Chuyên đề Địa Lí 12 Chân trời sáng tạo Chuyên đề 2: Phát triển vùng

1.3 K

Tailieumoi.vn giới thiệu giải Chuyên đề học tập Địa Lí lớp 12 Chuyên đề 2: Phát triển vùng sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm Chuyên đề Địa Lí 12. Mời các bạn đón xem:

Giải Chuyên đề Địa Lí 12 Chuyên đề 2: Phát triển vùng

I. Một số vấn đề về vùng

Mở đầu trang 14 Chuyên đề Địa Lí 12: Nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nước ta phong phú, đa dạng và có sự phân hóa giữa các vùng. Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của cả nước cũng như tạo mối liên kết, phối hợp nhằm khai thác tối đa lợi thế so sánh từng vùng, nước ta đã hình thành một số vùng kinh tế có vai trog quan trọng trong phát triển đất nước. Vậy, ở Việt Nam có các loại vùng kinh tế nào? Ý nghĩa của sự hình thành các loại vùng kinh tế ấy là gì?

Lời giải:

- Các loại vùng kinh tế ở Việt Nam và ý nghĩa của sự hình thành:

+ Vùng kinh tế - xã hội: xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chung cho các địa phương trong mỗi vùng phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.

+ Vùng kinh tế trọng điểm: là vùng động lực làm đầu tàu lôi kéo sự phát triển của các vùng khác trên cả nước.

+ Vùng kinh tế ngành: kết hợp phát triển ngành và lãnh thổ.

1. Quan niệm về vùng

Câu hỏi trang 14 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy trình bày quan niệm về vùng.

Lời giải:

- Các vùng đều có đặc điểm chung là một lãnh thổ có ranh giới nhất định, trong đó diễn ra mối quan hệ tác động qua lại giữa các yếu tố tự nhiên, môi trường và con người.

- Vùng là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia bao gồm một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lân cận gắn với một số lưu vực sông hoặc có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, lịch sử, dân cư, kết cấu hạ tầng và có mối quan hệ tương tác tạo nên sự liên kết bền vững với nhau.

- Vùng có quy mô khác nhau, sự tồn tại của vùng là khách quan và có tính lịch sử. Quy mô và số lượng vùng có thể thay đổi tùy theo các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Ý nghĩa của vùng

Câu hỏi trang 14 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài, hãy nêu ý nghĩa của vùng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Lời giải:

- Tạo điều kiện để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng lãnh thổ.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho phân bố lực lượng sản xuất, phân bố dân cư, phát triển kết cấu hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội trên lãnh thổ một cách tối ưu nhằm đạt hiệu quả cao nhất về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

- Là cơ sở thu hút đầu tư, phân bổ ngân sách nhằm giảm thiểu sự phát triển chênh lệch về trình độ giữa các vùng, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của vùng.

- Là cơ sở để hoạch dịnh, triển khai và quản lí các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và từng vùng lãnh thổ. Thông qua việc lập quy hoạch cho từng giai đoạn phát triển, giúp cho việc định hướng phát triển không gian và tổ chức lãnh thổ một cách khoa học, hợp lí nhất.

- Có ý nghĩa trong bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với các tai biến thiên nhiên, sự tác động của biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực trong quá trình thực hiện quy hoạch vùng.

3. Cơ sở hình thành vùng

Câu hỏi trang 15 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin trong bài, hãy trình bày cơ sở hình thành vùng trong nền kinh tế đất nước.

Lời giải:

- Vị trí địa lí: bao gồm vị trí về mặt tự nhiên, kinh tế, giao thông,… và vị trí của vùng trong chiến lược phát triển của quốc gia.

- Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên: các yếu tố tự nhiên như địa hình, đất, khí hậu, thủy văn, sinh vật, khoáng sản, có tác động đến sự phát triển của vùng. Sự đa dạng và phân bố của tài nguyên, các tài nguyên đặc thù của vùng,… ảnh hưởng đến quá trình hình thành, cơ cấu ngành và cơ cấu không gian của nền kinh tế mỗi vùng.

- Điều kiện kinh tế - xã hội: các yếu tố về quy mô và gia tăng dân số, phân bố dân cư, các giá trị văn hóa, dân tộc, số lượng và chất lượng lao động gắn liền với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống kết cấu hạ tầng gồm giao thông vận tải, thông tin liên lạc, năng lượng, hạ tầng khoa học – công nghệ,… về mức độ đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là khả năng liên kết nội vùng, liên kết vùng với các vùng khác trong nước và với quốc tế. Các tác động từ yếu tố bên ngoài như tiến bộ khoa học – công nghệ của thế giới, vốn đầu tư, thị trường,… Đánh giá về các lợi thế so sánh, hạn chế và cơ hội cùng các thách thức đối với phát triển vùng trong thời kì quy hoạch.

- Chính sách của nhà nước: việc quy hoạch vùng phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cả nước và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực cũng như phù hợp với các nghị quyết, quyết định về chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính Phủ có liên quan đến vùng.

- Vị trí, vai trò và chức năng của vùng đối với nền kinh tế đất nước: thông qua các chỉ số tăng trưởng GRDP, tỉ trọng đóng góp trong GDP cả nước, GRDP/người, tỉ lệ gia tăng dân số, tỉ lệ lao động qua đào tạo,… Xác định hướng phát triển ngành, lĩnh vực then chốt và sản phẩm chủ lực, vai trò của các trung tâm độ thị đối với vùng.

II. Các loại vùng kinh tế

1. Phân biệt các loại vùng kinh tế

Câu hỏi trang 16 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin trong bài, hãy phân biệt các loại vùng kinh tế: vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế ngành.

Lời giải:

- Vùng kinh tế - xã hội:

+ Là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia, gồm một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các hoạt động kinh tế - xã hội tương đối độc lập, thực hiện sự phân công lao động xã hội của cả nước. Phục vụ việc hoạch định chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên mỗi vùng của đất nước. Thúc đẩy tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương, khắc phục tình trạng chồng chéo, manh mún, kém hiệu quả.

+ Tiêu chí hình thành: bao gồm ranh giới hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tạo thành vùng lãnh thổ thống nhất, không bị chia cắt, rời rạc; có sự tương đồng về vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế; có điều kiện tương đồng về xã hội, lịch sử, văn hóa, dân cư; cơ sở hạ tầng và khả năng kết nối.

- Vùng kinh tế trọng điểm:

+ Là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia hoặc của một vùng, hội tụ các điều kiện và yếu tố phát triển thuận lợi, có tiềm lực kinh tế lớn, trình độ phát triển cao, giữ vai trò dẫn dắt, đầu tàu thúc đẩy, lan tỏa phát triển chung của cả nước hoặc của một vùng.

+ Tiêu chí hình thành: bao gồm phạm vi của nhiều tỉnh, thành phố và ranh giới có thể thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lí, các nguồn lực tự nhiên, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nguồn lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển; được ưu tiên đầu tư về vốn, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, có khả năng hấp dẫn các nhà đầu tư,…; có vai trò lớn với cả nước qua các chỉ tiêu chủ yếu: tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu GDP cả nước, GRDP/người cao, tạo nguồn thu ngân sách lớn cho đất nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại,…

- Vùng kinh tế ngành:

+ Là một vùng ở đó phân bố tập trung một ngành sản xuất nhất định, ví dụ vùng nông nghiệp, vùng công nghiệp, vùng du lịch,… Trong vùng kinh tế ngành không chỉ có các ngành sản xuất chuyên môn hóa, mà có cả một cơ cấu phát triển tổng hợp, các ngành sản xuất chuyên môn hóa là cốt lõi của vùng.

+ Có 3 loại vùng kinh tế ngành chủ yếu là vùng nông nghiệp, vùng công nghiệp, vùng du lịch, mỗi vùng có các tiêu chí xác định khác nhau.

2. Các vùng kinh tế ở nước ta

Câu hỏi trang 19 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào hình 2.1 và thông tin trong bài, hãy:

- Giải thích sự hình thành các vùng kinh tế - xã hội nước ta.

- Trình bày đặc điểm phát triển của các vùng kinh tế - xã hội nước ta.

Dựa vào hình 2.1 và thông tin trong bài, hãy: Giải thích sự hình thành các vùng kinh tế - xã hội nước ta

Lời giải:

- Sự hình thành các vùng kinh tế - xã hội: là cơ sở cho việc xây dựng các chính sách phát triển vùng, quy hoạch vùng. Các địa phương trong mỗi vùng cơ bản tương đối đồng nhất về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, dân cư, có mối liên kết chặt chẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội, cơ sở hạ tầng,… Là điều kiện thuận lợi để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chung cho các địa phương trong mỗi vùng phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.

- Đặc điểm phát triển của các vùng kinh tế - xã hội:

+ Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh và kinh tế - xã hội của cả nước; nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, giàu tài nguyên khoáng sản, trữ năng thủy điện lớn. Các tỉnh trong vùng nhìn chung có điều kiện xã hội, lịch sử, văn hóa, dân cư tương đồng. Có tiềm năng và lợi thế lớn về phát triển các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu; phát triển công nghiệp thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản.

+ Vùng Đồng bằng sông Hồng: có lịch sử phát triển lâu đời, giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển của cả nước. Vùng có địa hình đồng bằng màu mỡ, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú; có lợi thế hàng đầu về kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, về quy mô, chất lượng nguồn nhân lực. Kinh tế phát triển hàng đầu cả nước, cơ cấu kinh tế hiện đại, khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn nhất trong GRDP của vùng. Tập trung các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại.

+ Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: có vị trí quan trọng trong giao lưu phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh, đặc biệt là kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Các tỉnh trong vùng đều có biển, đồng bằng nhỏ hẹp và vùng đồi núi phía tây. Có lợi thế hàng đầu về phát triển kinh tế biển, nhất là du lịch biển, cảng biển và logistics, nuôi trồng và khai thác thủy sản gắn với công nghiệp chế biến. Tài nguyên du lịch hết sức phong phú, du lịch biển, đảo là thế mạnh đặc biệt của vùng, bên cạnh du lịch tìm hiểu, khám phá di sản thiên nhiên, di sản văn hóa.

+ Vùng Tây Nguyên: có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng, và phát triển kinh tế - xã hội cả nước. Địa hình cao nguyên xếp tầng, đất đỏ badan thích hợp với việc trồng các loại cây công nghiệp. Trữ năng thủy điện tương đối lớn. Là địa bàn cư trú của nhiều đồng bào dân tộc với truyền thống văn hóa độc đáo. So với các vùng khác trong cả nước, điều kiện kinh tế - xã hội của vùng còn gặp nhiều khó khăn. Các ngành kinh tế quan trọng của vùng là phát triển cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu,…; các ngành công nghiệp như thủy điện, chế biến nông sản, khai thác bô xít. Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.

+ Vùng Đông Nam Bộ: có vị trí địa lí thuận lợi, nằm trên các trục giao thông quan trọng của khu vực và quốc tế. Có TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội hiện đại, lực lượng lao động có kĩ thuật cao, đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao. Có nền kinh tế phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là đầu tàu phát triển kinh tế cả nước. Có ngành công nghiệp lớn nhất cả nước, các ngành công nghiệp chiếm tỉ trọng cao là sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt, may; sản xuất giày dép; hóa chất,… Có hạt nhân là TP Hồ Chí Minh – trung tâm dịch vụ tầm cỡ khu vực về tài chính, thương mại, du lịch, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và trung tâm chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ hàng đầu cả nước.

+ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: có địa hình đồng bằng rộng lớn, hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Đường bờ biển dài và thềm lục địa rộng, vùng biển giàu nguồn lợi hải sản, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển. Chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu, thiên tai. Là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, trái cây, đóng góp lứn vào xuất khẩu nông nghiệp, thủy sản cả nước. Ngành công nghiệp chủ yếu là sản xuất, chế biến thực phẩm; hóa chất;… Du lịch sinh thái và du lịch văn hóa sông nước, miệt vườn là nét đặc trưng của vùng.

Câu hỏi trang 25 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào hình 2.4 và thông tin trong bài, hãy:

- Nêu và giải thích quá trình hình thành vùng kinh tế trọng điểm.

- Trình bày đặc điểm phát triển các vùng kinh tế trọng điểm nước ta.

Dựa vào hình 2.4 và thông tin trong bài, hãy: Nêu và giải thích quá trình hình thành vùng kinh tế trọng điểm

Lời giải:

- Quá trình hình thành vùng kinh tế trọng điểm:

+ Từ những năm 90 của thế kỉ XX, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu và xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm. Xác định các vùng kinh tế trọng điểm là vùng động lực làm đầu tàu lôi léo sự phát triển của các vùng khác trên cả nước. Từ cuối 1997 – đầu 1998, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội 3 vùng kinh tế trọng điểm đến năm 2010 là Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Năm 2009, thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long.

+ Hiện nay, nước ta có 4 vùng kinh tế trọng điểm với tổng số 24 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Số lượng và phạm vi lãnh thổ của mỗi vùng kinh tế trọng điểm có sự thay đổi theo thời gian tùy theo yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Đặc điểm phát triển các vùng kinh tế trọng điểm:

+ Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: là vùng hạt nhân, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Hội tụ tương đối đầy đủ các thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, đã quy hoạch và hình thành hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển trọng điểm. Cơ cấu kinh tế hiện đại, khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn nhất trong GRDP. Phát triển mạnh các ngành tài chính ngân hàng; du lịch; cơ khí; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất điện;… Có Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học – công nghệ của cả nước.

+ Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: là cửa ngõ quan trọng thông ra biển của các tuyến hành lanh kinh tế Đông – Tây, nối với đường hàng hải quốc tế. Các địa phương trong vùng đều có đường bờ biển dài, nguồn tài nguyên biển phong phú, thuận lợi phát triển kinh tế biển, nhất là các ngành du lịch, giao thông vận tải biển. Các ngành công nghiệp quan trọng của vùng là sản xuất ô tô; lọc, hóa dầu; luyện kim; năng lượng. Các trung tâm kinh tế lớn trong vùng là Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi.

+ Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nằm trên các trục giao thông quan trọng của cả nước, quốc tế và khu vực. Có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế hiện đại, các khu công nghiệp phát triển mạnh, đóng góp vào tổng giá trị xuất nhập khẩu và thu hút đầy tư nước ngoài lớn nhất cả nước. Có TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, khoa học kĩ thuật, đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế lớn nhất cả nước.

+ Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long: có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và giàu có với đường bờ biển dài, vùng biển rộng, tài nguyên nước dồi dào, đất phù sa màu mỡ,… Là trung tâm dẫn đầu cả nước về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước. Trung tâm kinh tế lớn nhất của vùng là Cần Thơ.

Câu hỏi trang 29 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin trong bài, hãy:

- Trình bày quá trình hình thành các vùng nông nghiệp nước ta.

- Nêu đặc điểm phát triển của các vùng nông nghiệp nước ta hiện nay.

Lời giải:

- Quá trình hình thành các vùng nông nghiệp: sau khi đất nước thống nhất, nước ta đã quan tâm đến công tác phân vùng quy hoạch, năm 1977, Hội đồng Chính Phủ đã ra Nghị quyết triển khai công tác phân vùng và quy hoạch, trước hết là phân vùng nông nghiệp, lâm nghiệp gắn với chế biến nông sản, lâm sản. Cả nước chia thành 7 vùng nông nghiệp bao gồm: Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Khu 4 cũ – nay gọi là Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. 7 vùng sinh thái nông nghiệp tồn tại cho đến ngày nay.

- Đặc điểm phát triển của các vùng nông nghiệp:

+ Vùng Trung du và miền núi phía Bắc (15 tỉnh): hướng chuyên môn hóa là phát triển sản xuất các cây trồng chủ lực có lợi thế như cây công nghiệp lâu năm (chè), cây dược liệu, cây ăn quả; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc lớn như trâu, bò,…

+ Vùng Đồng bằng sông Hồng (10 tỉnh, thành phố): hướng chuyên môn hóa chủ yếu là phát triển lúa, rau, hoa, cây ăn quả theo hướng sản xuất thâm canh, công nghệ cao; phát triển chăn nuôi lợn và gia cầm, bò sữa ở một số khu vực ven thành phố lớn.

+ Vùng Bắc Trung Bộ (6 tỉnh): hình thành vùng sản xuất tập trung cây ăn quả có múi, cây công nghiệp hàng năm (lạc, mía,…), phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, cây dược liệu; phát triển chăn nuôi bò sữa, lợn và gia cầm theo hướng công nghệ cao.

+ Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (8 tỉnh, thành phố): hướng chuyên môn hóa chủ yếu là cây hàng năm, đặc biệt là các cây trồng chịu hạn và các cây ăn quả (nho, thanh long, xoài, táo, dưa hấu); phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ (bò thịt, dê, cừu) và lợn.

+ Vùng Tây Nguyên (5 tỉnh): phát triển vùng chuyên cây công nghiệp chủ lực là cà phê, hồ tiêu, cao su, chè; sản xuất hoa, rau, cây ăn quả; phát triển chăn nuôi lợn, gà, bò.

+ Vùng Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố): hướng chuyên môn hóa là phát triển cây công nghiệp lâu năm có lợi thế như cao su, điều, hồ tiêu,… một số cây công nghiệp hàng năm như mía, lạc,… và các loại cây ăn quả tập trung; phát triển chăn nuôi lợn giống cao sản theo hình thức trang trại, đàn bò sữa chất lượng cao.

+ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố): hướng chuyên môn hóa chủ yếu là phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, thâm canh quy mô lớn, các vùng cây ăn quả tập trung, quy mô lớn, các loại rau,…; phát triển chăn nuôi lợn, bò, gia cầm (vịt).

Câu hỏi trang 30 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin trong bài, hãy:

- Nêu quá trình hình thành các vùng công nghiệp của nước ta.

- Trình bày đặc điểm phát triển các vùng công nghiệp của nước ta hiện nay.

Lời giải:

- Quá trình hình thành các vùng công nghiệp: tiến hành phân vùng công nghiệp bắt đầu từ những năm đầu của thế kỉ XXI. Đến năm 2006 cả nước chia thành 6 vùng công nghiệp:

+ Vùng 1: 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc (Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Hòa Bình, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái).

+ Vùng 2: 15 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ (Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Tây, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc).

+ Vùng 3: 10 tỉnh ven biển Trung Bộ ( Bình Định, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế)

+ Vùng 4: 4 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum)

+ Vùng 5: 8 tỉnh Đông Nam Nộ (Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh)

+ Vùng 6: 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Cà Mau, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long).

Năm 2014, phân bố không gian công nghiệp nước ta được quy hoạch theo 6 vùng kinh tế, gắn với các vùng kinh tế trọng điểm nhằm phát huy lợi thế so sánh của các vùng, miền và tạo điều kiện liên kết có hiệu quả.

- Đặc điểm phát triển các vùng công nghiệp:

+ Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: các ngành công nghiệp chủ yếu là khai thác và chế biến khoáng sản; khai thác, chế biến lâm sản; thủy điện; luyện kim; hóa chất;… Các trung tâm công nghiệp chính tập trung ở khu vực Đông Bắc như Bắc Giang, Thái Nguyên, Việt Trì.

+ Vùng Đồng bằng sông Hồng: cơ cấu công nghiệp đa dạng, phát triển theo hướng công nghiệp công nghệ cao. Các ngành công nghiệp chủ yếu là cơ khí; sản xuất ô tô; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; hóa chất; nhiệt điện;… Các trung tâm công nghiệp lớn của vùng là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh,…

+ Vùng Duyên hải miền Trung: hoạt động công nghiệp tập trung chủ yếu ở các trung tâm công nghiệp ven biển, với các ngành như sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất, chế biến thực phẩm; đóng tài, thuyền; luyện kim; hóa dầu và chế biến các sản phẩm từ dầu khí;… Trung tâm công nghiệp lớn nhất vùng là Đà Nẵng.

+ Vùng Tây Nguyên: cơ cấu ngành công nghiệp khá đơn giản, chủ yếu là công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm; khai thác và chế biến khoáng sản; thủy điện; sản xuất vật liệu xây dựng;… Chưa có trung tâm công nghiệp có quy mô đáng kể.

+ Vùng Đông Nam Bộ: cơ cấy công nghiệp đa ngành, tập trung phát triển theo hướng công nghệ cao, công nghiệp mũi nhọn, phát triển công nghiệp phụ trợ. Các ngành công nghiệp quan trọng là cơ khí; dầu khí và các chế phẩm hóa dầu; hóa chất; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, chế biến thực phẩm;… TP Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước, một số trung tâm công nghiệp khác như Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Vũng Tàu.

+ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: các ngành công nghiệp chủ yếu là chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu; công nghiệp cơ khí nông nghiệp; công nghiệp sản xuất phân bón, hóa phẩm phục vụ nông nghiệp gắn với chế biến khí; công nghiệp năng lượng tái tạo. Trung tâm công nghiệp lớn của vùng là Cần Thơ.

Câu hỏi trang 32 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin trong bài, hãy:

- Giải thích quá trình hình thành các vùng du lịch của nước ta.

- Trình bày về các vùng du lịch của nước ta hiện nay.

Lời giải:

- Quá trình hình thành các vùng du lịch:

+ Bắt đầu từ thập niên 90 thế kỉ XX đến nay, nước ta đã tiến hành nghiên cứu phân vùng du lịch Việt Nam. Năm 1995, nước ta được phân làm 3 vùng du lịch: vùng Bắc Bộ (gồm 23 tỉnh từ Hà Giang đến Hà Tĩnh, Thủ đô Hà Nội là trung tâm du lịch của vùng), vùng Bắc Trung Bộ (gồm 5 tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Huế, Đà Nẵng là trung tâm du lịch của vùng), Nam Trung Bộ và Nam Bộ (gồm 25 tỉnh từ Kon Tum đến Minh Hải với hai á vùng du lịch: Nam Trung Bộ (9 tỉnh) và Nam Bộ (16 tỉnh). TP Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch của vùng.

+ Đến năm 2013, phát triển 7 vùng du lịch với những sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với tài nguyên du lịch của từng vùng.

- Các vùng du lịch của nước ta:

+ Vùng Trung du và miền núi phía Bắc (gồm 14 tỉnh): du lịch về nguồn, tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc; du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, khám phá; du lịch biên giới gắn với thương mại cửa khẩu. Các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch là Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Giang.

+ Vùng Đồng bằng sông Hồng (gồm 11 tỉnh): du lịch văn hóa; du lịch biển, đảo; du lịch lễ hội, tâm linh; du lịch hội nghị, hội thảo;… Các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch là Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình.

+ Vùng Bắc Trung Bộ (gồm 6 tỉnh): du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa tham quan di sản, di tích lịch sử văn hóa; tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái;… Các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch là Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế.

+ Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (gồm 8 tỉnh): du lịch biển, đảo; du lịch tham quan di tích kết hợp nghiên cứu bản sắc văn hóa, tìm hiểu các di sản văn hóa thế giới; du lịch hội nghị, hội thảo;… Các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch là Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận.

+ Vùng Tây Nguyên (gồm 5 tỉnh): du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa, tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên; du lịch biên giới gắn với cửa khẩu;… Các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch là Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai.

+ Vùng Đông Nam Bộ (gồm 6 tỉnh): du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch văn hóa, lễ hội; du lịch nghỉ dưỡng biển, giải trí, mua sắm;… Các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch là TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu.

+ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gồm 13 tỉnh): du lịch sinh thái; du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa, lễ hội. Các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch là Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau.

Luyện tập và Vận dụng

Luyện tập trang 34 Chuyên đề Địa Lí 12: Hãy chọn một trong các vùng kinh tế - xã hội và hoàn thành thông tin theo bảng gợi ý dưới đây vào vở:

Hãy chọn một trong các vùng kinh tế - xã hội và hoàn thành thông tin theo bảng

Lời giải:

Tên vùng

Tên các tỉnh, thành phố thuộc vùng

Các ngành kinh tế thế mạnh

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái.

Nông nghiệp, lâm nghiệp cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu; phát triển công nghiệp thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản.

Vận dụng trang 34 Chuyên đề Địa Lí 12: Tỉnh, thành phố em đang sinh sống thuộc vùng kinh tế - xã hội nào? Hãy tìm hiểu thông tin về định hướng phát triển của vùng trong thời gian tới.

Lời giải:

Hà Nội thuộc vùng kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Hồng, định hướng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao. Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Trong đó, Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Xem thêm các bài giải Chuyên đề học tập Địa Lí 12 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá