Giải SGK Địa lí 9 Bài 14 (Kết nối tri thức): Bắc Trung Bộ

72

Lời giải bài tập Địa lí lớp 9 Bài 14: Bắc Trung Bộ sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập môn Địa lí 9. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập Địa lí 9 Bài 14: Bắc Trung Bộ

Mở đầu trang 169 Bài 14 Địa Lí 9: Bắc Trung Bộ là một bộ phận lãnh thổ của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa đa dạng. Điều kiện tự nhiên và dân cư của Bắc Trung Bộ có đặc điểm gì? Bắc Trung Bộ có thế mạnh gì trong phát triển kinh tế?

Trả lời:

- Đặc điểm điều kiện tự nhiên và dân cư:

+ Điều kiện tự nhiên: phân hóa theo chiều Đông - Tây, địa hình đồi núi với đất feralit phía tây, đồng bằng chuyển tiếp có đất phù sa, cồn cát và biển, thềm lục địa; khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh, phân hóa giữa phía đông - phía tây và theo độ cao địa hình; mạng lưới sông ngòi dày đặc, nhiều hồ, đầm, nguồn nước khoáng; hệ sinh thái rừng đa dạng, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia; khoáng sản khá phong phú; vùng biển rộng, đường bờ biển kéo dài, đảo, đầm phá, vũng vịnh, bãi tắm đẹp,… chịu nhiều thiên tai và biến đổi khí hậu

+ Dân cư: dân số đông, phân bố khác nhau giữa các khu vực và thay đổi theo thời gian, văn hóa đa dạng, trình độ dân trí cao, các dân tộc đoàn kết.

- Thế mạnh trong phát triển kinh tế: địa hình, đất; khí hậu; nguồn nước; rừng; biển, đảo; lao động; cơ sở hạ tầng; khoa học - công nghệ.

1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ

Câu hỏi trang 169 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin mục 1 và quan sát hình 14.1, hãy xác định vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của Bắc Trung Bộ.

Dựa vào thông tin mục 1 và quan sát hình 14.1, hãy xác định vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của Bắc Trung Bộ

Trả lời:

- Diện tích hơn 51 nghìn km2, chiếm 15,5% cả nước (2021). Gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

- Giáp vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Nam Trung Bộ và nước láng giềng Lào.

- Phía đông có vùng biển rộng lớn, một số đảo ven bờ có ý nghĩa quan trọng về kinh tế và quốc phòng an ninh như hòn Mê, hòn Ngư, đảo Yến, đảo Cồn Cỏ.

- Vị trí địa lí tạo cho Bắc Trung Bộ trở thành cầu nối giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các vùng trên cả nước, với nước láng giếng và thuận lợi phát triển tổng hợp kinh tế biển.

2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

Câu hỏi trang 171 Địa Lí 9: Dựa vào hình 14.1 và thông tin mục 2, hãy:

- Trình bày đặc điểm phân hóa tự nhiên ở Bắc Trung Bộ.

- Giải thích ảnh hưởng của tự nhiên đến sự hình thành cơ cấu kinh tế của Bắc Trung Bộ.

Dựa vào hình 14.1 và thông tin mục 2, hãy Trình bày đặc điểm phân hóa tự nhiên ở Bắc Trung Bộ

Trả lời:

- Địa hình, đất: từ tây sang đông, địa hình chia thành 3 dạng phổ biến là:

+ Đồi núi phía tây có đất feralit đỏ vàng;

+ Đồng bằng chuyển tiếp chủ yếu đất phù sa và các cồn cát;

+ Biển, thềm lục địa, đảo ở phía đông => thuận lợi hình thành cơ cấu kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; địa hình bờ biển thuận lợi phát triển hoạt động du lịch.

- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có một mùa đông lạnh, có sự phân hóa giữa khu vực phía đông và phía tây, phân hóa theo độ cao địa hình cho phép phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới với cơ cấu sản phẩm nông nghiệp đa dạng. Sự phân hóa khí hậu tác động đến các ngành kinh tế khác.

- Nguồn nước:

+ Mạng lưới sông ngòi dày đặc, sông ngắn và dốc, giá trị nhất định về thủy điện, thủy lợi, một số sông lớn (sông Mã, Cả, Gianh,…). Nhiều hồ, đầm (Kẻ Gỗ, Cầu Hai,…) phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch.

+ Nguồn nước khoáng có giá trị trong công nghiệp và du lịch (Sơn Kim, Suối Bang, Thanh Tân).

- Tài nguyên khoáng sản khá phong phú, một số loại có trữ lượng lớn như sắt, đá vôi, crôm, ti-tan, thuận lợi phát triển nhiều ngành công nghiệp.

- Biển, đảo: vùng biển rộng, đường bờ biển kéo dài, hệ thống các đảo, đầm phá, vũng vịnh, bãi tắm đẹp, thuận lợi xây dựng cảng biển, phát triển du lịch biển, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, phát triển công nghiệp và dịch vụ biển.

3. Phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu

Câu hỏi trang 172 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin mục 3, hãy: Kể tên một số thiên tai và nêu giải pháp phòng, chống thiên tai ở Bắc Trung Bộ.

Trả lời:

Một số thiên tai và nêu giải pháp phòng, chống thiên tai:

- Các thiên tai gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng,…

- Giải pháp phòng, chống thiên tai:

+ Phòng ngừa: cảnh báo về thiên tai trên các phương tiện thông tin; diễn tập phòng chống thiên tai; trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn, ven biển; di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ để giảm thiểu thiệt hại nếu thiên tai xảy ra,..

+ Ứng phó: sơ tán kịp thời người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm khi có bão, lũ, sạt lở đất; gia cố nhà cửa, tài sản; gia cố đê sông, đê biển;…

+ Khắc phục hậy quả thiên tai: ổn định đời sống của người dân; tăng cường công tác cứu trợ, cứu nạn; vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau thiên tai; tổ chức lại sản xuất và thay đổi cơ cấu cây trồng, lịch thời vụ sản xuất.

Câu hỏi trang 172 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin mục 3, hãy: Trình bày vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu ở Bắc Trung Bộ.

Trả lời:

Vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu:

- Biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ và lượng mưa tăng lên, số lượng các cơn bão, áp thấp nhiệt đới xu hướng tăng và mạnh hơn về cường độ. Mùa đông trở nên ngắn hơn. Gió Tây khô nóng ngày càng gay gắt và xu hướng kéo dài hơn.

- Giải pháp giảm nhẹ: sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp, công sở và hộ gia đình; hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch; phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió; áp dụng các công nghệ sản xuất xanh, ít phát thải khí nhà kính,..,

- Giải pháp thích ứng: xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo; củng cố đê chắn sóng và đê biển; trồng rừng và bảo vệ rừng; trồng giống lúa ngắn ngày và giống lúa chịu hạn; tuyên truyền và nâng cao năng lực thích ứng cho người dân,…

4. Phân bố dân cư

Câu hỏi trang 172 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin mục 4, hãy:

- Trình bày đặc điểm phân bố dân cư ở Bắc Trung Bộ.

- Giải thích sự phân bố dân cư ở Bắc Trung Bộ.

Trả lời:

- Dân cư phân bố khác nhau giữa khu vực đồi núi phía tây và đồng bằng ven biển phía đông, giữa nông thôn và thành thị.

+ Khu vực đồng bằng ven biển phía đông, dân cư tập trung đông đúc.

+ Khu vực đồi núi phía tây, dân cư thưa thớt hơn.

+ Dân cư sinh sống chủ yếu ở nông thôn (chiếm hơn 74% tổng số dân 2021). Sự phân bố này do vùng đồng bằng ven biển có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn cho cư trú và sản xuất.

- Phân bố dân tộc có sự đan xen và phân hóa giữa khu vực phía tây và phía đông. Người Kinh phân bố rộng khắp nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng ven biển. Các dân tộc thiểu số phân bố chủ yếu ở khu vực đồi núi phía tây.

- Phân bố dân cư có sự thay đổi theo thời gian. Trước đây, phân bố dân cư theo các khu vực nhất định. Hiện nay, do tác động của quá trình chuyển cư, đô thị hóa và công nghiệp hóa, sự phân bố dân cư có sự thay đổi, mật độ dân số của khu vực phía tây tăng lên, dân cư tập trung vào một số trung tâm công nghiệp và đô thị.

5. Sự phát triển và phân bố kinh tế

Câu hỏi trang 175 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin mục a và quan sát hình 14.3, hãy:

- Phân tích tình hình phát triển và phân bố ngành nông nghiệp ở Bắc Trung Bộ.

- Nhận xét sự phát triển và phân bố ngành lâm nghiệp ở Bắc Trung Bộ.

Dựa vào thông tin mục a và quan sát hình 14.3, hãy Phân tích tình hình phát triển và phân bố ngành nông nghiệp

Trả lời:

- Tình hình phát triển và phân bố ngành nông nghiệp: chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Áp dụng công nghệ gen, lai tạo giống để tạo ra giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, khả năng thích ứng dịch bệnh và hạn hán. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng:

+ Trồng trọt: lúa là cây lương thực chính, chủ yếu ở đồng bằng Thanh - Nghệ - Tĩnh, sản lượng lúa tăng đạt 3,9 triệu tấn năm 2021; cây công nghiệp hàng năm có lạc, vừng,… diện tích khá lớn trên vùng đất cát vùng duyên hải hầu hết các tỉnh; mía trồng nhiều ở vùng gò đồi phía tây Thanh Hóa, Nghệ An; cây công nghiệp laai năm phát triển ở một số nơi như cà phê (Nghệ An, Quảng Trị), hồ tiêu (Quảng Trị, Quảng Bình), chè (Nghệ An, Thanh Hóa),… phát triển một số cây ăn quả như cam, bưởi,… ở vùng gò đồi từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.

+ Chăn nuôi: số lượng đàn trâu 580 nghìn con chiếm khoảng 25% cả nước, đàn bò 1,11 triệu con chiếm hơn 16% cả nước (2021), phát triển mạnh ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Lợn và gia cầm nuôi ở hầu khắp tỉnh.

- Sự phát triển và phân bố ngành lâm nghiệp:

+ Diện tích rừng lớn với 3,1 triệu ha (2021), rừng tự nhiên chiếm 70%. Phát triển nhờ chính sách giao rừng. Mở rộng các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp, canh tác trên đất dốc, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần phòng chống thiên tai.

+ Năm 2021, sản lượng gỗ khai thác đạt 4,7 triệu m3, tập trung ở vùng đồi núi phía tây các tỉnh. Nghệ An có sản lượng gỗ khai thác lớn nhất, chiếm 31,4% sản lượng gỗ của vùng. Ngoài ra vùng còn khai thác các lâm sản khác như luồng, tre, mây, măng, dược liệu,…

+ Công tác trồng rừng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng rất được chú trọng. Rừng đặc dụng trong các vườn quốc gia và khu bảo tồn như Bến En, Pù Mát, Vũ Quang, Phong Nha - Kẻ Bàng,… được bảo vệ nghiêm ngặt.

Câu hỏi trang 176 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin mục b và quan sát hình 14.3, hãy phân tích sự phát triển và phân bố ngành công nghiệp của Bắc Trung Bộ.

Dựa vào thông tin mục b và quan sát hình 14.3, hãy phân tích sự phát triển và phân bố ngành công nghiệp của Bắc Trung Bộ

Trả lời:

- Tổng sản phẩm tăng nhanh qua các năm, tái cấu trúc theo hướng gia tăng các ngành công nghiệp công nghệ cao, tận dụng lợi thế cạnh tranh và chiến lược phát triển công nghiệp của đất nước.

- Cơ cấu đa dạng, các ngành công nghiệp quan trọng nhất là:

+ Công nghiệp sản xuất điện gồm thủy điện, nhiệt điện, tập trung chủ yếu ở Thanh Hóa (nhiệt điện Nghi Sơn), Nghệ An (thủy điện Bản Vẽ), Hà Tĩnh (nhiệt điện Vũng Áng 1), Thừa Thiên Huế (thủy điện Hương Điền, A Lưới),… Điện gió, điện mặt trời phát triển mạnh ở Quảng Bình, Quảng Trị. Sản lượng điện đạt 22,5 tỉ kWh năm 2021.

+ Công nghiệp khai khoáng: chủ yếu là khai thác đá vôi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,…, khai thác nước khoáng ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế.

+ Sản xuất vật liệu xây dựng với các sản phẩm chủ yếu là xi măng, gạch, đá xây dựng,… tập trung ở Thanh Hóa, Nghệ An,…

+ Công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ được phát triển với quy mô vừa và nhỏ ở hầu hết các địa phương.

Câu hỏi trang 177 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin mục c và quan sát hình 14.3, hãy:

- Trình bày sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải và du lịch của Bắc Trung Bộ.

- Phân tích thế mạnh để phát triển du lịch ở Bắc Trung Bộ.

Dựa vào thông tin mục c và quan sát hình 14.3, hãy Trình bày sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải

Trả lời:

- Giao thông vận tải:

+ Đầy đủ các loại hình giao thông như đường ô tô, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không, đảm bảo thực hiện vai trò trung chuyển hàng hóa giữa hai miền Bắc - Nam; từ Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan ra Biển Đông và ngược lại.

+ Mạng lưới giao thông được đầu tư tương đối đồng bộ và hiện đại. Các cảng hàng không, cảng biển vai trò quan trọng để phát triển kinh tế theo hướng mở như cảng hàng không Vinh, Phú Bài; cảng biển Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

+ Năm 2021, khối lượng hàng hóa vận chuyển chiếm hơn 15% cả nước.

- Du lịch: số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tăng nhanh. Các loại hình du lịch của vùng đa dạng, như du lịch biển, du lịch di sản, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm,… Nhiều điểm du lịch trở thành điểm đến nổi tiếng thế giới như Quần thể di tích Cố đô Huế, Sơn Đoòng, Phong Nha - Kẻ Bàng.

- Thế mạnh để phát triển du lịch ở Bắc Trung Bộ: vị trí địa lí thuận lợi và tài nguyên du lịch hấp dẫn.

+ Tài nguyên du lịch tự nhiên rất đa dạng gồm: bãi biển, vườn quốc gia, hang động, cảnh quan núi, sông suối, hồ, đảo,… Các địa điểm khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên nổi bật như hệ thống hang động Sơn Đoòng, Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Lăng Cô (Thừa Thiên Huế); các khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia như Bến En, Pù Mát, Bạch Mã, Phong Nha - Kẻ Bàng,…

+ Tài nguyên du lịch văn hóa là các di sản văn hóa thế giới như Quần thể di tích Cố đô Huế, Thành nhà Hồ, Nhã nhạc cung đình Huế, Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh,…

6. Vấn đề phát triển kinh tế biển, đảo

Câu hỏi trang 178 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin ở mục 6, hãy phân tích vấn đề phát triển kinh tế biển ở Bắc Trung Bộ.

Trả lời:

- Phát triển kinh tế biển, đảo có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng, đảm bảo quốc phòng an ninh của cả nước. Có bờ biển dài với nhiều vũng vịnh, đầm phá, nhiều bãi biển đẹp và vùng biển rộng với trữ lượng thủy sản lớn.

- Phát triển tổng hợp kinh tế biển với các ngành khai thác, nuôi trồng hải sản; giao thông vận tải biển; du lịch biển; điện gió,… Hình thành một số khu kinh tế ven biển và đang khai thác có hiệu quả như Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Án (Hà Tĩnh), Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế),…

- Còn nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế biển, đảo như thiên tai, biến đổi khí hậu, vấn đề môi trường biển, nguồn lợi hải sản suy giảm,…

- Một số giải pháp để khai thác hiệu quả và bền vững tiềm năng kinh tế biển, đảo:

+ Phát triển kinh tế biển kết hợp với đảm bảo quốc phòng an ninh.

+ Phát triển tổn hợp các ngành kinh tế biển như du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác các tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế khác.

+ Nâng cao hiệu quả hệ thống cảng biển, các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển.

+ Phát triển các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp, dầu khí, điện, năng lượng tái tạo, công nghiệp xanh; phát triển các trung tâm du lịch lớn; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá.

+ Bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển.

+ Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai.

Luyện tập - Vận dụng

Luyện tập trang 178 Địa Lí 9: Dựa vào hình 14.3, hãy hoàn thành bảng sau vào vở:

Dựa vào hình 14.3, hãy hoàn thành bảng sau vào vở trang 178 Địa Lí 9

Dựa vào hình 14.3, hãy hoàn thành bảng sau vào vở trang 178 Địa Lí 9

Trả lời:

Tên trung tâm công nghiệp

Các ngành công nghiệp chính

Thanh Hóa

Cơ khí; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy; sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất hóa chất.

Nghi Sơn

Cơ khí; nhiệt điện; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế.

Vinh

Cơ khí; dệt và sản xuất trang phục; sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác man-gan.

Huế

Cơ khí; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt và sản xuất trang phục; sản xuất vật liệu xây dựng.

 

Vận dụng trang 178 Địa Lí 9: Sưu tầm thông tin về một loại thiên tai và tác động của nó đến phát triển kinh tế ở Bắc Trung Bộ, sau đó hãy nêu một số biện pháp phòng, chống thiên tai đó.

Trả lời:

Ám ảnh lũ quét, sạt lở đất ở vùng cao các tỉnh Bắc Trung bộ

Liên tục nhiều năm trở lại đây, các huyện miền núi cao của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã xảy ra những trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất với sức tàn phá mạnh, gây ra không ít thiệt hại cho người dân và ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung tại các địa phương này.

Toàn tỉnh Nghệ An có 11 huyện nằm trong vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đó là: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong. Từ năm 2007 đến nay, hầu như năm nào ở các huyện này đều xảy ra các đợt lũ ống, lũ quét và sạt lở đất khiến hàng chục người chết và thiệt hại chung đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Tại tỉnh Thanh Hóa, trận mưa lớn lịch sử cuối tháng 8 đầu tháng 9/2018 đã làm cho nhiều huyện miền núi bị cô lập, hàng nghìn ngôi nhà của dân, nhiều Trường học, Trạm Y tế tại các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa…bị đổ sập. Đặc biệt, QL 15C tuyến giao thông huyết mạch nối huyện Mường Lát với các huyện miền xuôi đã bị đất đá vùi lấp hoàn toàn. Hậu quả gây ra hết sức nặng nề, khiến 14 người chết và mất tích do mưa lũ; phá hủy hoàn toàn 277 căn nhà, hơn 239 căn bị hư hỏng nặng; 12.500 căn bị ngập trong nước; 34 điểm trường bị ngập và phá hủy do sạt lở đất; gây sạt lở tại nhiều tuyến quốc lộ, hàng chục nghìn hộ dân rơi vào tình cảnh mất nhà và bị chia cắt, nhiều trường học bị phá hủy nặng nề. Tổng thiệt hại ước tính gần 2.000 tỷ đồng.

Vấn đề phòng tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các huyện vùng núi cao cần được triển khai thường xuyên, kịp thời đến từng thôn, bản và hộ dân. Về lâu dài, cần ưu tiên bố trí vốn để hỗ trợ cho các địa phương đầu tư sửa chữa, xây dựng các công trình đê, kè, tường chắn lũ, sạt lở; hoàn thành sớm kế hoạch di dời, sắp xếp ổn định đời sống nhân dân vùng thường xuyên xảy ra thiên tai và vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo đời sống và sản xuất; hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra ở các huyện miền núi - nhất là các huyện vùng cao.

Xem thêm các bài giải bài tập Địa lí lớp 9 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 13. Thực hành: Tìm hiểu về Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Bài 14. Bắc Trung Bộ

Bài 15. Duyên hải Nam Trung Bộ

Bài 16. Thực hành: Phân tích ảnh hưởng của hạn hán và sa mạc hoá đối với phát triển kinh tế – xã hội ở vùng khô hạn Ninh Thuận – Bình Thuận

Bài 17. Vùng Tây Nguyên

Bài 18. Vùng Đông Nam Bộ

Đánh giá

0

0 đánh giá