25 câu Trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 2 (Cánh diều) có đáp án: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống

2.3 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Bài 2: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống sách Cánh diều. Bài viết gồm 25 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Địa Lí 12. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 2: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống. Mời các bạn đón xem:

Trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 2: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống

Phần 1. 25 câu trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 2: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống

Câu 1. Quá trình feralit diễn ra mạnh mẽ ở

A. vùng đồi núi thấp.

B. khu vực núi cao.

C. ven biển, các đảo.

D. trung du, hải đảo.

Chọn A

Quá trình feralit diễn ra mạnh ở vùng đồi núi thấp trên đá mẹ a-xít, do đó đất feralit là loại đất chính ở vùng đồi núi nước ta.

Câu 2. Hằng năm, các đồng bằng ở ven biển được bồi đắp lượng phù sa lớn chủ yếu là do

A. quá trình xâm thực, bào mòn mạnh mẽ bề mặt địa hình diễn ra ở miền đồi núi.

B. địa hình núi cao ở nước ta chiếm phần lớn và lớp phủ thực vật ngày càng yếu.

C. quá trình xâm thực, bào mòn diễn ra chậm; con người phá hủy bề mặt địa hình.

D. các hoạt động nông nghiệp từ con người, mưa lớn xảy ra quanh năm ở đồi núi.

Chọn A

Dòng chảy sông ngòi vận chuyển các vật liệu bào mòn ở miền đồi núi về bồi đắp các vùng đồng bằng rộng lớn ở hạ lưu các con sông, hình thành nên các đồng bằng hạ lưu sông rộng lớn. Lượng phù sa hằng năm bồi đắp ở các vùng đồng bằng lớn (200 triệu tấn/năm) chủ yếu là do quá trình xâm thực, bào mòn mạnh mẽ bề mặt địa hình diễn ra ở miền đồi núi trong điều kiện nền nhiệt ẩm cao, bề mặt đệm yếu và mưa lớn tập trung theo mùa.

Câu 3. Sông ngòi nước ta có đặc điểm nào sau đây?

A. Chủ yếu là sông dài nhưng nhỏ, ít nước.

B. Tổng lượng nước lớn, giàu phù sa sông.

C. Ở miền bắc nhiều sông hơn ở miền nam.

D. Lượng nước phân bố đều giữa các sông.

Chọn B

Do chịu tác động của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên sông ngòi nước ta có lưu lượng (khoảng 839 tỉ m3/năm) và hàm lượng phù sa khoảng 200 triệu tấn/năm.

Câu 4. Loại đất đặc trưng cho khí hậu nhiệt đới ẩm ở nước ta là

Ở nước ta loại đất đặc trưng cho khí hậu nhiệt đới ẩm là

A. Đất phèn, đất mặn.

B. Đất cát và ba-dan.

C. Đất feralit đỏ vàng.

D. Đất phù sa ngọt.

Chọn C

Trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm, quá trình hình thành đất đặc trưng là quá trình feralit. Điều kiện nhiệt, ẩm cao làm cho các quá trình phong hóa diễn ra mạnh mẽ, tạo ra một lớp đất dày. Mưa nhiều làm rửa trôi các chất badơ dễ tan (Ca2+, Mg2+, Na+, K+) làm đất chua và tích tụ ôxit sắt (Fe2O3) và ôxit nhôm (Al2O3), tạo ra màu đỏ vàng nên loại đất này được gọi là đất feralit đỏ vàng.

Câu 5. Đất feralit có màu đỏ vàng là do

A. ảnh hưởng trực tiếp từ Mặt Trời.

B. đất hình thành trên đá mẹ ba-dan.

C. lượng phù sa có trong đất nhiều.

D. sự tích tụ nhiều oxit sắt và nhôm.

Chọn D

Quá trình feralit là quá trình hình thành đất đặc trưng cho vùng khí hậu nhiệt đới ẩm. Trong điều kiện nhiệt đới ẩm cao, quá trình phong hóa diễn ra với cường độ mạnh, tạo nên một lớp đất dày. Mưa nhiều rửa trôi các chất badơ dễ tan (Ca2+, Mg2+, K+) làm đất chua, đồng thời có sự tích tụ oxit sắt (Fe2O3) và oxit nhôm (Al2O3) tạo ra màu đỏ vàng. Vì thế loại đất này được gọi là đất feralit (Fe-Al) đỏ vàng.

Câu 6. Tính chất nhiệt đới của khí hậu nước ta thể hiện qua các yếu tố nào sau đây?

A. Độ ẩm không khí cao, cân bằng ẩm luôn luôn dương.

B. Lượng mưa lớn, trung bình năm từ 1500 - 2000 mm.

C. Trong năm có hai mùa rõ rệt, nhiệt độ trung bình cao.

D. Tổng bức xạ lớn, cân bằng bức xạ dương quanh năm.

Chọn D

Tính chất nhiệt đới.

- Tổng lượng bức xạ lớn, cán cân bức xạ luôn dương.

- Nhiệt độ trung bình năm trên toàn quốc đều lớn hơn 20oC (trừ vùng núi cao), vượt tiêu chuẩn khí hậu nhiệt đới.

- Nhiều nắng, tổng số giờ nắng tùy nơi từ 1400 - 3000 giờ/năm.

Câu 7. Loại gió nào hoạt động quanh năm ở nước ta?

A. Gió mùa Đông Bắc.

B. Gió Tín phong.

C. Gió mùa Tây Nam.

D. Gió mùa phơn.

Chọn B

Loại gió có cơ chế hoạt động quanh năm ở nước ta là gió Tín phong bán cầu Bắc. Vào thời kì chuyển tiếp giữa gió mùa thì gió Tín phong hoạt động mạnh.

Câu 8. Nguyên nhân chủ yếu nước ta có lượng mưa trong năm lớn do

A. nền nhiệt độ cao quanh năm, độ bốc hơi ẩm rất lớn.

B. hoạt động của gió Tín phong bán cầu Bắc mang ẩm.

C. các khối không khí qua biển mang ẩm vào đất liền.

D. ảnh hưởng từ hướng núi và bốc hơi nội địa khá lớn.

Chọn C

Nước ta có lượng mưa lớn, trung bình 1500 - 2000mm/năm, nguyên nhân chính là do các khối không khí qua biển mang ẩm vào đất liền kết hợp với hướng, độ cao các dãy núi.

Câu 9. Địa điểm nào trên đất liền ở nước ta có thời gian hai lần mặt trời lên thiên đỉnh cách xa nhau nhất?

A. Điểm cực Bắc.

B. Điểm cực Nam.

C. Điểm cực Đông.

D. Điểm cực Tây.

Chọn B

Nước ta nằm hoàn toàn trong vùng nội chí tuyến bán cầu Bắc nên mỗi năm có hai lần Mặt Trời lên thiên đỉnh và trên đất liền nước ta, nơi có thời gian hai lần mặt trời lên thiên đỉnh cách xa nhau nhất là điểm cực Nam, gần nhau nhất là điểm cực Bắc.

Câu 10. Tổng lượng phù sa của các hệ thống sông khoảng

A. 100 triệu tấn/năm.

B. 150 triệu tấn/năm.

C. 180 triệu tấn/năm.

D. 200 triệu tấn/năm.

Chọn D

Tổng lượng nước của sông ngòi nước ta khoảng 839 tỉ m3/năm. Tổng lượng phù sa của các hệ thống sông khoảng 200 triệu tấn/năm.

Câu 11. Sông ngòi nước ta nhiều nước do

A. lượng mưa lớn, nước từ phần lưu vực ngoài lãnh thổ.

B. lượng nước ngầm rất lớn, lượng mưa lớn quanh năm.

C. nhiều hệ thống sông lớn và hệ thống thủy lợi dày đặc.

D. nước từ phần lưu vực ngoài lãnh thổ và nước ngầm.

Chọn A

Sông ngòi nước ta nhiều nước với lưu lượng nước khoảng 839 tỉ m3/năm là do lượng mưa ở nước ta lớn (trung bình 1 500 - 2 000mm/năm). Đồng thời, lượng nước từ các lưu vực ngoài lãnh thổ chảy vào nước ta lớn, lượng nước này chiếm tới 60% tổng lượng nước của các con sông (đặc biệt là hai hệ thống sông Hồng và sông Cửu Long).

Câu 12. Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa của nước ta ít ảnh hưởng đến ngành nào dưới đây?

A. Trồng trọt.

B. Chăn nuôi.

C. Du lịch.

D. Điện tử.

Chọn D

Hoạt động kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào điều kiện tự nhiên (đặc biệt là các yếu tố nhiệt, ẩm, mưa,… của khí hậu). Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa của nước ta ảnh hưởng trực tiếp và rõ rệt nhất đến hoạt động sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt,…). Ngoài ra còn ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch, giao thông vận tải và ảnh hưởng gián tiếp đến các hoạt động thương mại, sàn giao dịch điện tử (ít bị ảnh hưởng),…

Câu 13. Sông ngòi nước ta không có đặc điểm nào sau đây?

A. Mạng lưới sông ngòi dày đặc.

B. Sông nhiều nước, giàu phù sa.

C. Sông phân bố nhiều ở hải đảo.

D. Chế độ nước sông theo mùa.

Chọn C

Tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa thể hiện ở mạng lưới sông ngòi dày đặc, nhiều nước, giàu phù sa, chế độ nước sông theo mùa.

- Mạng lưới sông ngòi dày đặc, phân bố rộng khắp trên đất liền. Nước ta có khoảng 2 360 con sông có chiều dài trên 10 km. Tổng lượng nước của sông ngòi nước ta khoảng 839 tỉ m3/năm. Tổng lượng phù sa của các hệ thống sông khoảng 200 triệu tấn/năm.

- Chế độ nước theo mùa. Nước ta có chế độ mưa mùa nên chế độ nước sông trong năm chia hai mùa với một mùa lũ và một mùa cạn. Mùa lũ trùng với mùa mưa, mùa cạn trùng với mùa khô. Chế độ mưa thất thường làm cho chế độ dòng chảy cũng thay đổi thất thường.

Câu 14. Ngành nào sau đây ở nước ta chịu ảnh hưởng nhiều nhất của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa?

A. Công nghiệp.

B. Nông nghiệp.

C. Viễn thông.

D. Thương mại.

Hoạt động kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào điều kiện tự nhiên (đặc biệt khí hậu) là nông nghiệp -> Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa của nước ta ảnh hưởng trực tiếp và rõ rệt nhất đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Chọn B

Câu 15. Trên lãnh thổ nước ta có bao nhiêu con sông dài trên 10km?

A. 3 260 con sông.

B. 2 360 con sông.

C. 3 620 con sông.

D. 2 630 con sông.

Chọn B

Trên lãnh thổ nước ta có 2 360 con sông có chiều dài trên 10 km. Dọc bờ biển, trung bình cứ 20 km lại gặp một cửa sông, sông ngòi nước ta nhiều nhưng chủ yếu là sông nhỏ.

Câu 16. Đặc điểm nào sau đây của sông ngòi nước ta thể hiện tính chất gió mùa của khí hậu?

A. Mạng lưới sông ngòi dày đặc.

B. Sông ngòi nhiều nước, phù sa.

C. Chế độ nước sông theo mùa.

D. Chủ yếu là sông nhỏ và ngắn.

Chọn C

Đặc điểm của sông ngòi nước ta thể hiện tính chất gió mùa của khí hậu là chế độ nước sông theo mùa. Mùa lũ nước chiếm khoảng 70 - 80% tổng lượng nước trong năm, thường xảy ra bão, lũ lụt.

Câu 17. Hệ sinh thái rừng nguyên sinh phổ biến ở nước ta là

A. rừng rậm nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh.

B. ngập mặn ven biển phát triển trên đất phèn.

C. rừng gió mùa lá rộng thường xanh trên đá vôi.

D. rừng thưa khô rụng lá, xavan trên đất badan.

Chọn A

Hệ sinh thái rừng nguyên sinh phổ biến ở nước ta là rừng rậm nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh. Do ảnh hưởng của gió mùa nên nước ta có các loại rừng nhiệt đới gió mùa khác nhau, từ rừng nhiệt đới gió mùa thường xanh, rừng gió mùa nửa rụng lá, rừng thưa khô rụng lá, trảng cỏ, cây bụi,...

Câu 18. Chế độ dòng chảy sông ngòi nước ta thất thường do

A. độ dốc lòng sông lớn và nhiều thác ghềnh.

B. sông đã chảy qua nhiều dạng địa hình lớn.

C. sự thất thường của chế độ mưa trong năm.

D. sông ngòi nhiều nước và giàu phù sa sông.

Chọn C

Sông ngòi nước ta được cung cấp nước chủ yếu từ nước mưa, vì vậy sự thất thường của chế độ mưa cũng làm cho chế độ nước của sông ngòi có sự thất thường.

Câu 19. Biểu hiện của địa hình nhiệt đới ẩm gió mùa của nước ta là

A. sự phân hóa địa hình rõ rệt.

B. xuất hiện nhiều đồng bằng.

C. xâm thực và bồi tụ phổ biến.

D. địa hình ven biển phức tạp.

Chọn C

Quá trình xâm thực - bồi tụ là quá trình chính trong sự hình thành địa hình Việt Nam.

- Xâm thực mạnh ở miền đồi núi. Ở miền đồi núi, quá trình xâm thực diễn ra mạnh mẽ. Địa hình bị cắt xẻ, bào mòn, hiện tượng sạt lở đất diễn ra trên các sườn đồi, sườn núi vào mùa mưa lũ khá phổ biến.

- Bồi tụ ở vùng đồng bằng. Hệ quả của quá trình xâm thực, bào mòn mạnh mẽ bề mặt địa hình ở miền đồi núi là sự bồi tụ, hình thành các đồng bằng hạ lưu sông.

Câu 20. Địa hình đồi núi nước ta bị xâm thực mạnh do

A. lượng mưa lớn theo mùa.

B. địa hình dốc, ít đồng bằng.

C. lớp phủ thực vật dày đặc.

D. xuất hiện địa hình các-xtơ.

Chọn A

Địa hình đồi núi nước ta bị xâm thực mạnh do lượng mưa lớn tập trung theo mùa, ngoài ra còn do nền nhiệt độ cao kết hợp với lớp phủ thực vật yếu.

Câu 21. Thiên tai nào sau đây ít xảy ra ở nước ta hiện nay?

A. Núi lửa.

B. Lũ lụt.

C. Mưa bão.

D. Hạn hán.

Chọn A

Ở nước ta hằng năm gây tổn thất rất lớn cho mọi ngành sản xuất, thiệt hại về người và tài sản là do các hoạt động của bão, lũ lụt và hạn hán. Hoạt động núi lửa trong quá khứ đã từng xảy ra ở vùng Tây Nguyên nhưng hiện tại chưa có xuất hiện núi lửa trở lại.

Câu 22. Vào nửa cuối mùa đông khối khí lạnh từ áp cao Xi-bia di chuyển qua vùng biển của các quốc gia nào sau đây?

A. Hoa Kì, Trung Quốc.

B. Trung Quốc, Hàn Quốc.

C. Nhật Bản, Trung Quốc.

D. Trung Quốc, Mi-an-ma.

Chọn C

Vào cuối mùa đông, khối không khí lạnh di chuyển qua vùng biển phía đông Nhật Bản và Trung Quốc nên được tăng cường ẩm. Vì vậy, thời kì này gió mang tính chất lạnh, ẩm và có mưa phùn cho miền Bắc nước ta.

Câu 23. Gió mùa là nhân tố quan trọng dẫn tới

A. sự phân mùa khí hậu khác nhau giữa các khu vực nước ta.

B. sự phân mùa khí hậu khác nhau giữa Tây Bắc và Đông Bắc.

C. sự phân hóa thiên nhiên đa dạng và phức tạp giữa các vùng.

D. sự phân hóa thiên nhiên theo hướng Tây - Đông và độ cao.

Chọn A

Do hoạt động mạnh mẽ của gió mùa mùa hạ và gió mùa mùa đông nên khí hậu nước ta có sự phân hóa giữa các khu vực.

- Miền Bắc. mùa đông lạnh, ít mưa; mùa hạ. nóng ẩm.

- Miền Nam. mùa mưa, mùa khô.

- Tây Nguyên và đồng bằng ven biển Trung Trung Bộ đối lập mùa mưa - khô.

Câu 24. Vào giữa và cuối mùa hạ, do ảnh hưởng của áp thấp Bắc Bộ nên gió mùa Tây nam khi vào Bắc Bộ chuyển hướng thành gió

A. Đông bắc.     

B. Đông nam.

C. Tây bắc.     

D. Tây nam.

Chọn B

Vào giữa và cuối mùa hạ, do có áp thấp Bắc Bộ hút gió nên gió mùa Tây nam khi vào Bắc Bộ chuyển hướng thành đông Nam và gây mưa lớn cho vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Câu 25. Những khu vực nào sau đây ở nước ta có lượng mưa lớn nhất?

A. Các đồng bằng châu thổ ven biển và các đảo.

B. Các đồng bằng ven biển miền Trung, Tây Bắc.

C. Các sườn núi đón gió biển, các khối núi cao.

D. Các thung lũng giữa núi và cao nguyên rộng.

Chọn C

Ở nước ta, những nơi có lượng mưa lớn nhất là các sườn núi đón gió biển và các khối núi cao như khu vực dãy Bạch Mã, Móng Cái,…

Phần 2. Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 2: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống

I. BIỂU HIỆN CỦA THIÊN NHIÊN NHIỆT ĐỚI ẨM GIÓ MÙA

1. Tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa của khí hậu

a) Tính chất nhiệt đới:

- Số giờ nắng trong năm từ 1400 – 3000 giờ.

- Nhiệt độ không khí trung bình năm > 21°C.

- Tính chất nhiệt đới xu hướng tăng dần từ bắc vào nam.

b) Tính chất ẩm:

- Tổng lượng mưa năm từ 1500 – 2000 mm, nhiều nơi > 2500 mm/năm.

- Độ ẩm tương đối đạt từ 80 – 85%, cân bằng ẩm luôn dương.

c) Tính chất gió mùa: sự đối lập về hướng, tính chất gió và đặc điểm thời tiết, khí hậu giữa các mùa trong năm, có 2 mùa gió chính: gió mùa hạ và gió mùa đông.

- Gió mùa mùa đông: từ áp cao Xi-bia, gió hướng Đông Bắc, hoạt động từ tháng 11 – tháng 4 năm sau, làm cho miền Bắc có mùa đông lạnh (nửa đầu mùa đông lạnh khô ít mưa, nửa cuối mùa đông lạnh ẩm mưa phùn). Mùa đông còn có gió Tín phong thổi theo hướng đông bắc gây ra mùa khô kéo dài ở Nam Bộ và Tây Nguyên.

- Gió mùa mùa hạ: từ áp cao Bắc Ấn Độ Dương và áp cao chí tuyến bán cầu Nam, hướng gió Tây Nam, hoạt động từ tháng 5 – tháng 10. Đầu mùa hạ, gió mùa Tây Nam gây mưa ở đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên, khi vượt dãy Trường Sơn mang đến thời tiết nóng, khô (gió phơn Tây Nam hay gió Lào) ở dải đồng bằng ven biển miền Trung và phía nam Tây Bắc. Giữa và cuối mùa hạ gây mưa nhiều trên phạm vi cả nước, ở Bắc Bộ còn có gió Đông Nam thổi từ biển vào. Mùa hạ còn có hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới, gây mưa lớn cho cả 2 miền Bắc và Nam. Trong các thời kỳ chuyển tiếp, Tín phong hoạt động trên phạm vi cả nước.

Lý thuyết Địa Lí 12 Cánh diều Bài 2: Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống

2. Tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa của các thành phần tự nhiên khác.

a) Địa hình

- Nhiệt độ, độ ẩm cao làm cho quá trình phong hóa nhanh, tạo nên vỏ phong hóa vụn bở rất dày, dễ thấm nước, tạo điều kiện cho quá trình xâm thực và bồi tụ.

- Miền núi, quá trình xâm thực do mưa và dòng chảy diễn ra mạnh làm cho địa hình bị chia cắt hiểm trở, trên các sườn dốc xảy ra hiện tượng đất trượt, đá lở, lũ quét,… Trên các vùng đá vôi quá trình cac-xtơ diễn ra mạnh mẽ tạo nên dạng địa hình cac-xtơ nhiệt đới ẩm rất độc đáo.

- Ở đồng bằng và dọc thung lũng sông, diễn ra quá trình bồi tụ mạnh, trầm tích ngày càng dày, diện tích đồng bằng liên tục mở rộng về phía biển.

b) Sông ngòi

- Mạng lưới sông ngòi với mật độ lớn, có 2360 con sông có chiều dài >10 km.

- Tổng lượng dòng chảy trên các hệ thống sông khoảng 839 tỉ m3/năm, tổng lượng phù sa sông vận chuyển ra biển hàng năm khoảng 200 triệu tấn.

- Chế độ dòng chảy phân mùa rõ rệt, mùa lũ kéo dài từ 4 – 5 tháng trùng với mùa mưa, mùa cạn dài từ  7 – 8 tháng trùng với mùa khô, khoảng 70 – 80% lượng nước cả năm tập trung vào mùa lũ.

c) Đất

- Quá trình fe-ra-lit là quá trình hình thành đất chủ đạo ở nước ta, hình thành các loại đất fe-ra-lit đặc trưng cho vùng nhiệt đới ẩm gió mùa. Trên cả nước, nhóm đất fe-ra-lit có diện tích lớn nhất và phân bố rộng rãi.

- Đất thường có độ dày lớn nhưng dễ bị xói mòn, rửa trôi đặc biệt ở vùng đồi núi dốc. Nhiệt ẩm cao cũng làm cho tốc độ phân hủy chất hữu cơ nhanh nên đất thường nghèo mùn.

d) Sinh vật

- Các loài sinh vật nhiệt đới ở nước ta chiếm tỉ lệ cao, thực vật có gần 70% (đậu, họ vang, dâu tằm, họ dầu,…), động vật đa số là các loài nhiệt đới, nhiều loài bò sát, côn trùng đặc trưng của vùng nhiệt đới ẩm.

- Hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa là kiểu rừng đặc trưng nhất của tự nhiên Việt Nam, thành phần loài đa đạng, nhiều tầng tán và trữ lượng sinh khối lớn nhất cả nước. Tuy nhiên diện tích đã bị suy giảm mạnh, hiện đang được bảo vệ, khoanh nuôi tự nhiên.

II. ẢNH HƯỞNG ĐẾN SẢN XUẤT VÀ ĐỜI SỐNG

1. Ảnh hưởng đến sản xuất.

a) Đối với nông nghiệp

- Tạo thuận lợi cho nước ta phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới, các hoạt động sản xuất nông nghiệp diễn ra quanh năm, tạo điều kiện thâm canh tăng vụ, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

- Hệ thống sông ngòi nhiều nước cung cấp nước tưới và cải tạo đất trồng. Là môi trường thuận lợi cho hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

- Sự thất thường của thời tiết, khí hậu, chế độ dòng chảy sông ngòi thường gây khó khăn cho sản xuất, đặc biệt là việc điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời vụ sản xuất. Nhiệt và ẩm cao cũng tiềm ẩn nhiều thiên tai, nguy cơ dịch bệnh, sản xuất bấp bênh, nhiều rủi ro,…

b) Đối với các ngành khác

- Tạo điều kiện cho hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng có thể diễn ra quanh năm.

- Mật độ sông ngòi lớn, nguồn nước dồi dào là điều kiện phát triển giao thông vận tải đường thủy, thủy điện, cung cấp nước cho các ngành sản xuất. Mùa khô là thời kì thuận lợi cho các hoạt động khai thác và xây dựng.

- Khí hậu nhiệt đới ẩm và thiên tai thường đẩy nhanh tốc độ hư hại các công trình xây dựng, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Sự phân mùa sâu sắc của khí hậu và chế độ dòng chảy có thể làm gián đoạn hoạt động giao thông vận tải, du lịch.

2. Ảnh hưởng đến đời sống

- Lượng mưa và lưu lượng dòng chảy dông ngòi lớn là nguồn cung cấp nước dồi dào, đáp ứng nhu cầu khai thác nước sinh hoạt. Các hoạt động sản xuất, sinh hoạt trong đời sống của người dân cũng có sự thay đổi nhằm thích ứng với sự phân mùa của khí hậu.

- Nhiều thiên tai: bão, mưa lớn, lũ lụt, đất trượt, lũ quét, nắng nóng, hạn hán,… tác động xấu tới sức khỏe con người và gây tổn thất lớn về người, tài sản.

Xem thêm các bài Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá