Giải SGK Địa Lí 10 Bài 21 (Chân trời sáng tạo): Phân bố dân cư và đô thị hoá

12.6 K

Lời giải bài tập Địa Lí lớp 10 Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hoá sách Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi Địa Lí 10 Bài 21 từ đó học tốt môn Địa 10.

Giải bài tập Địa Lí lớp 10 Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hoá

Video giải Địa lí 10 Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hóa - Chân trời sáng tạo

1. Phân bố dân cư

Giải Địa lí 10 trang 84

Câu hỏi trang 84 Địa Lí 10: Dựa vào hình 21 và thông tin trong bài, em hãy nhận xét tình hình phân bố dân cư trên thế giới.

Địa Lí 10 Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hoá | Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Phương pháp giải:

Quan sát hình 21 và đọc thông tin mục 1 (Tình hình phân bố dân cư trên thế giới).

Trả lời:

Dân cư trên thế giới phân bố không đều trong không gian và biến động theo thời gian.

- Con người phân bố không đều trong 1 lục địa, 1 khu vực, 1 quốc gia, thậm chí trong 1 vùng lãnh thổ của từng quốc gia.

Ví dụ: Quốc gia có số dân đông nhất thế giới là Mô-na-cô có mật độ dân số lên đến 26 338 người/km2; nơi thưa dân nhất là đảo Grơn-len chưa đến 1 người/km2.

- Dân số thế giới có xu hướng tăng theo thời gian, đạt trên 7,7 tỉ người (2020).

Giải Địa lí 10 trang 85

Câu hỏi trang 85 Địa Lí 10: Dựa vào hình 21 và thông tin trog bài, em hãy

- Phân tích ảnh hưởng của các nhân tố đến sự phân bố dân cư. Lấy ví dụ minh họa.

- Cho biết nhân tố nào có vai trò quyết định đến sự phân bố dân cư. Vì sao?

Địa Lí 10 Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hoá | Chân trời sáng tạo (ảnh 2)

Phương pháp giải:

Đọc thông tin mục 2 (Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phân bố dân cư trên thế giới) và quan sát hình 21.

Trả lời:

Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phân bố dân cư:

* Các nhân tố kinh tế - xã hội:

- Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và tính chất nền kinh tế: vai trò quyết định trong sự phân bố dân cư.

Ví dụ: Thành phố Tô-ky-ô (Nhật Bản) là nơi tập trung nhiều các trung tâm công nghiệp, dịch vụ => thu hút nhiều lao động (dân cư đông đúc).

- Lịch sử khai thác lãnh thổ và chuyển cư:

+ Những khu vực khai thác lâu đời có dân cư đông đúc hơn những khu vực mới khai thác.

Ví dụ: Ở Việt Nam, vùng ĐBSH có lịch sử khai thác lâu đời hơn so với vùng ĐBSCL => dân cư ở vùng ĐBSH đông đúc hơn.

+ Việc chuyển cư với quy mô lớn có tác động nhiều đến sự phân bố dân cư trên thế giới.

Ví dụ: Càng luồng di dân lớn trong lịch sử từ châu Á, châu Âu và châu Phi sang châu Mỹ (sau khi C. Cô-lôm-bô tìm ra châu Mỹ) đã làm thay đổi tỉ trọng dân số của cả châu lục này.

* Các nhân tố tự nhiên

Vị trí địa lí, các điều kiện tự nhiên tạo thuận lợi hoặc gây khó khăn đến đời sống con người => tác động đến sự phân bố dân cư.

Ví dụ: Khu vực Nam Á có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên giàu có, phong phú và đa dạng => dân cư đông bậc nhất thế giới. Ngược lại, khu vực phía bắc Liên bang Nga dân cư thưa thớt do khí hậu lạnh giá, khắc nghiệt.

2. Đô thị hoá

Câu hỏi trang 85 Địa Lí 10: Dựa vào bảng 21.1, thông tin trong bài và hiểu biết của bản thân, em hãy trình bày khái niệm đô thị hóa.

Địa Lí 10 Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hoá | Chân trời sáng tạo (ảnh 3)

Phương pháp giải:

Đọc thông tin mục 1 (Khái niệm) và quan sát bảng 21.1.

Trả lời:

Đô thị hóa là quá trình kinh tế - xã hội mà biểu hiện của nó là sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các điểm dân cư đô thị, sự tập trung dân cư trong các thành phố, nhất là các thành phố lớn và phổ biến lối sống thành thị.

Giải Địa lí 10 trang 86

Câu hỏi trang 86 Địa Lí 10: Dựa vào thông tin trong bài và hiểu biết của bản thân, em hãy phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến đô thị hóa. Lấy ví dụ minh họa.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin trong mục 2 (Các nhân tố tác động đến đô thị hóa) và dựa vào hiểu biết của bản thân.

Trả lời:

Các nhân tố ảnh hưởng đến đô thị hóa:

* Nhân tố kinh tế - xã hội

- Trình độ phát triển kinh tế: tác động mạnh đến quá trình đô thị hóa, mang tính chất quyết định trong quá trình đô thị hóa.

Ví dụ: Nhật Bản là một trong những quốc gia phát triển nhất trên thế giới với quy mô GDP lớn thứ 3 thế giới => Dân số thành thị chiếm 91,62% tổng số dân cả nước (2020).

- Quá trình công nghiệp hóa trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản: hình thành các đô thị ở nông thôn và các vùng ven biển.

Ví dụ: Cuối thế kỷ XIX, Pháp đến khai thác thuộc địa ở nước ta đã xây dựng 1 loạt nhà máy điện, nhà máy nước nên đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa ở vùng đồng bằng ven biển, hình thành các đô thị như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang,…

- Đường lối và hệ thống chính sách của Nhà nước về quy hoạch đô thị: cơ sở pháp lí tạo điều kiện thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước để phát triển mạng lưới đô thị.

* Nhân tố tự nhiên

- Vị trí địa lí: ảnh hưởng đến lịch sử hình thành và phát triển đô thị, tính chất đô thị và lối sống đô thị.

Ví dụ: Las Vegas là một đô thị nằm ở phía tây Hoa Kỳ, nằm giữa hoang mạc khô cằn và nóng bức nhưng Hoa Kỳ đã phát triển nó trở thành 1 “thủ đô giải trí của thế giới”.

- Điều kiện tự nhiên: những vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi sẽ thu hút dân cư => quá trình đô thị hóa diễn ra sớm hơn, quy mô lớn hơn.

Ví dụ: Miền Đông Trung Quốc là nơi tập trung nhiều đô thị với quy mô lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Thiên Tân,… do đây là nơi có các đồng bằng châu thổ rộng lớn, màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nhiều khoáng sản kim loại màu,…

Câu hỏi trang 86 Địa Lí 10: Dựa vào thông tin trong bài và hiểu biết của bản thân, em hãy phân tích những tác động tích cực và tiêu cực của quá trình đô thị hóa đến kinh tế, xã hội và môi trường.

Phương pháp giải:

Đọc thông tin mục 3 (Ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường).

Trả lời:

Ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa:

* Đối với kinh tế - xã hội

- Tích cực:

+ Góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản sang khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ;

+ Tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư,…

- Tiêu cực:

Đô thị hóa tự phát không gắn công nghiệp hóa gây ra nhiều vấn đề:

 + Tập trung nhanh dân cư tại các đô thị => quá tải cơ sở hạ tầng dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo giữa các vùng; tạo sức ép đến vấn đề giải quyết việc làm, quản lí hành chính và trật tự an ninh đô thị.

+ Nông thôn thiếu hụt lao động, gây ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế.

* Đối với môi trường

- Tích cực:

+ Mở rộng không gian đô thị và cải thiện cơ sở hạ tầng, hình thành môi trường đô thị hiện đại.

+ Giúp người dân có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tiện nghi và ứng xử văn minh => thực hiện quy định về vệ sinh môi trường tại đô thị.

- Tiêu cực:

+ Làm suy giảm đa dạng sinh học, thay đổi địa hình bề mặt, mực nước ngầm,…

+ Môi trường ô nhiễm do nước thải sinh hoạt và sản xuất,…

Luyện tập và Vận dụng (trang 87)

Giải Địa lí 10 trang 87

Luyện tập trang 87 Địa Lí 10: Cho bảng số liệu

Địa Lí 10 Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hoá | Chân trời sáng tạo (ảnh 4)

a. Vẽ biểu đồ thể hiện mật độ dân số của một số châu lục trên thế giới năm 1950 và năm 2020.

b. Nhận xét và giải thích sự thay đổi mật độ dân số của một số châu lục trên thế giới năm 1950 và năm 2020.

Phương pháp giải:

- Quan sát bảng số liệu và đọc kỹ yêu cầu đề bài “Vẽ biểu đồ thể hiện mật độ dân số của một số châu lục trên thế giới năm 1950 và năm 2020” => Biểu đồ thích hợp nhất là biểu đồ cột ghép.

- Cách vẽ biểu đồ cột ghép:

+ Vẽ 2 trục: trục hoành thể hiện năm, trụ tung thể hiện mật độ dân số (người/km2).

+ Mỗi châu lục, khu vực vẽ 2 cột sát nhau, lần lượt thể hiện mật độ dân số năm 1950 và 2020.

+ Viết chú thích số liệu trên đỉnh mỗi cột.

+ Ghi chú giải và tên biểu đồ.

- Từ biểu đồ đã vẽ, rút ra nhận xét và giải thích.

Trả lời:

Địa Lí 10 Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hoá | Chân trời sáng tạo (ảnh 5)

=> Nhận xét:

Qua biểu đồ, ta thấy mật độ dân số của các châu lục đều có xu hướng tăng trong giai đoạn 1950 – 2020. Cụ thể:

- Châu Á là châu lục có mật độ dân số cao nhất và tăng nhiều nhất: mật độ dân số năm 2020 là 150 người/km2, tăng 105 người/km2 so với năm 1950.

- Châu Phi có mật độ dân số cao thứ 2 (45 người/km2 – 2020), tăng 37 người so với năm 1990.

- Tiếp đến là châu Âu với mật độ dân số 34 người/km2 – 2020, tăng 9 người/km2 so với năm 1990.

- Châu Đại Dương có mật độ dân số thấp nhất và tăng ít nhất: mật độ dân số năm 2020 là 5 người/km2, chỉ tăng 3 người/km2 so với năm 1950.

=> Giải thích:

- Mật độ dân số châu Á tăng nhiều nhất do quy mô dân số lớn, mỗi năm dân số đều tăng lên đáng kể.

- Châu Phi do điều kiện kinh tế đã được cải thiện, tỉ lệ tử vong ở trẻ em giảm => dân số tăng lên.

- Châu Âu là châu lục có nền kinh tế phát triển, thu hút được nhiều lao động từ các châu lục khác trên thế giới.

- Châu Đại Dương do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên có ít dân cư sinh sống.

Vận dụng trang 87 Địa Lí 10: Tìm hiểu ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến sản xuất và sinh hoạt ở địa phương em.

Phương pháp giải:

Dựa vào hiểu biết của bản thân kết hợp tìm kiếm thông tin trên Internet, sách báo,…

Trả lời:

Ảnh hưởng của đô thị hóa đến sản xuất và sinh hoạt ở địa phương em:

* Đối với sản xuất:

- Tích cực:

+ Nguồn thu từ các hoạt động kinh tế (công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch) tăng.

+ Số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại tăng mạnh.

- Tiêu cực: Giá cả thị trường cao.

* Đối với sinh hoạt:

- Tích cực:

+ Phổ biến lối sống thành thị, tạo điều kiện tiếp cận nhiều thiết bị hiện đại trong đời sống.

+ Nâng cao trình độ văn hóa, nghề nghiệp của 1 bộ phận dân cư.

- Tiêu cực: Ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hóa

I. PHÂN BỐ DÂN CƯ

1. Tình hình phân bố dân cư trên thế giới

- Sự phân bố dân cư trên thế giới không đều trong không gian và biến động theo thời gian.

- Mật độ dân số trung bình thế giới là 60 người/km2 (năm 2020), mật độ dân số đông dân nhất là Mô-na-cô (26338 người/km2), thưa dân nhất là đảo Grơn-len (<1 người/km2).

- Trong một lục địa, một khu vực, một quốc gia, một vùng lãnh thổ của từng quốc gia, phân bố dân cư cũng không đều.

Lý thuyết Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hóa - Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

2. Các nhân tố ảnh hưởng đến phân bố dân cư trên thế giới

- Phân bố dân cư là một hiện tượng xã hội có tính quy luật, chịu tác động tổng hợp của nhiều nhân tố, bao gồm:

a. Các nhân tố kinh tế – xã hội

- Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và tính chất của nền kinh tế: có vai trò quyết định trong sự phân bố dân cư.

- Lịch sử khai thác lãnh thổ và chuyển cư

- Việc chuyển cư với quy mô lớn có tác động nhiều tới sự phân bố dân cư trên thế giới.

b. Các nhân tố tự nhiên

- Vị trí địa lí, các điều kiện tự nhiên (khí hậu, nước, địa hình, đất đai,…) tạo thuận lợi hoặc gây khó khăn đến đời sống con người qua đó tác động đến sự phân bố dân cư.

II. ĐÔ THỊ HOÁ

1. Khái niệm

- Là quá trình kinh tế – xã hội, biểu hiện là sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các điểm dân cư đô thị, sự tập trung dân cư trong các thành phố, nhất là các thành phố lớn và phổ biến rộng rãi lối sống thành thị.

- Tỉ lệ dân thành thị là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ đô thị hoá của các quốc gia, khu vực. Tỉ lệ dân thành thị thế giới ngày càng tăng, các nước phát triển có tỉ lệ dân thành thị cao hơn các nước đang phát triển nhưng tốc độ tăng tỉ lệ dân thành thị các nước đang phát triển lại nhanh hơn các nước phát triển.

Lý thuyết Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hóa - Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

2. Các nhân tố tác động đến đô thị hoá

a. Nhân tố kinh tế – xã hội

- Trình độ phát triển kinh tế tác động mạnh đến quá trình đô thị hoá, mang tính chất quyết định trong quá trình đô thị hoá.

- Quá trình công nghiệp hoá trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản sẽ hình thành các đô thị ở nông thôn và các vùng ven biển.

-  Đường lối và hệ thống chính sách của Nhà nước về quy hoạch đô thị là cơ sở pháp lí tạo điều kiện thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước để phát triển mạng lưới đô thị.

- Lối sống nông thôn ngày càng tiếp cận với lối sống đô thị nên quá trình đô thị hoá phát triển mạnh ở nông thôn.

b. Nhân tố tự nhiên

- Vị trí địa lí có ảnh hưởng đến lịch sử hình thành và phát triển đô thị, tính chất đô thị và lối sống đô thị.

- Những vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi sẽ thu hút dân cư, do đó quá trình đô thị hoá diễn ra sớm hơn, quy mô lớn hơn.

3. Ảnh hưởng của đô thị hoá đến sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường

a. Tác động tích cực

- Đối với kinh tế – xã hội: góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản sang khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư,...

- Đối với môi trường: mở rộng không gian đô thị và cải thiện cơ sở hạ tầng, hình thành môi trường đô thị hiện đại, giúp người dân có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tiện nghi và ứng xử văn minh, thực hiện quy định về vệ sinh môi trường tại đô thị,...

b. Tác động tiêu cực

- Đối với kinh tế – xã hội: đô thị hoá tự phát không gắn với công nghiệp hoá sẽ đẩy nhanh quá trình tập trung dân cư tại các đô thị, gây quá tải cơ sở hạ tầng, dẫn đến sự phân hoá giàu nghèo giữa các vùng và tạo sức ép lên vấn đề giải quyết việc làm, quản lí hành chính và trật tự an ninh đô thị. Trong khi đó, ở nông thôn sẽ thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế và bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống tại địa phương.

- Đối với môi trường: đô thị hoá làm suy giảm đa dạng sinh học, thay đổi địa hình bề mặt, mực nước ngầm,... Môi trường bị ô nhiễm từ các chất thải trong sản xuất và sinh hoạt ở các đô thị.

Lý thuyết Bài 21: Phân bố dân cư và đô thị hóa - Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Ô nhiễm môi trường tại đô thị

Xem thêm các bài giải SGK Địa lí lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 20: Cơ cấu dân số

Bài 22: Thực hành phân tích tháp dân số, vẽ biểu đồ cơ cấu dân số theo nhóm tuổi

Bài 23: Nguồn lực phát triển kinh tế

Bài 24: Cơ cấu kinh tế, một số tiêu chí đánh giá sự phát triển kinh tế

Đánh giá

0

0 đánh giá