Chung sống như vợ chồng được hiểu là gì và có vi phạm pháp luật không?

182

Hiện nay, xu hướng sống thử trước hôn nhân, chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn được giới trẻ ưa chuộng và ngày càng phổ biến. Vậy thế nào là chung sống như vợ chồng? Chung sống như vợ chồng có bị pháp luật ngăn cấm hay không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn câu trả lời chính xác nhất!

Chung sống như vợ chồng được hiểu là gì và có vi phạm pháp luật không?

1. Thế nào là chung sống như vợ chồng?

          Trong xã hội hiện nay, tồn tại nhiều cách hiểu về chung sống như vợ chồng. Dưới góc nhìn của các nhà xã hội, văn hóa, chung sống như vợ chồng được hiểu là việc sống thử - chung sống phi hôn nhân, theo đó các cặp nam nữ về sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không tổ chức hôn lễ cũng như đăng ký kết hôn. Trên phương diện pháp luật, theo ý kiến của Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội, chung sống như vợ chồng với nhau là việc nam nữ công khai quan hệ, chung sống với nhau như vợ chồng và không đăng ký kết hôn hoặc không đủ các điều kiện để kết hôn.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật hình sự năm 1999:

“Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...”

Trong Luật Hôn nhân và gia đình 2014, “chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng” (khoản 7 Điều 3 Luật này).

Tuy nhiên, có thể thấy các khái niệm nêu trên vẫn chưa bao quát được toàn bộ các trường hợp chung sống như vợ chồng, bởi trên thực tế, chủ thể trong quan hệ này không chỉ bao gồm nam – nữ mà còn là nam – nam, nữ - nữ hoặc giữa những người chuyển giới. Như vậy, có thể hiểu chung sống như vợ chồng là việc cá nhân sống chung với nhau nhưng không đăng ký kết hôn. Việc chung sống này là do cả hai bên tự nguyện nhưng không phát sinh quyền và nghĩa vụ của vợ chồng với nhau.

Lưu ý:

  • Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau trước ngày 3/1/1987 thì không bắt buộc phải đăng ký kết hôn. Thời kỳ hôn nhân của họ được tính từ ngày họ bắt đầu chung sống với nhau (ngày tổ chức lễ cưới, ngày thực sự chung sống với nhau trong quan hệ vợ chồng…).
  • Còn các trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng sau ngày 3/1/1987 thì phải đăng ký kết hôn mới được pháp luật công nhận là hôn nhân hợp pháp. Điều này cũng có nghĩa là sau ngày 3/1/1987, nếu chỉ tổ chức lễ cưới mà không đăng ký kết hôn sẽ không được coi là vợ chồng mà chỉ được xem như một trường hợp chung sống như vợ chồng.

 

(Chung sống như vợ chồng là gì?)

2. Chung sống như vợ chồng có trái pháp luật không?

2.1. Trường hợp chung sống như vợ chồng không trái pháp luật

Trường hợp

Hậu quả pháp lý

Trường hợp 1: Nam và nữ có đủ điều kiện đăng ký kết hôn nhưng không kết hôn, chung sống với nhau.

Pháp luật hiện hành không công nhận quan hệ này nhưng đây cũng không thuộc các hành vi bị cấm của pháp luật.

Hậu quả của việc chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn của hai bên nam, nữ được Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định tại Điều 14 như sau: 

“1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn”.

Đối với trường hợp chung sống như vợ chồng không trái pháp luật, mặc dù không có quy định cụ thể điều chỉnh vấn đề này tuy nhiên pháp luật hiện hành chưa công nhận hình thức này. Vì vậy, khi quyền và nghĩa vụ của các bên bị xâm phạm, họ sẽ không có căn cứ pháp lý để yêu cầu pháp luật bảo vệ cũng như không có khung pháp lý nào để đảm bảo quyền lợi của các bên.

Trường hợp 2: Chung sống như vợ chồng giữa nam và nữ khi một bên hoặc cả hai bên mất năng lực hành vi dân sự.

Điều 8  Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về điều kiện kết hôn, trong đó nam nữ phải không thuộc các trường hợp mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, đối với việc chung sống như vợ chồng, trong tất cả các văn bản pháp luật điều chỉnh hoặc có liên quan, không có văn bản nào đề cập tới trường hợp này.

Trường hợp 3: Chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính.

Về nguyên tắc, pháp luật hiện hành không công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới (khoản 2 Điều 8  Luật Hôn nhân và gia đình 2014). Tuy nhiên, đây không phải điều luật cấm. Trên thực tế, ta vẫn thấy nhiều cặp đôi đồng tính chung sống với nhau, thậm chí là tổ chức đám cưới một cách công khai.

2.2. Trường hợp chung sống như vợ chồng trái pháp luật

Trường hợp

Hậu quả pháp lý

Trường hợp 1: Chung sống như vợ chồng khi một bên hoặc cả hai bên dưới tuổi luật định.

Theo khoản 3 Điều 8  Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì: “Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này”. Mặt khác, điểm b, khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định cấm hành vi “tảo hôn”. Do đó, chung sống như vợ chồng dưới tuổi luật định không đăng ký kết hôn là chung sống như vợ chồng trái pháp luật.

- Nếu việc chung sống được diễn ra giữa người đã thành niên và trẻ em dưới 13 tuổi, hai người có quan hệ tình dục tự nguyện hoặc người đã thành niên mà chung sống và giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì cũng bị coi là tội hiếp dâm trẻ em, bị phạt tù từ 07 – 15 năm (Khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015) hoặc 12 – 20 năm nếu phạm tội thuộc các trường hợp tại Khoản 2 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015.

- Ngoài ra, mức phạt cao nhất của Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu thuộc trường hợp tại Khoản 3 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015.

Trường hợp 2: Chung sống như vợ chồng giữa nam và nữ mà một bên hoặc cả hai bên đang có vợ có chồng.

Theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 5  Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Nhà nước nghiêm cấm việc người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình.

Người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, cụ thể:

“Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.”

- Nặng hơn so với việc xử lý vi phạm hành chính, việc chung sống như vợ chồng còn có thể bị xử lý hình sự. Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 quy định chế tài về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng:

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Trường hợp 3: Chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Quy định này của pháp luật nhằm đảm bảo sự phát triển bình thường của thế hệ sau, đồng thời phù hợp với đạo đức, truyền thống, lễ nghĩa của người Việt Nam.

Chung sống như vợ chồng giữa những người có quan hệ huyết thống trong phạm vi ba đời có thể bị phạt tù từ 01 – 05 năm về tội loạn luân (Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015).

Đánh giá

0

0 đánh giá