Soạn bài Đọc về một tác giả văn học | Chuyên đề Văn 11 Kết nối tri thức

2.3 K

Với Soạn bài Phần 1: Đọc về một tác giả văn học sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách soạn bài Chuyên đề học tập Ngữ văn 11. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Đọc về một tác giả văn học

I. Ý nghĩa của việc đọc một tác giả văn học

Khi nêu vấn đề đọc về một tác giả văn học, toàn bộ những hiểu biết về tiểu sử, sự nghiệp, tư tưởng, tình cảm của tác giả, hoàn cảnh sáng tác các tác phẩm cụ thể.... đều cần được coi trọng. Những thông tin này giúp chúng ta không chỉ hiểu sâu hơn về một tác phẩm mà còn hình dung được rõ hơn về con đường đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp của tác giả cùng những mối liên hệ với bối cảnh lịch sử cụ thể của đất nước, dân tộc, thời đại.

Đối với những tác giả văn học có khối lượng tác phẩm phong phú, việc đọc rộng ra nhiều tác phẩm của họ kết hợp với việc tìm hiểu những thông tin về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tình cảm, hoàn cảnh sáng tác,... sẽ giúp người đọc có được sự hình dung rõ hơn về những vấn đề quan trọng như: quá trình hình thành cá tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật,...

Nhiều tác giả văn học lớn là danh nhân văn hoá. Cuộc đời, sự nghiệp văn học, phong cách nghệ thuật, những suy tưởng, trải nghiệm của họ về cuộc sống, nghệ thuật là những yếu tố góp phần xây đắp nên vốn văn hoá của dân tộc và nhân loại. Khi tìm hiểu về các tác giả văn học và noi theo tấm gương sống, sáng tạo của họ, ta sẽ có thêm những trải nghiệm lí thú, những hiểu biết sâu rộng về cuộc sống, con người và văn hoá nói chung - những điều vốn tồn tại như điều kiện nền tảng giúp ta trưởng thành, trở nên một nhân cách độc lập, toàn vẹn.

II. Thực hành đọc

1. Lựa chọn tác giả và định hướng đọc

Sách giáo khoa môn Ngữ văn từ cấp Trung học cơ sở đến cấp Trung học phổ thông đã giới thiệu các sáng tác của nhiều tác giả lớn trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, do điều kiện thời gian chi phối, nhiều tác phẩm không được học trọn vẹn và nhiều tác giả chỉ được giới thiệu rất vắn tắt. Vì vậy, việc tìm hiểu thêm về các tác giả và những sáng tác của họ là điều cần thiết. Bạn có thể lựa chọn tác giả theo những tiêu chí sau:

- Tác giả có tác phẩm được học trong chương trình.

- Tác giả được yêu cầu đọc mở rộng trong sách giáo khoa môn Ngữ văn từ cấp Trung học cơ sở đến cấp Trung học phổ thông.

- Tác giả có tác phẩm đáp ứng được nhu cầu, sở thích của bản thân.

Có nhiều cách đọc, hướng đọc khác nhau về một tác giả đã được lựa chọn, ở đây chỉ nói về hai cách đọc, hướng đọc là rộng và sâu. Nếu đọc rộng, bạn cần tìm đọc đầy đủ, bao quát về tác giả, từ tiểu sử đến các chặng đường sáng tác, thể loại, tác phẩm, các bài phê bình, nghiên cứu về tác giả ấy. Nếu đọc sâu, bạn có thể chỉ đi vào khám phá một phần sự nghiệp sáng tác hoặc một đề tài, tư tưởng, đặc điểm loại, thể loại nổi bật thể hiện trong sáng tác của tác giả. Việc chọn hướng đọc rộng hay sâu nên được xác định sau khi bạn đã nắm được một cách đại cương về sự nghiệp của tác giả.

Tùy theo điều kiện và thời gian cho phép, bạn có thể đặt ra những mục tiêu thiết thực, vừa sức và chọn hình thức đọc có hiệu quả nhất với bản thân (đọc cá nhân hoặc đọc theo nhóm để tăng cường sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm).

Câu hỏi (trang 60 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Tác giả văn học được bạn lựa chọn là ai? Lí do lựa chọn của bạn là gì?

Trả lời:

Tác giả văn học em  lựa chọn là Nguyễn Trãi. Em lựa chọn tác giả này vì Nguyễn Trãi là một trong những bậc đại anh hùng dân tộc và là một nhân vật toàn tài hiếm có của lịch sử Việt Nam trong thời đại phong kiến. Có rất nhiều tư liệu lịch sử viết về ông.

2. Xây dựng hồ sơ về một tác giả

a. Tìm kiếm tài liệu

Cần tìm kiếm các nguồn tài liệu liên quan đến tác giả để thu thập thông tin. Các thông tin thường được tìm hiểu là: tiểu sử và quá trình sáng tác của tác giả, các tác phẩm tiêu biểu, các bài viết có liên quan.

Bạn có thể tìm kiếm tài liệu ở thư viện trường, thư viện địa phương, các sách báo hay trên internet.

Lưu ý: Đối với những tác giả lớn, có thể tìm các cuốn tuyển tập, trong đó, nhiều sáng tác của tác giả và bài viết có liên quan đã được tập hợp, tuyển chọn công phu. Những cuốn tuyển tập này sẽ hỗ trợ cho bạn rất nhiều trong việc đọc về tác giả.

b. Lập danh mục tài liệu

Do việc đọc và tìm hiểu về tác giả được thực hiện trong một khoảng thời gian khá dài (ngay cả khi đã hoàn thành chuyên đề, bạn vẫn có thể tiếp tục việc đọc của mình), vì vậy, cần lập danh mục các tài liệu đã thu thập được (bao gồm các tác phẩm của tác giả và các bài viết về tác giả, tác phẩm) để bạn có thể dễ dàng lựa chọn tài liệu và xây dựng được kế hoạch đọc hợp lí.

Chẳng hạn, nếu chọn tác giả Nam Cao, có thể tập hợp các tài liệu liên quan theo danh mục, từ đó chọn các tài liệu cần đọc.

Tác phẩm tiêu biểu của Nam Cao:

- Truyện ngắn trước Cách mạng: Chí Phèo (1941), Di Hảo (1941), Giăng sáng (1942), Tư cách mõ (1943), Lão Hạc (1943), Đời thừa (1943), Một bữa no (1943), Một đám cưới (1944),...

- Tiểu thuyết: Sống mòn (1944), Truyện người hàng xóm (1944),...

- Truyện, kí sau Cách mạng: Mò sâm banh (1945), Đường vô Nam (1946), Ở rừng (1947 - 1948), Đôi mắt (1948),...

Một số tài liệu nghiên cứu riêng hoặc có đề cập đến Nam Cao:

- Bích Thu (tuyển chọn và giới thiệu, 2007), Nam Cao - Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, Hà Nội.

- Tuyển tập Nam Cao (2020), NXB Văn học, Hà Nội.

Câu hỏi (trang 61 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Bạn đã tập hợp các tài liệu cần đọc về tác giả được lựa chọn chưa? Hãy cùng nhóm lập danh mục tài liệu về tác giả.

Trả lời:

Tài liệu về tác giả Nguyễn Trãi:

- Sách Văn Học - Nguyễn Trãi thơ và đời; NXB Văn học.

- Nguyễn Trãi (1380 - 1442) - Tác gia bách khoa thư Việt Nam; Trần Văn Trọng; Từ điểm học & bách khoa thư, số 1 (69), 1 - 2021.

- Nguyễn Trãi cuộc đời và tác phẩm; NXB văn học.

3. Đọc, ghi chép và tổng hợp các thông tin cần thiết về một tác giả

a. Đọc và ghi chép thông tin về tiểu sử tác giả

Những thông tin cần chú ý ghi chép:

- Tên khai sinh của tác giả và các bút danh (nếu có), năm sinh, năm mất (nếu đã mất);

- Quê quán, gia đình, đặc điểm con người;

- Thiên hướng và các chặng đường sáng tác;

- Các tác phẩm tiêu biểu;

- Các giải thưởng (nếu có).

Từ kết quả đọc và tìm hiểu thông tin về tiểu sử tác giả, bạn có thể xây dựng niên biểu tác giả (tóm lược các sự kiện theo mốc thời gian). Chẳng hạn, có thể xây dựng niên biểu về tiểu sử tác giả Nam Cao như sau:

Soạn bài Đọc về một tác giả văn học | Chuyên đề Văn 11 Kết nối tri thức

Câu hỏi (trang 62 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Bạn cần tóm lược những thông tin nào khi xây dựng niên biểu về một tác giả văn học?

Trả lời:

Những thông tin cần tóm lược khi xây dựng niên biểu về một tác giả văn học:

- Tên khai sinh của tác giả và các bút danh (nếu có), năm sinh, năm mất (nếu đã mất);

- Quê quán, gia đình, đặc điểm con người;

- Thiên hướng và các chặng đường sáng tác;

- Các tác phẩm tiêu biểu;

- Các giải thưởng (nếu có).

b. Đọc và ghi chép thông tin về tác phẩm của tác giả

*Đọc và ghi chép thông tin chi tiết

Bạn cần kết hợp giữa đọc và ghi chép. Khi đọc từng tác phẩm trong một tập thơ, cần ghi chép một số nội dung như: đề tài, thể thơ, thời điểm sáng tác, thông điệp của bài thơ, những nét nổi bật về nghệ thuật, những câu thơ tiêu biểu,... Khi đọc một truyện ngắn, cần lưu ý ghi chép: đề tài, cốt truyện/ tình huống truyện, ngôi kể, nhân vật, không gian và thời gian, ngôn ngữ trần thuật,... Với tiểu thuyết, cần đọc theo chương, phần hoặc mạch truyện, hình dung về bối cảnh trong truyện, các tuyến nhân vật và diễn biến của từng tuyến nhân vật (nhân vật trung tâm, nhân vật chính và các nhân vật phụ,...); các sự kiện (thắt nút, cao trào, mở nút); cách kể chuyện và miêu tả của tác giả. Với kí (bút kí, tuỳ bút, hồi kí,...), cần nắm bắt và ghi chép được: đề tài, sự thật cuộc sống được tái hiện, sự thể hiện cái tôi của tác giả qua cách tái hiện bức tranh cuộc sống, thông điệp được tác giả gửi gắm,... Nếu đọc kịch, cần chú ý đến cốt truyện kịch, hành động kịch (thắt nút, cao trào, mở nút), các tuyến nhân vật, xung đột, ngôn ngữ, thông điệp,... Nếu đọc văn bản nghị luận, cần chú ý đến vấn đề được bàn luận, quan điểm của người viết, cách sử dụng lí lẽ và bằng chứng, ngôn ngữ, giọng điệu,...

Một số lưu ý khi đọc tác phẩm văn học:

- Bắt đầu đọc những tác phẩm bạn đã được nghe, được biết hoặc tác phẩm có nhan đề trùng với tên của cuốn sách để tạo cảm hứng và ấn tượng ban đầu.

- Đọc với tư cách một độc giả để tiếp nhận các giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm hoặc "đọc như một nhà văn" để cảm nhận quá trình sáng tạo tác phẩm, từ đó có thể trở thành người "đồng sáng tạo" với tác giả.

- Với những tác phẩm có dung lượng lớn, thời gian đọc thường kéo dài và người đọc có thể phải tạm ngừng nhiều lần. Nhưng với từng chương, phần cụ thể thì cần bố trí thời gian để đọc trọn vẹn, tránh làm ngắt quãng mạch cảm xúc.

- Vận dụng những kĩ năng đã được rèn luyện trong quá trình đọc văn bản như liên tưởng, tưởng tượng, suy luận, kết nối,... để có thể theo dõi từng chi tiết, hình ảnh, mạch cảm xúc của tác phẩm.

*Tổng hợp, đánh giá

- Tổng hợp về từng cuốn sách:

Có thể tổng hợp, kết nối các tác phẩm và nhận xét chung về từng cuốn sách theo một số nội dung sau: các chủ đề chính được thể hiện; giá trị chung của cuốn sách (bao gồm giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật nổi bật); những nét riêng, dấu ấn riêng mà tác phẩm để lại trong lòng người đọc; vị trí của cuốn sách trong sự nghiệp sáng tác của tác giả.

Nếu bạn đọc một tuyển tập có tập hợp các tác phẩm bao gồm nhiều thể loại thì nội dung tổng hợp tương ứng với việc bao quát từng thể loại trong sáng tác của tác giả.

- Đánh giá chung:

Đọc kết nối các cuốn sách hoặc các thể loại trong sáng tác của tác giả sẽ cho bạn một cái nhìn bao quát, đầy đủ về toàn bộ quá trình sáng tác. Khi đánh giá, có thể hướng về các nội dung:

+ Các giai đoạn sáng tác, thể loại sáng tác chính và các tác phẩm tiêu biểu cho từng giai đoạn, từng thể loại;

+ Chủ đề nổi bật được đề cập trong các tác phẩm;

+ Những vấn đề trọng tâm được đặt ra trong các tác phẩm (theo đặc điểm thể loại đã nêu ở trên), cách giải quyết của tác giả đối với từng vấn đề;

+ Những điểm nổi bật về nghệ thuật trong các tác phẩm;

+ Vị trí của các tác phẩm trong nền văn học.

c. Đọc và ghi chép những nghiên cứu, nhận định về tác giả

Đọc các bài viết về tác giả (bao gồm bài viết về con người, phong cách nghệ thuật; về các sáng tác cụ thể làm nên tên tuổi;...) sẽ giúp bạn có thêm những thông tin cần thiết nhằm định hướng cho việc tìm hiểu; có thêm điểm tựa để khẳng định được giá trị của các tác phẩm và vị trí, đóng góp của tác giả.

Thông thường, về các tác giả lớn, số lượng bài viết, công trình nghiên cửu có khá nhiều. Có thể tra cứu và tìm đọc các bài viết, công trình theo một số từ khóa liên quan đến mục tiêu đọc mà bạn lựa chọn (những nội dung trọng tâm đã được tổng kết, đánh giá khi đọc tác phẩm). Chẳng hạn, sau khi đã đọc các truyện ngắn của Nam Cao, có thể tìm đọc một số bài viết có liên quan, qua đó hiểu thêm về các đề tài, nhân vật, nghệ thuật viết truyện ngắn và cảm hứng trong các sáng tác của nhà văn, từ đó nhận diện được phong cách nghệ thuật của tác giả này.

Khi đọc các bài viết về tác giả, có thể ghi lại những nhận định, đánh giá đã có theo từng vấn đề:

- Cuộc đời và sự nghiệp;

- Các chặng đường sáng tác và những yếu tố chi phối;

- Quan điểm, khuynh hướng sáng tác, giá trị các tác phẩm;

- Phong cách nghệ thuật của tác giả;

- Vị trí của tác giả trong nền văn học dân tộc.

d. Tổng hợp các nội dung đã đọc và ghi chép

Với việc đọc, ghi chép các nội dung liên quan đến tiểu sử, những nghiên cứu, nhận định về tác giả, tác phẩm, bạn đã có được một lượng thông tin phong phú, đủ để xây dựng bộ hồ sơ đọc của cá nhân/ nhóm. Có thể ghi lại toàn bộ kết quả đọc đó theo gợi ý trong phiếu sau:

Soạn bài Đọc về một tác giả văn học | Chuyên đề Văn 11 Kết nối tri thức

Việc đọc về một tác giả cần được đầu tư thời gian nghiêm túc với sự huy động nhiều tri thức, kĩ năng. Để đạt được kết quả tích cực, bạn cần tham khảo ý kiến của thầy cô trong từng bước thực hành.

Câu hỏi (trang 64 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Xây dựng kế hoạch đọc – tìm hiểu về một tác giả (tự chọn) có tác phẩm được học trong chương trình, sách giáo khoa môn Ngữ văn (từ lớp 6 đến lớp 11).

Trả lời:

Kế hoạch đọc - tìm hiểu về tác giả Nguyễn Trãi

1. Lựa chọn và định hướng đọc

- Tác giả Nguyễn Trãi. 

- Lí do lựa chọn: Nguyễn Trãi là một trong những bậc đại anh hùng dân tộc và là một nhân vật toàn tài hiếm có của lịch sử Việt Nam trong thời đại phong kiến. Có rất nhiều tư liệu lịch sử viết về ông.

2. Xây dựng hồ sơ về một tác giả

Tập hợp các tài liệu cần đọc về tác giả:

- Sách Văn Học - Nguyễn Trãi thơ và đời; NXB Văn học.

- Nguyễn Trãi (1380 - 1442) - Tác gia bách khoa thư Việt Nam; Trần Văn Trọng; Từ điểm học & bách khoa thư, số 1 (69), 1 - 2021.

- Nguyễn Trãi cuộc đời và tác phẩm; NXB văn học.

3. Đọc ghi chép và tổng hợp các thông tin cần thiết về một tác giả

a. Đọc và ghi chép thông tin về tiểu sử tác giả:

- Tên khai sinh của tác giả và các bút danh (nếu có), năm sinh, năm mất (nếu đã mất);

- Quê quán, gia đình, đặc điểm con người;

- Thiên hướng và các chặng đường sáng tác;

- Các tác phẩm tiêu biểu;

- Các giải thưởng (nếu có).

b. Đọc và ghi chép thông tin về tác giả 

- Đọc và ghi chép những thông tin chi tiết về tác phẩm của tác giả Nguyễn Trãi

- Tổng hợp và đánh giá:

+ Tổng hợp về từng cuốn sách

+ Đánh giá chúng

c. Đọc và ghi chép những nghiên cứu, nhận định về tác giả Nguyễn 

d. Tổng hợp lại các nội dung đã đọc và những ghi chép.

Đánh giá

0

0 đánh giá