Soạn bài Tự đánh giá cuối học kì 2 | Cánh diều Ngữ văn lớp 12

1.2 K

Tài liệu soạn bài Tự đánh giá cuối học kì 2 Ngữ văn lớp 12 Cánh diều hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 12. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Tự đánh giá cuối học kì 2

I. Đọc hiểu

Đọc đoạn trích (SGK trang 131 - 132) và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Câu 1 (trang 133 sgk Ngữ văn 12 Tập 2)Yếu tố nào thể hiện rõ nhất tính chất nghị luận của đoạn trích?

Trả lời:

- Nội dung: Văn bản thể hiện rất rõ thái độ, nhận thức, lập trường và quan điểm của tác giả về những giá trị của bài thơ Tây Tiến

- Mục đích: Văn bản hướng đến mục đích thuyết phục người đọc về những giá trị độc đáo, khác biệt của bài thơ Tây Tiến

- Cách lập luận: tác giả trình bày và triển khai luận điểm cụ thể, sau đó dùng những lí lẽ và dẫn chứng kết hợp với các thao tác phân tích, so sánh, đối chiếu để làm sáng tỏ luận điểm nêu trên.

- Ngôn ngữ: Văn bản sử dụng các từ, các câu khẳng định, phủ định nhằm tạo cho bài văn một âm hưởng, giọng điệu mạnh mẽ “tên gọi ấy của bài thơ đã gợi lên âm hưởng quân hành”, “đây không phải là một con đường khái quát, con đường biểu tượng như trong Xếp bút nghiên”,….

Câu 2 (trang 133 sgk Ngữ văn 12 Tập 2)Người viết chú ý phân tích làm sáng tỏ những yếu tố nào của bài thơ trong đoạn trích trên?

Trả lời:

- Người viết chú ý phân tích làm sáng tỏ những yếu tố:

+ Nhan đề - “tên gọi ấy của bài thơ đã gợi lên âm hưởng quân hành”

+ Thể thơ

+ Hình ảnh thơ: thiên nhiên nơi đoàn quân Tây tiến từng hoạt động và hình ảnh con đường

+ Các địa danh đặc biệt, xuất hiện trong bài thơ

Câu 3 (trang 133 sgk Ngữ văn 12 Tập 2)Em hiểu “độc hành” là gì? Vì sao tác giả cho rằng “Bởi thế, có lẽ nên gọi Tây Tiến là một khúc độc hành."?

Trả lời:

- Độc hành có nghĩa là con đường duy nhất, cũng có thể hiểu là một mình trên con đường.

- Tác giả cho rằng “Bởi thế, có lẽ nên gọi Tây Tiến là một khúc độc hành." bởi lẽ cả đoàn quân Tây Tiến đã đi xa, giờ chỉ còn một mình nhà thơ ngược lại con đường – trong dòng kí ức, cũng giống như con sông Mã đã đồng hành cùng người lính Tây Tiến trên mọi nẻo đường nhưng khi người lính trở về với đất mẹ, sông Mã chỉ còn lại một mình đơn độc, gầm lên khúc độc hành tiếc thương cho sự hi sinh của những người lính.

Câu 4 (trang 133 sgk Ngữ văn 12 Tập 2)Việc so sánh bài Tây Tiến với Tiến quân ca và một số tác phẩm khác trong đoạn trích trên có tác dụng gì?

Trả lời:

- Việc so sánh nhằm thể hiện mối liên hệ và sự độc đáo, sáng tạo của bài thơ Tây Tiến

+ Liên hệ về thể loại: Đều viết bằng thể thất ngôn, trong truyền thống, từng tạo ra những bài thơ buồn bã nhất như Thăng Long thành hoài cổ (Bà Huyện Thanh Quan),....cũng giống như âm hưởng trầm buồn, tiếc thương trong bài thơ Tây Tiến.

+ Liên hệ về hình ảnh thơ: So sánh với bài Tiến quân ca và mọi khúc quân hành để thấy sự giống nhau về hình tượng con đường

+ Khác biệt trong hình ảnh thơ: Khác với con đường trong Xếp bút nghiên (Lưu Hữu Phước) hoặc Tiến quân ca. Con đường Tây Tiến được kết bằng những địa danh Việt và Lào đọc lên trầm bổng như ca hát, xa lạ và hoang dại.

Câu 5 (trang 133 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Nhận xét về cách phân tích thơ của tác giả từ đoạn trích trên.

Trả lời:

Cách phân tích thơ của tác giả vô cùng chặt chẽ và sâu sắc. Tác giả đã phân tích những yếu tố đặc sắc, nổi bật của bài thơ như: nhan đề, thể thơ, hình ảnh thơ,…kết hợp cùng thao tác so sánh với các tác phẩm khác để thấy được sự độc đáo và sáng tạo của nhà thơ. Đặc biệt, trong quá trình phân tích, tác giả luôn đưa ra những luận điểm rõ ràng và hệ thống dẫn chứng cụ thể ở từng câu thơ.

II. Viết

Câu 1 (trang 133 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu lên suy nghĩ em về vấn đề: Tuổi trẻ và những khó khăn, thách thức.

Trả lời:

Tuổi trẻ vốn là những năm tháng đẹp nhất của đời người và cũng là khoảng thời gian con người ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Đầu tiên là thách thức trước vật chất và lòng người. Trong một xã hội tôn thờ chủ nghĩa vật chất đã và đang làm lu mờ đi những giá trị đạo đức của con người. Thứ nữa, đó là cám dỗ của chủ nghĩa hưởng thụ. Ở giới trẻ đang ngày một phổ biến lối sống hưởng thụ, thư giãn, tạo tiền đề đưa giới trẻ vào con đường tội lỗi, nhúng sâu vào vũng lầy của cám dỗ. Ngoài ra, một số bạn trẻ không bắt nhịp được cuộc sống dẫn đến tình trạng chán nản, cảm thấy bản thân bị xã hội loại bỏ và rơi vào thế bế tắc, cuối cùng mắc những căn bệnh tâm lý. Trước những khó khăn và thách thức của thời đại, thế hệ trẻ cần phải sống có mục đích và động cơ đúng đắn, phải trang bị cho mình năng lực hội nhập, các kiến thức, kỹ năng để khi bước vào đời có thể vững vàng hơn trước những cám dỗ và thách thức đó. Dẫu là vậy, chính những khó khăn và thách thức ấy, đã giúp cho tuổi trẻ trở nên kiên trì, quyết tâm, tạo nên sức mạnh để đối mặt với thử thách một cách kiên định và không bao giờ từ bỏ.

Câu 2 (trang 133 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): “Sự sáng tạo ngôn từ, hình ảnh, cấu tứ, biện pháp nghệ thuật được xem là những biểu hiện rõ rệt nhất về tính hiện đại của thơ". Em có suy nghĩ gì về ý kiến trên?

Trả lời:

- Em đồng tình với quan điểm trên bởi lẽ:

+ Sự sáng tạo ngôn từ, hình ảnh, cấu tứ, biện pháp nghệ thuật chính là các sáng tác thơ có tính chất cách tân, đổi mới so với thơ trung đại, là bộ mặt giúp phân biệt giữa thơ trung đại, cận đại với thơ hiện đại.

+ Phá vỡ những quy phạm của thơ trung đại với những hình ảnh, biện pháp nghệ thuật được sử dụng quen thuộc như bút pháp chấm phá, biểu tượng cánh buồm, mùa thu, ánh trăng,…tạo nên chất hiện đại trong thơ.

VD: Thơ siêu thực là một trong những thể loại thơ hiện đại. Trong thơ siêu thực, các hình ảnh thơ đều được cách tân, sáng tạo ra những hình ảnh hư ảo, mơ hồ thể hiện thế giới được cảm nhận trong giấc mơ hoặc trong tiềm thức. Cấu tứ thơ có sự sáng tạo, đổi mới, không cần sử dụng dấu câu và tuân thủ trật tự ngữ pháp, dòng thơ, câu thơ được tổ chức theo hướng “lạ hoá”, phi lô gích với sự kết hợp bất thường của các từ ngữ, hình ảnh.

Xem thêm các bài soạn văn lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác:

 
Đánh giá

0

0 đánh giá