Chuyên đề Địa Lí 12 Chân trời sáng tạo Những vấn đề chung

327

Tailieumoi.vn giới thiệu giải Chuyên đề Địa lí lớp 12 Những vấn đề chung sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm Chuyên đề học tập Địa lí 12. Mời các bạn đón xem:

Giải Chuyên đề Địa lí 12 Những vấn đề chung

Mở đầu trang 5 Chuyên đề Địa Lí 12: Hằng năm ở nước ta, thiên tai đã gây ra những thiệt hại to lớn cả về người và tài sản. Vì vậy, việc trang bị kiến thức, kĩ năng, đồng thời xây dựng ý thức phòng, chống thiên tai thực sự cần thiết và hữu ích đối với tất cả mọi người trong xã hội. Nước ta thường xảy ra những thiên tai nào? Chúng ta đã có những biện pháp nào để phòng chống thiên tai?

Lời giải:

- Nước ta thường xảy ra những thiên tai và biện pháp phòng chống:

+ Bão: dự báo tốt, sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm, di chuyển phương tiện trên biển khỏi khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn nhà cửa, chống bão kết hợp chống lụt.

+ Lũ lụt: quy hoạch dân cư, trồng rừng và bảo vệ rừng, thủy lợi thoát lũ, nâng cao khả năng ứng phó.

+ Hạn hán: điều chỉnh cơ cấu cây trồng vật nuôi, vận hành hồ chứa nước, trồng rừng, bảo vệ rừng.

+ Sạt lở đất: quy hoạch dân dư, trồng và bảo vệ rừng, theo dõi bất thường của môi trường, sơ tán dân.

+ Lốc: xây dựng kiên cố, theo dõi thông tin thời tiết, di chuyển tránh trú an toàn.

1. Quan niệm

Câu hỏi trang 5 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy:

- Trình bày những quan niệm có liên quan và đặc điểm của thiên tai.

- Cho biết nguyên nhân chung, cách phân loại thiên tai trên thế giới và ở Việt Nam.

Lời giải:

- Quan niệm về thiên tai:

+ Theo Luật phòng, chống thiên tai Việt Nam năm 2013: thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường, có thể gây ra thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.

+ Theo Tổ chức khí tượng thế giới (WMO): thiên tai là một tai biến tự nhiên có thể ảnh hưởng tới môi trường, dẫn đến những thiệt hại về tài chính, môi trường và con người.

- Đặc điểm của thiên tai:

+ Thiên tai có nhiều loại và xuất phát ở nhiều nguồn khác nhau, có thiên tai xuất phát từ vỏ Trái Đất, không trung, biển và đại dương; có thiên tai đến từ tác nhân bên ngoài Trái Đất;… có thiên tai gây ra bởi con người và hoạt động của con người.

+ Rủi ro thiên tai được phân cấp căn cứ vào cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai.

+ Thiên tai xảy ra có tính bất ngờ, vào thời điểm khó xác định, có thể gây tổn thất đáng kể mà con người khó lường hết được. Tuy nhiên, con người vẫn có khả năng dự báo và phòng tránh được thiên tai với hiệu quả ngày càng cao nhờ vào trình độ phát triển của khoa học kĩ thuật.

- Nguyên nhân chung của thiên tai:

+ Nguyên nhân từ tự nhiên:

• Hoạt động kiến tạo của Trái Đất: do nguồn năng lượng trong lòng đất gây nên sự chuyển động của các mảng kiến tạo, dẫn đến động đất, núi lửa, sóng thần.

• Sự thay đổi của khí hậu: các yếu tố của khí hậu có thể thay đổi đột ngột, cực đoan gây nên các hiện tượng như bão, lốc xoáy,…

• Sự biến động của thủy văn: tính thất thường của khí hậu có thể dẫn đến sự bất thường của các yếu tố thủy văn, gây nên các thiên tai như ngập lụt, lũ quét,…

+ Nguyên nhân từ con người: con người cùng các hoạt động sống có thể gián tiếp gây nên thiên tai nếu con người tác động vào tự nhiên không hợp lí.

- Cách phân loại thiên tai:

+ Theo nguồn gốc phát sinh: khí quyển (bão, áp thấp nhiệt đới, dông, lốc, hạn hán,…), thủy quyển (lũ, ngập lụt,…), thạch quyển (động đất, sạt lở đất, sóng thần,…), vũ trụ (thiên thạch, bão từ trường,…).

+ Theo tốc độ diễn ra thiên tai: thiên tai diễn ra đột ngột bao gồm các thiên tai diễn ra với tốc độ nhanh: động đất, bão, lũ lụt, sóng thần,… Thiên tai diễn ra chậm bao gồm các thiên tai diễn ra trong thời gian dài: hạn hán, El Nino, La Nina,…

+ Theo vùng lãnh thổ: vùng đồi núi (lũ quét, sạt lở đất, mưa đá,…), vùng đồng bằng (bão, ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất,…), vùng biển và ven biển (bão, gió mạnh, sương mù trên biển, sóng thần, nước dâng, xâm nhập mặn,…).

Xem thêm lời giải Chuyên đề học tập Địa Lí 12 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

I. Những vấn đề chung

II. Một số thiên tai phổ biến ở Việt Nam

III. Tìm hiểu thiên tai ở địa phương

Xem thêm lời giải Chuyên đề học tập Địa Lí 12 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Chuyên đề 1: Thiên tai và biện pháp phòng, chống

Chuyên đề 2: Phát triển vùng

Chuyên đề 3: Phát triển làng nghề

Đánh giá

0

0 đánh giá