Giải SGK Địa lí 9 Bài 18 (Kết nối tri thức): Vùng Đông Nam Bộ

106

Lời giải bài tập Địa lí lớp 9 Bài 18: Vùng Đông Nam Bộ sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập môn Địa lí 9. Mời các bạn đón xem:

Giải bài tập Địa lí 9 Bài 18: Vùng Đông Nam Bộ

Mở đầu trang 195 Bài 18 Địa Lí 9: Đông Nam Bộ là một trong những vùng kinh tế phát triển nhất cả nước. Đó là kết quả khai thác hiệu quả tổng hợp thế mạnh của vùng. Vậy những thế mạnh nổi bật về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của vùng là gì? Đặc điểm dân cư và đô thị hóa của vùng như thế nào? Sự phát triển và phân bố một số ngành kinh tế thế mạnh của vùng ra sao?

Trả lời:

- Thế mạnh nổi bật về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên: địa hình tương đối bằng phẳng; đất badan và đất xám phù sa cổ, đất phù sa ven sông; khí hậu cận xích đạo nhiệt độ cao, lượng mưa lớn, phân 2 mùa mưa khô rõ rệt; có một số sông và hồ lớn, nguồn nước khoáng; sinh vật tương đối đa dạng với các vườn quốc gia, khu dữ trữ sinh quyển thế giới; khoáng sản cao lanh, đá a-xít; vùng biển rộng, giàu tài nguyên, nhiều bãi tắm đẹp, ngư trường, tài nguyên dầu khí.

- Đặc điểm dân cư và đô thị hóa:

+ Dân cư: quy mô dân số lớn, tăng nhanh, sức hút nhập cư, cơ cấu dân số trẻ, nhiều dân tộc, mật độ dân số cao, chủ yếu sống ở thành thị.

+ Đô thị hóa: lịch sử phát triển lâu đời, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, số lượng đô thị tăng, quy mô đô thị mở rộng, số dân và tỉ lệ dân thành thị cao nhất cả nước.

- Sự phát triển và phân bố một số ngành kinh tế thế mạnh:

+ Công nghiệp: phát triển bậc nhất cả nước, cơ cấu ngành rất đa dạng, phát triển công nghiệp xanh,…

+ Dịch vụ: rất phát triển, hoạt động dịch vụ đa dạng, nhiều lĩnh vực.

+ Phát triển cây công nghiệp lâu năm: vùng trồng cây công nghiệp lâu năm lớn của cả nước.

1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ

Câu hỏi trang 195 Địa Lí 9: Dựa vào hình 18.1 và thông tin mục 1, hãy trình bày đặc điểm vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của vùng Đông Nam Bộ.

Dựa vào hình 18.1 và thông tin mục 1, hãy trình bày đặc điểm vị trí địa lí

Trả lời:

- Diện tích là 23,6 nghìn km2 (chiếm 7,1% diện tích cả nước), bao gồm các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Tiếp giáp Cam-pu-chia, giáp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; phía đông nam có vùng biển rộng với một số đảo, quần đảo, lớn nhất là quần đảo Côn Sơn.

- Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cầu nối giữa Đồng bằng sông Cửu Long với Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ; có TP Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Có hệ thống giao thông vận tải phát triển, đầy đủ các loại hình, giúp vùng kết nối với các vùng trong cả nước và quốc tế thuận lợi.

2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

Câu hỏi trang 197 Địa Lí 9: Dựa vào hình 18.1 và thông tin mục 2, hãy phân tích các thế mạnh, hạn chế về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đối với phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ.

Dựa vào hình 18.1 và thông tin mục 2, hãy phân tích các thế mạnh

Trả lời:

- Thế mạnh:

+ Địa hình, đất: địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho xây dựng các cơ sở công nghiệp, giao thông vận tải, đô thị. Đất badan, đất xám phù sa cổ là chủ yếu, thuận lợi trồng cây công nghiệp lâu năm quy mô lớn; đất phù sa ở ven sông, thích hợp trồng cây lương thực, thực phẩm,…

+ Khí hậu cận xích đạo, nhiệt độ cao, lượng mưa lớn, phân 2 mùa mưa - khô rõ rệt, thuận lợi cho các hoạt động kinh tế diễn ra quanh năm.

+ Nguồn nước: có một số sông và hồ lớn, cung cấp nước cho sản xuất sinh hoạt của người dân, điển hình là sông Đồng Nai, sông Bế, hồ Dầu Tiếng, Trị An; nước khoáng ở Bà Rịa - Vũng Tàu có thể phát triển du lịch,…

+ Sinh vật tương đối đa dạng, có các vườn quốc gia: Cát Tiên, Lò Gò - Xa Mát, Bù Gia Mập, Côn Đảo, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ,… có ý nghĩa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch.

+ Khoáng sản: trên đất liền có cao lanh (Bình Dương, Tây Ninh) làm nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất gốm, sứ, đá a-xít làm vật liệu xây dựng (Tây Ninh, Bình Phước).

+ Biển, đảo: vùng biển rộng, giàu tài nguyên, điều kiện phát triển tổng hợp kinh tế biển. Tài nguyên sinh vật phong phú, nằm trong ngư trường Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu tạo thuận lợi phát triển ngành thủy sản. Nhiều bãi tắm đẹp, trên các đảo thuận lợi phát triển du lịch biển. Tài nguyên dầu khí phong phú, địa thế ven biển thuận lợi xây dựng các cảng nước sâu giúp hình thành và phát triển ngành khai thác khoáng sản biển và giao thông vận tải biển.

- Hạn chế: mùa khô kéo dài (4 - 5 tháng), xảy ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Trên đất liền ít khoáng sản, chịu ảnh hưởng của một số thiên tai như triều cường, xâm nhập mặn,…

3. Dân cư và đô thị hóa

Câu hỏi trang 198 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin mục a, hãy trình bày đặc điểm dân cư ở vùng Đông Nam Bộ.

Trả lời:

- Quy mô và gia tăng dân số: có quy mô dân số lớn, năm 2021 là 18,3 triệu người, chiếm khoảng 18,6% dân số cả nước. Quy mô dân số tăng nhanh, có sức hút lớn người nhập cư.

- Cơ cấu dân số: cơ cấu dân số trẻ, nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế.

- Thành phần dân tộc đa dạng, nhiều dân tộc cùng chung sống như Kinh, Hoa, Khơ-me, Xtiêng, Cơ-ho, Chăm,…

- Phân bố dân cư: năm 2021, mật độ dân số vùng là 778 người/km2, cao gấp 2,6 lần cả nước. Dân cư sinh sống ở khu vực thành thị nhiều hơn ở nông thôn, tỉ lệ dân thành thị đạt 66,4%.

Câu hỏi trang 198 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin mục b, hãy trình bày đặc điểm đô thị hóa ở vùng Đông Nam Bộ.

Trả lời:

- Lịch sử khai thá lãnh thổ từ khoảng hơn 300 năm trước, từ đó các đô thị dần hình thành và phát triển. Từ công cuộc Đổi mới, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh do tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Số lượng đô thị tăng, năm 2021 có 19 thành phố, thị xã, quy mô đô thị mở rộng.

- Dân cư tập trung vào các đô thị ngày càng nhiều, số dân và tỉ lệ dân thành thị cao nhất cả nước.

- Quá trình đô thị hóa làm cho lối sống của dân cư thành thị lan tỏa tới dân cư vùng nông thôn của Đông Nam Bộ.

- Xu hướng đô thị hóa ở vùng là dần hình thành hệ thống đô thị thông minh và hiện đại, các đô thị vệ tinh, vùng đô thị,…

4. Sự phát triển và phân bố một số ngành kinh tế

Câu hỏi trang 200 Địa Lí 9: Dựa vào hình 18.2 và thông tin mục a, hãy trình bày sự phát triển và phân bố ngành công nghiệp vùng Đông Nam Bộ.

Dựa vào hình 18.2 và thông tin mục a, hãy trình bày sự phát triển và phân bố

Trả lời:

- Phát triển bậc nhất cả nước, năm 2021, tổng sản phẩm ngành chiếm hơn 37% GRDP vùng.

- Cơ cấu đa dạng với những ngành có thế mạnh là khai thác dầu khí; sản xuất hóa chất; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt và sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép,… tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Xu hướng chuyển dịch, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao như điện tử - viễn thông, sản xuất rô-bốt, điều khiển từ xa, sản xuất phần mềm, hóa phẩm, dược phẩm, sản xuất vật liệu mới,… Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường.

Câu hỏi trang 201 Địa Lí 9: Dựa vào hình 18.2 và thông tin mục b, hãy trình bày sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ vùng Đông Nam Bộ.

Dựa vào hình 18.2 và thông tin mục b, hãy trình bày sự phát triển và phân bố

Trả lời:

- Ngành dịch vụ rất phát triển, chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP (42,2% năm 2021). Hoạt động dịch vụ đa dạng:

+ Thương mại: nội thương phát triển, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng bán lẻ phân bố rộng khắp; TP Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại lớn nhất cả nước. Ngoại thương có tỉ trọng trị giá xuất khẩu chiếm khoảng 34% cả nước (2021); địa phương có trị giá xuất khẩu hàng đầu trong vùng là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

+ Du lịch: tài nguyên du lịch phong phú, cơ sở phục vụ du lịch hiện đại, giao thông thuận tiện, dễ dàng kết nối các điểm du lịch trong và ngoài vùng, có sức hút lớn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. TP Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn nhất cả nước. Các tuyến du lịch từ TP Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang, Đồng bằng sông Cửu Long,… diễn ra quanh năm.

+ Giao thông vận tải: đầy đủ loại hình giao thông, phát triển nhanh và hiện đại, giúp kết nối các địa phương trong và ngoài vùng, với các nước thuận lợi. Cảng biển TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lớn nhất cả nước, các tuyến quốc lộ 1, 13, 14,… các đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây,… đường sắt Thống Nhất. Các cảng biển, sân bay, đường cao tốc,… tiếp tục được nâng cấp, xây dựng mới đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại. Khối lượng hàng hóa và số lượt hành khách vận chuyển đứng đầu cả nước.

+ Tài chính ngân hàng rất phát triển, nhất là ở TP Hồ Chí Minh, với nhiều ngân hàng Nhà nước, tư nhân, quốc tế, sàn giao dịch chứng khoán, công ty bảo hiểm,…

+ Các lĩnh vực khác như công nghệ thông tin - viễn thông, logistics,… ngày càng mở rộng.

5. Kết nối liên vùng đối với sự phát triển vùng Đông Nam Bộ

Câu hỏi trang 202 Địa Lí 9: Dựa vào hình 18.2 và thông tin mục c, hãy trình bày sự phát triển và phân bố cây công nghiệp lâu năm ở vùng Đông Nam Bộ.

Dựa vào hình 18.2 và thông tin mục c, hãy trình bày sự phát triển và phân bố cây

Trả lời:

- Là vùng trồng cây công nghiệp lâu năm lớn của cả nước. Các cây gồm cao su, điều, hồ tiêu, cà phê,…; trong đó, cây cao su và điều có diện tích lớn nhất cả nước, năm 2021, diện tích cao du đạt 547,6 nghìn ha (chiếm 58,8% cả nước), cây điều đạt 192,6 nghìn ha (chiếm 61,3% cả nước), phân bố chủ yếu ở Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và Tây Ninh.

- Tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, là mặt hàng xuất khẩu, góp phần bảo vệ môi trường.

Câu hỏi trang 202 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin mục 5, hãy phân tích ý nghĩa của việc tăng cường kết nối liên vùng đối với sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ.

Trả lời:

- Mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa và cung ứng các dịch vụ thế mạnh cho các vùng trong cả nước, nhất là các vùng lân cận.

- Dễ tiếp cận hơn với những vùng có nhiều tài nguyên thiên nhiên như: Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và vùng sản xuất trọng điểm lương thực, thực phẩm Đồng bằng sông Cửu Long.

- Thu hút thêm lực lượng lao động để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của vùng.

6. Vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh

Câu hỏi trang 203 Địa Lí 9: Dựa vào thông tin mục 6, hãy phân tích vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh

Trả lời:

- Là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của cả nước.

- Quy mô kinh tế chiếm tỉ trọng lớn nhất so với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước. Tổng sản phẩm chiếm hơn 20% GDP cả nước và 48% GRDP vùng Đông Nam Bộ (2021).

- Luôn nằm trong số các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người, về số dự án và tổng số vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Là trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn hàng đầu cả nước.

- Có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mục tiêu hướng tới là phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á.

Luyện tập - Vận dụng

Luyện tập trang 203 Địa Lí 9: Dựa vào bảng 18.2, hãy:

- Vẽ biểu đồ kết hợp cột và đường thể hiện số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị ở Đông Nam Bộ giai đoạn 1999 - 2021.

- Nhận xét sự thay đổi số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị

Dựa vào bảng 18.2, hãy: Vẽ biểu đồ kết hợp cột và đường

Trả lời:

- Vẽ biểu đồ:

Dựa vào bảng 18.2, hãy: Vẽ biểu đồ kết hợp cột và đường

- Nhận xét: Nhìn chung số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị ở Đông Nam Bộ giai đoạn 1999 - 2021 đều có sự tăng lên, cụ thể:

+ Số dân thành thị tăng liên tục, từ 5,6 triệu người (1999) lên 12,1 triệu người (2021).

+ Tỉ lệ dân thành tị cũng ngày càng tăng, luôn chiếm phần lớn trong tỉ lệ dân số, tăng từ 55,4% (1999) lên 66,4% (2021).

Vận dụng trang 203 Địa Lí 9: Sưu tầm thông tin, tư liệu tìm hiểu thêm về Thành phố Hồ Chí Minh.

Trả lời:

Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định sức sống mạnh mẽ, tiên phong đổi mới, xây dựng và phát triển vì cả nước, cùng cả nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) luôn là địa phương đi đầu sáng tạo với nhiều mô hình mang tính tiên phong của cả nước, khẳng định tính hiệu quả trên cả lĩnh vực kinh tế và văn hóa - xã hội.

Trên hành trình 47 năm xây dựng và phát triển, Thành phố luôn nỗ lực giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động cả nước. Thành phố đóng góp 22,2% kinh tế của cả nước, thu ngân sách Thành phố luôn chiếm tỉ trọng lớn nhất cả nước. Thành phố là địa phương có năng suất lao động cao nhất, bằng 2,6 lần cả nước. Thành phố còn là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất cả nước, chiếm 15% công nghiệp và 33% dịch vụ cả nước. Không chỉ là địa phương tiên phong trong những cải cách về kinh tế, Thành phố cũng là địa phương đi đầu trong các phong trào.

Có thể khẳng định, trải qua 47 năm, từ một thành phố bộn bề khó khăn sau chiến tranh, TPHCM đã vươn lên giữ vị thế đầu tàu kinh tế, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế của đất nước, nơi hình thành và phát triển những phong trào yêu nước mang đậm ý nghĩa nhân văn về một thành phố nghĩa tình - thành phố "vì cả nước, cùng cả nước".

Xem thêm các bài giải bài tập Địa lí lớp 9 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 17. Vùng Tây Nguyên

Bài 18. Vùng Đông Nam Bộ

Bài 19. Thực hành: Tìm hiểu Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Bài 20. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Bài 21. Thực hành: Tìm hiểu về tác động của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long

Bài 22. Phát triển tổng hợp kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển đảo

Đánh giá

0

0 đánh giá