Soạn bài Viết bài nghị luận về một vấn đề có liên quan đến tuổi trẻ | Cánh diều Ngữ văn lớp 12

2.1 K

Tài liệu soạn bài Viết bài nghị luận về một vấn đề có liên quan đến tuổi trẻ Ngữ văn lớp 12 Cánh diều hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 12. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Viết bài nghị luận về một vấn đề có liên quan đến tuổi trẻ

1. Định hướng

1.1. Viết bài văn nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ là trình bày một cách thuyết phục những quan điểm, suy nghĩ, đánh giá của em về một vấn đề gần gũi, thiết thực nhưng cũng rất giàu ý nghĩa như về lối sống, hoài bão, khát vọng, cống hiến,... của tuổi trẻ.

Khi bàn luận về một vấn đề có liên quan đến tuổi trẻ, cần nêu được quan điểm, các lí lẽ và bằng chứng tin cậy, xác đáng. Chú ý xem xét từ nhiều phía: có thể đúng hoàn toàn, có thể là những biểu hiện còn lệch lạc, đan xen giữa cái tốt và chưa tốt, phù hợp và chưa phù hợp,... trong cách nghĩ, cách sống của thế hệ trẻ. Nội dung bàn luận về một vấn đề của tuổi trẻ vừa mang màu sắc của thời đại vừa gắn với một lớp người ở một khu vực địa lí, ở một giai đoạn cụ thể. Vì thế, người viết cần đưa ra những nhận xét, đánh giá, lí giải trên cơ sở những đặc điểm chung của thời đại, đồng thời phải chú ý tính lịch sử, văn hoá riêng của từng vùng miền, tránh cái nhìn phiến diện, một chiều. Dù bàn luận về vấn đề gì, liên quan đến tuổi trẻ ở giai đoạn lịch sử nào, người viết cũng cần chỉ ra ý nghĩa thời sự, bài học đối với tuổi trẻ nói chung và với cá nhân mình. Trong sách Ngữ văn 12, phần Viết có ba bài nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ. Vấn đề ở mỗi bài viết đều liên quan chặt chẽ với nội dung phần đọc hiểu của từng bài.

1.2. Để viết bài văn nghị luận về một vấn đề của tuổi trẻ, cần chú ý:

- Xác định mục đích của bài viết.

- Lựa chọn vấn đề cần bàn luận: Đó là vấn đề gì? Vấn đề đó có phải là hiện tượng phổ biến và có ý nghĩa với tuổi trẻ không? Dựa vào đâu để xác định được điều đó?

- Tìm hiểu một cách đầy đủ và chính xác các thông tin về vấn đề bàn luận.

- Phân tích, đánh giá về vấn đề cần bàn luận từ các góc nhìn khác nhau.

- Cần tránh những định kiến hoặc bị chi phối, dẫn dắt bởi những quan điểm nào đó, cần có những suy nghĩ riêng mang dấu ấn cá nhân người viết.

- Bám sát quy trình tạo lập văn bản nghị luận nói chung để triển khai bài viết.

2. Thực hành

2.1. Thực hành viết theo các bước

Bài tập: Bài tập: “Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm” có đoạn: “Tuổi trẻ của mình đã thấm đượm mồ hôi, nước mắt, máu xương của những người đang sống và những người đã chết. Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường, tuổi trẻ của mình cũng đã nóng rực vì ngọn lửa căm thù đang ngày đêm hun đốt. Và gì nữa, phải chăng mùa xuân của tuổi trẻ cũng vẫn thắm đượm thêm vì màu sắc của mơ ước và yêu thương vẫn ánh lên trong những đôi mắt nhìn mình”.

Qua đoạn văn trên, em có suy nghĩ gì về lẽ sống của tuổi trẻ Việt Nam trong những năm kháng chiến bảo vệ Tổ quốc? Từ đó, hãy bàn luận về lẽ sống của thế hệ trẻ ngày nay.

a) Chuẩn bị

- Đọc kĩ đề bài, xác định vấn đề cần bàn luận, các thao tác lập luận cần sử dụng và phạm vi dẫn chứng.

- Tìm đọc tác phẩm Nhật kí Đặng Thuỳ Trâm và một số tài liệu về lịch sử, văn học, điện ảnh liên quan đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam, trao đổi với những người đã từng trải qua những năm tháng gian khổ của cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

- Liên hệ với trải nghiệm, quan sát, suy nghĩ của bản thân về lối sống của thanh niên trong bối cảnh đất nước ngày nay.

b) Tìm ý và lập dàn ý

Tìm ý: Dựa vào mục 1. Định hướng và kết quả của phần chuẩn bị, hãy tìm ý cho bài viết bằng cách suy luận từ khái quát đến cụ thể theo sơ đồ sau:

Soạn bài Viết bài nghị luận về một vấn đề có liên quan đến tuổi trẻ | Hay nhất Soạn văn 12 Cánh diều

- Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần: mở bài, thân bài, kết bài.

c) Viết

Viết bài văn theo dàn ý đã lập. Lưu ý:

- Có thể trình bày theo hướng khác nhưng cần hợp lí.

- Trong quá trình viết, có thể bổ sung những ý mới nhưng phải phù hợp với chủ đề và lô gích của bài viết.

- Cần kết hợp các thao tác lập luận, các phương thức biểu đạt,... để bài viết trở nên sinh động, hấp dẫn.

- Các dẫn chứng cần xác thực, dựa trên các nguồn tin cậy.

*Bài viết mẫu tham khảo :

Lẽ sống, đó là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà con người phấn đấu để đạt tới, lẽ sống cũng giống như lí tưởng - ngọn đèn dẫn lối, chỉ cho con người con đường họ phải đi để đạt được mục đích, nó tạo ra động lực, thúc đẩy con người khôn ngừng đi lên phát triển. Bởi lẽ vậy mà trong mỗi con người, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên cần thiết phải tìm ra một lý tưởng trong mình. Trong thời kì kháng chiến cũng như trong thời bình, mỗi thanh thiếu niên đều có lý tưởng sống để theo đuổi, tuy nhiên giữa lẽ sống của một thế hệ nhưng ở hai thời kì khác nhau sẽ có đôi điều khác biệt.

Lẽ sống tuổi trẻ việt nam trong những năm kháng chiến bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ Tổ quốc, giành lại độc lập, tự do cho đất nước, cho nhân dân.

Như trong “nhật kí Đặng Thùy Trâm”, cô có viết “tuổi trẻ đã nóng rực vì ngọn lửa căm thù”, “ tuổi trẻ của mình đã thấm đượm mồ hôi, nước mắt, máu xương”. Ấy là một tuổi trẻ bắt đầu trong chiến tranh và cũng sẵn sàng gục ngã nơi chiến trận. Một tuổi trẻ sẵn sàng gạt bỏ những ước nguyện cá nhân vì một lí tưởng chung của dân tộc, ấy là độc lập, tự do. Đó chính là lý tưởng sống mà muôn vàn thế hệ theo đuổi. Cũng bởi vậy, họ không tiếc hi sinh thân mình, họ vẫn quyết tâm, kiên cường dẫu bao hi sinh, gian khó, họ “cứng cáp trong thử thách gian lao chiến trường”, đó là lẽ sống của một thế hệ thanh niên thời chống Mỹ.

Trong thời kì kháng chiến chống Pháp cũng vậy, biết bao áng văn chương đã viết về tuổi trẻ nơi chiến trận. Như trong bài thơ “Tây Tiến”. Một đặc điểm nổi bật của đoàn quân Tây Tiến đó là hầu hết họ đều là những sinh viên, học sinh tình nguyện tham gia chiến đấu. Ở đó, những người thanh thiếu niên vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mà không sợ hiểm nguy, họ sống thiếu thốn, nghèo khổ, lam lũ, thậm chí phải chịu những nỗi đau đớn, vật vã của căn bệnh sốt rét rừng.… Nhưng tất cả mọi thử thách dù nhọc nhằn gian khổ đến đâu, đều không quật ngã được ý chí sắt đá, sự kiên cường bất khuất của những con người được tôi rèn và soi sáng bằng lí tưởng cách mạng.

Trong một bài thơ khác của nhà thơ Huy Cận cũng thể hiện rất rõ lẽ sống của thế hệ thanh niên Việt Nam thời kháng chiến, đó là bài thơ “Ngã ba đồng lộc”, viết về một “ngã ba Đồng Lộc làm bằng xương máu”. Những câu thơ vang lên như lời đau xót, tiếc thương cho số phận “Các cô như còn đứng đó /Chờ lấp hồ bom/Đường thông xe các cô mới đi nằm/ Các cô để lại tuổi thanh niên/ Mười chín, hai mươi, hăm hai tuổi / Cho đất nước, quê hương”. Các cô gái không tiếc tuổi trẻ đang độ xuân thì đẹp đẽ, họ đã “chờ”, chờ lấp hố bom, chờ đường thông xe qua, trọn vẹn nghĩa vũ mới dám yên lòng.

Dường như, với tất cả sự năng động, nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ sẵn sàng là lực lượng tiên phong thực hiện lý tưởng của Đảng, họ sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của đất nước, cho lí tưởng cách mạng, sống và chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Lẽ sống của họ chính là Tổ quốc, họ dâng hiến cuộc đời mình cho Tổ quốc, đúng như tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Độc lập tự do chính là điều mà họ hướng tới.

Trong thời đại ngày nay, khi đất nước hoà bình, lẽ sống của thế hệ trẻ cũng có nhiều chuyển biến. Dường như mỗi người đều có lẽ sống của riêng mình, đó có thể là khát khao thể hiện bản thân, được đóng góp cho gia đình và cộng đồng xã hội.

Dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế, đã tạo ra nhiều cám dỗ, thanh niên dễ đánh mất bản ngã của mình. Sinh ra trong thời bình, họ thờ ơ, lãnh đạm đối với con đường phát triển của đất nước, tỏ ra xa lạ với lý tưởng cách mạng, thậm chí có sự chống phá bởi lôi kéo của các thế lực phản động. Thậm chí, một bộ phân giới trẻ không có ước mơ, hoài bão hoặc có ước mơ nhưng không cố gắng thực hiện. Trước thực trạng đó, chúng ta cần cảnh giác cao độ trước âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch. Cần xây dựng cho mình một lẽ sống cao đẹp, khát khao đóng góp, dựng xây quê hương, Tổ quốc.

Nếu lẽ sống của thế hệ thanh niên trước đây là hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho độc lập tự do của Tổ quốc thì lẽ sống của thanh niên hôm nay là xây dựng nước Việt Nam hùng mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Dù xưa hay nay thì vẫn chung một lý tưởng. Bởi lẽ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã trở thành mục tiêu, lý tưởng xuyên suốt. Vì vậy, mỗi người, đặc biệt là thanh thiếu niên, cần phải biết phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống, nỗ lực hết mình để đạt được những thành tựu cho riêng mình. Đặc biệt khi vấp ngã không được chán nản, buông xuôi mà tìm cách đứng dậy để tiếp tục kiên trì trên con đường mình đã chọn. Bên cạnh đó, mỗi thanh niên phải có đủ bản lĩnh, lập trường lựa chọn hướng đi cho mình để quyết định tương lai của mình, quyết định tương lai của đất nước. Cần phải ra sức học hỏi kinh nghiệm, tinh hoa văn hoá nhân loại để rồi trở thành hành trang dựng xây cho quê hương đất nước mình.

Như lời Bác đã dạy:“Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền /Đào núi và lấp biển /Quyết chí ắt làm nên”. Thanh niên chúng ta, dù trong thời đại nào đi nữa cũng cần phải có một lẽ sống tốt đẹp để dựng xây và theo đuổi.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa

Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 1, phần Viết, mục d (trang 39 – 40); đối chiếu với dàn ý đã làm cho đề văn này để rà soát lại bài viết.

2.2. Rèn luyện kĩ năng viết: Thao tác giải thích

a) Cách thức

Trong hoạt động viết văn nghị luận, giải thích là một thao tác quan trọng giúp người đọc hiểu vấn đề trước khi tiến hành chứng minh hay bình luận. Giải thích là nêu các lí lẽ làm sáng tỏ cho luận đề, luận điểm mà người viết nêu ra. Giải thích là điểm tựa để nêu các bằng chứng trong bài viết. Để viết đoạn văn giải thích, người viết thường phải tập trung làm rõ một khái niệm hoặc vấn đề bằng cách trả lời các câu hỏi: Là gì?, Vì sao?, Lí do nào?, Nghĩa là thế nào?,...

b) Bài tập: Hãy viết đoạn văn giải thích ý nghĩa của nhan đề văn bản “Quyết định khó khăn nhất” (Võ Nguyên Giáp) hoặc “Khúc tráng ca nhà giàn” (Xuân Ba).

Trả lời :

Võ Nguyên Giáp là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Văn bản “Quyết định khó khăn nhất” chính là một đoạn trích trong tác phẩm của ông. Đoạn trích viết về một sự kiện quan trọng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, một sự kiện đưa đến bước ngoặt lớn. Nhan đề “Quyết định khó khăn nhất” đã thể hiện một cách rõ ràng và trực tiếp tư tưởng chủ đề cũng như nội dung văn bản. Bởi lẽ “Quyết định khó khăn nhất” ở đây chính là việc thay đổi phương châm tác chiến, văn bản xoay quanh những cuộc họp bàn để đưa ra quyết định cuối cùng, có nên thay đổi hay không, vì vậy có thể nói, nhan đề đã thể hiện trực tiếp nội dung tư tưởng của văn bản. Thứ nữa, nhan đề tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện. Thông qua nhan đề, người đọc biết được nội dung tác phẩm hướng tới, qua đó, tăng thêm lòng hiếu kì và mong muốn tìm hiểu quyết định khó khăn nhất ở đây là gì. Như vậy, nhan đề đoạn trích tuy đơn giản, dễ hiểu nhưng lại bao chứa nhiều ý nghĩa, vừa giúp người đọc nhanh chóng nắm bắt thông tin chính trong văn bản, vừa khơi gợi lòng hiếu kì, hấp dẫn người đọc, nhan đề như một cột mốc vẻ vang trong trang sử hào hùng của dân tộc.

Xem thêm các bài soạn văn lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá