Sách bài tập Toán 6 Bài 1 (Chân trời sáng tạo): Phép thử nghiệm - Sự kiện

1.7 K

Với giải sách bài tập Toán 6 Bài 1: Phép thử nghiệm - Sự kiện sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Toán 6. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Toán lớp 6 Bài 1: Phép thử nghiệm - Sự kiện

Bài 1 trang 119 sách bài tập Toán lớp 6 Tập 2: Trong hộp có 1 bóng xanh (X), 1 bóng đỏ (Đ) và 1 bóng vàng (V). Hoà lấy ra lần lượt từng bóng, ghi màu quả bóng rồi trả nó lại hộp. Kết quả 9 lần lấy bóng cho ở bảng sau:

Trong hộp có 1 bóng xanh 1 bóng đỏ và 1 bóng vàng

a) Hãy cho biết kết quả của lần lấy bóng thứ 4 và thứ 5.

b) Hãy cho biết có bao nhiêu kết quả khác nhau có thể xảy ra trong mỗi lần lấy bóng.

Lời giải:

a) Dựa vào bảng trên ta xác định được:

- Lần thứ 4 lấy được bóng màu đỏ.

- Lần thứ 5 lấy được bóng màu xanh.

b) Vì trong hộp có 3 màu bóng: xanh, vàng, đỏ.

Nên có thể xảy ra ba kết quả là: lấy được bóng xanh, lấy được bóng vàng, lấy được bóng đỏ.

Ta có thể viết: Tập hợp các kết quả khi lấy ra 1 bóng từ hộp là {X; Đ; V}.

Bài 2 trang 120 sách bài tập Toán lớp 6 Tập 2: Trong thùng có 1 quả bóng rổ, 1 quả bóng chuyền và 1 quả bóng đá. An và Bình mỗi bạn chọn lấy 1 quả bóng khác nhau từ thùng. Hãy liệt kê tất cả các kết quả có thể xảy ra.

Lời giải:

Kí hiệu: bóng rổ là R, bóng chuyền là C, bóng đá là Đ.

Không kể đến thứ tự trước sau nên ta để An hoặc Bình chọn một quả bóng bất kì, người còn lại sẽ chọn một trong hai quả bóng còn lại.

Vì mỗi bạn chọn lấy 1 quả bóng khác nhau từ thùng nên:

- Nếu An chọn bóng rổ thì Bình có thể chọn bóng chuyền hoặc bóng đá.

- Nếu An chọn bóng chuyền thì Bình có thể chọn bóng rổ hoặc bóng đá.

- Nếu An chọn bóng đá thì Bình có thể chọn bóng rổ hoặc bóng chuyền.

Vậy các kết quả có thể xảy ra là:

Trong thùng có 1 quả bóng rổ 1 quả bóng chuyền và 1 quả bóng đá

Bài 3 trang 120 sách bài tập Toán lớp 6 Tập 2: Hãy liệt kê tất cả các kết quả có thể xảy ra của mỗi phép thử sau:

a) Cô giáo chọn một bạn trong tổ học tập của em.

b) Chọn một bạn trong lớp em và xem bạn ấy sinh vào tháng nào trong năm.

Lời giải:

Tùy vào số lượng học sinh của mỗi tổ học tập của mỗi lớp sẽ đưa ra kết quả khác nhau.

a) Chẳng hạn: tổ học tập của em có 6 bạn là: Lan, Nga, Mai, Tuấn, Hùng, Thảo.

Vậy các kết quả có thể xảy ra khi chọn một bạn là:

Hãy liệt kê tất cả các kết quả có thể xảy ra của mỗi phép thử

b) Chọn một bạn trong lớp: một người bất kì đều có tháng sinh là 1 trong 12 tháng trong năm.

Vậy tập hợp tất cả các khả năng có thể xảy ra là {tháng 1; tháng 2; tháng 3; …; tháng 12}.

Bài 4 trang 120 sách bài tập Toán lớp 6 Tập 2: Bể bơi mở cửa vào các ngày thứ Ba, thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần. Viên chọn ra hai này trong tuần để đi bơi. Hãy liệt kê tất cả các kết quả có thể xảy ra.

Lời giải:

Trong tuần có 3 ngày bể bơi mở, Viên chọn hai ngày để đi bơi.

Do đó các ngày được chọn có thể là: Thứ Ba và thứ Năm, thứ Ba và Chủ nhật hoặc thứ Năm và Chủ nhật.

Vậy các kết quả có thể xảy ra là:

Bể bơi mở cửa vào các ngày thứ Ba thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần

Bài 5 trang 120 sách bài tập Toán lớp 6 Tập 2: Hộp bút của Ngọc có 1 cái bút mực, 1 cái bút chì, và 1 cái thước kẻ. Ngọc lấy ra hai dụng cụ học tập từ hộp. Hỏi các sự kiện sau là chắc chắn, không thể hay có thể xảy ra?

a) Ngọc lấy được 1 cái bút và 1 cái thước kẻ.

b) Ngọc lấy được ít nhất 1 cái bút.

c) Ngọc lấy được 2 cái thước kẻ.

Lời giải:

Kí hiệu: bút mực là M, bút chì là C, thước kẻ là T.

Trong túi bút có 3 dụng cụ: 1 bút mực (M), 1 bút chì (C) và 1 thước kẻ (T), Ngọc lấy ra 2 dụng cụ trong túi bút, có các khả năng có thể xảy ra là:

Bút mực và bút chì;

Bút mực và thước kẻ;

Thước kẻ và bút chì.

a) Sự kiện “Ngọc lấy được 1 cái bút và 1 cái thước kẻ” xảy ra khi Ngọc lấy được 1 cái bút mực (hoặc bút chì), 1 thước kẻ và không xảy ra khi Ngọc lấy 2 cái bút. Do đó sự kiện này có thể xảy ra.

b) Sự kiện “Ngọc lấy được ít nhất 1 cái bút” là chắc chắn xảy ra. Vì trong số 2 dụng cụ lấy ra chắc chắn có 1 cái bút (bút mực hoặc bút chì đều được).

c) Sự kiện “Ngọc lấy được 2 cái thước kẻ” là không thể xảy ra. Vì trong túi chỉ có duy nhất 1 cái thước.

Bài 6 trang 120 sách bài tập Toán lớp 6 Tập 2: Gieo một con xúc xắc 6 mặt cân đối. Hãy đánh giá xem các sự kiện sau là chắc chắn, không thể hay có thể xảy ra.

a) Mặt xuất hiện có số chấm chia hết cho 7.

b) Mặt xuất hiện có số chấm nhỏ hơn 10.

c) Mặt xuất hiện có số chấm lớn hơn 5.

Lời giải:

Một xúc xắc có 6 mặt tương ứng với các số chấm là 1; 2; 3; 4; 5; 6.

Vậy các khả năng có thể xảy ra là:

Số chấm: 1; 2; 3; 4; 5; 6.

a) Vì trong 6 khả năng trên không có số chấm nào chia hết cho 7 nên sự kiện “Mặt xuất hiện có số chấm chia hết cho 7” là không thể xảy ra.

b) Vì cả 6 khả năng trên thì số chấm đều nhỏ hơn 10 nên sự kiện “Mặt xuất hiện có số chấm nhỏ hơn 10” chắc chắn xảy ra.

c) Trong 6 khả năng, mặt xuất hiện có số chấm lớn hơn 5 nên số chấm trên mặt đó là 6. Do đó sự kiện “Mặt xuất hiện có số chấm lớn hơn 5” là có thể xảy ra.

Bài 7 trang 120 sách bài tập Toán lớp 6 Tập 2: Trong hộp có 4 quả bóng xanh, 3 quả bóng đỏ và 1 quả bóng vàng. Phương lấy ra 5 bóng từ hộp. Hỏi các sự kiện sau là chắc chắn, không thể hay có thể xảy ra?

a) 5 quả bóng lấy ra có cùng màu.

b) Có ít nhất 1 bóng xanh trong 5 quả bóng lấy ra.

c) 5 quả bóng lấy ra có đủ cả 3 màu xanh đỏ và vàng.

Lời giải:

a) Vì số lượng bóng cùng màu nhiều nhất là 4 quả (bóng xanh), nên không thể lấy ra được 5 quả cùng màu từ trong hộp.

Vậy sự kiện “5 quả bóng lấy ra có cùng màu” là không thể xảy ra.

b) Vì tổng số bóng đỏ và vàng trong hộp là 4 quả, mà số quả lấy là 5 quả, nên chắc chắn sẽ có ít nhất là 1 quả bóng xanh trong 5 quả được lấy ra.

Vậy sự kiện “Có ít nhất 1 bóng xanh trong 5 quả bóng lấy ra” là chắc chắn xảy ra.

c) Nếu lấy ra 4 bóng xanh, 1 bóng đỏ thì trong 5 quả bóng lấy ra không có đủ ba màu.

Mặt khác, nếu lấy ra 2 bóng xanh, 2 bóng đỏ, 1 bóng vàng thì trong 5 quả bóng lấy ra có đủ ba màu.

Vậy sự kiện “5 quả bóng lấy ra có đủ cả 3 màu xanh đỏ và vàng” là có thể xảy ra.

Bài 8 trang 120 sách bài tập Toán lớp 6 Tập 2: Các tuyến đường với độ dài như hình vẽ để nối các điểm du lịch A, B và C. Bạn Dương đi từ A qua B rồi đến C. Hãy đánh giá xem các sự kiện sau là chắc chắn, có thể hay không thể xảy ra.

a) Quãng đường Dương đi không vượt quá 15 km.

b) Quãng đường Dương đi dài 11 km.

c) Quãng đường Dương đi dài 14 km.

Các tuyến đường với độ dài như hình vẽ để nối các điểm du lịch A

Lời giải:

Dương đi từ A đến B có 2 đường dài 5 km và 6 km. Từ B đến C có 2 quãng đường dài 7 km và 9 km.

Vậy quãng đường mà bạn Dương đi có thể là:

5 + 7 = 12 (km);

5 + 9 = 14 (km);

6 + 7 = 13 (km);

6 + 9 = 15 (km).

a) Các quãng đường mà bạn Dương đi có thể là: 12 km; 13 km; 14 km và 15 km.

Dễ thấy tất cả các quãng đường đều nhỏ hơn hoặc bằng 15 km.

Do đó sự kiện “Quãng đường Dương đi không vượt quá 15km là chắc chắn xảy ra.

b) Quãng đường Dương đi chỉ có thể là 12 km; 13 km; 14 km và 15 km, không có quãng đường nào dài 11 km.

Do đó sự kiện “Quãng đường Dương đi dài 11 km” là không thể xảy ra.

c) Sự kiện “ Quãng đường Dương đi dài 14 km” xảy ra khi Dương đi tuyến đường 5km và 9 km, không xảy ra khi Dương đi các tuyến đường khác (chẳng hạn tuyến đường 6 km và 7 km).

Vậy sự kiện “ Quãng đường Dương đi dài 14 km” có thể xảy ra.

Lý thuyết Phép thử nghiệm - Sự kiện

1. Phép thử nghiệm 

Trong các trò chơi (thí nghiệm) tung đồng xu, bốc thăm, gieo xúc xắc, quay xổ số, …, mỗi lần tung đồng xu hay bốc thăm như trên được gọi là một phép thử nghiệm.

Khi thực hiện phép thử nghiệm (trò chơi; thí nghiệm), ta rất khó để dự đoán trước chính xác kết quả của mỗi phép thử nghiệm đó. Tuy nhiên ta có thể liệt kê được tập hợp tất cả các kết quả có thể xảy ra của phép thử nghiệm đó.

Ví dụ 1. Hãy liệt kê tất cả các kết quả có thể xảy ra của phép thử: Chọn một bạn trong lớp em và xem bạn ấy sinh vào tháng nào trong năm.

Lời giải: 

Chọn một bạn trong lớp: một người bất kì đều có tháng sinh là 1 trong 12 tháng trong năm.

Vậy tập hợp tất cả các khả năng có thể xảy ra là {tháng 1; tháng 2; tháng 3; …; tháng 12}.

2. Sự kiện 

Khi thực hiện phép thử nghiệm, có những sự kiện chắc chắn xảy ra, có những sự kiện không thể xảy ra và cũng có những sự kiện có thể xảy ra.

Ví dụ 2. Gieo một con xúc xắc sáu mặt và quan sát số chấm xuất hiện ở mặt phía trên thì:

- Sự kiện số chấm nhỏ hơn 7 chắc chắn xảy ra.

- Sự kiện số chấm lớn hơn 7 không thể xảy ra.

- Sự kiện số chấm là số chẵn có thể xảy ra.

Đánh giá

0

0 đánh giá