêu nhân dân mà trừng trị kẻ có tội với nhân dân, trừng trị lũ giặc cướp nước. Như vậy, cốt lõi của tư tưởng “nhân nghĩa”, theo Nguyễn Trãi là tấm lòng yêu nước thương dân, là mong mỏi, đấu tranh cho sự yên bình, hạnh phúc của nhân dân, là trừng trị những kẻ có tội với nhân dân. Áng “thiên cổ hùng văn” Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi vâng lệnh vua mà viết; nhưng sở dĩ nó trở thành bất hủ một phần quan trọng bởi đây cũng là một cơ hội ngàn vàng để Nguyễn Trãi tự bộc bạch, giãi bày khát vọng, ý chí nung nấu suốt một đời. Trong Thư lại dụ Vương Thông, Nguyễn Trãi phân tích sáu cớ bại vong của kẻ thù, nhưng nguyên nhân chủ yếu là “lừa dối dân ta, dụ dỗ những điều phi nghĩa”. Nhân nghĩa là ngọn cờ tư tưởng, yêu dân là đạo lý làm người. Kẻ phi đạo sẽ bị trừng phạt, đó là luật trời hiển nhiên mà Nguyễn Trãi chỉ là người phát ngôn khi có trong tay sức mạnh nghĩa nhân làm vũ khí.

Hòa bình lập lại, ngọn lửa “điếu phạt” lắng xuống, nhường chỗ cho ước vọng “Dân giàu đủ khắp đòi phương” (Bảo kính cảnh giới, số 43), cho cảm hứng thương dân, thân dân: Đồng bào cốt nhục nghĩa càng bền/ Cành Bắc cành Nam một cõi tiên (Bảo kính cảnh giới, số 15); Yêu trọng người ngay là của cải/ Thương vì thân thích nghĩa chân tay (Bảo kính cảnh giới, số 18); Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng (Thuật hứng, số 5), cho lòng trung hiếu: Bui có một lòng trung lẫn hiếu/ Mài chẳng khuyết, nhuộm, chẳng đen (Thuật hứng, số 24); Cơm áo khôn đền Nghiêu, Thuấn trị/ Tóc tơ chưa báo mẹ cha sinh (Thuật hứng, số 2)...

Yêu nước, thương dân là phạm trù không có gì mới mẻ trong mạch nguồn văn chương dân tộc từ khi văn học viết xuất hiện (thế kỷ X) trở đi. Nhưng đó là hiện tượng một bài, một vài bài. Còn với Ức Trai là bản chất, là cốt cách, là mạch nguồn không bao giờ vơi cạn trong sáng tác. Nó cuồn cuộn trào dâng, tỏa sáng và soi đường cho từng câu, từng chữ trong thơ văn ông, tạo thành “cái nhìn”, thành đặc trưng riêng độc đáo, có tính thẩm mĩ, mang tính quy luật, hun đúc nên phong cách nghệ thuật Nguyễn Trãi.

Niềm trăn trở về thế thái nhân tình. Ngặt một nỗi, càng yêu đời, yêu nước, thương dân Nguyễn Trãi càng mang nặng nỗi niềm trăn trở về cuộc sống, về lẽ đời, về con người. Bất mãn với triều chính, Nguyễn Trãi tìm đến với thơ ca để bày tỏ lòng mình, bày tỏ những nhận thức sâu cay về thế sự: Đã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc/ Cho hay đường lợi cực quanh co (Ngôn chí, số 19). Nhà thơ yêu tình yêu con người và đau nỗi đau của con người. Nguyễn Trãi đau đớn khi chứng kiến nghịch cảnh éo le của xã hội: Làm người mựa cậy khi quyền thế/ Có thuở bàn cờ tốt đuổi xe (Trần tình, số 8). Từ nỗi đau trước thói đời đen bạc, nhà thơ khao khát sự hoàn thiện của con người và mơ ước về một xã hội thái bình, thịnh trị: Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn/ Dường ấy ta đã phỉ sở nguyền (Tự thán, số 4).

Và cũng như bao nhà Nho hành đạo khác, khi khát vọng xả thân thực hiện lý tưởng “trí quân trạch dân” không thực hiện được, Nguyễn Trãi chọn con đường lui về ẩn dật, làm bạn với thiên nhiên cây cỏ. Thiên nhiên trong thơ ông theo đó hiện ra có lúc hoành tráng: Kình ngạc băm vằm non mấy khúc/ Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng (Cửa biển Bạch Đằng, bản dịch). Có lúc gần gũi, thân thương, đầm ấm, chan hòa tình cảm của con người với thiên nhiên: Côn Sơn suối chảy rì rầm/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai (Côn Sơn ca). Có lúc như những bức tranh lụa xinh xắn, phảng phất phong vị thơ Đường: Nước biếc non xanh thuyền gối bãi/ Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu (Bảo kính cảnh giới, số 26). “Lòng yêu thiên nhiên vạn vật là kích thước để đo một tâm hồn” (Xuân Diệu). Nhưng cách miêu tả thiên nhiên lại thể hiện một “cái nhìn”, khẳng định một bản ngã, một tài năng: Tự bén hơi xuân tốt lại thêm/ Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm/ Tình thư một bức phong còn kín/ Gió nơi đâu gượng mở xem (Cây chuối). Cách lựa chọn và sử dụng hình ảnh mang tính biểu tượng của Nguyễn Trãi ở bài thơ này rất gần với chủ nghĩa tượng trưng trong văn học Pháp. Bút pháp ấn tượng thay cho tả thực, đó là cách phác họa rất tài tình, hình ảnh cây chuối vì vậy mang tính cách điệu rất cao. Màu sắc, đường nét mờ nhòe ẩn hiện, huyền hoặc. Sức sống cây chuối trỗi dậy do “tự bén hơi xuân”, bén vào hơi xuân mà tốt tươi hẳn lên. Các từ “bén”, “mầu” kết hợp với các hình ảnh “buồng”, “tình thư”, “gió”, động từ “mở”, tính từ chỉ trạng thái “gượng”, tạo nên sự cộng hưởng của sức sống, sức xuân, hương xuân ngào ngạt như một kết cục mãn khai đầy mầu nhiệm. Tâm hồn trẻ trung yêu đời đã thôi thúc nhà thơ viết nên những câu thơ tình tứ và tài hoa. Sự tươi tắn của thơ Ức Trai rất “đời”, rất cá tính, nghệ thuật tả cảnh trong thơ ông cũng theo đó mà hình thành dấu ấn sáng tạo riêng biệt.

Nói vậy, với Ức Trai, chìm đắm trong cảnh đẹp thiên nhiên, dẫu nhàn rỗi hóng mát vẫn chỉ là sự bất đắc dĩ mà thôi. Tận sâu trong tâm hồn thi nhân luôn mang nặng một nỗi niềm canh cánh: Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng/ Dân giàu đủ khắp đòi phương (Bảo kính cảnh giới, số 43). Niềm trăn trở lo lắng cho dân, làm sao cho nhân dân “đủ khắp” mọi nơi trên đất nước được ấm no, hạnh phúc là khao khát, là tâm nguyện suốt đời của Nguyễn Trãi. Tâm nguyện đó dù nuôi chí xả thân thực hiện lý tưởng suốt cả cuộc đời, Ức Trai vẫn không dễ bề thực hiện, không thể gánh vác một mình, rất cần sự đồng tâm giúp sức của triều chính. Vì thế, gặp buổi triều đại nhiễu nhương, lòng người cạn hẹp, nhà thơ canh cánh khôn nguôi một nỗi tiếc đời, tiếc mình không còn đấng minh quân để thờ phụng: Những vì chúa thánh âu đời trị/ Há kể thân nhàn tiếc tuổi tàn (Tự thán, số 2).

Rõ ràng, Nguyễn Trãi thân nhàn mà tâm chẳng nhàn. Về với thiên nhiên, với “Sách một hai phiên làm bầu bạn” chẳng qua chỉ là bất đắc dĩ, vì “Trăm năm trong cuộc nhân sinh”, vì không chịu đựng được “mùi thế tình”. Hi vọng của một nhà Nho “chính thống”, khát vọng hành đạo, sống như cây tùng cây bách chỉ là ảo tưởng viển vông. Bi kịch của Nguyễn Trãi là ở chỗ biết viển vông mà vẫn không thôi khao khát ! Vì khao khát nên trăn trở khôn nguôi về thế thái nhân tình! Nỗi niềm trăn trở đó trở đi trở lại trong rất nhiều sáng tác của ông, tạo nên dấu ấn riêng biệt, góp phần khắc họa phong cách nghệ thuật nhà thơ.

- Sự sáng tạo về thể loại và ngôn ngữ

Nhìn ở góc độ loại hình tác giả văn học trung đại, Nguyễn Trãi thuộc kiểu tác giả sáng tác cả chữ Hán và Chữ Nôm (tác giả song ngữ), sáng tác cả văn xuôi chính luận và thơ ca thẩm mĩ. Ngoài ra, ông còn có nhiều công trình khảo cứu về nhiều lĩnh vực địa lý, lịch sử, quân sự, ngoại giao. Nhưng dù là nghiên cứu, nghị luận hay sáng tác thơ, văn ông vẫn là con người ông. Con người ấy vừa uyên bác về trí tuệ vừa dào dạt tâm hồn lộng gió thời đại. Văn của Nguyễn Trãi giàu tính hình tượng, tính thẩm mĩ, tính trữ tình. Ông vừa kế thừa những thành tựu thơ ca của văn học nước nhà những thế kỉ trước, vừa góp phần quan trọng vào việc định hướng mới cho sự phát triển văn học dân tộc các thời kì sau. Những sáng tạo có tính định hướng cho sự phát triển của thơ ca dân tộc của Nguyễn Trãi được biểu hiện trên hai lĩnh vực nổi bật là thể loại và ngôn ngữ.

Sáng tạo về thể loại. Tập thơ Ức Trai thi tập, Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán, mẫu mực với niêm, với luật, với kết cấu đề - thực - luận - kết, hình ảnh, thi liệu trang trọng, mỹ lệ. Nhưng trong tập thơ Nôm Quốc âm thi tập, nhà thơ đã bứt phá, cách điệu đi rất nhiều. Biểu hiện rõ nhất của sự bứt phá ấy là ông đã đưa vào bài thơ thất ngôn những câu thơ sáu chữ. Vị trí câu thơ sáu chữ này không ổn định trong mỗi bài thơ. Có khi ở câu đầu và câu cuối: “Rồi, hóng mát thưở ngày trường… Dân giàu đủ khắp đòi phương” (Bảo kính cảnh giới, số 43), có khi ở hai câu đề: “Lánh trần náu thú sơn lâm/ Lá thông còn tiếng trúc cầm” (Thuật hứng, số 25), có khi ở hai câu luận: “Thấy nguyệt tròn thì kể tháng/ Nhìn hoa nở mới hay xuân” (Tự thán, số 32), có khi một câu luận, một câu kết: “Tạo hóa đong lừa trẻ chơi… Sự thế đã hay thì vậy” (Thuật hứng, số 34). Tập thơ Quốc âm thi tập có 254 bài thơ thất ngôn Đường luật, trong đó có 185 bài thơ thất ngôn có xen câu thơ lục ngôn. Vì thế, có thể khẳng định Nguyễn Trãi là người đã sáng tạo ra thể thơ Thất ngôn xen lục ngôn. Sự sáng tạo ấy phải chăng biểu hiện khát vọng tìm về nguồn cội ? Thơ lục bát Việt Nam đã xuất hiện từ lâu trong ca dao, trong mạch nguồn văn hóa của dân tộc. Sự cách tân táo bạo xuất hiện với tần số cao trong tập thơ Nôm của Nguyễn Trãi báo hiệu ý thức dung nạp, dung hòa thứ thơ ngoại nhập (thơ Đường) với văn chương bản địa, tạo nên cốt cách cá nhân nhà thơ - hòa trong cốt cách dân tộc, cốt cách thời đại.

Sáng tạo về ngôn ngữ. Tính quy phạm trong văn học Việt Nam trung đại đã gò ngôn ngữ thơ vào hàng rào bao quanh cái gọi là thanh nhã, trang trọng, trừu tượng, cổ kính. Ngôn ngữ thơ ca trong sáng tác của Ức Trai không dựa vào khuôn vàng thước ngọc. Ông đã mạnh dạn mở cánh cửa thi ca cho ngôn ngữ đời thường, cho thành ngữ, tục ngữ, ca dao tràn vào: Ao quan thả gửi hai bè muống/ Đất bụt ương nhờ một lảnh mùng (Thuật hứng, số 23). Rất nhiều bài thơ, tài thơ Nguyễn Trãi đã vận dụng lại một cách tài tình ý, lời, đôi khi nguyên vẹn cả một câu tục ngữ, ca dao. Tục ngữ có câu: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, nhà thơ viết: Ngoài năm mươi tuổi ngoài chưng thế/ Ắt đã tròn bằng nước ở bầu (Trần tình, số 4).

Ca dao có những câu: “Trăm năm bia đá thì mòn”, “Mật ngọt thì ruồi chết tươi”, Nguyễn Trãi có thơ: “Bia đá hay mòn nghĩa chẳng mòn” (Tự thán, số 22); “Miệng người như mật mùi qua ngọt” (Tự thán, số 21). Nhà thơ đã khéo léo sắp đặt các kinh nghiệm sống của nhân dân được đúc kết qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ, để biểu đạt quan điểm về cách sống, cách ứng xử ở đời. Từ kiểu nói dân gian nhưng lại được diễn đạt theo cách riêng và được xếp đặt theo một lôgic là nét độc đáo riêng biệt của Nguyễn Trãi. Bình dị, thân thương, ít cầu kì, không đẽo gọt, thơ Nôm Nguyễn Trãi không vì thế mà giảm đi ý vị triết lý nhân sinh sâu xa.

Đánh giá

0

0 đánh giá