Chuyên đề Ngữ văn 10 Soạn bài Tri thức tổng quát trang 67, 68, 69 | Kết nối tri thức

3 K

Tailieumoi.vn giới thiệu giải bài tập Chuyên đề Ngữ văn 10 Soạn bài Tri thức tổng quát trang 67, 68, 69 sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập Chuyên đề học tập Ngữ văn 10. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập Chuyên đề Ngữ văn 10 Soạn bài Tri thức tổng quát trang 67, 68, 69

1. Thơ

- Thơ là dạng thức tổ chức ngôn từ nghệ thuật biểu cảm, có nhạc tính, gần với lời ca, tiếng hát, phân biệt với văn xuôi vốn sử dụng ngôn từ gần với lời nói thông thường. Ý thơ thường hàm súc, cô đọng, xúc cảm trong thơ thường được dồn nén, song thế giới nghệ thuật thơ lại được kiến thiết bởi những hình ảnh, sắc màu sinh động, giàu tính biểu trưng với những phép chuyển nghĩa, những kết hợp ngôn từ ấn tượng, có thể được “lạ hoá”, khơi gợi liên tưởng phong phú, do vậy mà đa nghĩa, có nhiều hàm ý.

- Với tổ chức ngôn từ như thế, thơ có khả năng diễn tả những suy tư, tình cảm mãnh liệt hoặc những rung cảm tinh tế, phức tạp, đôi khi mơ hồ, khó lí giải của con người đối với những hiện tượng xảy ra trong cuộc sống.

- Thơ rất đa dạng về loại và thể.

+ Về loại hình sáng tác, có thể phân biệt thơ trữ tình với thơ tự sự (sử thi, truyện thơ,...), kịch thơ, hoạt cảnh thơ.

+ Về thể thơ, có thể phân biệt những thế thơ có thi luật ổn định như thơ lục bát, song thất lục bát, các thế thơ Đường luật, thợ xon-nê (sonnet), thơ hai-cư (haiku),... với thơ tự do, thơ văn xuôi.

+ Về dung lượng, có thể phân biệt bài thơ nhỏ với trường ca.

+ Về đề tài, có thơ ngụ tình (tình cảm giữa con người với con người, với gia đình, quê hương, Tổ quốc,...), thơ thuyết lí (suy tư về những triết lí nhân sinh, đạo đức,...), thơ tả cảnh (thể hiện cảm xúc trước một cảnh thiên nhiên hay khung cảnh nào đó), thơ tức sự (thể hiện cảm xúc, suy tư trước một sự việc, hiện tượng, một tình huống cuộc sống nào đó) hay những dạng phức hợp của các đề tài trên.

- Mỗi một thời đại thi ca, cũng như một trào lưu, trường phái thi ca có một vẻ mặt riêng, được xác định bằng những đề tài, chủ đề, thể thơ, hình ảnh thơ, kiểu nhân vật trữ tình, phương thức cấu tứ,... mang tính đặc trưng.

- Một số bài thơ có thể được chính tác giả hay người tuyển chọn hợp lại thành chùm thơ, dựa trên sự thống nhất hay liên quan với nhau về đề tài, chủ đề, giai đoạn sáng tác, thể loại,...

- Tập hợp nhiều bài thơ (có thể xen lẫn cả trường ca) trong một cuốn sách làm thành tập thơ.

- Tập thơ có nhiều loại:

+ Tập thơ của một tác giả có thể được chính tác giả hay người biên soạn, nhà xuất bản tuyển lựa theo các tiêu chí khác nhau: thời gian, địa điểm, giai đoạn sáng tác, hoặc loại hình tác phẩm (thể thơ, đề tài, chủ đề, cảm hứng, hình tượng,...).

+ Tập thơ của nhiều tác giả được nhóm tác giả hay người biên soạn, nhà xuất bản tuyển lựa. Việc tuyển lựa có thể được tiến hành theo tiêu chí giai đoạn lịch sử, thời đại, thành phần xã hội, lứa tuổi, giới tính, trào lưu, trường phái,... theo tiêu chí loại hình tác phẩm (thể thơ, đề tài, chủ đề, cảm hứng, hình tượng,...).

2. Truyện ngắn

- Truyện ngắn thuộc loại hình tự sự, thường được viết bằng văn xuôi, ngắn gọn, súc tích. Hệ thống tình tiết, chi tiết trong truyện ngắn cô đúc, tập trung cao độ vào một câu chuyện diễn ra trong một không gian, thời gian dồn nén, trong đó có thể có một tình huống truyện được “lạ hoá” đến bất thường với một biến cố làm thay đổi cuộc sống của nhân vật.

- Truyện ngắn thường được tổ chức đơn tuyến, nếu có mở rộng cũng là theo nguyên tắc liên tưởng, tương phản, có thể tỉnh lược những móc nối, những dẫn dắt. Truyện ngắn thường ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp, song phông nền, bối cảnh có thể gợi liên tưởng bao quát từ một lát cắt cuộc sống đến cả một đời người, một thời đại, một mô hình cuộc sống.

- Truyện ngắn khi đăng tải trên báo, tạp chí thường kì có thể được tác giả hay người tuyển chọn móc nối, nhóm lại với nhau thành truyện ngắn bộ đội, bộ ba hay chùm truyện ngắn.

- Tập hợp nhiều truyện ngắn trong một cuốn sách làm thành tập truyện ngắn.

- Tập truyện ngắn có thể có các loại:

+ Tập truyện ngắn của một tác giả là kết quả tuyển lựa của chính tác giả hay người biên soạn, nhà xuất bản theo các tiêu chí: thời gian, địa điểm, giai đoạn sáng tác,...; loại hình tác phẩm (loại truyện, đề tài, chủ đề, cảm hứng, hình tượng,...). Nhan đề của tập truyện ngắn có thể lấy theo nhan đề một truyện nào đó từng được dư luận tán thưởng rộng rãi, cũng có thể lấy tên chung là Tuyển tập (theo tiêu chí đã được xác định từ trước).

+ Tập truyện ngắn của nhiều tác giả được chính nhóm tác giả hay người biên soạn, nhà xuất bản tập hợp theo tiêu chí giai đoạn lịch sử, thời đại, thành phần xã hội, lứa tuổi, giới tính, trào lưu, trường phái,... hay tiêu chí loại hình tác phẩm (loại truyện, đề tài, chủ đề, cảm hứng, hình tượng,...). Nhan đề của tập truyện ngắn có thể là tên một truyện nổi bật, cũng có thể là một tên mới được đặt ra dựa vào điểm chung nào đó giữa các truyện.

3. Tiểu thuyết

- Tiểu thuyết là loại hình tự sự cỡ lớn, có khả năng tạo nên một thế giới nghệ thuật hư cấu bao quát thời gian, không gian sống của nhiều nhân vật. Khác với sử thi, tiểu thuyết có thể bao quát cả cuộc sống cộng đồng, nhưng bao giờ cũng tập trung sự chú ý vào những khía cạnh như cuộc sống sinh hoạt thường ngày, những suy tư, trăn trở, những biến động tâm lí, tính cách của con người đời tư được miêu tả như người đương thời, gần gũi với người đọc.

- Mạch kể của tiểu thuyết thường được ngắt thành các chương, hồi hay được phân ra thành phần, quyển, tập.

- Một tiểu thuyết có thể có nhiều nhân vật chính và trong số đó nhân vật nào đóng vai trò quan trọng hơn cả trong việc thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm được gọi là nhân vật trung tâm.

- Nhân vật phụ không tham gia nhiều vào vận động chung của cốt truyện, song vẫn có thể ít nhiều đóng vai trò tạo phông nền, bối cảnh, vai trò môi giới, xúc tác cho cốt truyện vận động, góp phần làm nổi bật tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

Đánh giá

0

0 đánh giá