Sách bài tập Ngữ văn 11 Bài 1: Thông điệp từ thiên nhiên | SBT Văn 11 Chân trời sáng tạo

2 K

Tailieumoi xin giới thiệu giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 Bài 1: Thông điệp từ thiên nhiên sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 11. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Ngữ Văn 11 Bài 1: Thông điệp từ thiên nhiên

I. Đọc trang 5, 6, 7, 8, 9

A. Câu hỏi củng cố kiến thức, kĩ năng theo sách giáo khoa

Câu 1 trang 5 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Phát biểu nào dưới đây không phải là đặc điểm của thể loại tuỳ bút?

a. Là tiểu loại thuộc loại hình kí; thường tập trung thể hiện cái “tôi” của tác giả.

b. Luôn có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố tự sự với yếu tố trữ tình.

c. Chú trọng kết nối, xâu chuỗi các sự việc để thể hiện chủ đề của tác phẩm.

d. Liên tưởng tự do để bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ về con người, cuộc sống.

Trả lời:

Đáp án C.

Câu 2 trang 6 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Phát biểu nào dưới đây không phải là đặc điểm của thể loại tản văn:

a. Thường kết hợp tự sự, trữ tình, nghị luận, miêu tả thiên nhiên, khắc hoạ nhân vật.

b. Chú trọng nếu lên được nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội.

c. Chú trọng bộc lộ tình cảm, ý nghĩ của tác giả qua các hiện tượng đời sống.

d. Mượn chi tiết, sự việc để bày tỏ quan điểm về con người và cuộc sống.

Trả lời:

Đáp án D

Câu 3 trang 6 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Nối đặc điểm của ngôn ngữ văn học ở cột A với nội dung giải thích tương ứng ở cột B cho phù hợp.

Nối đặc điểm của ngôn ngữ văn học ở cột A với nội dung giải thích tương ứng

Trả lời:

Đáp án: 1b - 2d - 3a - 4c

Câu 4 trang 6 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu phía dưới:

Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại. Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó. Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng nam bắc qua điện Hòn Chén; vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế. Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đổi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” như người Huế thường miêu tả. Giữa đám quần sơn lô xô ấy, là giấc ngủ nghìn năm của những vua chúa được phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u của những lăng tẩm đồ sộ tỏa lan khắp cả một vùng thượng lưu “Bốn bề núi phủ mây phong/ Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên”. Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi, kéo dài mãi đến lúc mặt nước phẳng lặng của nó gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ, ngân nga từ bờ bên kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà...

(Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ai đã đặt tên cho dòng sông?)

a. Hiệu quả của sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình trong đoạn văn trên là gì? Hãy lí giải.

b. Chỉ ra ít nhất một đặc điểm của ngôn ngữ văn học được thể hiện trong đoạn văn trên.

Trả lời:

a. Hiệu quả của sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình trong đoạn văn:

- Yếu tố tự sự: Phải nhiều thế kỉ qua đi, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoa đây hoa đại; Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó;...

- Yếu tố trữ tình: mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi; Đó là vẻ đẹp trầm mặc nhất của sông Hương, như triết lí, như cổ thi;...

- Hiệu quả của sự kết hợp giữa yếu tố tự sự với yếu tố trữ tình: Sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và yếu tố trữ trình vừa làm cho hình tượng sông Hương trong đoạn văn trở nên sinh động, gợi cảm, vừa trực tiếp bộc lộ tình cảm của tác giả dành cho dòng sông.

b. Đây là câu hỏi mở, bạn có thể chọn ít nhất một trong số bốn đặc điểm của ngôn ngữ văn học được thể hiện trong đoạn văn để trình bày, chẳng hạn như: tính biểu cảm, truyền cảm; tính đa nghĩa; tính hình tượng; tính thẩm mĩ.

Câu 5 trang 7 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Qua văn bản Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), bạn cảm nhận như thế nào về mối quan hệ giữa sông Hương với thành phố Huế? Chỉ ra một số hình ảnh, chi tiết mà bạn cho là độc đáo để làm rõ điều đó.

Trả lời:

- Trên hành trình xuôi dần từ thượng nguồn về Huế, sông Hương được nhìn nhận như một người tình dịu dàng, chung thuỷ của vùng đất cố đô. Vì thế, toàn bộ thùy trình của dòng sông tựa như một cuộc tìm kiếm người tình đích thực của một “người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại”.

- Sông Hương với những chi lưu của nó đã tạo nên một điệu chảy rất riêng, góp phần làm nền vẻ đẹp cổ kính của cố đô - một nét đẹp riêng của Huế mà không thành phố nào khác có được.

- Con sông này góp phần hình thành và nuôi dưỡng không gian văn hoá đặc trưng của Huế: Sông Hương được xem là cội nguồn sinh thành và không gian tồn tại của nền âm nhạc cổ điển xứ Huế; không gian bờ sông ấy cũng là nơi lưu giữ một nét văn hóa rất riêng của Huế trong cái sắc áo cưới của Huế ngày xưa, rất xưa; vẻ đẹp phong phú, biến ảo của dòng sông đã khiến nó luôn biết cách làm mới mình, từ đó, khơi gợi nguồn cảm hứng vô tận cho các thi nhân;...

Câu 6 trang 7 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Điều gì đã làm nên sức hấp dẫn của văn bản Cõi lá (Đỗ Phấn)? Bạn tâm đắc điều gì sau khi đọc xong văn bản này?

Trả lời:

Điều làm nên sức hấp dẫn của văn bản Cõi lá (Đỗ Phấn) và đồng thời cũng khiến em tâm đắc nhất chính là bút pháp nghệ thuật tài hoa, độc đáo cùng những màu sắc khác lạ qua việc khắc họa hình ảnh đời sống sinh hoạt của người dân Thủ đô. Những điều đó chính là một trong những điểm nổi bật nhất trong hầu hết các tác phẩm của họa sĩ Đỗ Phấn và đồng đồng thời cũng là thứ khiến em tâm đắc nhất. Những mẩu chuyện nhỏ về cảnh vật, về con người và nét văn hóa của riêng Hà Nội đã được Đỗ Phấn thủ thỉ nhẹ nhàng qua từng trang viết. Tưởng như những chi tiết vụn vặt, nhỏ bé và cũ kỹ ấy sẽ chẳng có ý nghĩa gì, nhưng thực tế, đối với Đỗ Phấn từ cái vòi nước công cộng đến cửa hiệu giặt là hay cái chuyện phơi quần áo, đèn đường, hay cái nồi đất, nước giải khát, bún đậu mắm tôm… đều có thể trở thành chủ đề, trở thành nguồn cảm hứng dạt dào giúp cho nhà văn viết nên những câu chuyện Hà Nội thật đẹp, với biết bao cảm xúc lắng đọng qua từng trang giấy. Để Đỗ Phấn có thể thư thả mà tâm tình thủ thỉ với bạn đọc chuyện xưa tới chuyện nay, từ xa tới gần, từ hiện đại trở về quá khứ. Và những “lát cắt ký ức” ấy khi được nhìn một cách tổng thể, bao quát, rộng lớn lại khiến cho độc giả phải bất ngờ về một hình ảnh Hà Nội thời chưa xa, thật đẹp, thật điềm đạm và kín đáo biết bao.

B. Câu hỏi thực hành đọc hiểu

Đọc văn bản Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt (Vũ Bằng) trong SBT trang 7,8,9 và thực hiện các yêu cầu phía dưới:

Câu 1 trang 9 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Hãy tóm tắt nội dung của văn bản (trích) trên. Qua đó, phân tích sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình.

Trả lời:

- Tóm tắt nội dung của đoạn trích: Tình yêu mùa xuân của con người nói chung và nỗi nhớ mùa xuân miền Bắc của tác giả. Tác giả không chỉ nhớ cảnh sắc thiên nhiên mà còn nhớ không khí mùa xuân, nhớ hương vị ngày Tết cổ truyền. - Từ đó, càng thấy yêu hơn sự sống, gia đình.

- Phân tích sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình:

+ Đoạn trích được mở ra bằng cảm xúc mê luyến mùa xuân của con người. Diễn tiến của đoạn trích tiếp tục được phát triển, vươn ra theo mạch trữ tình. Chuỗi nhớ da diết, êm đềm lần lượt hiện ra gắn với những hình ảnh, tình tiết cụ thể. Đó là nỗi nhớ mùa xuân miền Bắc với tiết trời “lành lạnh”, “mưa riêu riêu”, “tiếng nhạn kêu trong đêm xanh”, “tiếng trống chèo”,...; nỗi nhớ sức xuân căng tràn trong mạch máu, khiến con người ta tưởng như có thể “phát điên,...; nỗi nhớ không khí gia đình những ngày Tết và sau Tết, từ việc thờ cúng tổ tiên đến những món ăn thân thuộc ngày thường.

+ Sự việc, tình tiết được trình bày bằng những từ ngữ, hình ảnh giàu sức biểu cảm, luôn có sự kết hợp giữa thuật việc và trữ tình, đặc biệt là cách sử dụng câu hỏi tu từ tăng thêm sức gợi:

 Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân.

 Ới ơi người em gái xõa tóc bên cửa sổ! Em yêu mùa xuân có phải vì nghe thấy rạo rực nhựa sống trong cành mai, gốc đào, chồi mận ở ngoài vườn Chàng trai kia yêu mùa xuân, phải chăng là tại lúc đổi mùa giao tiễn nhau, chàng tưởng như nghe thấy đồi núi chuyển mình, sông hồ rung động trong cuộc đổi thay thường xuyên của cuộc đời? Mà người thiếu phụ nọ ở chân trời góc biển yêu mùa xuân có phải là vì đấy là mùa xanh lên hi vọng được trở về nơi bến đợi sông chờ để ngâm lại khúc bạc đầu với người ra đi chưa biết ngày nào trở lại?

Câu 2 trang 9 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Cảm hứng chủ đạo của văn bản (trích) trên là gì. Cảm hứng chủ đạo đã làm nên linh hồn, sức hấp dẫn của văn bản như thế nào?

Trả lời:

- Cảm hứng chủ đạo của đoạn trích: Tình yêu mùa xuân và nỗi nhớ mùa xuân quê hương miền Bắc của tác giả.

- Cảm hứng chủ đạo đã làm nên linh hồn, sức hấp dẫn của văn bản nhờ vào:

+ Những hình ảnh được gợi lên từ tình yêu và nỗi nhớ đều rất ấn tượng và tràn đầy cảm xúc.

 Tôi yêu sống xanh, núi tím; tôi yêu đôi mày ai như trăng mới in ngắn và tôi cũng xây mộng ước mơ, nhưng yêu nhất mùa xuân không phải là vì thế.

 Mùa xuân của tôi - mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội - là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng...

 Đẹp quá đi, mùa xuân ơi – mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến. Nhưng tôi yêu mùa xuân nhất là vào khoảng sau ngày Rằm tháng Giêng. Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhuỵ vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu Giêng, nhưng trái lại lại mức một mùi hương man mát.

+ Tình yêu, nỗi nhớ xuyên suốt đoạn trích và mỗi lúc một mãnh liệt hơn. Ban đầu, nói đến tình yêu của muốn người, sau đó, tác giả trực tiếp giải bày lòng mình, soi vào lòng mình nhận ra tình yêu mùa xuân quê hương khiến bản thân có thể yếu đến “phát điên” và cuối cùng bồng bột thốt lên: Đẹp quá đi, mùa xuân ơi...

Câu 3 trang 9 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Phân tích tác dụng của một số biện pháp tu từ được dùng trong văn bản.

Trả lời:

- Câu hỏi tu từ: Em yêu mùa xuân có phải vì nghe thấy rạo rực nhựa sống trong cành mai, gốc đào, chồi mận ở ngoài vườn? Chàng trai kia yêu mùa xuân, phải chăng là tại lúc đôi mùa giao tiễn nhau, chàng tưởng như nghe thấy đồi núi chuyển mình, sông hồ rung động trong cuộc đổi thay thường xuyên của cuộc đời Mà người thiếu phụ nọ ở chân trời góc biển yêu mùa xuân có phải là vì đấy là mùa xanh lên hi vọng được trở về nơi bến đợi sông chờ để ngâm lại khúc bạc đầu với người ra đi chưa biết ngày nào trở lại?

→ Tác dụng: Nhằm tập trung sự chú ý của người nghe vào nội dung mà tác giả muốn biểu đạt. Hàng loạt câu hỏi tu từ ở đây đều hướng đến vừa lí giải, vừa trả lời về nguyên cớ yêu mùa xuân của con người.

- So sánh: Tôi yêu đôi mày ai như trăng mới in ngần; có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng; nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trỗi ra thành những cái lá nhỏ tí ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh;...

→ Tác dụng: So sánh thường xuất phát từ những liên tưởng tương đồng, nhằm tăng lên sức gợi hình, gợi cảm cho sự vật, hình ảnh. Các hình ảnh được dùng để so sánh thường làm bật lên những vẻ đẹp bất ngờ, chẳng hạn như: cô gái đẹp như thơ mộng”, “nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai... hoặc giúp câu văn trở nên bay bổng: “... đôi mày ai như trăng mới in ngần".

- Liệt kê: Mùa xuân của tôi – mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội – là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng...

→ Tác dụng: Làm phong phú hơn các phương diện của sự việc. Tác giả liệt kê hàng loạt những tín hiệu của mùa xuân đất Bắc. Bức tranh xuân trở nên sinh động, giàu màu sắc, âm thanh.

- Phép điệp: Y như những con vật nằm thu hình một nơi trốn rét thấy nắng ấm trở về thì lại bò ra để nhảy nhót kiếm ăn, anh cũng "sống" lại và thèm khát yêu thương thực sự. Ra ngoài trời, thấy ai cũng muốn yêu thương, về đến nhà lại cũng thấy yêu thương nữa.

→ Tác dụng: Trong hai câu liền kể, từ yêu thương được lặp lại ba lần, cách quãng. Nhờ vào việc điệp từ, câu văn trở nên hài hoà, nhịp nhàng, tăng tính biểu cảm. Cảm xúc yêu thương được nhấn mạnh, tô đậm, càng làm rõ nét nỗi nhớ, niềm thương của tác giả đối với mùa xuân quê hương.

Câu 4 trang 9 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Từ nỗi nhớ mùa xuân ở quê hương miền Bắc, tác giả đã làm nổi bật những nét đẹp của văn hoá cổ truyền. Bạn hãy nêu một vài dẫn chứng.

Trả lời:

Một số dẫn chứng trong đoạn trích vẽ nét đẹp văn hoá cổ truyền mỗi khi Tết đến, xuân về:

- Nhang trầm, đèn nến, và nhất là bầu không khí gia đình đoàn tụ êm đềm, trên kính dưới nhường, trước những bàn thờ Phật, thờ thánh, bàn thờ tổ tiên...

- ... lúc thịt mỡ dưa hành đã hết, người ta bắt đầu trở về bữa cơm giản dị có cả em với thịt thăn điểm những lá tía tô thái nhỏ hay bát canh trứng cua vắt chanh ăn mát như quạt vào lòng...

- Cánh màn điều treo ở trước bàn thờ ông vải đã hạ xuống từ hôm “hoá vàng”...

Câu 5 trang 9 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Theo bạn, văn bản Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt (trích) có tác động như thế nào đến người đọc? Do đâu mà có tác động đó?

Trả lời:

- Theo em, văn bản khiến người đọc phải rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên mùa xuân, cùng biết bao tình ý mà con người gửi gắm trong cảnh xuân, sắc xuân.

- Những ảnh hưởng đó tạo ra bởi:

+ Niềm yêu mến quê hương, gia đình, nơi cội nguồn cảm xúc yêu thương.

+ Gìn giữ, nuôi dưỡng trong mình những cảm xúc đẹp với cuộc sống xung quanh ta.

II. Tiếng Việt trang 10

Câu 1 trang 10 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Theo bạn, nghĩa của từ có thể được giải thích bằng những cách nào?

Trả lời:

- Có hai cách giải thích nghĩa của từ:

+ Trình bày khái niệm mà từ biểu thị.

+ Đưa ra những từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với từ cần giải thích.

Câu 2 trang 10 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Xác định cách giải thích nghĩa của từ được dùng trong trường hợp sau: Chộn rộn: (1) (phương ngữ) nhốn nháo, lộn xộn; (2) rối rít, rộn ràng.

a. Phân tích nội dung nghĩa của từ.

b. Dùng một số từ đồng nghĩa với từ cần giải thích.

c. Giải thích nghĩa của từng thành tố cấu tạo nên từ.

d. Dùng một số từ trái nghĩa với từ cần giải thích.

Trả lời:

Đáp án B

Câu 3 trang 10 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Nối từ và phần giải thích nghĩa của từ ở cột A với cách giải thích nghĩa tương ứng ở cột B:

Nối từ và phần giải thích nghĩa của từ ở cột A với cách giải thích nghĩa tương ứng ở cột B

Trả lời:

Đáp án: 1c – 2a – 3b – 4d

Câu 4 trang 10 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Giải thích nghĩa của từ in đậm trong các câu sau và cho biết bạn đã chọn cách giải thích nghĩa nào:

a. Nhang trầm, đèn nến, và nhất là bầu không khí gia đình đoàn tụ êm đềm, trên kính dưới nhường, trước những bàn thờ Phật, thờ thánh, bàn thờ tổ tiên làm cho lòng anh ấm lạ ấm lùng, tuy miệng chẳng nói ra nhưng trong lòng thì cảm như có không biết bao nhiêu là hoa mới nở, bướm ra ràng mở hội liên hoan.

(Vũ Bằng, Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt)

b. Cánh màn điều treo ở trước bàn thờ ông vải đã hạ xuống từ hôm “hoá vàng” và các trò vui ngày Tết cũng tạm thời kết thúc để nhường chỗ cho cuộc sống êm đềm thường nhật.

(Vũ Bằng, Tháng Giêng, mơ về trăng non rét ngọt)

c. Bài thơ, vì thế, xứng đáng được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc, vừa khẳng định chủ quyền về cương giới, lãnh thổ vừa thể hiện ý chí bảo vệ toàn vẹn nền độc lập, tự chủ và quyết tâm đánh tan mọi kẻ thù xâm lược.

(Theo Nguyễn Hữu Sơn, Nam quốc sơn hà – Bài thơ thần khẳng định chân lí độc lập của đất nước)

Trả lời:

a. Ra ràng: (chim non) vừa mới đủ lông, đủ cánh, bắt đầu có thể bay ra khỏi tổ => Giải thích nghĩa của từ bằng cách phân tích nội dung nghĩa của từ.

b. - Điều: có màu đỏ tươi (thường do nhuộm) => Giải thích nghĩa của từ bằng cách phân tích nội dung nghĩa của từ.

- Ông vải: (khẩu ngữ) ông bà, tổ tiền => Giải thích nghĩa của từ bằng cách dùng một số từ đồng nghĩa, có nêu thêm phạm vi sử dụng của từ.

c. Cương giới (cũ): biên giới => Giải thích nghĩa của từ bằng cách dùng từ đồng nghĩa, có nếu thêm phạm vi sử dụng của từ (cũ).

III. Viết trang 11

Câu 1 trang 11 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Trình bày khái niệm và yêu cầu đối với kiểu bài thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.

Trả lời:

Thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận là kiểu bài thông tin tổng hợp, sử dụng kết hợp nhiều yếu tố, phương tiện để miêu tả, giải thích làm rõ đặc điểm của một đối tượng hoặc một quy trình hoạt động, giúp người đọc hiểu rõ về đối tượng hay quy trình hoạt động ấy.

Câu 2 trang 11 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Theo bạn, vì sao cần lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận khi viết bài văn thuyết minh?

Trả lời:

Việc lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận khi viết bài văn thuyết minh sẽ giúp bài viết trở nên sinh động, hấp dẫn, gợi cảm; thông qua đó, người viết có thể bày tỏ tình cảm, cảm xúc, thái độ, nhận xét, đánh giá của bản thân đối với quy trình/ đối tượng thuyết minh.

Câu 3 trang 11 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Cho đề bài sau: Sắp đến tết Trung thu, bạn hãy viết bài văn thuyết minh về một quy trình hoạt động hoặc một đối tượng liên quan đến Rằm tháng Tám để giúp các em nhỏ hiểu hơn về những nét đẹp văn hoá của ngày Tết này ở địa phương bạn. Bài viết có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.

Trình bày ngắn gọn các bước cần thực hiện đối với bài viết trên theo mẫu bảng sau Thao tác cần thực hiện:

Bước

Thao tác cần thực hiện

Lưu ý

Bước 1: Chuẩn bị viết

 

 

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

 

 

Bước 3: Viết bài

 

 

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa 

 

 

Trả lời:

Bước

Thao tác cần thực hiện

Lưu ý

Bước 1: Chuẩn bị viết

Xác định đề tài, mục đích viết, đối tượng người đọc

- Chọn đề tài phù hợp với đề bài.

- Xác định mục đích viết, đối tượng người đọc.

Thu thập dữ liệu

- Xác định loại và nguồn tư liệu cần tìm.

- Lập danh mục tư liệu thu thập được.

- Đề tài nên hấp dẫn và thu hút nhiều người quan tâm. 

 

 

 

- Cần chú ý đến nguồn gốc (rõ ràng, cụ cụ thể) của của tư liệu; mức độ tin cậy, khách quan, cập nhật của tư liệu. 

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

Tìm ý

Quan sát, tiếp cận trực tiếp đối tượng hoặc theo dõi quy trình cần thuyết minh, kết hợp thu thập thông tin, tư liệu.

Lập dàn ý

Sắp xếp các ý đã tìm được theo một trật tự hợp lí 

- Khi tìm ý, có thể dùng sơ đồ tư duy, hình thức viết tự do, liệt kê dưới dạng từ/ cụm từ để huy động ý tưởng.

 

- Khi lập dàn ý, nên chú ý đến bố cục của kiểu bài viết. 

Bước 3: Viết bài

Từ dàn ý đã lập, viết bài văn thuyết minh hoàn chỉnh.

- Làm sáng tỏ các đặc điểm của quy trình/ đối tượng bằng cách giới thiệu, miêu tả, giải thích.

- Chú ý lựa chọn ngôn ngữ và các phương tiện phi ngôn ngữ hỗ trợ trình bày thông tin.

- Chú ý đến tính khách quan, xác thực của nội dung thuyết minh.

- Lưu ý cách trình bày thông tin và các chi tiết sao cho phù hợp với nội dung thuyết minh.

- Cần tìm hiểu về các tiêu chí đánh giá bài viết trước khi viết.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa 

Xem lại, chỉnh sửa

Sau khi viết xong, đọc lại bài viết và chính sửa

Rút kinh nghiệm

Rút ra kinh nghiệm về việc viết bài văn thuyết minh về một quy trình hoạt động hoặc đối tượng, trong đó, sử dụng lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.

Chú ý dùng bảng kiểm được trình bày trong SGK Ngữ văn 11, tập một, tr. 28-29 để xem lại và chỉnh sửa bài viết

 

Câu 4 trang 11 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Dùng sơ đồ tư duy để lập dàn ý cho đề bài nêu ở câu 3; sau đó, trao đổi dàn ý với bạn và hoàn thành bảng sau (kẻ vào vở):

Ý kiến của bạn về dàn ý của tôi

Nội dung trao đổi, phản hồi của tôi với bạn

 

 

Trả lời:

- Sơ đồ tư duy

Dùng sơ đồ tư duy để lập dàn ý cho đề bài nêu ở câu 3; sau đó, trao đổi dàn ý với bạn

- Học sinh trao đổi và đưa ra phản hồi về dàn ý của bạn.

IV. Nói và nghe trang 11, 12

Đề bài: Chọn và giới thiệu một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm nghệ thuật về đề tài mùa thu mà bạn yêu thích.

Câu 1 trang 11 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Liệt kê ngắn gọn các bước thực hiện bài giới thiệu trên bằng cách hoàn thành bảng sau (làm vào vở):

Bước

Thao tác cần thực hiện

Lưu ý

Bước 1: Chuẩn bị nói 

 

 

Bước 2: Trình bày bài nói

 

 

Bước 3: Trao đổi, đánh giá 

 

 

Trả lời:

Bước

Thao tác cần thực hiện

Lưu ý

Bước 1: Chuẩn bị nói 

- Xác định đề tài, mục đích nói, đối tượng người nghe, không gian và thời gian nói. 

- Tìm ý và lập dàn ý:

+ Chọn một tác phẩm văn học/ tác phẩm nghệ thuật về đề tài mùa thu mà bạn yêu thích.

+ Tìm hiểu kĩ tác phẩm và các tư liệu có liên quan.

+ Ghi chú lại những thông tin quan trọng mà bạn muốn giới thiệu về tác phẩm.

+ Sắp xếp theo bố cục hợp lí.

- Luyện tập

- Mục đích nói Giới thiệu và làm rõ giá trị của một tác phẩm văn học hoặc một tác phẩm nghệ thuật.

- Cần chú ý đến mức độ tin cậy, khách quan của các tư liệu tham khảo liên quan đến tác phẩm văn học/ tác phẩm nghệ thuật; lưu ý đến nguồn của tư liệu.

- Lưu ý khía cạnh/ đặc điểm cần giới thiệu ứng với từng loại hình tác phẩm.

- Lưu ý cách thức thể hiện bài trình bày và ý tưởng sử dụng kết hợp các phương tiện trực quan hỗ trợ biểu đạt nội dung giới thiệu; cần tính toán đến yếu tố không gian và thời gian nói.

- Lưu ý các tiêu chí của bảng kiểm kĩ năng giới thiệu một tác phẩm văn học/ nghệ thuật trong quá trình luyện tập.

Bước 2: Trình bày bài nói

Trình bày bài giới thiệu dựa trên những nội dung đã chuẩn bị. 

- Chú ý bám sát dàn ý từ trước, tránh biến việc trình bày thành việc “đọc” những nội dung đã chuẩn bị.

- Chú ý tương tác với người nghe, kết hợp sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ trong quá trình trình bày để làm tăng hiệu quả biểu đạt, đặc biệt làm nổi bật được những thông tin/nội dung muốn nhấn mạnh.

- Lưu ý kiểm soát tốt thời gian trình bày.

Bước 3: Trao đổi, đánh giá 

- Trao đổi với các ý kiến phản hồi của người nghe.

- Đánh giá bài giới thiệu trong vai trò là người trình bày và người nghe 

- Thể hiện thái độ cầu thị, nghiêm túc lắng nghe, cố gắng chủ động kiểm soát thời gian trao đổi.

- Đánh giá dựa vào các tiêu chí trong bảng kiểm kĩ năng giới thiệu một tác phẩm văn học/nghệ thuật.

 

Câu 2 trang 12 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Nếu là người nghe nội dung giới thiệu ấy, bạn cần làm gì để nắm bắt nội dung và quan điểm của người nói: Liệt kê một số nội dung và mẫu câu mà bạn có thể sử dụng để nhận xét, đánh giá và đặt câu hỏi về bài trình bày đó.

Trả lời:

Nếu là người nghe nội dung giới thiệu ấy, để nắm bắt nội dung và quan điểm của người nói chúng ta cần:

- Trước khi nghe một bài thuyết trình, bạn nên:

+ Tìm hiểu trong sách, báo, Internet về đề tài của bài thuyết trình.

+ Suy nghĩ về những gì bạn đã biết và muốn biết thêm về đề tài của bài thuyết trình. Chuẩn bị bút, giấy để ghi chép.

+ Tìm vị trí thích hợp để có thể theo dõi và tương tác tốt với người thuyết trình.

- Trong khi nghe thuyết trình, bạn nên:

+  Tập trung lắng nghe nội dung thuyết trình để hiểu quan điểm của người nói.

+ Tìm kiếm những dấu hiệu ngôn ngữ để nắm bắt nội dung chính của bài thuyết trình và quan điểm của người nói:

● Các kiểu câu như: Vấn đề thứ nhất là....; Quan điểm của tôi là...; Tôi nghĩ... Theo tôi...

● Những nội dung mà người nói nhấn mạnh, nói chậm hoặc kết hợp với phương tiện phi ngôn ngữ.

+ Quan sát gương mặt, thái độ, cử chỉ, ánh mắt lắng nghe giọng điệu của người thuyết trình để hiểu quan điểm của họ.

+ Dùng các từ khoá, cụm từ, sơ đồ dàn ý,... để ghi chép thông tin chính của bài thuyết trình (tham khảo mẫu ghi chép ở sách giáo khoa lớp 10, Bài 6. Nâng niu kỉ niệm, Ngữ văn 10, tập hai). Lưu ý sắp xếp thông tin nghe được theo một trật tự logic để hiểu hơn về ý nghĩa của thông tin.

+ Đánh dấu những nội dung chính, thông tin quan trọng, thú vị bằng bút màu, gạch chân, dấu sao (*),...

+ Ghi chú những điểm mới mẻ, thú vị về nội dung thuyết trình và cách thức thuyết trình (giọng nói, phong cách, các ví dụ, hình ảnh,...).

+ Ghi những câu hỏi mà bạn muốn trao đổi với người thuyết trình.

- Dùng kĩ thuật PMI (Plus, Minus, Interesting) để nhận xét, đánh giá về nội dung và cách thuyết trình, cụ thể là:

+ Nếu và khẳng định những điểm tích cực của bài thuyết trình (P): Bài thuyết trình của bạn đã đem đến cho tôi cách nhìn mới về vấn đề...; Bằng những ví dụ cụ thể, cách trình bày rõ ràng, bạn đã giúp tôi hiểu rõ vấn đề...

+ Nêu một hoặc hai điểm hạn chế hoặc cần trao đổi thêm (M) với giọng điệu mềm mỏng, bằng cách đặt câu hỏi: Tôi không hoàn toàn đồng ý với quan điểm của bạn, tôi cho là ... vì những lí do sau...; Tôi nghĩ rằng, bài thuyết trình của bạn sẽ thú vị hơn nếu... Bạn có thể giúp tôi làm rõ vấn đề... hay không?

+ Khẳng định sự thú vị của bài thuyết trình (I). Mặc dù còn một vài điểm như trên nhưng có thể nói, bài thuyết trình của bạn rất ấn tượng...; Tôi học được cách trình bày hấp dẫn, thu hút của bạn...

Xem thêm các bài giải SBT Ngữ văn lớp 11 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 1: Thông điệp từ thiên nhiên (Tùy bút, tản văn)

Bài 2: Hành trang vào tương lai (Văn bản nghị luận)

Bài 3: Khát khao đoàn tụ (Truyện thơ)

Bài 4: Nét đẹp văn hóa và cảnh quan (Văn bản thông tin)

Bài 5: Băn khoăn tìm lẽ sống (Bi kịch)

Đánh giá

0

0 đánh giá