Phá hoại hạnh phúc gia đình người khác bị xử lý như thế nào?

238

Quan hệ ngoại tình, ăn bánh trả tiền,… là những thuật ngữ không còn xa lạ trong xã hội ngày nay. Vậy hành vi phá hoại hạnh phúc gia đình người khác có vi phạm pháp luật không? Hành vi này bị xử lý như thế nào? Tham khảo bài viết dưới đây để có câu trả lời rõ nhất nhé!

Phá hoại hạnh phúc gia đình người khác bị xử lý như thế nào?

1. Phá hoại hạnh phúc gia đình người khác là gì?

Phá hoại hạnh phúc gia đình người khác hiện không có một định nghĩa chính xác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, phá hoại hạnh phúc gia đình người khác có thể hiểu là hành vi của cá nhân gián tiếp hoặc trực tiếp có các hành vi làm cho gia đình người khác bị tan vỡ, dẫn đến ly hôn hoặc nghiêm trọng hơn là có thành viên trong gia đình phải tự tử.

Các hành vi được xem là phá hoại hạnh phúc gia đình người khác, bao gồm:

-        Người đang có chồng, có vợ mà lại kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác;

-        Người chưa có chồng, chưa có vợ mà kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng với người đang có vợ, có chồng;

-        Kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng với người cùng trực thuộc dòng họ; cha mẹ nuôi, con nuôi,…

Việc chung sống với nhau như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc “có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung, đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…” (Mục 3.1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng Chương XV “Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật hình sự).

2. Hành vi phá hoại hạnh phúc gia đình có cấu thành tội phạm không?

Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể nào về hành vi phá hoại hạnh phúc gia đình người khác nên không có tội phá hoại hạnh phúc gia đình người khác trong quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, những hành vi này đang xâm phạm đến quan hệ hôn nhân và gia đình được pháp luật Việt Nam bảo vệ, cụ thể:

-        Về khách thể:

Tội phạm có hành vi xâm hại, ảnh hưởng đến các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình được quy định tại Điều 2, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Tức là có người khác, đang sống chung với người khác như vợ chồng trong khi đã có chồng, có vợ.

-        Về chủ thể:

Bất cứ người nào là đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015 đều có thể là chủ thể của tội phạm này.

-        Về mặt khách quan:

Hành vi được người phạm tội thực hiện:

  • Đang có chồng, có vợ mà kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng với người khác;
  • Chưa có chồng, chưa có vợ mà kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có vợ, có chồng.

Hậu quả người phạm tội gây ra:

  • Làm cho quan hệ hôn nhân của 01 hoặc 02 bên dẫn đến ly hôn;
  • Làm cho vợ, chồng hoặc con của 01 trong 02 bên tự sát;
  • Đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn còn vi phạm.
  • Đã có quyết định của Tòa án có thẩm quyền về hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống với nhau như vợ chồng trái với chế độ một chồng, một vợ mà vẫn duy trì quan hệ đó.

-        Về mặt chủ quan:

Người phạm tội này biết và buộc phải biết rằng hành vi của mình sẽ gây ảnh hưởng, tác động đến gia đình người khác nhưng vẫn cố ý thực hiện và gây ra hậu quả. Họ biết đối phương đã có chồng, có vợ nhưng vẫn vi phạm. Ở đây, lỗi được xác định ở đây là lỗi cố ý.

     Đáp ứng các mặt trên, hành vi phá hoại hạnh phúc gia đình cấu thành tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015.

(Hành vi phá hoại hạnh phúc gia đình có cấu thành tội phạm không?)

3. Hành vi phá hoại hạnh phúc gia đình bị xử lý như thế nào?

3.1. Xử phạt hành chính

Người đang có chồng có vợ mà chung sống với nhau như vợ chồng với người khác thì sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy định về ly hôn, kết hôn và vi phạm chế độ hôn nhân gia đình một vợ một chồng.

Khoản 1 điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020 quy định như sau:

"1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Đang có chồng hoặc đang có vợ mà kết hôn với người khác, chưa có chồng hoặc chưa có vợ mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có vợ hoặc đang có chồng;

b) Đang có chồng hoặc đang có vợ mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có chồng hoặc chưa có vợ mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có vợ hoặc đang có chồng;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

b) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi”;

Như vậy, chủ thể vi phạm những hành vi trên sẽ phải chấp hành xử phạt bằng hình thức phạt tiền. Tùy thuộc vào tính chất của hành vi cụ thể để quyết định mức phạt sẽ dao động từ 03 triệu đến 05 triệu đồng đối với các hành vi thuộc khoản 1 Điều 59 và từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với các hành vi thuộc khoản 2 Điều 59 Nghị định này.

3.2. Xử lý hình sự

Căn cứ Điều 182, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, theo đó tùy vào tính chất và với độ mà người phạm tội có các hình phạt khác nhau, cụ thể như sau:

“1. Người nào đang có chồng, có vợ mà kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có chồng, chưa có vợ mà kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có vợ, có chồng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm cho chồng, vợ hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án có thẩm quyền về hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống với nhau như vợ chồng trái với chế độ một chồng, một vợ mà vẫn duy trì quan hệ đó.”

Như vậy, người phá hoại hạnh phúc gia đình người khác có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Nếu có các tình tiết tăng nặng, khung hình phạt sẽ từ 06 tháng đến 03 năm tù.

4. Có nên đánh ghen khi phát hiện chồng có người thứ 3 không?

Về tâm lý, khi phát hiện chồng mình ngoại tình người vợ thường rất giận dữ, thất vọng, chỉ muốn tìm người thứ ba để xử lý là chuyện dễ hiểu.

Tuy nhiên, không nên tìm người thứ ba để đánh ghenHiến pháp 2013 đã quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh sự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Người nào có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử phạt hoặc buộc phải chịu trách nhiệm và Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ra quyết định/phán quyết để xử lý.

Do đó, nếu bạn đánh ghen, có thể dẫn đến các hậu quả không mong muốn và cũng có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật. Trường hợp còn có thể hãy ngồi lại nói chuyện với nhau, thì nên thẳng thắng giải quyết vấn đề, có thể trò chuyện giữa 02 người hoặc tất cả những người có liên quan. Khi không thể giải quyết được nữa thì có thể làm đơn tố cáo về hành vi ngoại tình, hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng.

Đánh giá

0

0 đánh giá