Tailieumoi.vn giới thiệu Soạn Chuyên đề Ngữ văn 11 Chuyên đề 1: Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học trung đại Việt Nam sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách soạn bài Chuyên đề học tập Ngữ văn 11. Mời các bạn đón xem:
Soạn bài Chuyên đề 1: Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học trung đại Việt Nam
1. Ngôn ngữ và chữ viết của văn học trung đại Việt Nam
Văn học viết Việt Nam thời trung đại chủ yếu sử dụng hai loại chữ viết: chữ Hán và chữ Nôm. Sau khi giành được độc lập dân tộc, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, cha ông ta đã chủ động mượn chữ Hán để làm công cụ quản trị đất nước, kiến tạo nền học thuật và giáo dục của mình. Chữ Hán đã được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống, trong đó có lĩnh vực văn học. Mượn văn tự Hán như một phương tiện hữu hiệu, người Việt đã truyền tải một cách thành công tư tưởng và tâm hồn dân tộc qua các tác phẩm văn học. Thông qua việc học tập và sử dụng chữ Hán, cha ông ta đã vay mượn nhiều từ ngữ tiếng Hán để bổ sung vào kho từ vựng tiếng Việt, giúp tiếng Việt ngày càng trở nên phong phú. Những từ ngữ gốc Hán này trở thành bộ phận của tiếng Việt, đồng thời được sử dụng ngày một thuần thục trong các sáng tác văn học.
Trước nhu cầu phát triển tiếng Việt cũng như nền văn hóa tự chủ của mình, cha ông ta đã mượn chất liệu văn tự Hán để sáng tạo ra chữ Nôm. Chữ Nôm nhanh chóng phát triển và sớm được dùng vào sáng tác văn chương; loại chữ viết này trở thành công cụ độc đáo để ghi âm tiếng Việt, giúp ngôn ngữ dân tộc ngày càng phát triển mạnh mẽ.
2. Điểm nhìn văn học trung đại Việt Nam
Văn học trung đại Việt Nam vận động, phát triển theo sự chi phối đồng thời của lịch sử xã hội, lịch sử quốc gia dân tộc; sự vận động nội tại của đời sống ngôn ngữ và văn học. Có thể khái quát diễn trình văn học trung đại Việt Nam qua bốn giai đoạn như sau:
* Giai đoạn thế kỉ X – thế kỉ XIV
Việc dạy học chữ Hán ở Giao Châu từ trước thế kỉ X cùng với sự phát triển của các dòng Thiền đã tạo ra tầng lớp trí thức và một số tác phẩm văn học đầu tiên. Tuy ít ỏi nhưng đó là cơ sở để sau khi giành được độc lập dân tộc, quốc gia phong kiến tự chủ đã xây dựng được nền học thuật Đại Việt buổi đầu. Các hệ tư tưởng Nho – Phật – Đạo thịnh hành đã tạo nên một không khí dân chủ, khai phóng cho đời sống văn hóa tinh thần. Đội ngũ tác giả văn học giai đoạn này chủ yếu là các nhà sư và trí thức cung đình. Thể loại chủ yếu là văn học chức năng và thơ luật. Cảm hứng chủ đạo của các sáng tác là tinh thần yêu nước, thể hiện rõ ở niềm tự hào dân tộc, khát vọng tự chủ của quốc gia. Hào khí Đại Việt được phát triển từ tinh thần văn hóa bản địa đã khơi mở dòng mạch văn chương nước nhà một cách mạnh mẽ.
* Giai đoạn thế kỉ XV – thế kỉ XVII
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược, sự nghiệp phục hưng dân tộc, chấn hưng văn hóa được nhà nước phong kiến chủ động đẩy mạnh. Khoa cử chữ Hán được chú trọng, Nho học và văn hóa Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chủ lưu. Tầng lớp trí thức xuất thân từ nhiều giai tầng xã hội ngày một đông đảo, văn chương vẫn gắn liền với chính trị và học thuật nhưng tự nó đã tạo được một đời sống riêng. Cảm hứng ngợi ca nền thái bình thịnh trị ở thế kỉ XV với phong cách trang nhã chiếm ưu thế. Cuối giai đoạn này, các thể loại văn chương hình tượng dần phát triển mạnh mẽ. Văn học viết bằng chữ Nôm ngày càng phổ biến rộng rãi, tiếng Việt trở thành công cụ biểu đạt đời sống tâm thức Việt một cách hữu hiệu và độc đáo.
* Giai đoạn thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX
Những biến động dữ dội của lịch sử, xã hội giai đoạn này đã tạo ra một bước ngoặt thực sự của văn học. Tầng lớp trí thức nói chung và nhà văn, nhà thơ nói riêng đối diện với những vấn đề lớn của hiện trạng đất nước, của số phận con người. Văn học trở thành tiếng nói đấu tranh cho các giá trị nhân bản, nhân sinh. Bên cạnh các thể văn vần vốn đã khá quen thuộc, nhiều thể văn xuôi được viết bằng cả chữ Hán và chữ Nôm (vốn ít bị gò bó về hình thức) đã được lựa chọn để có thể phản ánh hiện thực đời sống bộn bề rộng lớn. Tinh thần nhân đạo với những suy tư sâu sắc về thân phận con người trở thành cảm hứng xuyên suốt của văn học giai đoạn này.
* Giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX
Thực dân Pháp xâm lược nước ta, vấn đề tồn vong của dân tộc – quốc gia một lần nữa được đặt ra bức thiết. Vốn gắn chặt với số phận đất nước và nhân dân, văn chương trở thành một vũ khí mạnh mẽ đấu tranh với kẻ thù ngoại xâm. Cảm hứng xuyên suốt của văn học giai đoạn này là cảm hứng yêu nước chống giặc với âm hưởng bi tráng. Phong cách trang nhã, hoa mĩ của đội ngũ tác giả trí thực cung đình nhường hẳn cho tiếng nói ái quốc nhiệt huyết của nhân dân và sĩ phu xuất thân áo vải. Cùng với những sáng tác viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, giai đoạn này bắt đầu có sự xuất hiện của các sáng tác viết bằng chữ quốc ngữ. Xu hướng cách tân, hiện đại hóa có những dấu hiệu ngày càng rõ rệt.
3. Một số xu hướng vận động chủ yếu của văn học trung đại Việt Nam
Về sự vận động, phát triển của lịch sử văn học Việt Nam thời trung đại, có thể khái quát ngắn gọn thành một số quy luật chủ yếu. Trong những quy luật này, có những quy luật mang tính xuyên suốt và chi phối tiến trình văn học, nhưng cũng có quy luật chỉ ứng riêng với một vài giai đoạn hoặc một số khía cạnh nhất định nào đó của đời sống văn học.
- Văn học viết bằng chữ Nôm ngày càng phát triển mạnh mẽ bên cạnh văn học viết bằng chữ Hán, tạo nên hiện tượng “song ngữ” độc đáo: Tuy thuật ngữ “song ngữ” đã quen dùng nhưng đúng ra phải nói là “hai văn tự”. Chữ Hán không dùng để ghi ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày của người Việt, mà chỉ là loại văn tự được dùng để sáng tác. Chữ Nôm mới đích thực là chữ viết ghi ngôn ngữ Việt. Từ chỗ chỉ có văn học viết bằng chữ Hán đến chỗ có thêm văn học viết bằng chữ Nôm là sự bổ sung và bù đắp đặc biệt có ý nghĩa. Từ một phương diện khác, cũng có thể xem đó quy luật vận động nội tại của bộ văn hóa và ngôn ngữ: trong khi bộ phận văn học viết bằng chữ Hán thể hiện dấu vết ngoại lai rõ nét thì bộ phận văn học viết bằng chữ Nôm đã tăng cường tính dân tộc, khẳng định tính nội sinh của văn học Việt Nam. Những tác phẩm lớn, đạt đến tầm kinh điển như Truyện Kiều của Nguyễn Du cho thấy rõ dấu ấn sâu đậm của bản sắc ngôn ngữ văn học dân tộc.
- Từ đề tài, chủ đề quan phương đến các đề tài, chủ đề hướng vào sự đa dạng của đời sống: Do những vấn đề đặt ra của lịch sử xã hội, ở giai đoạn 1 (thế kỉ X – thế kỉ XIV), văn học quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề thời sự, chính trị của đất nước: công cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng và củng cố thiết chế nhà nước. Hình ảnh con người trong tác phẩm hướng đến cái ta, hướng đến cộng đồng, khát vọng thực hiện lí tưởng của thời đại là trung quân, ái quốc, ưu dân. Đến những giai đoạn sau, mặc dù tính quan phương vẫn chiếm ưu thế, nhưng những vấn đề thuộc về đời sống xã hội, thân phận cá nhân của con người,… đã được đặt ra và thôi thúc sự suy tư của nhà văn – trí thức Nho học. Việc hướng hiện thực muôn mặt của đời sống giúp văn học khám phá ra nhiều đề tài cụ thể mới mẻ. Nhiều tác phẩm đi sâu hơn vào khám phá và khái quát mâu thuẫn xã hội, vào số phận cá nhân và đời sống nội tâm của con người.
- Từ đội ngũ sáng tác là trí thức cung đình đến đội ngũ sáng tác là Nho sĩ bình dân: Ở những thời kì đầu, nền giáo dục – khoa cử chữ Hán mới chỉ hạn chế trong cung đình và tầng lớp quan lại lớp trên, nên dễ hiểu là đội ngũ trí thức, đội ngũ sáng tác văn học còn ít, thành phần chưa đa dạng. Càng về sau, giáo dục càng được nhà nước phong kiến tự chủ quan tâm, việc học tập – thi cử được mở rộng và mang tính đại chúng cao hơn; lớp trí thức xuất thân bình dân xuất hiện đông đảo. Hiện tượng này đã thổi một luồng gió mới vào đời sống xã hội, tạo nên sự thay đổi diện mạo nền học thuật Đại Việt và bổ sung một đội ngũ sáng tác hùng hậu cho đời sống văn học.
- Từ sáng tác mang tính chức năng đến sáng tác theo cảm hứng thẩm mĩ: Chịu ảnh hưởng tư tưởng “văn trị, giáo hóa” và thể thức hành chính quan phương của văn chương Trung Hoa cổ điển, văn học Việt Nam thời kì đầu tự khuôn mình vào tư duy “tải đạo”, “ngôn chí”. Sự quy phạm hóa không chỉ diễn ra ở phương diện hình thức mà còn ở phương diện nội dung. Trong giai đoạn đầu, chúng ta chưa có “sáng tác” hay “sáng tạo nghệ thuật ngôn từ” đúng nghĩa, mà hầu như mới chỉ có tác phẩm mang tính công thức; giá trị cao nhất của một tác phẩm văn chương được nhìn nhận căn cứ vào việc nó đã thực thi ra sao các chức năng ban bố chính lệnh hay thể hiện giáo lí. Càng về sau, sáng tác văn học càng chuyển biến mạnh mẽ theo cảm hứng nghệ thuật, thẩm mĩ, tiệm cận thực đời sống, khám phá thế giới tinh thần của con người,…
- Từ khuynh hướng quy phạm, trang nhã đến khuynh hướng phá cách, bình dị: Biểu hiện rõ ràng nhất của khuynh hướng này thể hiện ở phong cách văn chương từ chỗ nghiêng về đề tài cao cả, trang trọng với hình tượng nghệ thuật tao nhã, mĩ lệ và ngôn từ trau chuốt, hoa mĩ,… đến chỗ tiếp cận các đề tài bình dị, chân chất với hình tượng nghệ thuật sinh động, gần gũi và ngôn từ mộc mạc, giản dị. Ngôn từ đậm tính “khuôn vàng thước ngọc” của văn chương khoa cử đã hòa thanh cùng lời quê dân dã, tạo nên sự khởi sắc, đa dạng của thế giới văn chương Việt.
- Từ việc chỉ dùng thể loại vay mượn đến việc sáng tạo thêm các thể loại văn học mới: Ở giai đoạn đầu, các thể loại văn học hành chính chức năng như hịch, cáo, chiếu biểu,… hay thể loại thơ ca nặng tính công thức như thơ luật vốn được vay mượn từ Trung Quốc hoàn toàn chiếm ưu thế. Từ sau thế kỉ XV, chữ Nôm được dùng nhiều trong sáng tác, đội ngũ tác giả xuất thân bình dân trở nên đông đảo, nhu cầu thưởng thức và biểu hiện ngày càng đa dạng, các yếu tố bản sắc văn hóa và ngôn ngữ được chú ý rõ rệt hơn,… đã thúc đẩy những thể nghiệm nghệ thuật đa dạng, dẫn đến sự ra đời của nhiều thể loại mới. Thơ lục bát, song thất lục bát, hát nói, truyện thơ,… nhanh chóng phát triển và chiếm lĩnh đời sống tinh thần của đông đảo nhân dân.
- Từ “văn - sử - triết bất phân” đến việc phân định ranh giới rõ nét giữa văn chương với các văn bản ngôn từ khác: Sự vận động này diễn ra âm thầm, tuy không có tuyên ngôn nhưng đạt được thành quả lớn, thể hiện sự chuyển hóa nhận thức về đặc trưng, chức năng năng và giá trị của văn học. “Văn - sử - triết bất phân” là một cách nói gọn của thực tiễn đời sống học thuật thời trung đại ở phương Đông: văn học, lịch sử, tư tưởng, chính trị, luân lí, giáo dục,… chưa có sự phân tách về chức năng, thể loại, ngôn từ,… Điều này xuất phát từ định chế “văn trị - giáo hóa” theo đường lối Nho học, trong đó, khái niệm “văn” hay “văn chương” có hàm nghĩa rộng, bao trùm tri thức và văn hiến về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Cùng với sự phát triển và nhu cầu của cuộc sống, văn học đã dần phân tách khỏi các lĩnh vực khác, tự vận động thành một mạch chảy riêng khởi từ nguồn chung.
Văn học Việt Nam thời trung đại được xây dựng, phát triển dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc; chịu sự tác động, chi phối và ảnh hưởng qua lại với văn hóa, văn học dân gian một cách sâu sắc. Văn hóa Việt Nam có cội nguồn bản địa, trải qua quá trình phát triển hàng ngàn năm lịch sử, đã định hình những đặc trưng căn bản: Tính cộng đồng, vốn là biểu hiện độc đáo của cư dân gốc nông nghiệp; Tính thống nhất trong sự đa dạng, biểu hiện rõ nét qua văn hóa của các tộc người trong không gian văn hóa Việt Nam; Tính dung hòa, biểu hiện ở khả năng dung nạp, tiếp nhận, biến đổi các yếu tố văn hóa ngoại sinh để làm phong phú nền văn hóa của mình; Tính thực tiễn, chú trọng đến các vấn đề xã hội và đời sống, trân trọng và đề cao con người với tinh thần lạc quan, khát vọng sống mạnh mẽ; Tính hướng nội, thể hiện rõ nhất ở xu hướng khẳng định các giá trị tinh thần, hướng vào đời sống nội tâm, suy tư sâu sắc về các vấn đề luân lí, đạo đức;… Những đặc trưng trên được thể hiện đậm nét ở nhiều phương diện của đời sống văn hóa và kho tàng văn học dân gian phong phú, đa dạng. Văn hóa, văn học dân gian của dân tộc chính là nền tảng, cội nguồn của nền văn học viết rực rỡ thời trung đại.
Phần 1: Tập nghiên cứu về một vấn đề văn học trung đại Việt Nam
I. Xác định đề tài, vấn đề, mục tiêu, nội dung, phương pháp nghiên cứu và lập kế hoạch nghiên cứu
1. Xác định đề tài, vấn đề nghiên cứu
Đề tài, vấn đề nghiên cứu cần xuất phát từ nội dung học tập trong chương trình, từ đó mở rộng và bước đầu đi sâu hơn vào một khía cạnh nhất định. Với tính chất “tập nghiên cứu”, các đề tài, vấn đề được lựa chọn không nhất thiết hoàn toàn mới; phạm vi nội dung nên giới hạn ở một khía cạnh cụ thể, tránh lựa chọn những vấn đề quá khó, quá rộng hoặc quá chuyên sâu.
Sau đây là một số hướng lựa chọn đề tài, vấn đề nghiên cứu mà bạn có thể tham khảo:
- Nghiên cứu theo hướng “giải mã”, phân tích giá trị của một tác phẩm hoặc đoạn trích tác phẩm văn học trung đại. Gợi ý một số đề tài cụ thể:
(1) Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật bài thơ Cảm hoài của Đặng Dung.
(2) Tác phẩm Thiên đô chiếu của Lý Công Uẩn: Từ giá trị lịch sử đến giá trị văn học.
(3) “Giải mã” tác phẩm Quốc tộ của thiền sư Pháp Thuận.
(4) Giá trị nội dung và nghệ thuật đoạn trích Trao duyên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du (sách giáo khoa Ngữ văn 11, tập hai).
- Nghiên cứu một hình tượng hoặc một khía cạnh giá trị nội dung tư tưởng trong một hoặc nhóm tác phẩm văn học trung đại. Gợi ý một số đề tài cụ thể:
(1) Tư tưởng và cảm hứng nhân nghĩa trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.
(2) Hình tượng trăng trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi.
(3) “Chí nam nhi” trong một số tác phẩm văn học trung đại Việt Nam.
- Nghiên cứu, lí giải cách hiểu về một hoặc một số chi tiết, hình ảnh, từ ngữ, điển cố,… trong tác phẩm văn học trung đại. Gợi ý một số đề tài cụ thể:
(1) Ý nghĩa của chi tiết cái bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.
(2) Khảo sát và tìm hiểu ý nghĩa của các điển cố trong một số trích đoạn Truyện Kiều (sách giáo khoa Ngữ văn 11, tập 2).
(3) Từ Hán Việt trong bài thơ Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan.
- Nghiên cứu một khía cạnh nghệ thuật, một đặc điểm phong cách hoặc một vấn đề trong tính lí luận trong tác phẩm văn học trung đại. Gợi ý một số đề tài cụ thể:
(1) Nghệ thuật lập luận trong Dụ chư tì tướng hịch văn của Trần Quốc Tuấn.
(2) Nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật trong đoạn trích Trao duyên (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du).
(3) Bút pháp trữ tình trong Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu.
- Nghiên cứu theo hướng so sánh văn học. Gợi ý một số đề tài cụ thể:
(1) Cảm xúc mùa thu trong bài Thu hứng của Đỗ Phủ và bài Thu vịnh của Nguyễn Khuyến.
(2) Hình tượng cây tùng trong thơ Nôm của Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm.
(3) Chất liệu văn học dân gian trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Còn rất nhiều hướng nghiên cứu khác về văn học trung đại Việt Nam sẽ tiếp tục được giới thiệu ở các lớp/ cấp học cao hơn. Việc dựa vào các hướng nghiên cứu được gợi ý để đề xuất một đề tài mới sẽ giúp bạn hình thành năng lực nghiên cứu của mình.
Câu hỏi (trang 11 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11 – Kết nối): Từ các hướng nghiên cứu và các dạng đề tài được gợi ý ở trên, bạn sẽ chọn đề tài nào, vấn đề nào?
Trả lời:
* Đề tài nghiên cứu: Nghiên cứu một khía cạnh nghệ thuật, một đặc điểm phong cách hoặc một vấn đề trong tính lí luận trong tác phẩm văn học trung đại.
* Vấn đề nghiên cứu: Nghệ thuật lập luận trong Dụ chư tì tướng hịch văn của Trần Quốc Tuấn.
Nghệ thuật nghị luận ở phần thứ ba của bài hịch có hai đặc điểm nổi bật là:
- Lập luận chặt chẽ bằng một hệ thống luận điểm, luận cứ sắc bén, toàn diện để dẫn dắt, thuyết phục người nghe đi tới mục đích cuối cùng là quyết tâm chiến đấu tiêu diệt giặc.
- Sử dụng các phép trùng điệp, liệt kê, đối lập một cách rất tài tình và thích hợp trong từng luận điểm để tạo được sức thuyết phục mạnh mẽ.
Để xác định đề tài, vấn đề nghiên cứu, cần trả lời một số câu hỏi sau: - Đề tài, vấn đề bạn lựa chọn có liên quan như thế nào đến nội dung, yêu cầu học tập của chương trình? - Đề tài, vấn đề ấy đã có nhiều người nghiên cứu hay chưa? Bạn dự kiến cách triển khai và đóng góp của mình là gì? - Bạn có khả năng tìm kiếm tài liệu từ những nguồn nào để phục vụ cho đề tài, vấn đề nghiên cứu? - Các tác phẩm văn học trung đại có rất nhiều bản dịch, phiên âm khác nhau. Bạn có kinh nghiệm gì hoặc dự kiến xin tư vấn của ai để có thể lựa chọn được ngữ liệu văn bản tốt nhất? |
2. Xác định mục tiêu, nội dung nghiên cứu
- Trước hết, cần xác định rõ mục tiêu cụ thể mà báo cáo nghiên cứu hướng đến. Mục tiêu được xác định dựa vào đề tài, vấn đề nghiên cứu. Mục tiêu quy định nội dung triển khai và phương pháp nghiên cứu. Khi xác định mục tiêu nghiên cứu, cần chú ý: tính rõ ràng, cụ thể; phù hợp và khả thi.
- Một đề tài cụ thể có thể được triển khai theo những hướng khác nhau, vì vậy, cần căn cứ vào mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ đã đề ra để xác định phạm vi nội dung nghiên cứu. Có thể phân thành nội dung trọng tâm để hình thành các luận điểm lớn. Các luận điểm chính cần có quan hệ logic với nhau, nhằm hướng đến một mục tiêu khái quát.
Để xác định được mục tiêu, nội dung nghiên cứu, cần trả lời những câu hỏi sau: - Thực hiện đề tài, vấn đề nghiên cứu này nhằm hướng tới điều gì? - Những công việc gì cần tiến hành để đạt được mục tiêu đã xác định? - Nội dung chính sẽ chia làm mấy luận điểm? - Các luận điểm ấy có liên quan với nhau như thế nào? |
3. Xác định phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu là hệ thống các biện pháp, cách thức tiến hành để đạt được mục tiêu nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu cần phù hợp với đề tài, vấn đề, nội dung nghiên cứu. Trong phạm vi mỗi phương pháp nghiên cứu có những thao tác, thủ pháp nghiên cứu khác nhau. Hiện nay, trong nghiên cứu văn học, các nhà nghiên cứu sử dụng phối hợp rất nhiều phương pháp. Tuy vậy, với mức độ yêu cầu thực hành tập nghiên cứu đối với học sinh cấp học sinh THPT, cần ưu tiên lựa chọn những phương pháp phổ biến, dễ vận dụng.
Một số phương pháp và thao tác nghiên cứu có thể áp dụng với đề tài của mình: phương pháp nghiên cứu tiểu sử tác giả, phương pháp nghiên cứu văn học sử, phương pháp phân tích tác phẩm văn học, phương pháp so sánh,…; thao tác khảo sát, thao tác thống kê, thao tác phân loại,…
Cần xác định được phương pháp nghiên cứu, cần trả lời những câu hỏi sau: - Cần thực hiện đề tài và giải quyết vấn đề nghiên cứu theo hướng nào? - Với đề tài, vấn đề đã xác định, việc sử dụng hệ thống số liệu, minh chứng,… có cần thiết không? Làm thế nào để có được những số liệu, minh chứng… ấy? |
4. Lập kế hoạch nghiên cứu
Việc lập được kế hoạch nghiên cứu chi tiết, xác định được hướng bổ sung và điều chỉnh kế hoạch trong quá trình thực hiện,… thể hiện rõ phẩm chất và năng lực nghiên cứu khoa học của bạn. Nhằm nâng cao kĩ năng thực hiện công việc này, cần tham khảo các gợi ý được thể hiện trong bảng ở trang sau:
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN BÁO CÁO NGHIÊN CỨU Đề tài: Người thực hiện: Người lập kế hoạch: |
||||
STT |
Hoạt động |
Kết quả, sản phẩm dự kiến |
Thời gian thực hiện |
Phân công nhiệm vụ |
1 |
Sưu tầm, phân loại sơ bộ tài liệu |
- Các văn bản ngữ liệu - Tài liệu nghiên cứu có liên quan - Tranh ảnh, bảng biểu, số liệu,… có liên quan |
1 tuần |
Nhóm |
2 |
Đọc phân tích, tổng hợp số liệu |
- Phiếu khảo sát văn bản ngữ liệu - Hình thành bảng số liệu thống kê, khảo sát (nếu có) - Phiếu đề xuất các ý kiến trích dẫn (các loại phiếu cần quy ước đánh số/ kí hiệu, dự kiến sử dụng) |
1 tuần |
Nhóm (phân công kiểm tra chéo sản phẩm của nhau) |
3 |
Thống nhất đề cương nghiên cứu |
- Bản đề cương chi tiết - Các mẫu phiếu đọc tài liệu |
1 buổi |
- Nhóm trưởng (điều hành) - Thành viên (thảo luận, thống nhất) |
4 |
Tham khảo ý kiến chuyên gia về các công việc đã thực hiện |
- Bản ghi chép - Bản tiếp thu và điều chỉnh |
1 ngày |
Nhóm |
5 |
Hoàn thành hồ sơ, tài liệu nghiên cứu |
- Danh mục tài liệu tham khảo và trích dẫn - Tranh ảnh, bảng biểu,… có liên quan |
1 ngày |
Nhóm |
6 |
Viết báo cáo nghiên cứu |
- Bảng phân công chi tiết - Bản báo cáo nghiên cứu (sơ khảo) |
1 tuần |
- Nhóm trưởng (điều hành) - Thành viên (thảo luận, thống nhất) - Cá nhân/ nhóm thực hiện nhiệm vụ |
7 |
Hoàn thành báo cáo và đọc góp ý |
- Chỉnh lí sơ bộ về hình thức và nội dung bản báo cáo lần 1 - Bản ghi chép góp ý của từng thành viên và chuyên gia |
3 ngày |
- Nhóm trưởng (điều hành) - Thư kí (ghi chép) - Phân công đọc chéo các sản phẩm riêng |
8 |
Điều chỉnh báo cáo sau tiếp thu góp ý |
Chỉnh sửa bản báo cáo lần 2 |
3 ngày |
- Nhóm trưởng (điều hành) - Thư kí (tổng hợp) |
9 |
Hoàn thành báo cáo |
- Chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo - In ấn và nộp báo cáo nghiên cứu |
1 ngày |
Nhóm |
Để lập kế hoạch nghiên cứu chi tiết cho đề tài, vấn đề đã lựa chọn, cần lưu ý những điểm sau: - Kế hoạch cần cụ thể, chi tiết và khoa học vì nó sẽ góp phần quyết định chất lượng của bản báo cáo. - Điều chỉnh kế hoạch nghiên cứu khi có góp ý hợp lí. - Cần chú ý năng lực của từng thành viên trong việc phân công nhiệm vụ. Mọi thảo luận, góp ý phải thiết thực, dân chủ, chân thành và tôn trọng lẫn nhau. |
II. Thu nhập, xử lí và tổng hợp thông tin
1. Thu thập, tra cứu và phân loại thông tin
a. Thu thập thông tin, tài liệu
Bạn cần trang bị cho mình những hiểu biết nhất định về các loại từ điển, sách công cụ; các tài liệu cung cấp ngữ liệu văn bản.
Một số loại từ điển và sách công cụ tra cứu về văn học trung đại: - Từ điển Hán – Việt - Từ điển văn học - Từ điển điển cố văn học - Các tổng hợp, hợp tuyển, tuyển tập,… văn học có liên quan đến nguồn ngữ liệu. |
b. Tra cứu và phân loại thông tin, tài liệu
- Cần mở rộng phạm vi tìm tòi để có thể bao quát được nguồn tài liệu có liên quan. Các nguồn tư liệu và tài liệu cần khai thác: tư liệu điền dã tại di tích thờ tự liên quan đến tác giả, tài liệu của dòng họ tác giả; thư viện của các đơn vị, cơ quan hoặc thư viện, tủ sách cá nhân; những chỉ dẫn tìm kiếm trên internet, trang thông tin điện tử chính thức của các cơ quan nghiên cứu và tổng mục lục của các tạp chí văn học, ngôn ngữ,…
- Với đề tài, vấn đề nghiên cứu có quá nhiều thông tin, trước hết bạn cần tra cứu, đọc lướt những tài liệu đáng tin cậy và bước đầu phân loại chúng (theo nội dung, tính chất tài liệu,…).
2. Xử lí và tổng hợp thông tin
a. Đọc, ghi chép, lựa chọn ngữ liệu
- Đây là công việc quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến kết quả của đề tài. Đọc để hình thành ý tưởng nghiên cứu, từ đó xây dựng, phát triển luận điểm là công việc diễn ra đầu tiên nhưng xuyên suốt quá trình thực hiện đề tài.
- Khi đã xác định đề tài, việc đọc sẽ có được một định hướng cơ bản; khi xây dựng đề cương nội dung nghiên cứu, việc đọc cần gắn liền với ghi chép, lựa chọn – sắp xếp các dẫn chứng để phục vụ cho việc triển khai luận điểm.
b. Đọc, ghi chép các ý kiến có thể được sử dụng làm trích dẫn
Mẫu phiếu ghi nội dung trích dẫn hoặc dẫn chứng dự kiến sử dụng: (Số thứ tự hoặc kí hiệu phiếu: ghi theo nhu cầu, mục đích sử dụng) - Phân loại: ghi thông tin phân loại trích dẫn, dẫn chứng theo yêu cầu của đề tài. - Dự kiến sử dụng: dùng cho nội dung nào, luận điểm nào của báo cáo nghiên cứu. - Mục đích của việc đưa ra trích dẫn: được dùng cho mục đích gì. - Nội dung trích dẫn: sao nguyên văn nội dung ý kiến hoặc dẫn chứng dự định trích dẫn. - Nguồn trích dẫn: sử dụng kí hiệu để có sự tương ứng với danh mục tài liệu tham khảo, ghi rõ số trang của nội dung trích dẫn tại tài liệu được trích dẫn. |
c. Lập hồ sơ nghiên cứu
- Hồ sơ nghiên cứu bao gồm tất cả những tư liệu, tài liệu liên quan đến đề tài, vấn đề và sản phẩm nghiên cứu. Hồ sơ cần thực hiện, sắp xếp, lưu trữ một cách khoa học để có thể sử dụng lâu dài.
- Cần phải phân loại, xử lí các tư liệu có được, sau đó tự đặt kí hiệu và sắp xếp theo một trình tự nhất định để thuận tiện trong sử dụng, lưu trữ.
III. Hình thức trình bày đề cương báo cáo nghiên cứu
Gợi ý yêu cầu về hình thức đề cương báo cáo nghiên cứu của học sinh: - Đánh máy trên khổ giấy A4 - Số trang: 4 – 6 (không tính trang bìa, lời nói đầu, tài liệu tham khảo và phụ lục); font chữ: Times New Roman; cỡ chữ: 14; dãn dòng: 1,3 – 1,5 lines; lề trái: 3cm; lề trên, lề dưới, lề phải: 2cm. |
1. Trình bày trang bìa
2. Trình bày nội dung đề cương báo cáo nghiên cứu
Phần 2: Viết báo cáo về một vấn đề văn học trung đại Việt Nam
I. Cách triển khai báo cáo
1. Nghiên cứu theo hướng “giải mã”, phân tích giá trị của một tác phẩm hoặc đoạn trích tác phẩm văn học trung đại
Chuẩn bị
- Kiểm tra lại, hệ thống hóa kết quả công việc đã thực hiện ở bước thu thập, xử lí ngữ liệu.
- Xác định, sắp xếp các ý kiến trích dẫn theo từng nhóm vấn đề.
Tìm ý, lập đề cương
* Đặt vấn đề
- Giới thiệu về tác giả: họ tên, năm sinh, năm mất (nếu đã mất), tên chữ/ tên hiệu…, quê quán, dòng tộc, thời đại; cuộc đời và sự nghiệp;…
- Giới thiệu khái quát về tác phẩm (đoạn trích); giới thiệu qua hoặc nhấn mạnh điểm đáng lưu ý về văn bản gốc và các bản phiên âm, dịch chú (nếu có);…
* Giải quyết vấn đề
- Những giới thiệu, tìm hiểu, nghiên cứu về tác phẩm đã có.
- Điểm đáng chú ý về thể loại, ngôn ngữ, cấu trúc,… của tác phẩm.
- Đề tài, chủ đề, cảm hứng của tác phẩm.
- Phân tích, đánh giá những khía cạnh/ phương diện/ vấn đề nội dung nổi bật được thể hiện trong tác phẩm.
- Mối liên hệ giữa nội dung, tư tưởng của tác phẩm với lịch sử, thời đại, xã hội.
- Mối liên hệ về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật giữa tác phẩm đang tìm hiểu với tác phẩm khác (của cùng hay khác tác giả,…).
- Hệ thống hình ảnh, hình tượng, từ ngữ và thủ pháp nghệ thuật nổi bật.
* Kết luận
- Khẳng định giá trị đặc sắc của tác phẩm (đoạn trích).
- Đề xuất những hướng nghiên cứu tiếp theo.
* Tài liệu tham khảo
Nêu danh mục các tài liệu được tham khảo, trích dẫn trong bài viết.
Viết
- Cần huy động và linh hoạt lựa chọn, “điều tiết” vốn từ ngữ. Trong báo cáo nghiên cứu, ngôn từ không cần cầu kì, trau chuốt, bay bổng; nên chú ý dùng một cách chuẩn xác các khái niệm, thuật ngữ. Các đại từ nhân xưng nếu được sử dụng phải trung tính.
- Có thể sử dụng cách diễn đạt đa dạng, cấu trúc câu văn linh hoạt để tăng tính hấp dẫn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần đảm bảo là sự rõ ràng, mạch lạc.
- Chú ý cách đưa dẫn chứng, trích dẫn phù hợp, xác thực, không dài dòng.
- Phối hợp lời văn với các sơ đồ, biểu đồ, hình minh họa, bảng thống kê,… một cách hợp lí sẽ khiến báo cáo nghiên cứu có sức thuyết phục.
- Việc trích dẫn ngữ liệu và ý kiến nghiên cứu cần đảm bảo đúng quy cách và thống nhất.
Chỉnh sửa, hoàn thiện
- Kiểm soát nội dung luận điểm, bổ sung và điều chỉnh hệ thống ý.
- Kiểm tra sự phù hợp của dẫn chứng, ý kiến trích dẫn, số liệu và các hình ảnh minh họa (nếu có).
- Rà soát các câu văn, đoạn văn để phát hiện các lỗi chính tả, ngữ pháp,… cần chỉnh sửa.
- Kiểm tra các cước chú, trích dẫn, tài liệu tham khảo, đảm bảo hình thức trình bày đúng quy cách.
Tư liệu tham khảo
Bài thơ Thuật hoài của Trần Quang Khải – tác phẩm tiêu biểu cho hào khí Đại Việt thời Trần
Mở đầu
I. Lí do chọn đề tài
II. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
III. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
IV. Phương pháp nghiên cứu
Nội dung
I. Về tác giả và hoàn cảnh sáng tác
1. Tác giả
2. Thời điểm sáng tác và hoàn cảnh ra đời của bài thơ
II. Một số vấn đề về văn bản
1. Sơ bộ tìm hiểu các dị bản và cách ghi nhan đề tác phẩm
- Diễn giải, phân tích về cách ghi nhan đề tác phẩm
2. So sánh nội dung bài thơ ở các dị bản và xác định bản đáng tin cậy
- So sánh, đối chiếu về nhận định văn bản.
III. Giải mã văn bản
Phân tích tác phẩm theo trình tự cấu trúc
1. Hai câu đầu
- Kết hợp giải thích từ ngữ và bình luận tư tưởng
2. Hai câu sau
- So sánh với tác phẩm khác
Kết luận
Khẳng định giá trị của tác phẩm
Tài liệu tham khảo
2. Nghiên cứu một hình tượng hoặc một khía cạnh giá trị nội dung tư tưởng trong một hoặc một nhóm tác phẩm văn học trung đại
Chuẩn bị
- Căn cứ đề tài đã chọn và kết quả của bước thu thập, xử lí thông tin để xác định và hệ thống hóa lại các số liệu, dẫn chứng,…
- Lựa chọn các ý kiến trích dẫn xác đáng có thể phục vụ tốt nhất cho việc làm rõ các luận điểm theo đề cương nghiên cứu.
Tìm ý, lập đề cương
* Đặt vấn đề
Giới thiệu được hình tượng hoặc khía cạnh nội dung tư tưởng nổi bật ở tác phẩm nào, của ai.
* Giải quyết vấn đề
- Hình tượng hoặc khía cạnh nội dung tư tưởng ấy có vị trí, ý nghĩa như thế nào trong việc tìm hiểu giá trị của tác phẩm?
- Tài liệu nào, của ai đã đề cập, tìm hiểu, nghiên cứu về đề tài, vấn đề bạn đang chọn?
- Hình tượng hoặc khía cạnh nội dung tư tưởng ấy có liên quan gì đến đề tài, chủ đề, cảm hứng của tác phẩm?
- Hình tượng hoặc khía cạnh nội dung tư tưởng ấy được thể hiện như thế nào trong tác phẩm?
- Nghệ thuật xây dựng, thể hiện hình tượng hoặc khía cạnh nội dung tư tưởng ấy có những điểm nào đáng chú ý cần đi sâu phân tích, đánh giá?
- Có thể tìm thấy mối liên hệ giữa hình tượng hoặc khía cạnh nội dung, tư tưởng ấy với các yếu tố lịch sử, văn hóa, xã hội,… hay không?
- Mối liên hệ của vấn đề được lựa chọn nghiên cứu với tác phẩm khác (của cùng hoặc khác tác giả)… như thế nào?
* Kết luận
- Khẳng định giá trị đặc sắc của hình tượng hoặc khía cạnh nội dung tư tưởng nổi bật trong một hoặc một nhóm tác phẩm.
- Đề xuất những hướng nghiên cứu tiếp theo.
* Tài liệu tham khảo
Nêu danh mục các tài liệu được tham khảo, trích dẫn trong bài viết.
Viết
Thực hiện theo gợi ý đã nêu trong bước viết (trang 19). Lưu ý:
- Loại đề tài này có thể cho bạn nhiều cơ hội để thể hiện năng lực cảm thụ, so sánh, nhận định, đánh giá về nhiều phương diện. Tuy vậy, vẫn cần đảm bảo tính khách quan và xác thực.
- Các tri thức lí luận, các khái niệm, thuật ngữ,… sử dụng trong báo cáo cần có sự điều tiết phù hợp. Chú ý tính cân đối, hài hòa trong việc thể hiện các luận điểm.
Chỉnh sửa, hoàn thiện
Thực hiện theo gợi ý đã nêu trong bước chỉnh sửa, hoàn thiện (trang 20). Lưu ý:
- Đề xuất phương án sửa chữa và tham khảo các ý kiến nhận xét của chuyên gia về văn phong, khái niệm, thuật ngữ để chỉnh sửa cho chính xác.
- Đảm bảo tính logic của các luận điểm và bố cục ý.
Tư liệu tham khảo
“Chí nam nhi” trong bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão
1. Quan niệm về “chí nam nhi”
- Cách nêu vấn đề của bài viết
2. “Chí nam nhi” trong bài thơ Thuật hoài
- Xây dựng hệ thống ý theo mạch nội dung của tác phẩm
- Kết hợp phân tích hình tượng với việc diễn giải các cách hiểu khác nhau với một số từ ngữ.
3. Kết luận
Tài liệu tham khảo
II. Thuyết trình về kết quả báo cáo nghiên cứu
Chuẩn bị
- Không gian thuyết trình và các phương tiện, phương thức minh họa
- Nội dung thuyết trình phù hợp với đối tượng tham dự
- Chuẩn bị nội dung cho hoạt động đối thoại, trao đổi, rút kinh nghiệm
Trình bày
- Chú ý nhấn mạnh những nội dung cốt lõi, những vấn đề mà bạn dự kiến sẽ mang lại sự hứng khởi cũng như có thể tạo ra sự tranh luận sôi nổi.
- Tránh việc đơn thuần đọc lại văn bản hay các slide trình chiếu đã chuẩn bị. Hãy làm chủ bài nói của mình, thuyết phục người nghe bằng sự tự tin, hấp dẫn của kết quả nghiên cứu đã thực hiện.
Lưu ý: “Giao tiếp” với người nghe ngay trong quá trình báo cáo là một nghệ thuật. Hãy tham vấn ý kiến thầy cô/ chuyên gia và tiếp tục tích lũy thêm kinh nghiệm.
Trao đổi
- Nêu các câu hỏi có liên quan đến nội dung thuyết trình.
- Thực hiện đối thoại rõ ràng, mạch lạc xoay quanh nội dung chính của vấn đề đang trao đổi.
- Có thái độ tôn trọng những ý kiến phản biện; cùng thảo luận để tìm ra phương án thống nhất.
Tiếp thu ý kiến, rút kinh nghiệm
- Lắng nghe, ghi chép các ý kiến trao đổi, dù đó có thể là ý kiến khác với điều mình mong muốn. Cần có tinh thần tiếp nhận ý kiến của người khác một cách cầu thị.
- Việc tiếp thu, rút kinh nghiệm có thể diễn ra tức thì tại diễn đàn/ hội thảo,… nhưng cũng có thể diễn ra sau đó.
Xem thêm các bài soạn Chuyên đề Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Chuyên đề 1: Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học trung đại Việt Nam
Chuyên đề 2: Tìm hiểu ngôn ngữ trong đời sống xã hội hiện đại
Chuyên đề 3: Đọc, viết và giới thiệu về một tác giả văn học