Soạn bài Tuyên ngôn độc lập | Cánh diều Ngữ văn lớp 12

872

Tài liệu soạn bài Tuyên ngôn độc lập Ngữ văn lớp 12 Cánh diều hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 12. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Tuyên ngôn độc lập

1. Chuẩn bị

Yêu cầu (trang 13 sgk Ngữ văn 12 Tập 2)

- Xem lại phần Kiến thức ngữ văn và nội dung bài Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh – Cuộc đời và sự nghiệp để vận dụng vào đọc hiểu văn bản này.

- Liên hệ với các bài học trong môn Lịch sử để có thêm thông tin về bối cảnh ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập.

- Đọc trước văn bản và thu thập một số tư liệu (tranh, ảnh, video clip, các bài báo,...) liên quan đến bản Tuyên ngôn Độc lập và quang cảnh ngày 2-9-1945 – ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn.

- Đọc nội dung sau đây để hiểu thêm tác phẩm:

Sức thuyết phục của văn nghị luận chủ yếu là ở cách lập luận chặt chẽ với những lí lẽ đanh thép và những bằng chứng “không ai chối cãi được”. Để hiểu rõ được cách lập luận và những lí lẽ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập, cần chú ý: bản Tuyên ngôn không phải chỉ được đọc trước nhân dân Việt Nam mà còn trước thế giới, đặc biệt là trước những kẻ thù đang chuẩn bị chiếm lại nước ta. Sau chiến thắng của quân Đồng minh (1945), Nhật đầu hàng, quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc (đằng sau là đế quốc Mỹ) tiến vào miền Bắc và quân đội Anh (đằng sau là lính viễn chinh Pháp) tiến vào miền Nam nước ta. Nhằm chiếm lại Việt Nam, thực dân Pháp tuyên bố: Đông Dương là đất “bảo hộ” của người Pháp bị Nhật xâm chiếm, nay phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh, Pháp lại đứng về phe Đồng minh chống phát xít, vậy Đông Dương đương nhiên là của người Pháp. Bản Tuyên ngôn Độc lập đã bác bỏ dứt khoát những luận điệu đó.

Trả lời:

- Bối cảnh ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập:

+ Trên thế giới: Quân Đồng Minh giành chiến thắng, Nhật đầu hàng Đồng minh. Quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc tiến vào miền Bắc và quân đội Anh tiến vào miền Nam nước ta. Pháp tuyên bố Đông Dương thuộc quyền “bảo hộ” của người Pháp.

+ Trong nước: Cách mạng tháng 8 thành công. Ngày 19/8/1945, chính quyền ở Hà Nội đã về tay nhân dân. Ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Cách mạng Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo bản “Tuyên ngôn độc lập”.

- Một số tư liệu liên quan đến bản Tuyên ngôn Độc lập và quang cảnh ngày 2-9-1945- ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn :

Soạn bài Tuyên ngôn độc lập | Hay nhất Soạn văn 12 Cánh diều

2. Đọc hiểu

* Nội dung chính: Tác phẩm là lời tố cáo, vạch trần tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta trong suốt thời kì đô hộ. Qua đó, tuyên bố nền độc lập, khẳng định chủ quyền đất nước, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thể hiện lòng quyết tâm bản vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

Soạn bài Tuyên ngôn độc lập | Hay nhất Soạn văn 12 Cánh diều

* Trả lời câu hỏi giữa bài:

Câu hỏi (trang 15 sgk Ngữ văn 12 Tập 2)Những biện pháp tu từ nào được vận dụng trong phần này?

Trả lời:

- Biện pháp tu từ so sánh: “nhà tù nhiều hơn trường học”

- Biện pháp lặp từ “chúng”: “chúng lập ra….Chúng thẳng tay….Chúng tắm các cuộc…”

- Biện pháp liệt kê: Liệt kê những hành động tàn bạo của quân xâm lược đối với nhân dân ta: Thi hành những pháp luật dã man, lập nhà tù nhiều hơn trường học, cướp ruộng đất, rừng mỏ, hàng trăm thứ thuế vô lý,…

Câu hỏi (trang 15 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Chú ý các bằng chứng khách quan và ý kiến chủ quan của người viết.

Trả lời:

- Bằng chứng khách quan:

+“Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật”

+ “Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp”

+ “Trước ngày mồng 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật, bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa”

- Ý kiến chủ quan:

+ “Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn”

+ “…chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị…”

+ “Tuy vậy, đối với Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo”

Câu hỏi (trang 16 sgk Ngữ văn 12 Tập 2)Những câu văn nào thể hiện tính chất “tuyên ngôn”?

Trả lời:

- Những câu văn thể hiện tính chất “tuyên ngôn”:

+ “ Bởi thế cho nên, chúng tôi – Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới – Đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam. Xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”

+ “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.”

Câu hỏi (trang 16 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Chú ý tính biểu cảm của văn bản

Trả lời:

- Tính mạnh mẽ, đanh thép: “chúng tôi – chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố…”

- Căm phẫn về những tội ác của thực dân Pháp

- Niềm tự hào giành lại độc lập và ý chí quyết tâm giữ vững nền độc lập đó.

* Trả lời câu hỏi cuối bài:

Câu 1 (trang 16 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Hãy trình bày hoàn cảnh ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập. 

Trả lời:

- Trên thế giới:

+ Quân Đồng Minh giành chiến thắng, Nhật đầu hàng Đồng minh.

+ Quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc tiến vào miền Bắc và quân đội Anh tiến vào miền Nam nước ta.

+ Pháp tuyên bố Đông Dương thuộc quyền “bảo hộ” của người Pháp.

- Trong nước:

+ Cách mạng tháng 8 thành công.

+ Ngày 19/8/1945, chính quyền ở Hà Nội đã về tay nhân dân.

+ Ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Cách mạng Việt Bắc về tới Hà Nội.

+ Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo bản “Tuyên ngôn độc lập”.

Câu 2 (trang 16 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Mục đích của bản Tuyên ngôn Độc lập là gì và hướng tới những đối tượng nào?

Trả lời:

- Mục đích:

+ Khẳng định chủ quyền, quyền tự chủ, bất khả xâm phạm của nhân dân ta

+ Vạch trần bộ mặt, tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta và tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân.

+ Thể hiện khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập tự do.

- Đối tượng:

+ Phe Đồng minh và nhân dân thế giới

+ Kẻ thù âm mưu chiếm lại nước ta (Pháp, Mĩ)

+ Đồng bào cả nước

Câu 3 (trang 17 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Phân tích lô gích lập luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập theo trình tự: Mở đầu nêu luận đề gì? Phát triển luận đề bằng các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng như thế nào? Kết thúc ra sao?

Trả lời:

- Mở đầu: Cơ sở pháp lý của bản Tuyên ngôn. Người trích dẫn từ hai tuyên ngôn của chính những đế quốc xâm lược (Pháp và Mĩ), nói về quyền tự do con người. Đáng nói, các quốc gia này đã không tuân thủ những nguyên tắc mà chính họ đã tuyên bố. 

- Phát triển luận đề: sử dụng hệ thống luận điểm và lí lẽ thể hiện những tội ác và hành động vi phạm quyền tự do con người của thực dân :

+ Về chính trị: Chúng thi hành những pháp luật dã man, lập nhà tù nhiều hơn trường học,…

+ Về kinh tế: cướp ruộng đất, rừng mỏ,hàng trăm thứ thuế vô lý,…

+ Các dẫn chứng lịch sử phủ định lập luận sai lầm và gian xảo của Pháp rằng họ đã "bảo hộ" nước ta: Năm 1940, khi Nhật đến Đông Dương, thực dân Pháp đã đầu hàng, mở cửa nước ta cho Nhật. Trong vòng năm năm, Pháp đã bán nước ta hai lần cho Nhật.

- Kết thúc: Sau khi kết hợp cả hai yếu tố lí lẽ và bằng chứng, Người đưa ra tuyên bố mạnh mẽ, tràn đầy tinh thần tự hào, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Câu 4 (trang 17 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Chỉ ra và làm rõ thành công về nghệ thuật của bản Tuyên ngôn từ các phương diện: từ ngữ, biện pháp tu từ, cấu trúc câu, câu khẳng định và câu phủ định.

Trả lời:

- Từ ngữ: sử dụng các động từ mạnh như "thẳng tay chém giết", "tắm trong bể máu", "bóc lột nhân dân đến tận xương tủy". Bằng cách sử dụng các hình ảnh này, Người đã bộc lộ rõ tính dã man, tàn bạo của bọn thực dân.

- Biện pháp tu từ: điệp từ, so sánh và liệt kê làm nổi bật sự tàn ác của Pháp đối với dân tộc ta, tăng giá trị biểu đạt cho tác phẩm :

+ Biện pháp tu từ so sánh: “nhà tù nhiều hơn trường học”

+ Biện pháp điệp từ “chúng”

+ Biện pháp liệt kê: Liệt kê những hành động tàn bạo của quân xâm lược đối với nhân dân ta “chúng lập ra….Chúng thẳng tay….Chúng tắm các cuộc…”

- Cấu trúc câu: Cách sử dụng câu văn ngắn gọn, rõ ràng giúp truyền đạt thông tin một cách nhanh chóng, dễ hiểu, tạo nên giọng điệu của sự kêu gọi mạnh mẽ.

- Câu khẳng định: Lời tuyên bố với cả thế giới về nền độc lập của dân tộc ta: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập…”

- Câu phủ định: Nhằm phản bác những lập luận sai lầm, tạo lên chất đanh thép cho câu văn “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”

Câu 5 (trang 17 sgk Ngữ văn 12 Tập 2)Những đặc điểm nổi bật của văn chính luận như tính luận chiến, tính cảm xúc đã được thể hiện như thế nào trong bản Tuyên ngôn Độc lập?

Trả lời:

- Tính luận chiến :

+ Thể hiện trong việc sử dụng lập luận logic. Người đã dùng lí lẽ của chính kẻ thù để làm cơ sở cho bản Tuyên ngôn thông qua lời trích dẫn từ hai bản Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp.

+ Lí lẽ, dẫn chứng cụ thể về những hành động tàn bạo của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Tác giả thể hiện tội ác của chúng qua cả chính trị và kinh tế.

- Tính cảm xúc:

+ Lời văn mang tính thuyết phục cao với ngôn ngữ đanh thép, kết hợp với những câu văn mang tính chất khẳng định và phủ định: “Trong vòng năm năm, Pháp đã bán nước ta hai lần cho Nhật"; “chúng tôi – Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới – Đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp..”

+ Sử dụng ngôn ngữ tạo ấn tượng mạnh, giọng điệu của sự kêu gọi mạnh mẽ như "thẳng tay chém giết", "tắm trong bể máu các cuộc khởi nghĩa", "bóc lột nhân dân đến tận xương tủy".

Câu 6 (trang 17 sgk Ngữ văn 12 Tập 2): Theo em, bản Tuyên ngôn Độc lập và hai tác phẩm Sông núi nước Nam (khuyết danh) và Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi) có chung tư tưởng và cảm hứng gì? Từ đó, nêu khái quát ý nghĩa của bản Tuyên ngôn Độc lập.

Trả lời:

- Tư tưởng: Hướng đến khẳng định chủ quyền, độc lập và tự do của nhân dân và đất nước Việt Nam. Bên cạnh đó, cả ba tác phẩm đều hướng đến việc tố cáo, vạch trần bộ mặt tàn độc và xảo trá của quân giặc, đồng thời ca ngợi, tôn vinh con người Việt Nam.

- Cảm hứng: Cả ba tác phẩm đều được xuất phát từ cảm hứng yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

- Ý nghĩa của bản Tuyên ngôn Độc lập: Là văn bản pháp lý đặt cơ sở cho việc khẳng định chủ quyền quốc gia, quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, khẳng định quyền độc lập, tự do và tinh thần kiên cường quyết giữ vững nền độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.

Câu 7 (trang 17 sgk Ngữ văn 12 Tập 2)Em thích nhất đoạn văn nào trong bản Tuyên ngôn Độc lập? Vì sao?

Trả lời:

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, em tâm đắc nhất đoạn văn nêu lên những tội ác của quân xâm lược đối với nhân dân ta. Bởi lẽ, đoạn văn đã thể hiện lập luận logic và những lí lẽ vô cùng thuyết phục. Người đã đưa ra những lập luận rõ ràng về tội ác của kẻ thù trên cả kinh tế lẫn chính trị, bên cạnh đó là hệ thống dẫn chứng được sắp xếp từ thấp đến cao những tội ác của chúng. Mỗi câu văn đều mang nặng nhiều cảm xúc, đưa đến nỗi xót xa, thương tiếc sâu sắc trong trái tim em. Tuy chỉ bằng lời lẽ ngắn gọn, câu từ hàm súc, nhưng đoạn văn đã tạo nên những hình ảnh giàu sức gợi về một thời kì lịch sử đầy đau đớn và tối tăm. Dẫu là vậy, cha ông ta vẫn không chùn bước, họ đã đấu tranh kiên cường và bất khuất. Em cảm thấy vô cùng biết ơn những hi sinh và biết bao xương máu cha ông đã đổ xuống để gây dựng nên đất nước Việt Nam tự do, độc lập như ngày hôm nay.

Xem thêm các bài soạn văn lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp

Tuyên ngôn độc lập

Nhật kí trong tù: Ngắm trăng, Lai Tân

Thực hành đọc hiểu: Vi hành

Thực hành tiếng Việt trang 25

Viết bài nghị luận về quan niệm yêu nước của tuổi trẻ

 
Đánh giá

0

0 đánh giá