Lý thuyết Lịch sử 10 Bài 8 (Kết nối tri thức 2024): Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại

10.2 K

Với tóm tắt lý thuyết Lịch sử lớp 10 Bài 8: Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại sách Kết nối tri thức hay, chi tiết cùng với bài tập trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Sử 10.

Lịch sử lớp 10 Bài 8: Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại

A. Lý thuyết Lịch sử 10 Bài 8: Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại

I. Cách mạng công nghiệp lần thứ ba

a) Bối cảnh lịch sử

- Cách mạng công nghiệp lần thứ ba (còn được gọi là Cách mạng kĩ thuật số), diễn ra trong khoảng nửa sau thế kỉ XX.

- Cách mạng công nghiệp lần thứ ba ra đời trên cơ sở:

+ Kế thừa những bước tiến của khoa học, kĩ thuật vào đầu thế kỉ XX.

+ Sự ra đời của lí thuyết nguyên tử hiện đại, đặc biệt là Thuyết tương đối của An-be Anh-xtanh (Đức)

Lý thuyết Lịch Sử 10 Kết nối tri thức Bài 8: Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại

Nhà bác học An-be Anh-xtanh

+ Nhu cầu phục vụ chiến tranh và chạy đua vũ trang đã thúc đẩy chính phủ các nước đầu tư vào nghiên cứu khoa học, hoạt động sáng chế để chế tạo ra nhiều loại vũ khí và phương tiện chiến tranh tối tân, hiện đại.

+ Sự vơi cạn các nguồn tài nguyên hoá thạch (dầu mỏ, than đá,...), thách thức về bùng nổ và già hoá dân số, nhu cầu lớn về nguyên vật liệu cho sản xuất đã đặt ra yêu cầu phải tìm ra những nguồn năng lượng mới, vật liệu mới thay thế, cũng như phát triển các ngành sử dụng ít năng lượng.

b) Những thành tựu cơ bản

- Cách mạng công nghiệp lần thứ ba tạo ra nhiều phát minh lớn về công cụ sản xuất như: máy tính, máy tự động và hệ thống máy tự động, người máy; internet, công nghệ thông tin; những vật liệu mới, nguồn năng lượng mới,...

- Thành tựu quan trọng đầu tiên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba là sự xuất hiện của máy tính.

- Tự động hoá và công nghệ rô-bốt ra đời đã giúp giải phóng sức lao động của con người, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm công nghiệp

- Sự xuất hiện của mạng internet, việc kết nối giữa các khu vực trên thế giới, chia sẻ thông tin giữa các thiết bị được thực hiện một cách dễ dàng, hiệu quả hơn.

- Sự ra đời của mạng kết nối internet không dây là một bước tiến quan trọng của ngành công nghệ thông tin.

- Cách mạng công nghiệp lần thứ ba còn gắn với thành tựu trong công cuộc chinh phục vũ trụ của hai cường quốc là Mỹ và Liên Xô.

Lý thuyết Lịch Sử 10 Kết nối tri thức Bài 8: Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại

Con người đặt chân lên Mặt Trăng

II. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

a) Bối cảnh lịch sử

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn gọi là Cách mạng 4.0) bắt đầu từ những năm đầu tiên của thế kỉ XXI và vẫn đang tiếp diễn.

- Cuộc Cách mạng 4.0 diễn ra trong bối cảnh:

+ Nhân loại đã trải qua nhiều cuộc cách mạng công nghiệp với những tiến bộ lớn về khoa học, kĩ thuật và công nghệ.

+ Thừa hưởng thành tựu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ ba, trong đó quan trọng nhất là thành tựu trong lĩnh vực công nghệ kĩ thuật số, khi internet ngày càng phổ biến, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rộng rãi hơn trong nhiều lĩnh vực.

- Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước phát triển.

b) Những thành tựu cơ bản

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn liền với những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ in 3D, tự động hoá, vật liệu mới, Công nghệ gen, công nghệ na-nô,...

- Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa mới bắt đầu, nhưng hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi lớn lao trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội của thế kỉ XXI.

Lý thuyết Lịch Sử 10 Kết nối tri thức Bài 8: Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại

Rô-bốt Xô-phi-a

III. Ý nghĩa và tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư

a) Ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế

- Giúp cho việc mở rộng và đa dạng hoá các hình thức sản xuất và quản lí.

- Con người có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và đầy đủ,... do đó có thể hỗ trợ việc ra quyết định nhanh hơn và chính xác hơn.

- Giúp tăng năng suất lao động gấp nhiều lần, rút ngắn thời gian và tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm,...

- Thương mại điện tử ra đời đã giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn, mua sắm hàng hoá, dịch vụ bằng hình thức trực tuyến. Thông qua thương mại điện tử, người tiêu dùng tiếp cận gần hơn với thương mại toàn cầu.

- Thúc đẩy quá trình khu vực hoá, toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới,...

b) Tác động về xã hội, văn hóa

* Về xã hội

- Tác động tích cực:

+ Giải phóng sức lao động của con người, đặc beietj là trong những công việc nguy hiểm, môi trường độc hại.

+ Đưa đến sự phân hóa trong lực lượng lao động, số lượng người có kĩ năng và trình độ chuyên môn hóa ngày càng tăng

+ Con người có thể làm nhiều loại công việc bằng hình thức từ xa, tiết kiệm thời gian…

- Tác động tiêu cực:

+ Khiến nhiều người lao động phải đối diện với nguy cơ mất việc làm

+ Gây ra sự phân hóa trong xã hội, nới rộng khoảng cách giàu - nghèo

+ Con người bị lệ thuộc nhiều hơn vào các thiết bị thông minh; ít quan tâm đến các mối quan hệ gia đình, xã hội

Lý thuyết Lịch Sử 10 Kết nối tri thức Bài 8: Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại

Con người dần bị lệ thuộc vào các thiết bị thông minh

* Về văn hóa

- Tác động tích cực:

+ Việc tìm kiếm, chia sẻ thông tin trở nên thuận tiện và nhanh chóng

+ Con người có thể trao đổi, giao tiếp thông qua các ứng dụng trên Internet, rất thuận tiện, nhanh chóng

+ Quá trình giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, khu vực diễn ra dễ dàng và thuận tiện

Lý thuyết Lịch Sử 10 Kết nối tri thức Bài 8: Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại

Thương mại điện tử giúp việc trao đổi, mua bán dễ dàng hơn

- Tác động tiêu cực:

+ Phát sinh các vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân, tính chính xác của các thông tin được chia sẻ

+ Làm gia tăng sự xung đột giữa nhiều yếu tố, giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại; xuất hiện nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.

B. Bài tập trắc nghiệm Lịch sử 10 Bài 8: Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại

Câu 1. Quốc gia đầu tiên đưa con người đặt chân lên Mặt Trăng là

A. Anh.

B. Pháp.

C. Đức.

D. Mĩ.

Đáp án đúng là: D

Năm 1969, nhà du hành không gian Neo Am-strong (Mỹ) là người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng. (SGK - Trang 71)

Câu 2. Sự ra đời của tự động hóa và công nghệ rô-bốt không đem lại ý nghĩa nào sau đây?

A. Thay thế hoàn toàn sức lao động của con người.

B. Giải phóng sức lao động của con người.

C. Góp phần nâng cao năng suất lao động.

D. Nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp.

Đáp án đúng là: A

Sự ra đời của tự động hóa và công nghệ rô-bốt đã giúp giải phóng sức lao động của con người, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm công nghiệp. (SGK - Trang 70)

Câu 3. Sự xuất hiện của mạng internet đem lại ý nghĩa nào sau đây?

A. Giúp việc di chuyển giữa các quốc gia trở nên dễ dàng.

B. Giúp việc kết nối, chia sẻ thông tin trở nên dễ dàng, hiệu quả.

C. Đảm bảo sự an toàn tuyệt đối trong việc lưu trữ thông tin.

D. Xóa bỏ khoảng cách phát triển giữa các quốc gia trên thế giới.

Đáp án đúng là: B

Với sự xuất hiện của mạng internet, việc kết nối giữa các khu vực trên thế giới, chia sẻ thông tin giữa các thiết bị được thực hiện một cách dễ dàng, hiệu quả hơn. (SGK - Trang 70)

Câu 4. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được bắt đầu từ thời gian nào?

A. Từ những năm đầu thế kỉ XXI.

B. Từ những năm đầu thế kỉ XX.

C. Từ những năm cuối thế kỉ XX.

D. Từ những năm đầu thế kỉ XIX.

Đáp án đúng là: A

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn gọi là Cách mạng 4.0) bắt đầu từ những năm đầu tiên của thế kỉ XXI và vẫn đang tiếp diễn. (SGK - Trang 72)

Câu 5. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra trong bối cảnh nào sau đây?

A. Loài người bước đầu tiến lên nền văn minh công nghiệp.

B. Nhân loại đã trải qua nhiều cuộc cách mạng công nghiệp.

C. Con người bước đầu ứng dụng tự động hóa trong sản xuất.

D. Chủ nghĩa tư bản trở thành hệ thống duy nhất trên thế giới.

Đáp án đúng là: B

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra trong bối cảnh nhân loại đã trải qua nhiều cuộc cách mạng công nghiệp với những tiến bộ lớn về khoa học, kĩ thuật và công nghệ. (SGK - Trang 72)

Câu 6. Cách mạng công nghiệp lần thứ ba diễn ra trong khoảng thời gian nào?

A. Nửa đầu thế kỉ XIX.

B. Nửa sau thế kỉ XIX.

C. Nửa đầu thế kỉ XX.

D. Nửa sau thế kỉ XX.

Đáp án đúng là: D

Cách mạng công nghiệp lần thứ ba (Cách mạng kĩ thuật số) diễn ra trong khoảng nửa sau thế kỉ XX. (SGK - Trang 68)

Câu 7. Nội dung nào sau đây không phải là yếu tố dẫn tới sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba?

A. Sự vơi cạn của các nguồn tài nguyên hóa thạch.

B. Thách thức về bùng nổ và già hóa dân số.

C. Nhu cầu về nguồn năng lượng mới, vật liệu mới.

D. Nhu cầu về không gian sinh sống mới.

Đáp án đúng là: D

Những yếu tố dẫn tới sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba:

- Nhu cầu phục vụ chiến tranh và chạy đua vũ trang thúc đẩy chính phủ các nước đầu tư vào nghiên cứu khoa học, chế tạo vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại.

- Sự vơi cạn của các nguồn tài nguyên hóa thạch (dầu mỏ, than đá,…), thách thức về bùng nổ và già hóa dân số, nhu cầu lớn về nguyên vật liệu cho sản xuất đã đặt ra yêu cầu phải tìm ra những nguồn năng lượng mới, vật liệu mới thay thế, cũng như phát triển các ngành sử dụng ít năng lượng. (SGK - Trang 69)

Câu 8. Sự ra đời của thuyết nào sau đây đã đặt nền tảng cho các phát minh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba?

A. Thuyết tương đối.

B. Thuyết vạn vận hấp dẫn.

C. Thuyết di truyền.

D. Thuyết tế bào.

Đáp án đúng là: A

Cách mạng công nghiệp lần thứ ba ra đời trên cơ sở kế thừa những bước tiến của khoa học, kĩ thuật vào đầu thế kỉ XX. Sự ra đời của lý thuyết nguyên tử hiện đại, đặc biệt là thuyết tương đối của An-be Anh-xtanh (Đức) đã đặt nền tảng cho các phát minh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba. (SGK - Trang 69)

Câu 9. Một trong những thành tựu quan trọng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba là sự xuất hiện của

A. động cơ điện.

B. máy tính.

C. máy hơi nước.

D. ô tô.

Đáp án đúng là: B

Thành tựu quan trọng đầu tiên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba là sự xuất hiện của máy tính. (SGK - Trang 69)

Câu 10. Quốc gia nào sau đây mở đầu kỉ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người?

A. Liên Xô.

B. Mĩ.

C. Anh.

D. Trung Quốc.

Đáp án đúng là: A

Năm 1957, Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo Xpút-ních 1 lên quỹ đạo. Sự kiện này đã mở đầu kỉ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người. (SGK - Trang 71)

Câu 11. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng vai trò của việc sử dụng internet vạn vật?

A. Mang lại hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

B. Mang lại sự tiện nghi cho con người.

C. Mở ra thời kì tự động hóa trong sản xuất.

D. Góp phần hoàn thiện dữ liệu lớn (Big Data).

Đáp án đúng là: C

Ngày nay, internet vạn vật ngày càng được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực quản lí đô thị, giao thông, xây dựng, thời trang, chăm sóc sức khỏe,… không những mang lại sự hiệu quả, kinh tế, tiện nghi cho con người, mà thông qua các thiết bị được kết nối, nhiều dữ liệu được thu thập, giúp hoàn thiện dữ liệu lớn (Big Data). (SGK - Trang 72)

Câu 12. Nội dung nào sau đây không phải là ý nghĩa của các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại đối với sự phát triển kinh tế?

A. Góp phần mở rộng và đa dạng hóa các hình thức sản xuất và quản lí.

B. Giúp tăng năng suất lao động, rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng sản phẩm.

C. Thúc đẩy quá trình khu vực hóa, toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới.

D. Đưa loài người chuyển từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp.

Đáp án đúng là: D

Ý nghĩa của các cuộc cách mạng công nghiệp thời hiện đại đối với sự phát triển kinh tế:

- Góp phần mở rộng và đa dạng hóa các hình thức sản xuất và quản lí. Con người có thế tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, do đó có thể hỗ trợ việc ra quyết định nhanh hơn và chính xác hơn.

- Giúp tăng năng suất lao động gấp nhiều lần, rút ngắn thời gian và tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm,…

- Giúp con người có thể lựa chọn, mua sắm hàng hóa, dịch vụ một cách thuận tiện và tiếp cận gần hơn với thương mại toàn cầu.

- Thúc đẩy quá trình khu vực hóa, toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới,… (SGK - Trang 73, 74)

Câu 13. Nội dung nào sau đây là một trong những tác động tích cực của các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại đối với xã hội?

A. Khiến con người lệ thuộc vào các thiết bị thông minh.

B. Nới rộng khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội.

C. Góp phần giải phóng sức lao động của con người.

D. Khiến người lao động đối diện với nguy cơ mất việc làm.

Đáp án đúng là: C

Tác động tích cực của các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại đối với xã hội:

- Tự động hóa giúp giải phóng sức lao động của con người, đặc biệt trong những công việc nguy hiểm, trong môi trường độc hại.

- Tri thức đưa đến sự phân hóa trong lực lượng lao động, số lượng người lao động có kĩ năng và trình độ chuyên môn ngày càng cao.

- Giúp con người có thể làm nhiều loại công việc bằng hình thức từ xa, giúp tiết kiệm thời gian,… (SGK - Trang 74)

Câu 14. Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại đem lại tác động tiêu cực nào sau đây đối với xã hội?

A. Đưa đến sự phân hóa trong lực lượng lao động trên mọi lĩnh vực.

B. Giúp con người có thể làm nhiều loại công việc bằng hình thức từ xa.

C. Khiến nhiều người lao động đối diện với nguy cơ mất việc làm.

D. Làm gia tăng sự xung đột giữa văn hóa truyền thống và hiện đại.

Đáp án đúng là: C

Tác động tiêu cực của các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại đối với xã hội:

- Khiến nhiều người lao động đối diện với nguy cơ mất việc làm.

- Gây ra sự phân hóa trong xã hội, nới rộng khoảng cách giàu - nghèo.

- Con người bị lệ thuộc nhiều hơn vào các thiết bị thông minh, ít quan tâm đến các mối quan hệ gia đình, xã hội. (SGK - Trang 74)

Câu 15. Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại đem lại tác động tiêu cực nào sau đây về văn hóa?

A. Xuất hiện nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.

B. Khiến quá trình giao lưu văn hóa trở nên dễ dàng.

C. Giúp việc tìm kiếm, chia sẻ thông tin trở nên thuận tiện.

D. Giúp con người làm nhiều công việc bằng hình thức từ xa.

Đáp án đúng là: A

Về mặt văn hóa, bên cạnh các tác động tích cực, các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại cũng đem lại nhiều tác động tiêu cực:

- Làm phát sinh các vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân, tính chính xác của các thông tin được chia sẻ,…

- Làm gia tăng sự xung đột giữa nhiều yếu tố, giá trình văn hóa truyền thống và hiện đại; xuất hiện nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. (SGK - Trang 74)

Xem thêm các bài tóm tắt lý thuyết Lịch sử lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

LT Lịch sử 10 Bài 7: Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì cận đại

LT Lịch sử 10 Bài 8: Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại

LT Lịch sử 10 Bài 9: Cơ sở hình thành văn minh Đông Nam Á thời kì cổ - trung đại

LT Lịch sử 10 Bài 10: Hành trình phát triển và thành tựu của văn minh Đông Nam Á (thời kì cổ - trung đại)

LT Lịch sử 10 Bài 11: Một số nền văn minh cổ trên đất nước Việt Nam

Đánh giá

0

0 đánh giá