Với tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 17: Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật sách Cánh diều hay, chi tiết cùng với bài tập trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KHTN 7.
Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 17: Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật
Video giải KHTN 7 Bài 17: Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật - Cánh diều
A. Lý thuyết KHTN 7 Bài 17: Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật
I. KHÁI NIỆM TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG
1. Trao đổi chất
- Khái niệm trao đổi chất: Trao đổi chất là tập hợp các biến đổi hóa học trong tế bào của cơ thể sinh vật và sự trao đổi các chất giữa cơ thể với môi trường để đảm bảo duy trì sự sống.
Trao đổi chất ở người
- Sự trao đổi các chất giữa cơ thể người với môi trường ngoài:
+ Cơ thể lấy từ môi trường ngoài nước, oxygen, các chất dinh dưỡng,…
+ Cơ thể thải ra môi trường ngoài khí carbon dioxide, các chất thải, chất dư thừa, cặn bã,…
- Vai trò của trao đổi chất: Trao đổi chất là đặc tính cơ bản của sự sống. Không có trao đổi chất thì cơ thể không thể duy trì sự sống.
- Tùy theo kiểu trao đổi chất, người ta chia sinh vật thành 2 nhóm:
+ Sinh vật tự dưỡng: Gồm các sinh vật có khả năng tự tổng hợp chất dinh dưỡng. Ví dụ: thực vật, vi khuẩn quang hợp, tảo,…
Thực vật |
Vi khuẩn lam |
Tảo |
+ Sinh vật dị dưỡng: Gồm các sinh vật không có khả năng tự tổng hợp chất dinh dưỡng, phải lấy chất dinh dưỡng từ môi trường. Ví dụ: động vật, con người,…
Động vật là sinh vật tự dưỡng
2. Chuyển hóa năng lượng
- Chuyển hóa năng lượng là quá trình biến đổi năng lượng từ dạng này sang dạng khác.
- Một số dạng năng lượng: quang năng, cơ năng, nhiệt năng,…
- Một số ví dụ về sự chuyển hóa năng lượng ở thực vật và động vật:
+ Thực vật chuyển hóa ánh sáng mặt trời (quang năng) thành hóa năng trong các liên kết hóa học ở các chất hữu cơ.
Quang hợp ở thực vật
+ Khi chạy, con người chuyển hóa hóa năng (năng lượng trong các liên kết hóa học) thành cơ năng để thực hiện các hoạt động chạy.
Người đang chạy
II. VAI TRÒ CỦA TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG TRONG CƠ THỂ
1. Cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể
- Chất hữu cơ khi được phân giải trong quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng sẽ giải phóng năng lượng. Năng lượng giải phóng khi phân giải các chất hữu cơ được sử dụng để tổng hợp chất hữu cơ mới và thực hiện các hoạt động sống của cơ thể.
2. Xây dựng cơ thể
- Các chất lấy vào cơ thể được biến đổi thành các chất cần thiết để xây dựng và duy trì các tế bào, mô, cơ quan của cơ thể, giúp sinh vật sinh trưởng, phát triển và sinh sản → Để cơ thể sinh trưởng và phát triển bình thường, cần thực hiện các biện pháp tăng cường trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng.
3. Loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể
- Quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng còn giúp cơ thể thải các chất dư thừa, cạn bã ra khỏi cơ thể giúp đảm bảo duy trì cân bằng môi trường trong cơ thể, tránh hiện tượng gây độc cho cơ thể.
Khi chạy, cơ thể tăng cường thải khí carbon dioxide
→ Cả 3 vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng đều mang tính sống còn đối với sự sống. Như vậy, trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng là điều kiện tồn tại và phát triển của sinh vật, là đặc trưng cơ bản của sự sống.
B. Bài tập trắc nghiệm KHTN 7 Bài 17: Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật
Câu 1. Trong cơ thể người, chất hữu cơ được phân giải để giải phóng năng lượng có nguồn gốc từ sự trao đổi chất ở
A. hệ bài tiết.
B. hệ tuần hoàn.
C. hệ tiêu hóa.
D. hệ thần kinh.
Đáp án đúng: C
Con người là sinh vật dị dưỡng. Cơ thể lấy thức ăn từ môi trường thông qua hệ tiêu hóa – đây chính là nguồn cung cấp chất hữu cơ cho cơ thể. Như vậy, trong cơ thể người, chất hữu cơ được phân giải để giải phóng năng lượng có nguồn gốc từ sự trao đổi chất ở hệ tiêu hóa.
Câu 2. Chuyển hóa năng lượng là
A. quá trình biến đổi năng lượng từ dạng này sang dạng khác.
B. quá trình biến đổi năng lượng ánh sáng thành năng lượng hóa học.
C. quá trình biến đổi năng lượng hóa học thành nhiệt năng.
D. quá trình biến đổi năng lượng để hoạt động hàng ngày.
Đáp án đúng: A
Chuyển hóa năng lượng là quá trình biến đổi năng lượng từ dạng này sang dạng khác.
Câu 3. Trong tế bào và cơ thể sinh vật, năng lượng chủ yếu được tích trữ
A. trong các liên kết hóa học.
B. trong các mô mỡ và máu.
C. trong các phản ứng.
D. trong các bào quan của tế bào.
Đáp án đúng: A
Trong tế bào và cơ thể sinh vật, năng lượng chủ yếu được tích trữ trong các liên kết hóa học (hóa năng).
Câu 4. Trong quá trình quang hợp, cây xanh có thể tự tổng hợp được chất hữu cơ nhờ ánh sáng mặt trời, nước và khí carbon dioxide. Sự chuyển hóa năng lượng trong quá trình này là
A. năng lượng nhiệt được chuyển hóa thành năng lượng hóa năng.
B. năng lượng quang năng được chuyển hóa thành năng lượng nhiệt năng.
C. năng lượng quang năng được chuyển hóa thành năng lượng hóa năng.
D. năng lượng nhiệt năng được chuyển hóa thành năng lượng quang năng
Đáp án đúng: C
Trong quá trình quang hợp, cây xanh có thể tự tổng hợp được chất hữu cơ nhờ ánh sáng mặt trời, nước và khí carbon dioxide. Trong quá trình này cây xanh đã biến đổi năng lượng quang năng (năng lượng ánh sáng mặt trời) thành năng lượng hóa năng tích lũy trong các hợp chất hóa học.
Câu 5. Cho các nhận định sau:
1. Trao đổi chất giữa cơ thể và môi trường là điều kiện tồn tại và phát triển của cơ thể, là đặc tính cơ bản của sự sống.
2. Uống đủ nước, thức khuya, luyện tập thể dục thể thao,… sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể.
3. Tùy theo kiểu trao đổi chất, người ta chia sinh vật thành 2 nhóm là sinh vật dị dưỡng và sinh vật hóa dưỡng.
4. Trong cơ thể con người đã có quá trình biến đổi hóa học thức ăn thành năng lượng, cung cấp cho mọi hoạt động sống hàng ngày.
Trong số các nhận định trên, số nhận định đúng là
A. 1
B. 2
C. 3
D. 4
Đáp án đúng: B
Nhận định đúng là 1 và 4.
Nhận định 2 sai vì thức khuya không thúc đẩy quá trình trao đổi chất.
Nhận định 3 sai vì tùy theo kiểu trao đổi chất, người ta chia sinh vật thành 2 nhóm là sinh vật dị dưỡng và sinh vật tự dưỡng.
Câu 6. Quá trình hấp thu khí oxygen và thải ra khí carbon dioxide được diễn ra tại hệ cơ quan nào trong cơ thể?
A. Hệ tuần hoàn.
B. Hệ hô hấp.
C. Hệ tiêu hóa.
D. Hệ thần kinh.
Đáp án đúng: B
Quá trình hấp thu khí oxygen và thải ra khí carbon dioxide được diễn ra tại hệ hệ hô hấp trong cơ thể.
Câu 7. Quá trình trao đổi chất của con người thải ra môi trường những chất nào?
A. Khí carbon dioxide, nước tiểu, mô hôi.
B. Khí oxygen, nước tiểu, mồ hôi, nước mắt.
C. Khí oxygen, khí carbon dioxide, nước tiểu.
D. Khí oxygen, phân, nước tiểu, mồ hôi.
Đáp án đúng: A
Quá trình trao đổi chất của con người thải ra môi trường khí carbon dioxide, nước tiểu, mồ hôi,…
Câu 8. Dựa vào kiểu trao đổi chất, người ta chia sinh vật thành 2 nhóm. Đó là
A. nhóm sinh vật tự dưỡng và nhóm sinh vật hoại dưỡng.
B. nhóm sinh vật tự dưỡng và nhóm sinh vật dị dưỡng.
C. nhóm sinh vật dị dưỡng và nhóm sinh vật hoại dưỡng.
D. nhóm sinh vật dị dưỡng và nhóm sinh vật hóa dưỡng.
Đáp án đúng: B
Dựa vào kiểu trao đổi chất, người ta chia sinh vật thành 2 nhóm. Đó là nhóm sinh vật tự dưỡng (ví dụ thực vật) và nhóm sinh vật dị dưỡng (ví dụ động vật và con người).
Câu 9. Cho các chất sau:
1. Oxygen
2. Carbon dioxide
3. Chất dinh dưỡng
4. Nước uống
5. Năng lượng nhiệt
6. Chất thải
Trong quá trình trao đổi chất ở người, cơ thể người thu nhận những chất nào?
A. 1, 2, 3, 4, 5.
B. 1, 2, 3, 4.
C. 1, 3, 4, 5.
D. 1, 3, 4.
Đáp án đúng: D
Trong quá trình trao đổi chất ở người, cơ thể người thu nhận khí oxygen, chất dinh dưỡng, nước uống và thải ra môi trường khí carbon dioxide, năng lượng nhiệt và các chất cặn bã.
Câu 10. Trong các sinh vật sau, nhóm sinh vật nào có khả năng tự dưỡng?
A. Tảo, cá, chim, rau, cây xà cừ.
B. Tảo, nấm, rau, lúa, cây xà cừ.
C. Con người, vật nuôi, cây trồng.
D. Tảo, trùng roi xanh, lúa, cây xà cừ.
Đáp án đúng: D
Những sinh vật có bào quan lục lạp thì có khả năng tự dưỡng. Cụ thể là các sinh vật thuộc đáp án D. Bao gồm tảo, trùng roi xanh, lúa, cây xà cừ.
Câu 11. Vì sao khi vận động cơ thể nóng dần lên?
A. Bởi vì khi vận động, trong cơ thể, thức ăn được biến đổi thành năng lượng hóa học nên nóng cơ thể.
B. Bởi vì khi vận động nhiều, cơ thể sẽ đổ nhiều mồ hôi mất nước nên nóng dần lên.
C. Bởi vì khi vận động, để có năng lượng cho quá trình hoạt động thì trong cơ thể đã xảy ra một phản ứng biến đổi hóa học và phản ứng này sinh ra nhiệt, khiến cho cơ thể nóng dần lên.
D. Bởi vì khi vận động thì trong cơ thể con người đã xảy ra sự biến đổi năng lượng từ dạng liên kết hóa học tích trữ sang cơ năng và nhiệt năng, nên khiến cho cơ thể người nóng dần lên.
Đáp án đúng: D
Khi vận động cơ thể người nóng dần lên bởi vì khi vận động thì trong cơ thể con người đã xảy ra sự biến đổi năng lượng từ dạng liên kết hóa học tích trữ sang cơ năng và nhiệt năng, nên khiến cho cơ thể người nóng dần lên.
Câu 12. Cho các nhận định sau:
1. Cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể.
2. Làm phát sinh các cơ quan và chức năng mới trong cơ thể.
3. Xây dựng cơ thể.
4. Loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể.
5. Tạo ra các cơ thể mới.
Nhận định nào đúng khi nói về vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng?
A. 1, 2, 3, 4, 5.
B. 1, 2, 3.
C. 1, 3, 4.
D. 1, 3, 5.
Đáp án đúng: C
Vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể là:
- Cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể.
- Xây dựng cơ thể.
- Loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể.
Câu 13. Muốn cơ thể sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh thì con người cần phải bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng. Các chất dinh dưỡng đó bao gồm
A. sắt, kẽm, tinh bột, protein, axit amin, vitamin và muối khoáng.
B. chất đường bột (gluxit), protein, muối khoáng, vitamin, lipit.
C. rau củ quả, thịt, trứng, cá và các loại sữa.
D. các loại hạt ngũ cốc, cơm, thịt, trứng, cá.
Đáp án đúng: B
Muốn cơ thể sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh thì con người cần phải bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng. Có rất nhiều các nguồn thức ăn cung cấp hàm lượng chất dinh dưỡng khác nhau. Nhưng cụ thể chúng ta cần bổ sung 5 nhóm chất dinh dưỡng chính. Đó là: chất đường bột (gluxit), protein, muối khoáng, vitamin, lipit.
Câu 14. Quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể. Các hoạt động đó cụ thể là
A. quá trình vận động của cơ thể.
B. quá trình vận chuyển các chất trong tế bào và cơ thể.
C. quá trình sinh sản của tế bào.
D. tất các đáp án trên.
Đáp án đúng: D
Quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể. Các hoạt động đó cụ thể là: quá trình vận động của cơ thể, vận chuyển các chất trong tế bào và cơ thể, sinh sản tế bào.
Câu 15. Làm việc nhiều cần tiêu thụ nhiều thức ăn vì
A. thức ăn là nguồn cung cấp nguyên liệu cho quá trình chuyển hóa tạo năng lượng để hoạt động.
B. thức ăn là nguồn cung cấp nguyên liệu cho quá trình chuyển hóa tạo nhiệt năng để duy trì nhiệt độ cơ thể.
C. thức ăn là nguồn cung cấp nguyên liệu cho quá trình chuyển hóa tạo năng lượng để đào thải khí carbon dioxide ra ngoài.
D. thức ăn là nguồn cung cấp nguyên liệu cho quá trình chuyển hóa tạo nhiệt năng để đào thải mồ hôi ra ngoài.
Đáp án đúng: A
- Khi làm việc nhiều, cơ thể sẽ tiêu tốn một lượng lớn năng lượng dẫn đến nhu cầu về năng lượng của cơ thể tăng lên.
- Năng lượng cung cấp cho cơ thể được lấy từ quá trình chuyển hóa vật chất và năng lượng chất hữu cơ. Mà chất hữu cơ được con người lấy từ thức ăn.
→ Khi làm việc nhiều, cơ thể cần nhiều vật chất để làm nguyên liệu cho quá trình chuyển hóa tạo năng lượng nên cần tiêu thụ nhiều thức ăn.
Xem thêm các bài tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên 7 Cánh diều hay, chi tiết khác:
Bài 19: Các yếu tố ảnh hưởng đến quang hợp
Bài 20: Thực hành về quang hợp ở cây xanh