Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Hóa học lớp 11 Bài 9: Phương pháp tách và tinh chế hợp chất hữu cơ sách Chân trời sáng tạo. Bài viết gồm 15 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Hóa học 11. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 9: Phương pháp tách và tinh chế hợp chất hữu cơ. Mời các bạn đón xem:
Trắc nghiệm Hóa học 11 Bài 9: Phương pháp tách và tinh chế hợp chất hữu cơ
Phần 1. Trắc nghiệm Phương pháp tách và tinh chế hợp chất hữu cơ
Câu 1. Tách muối ăn ra khỏi hỗn hợp nước muối bằng phương pháp nào sau đây?
A. Lọc.
B. Chiết.
C. Kết tinh.
D. Dùng nam châm hút.
Đáp án đúng là: C
Có thể tách muối ăn ra khỏi hỗn hợp nước muối bằng phương pháp kết tinh.
Câu 2. Khí nitrogen và khí oxygen là hai thành phần chính của không khí. Trong kĩ thuật người ta có thể hạ thấp nhiệt độ để hóa lỏng không khí. Biết nitrogen lỏng sôi ở -196oC oxygen lỏng sôi ở -183oC. Phương pháp tách riêng khí nitrogen và oxygen là
A. lọc.
B. chiết.
C. cô cạn.
D. chưng cất.
Đáp án đúng là: D
Phương pháp chưng cất phân đoạn không khí lỏng được dùng để tách riêng khí nitrogen và oxygen.
Câu 3. Nấu rượu uống thuộc loại phản ứng tách biệt và tinh chế nào?
A. Phương pháp chưng cất.
B. Phương pháp chiết.
C. Phương pháp kết tinh.
D. Sắc kí cột.
Đáp án đúng là: A
Phương pháp chưng cất được ứng dụng trong nấu rượu uống.
Câu 4. Giã lá cây chàm, cho vào nước, lọc lấy dung dịch màu để nhuộm sợi, vải thuộc loại phương pháp tách biệt và tinh chế nào?
A. Phương pháp chưng cất.
B. Phương pháp chiết.
C. Phương pháp kết tinh.
D. Sắc kí cột.
Đáp án đúng là: B
Giã lá cây chàm, cho vào nước, lọc lấy dung dịch màu để nhuộm sợi, vải thuộc loại phương pháp chiết.
Câu 5. Sau khi chưng cất cây sả bằng hơi nước, người ta dùng phương pháp chiết để tách riêng lớp tinh dầu ra khỏi nước. Phát biểu không đúng là
A. Hỗn hợp thu được tách thành hai lớp.
B. Tinh dầu nặng hơn nước nên nằm phía dưới.
C. Lớp trên là tinh dầu sả, lớp dưới là nước.
D. Khối lượng riêng của tinh dầu sả nhỏ hơn của nước.
Đáp án đúng là: B
Do tinh dầu sả nhẹ hơn nước nên nổi lên phía trên.
Câu 6. Phương pháp nào sau đây được dùng để tách các chất lỏng ra khỏi hỗn hợp các chất có nhiệt độ sôi khác nhau, nhằm thu được chất lỏng tinh khiết hơn?
A. Phương pháp chưng cất.
B. Phương pháp chiết.
C. Phương pháp kết tinh.
D. Sắc kí cột.
Đáp án đúng là: A
Phương pháp chưng cất được dùng để tách các chất lỏng ra khỏi hỗn hợp các chất có nhiệt độ sôi khác nhau, nhằm thu được chất lỏng tinh khiết hơn.
Câu 7. Phương pháp chiết nào sau đây thường dùng để tách các chất hữu cơ hòa tan trong nước?
A. Chiết lỏng – lỏng.
B. Chiết lỏng – rắn.
C. chiết rắn – rắn.
D. chiết lỏng - khí.
Đáp án đúng là: A
Phương pháp chiết lỏng – lỏng thường dùng để tách các chất hữu cơ hòa tan trong nước.
Câu 8. Phương pháp dùng để tách các chất hữu cơ có hàm lượng nhỏ và khó tách ra khỏi nhau là phương pháp nào sau đây?
A. Phương pháp chưng cất.
B. Phương pháp chiết.
C. Phương pháp kết tinh.
D. Sắc kí cột.
Đáp án đúng là: D
Phương pháp sắc kí cột dùng để tách các chất hữu cơ có hàm lượng nhỏ và khó tách ra khỏi nhau.
Câu 9. Phương pháp nào sau đây không phải là phương pháp tách biệt và tinh chế hợp chất hữu cơ?
A. Phương pháp điện phân.
B. Phương pháp chiết.
C. Phương pháp kết tinh.
D. Sắc kí cột.
Đáp án đúng là: A
Phương pháp điện phân không phải là phương pháp tách biệt và tinh chế hợp chất hữu cơ.
Câu 10. Cho hình ảnh về dụng cụ sau:
Dụng cụ này có thể được sử dụng để tách riêng các chất trong hỗn hợp nào dưới đây?
A. Nước và rượu.
B. Nước và muối ăn.
C. Xăng và dầu ăn.
D. Dầu ăn và nước.
Đáp án đúng là: D
Dụng cụ này là phễu chiết, được dùng để tách riêng các chất trong hỗn hợp dầu ăn và nước.
Câu 11. Tách tinh dầu từ hỗn hợp tinh dầu và nước bằng dung môi hexane tức là đang dùng phương pháp:
A. Phương pháp chiết lỏng – lỏng.
B. Phương pháp chiết lỏng rắn.
C. Phương pháp kết tinh.
D. Phương pháp chưng cất.
Đáp án đúng là: A
Tách tinh dầu từ hỗn hợp tinh dầu và nước bằng dung môi hexane tức là đang dùng phương pháp chiết lỏng – lỏng.
Câu 12. Phát biểu nào dưới đây không đúng?
A. Chiết lỏng – lỏng dùng để tách chất hữu cơ ở dạng nhũ tương hoặc huyền phù trong nước.
B. Phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản người ta có thể dùng chiết lỏng – rắn.
C. Sắc kí cột dùng để tách các chất hữu cơ có hàm lượng nhỏ và khó tách ra khỏi nhau
D. Phương pháp kết tinh dùng để tách và tinh chế chất lỏng.
Đáp án đúng là: D
Do phương pháp kết tinh dùng để tách và tinh chế chất rắn.
Câu 13. Để chiết xuất tinh dầu sả, tiến hành phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước, sau bước ngưng tụ thu được:
A. tinh dầu sả.
B. tinh dầu sả hoà tan trong nước.
C. hỗn hợp 2 lớp: trên là sả, dưới là nước.
D. hỗn hợp 2 lớp: trên là nước, dưới là sả.
Đáp án đúng là: C
Để chiết xuất tinh dầu sả, tiến hành phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước, sau bước ngưng tụ thu được: hỗn hợp 2 lớp: trên là sả, dưới là nước.
Câu 14. Cho các phát biểu sau
(1) Ngâm hoa quả làm siro thuộc phương pháp chiết.
(2) Làm đường từ mía thuộc phương pháp chưng cất.
(3) Nấu rượu uống thuộc phương pháp kết tinh.
(4) Phân tích thổ nhưỡng thuộc phương pháp chiết lỏng - rắn.
(5) Để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản dùng phương pháp chưng cất.
Số phát biểu đúng là
A. 2.
B. 3.
C. 4.
D. 1.
Đáp án đúng là: A
Bao gồm: 1, 4.
(2) Sai vì làm đường từ mía thuộc phương pháp kết tinh.
(3) Sai vì nấu rượu uống thuộc phương pháp chưng cất.
(5) Sai vì để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản dùng phương pháp chiết.
Câu 15. Thực hiện thí nghiệm chưng cất ethanol từ dung dịch ethanol – nước:
Chuẩn bị: rượu (được nấu thủ công); bình cầu có nhánh 250 mL, nhiệt kế, ống sinh hàn nước, ống nối, ống đong 50 mL, bình tam giác 100 mL, đá bọt, nguồn nhiệt (bếp điện, đèn cồn).
Tiến hành:
- Cho 60 mL rượu được nấu thủ công vào bình cầu có nhánh (chú ý chất lỏng trong bình không vượt quá 2/3 thể tích bình), thêm vài viên đá bọt.
- Lắp dụng cụ như hình dưới.
- Đun nóng từ từ đến khi hỗn hợp sôi, quan sát nhiệt độ trên nhiệt kế thấy tăng dần, khi nhiệt độ trên nhiệt kế ổn định, đó chính là nhiệt độ sôi của hỗn hợp ethanol và nước. Khi nhiệt độ bắt đầu tăng trở lại thì tắt nguồn nhiệt, ngừng chưng cất.
Cho các phát biểu sau:
(1) Nhiệt độ sôi của ethanol thấp hơn nhiệt độ sôi của hỗn hợp ethanol và nước.
(2) Nhiệt độ sôi của hỗn hợp ethanol và nước thấp hơn nhiệt độ sôi của nước.
(3) Độ cồn của sản phẩm sẽ lớn hơn so với rượu ban đầu do sản phẩm thu được tinh khiết hơn lẫn ít nước hơn rượu ban đầu.
(4) Bình hứng thu được nước nguyên chất.
(5) Đá bọt có vai trò điều hòa quá trình sôi, tránh hiện tượng quá sôi.
Số phát biểu đúng là
A. 2.
B. 3.
C. 4.
D. 5.
Đáp án đúng là: C
Bao gồm: 1, 2, 3, 5.
(4) Sai vì bình hứng thu được gồm ethanol và nước.
Phần 2. Lý thuyết Phương pháp tách và tinh chế hợp chất hữu cơ
1. Phương pháp chưng cất
- Thường dùng để tách các chất lỏng có nhiệt độ sôi khác nhau.
- Cách tiến hành: Đun nóng hỗn hợp chất lỏng, chất nào nhiệt độ sôi thấp hơn sẽ chuyển thành hơi sớm hơn và nhiều hơn. Sau đó làm lạnh, ngưng tụ thành chất lỏng chứa chất có nhiệt độ sôi thấp hơn.
- Một số phương pháp chưng cất:
+ Phương pháp chưng cất phân đoạn.
+ Phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước.
+ Phương pháp chưng cất dưới áp suất thấp.
2. Phương pháp chiết
- Được dùng để tách các chất có độ hòa tan khác nhau trong các môi trường không tan vào nhau.
- Một số phương pháp chiết:
+ Chiết lỏng – lỏng.
+ Chiết lỏng – rắn.
3. Phương pháp kết tinh
- Là phương pháp tách và tinh chế chất từ hỗn hợp chất rắn dựa trên độ tan khác nhau của các chất trong dung môi và sự thay đổi độ tan của chúng theo nhiệt độ.
4. Phương pháp sắc ký cột
- Dùng để tách, tinh chế chất trong hỗn hợp dựa vào sự khác biệt về tốc độ di chuyển của các chất trong pha động khi tiếp xúc trực tiếp với một pha tĩnh do sự khác nhau khả năng hấp thụ trên pha tĩnh.
Sơ đồ tư duy Phương pháp tách và tinh chế hợp chất hữu cơ
Xem thêm các bài Trắc nghiệm Hóa học lớp 11 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác: