Giải SGK Tiếng Việt lớp 3 Tập 2 Bài 14: Anh em một nhà | Cánh diều

5.6 K

Lời giải Tiếng Việt lớp 3 Bài 14: Anh em một nhà sách Cánh diều gồm đầy đủ các phần Đọc, Viết, Nói và nghe, Góc sáng tạo giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 3 Tập 2. Mời các bạn theo dõi:

Tiếng Việt lớp 3 Tập 2 Bài 14: Anh em một nhà

Đọc: Rừng gỗ quý trang 45, 46, 47

Chia sẻ

Tiếng Việt lớp 3 trang 45 Câu 1: Mỗi tấm ảnh dưới đây thể hiện hoạt động hoặc trang phục của một dân tộc Việt Nam. Hãy nói điều em thích trong một bức ảnh.

Rừng gỗ quý lớp 3 | Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều

Trả lời:

Em thích bức ảnh 6 có hình ảnh người Hmong đang múa hát nhộn nhịp. Trang phục của họ thật đặc biệt và rực rỡ. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 45 Câu 2: Kể thêm tên của một số dân tộc khác ở Việt Nam mà em biết.

Trả lời:

Tày, Thái, Mường, Khmer, Hoa, Nùng, H'Mông, Dao, Người Jrai (Gia Rai), Ê Đê, Ba Na, Chăm, Sán Dìu, Ra Glai...

Bài đọc

Rừng gỗ quý

Rừng gỗ quý lớp 3 | Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều

Xưa, có một ông lão đi tìm gỗ làm nhà. Một đêm, ông nằm mơ thấy mình được tiên ban cho một chiếc hộp. Nàng tiên bảo:

- Về đến nhà, ông hãy mở nhé!

Ông lão cảm ơn nàng tiên rồi mang hộp về. Dọc đường, không nén nổi tò mò, ông mở chiếc hộp ra. Nào ngờ, nắp hộp vừa hé mở thì bao nhiêu cột gỗ, ván gỗ tuôn ra ào ào, rồi lao xuống suối, trôi đi mất. Cầm cái hộp không trong tay, ông lão tiếc ngẩn ngơ.

Ông đành quay lại tìm nàng tiên. Thấy ông lão nằn nì, nàng tiên đưa cho ông cái hộp khác và dặn:

- Thứ đựng trong hộp này quý hơn nhiều. Nhưng nhất thiết phải về đến nhà mới được mở ra đấy!

Về đến nhà, ông lão mở hộp ra, chỉ thấy những hạt cây nhỏ tí.

Nghe tiếng chim hót sau túp lều, ông lão choàng tỉnh giấc. Thì ra đó chỉ là một giấc mơ. Nghĩ mãi về giấc mơ, ông chợt hiểu ra: “Lúa ngô phải gieo trồng mới có thì gỗ rừng cũng vậy.". 

Thế rồi ông lão bảo các con và dân làng tìm hạt cây về gieo trồng. Chẳng bao lâu những mảnh đồi trọc đã trở thành rừng. Từ đó, dân làng có gỗ để làm nhà, đóng bàn, đóng ghế. 

Truyện dân gian Tày – Nùng. 

Đọc hiểu

Tiếng Việt lớp 3 trang 47 Câu 1: Ông lão mơ thấy nàng tiên cho ông thứ gì trong chiếc hộp thứ nhất? 

Trả lời:

Chiếc hộp thứ nhất đựng rất nhiều cột gỗ, ván gỗ. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 47 Câu 2: Qua chi tiết cột gỗ, ván gỗ nhanh chóng trôi tuột đi, câu chuyện muốn nói lên điều gì? Chọn ý đúng: 

a) Vội vàng sẽ không mang lại kết quả tốt. 

b) Cột gỗ, ván gỗ mà ông lão thấy chỉ là giấc mơ. 

c) Chỉ chặt cây có sẵn thì bao nhiêu gỗ cũng hết. 

Trả lời:

Chọn ý c) Chỉ chặt cây có sẵn thì bao nhiêu gỗ cũng hết.

Tiếng Việt lớp 3 trang 47 Câu 3: Vì sao nàng tiên trong giấc mơ nói rằng thứ đựng trong chiếc hộp thứ hai quý hơn nhiều? 

Trả lời:

Vì chiếc hộp thứ hai đựng nhiều hạt cây để trồng nên rừng gỗ quý. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 47 Câu 4: Câu chuyện này khuyên ta điều gì? 

Trả lời:

Câu chuyện muốn khuyên ta: Muốn có rừng gỗ quý phải tìm hạt cây để gieo trồng, chăm sóc. 

Luyện tập 

Tiếng Việt lớp 3 trang 47 Câu 1: Dựa vào nội dung bài đọc trả lời câu hỏi: 

a) Ông lão đi tìm gỗ để làm gì? 

b) Để có gỗ dùng lâu dài, chúng ta cần làm gì? 

Trả lời:

a) Ông lão đi tìm gỗ để làm nhà. 

b) Để có gỗ dùng lâu dài, chúng ta cần phải gieo trồng, chăm sóc.  

Tiếng Việt lớp 3 trang 47 Câu 2: Hãy nói lời ông lão khuyên các con (hoặc dân làng) trồng cây. 

Trả lời:

- Lúa ngô phải gieo trồng mới có thì gỗ rừng cũng vậy. Chúng ta phải tìm hạt cây về gieo trồng. 

Tự đọc sách báo trang 47

Tiếng Việt lớp 3 trang 47 Câu 1: Tìm đọc thêm ở nhà:

- 2 câu chuyện (hoặc 1 bài thơ, 1 câu chuyện) về các dân tộc anh em

- 1 bài văn miêu tả hoặc cung cấp thông tin về các dân tộc anh em.

Trả lời:

- 2 câu chuyện (hoặc một bài thơ, một câu chuyện) về các dân tộc anh em

Bác Hồ với chiến sĩ người dân tộc

Anh hùng La Văn Cầu, dân tộc Tày mãi mãi không quên bữa cơm của Bác "đãi" với rau, thịt gà… những "sản phẩm" do chính Bác nuôi, trồng. Bác hỏi thăm mẹ Cầu, gửi quà cho mẹ, dặn cán bộ tạo mọi điều kiện để Cầu về thăm mẹ, giúp đỡ gia đình.

Nhiều chiến sĩ người dân tộc đã lấy họ Hồ cho mình như Hồ Vai, Hồ Can Lịch, Hồ Văn Bột... Mùa thu năm 1964, chị Choáng Kring Thêm - chiến sĩ người dân tộc Cà Tu, tham gia đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được ra miền Bắc, gặp Bác Hồ. Chị Thêm kể: "Đoàn chúng tôi vừa bước xuống xe thì đã thấy Bác  đứng chờ ngay ngoài sân.

Bác ôm hôn thắm thiết các thành viên trong đoàn. Chúng tôi theo Bác đến dãy bàn tiếp khách kê ngay ngoài vườn đầy hoa và nắng. Thấy tôi mặc bộ quần áo dân tộc, Bác nói:

- Cháu đúng là con gái dân tộc Cà Tu giữ được tính chất của dân tộc mình. Chị Ngân, chị Cao gặp Bác, mừng quá khóc lên. Bác dịu dàng bảo:

- Các cháu gái đừng khóc. Gặp Bác phải vui chứ. Hai cháu hãy kể cho Bác nghe bà con ta ở tiền tuyến đánh Mỹ như thế nào?

Tôi thưa:

- Thưa Bác, cháu thương, cháu nhớ Bác. Tất cả đồng bào dân tộc miền Nam đều thương nhớ Bác. Sau đó tôi kể Bác nghe một số chuyện chiến đấu của mẹ Giớn, anh Bên, em Thơ...Bác nói:

- Cuộc kháng chiến của đồng bào miền Nam ta là toàn dân, toàn diện. Trẻ, già, gái, trai, Kinh, Cà Tu, Cà Tang và đồng bào các dân tộc khác đều sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi".

Tôi hiểu đó là Bác dành tình thương mênh mông của Bác cho tất cả chúng ta. 

Hoa đẹp miền Tây Bắc
Thơ: Nguyễn Ngọc Thủy Hằng

Người viển khách một chiều lên Tây Bắc
Ngắm hoa ban cùng cô gái vùng cao..
Ché rượu cần với trang phục sắc màu
Nhìn rất đẹp làm xuyến xao phố núi

Tây Bắc vùng cao đường đèo quanh suối
Điệu Then vui..cùng tiếng Thính rộn ràng
Anh đã say giữa tây bắc đại ngàn
Em múa xòe anh ngó ngang liếc mắt

 

- 1 bài văn miêu tả hoặc cung cấp thông tin về các dân tộc anh em.

Người Nguồn

Người Nguồn là tên gọi cộng đồng người gồm 35 ngàn nhân khẩu, sống ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Hiện vẫn còn chưa có sự thống nhất về việc người Nguồn có phải là một sắc tộc riêng hay không. Tại Hội thảo khoa học xác định dân tộc Nguồn tổ chức ngày 19 tháng 10 năm 2004 tại Đồng Hới, Quảng Bình, có ý kiến đề nghị xếp người Nguồn vào dân tộc Mường, Thổ hoặc Chứt, và cũng có ý kiến tách người Nguồn thành một dân tộc thiểu số riêng. Tiếng Nguồn hiện được Glottolog xếp là một ngôn ngữ riêng.

Tiếng Việt lớp 3 trang 47 Câu 2: Viết vào phiếu đọc sách:

- Tên bài đọc và một số nội dung chính (nhân vật hoặc sự việc, hình ảnh, câu văn, câu thơ em thích).

- Cảm nghĩ của em

Trả lời: 

Tên bài đọc: Bác Hồ với chiến sĩ người dân tộc, Hoa đẹp vùng Tây Bắc, Người Nguồn

Câu chuyện ngắn gọn nhưng cho chúng ta nhiều bài học lớn: Bài học về tình cảm, sự quan tâm đối với các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam; bài học về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc để có thành công lớn... Điều chúng ta phải quan tâm là làm gì để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt là việc đề ra các chính sách đối với các dân tộc thiểu số, quan tâm đến các vùng sâu, vùng xa để tạo ra sức mạnh to lớn của cả dân tộc, xây dựng đất nước giàu đẹp, mọi người dân đều ấm no, hạnh phúc.

Viết: Ôn chữ viết hoa T, V trang 48

Tiếng Việt lớp 3 trang 48 Câu 1: Viết tên riêng: Trà Vinh

Trả lời: 

- Học sinh luyện viết tên riêng: Trà Vinh

- Chú ý viết hoa các chữ cái T,V

Tiếng Việt lớp 3 trang 48 Câu 2: Viết câu:

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

(Tục ngữ)

Trả lời: 

- Cách viết: 

+ Viết hoa chữ cái đầu câu: Bầu, Tuy 

+ Chú ý cách nối chữ, khoảng cách giữa các tiếng trong câu, độ cao của các chữ cái, cách đặt dấu phẩy giữa câu và dấu chấm cuối câu

Nói và nghe: Rừng gỗ quý trang 48, 49

Tiếng Việt lớp 3 trang 48 Câu 1: Kể lại câu chuyện Rừng gỗ quý theo lời ông lão

a) Kể đoạn 1 và 2

Rừng gỗ quý trang 48, 49 Tiếng Việt lớp 3 Tập 2 Cánh diều

b) Kể các đoạn tiếp theo.

Rừng gỗ quý trang 48, 49 Tiếng Việt lớp 3 Tập 2 Cánh diều

Trả lời:

a) Kể đoạn 1 và 2

Hồi ấy tôi đi tìm gỗ để làm nhà. Một đêm, tôi nằm mơ thấy mình được tiên ban cho một chiếc hộp. Nàng tiên bảo:

- Về đến nhà, ông hãy mở nhé!

Tôi cảm ơn nàng tiên rồi mang hộp về. Dọc đường, không nén nổi tò mò, tôi đã mở chiếc hộp ra. Nào ngờ, nắp hộp vừa hé mở thì bao nhiêu cột gỗ, ván gỗ tuôn ra ào ào, rồi lao xuống suối, trôi đi mất. Cầm cái hộp không trong tay, tôi tiếc ngẩn ngơ.

b) Kể các đoạn tiếp theo.

Tôi đành quay lại tìm nàng tiên. Thấy tôi nằn nì, nàng tiên đưa cho tôi cái hộp khác và dặn:

- Thứ đựng trong hộp này quý hơn nhiều. Nhưng nhất thiết phải về đến nhà mới được mở ra đấy!

Về đến nhà, tôi mở hộp ra, chỉ thấy những hạt cây nhỏ tí.

Nghe tiếng chim hót sau túp lều, tôi choàng tỉnh giấc. Thì ra đó chỉ là một giấc mơ. Nghĩ mãi về giấc mơ, tôi chợt hiểu ra: “Lúa ngô phải gieo trồng mới có thì gỗ rừng cũng vậy.". 

Thế rồi tôi bảo các con và dân làng tìm hạt cây về gieo trồng. Chẳng bao lâu những mảnh đồi trọc đã trở thành rừng. Từ đó, dân làng có gỗ để làm nhà, đóng bàn, đóng ghế. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 48 Câu 2: Trao đổi: Theo em rừng đem lại lợi ích gì: 

a) Đối với vùng có rừng? 

b) Đối với các vùng khác? 

Trả lời:

a) Đối với vùng có rừng: Phát triển kinh tế, tham quan du lịch, nguồn dược liệu quý, … 

b) Đối với các vùng khác: Ngăn ngừa lũ lụt, thiên tai, hạn hán, … 

Đọc: Bên ô cửa đá trang 49, 50

Bài đọc

Bên ô cửa đá

Bên ô cửa đá lớp 3 | Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều

Buổi sáng em ngồi học

Mây rủ nhau vào nhà

Ông Mặt Trời khó nhọc

Đang leo dốc đằng xa.

 

Lảnh lót tiếng chim xa

Kéo nắng lên rạng rỡ

Cả khoảng trời bao la

Hiện dần qua ô cửa.

 

Trong bếp còn đỏ lửa

Hương ngô thoảng ra ngoài

Rìa đường dăm chú ngựa

Đứng nghe em học bài.

 

Bản Mông em sơ sài

Chênh vênh trên núi đa

Vẫn có bao điều lạ

Từ sách hồng bước ra.

Hoài Khánh

Đọc hiểu

Tiếng Việt lớp 3 trang 50 Câu 1: Tìm những hình ảnh trong các khổ thơ 1, 2 miêu tả vẻ đẹp của buổi sáng vùng cao.

Trả lời:

Mây rủ nhau vào nhà

…..

Lảnh lót tiếng chim xa

Kéo nắng lên rạng rỡ

Cả khoảng trời bao la

Tiếng Việt lớp 3 trang 50 Câu 2: Các khổ thơ 3,4 cho em biết điều gì về cuộc sống đồng bào người Mông?

Trả lời:

Các khổ thơ 3,4 cho em biết cuộc sống của đồng bào người Mông vẫn gần gũi, gắn bó với thiên nhiên với bếp lửa, hương ngô. Vẫn còn nghèo và thiếu thốn, sơ sài ở nơi núi cao nhưng đã có những ước mơ, con chữ đến với mọi người. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 50 Câu 3: Em hiểu hai dòng thơ cuối như thế nào?

a) Bản Mông sơ sài nhưng vẫn có rất nhiều điều lạ

b) Trên núi đá chênh vênh có rất nhiều điều lạ

c) Bạn nhỏ cho biết thêm nhiều điều mới lạ từ những trang sách.

Trả lời:

Chọn ý c) Bạn nhỏ cho biết thêm nhiều điều mới lạ từ những trang sách.

Tiếng Việt lớp 3 trang 50 Câu 4: Bài thơ cho thấy tình cảm của bạn nhỏ với quê hương mình như thế nào?

Trả lời:

Bài thơ cho thấy bạn nhỏ rất yêu quê hương vì phải yêu quê hương bạn mới hình dung và cảm nhận được những sự vật ở quê hương rõ ràng và đẹp như vậy. 

Luyện tập 

Tiếng Việt lớp 3 trang 50 Câu 1: Dựa vào nội dung bài thơ, em hãy đặt câu nói về cảnh thiên nhiên buổi sáng ở bản Mông.

a) Một câu kể

b) Một câu cảm

Trả lời:

a) Một câu kể: Thiên nhiên buổi sáng ở bản Mông là sự thức dậy của rất nhiều sự vật.

b) Một câu cảm: Thiên nhiên buổi sáng ở bản Mông mới đẹp làm sao!

Tiếng Việt lớp 3 trang 50 Câu 2: Viết tên các dân tộc được nêu ở phần Chia sẻ (Trang 45)

Trả lời:

Dân tộc Ba-na

Dân tộc Chăm

Dân tộc Dao

Dân tộc Khmer

Dân tộc Kinh

Dân tộc Mông (Hmong) 

Viết: Nhân vật yêu thích trang 50, 51

Tiếng Việt lớp 3 trang 50 Câu 1: Viết đoạn văn tả hình dáng, điệu bộ của 1,2 nhân vật trong tranh minh họa câu chuyện Rừng gỗ quý (trang 48)

Gợi ý: 

a) Em chọn nhân vật (những nhân vật) nào? 

b) Nhân vật (các nhân vật) đó đang làm gì? 

c) Nét mặt, cử chỉ, dáng điệu của nhân vật (các nhân vật) đó thế nào? 

Trả lời:

Ngày xửa ngày xưa, ở ngôi làng nọ, có một ông lão đã ngoài 80, hàng ngày cố gắng đi tìm gỗ để làm nhà. Ông cụ có dáng người không cao lắm, thường mặc bộ quần áo màu xanh và đội một chiếc mũ nồi. Trên mặt ông hiện rõ những nếp nhăn và sự trăn trở. Vì tuổi cao nên những hành động, cử chỉ của ông có phần chậm chạp, nhưng ông cụ vẫn rất minh mẫn. Khi nói chuyện với dân làng, ông thể hiện sự dõng dạc, dứt khoát, bình tĩnh phân tích để dân làng hiểu và làm theo. Chính vì vậy, ông đã thuyết phục được người dân đi tìm hạt giống về trồng cây gây rừng.

Tiếng Việt lớp 3 trang 51 Câu 2: Viết đoạn văn nêu suy nghĩ của em về một nhân vật em yêu thích trong câu chuyện em đã đọc hoặc bộ phim em đã xem.

Viết trang 50, 51 Tiếng Việt lớp 3 Tập 2 Cánh diều

Trả lời:

Nhân vật Nàng tiên cá

Nàng tiên cá là một nhân vật được xây dựng lên bằng trí tưởng tượng của con người. Họ là những mĩ nhân ngư vô cùng xinh đẹp và quyến rũ. Nửa thân trên mang hình dáng con người, nửa dưới là một chiếc đuôi lớn của loài cá. Chiếc đuôi của các nàng dát đầy vảy xanh óng ánh, tỏa hào quang trong nắng mặt trời. Các mĩ nhân ngư sở hữu những mái tóc dài, mềm như rong biển. Cặp mắt của các nàng xanh thẳm và sâu hun hút như đáy biển. Còn đôi môi luôn đỏ mọng đầy quyến rũ. Vẻ đẹp của các nàng đủ sức làm nghiêng ngả cả một thành trì, một vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”.

Theo truyền thuyết, nàng tiên cá là con gái vua Thuỷ Tề ngự trị dưới đáy biển sâu. Các nàng sống trong Cung điện bằng ngọc trai và san hô lộng lẫy. Chỉ thỉnh thoảng, vào những buổi sáng tinh sương hay chiều hoàng hôn muộn, các nàng lại rủ nhau ngoi lên mặt nước, tìm các đảo nhỏ chơi đùa, hát ca. Mỗi khi tiếng hát của các nàng vang lên, mặt trời cũng nghiêng mình lắng nghe, mây ngừng trôi, gió ngừng thổi, chim ngừng hót, ngất ngây trước sự réo rắt, ngân nga của tiếng hát. Tiếng đàn lia của vị thần nghệ thuật A-pô-lông cũng không thể sánh bằng

 

Nàng tiên ốc

Chắc hẳn các bạn vẫn còn nhớ câu chuyện "Nàng tiên Ốc" được học trong chương trình Kể chuyện ở lớp Bốn. Nàng tiên hóa thân trong vỏ của con ốc và được một bà lão nông dân mang về nuôi khiến ai ai cũng yêu thích và có sự liên tưởng đến cô Tấm dịu hiền bước ra từ quả thị giúp bà lão trong truyện "Tấm Cám".

Nàng tiên Ốc mới đẹp làm sao! Dáng người thanh mảnh, bước đi mềm mại, uyển chuyển. Làn da nàng trắng mịn như tuyết. Khuôn mặt trái xoan xinh đẹp, hiền hậu và dịu dàng. Dưới cặp mi cong vút là đôi mắt bồ câu sáng long lanh. Đôi môi hình trái tim lúc nào cũng đỏ mọng.

Nàng mặc một bộ váy màu xanh nước biển, có thắt một chiếc đai màu trắng càng tăng thêm vẻ duyên dáng của nàng. Hằng ngày, nàng từ trong vỏ ốc chui ra giúp bà lão quét dọn nhà cửa nấu cơm, nhặt cỏ vườn và cho lợn ăn. Động tác của nàng nhanh nhẹn, bước đi của nàng như lướt trên mặt đất.

Những công việc nàng làm chẳng mấy chốc là xong. Cơm nàng nấu rất khéo và ngon. Đàn lợn dưới tay nàng chăm sóc lớn nhanh như thổi. Vườn rau tươi ngày càng xanh tốt. Mỗi lần đi làm đồng về, bà lão nông dân vô cùng ngạc nhiên không biết ai đã giúp mình.

Một lần bà giả vờ ra đồng rồi quay trở về, bà bắt gặp nàng tiên Ốc, bà sững sờ trước sắc đẹp lộng lẫy của nàng, bà vội chạy ngay ra chum nước và đập vỡ vỏ ốc đi. Thấy động, nàng tiên Ốc định chạy lại chum nước nhưng bà lão đã ôm chầm lấy nàng. Từ đó, nàng trở thành người con hiếu thảo, ngoan ngoãn của bà cụ. Hai mẹ con sống hạnh phúc bên nhau.

Câu chuyện thật hay phải không các bạn, cuối cùng nàng tiên xinh đẹp cũng trở thành người con của bà cụ và được sống hạnh phúc bên mái ấm yêu thương rồi.

Đọc: Hội đua ghe ngo trang 51, 52, 53

Bài đọc

Hội đua ghe ngo

Hội đua ghe ngo lớp 3 | Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều

          Hội đua ghe ngo điễn ra vào dịp lễ hội Cúng Trăng giữa tháng 10 âm lịch hằng năm.

          Ghe ngo được làm từ gỗ cây sao, dài 10 mét trở lên, chứa được từ 20 đến 40 tay chèo. Ghe được chà nhẵn bóng để lướt nhanh trên dòng sông. Mũi và đuôi ghe cong vút, tạo hình rắn thần. Thân ghe vẽ hoa văn và sơn màu sặc sỡ. Mỗi ghe ngo là của một hoặc một vài phum, sóc. Ghe được cất giữ ở chùa, mỗi năm chỉ được hạ thủy một lần vào dịp hội. Trước ngày hội, các tay đua còn phải tập chèo theo nhịp trên cạn cho quen.

          Vào cuộc đua, mỗi ghe có một người giỏi tay chèo ngồi đằng mũi chỉ huy và một người đứng giữa ghe giữ nhịp. Theo hiệu lệnh, những mái chèo đưa nhanh thoăn thoắt, đều tăm tắp, đẩy chiếc ghe lướt nhanh trên sông. Tiếng trống hội, tiếng hò reo cổ vũ vang dội cả một vùng sông nước.

Theo Phương Nghi

Đọc hiểu

Tiếng Việt lớp 3 trang 52 Câu 1: Hội đua ghe ngo diễn ra vào dịp nào?

Trả lời:

Hội đua ghe ngo diễn ra vào dịp lễ hội Cũng Trăng giữa tháng 10 âm lịch hằng năm.

Tiếng Việt lớp 3 trang 52 Câu 2: Những chiếc ghe ngo có gì đặc biệt?

Trả lời:

Ghe ngo đặc biệt trước hết là ở thiết kế rất đẹp và tỉ mỉ: Ghe ngo được làm từ gỗ cây sao, dài 10 mét trở lên, chứa được từ 20 đến 40 tay chèo. Ghe được chà nhẵn bóng để lướt nhanh trên dòng sông. Mũi và đuôi ghe cong vút, tạo hình rắn thần. Than ghe vẽ hoa văn và sơn màu sặc sỡ. Mỗi ghe ngo là của một hoặc một vài phum, sóc.

Tiếng Việt lớp 3 trang 52 Câu 3: Vì sao trước ngày hội, các tay đua phải tập chèo theo nhịp trên cạn?

Trả lời:

Vì Ghe được cất giữ ở chùa, mỗi năm chỉ được hạ thủy một lần vào dịp hội. 

Trả lời:

Tiếng Việt lớp 3 trang 52 Câu 4: Cuộc đua ghe ngo diễn ra sôi động như thế nào?

Trả lời:

Vào cuộc đua, mỗi ghe có một người giỏi tay chèo ngồi đằng mũi chỉ huy và một người đứng giữa ghe giữ nhịp. Theo hiệu lệnh, những mái chèo đưa nhanh thoăn thoắt, đều tăm tắp, đẩy chiếc ghe lướt nhanh trên sông. Tiếng trống hội, tiếng hò reo cổ vũ vang dội cả một vùng sông nước.

Luyện tập 

Tiếng Việt lớp 3 trang 52 Câu 1: Đặt câu hỏi cho bộ phận in đậm trong mỗi câu dưới đây:

a) Đồng bào Khmer tổ chức lễ hội Cúng Trăng để tỏ lòng biết ơn đối với Thần Mặt Trăng 

b) Ghe Ngo được chà nhẵn bóng để lướt nhanh trên dòng sông.

Trả lời:

a) Đồng bào Khmer tổ chức lễ hội Cúng Trăng để làm gì?

b) Ghe Ngo được chà nhẵn bóng để làm gì?

Tiếng Việt lớp 3 trang 53 Câu 2: Sử dụng câu hỏi Để làm gì?, hỏi đáp với bạn theo nội dung các câu sau:

a) Một người giỏi tay chèo ngồi đằng mũi ghe để chỉ huy các tay đua.

b) Một người đứng giữa ghe để giữ nhịp cho các tay đua chèo thật đều.

c) Trước ngày hội, các tay đua phải tập chèo theo nhịp trên cạn cho quen.

Trả lời:

a) Hỏi: Một người giỏi tay chèo ngồi đằng mũi ghe để làm gì?

Đáp: Một người giỏi tay chèo ngồi đằng mũi ghe để chỉ huy các tay đua.

b) Hỏi: Một người đứng giữa ghe để làm gì?

Đáp: Một người đứng giữa ghe để giữ nhịp cho các tay đua chèo thật đều.

c) Hỏi: Trước ngày hội, các tay đua phải tập chèo theo nhịp trên cạn để làm gì?

Đáp: Trước ngày hội, các tay đua phải tập chèo theo nhịp trên cạn để cho quen.

Viết: Hội đua ghe ngo trang 53, 54

Tiếng Việt lớp 3 trang 53 Câu 1: Nghe - viết: Hội đua ghe ngo (từ “Vào cuộc đua” đến hết)

Trả lời:

Hội đua ghe ngo

Vào cuộc đua, mỗi ghe có một người giỏi tay chèo ngồi đằng mũi chỉ huy và một người đứng giữa ghe giữ nhịp. Theo hiệu lệnh, những mái chèo đưa nhanh thoăn thoắt, đều tăm tắp, đẩy chiếc ghe lướt nhanh trên sông. Tiếng trống hội, tiếng hò reo cổ vũ vang dội cả một vùng sông nước.

- Học sinh chú ý viết đúng chính tả, những từ ngữ dễ sai: giữ nhịp, thoăn thoắt, tăm tắp, vang dội.

Tiếng Việt lớp 3 trang 53 Câu 2: Chọn chữ và dấu thanh phù hợp

a) Chữ r,d hoăc gi?

Đây con sông xuôi ...òng nước chảy

Bốn mùa soi từng mảnh mây trời

Từng ngọn ...ừa ...ó đưa phe phẩy 

Bóng lồng trên sóng nước chơi vơi

Đây con sông như ...òng sữa mẹ 

Nước về xanh ..uộng lúa, vườn cây

Và ăm ắp như lòng người mẹ

Chở tình thương trang trải đêm ngày

b) Dấu hỏi hay dấu ngã?

Dòng suối nho trôi nhanh,

Chơ niềm vui đi mai

Cây nêu vừa dừng lại

Duyên dáng khoe sắc màu

Sân rộng, còn vút cao,

Tiếng cười vang khắp ban

Đu quay tròn, loáng thoáng

Các em mừng, vay tay

Trả lời:

a) Chữ r,d hoăc gi?

Đây con sông xuôi dòng nước chảy

Bốn mùa soi từng mảnh mây trời

Từng ngọn dừa gió đưa phe phẩy 

Bóng lồng trên sóng nước chơi vơi

Đây con sông như dòng sữa mẹ 

Nước về xanh ruộng lúa, vườn cây

Và ăm ắp như lòng người mẹ

Chở tình thương trang trải đêm ngày

b) Dấu hỏi hay dấu ngã?

Dòng suối nhỏ trôi nhanh,

Chở niềm vui đi mãi

Cây nêu vừa dừng lại

Duyên dáng khoe sắc màu

Sân rộng, còn vút cao,

Tiếng cười vang khắp bản

Đu quay tròn, loáng thoáng

Các em mừng, vẫy tay

Tiếng Việt lớp 3 trang 53, 54 Câu 3: Giúp chú kiến tha bánh về đúng chỗ:

a) r,d hay gi?

Viết trang 53, 54 Tiếng Việt lớp 3 Tập 2 Cánh diều

b) Dấu hỏi hay dấu ngã?

Viết trang 53, 54 Tiếng Việt lớp 3 Tập 2 Cánh diều

Trả lời:

a) để dành, giành lấy, rành mạch, tham gia, giày da, đi ra. 

b) vui vẻ, học vẽ, cơn bão, dạy bảo, nóng nảy, lúc nãy.

Nói và nghe: Em đọc sách báo trang 54, 55

Tiếng Việt lớp 3 trang 54 Câu 1: Kể lại hoặc đọc lại một câu chuyện (bài thơ, bài văn) về các dân tộc anh em trên đất nước ta mà em đã đọc ở nhà

Trả lời:

Dân tộc Kinh

Người Kinh thể hiện những giá trị quý báu về tâm linh nên ở Việt Nam có rất nhiều lễ hội độc đáo. Một lễ hội lớn và quan trọng là Lễ hội Đền Hùng. Mục đích của nghi lễ này là để tưởng nhớ và tri ân các Vua Hùng, những người có công sáng lập ra truyền thống và những vị vua đầu tiên của dân tộc. Lễ hội Đền Hùng được tổ chức từ ngày 8 đến 11 tháng 3 âm lịch, nhưng ngày chính hội là ngày 10. Vào ngày mùng 10, người Kinh được nghỉ một ngày. Một số sẽ đến Đền Hùng ở Phú Thọ để tham gia lễ hội. Tại đây, những người hành hương dâng lễ cầu nguyện và thắp hương cho tổ tiên. Lễ hội Đền Hùng là một lễ hội linh thiêng cũng như một cuộc hành hương trở về cội nguồn của dân tộc Việt Nam.

Tiếng Việt lớp 3 trang 55 Câu 2: Trao đổi về câu chuyện (bài thơ, bài văn) em đã đọc

Trả lời:

Câu chuyện Dân tộc Kinh cung cấp những thông tin hữu ích về dân tộc Kinh – dân tộc đông nhất tại Việt Nam.

Đọc: Nhớ Việt Bắc trang 55, 56

Bài đọc

Nhớ Việt Bắc

Nhớ Việt Bắc lớp 3 | Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình.

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.

Núi giăng thành lũy sắt dày

Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.

Tố Hữu

Đọc hiểu

Tiếng Việt lớp 3 trang 56 Câu 1: Bài thơ là lời ai nói với ai? Chọn ý đúng:

a) Là lời của người sắp xa Việt Bắc nói bắn người dân Việt Bắc.

b) Là lời của người dân Việt Bắc nói với người sắp xa Việt Bắc

c) Là lời của người dân Việt Bắc nói với nhau về quê hương.

Trả lời:

Bài thơ là lời của a) Là lời của người sắp xa Việt Bắc nói bắn người dân Việt Bắc.

Tiếng Việt lớp 3 trang 56 Câu 2: Tìm những hình ảnh đẹp về núi rừng Việt Bắc trong bài thơ

Trả lời:

Những hình ảnh đẹp về núi rừng Việt Bắc trong bài thơ: Hoa chuối, đèo cao nắng ánh, mơ nở trắng từng, rừng phách đổ vàng. 

Tiếng Việt lớp 3 trang 56 Câu 3: Tìm những hình ảnh đẹp về người dân Việt Bắc cần cù lao động.

Trả lời:

Những hình ảnh đẹp về người dân Việt Bắc cần cù lao động: Người đan nón chuốt từng sợi giang, Cô em gái hái măng một mình.

Tiếng Việt lớp 3 trang 56 Câu 4: Những câu thơ nào nói lên lòng yêu nước của người dân Việt Bắc

Trả lời:

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây.

Luyện tập 

Tiếng Việt lớp 3 trang 56 Câu 1: Có thể thay bông hoa trong mỗi câu dưới đây bằng dấu câu nào?Dấu câu ấy được dùng làm gì?

Nhớ Việt Bắc lớp 3 | Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều

Trả lời:

a) Mười dòng thơ đâu là một bức tranh đẹp về cảnh và người Việt Bắc: (dấu hai chấm) Cảnh Việt Bắc nên thơ, người Việt Bắc cần cù, tình nghĩa.

b) Ở những dòng thơ cuối, cảnh với người như hòa làm một: (dấu hai chấm) núi rừng cùng con người sát cánh bên nhau, bảo vệ Tổ Quốc.

- Dấu câu dùng để giải thích.

Tiếng Việt lớp 3 trang 56 Câu 2: Dựa theo nội dung bài đọc, em hãy viết tiếp tiếp vào vở câu dưới đây, trong câu có sử dụng dấu hai chấm:

Bài thơ Nhớ Việt Bắc dã khắc họa nên hình ảnh đồng bào các dân tộc Việt Bắc với những phẩm chất đáng quý...

Trả lời:

Bài thơ Nhớ Việt Bắc dã khắc họa nên hình ảnh đồng bào các dân tộc Việt Bắc với những phẩm chất đáng quý: cần cù, yêu lao động, yêu Tổ quốc...

Góc sáng tạo: Nét đẹp trăm miền trang 57, 58

Tiếng Việt lớp 3 trang 57 Câu 1: Chọn 1 trong 2 đề sau:

a) Viết đoạn văn về một ngày Tết hoặc lễ hội ở địa phương em.

Góc sáng tạo trang 57, 58 Tiếng Việt lớp 3 Tập 2 Cánh diều

Trả lời:

Lễ hội đấu vật

Đấu vật vốn là một trò vui rất phổ biến trong các lễ hội đầu xuân ở quê tôi. Sân đấu thường là những bãi đất rộng, bằng phẳng, có thể là sân đình làng. Trên đó người ta trải một tấm bạt lớn có vẽ hai vòng tròn đồng tâm, một to một nhỏ để làm ranh giới thi đấu. Người tham gia đấu vật thường là những người đàn ông trai tráng to lớn, có sức vóc đến từ các làng xã, khác nhau. Vào ngày diễn ra hội thi cả làng đông vui lắm, già trẻ lớn bé, ai cũng gác lại hết công việc dắt nhau ra đình làng xem vật, quây kín cả sân đấu. Các đô vật cởi trần, chỉ mặc mỗi một chiếc quần đùi ngắn, có màu sắc khác nhau để phân biệt. Khi trọng tài ra hiệu bắt đầu trận vật, hai đô vật cơ bắp lực lưỡng lập tức lao vào, ra sức vật ngã đối phương trong tiếng hò hét cổ vũ của người xem. Trên sân lúc này, hai đô vật không ai nhường ai. Người nào người nấy, mắt long sòng sọc, hàm nghiến chặt, mồ hôi đổ như suối, tay nắm lấy thắt lưng đối phương giằng co trên sân. Sau mười lăm phút thi đấu, cuối cùng cũng nghe thấy tiếng còi của trọng tài, một đô vật đã xuất sắc quật ngã đối phương để tiến vào vòng tiếp theo. Người đi xem hét vang trời, không khí rộn ràng với tiếng trống, tiếng vỗ tay, tiếng huýt sáo, ôi, vui thật là vui. Buổi đấu vật còn diễn ra cho tới hết buổi chiều mới kết thúc, trận nào cũng vô cùng gay cấn và hấp dẫn. Em hy vọng rằng, vào những mùa xuân sau nữa hội thi đấu vật vẫn sẽ tiếp tục được tổ chức, vì đã thể hiện được tinh thần thượng võ của dân tộc ta.

b) Viết đoạn văn về trang phục của dân tộc mà em biết

Góc sáng tạo trang 57, 58 Tiếng Việt lớp 3 Tập 2 Cánh diều

Trả lời:

Trang phục truyền thống dân tộc H'Mông

Dân tộc H'Mông có trang phục truyền thống hết sức cầu kì và sặc sỡ, thường làm bằng vải lanh với nhiều màu sắc nổi bật cùng hoa văn đa dạng, cầu kì. Một bộ trang phục hoàn chỉnh thường gồm áo xẻ cổ, váy xòe xếp ly, xà cạp và mũ đội đầu. Nữ phục H'Mông rất đẹp và nổi bật, họ thường đính kèm các đồng xu, chuỗi hạt trên trang phục để tăng tính thẩm mỹ cũng như thể hiện các ý chí tâm linh truyền thống. Trang phục người Mông Hoa và Mông Trắng thì hoa văn chủ yếu tập trung trên lưng áo, đó là các họa tiết thổ cẩm hình chữ nhật, hình thoi,... Còn trang phục phụ nữ Mông Đen, Mông Đỏ thì họa tiết tập trung ở vùng tay áo và trước ngực. Váy của họ là váy xòe xếp ly, thường là màu trắng, đai thắt lưng dài có màu nổi bật như xanh, hồng,... Đi kèm với váy là xà cạp được thiết kế tỉ mỉ với các đồng xu bạc trang trí. 

Góc sáng tạo trang 57, 58 Tiếng Việt lớp 3 Tập 2 Cánh diều

Tiếng Việt lớp 3 trang 58 Câu 2: Giới thiệu và bình chọn các đoạn văn hay

Trả lời:

Em cùng các bạn giới thiệu đoạn văn và bình chọn đoạn văn hay.

Tự đánh giá trang 58

Tiếng Việt lớp 3 trang 58 Câu hỏi: Sau bài 14, em đã biết thêm những gì, đã làm thêm được những gì? Hãy hoàn chỉnh bảng dưới đây và tự đánh giá theo gợi ý

Tự đánh giá trang 58 Tiếng Việt lớp 3 Tập 2 Cánh diều

Trả lời:

Em tự đánh giá những điều đã biết và đã làm được.

Xem thêm các bài giải SGK Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 13: Cuộc sống đô thị

Bài 14: Anh em một nhà

Bài 15: Ôn tập giữa học kì 2

Bài 16: Bảo vệ Tổ quốc

Bài 17: Trái Đất của em

Đánh giá

0

0 đánh giá