Soạn bài Chuyên đề 3: Đọc, viết và giới thiệu về một tác giả văn học - Kết nối tri thức

3.3 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Soạn Chuyên đề Ngữ văn 11 Chuyên đề 3: Đọc, viết và giới thiệu về một tác giả văn học sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách soạn bài Chuyên đề học tập Ngữ văn 11. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Chuyên đề 3: Đọc, viết và giới thiệu về một tác giả văn học

Tri thức tổng quát trang 58

1. Tác giả văn học lớn

Tác giả văn học lớn là người sáng tác nên những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ có giá trị nổi bật, đáp ứng được nhu cầu thẩm mĩ của đông đảo độc giả, thúc đẩy sự phát triển của văn học, góp phần làm nên tầm vóc, bản sắc độc đáo của một nền văn học, một khuynh hướng, trào lưu hoặc thời đại văn học.

2. Phong cách nghệ thuật của nhà văn

Phong cách nghệ thuật của nhà văn là hệ thống những nét độc đáo về nội dung và nghệ thuật xuất hiện thường xuyên, nhất quán trong mọi tác phẩm thuộc các chặng đường sáng tác khác nhau của tác giả, làm nên "khuôn mặt" tinh thần và đóng góp riêng của tác giả trong lịch sử văn học.

Để đánh giá một cách khách quan và sâu sắc về phong cách nghệ thuật của nhà văn, cần chú ý đến các phương diện cơ bản sau: quan niệm về con người; cảm hứng sáng tác; việc lựa chọn, xử lí để tài, xác định chủ đề, xác định đối tượng miêu tả - thể hiện chính; việc sử dụng các phương thức và phương tiện nghệ thuật;...

3. Sự nghiệp văn chương

Sự nghiệp văn chương của một tác giả là toàn bộ sáng tác văn học có giá trị của tác giả đó. Tầm vóc của một sự nghiệp văn chương không phụ thuộc vào số lượng nhiều hay ít tác phẩm. Tác giả lớn có thể sáng tác nhiều kiệt tác, song cúng có thể chỉ một hay một vài tác phẩm đạt đỉnh cao, có giá trị nổi bật, đóng góp lớn vào lịch sử văn học dân tộc, nhân loại. Một sự nghiệp văn chương lớn được xây đắp nên từ tài năng thiên bẩm, cá tính sáng tạo độc đáo; từ cảm quan sâu sắc về con người, cuộc sống và thời đại. Tất cả những yếu tố này có thể được làm rõ qua việc nghiên cứu thế giới nghệ thuật trong tập hợp những tác phẩm của một tác giả ở từng chặng đường sáng tác văn chương, qua nghiên cứu tiểu sử, tư tưởng nghệ thuật của tác giả trong mối quan hệ với bối cảnh lịch sử thời đại và hoàn cảnh sáng tác những tác phẩm đã làm nên tên tuổi một tác giả lớn.

Sự nghiệp văn chương của một tác giả thường được đánh giá qua toàn bộ chặng đường sáng tác hay chỉ qua một vài giai đoạn có nhiều thành tựu nổi bật. Những biến động hay bước ngoặt trong việc đánh giá một sự nghiệp văn chương phụ thuộc vào việc phát hiện ra những giá trị thẩm mĩ từng khuất lấp của tác phẩm hay một phương diện nghệ thuật nào đó trong sáng tác của tác giả; vào những thay đổi trong thị hiếu, kinh nghiệm thẩm mĩ của độc giả và ý thức xã hội, thời đại.

Phần 1: Đọc về một tác giả văn học

I. Ý nghĩa của việc đọc một tác giả văn học

Khi nêu vấn đề đọc về một tác giả văn học, toàn bộ những hiểu biết về tiểu sử, sự nghiệp, tư tưởng, tình cảm của tác giả, hoàn cảnh sáng tác các tác phẩm cụ thể.... đều cần được coi trọng. Những thông tin này giúp chúng ta không chỉ hiểu sâu hơn về một tác phẩm mà còn hình dung được rõ hơn về con đường đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp của tác giả cùng những mối liên hệ với bối cảnh lịch sử cụ thể của đất nước, dân tộc, thời đại.

Đối với những tác giả văn học có khối lượng tác phẩm phong phú, việc đọc rộng ra nhiều tác phẩm của họ kết hợp với việc tìm hiểu những thông tin về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tình cảm, hoàn cảnh sáng tác,... sẽ giúp người đọc có được sự hình dung rõ hơn về những vấn đề quan trọng như: quá trình hình thành cá tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật,...

Nhiều tác giả văn học lớn là danh nhân văn hoá. Cuộc đời, sự nghiệp văn học, phong cách nghệ thuật, những suy tưởng, trải nghiệm của họ về cuộc sống, nghệ thuật là những yếu tố góp phần xây đắp nên vốn văn hoá của dân tộc và nhân loại. Khi tìm hiểu về các tác giả văn học và noi theo tấm gương sống, sáng tạo của họ, ta sẽ có thêm những trải nghiệm lí thú, những hiểu biết sâu rộng về cuộc sống, con người và văn hoá nói chung - những điều vốn tồn tại như điều kiện nền tảng giúp ta trưởng thành, trở nên một nhân cách độc lập, toàn vẹn.

II. Thực hành đọc

1. Lựa chọn tác giả và định hướng đọc

Sách giáo khoa môn Ngữ văn từ cấp Trung học cơ sở đến cấp Trung học phổ thông đã giới thiệu các sáng tác của nhiều tác giả lớn trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, do điều kiện thời gian chi phối, nhiều tác phẩm không được học trọn vẹn và nhiều tác giả chỉ được giới thiệu rất vắn tắt. Vì vậy, việc tìm hiểu thêm về các tác giả và những sáng tác của họ là điều cần thiết. Bạn có thể lựa chọn tác giả theo những tiêu chí sau:

- Tác giả có tác phẩm được học trong chương trình.

- Tác giả được yêu cầu đọc mở rộng trong sách giáo khoa môn Ngữ văn từ cấp Trung học cơ sở đến cấp Trung học phổ thông.

- Tác giả có tác phẩm đáp ứng được nhu cầu, sở thích của bản thân.

Có nhiều cách đọc, hướng đọc khác nhau về một tác giả đã được lựa chọn, ở đây chỉ nói về hai cách đọc, hướng đọc là rộng và sâu. Nếu đọc rộng, bạn cần tìm đọc đầy đủ, bao quát về tác giả, từ tiểu sử đến các chặng đường sáng tác, thể loại, tác phẩm, các bài phê bình, nghiên cứu về tác giả ấy. Nếu đọc sâu, bạn có thể chỉ đi vào khám phá một phần sự nghiệp sáng tác hoặc một đề tài, tư tưởng, đặc điểm loại, thể loại nổi bật thể hiện trong sáng tác của tác giả. Việc chọn hướng đọc rộng hay sâu nên được xác định sau khi bạn đã nắm được một cách đại cương về sự nghiệp của tác giả.

Tùy theo điều kiện và thời gian cho phép, bạn có thể đặt ra những mục tiêu thiết thực, vừa sức và chọn hình thức đọc có hiệu quả nhất với bản thân (đọc cá nhân hoặc đọc theo nhóm để tăng cường sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm).

Câu hỏi (trang 60 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Tác giả văn học được bạn lựa chọn là ai? Lí do lựa chọn của bạn là gì?

Trả lời:

Tác giả văn học em  lựa chọn là Nguyễn Trãi. Em lựa chọn tác giả này vì Nguyễn Trãi là một trong những bậc đại anh hùng dân tộc và là một nhân vật toàn tài hiếm có của lịch sử Việt Nam trong thời đại phong kiến. Có rất nhiều tư liệu lịch sử viết về ông.

2. Xây dựng hồ sơ về một tác giả

a. Tìm kiếm tài liệu

Cần tìm kiếm các nguồn tài liệu liên quan đến tác giả để thu thập thông tin. Các thông tin thường được tìm hiểu là: tiểu sử và quá trình sáng tác của tác giả, các tác phẩm tiêu biểu, các bài viết có liên quan.

Bạn có thể tìm kiếm tài liệu ở thư viện trường, thư viện địa phương, các sách báo hay trên internet.

Lưu ý: Đối với những tác giả lớn, có thể tìm các cuốn tuyển tập, trong đó, nhiều sáng tác của tác giả và bài viết có liên quan đã được tập hợp, tuyển chọn công phu. Những cuốn tuyển tập này sẽ hỗ trợ cho bạn rất nhiều trong việc đọc về tác giả.

b. Lập danh mục tài liệu

Do việc đọc và tìm hiểu về tác giả được thực hiện trong một khoảng thời gian khá dài (ngay cả khi đã hoàn thành chuyên đề, bạn vẫn có thể tiếp tục việc đọc của mình), vì vậy, cần lập danh mục các tài liệu đã thu thập được (bao gồm các tác phẩm của tác giả và các bài viết về tác giả, tác phẩm) để bạn có thể dễ dàng lựa chọn tài liệu và xây dựng được kế hoạch đọc hợp lí.

Chẳng hạn, nếu chọn tác giả Nam Cao, có thể tập hợp các tài liệu liên quan theo danh mục, từ đó chọn các tài liệu cần đọc.

Tác phẩm tiêu biểu của Nam Cao:

- Truyện ngắn trước Cách mạng: Chí Phèo (1941), Di Hảo (1941), Giăng sáng (1942), Tư cách mõ (1943), Lão Hạc (1943), Đời thừa (1943), Một bữa no (1943), Một đám cưới (1944),...

- Tiểu thuyết: Sống mòn (1944), Truyện người hàng xóm (1944),...

- Truyện, kí sau Cách mạng: Mò sâm banh (1945), Đường vô Nam (1946), Ở rừng (1947 - 1948), Đôi mắt (1948),...

Một số tài liệu nghiên cứu riêng hoặc có đề cập đến Nam Cao:

- Bích Thu (tuyển chọn và giới thiệu, 2007), Nam Cao - Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, Hà Nội.

- Tuyển tập Nam Cao (2020), NXB Văn học, Hà Nội.

Câu hỏi (trang 61 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Bạn đã tập hợp các tài liệu cần đọc về tác giả được lựa chọn chưa? Hãy cùng nhóm lập danh mục tài liệu về tác giả.

Trả lời:

Tài liệu về tác giả Nguyễn Trãi:

- Sách Văn Học - Nguyễn Trãi thơ và đời; NXB Văn học.

- Nguyễn Trãi (1380 - 1442) - Tác gia bách khoa thư Việt Nam; Trần Văn Trọng; Từ điểm học & bách khoa thư, số 1 (69), 1 - 2021.

- Nguyễn Trãi cuộc đời và tác phẩm; NXB văn học.

3. Đọc, ghi chép và tổng hợp các thông tin cần thiết về một tác giả

a. Đọc và ghi chép thông tin về tiểu sử tác giả

Những thông tin cần chú ý ghi chép:

- Tên khai sinh của tác giả và các bút danh (nếu có), năm sinh, năm mất (nếu đã mất);

- Quê quán, gia đình, đặc điểm con người;

- Thiên hướng và các chặng đường sáng tác;

- Các tác phẩm tiêu biểu;

- Các giải thưởng (nếu có).

Từ kết quả đọc và tìm hiểu thông tin về tiểu sử tác giả, bạn có thể xây dựng niên biểu tác giả (tóm lược các sự kiện theo mốc thời gian). Chẳng hạn, có thể xây dựng niên biểu về tiểu sử tác giả Nam Cao như sau:

Soạn bài Đọc về một tác giả văn học | Chuyên đề Văn 11 Kết nối tri thức

Câu hỏi (trang 62 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Bạn cần tóm lược những thông tin nào khi xây dựng niên biểu về một tác giả văn học?

Trả lời:

Những thông tin cần tóm lược khi xây dựng niên biểu về một tác giả văn học:

- Tên khai sinh của tác giả và các bút danh (nếu có), năm sinh, năm mất (nếu đã mất);

- Quê quán, gia đình, đặc điểm con người;

- Thiên hướng và các chặng đường sáng tác;

- Các tác phẩm tiêu biểu;

- Các giải thưởng (nếu có).

b. Đọc và ghi chép thông tin về tác phẩm của tác giả

*Đọc và ghi chép thông tin chi tiết

Bạn cần kết hợp giữa đọc và ghi chép. Khi đọc từng tác phẩm trong một tập thơ, cần ghi chép một số nội dung như: đề tài, thể thơ, thời điểm sáng tác, thông điệp của bài thơ, những nét nổi bật về nghệ thuật, những câu thơ tiêu biểu,... Khi đọc một truyện ngắn, cần lưu ý ghi chép: đề tài, cốt truyện/ tình huống truyện, ngôi kể, nhân vật, không gian và thời gian, ngôn ngữ trần thuật,... Với tiểu thuyết, cần đọc theo chương, phần hoặc mạch truyện, hình dung về bối cảnh trong truyện, các tuyến nhân vật và diễn biến của từng tuyến nhân vật (nhân vật trung tâm, nhân vật chính và các nhân vật phụ,...); các sự kiện (thắt nút, cao trào, mở nút); cách kể chuyện và miêu tả của tác giả. Với kí (bút kí, tuỳ bút, hồi kí,...), cần nắm bắt và ghi chép được: đề tài, sự thật cuộc sống được tái hiện, sự thể hiện cái tôi của tác giả qua cách tái hiện bức tranh cuộc sống, thông điệp được tác giả gửi gắm,... Nếu đọc kịch, cần chú ý đến cốt truyện kịch, hành động kịch (thắt nút, cao trào, mở nút), các tuyến nhân vật, xung đột, ngôn ngữ, thông điệp,... Nếu đọc văn bản nghị luận, cần chú ý đến vấn đề được bàn luận, quan điểm của người viết, cách sử dụng lí lẽ và bằng chứng, ngôn ngữ, giọng điệu,...

Một số lưu ý khi đọc tác phẩm văn học:

- Bắt đầu đọc những tác phẩm bạn đã được nghe, được biết hoặc tác phẩm có nhan đề trùng với tên của cuốn sách để tạo cảm hứng và ấn tượng ban đầu.

- Đọc với tư cách một độc giả để tiếp nhận các giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm hoặc "đọc như một nhà văn" để cảm nhận quá trình sáng tạo tác phẩm, từ đó có thể trở thành người "đồng sáng tạo" với tác giả.

- Với những tác phẩm có dung lượng lớn, thời gian đọc thường kéo dài và người đọc có thể phải tạm ngừng nhiều lần. Nhưng với từng chương, phần cụ thể thì cần bố trí thời gian để đọc trọn vẹn, tránh làm ngắt quãng mạch cảm xúc.

- Vận dụng những kĩ năng đã được rèn luyện trong quá trình đọc văn bản như liên tưởng, tưởng tượng, suy luận, kết nối,... để có thể theo dõi từng chi tiết, hình ảnh, mạch cảm xúc của tác phẩm.

*Tổng hợp, đánh giá

- Tổng hợp về từng cuốn sách:

Có thể tổng hợp, kết nối các tác phẩm và nhận xét chung về từng cuốn sách theo một số nội dung sau: các chủ đề chính được thể hiện; giá trị chung của cuốn sách (bao gồm giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật nổi bật); những nét riêng, dấu ấn riêng mà tác phẩm để lại trong lòng người đọc; vị trí của cuốn sách trong sự nghiệp sáng tác của tác giả.

Nếu bạn đọc một tuyển tập có tập hợp các tác phẩm bao gồm nhiều thể loại thì nội dung tổng hợp tương ứng với việc bao quát từng thể loại trong sáng tác của tác giả.

- Đánh giá chung:

Đọc kết nối các cuốn sách hoặc các thể loại trong sáng tác của tác giả sẽ cho bạn một cái nhìn bao quát, đầy đủ về toàn bộ quá trình sáng tác. Khi đánh giá, có thể hướng về các nội dung:

+ Các giai đoạn sáng tác, thể loại sáng tác chính và các tác phẩm tiêu biểu cho từng giai đoạn, từng thể loại;

+ Chủ đề nổi bật được đề cập trong các tác phẩm;

+ Những vấn đề trọng tâm được đặt ra trong các tác phẩm (theo đặc điểm thể loại đã nêu ở trên), cách giải quyết của tác giả đối với từng vấn đề;

+ Những điểm nổi bật về nghệ thuật trong các tác phẩm;

+ Vị trí của các tác phẩm trong nền văn học.

c. Đọc và ghi chép những nghiên cứu, nhận định về tác giả

Đọc các bài viết về tác giả (bao gồm bài viết về con người, phong cách nghệ thuật; về các sáng tác cụ thể làm nên tên tuổi;...) sẽ giúp bạn có thêm những thông tin cần thiết nhằm định hướng cho việc tìm hiểu; có thêm điểm tựa để khẳng định được giá trị của các tác phẩm và vị trí, đóng góp của tác giả.

Thông thường, về các tác giả lớn, số lượng bài viết, công trình nghiên cửu có khá nhiều. Có thể tra cứu và tìm đọc các bài viết, công trình theo một số từ khóa liên quan đến mục tiêu đọc mà bạn lựa chọn (những nội dung trọng tâm đã được tổng kết, đánh giá khi đọc tác phẩm). Chẳng hạn, sau khi đã đọc các truyện ngắn của Nam Cao, có thể tìm đọc một số bài viết có liên quan, qua đó hiểu thêm về các đề tài, nhân vật, nghệ thuật viết truyện ngắn và cảm hứng trong các sáng tác của nhà văn, từ đó nhận diện được phong cách nghệ thuật của tác giả này.

Khi đọc các bài viết về tác giả, có thể ghi lại những nhận định, đánh giá đã có theo từng vấn đề:

- Cuộc đời và sự nghiệp;

- Các chặng đường sáng tác và những yếu tố chi phối;

- Quan điểm, khuynh hướng sáng tác, giá trị các tác phẩm;

- Phong cách nghệ thuật của tác giả;

- Vị trí của tác giả trong nền văn học dân tộc.

d. Tổng hợp các nội dung đã đọc và ghi chép

Với việc đọc, ghi chép các nội dung liên quan đến tiểu sử, những nghiên cứu, nhận định về tác giả, tác phẩm, bạn đã có được một lượng thông tin phong phú, đủ để xây dựng bộ hồ sơ đọc của cá nhân/ nhóm. Có thể ghi lại toàn bộ kết quả đọc đó theo gợi ý trong phiếu sau:

Soạn bài Đọc về một tác giả văn học | Chuyên đề Văn 11 Kết nối tri thức

Việc đọc về một tác giả cần được đầu tư thời gian nghiêm túc với sự huy động nhiều tri thức, kĩ năng. Để đạt được kết quả tích cực, bạn cần tham khảo ý kiến của thầy cô trong từng bước thực hành.

Câu hỏi (trang 64 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Xây dựng kế hoạch đọc – tìm hiểu về một tác giả (tự chọn) có tác phẩm được học trong chương trình, sách giáo khoa môn Ngữ văn (từ lớp 6 đến lớp 11).

Trả lời:

Kế hoạch đọc - tìm hiểu về tác giả Nguyễn Trãi

1. Lựa chọn và định hướng đọc

- Tác giả Nguyễn Trãi. 

- Lí do lựa chọn: Nguyễn Trãi là một trong những bậc đại anh hùng dân tộc và là một nhân vật toàn tài hiếm có của lịch sử Việt Nam trong thời đại phong kiến. Có rất nhiều tư liệu lịch sử viết về ông.

2. Xây dựng hồ sơ về một tác giả

Tập hợp các tài liệu cần đọc về tác giả:

- Sách Văn Học - Nguyễn Trãi thơ và đời; NXB Văn học.

- Nguyễn Trãi (1380 - 1442) - Tác gia bách khoa thư Việt Nam; Trần Văn Trọng; Từ điểm học & bách khoa thư, số 1 (69), 1 - 2021.

- Nguyễn Trãi cuộc đời và tác phẩm; NXB văn học.

3. Đọc ghi chép và tổng hợp các thông tin cần thiết về một tác giả

a. Đọc và ghi chép thông tin về tiểu sử tác giả:

- Tên khai sinh của tác giả và các bút danh (nếu có), năm sinh, năm mất (nếu đã mất);

- Quê quán, gia đình, đặc điểm con người;

- Thiên hướng và các chặng đường sáng tác;

- Các tác phẩm tiêu biểu;

- Các giải thưởng (nếu có).

b. Đọc và ghi chép thông tin về tác giả 

- Đọc và ghi chép những thông tin chi tiết về tác phẩm của tác giả Nguyễn Trãi

- Tổng hợp và đánh giá:

+ Tổng hợp về từng cuốn sách

+ Đánh giá chúng

c. Đọc và ghi chép những nghiên cứu, nhận định về tác giả Nguyễn 

d. Tổng hợp lại các nội dung đã đọc và những ghi chép.

Phần 2: Viết về một tác giả văn học

I. Mục đích viết

Viết bài về một tác giả văn học là hình thức trình bày kết quả của việc tiếp nhận và đánh giá những nội dung đã đọc về tiểu sử, tác phẩm,... của tác giả bằng ngôn ngữ viết.

Bài viết về một tác giả có thể nhằm tới các mục đích khác nhau, hướng về những đối tượng khác nhau như:

- Khi thiên về giới thiệu, quảng bá, bài viết cần nêu thông tin đầy đủ về tiểu sử, quá trình sáng tác, những thành tựu nổi bật trong sự nghiệp văn học của tác giả. Lúc này văn bản được tạo lập là văn bản thông tin.

- Khi thiên về nghiên cứu văn học, bài viết thường trình bày những kết quả nghiên cứu về phong cách nghệ thuật hay những giá trị văn chương đặc sắc của tác giả được lịch sử văn học ghi nhận. Lúc này văn bản có nhiều yếu tố nghị luận.

- Khi thiên về thưởng thức, cảm nhận, bài viết là sự bày tỏ những cảm xúc, rung động, trải nghiệm của cá nhân về một hoặc một vài giá trị nổi bật nhất trong sự nghiệp văn học của tác giả, thể hiện rõ sự đồng điệu, tri âm của người viết. Lúc này, văn bản được tạo lập có nhiều yếu tố biểu cảm, có thể xếp vào loại văn bản văn học.

Câu hỏi (trang 65 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Bạn hướng tới mục đích nào khi viết về tác giả văn học đã chọn?

Trả lời:

Mục đích hướng đến khi viết về một tác giả văn học đó là để hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp, phong cách sáng tác của tác giả đó, để từ đó chỉ ra được cái hay trong việc sáng tác của tác giả đó.

II. Một số hướng viết bài

Trên cơ sở hồ sơ đọc đã chuẩn bị, để thực hiện bài viết về một tác giả văn học, bạn có thể chọn một trong các hướng sau đây:

1. Giới thiệu về sự nghiệp văn học của một tác giả

Đây là kết quả của việc đọc rộng về tác giả. Để viết bài theo hướng này, cần bao quát được nguồn tư liệu đầy đủ, phong phú về tác giả, tác phẩm và thông qua bài viết, giới thiệu được những đặc điểm chính về cuộc đời tác giả (mốc quan trọng trong tiểu sử, thời đại, gia đình, nét nổi bật về tính cách,...) đồng thời bao quát được sự nghiệp văn chương (chặng đường sáng tác, thể loại chính, tác phẩm tiêu biểu, đóng góp nổi bật,...); từ đó đánh giá chung về những cống hiến và vị trí của tác giả trong nền văn học ở bối cảnh hiện nay.

Đọc văn bản Tố Hữu – Nhà thơ cách mạng (Nguyễn Văn Long) và trả lời câu hỏi:

Câu hỏi 1 (trang 69 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Bài viết đã cung cấp những thông tin đáng chú ý nào về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Tố Hữu?

Trả lời:

Bài viết cung cấp những thông tin về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Tố Hữu: 

- Tiểu sử của của tác giả như: tên, năm sinh, quê quán, gia đình, quá trình học tập và hoạt động cách mạng chức vụ ông từng giữ, các giải thưởng ông đạt được.

- Giới thiệu về sự nghiệp nghệ thuật của tác giả: Các tác phẩm, quan niệm sáng tác, nội dung sáng tác qua các thời kì.

- Viết về những thành tựu và hạn chế trong văn chương của Tố Hữu.

Câu hỏi 2 (trang 69 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Trong bài viết, việc triển khai thông tin đã được tác giả thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Tác giả triển khai thông tin bằng cách giới thiệu từ tiểu sử nhà thơ Tố Hữu đến viết về sự nghiệp văn chương của ông. Sau đó đưa ra những thành tựu và hạn chế của thơ Tố Hữu và cuối cùng kết thúc bằng các giải thưởng nhà thơ đạt được.

Câu hỏi 3 (trang 69 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Bạn có nhận xét gì về những ý kiến đánh giá nhà thơ Tố Hữu được nêu trong bài viết?

Trả lời:

Những ý kiến đánh giá về nhà thơ Tố Hữu được nêu trong bài viết là những ý kiến riêng của người viết thông qua việc phân tích, nghiên cứu các tác phẩm của nhà thơ Tố Hữu. Từ đó, bài viết cũng giúp người đọc có cái nhìn rõ nét, thu thập được nhiều sự hiểu biết về con người cũng như sự nghiệp thơ ca của nhà thơ Tố Hữu.

2. Nghiên cứu phong cách nghệ thuật của một tác giả văn học

Bài viết nghiên cứu phong cách nghệ thuật của tác giả là kết quả của việc đọc sâu. Để viết bài theo hướng này, người viết cần năm chắc các kiến thức về phong cách nghệ thuật, vận dụng những tri thức lí luận để nhận diện phong cách nghệ thuật của tác giả. Cần phân tích sự thể hiện của phong cách nghệ thuật ấy qua một số dẫn chứng tiêu biểu, tiếp đó, đưa ra những nhận xét, đánh giá khách quan về những đóng góp của tác giả cho nền văn học.

Đọc văn bản Nguyễn Tuân, một phong cách độc đáo và tài hoa (Nguyễn Đăng Mạnh) và trả lời câu hỏi:

Câu hỏi 1 (trang 74 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Bài viết đã nhận diện về phong cách Nguyễn Tuân như thế nào?

Trả lời:

Nguyễn Tuân thường tập trung vào một điểm và vận dụng một cách tổng hợp cách khảo sát của các ngành văn hóa khác nhau để đào sâu vào sự đa dạng, độc đáo của sự vật. Ông luôn nhìn sự vật trên nhiều mặt khác nhau và mang đến những khám phá khác biệt và riêng biệt, từ đó dễ dàng thu hút sự chú ý của người đọc. 

Câu hỏi 2 (trang 74 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Cách thức diễn giải minh họa của tác giả có gì đáng chú ý?

Trả lời:

Cách thức diễn giải minh họa của tác giả đáng chú ý ở chỗ phá cách so với thông thường. Ông luôn tìm cách phá cách khỏi khuôn mẫu thông thường. Khái niệm “công chức” trong văn chương được ông sử dụng như một cách mỉa mai lối khuôn phép trong văn chương. Ông luôn tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ cùng cách diễn giải khác biệt, độc đáo, hướng đến sự “tung”, “hoành” trong văn chương.

Câu hỏi 3 (trang 74 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Dựa vào cách triển khai văn bản Nguyễn Tuân, một phong cách độc đáo và tài hoa, bạn hãy lựa chọn và tìm những ý chính cho bài viết nghiên cứu phong cách nghệ thuật của một tác giả trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11.

Trả lời:

Những ý chính cho bài viết nghiên cứu về phong cách nghệ thuật của Kim Lân qua truyện ngắn Vợ nhặt:

- Tình huống truyện độc đáo không chỉ phản ánh hoàn cảnh xã hội Việt Nam lúc bấy giờ mà còn làm nổi bật những tâm hồn chất chứa nhiều đau thương, niềm vui cùng những khát khao và niềm tin vào tình yêu. 

- Nghệ thuật đặt nhân vật và xử lý tình huống éo le.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo với những tính cách, suy nghĩ và hoàn cảnh khác nhau.

- Nghệ thuật sử dụng ngôn từ tinh tế, giản dị, chân thực và sâu sắc.

3. Dựng chân dung một tác giả văn học

Bài viết dựng chân dung tác giả văn học là kết quả của quá trình đọc, khám phá và tiếp nhận về tác giả từ những cảm xúc và trải nghiệm của cá nhân. Để viết bài theo hướng này, người viết có thể hướng cảm nhận của bản thân đến một hoặc một vài đặc điểm nổi bật nhất tạo nên dấu ấn riêng của tác giả (cuộc đời và sáng tác văn học). Người viết có thể sử dụng lối viết chấm phá, bút pháp trữ tình để thể hiện những suy nghĩ, cảm xúc, những ấn tượng đậm nét của mình để dựng lên chân dung nhà văn.

Đọc văn bản Hồ Xuân Hương – kì nữ, kì tài (Trần Thị Trâm) và trả lời câu hỏi:

Câu hỏi 1 (trang 78 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Tác giả bài viết đã có ấn tượng nổi bật về những điều gì trong cuộc đời và thơ ca của Hồ Xuân Hương?

Trả lời:

Vấn đề nổi bật trong thơ Hồ Xuân Hương không chỉ nằm ở sự táo bạo vượt lên trên số phận của bản thân mà nó còn là những áng thơ nên án, tố cáo bọn cường quyền phong kiến cùng những hủ tục xa xưa trong xã hội luôn kìm hãm, gây bất hạnh cho người phụ nữ.

Câu hỏi 2 (trang 78 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Những câu chữ nào trong bài viết thể hiện rõ sự đồng cảm, ngưỡng mộ của tác giả đối với nhà thơ Hồ Xuân Hương?

Trả lời:

Những câu chữ trong bài viết thể hiện rõ sự đồng cảm, ngưỡng mộ của tác giả đối với nhà thơ Hồ Xuân Hương:

- Hồ Xuân Hương được tôn vinh là một bậc kì tài, kì nữ… 

- Xuân Hương là một người đàn bà đa đoan lệch chuẩn, nàng không xuất hiện như một cái bóng mờ bên chồng trong gia đình mà là một cá nhân độc lập ngoài xã hội. 

- Xuân Hương đã ôm trong trái tim nôi đau của cả thời đại – một thời đại đầy bi kịch. 

- nàng luôn cảm nhận thế giới bằng toàn bộ giác quan, bằng đôi mắt xanh non mới lạ, bằng đôi tai thính nhạy, bằng xúc giác mạnh mẽ… 

- Với cái nhìn của phái đẹp, mục đích cuối cùng mà Xuân Hương ngưỡng vọng kiếm tìm chỉ là việc hướng tới hạnh phúc cho con người, giải phóng người phụ nữ ra khỏi sự trói buộc nghiệt ngã, khắt khe của lễ giáo phong kiến ngàn đời. 

Câu hỏi 3 (trang 78 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Bài viết đã giúp bạn hình dung được một Hồ Xuân Hương như thế nào trong đời và trong thơ?

Trả lời:

Bài viết đã giúp em hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của Hồ Xuân Hương – “Bà chúa thơ Nôm”. Bà có thể coi là “người hùng” của thời đại, một người sinh ra trong thời đại phong kiến mục nát, nơi mà phụ nữ luôn bị đọa đày, khổ đau, sống trong sự hi sinh vì trách nhiệm. Dù vậy, bà vẫn có một đời thơ ca rực rỡ với những bài thơ mang theo những tư tưởng mới về thời đại, thời cuộc.

III. Thực hành viết

1. Chuẩn bị

- Xem lại hồ sơ đọc để hình dung tổng thể về một tác giả văn học đã lựa chọn:

+ Những thông tin về tiểu sử, quá trình sáng tác, thành tựu nổi bật của tác giả.

+ Những thông tin về giá trị đặc sắc của một hoặc một vài tác phẩm tiêu biểu.

+ Những cảm nhận của bạn về cuộc đời tác giả và tác phẩm.

- Lựa chọn hướng viết và hình dung về nội dung, cách thức triển khai.

2. Lập dàn ý

Bài viết theo hướng giới thiệu sự nghiệp văn học của một tác giả

Mở bài: Giới thiệu được tác giả, nhận xét chung về vị trí hoặc những thành tựu nổi bật của tác giả.

Thân bài:

- Trình bày những thông tin cơ bản, đáng chú ý nhất về cuộc đời, lưu ý những yếu tố ảnh hưởng lớn đến sáng tác của tác giả:

+ Hoàn cảnh xuất thân (quê hương, gia đình, thời niên thiếu,...);

+ Quá trình học tập và trưởng thành;

+ Con đường đến với văn chương;

+ Đời sống xã hội và văn học.

- Quá trình sáng tác: Trình bày những thông tin về các chặng đường sáng tác gắn với các tác phẩm theo từng thể loại.

- Những thành tựu nổi bật: Các giải thưởng, sự tôn vinh của công chúng yêu văn học (trích dẫn ý kiến đánh giá của giới nghiên cứu về những tác phẩm tiêu biểu, về sự nghiệp văn chương,...).

Kết bài: Khẳng định vai trò, vị trí của tác giả trong lịch sử văn học dân tộc, trong đời sống xã hội.

Bài viết theo hướng nghiên cứu phong cách nghệ thuật của một tác giả văn học

Mở bài: Giới thiệu tác giả, nêu nhận xét khái quát về phong cách nghệ thuật của tác giả.

Thân bài:

- Trình bày tổng quan về phong cách nghệ thuật của tác giả - có trích dẫn một vài ý kiến tiêu biểu.

- Nhận diện phong cách nghệ thuật của tác giả, nêu các bình diện, các biểu hiện.

- Làm rõ phong cách nghệ thuật của tác giả (hoặc một bình diện nổi bật) qua việc phân tích một số bình diện (đề tài, hình tượng đặc trưng, kiểu nhân vật nổi bật, thể loại đặc thù, đặc điểm ngôn từ...) hoặc qua việc phân tích một hay một số tác phẩm tiêu biểu (ví dụ: Phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân qua tác phẩm Chữ người tử tù/ Sông Đà; Phong cách nghệ thuật Thạch Lam qua tác phẩm Dưới bóng hoàng lan/ Gió lạnh đầu mùa/ Hai đứa trẻ; Phong cách nghệ thuật Nam Cao qua tác phẩm Chí Phèo/ Lão Hạc;...).

Kết bài: Khẳng định vị trí của tác giả trong thời kì văn học hoặc nền văn học Việt Nam.

Bài viết theo hướng dựng chân dung một tác giả văn học

Mở bài: Trình bày ấn tượng đậm nét nhất của người viết về cuộc đời và tác phẩm của tác giả.

Thân bài:

- Trình bày những cảm xúc, suy nghĩ, trải nghiệm của cá nhân người viết về những vấn đề liên quan đến cuộc đời, tác phẩm của tác giả, qua đó, làm rõ những nét nổi bật nhất về nội dung, nghệ thuật thể hiện qua các dẫn chứng tiêu biểu.

- Trong khi trình bày, nên đan xen dẫn lời, dẫn ý của các nhà nghiên cứu phê bình có chuyên môn để có thông tin từ nhiều nguồn, tăng thêm sức thuyết phục cho bài viết.

- Khi đánh giá về tác giả, nên có những so sánh, liên tưởng, giả định.

Kết bài: Nói về những cảm xúc mà cuộc đời và tác phẩm của tác giả đã mang lại hay những cảm nhận từ phía độc giả về sức hấp dẫn của tác giả.

3. Viết

- Chú ý khai thác, vận dụng tối đa những tư liệu thu thập được cũng như những ý nảy sinh trong quá trình đọc đã được ghi chép dưới hình thức phiếu.

- Bài viết có thể do cá nhân hoặc nhóm học sinh thực hiện, viết ở lớp hay ở nhà tuỳ theo yêu cầu và điều kiện cụ thể.

4. Chỉnh sửa, hoàn thiện

- Kiểm tra độ chính xác của những trích dẫn, kể cả trích dẫn từ văn bản văn học được phân tích, đánh giá, giới thiệu lẫn trích dẫn từ những bài nghiên cứu, phê bình, giới thiệu mà bạn đã tham khảo.

- Rà soát lại bài viết về phương diện mạch lạc và liên kết, có thể đảo hay sửa lại các phẩn, các câu văn làm ảnh hưởng đến tính nhất quán của bài viết.

- Đàm bảo bài viết đúng chính tả và dùng từ, đặt câu chính xác.

IV. Báo cáo kết quả

1. Hình thức tổ chức

- Đọc và trao đổi theo nhóm:

+ Về thông tin tác giả đã được chọn để viết bài;

+Về kiểu văn bản đã viết;

+ Đọc một bài để cả nhóm cùng theo dõi, nhận xét hoặc các cá nhân trong nhóm đổi bài cho nhau để góp ý.

- Đánh giá: Dựa vào hệ thống tiêu chí đánh giá các kiểu bài để tự đánh giá hoặc đánh giá bài viết của bạn trong nhóm.

- Chọn bài tiêu biểu để đọc và trao đổi trước lớp.

2. Tiêu chí đánh giá bài viết

Để việc nhận xét, đánh giá về bài viết phù hợp với yêu cầu của từng hướng viết khác nhau, cần xây dựng được những nhóm tiêu chí riêng. Có thể tham khảo các gợi ý ở trang sau:

- Tiêu chí nhận xét, đánh giá bài viết theo hướng giới thiệu sự nghiệp văn học của một tác giả

Soạn bài Viết về một tác giả văn học | Chuyên đề Văn 11 Kết nối tri thức

- Tiêu chí nhận xét, đánh giá bài viết theo hướng nghiên cứu phong cách nghệ thuật của một tác giả văn học

Soạn bài Viết về một tác giả văn học | Chuyên đề Văn 11 Kết nối tri thức

- Tiêu chí nhận xét, đánh giá bài viết theo hướng dựng chân dung một tác giả văn học

Soạn bài Viết về một tác giả văn học | Chuyên đề Văn 11 Kết nối tri thức

Câu hỏi 1 (trang 82 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Sưu tầm những bài viết hay về tác giả văn học để tham khảo mở rộng kiến thức và học hỏi thêm về cách viết.

Trả lời:

Những bài viết hay về tác giả Nguyễn Trãi:

- Cuộc đời và sự nghiệp anh hùng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn  (Tổng hợp: Queen Group.)

- Tiểu sử Nguyễn Trãi (Nguồn: truongthptnguyentraithuongtin.vn)

Câu hỏi 2 (trang 82 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Trong các bài viết bạn sưu tầm được, hãy xác định và tìm hiểu việc tác giả đã triển khai cách viết theo hướng nào.

Trả lời:

"Nguyễn Trãi" (Nguồn:https://loiphong.vn/): Bài viết theo hướng giới thiệu sự nghiệp văn học của tác giả Nguyễn Trãi.

Giới thiệu: Giới thiệu về tác giả Nguyễn Trãi, nhận xét chung về vị trí hoặc những thành tựu nổi bật của tác giả.

Nội dung:

- Trình bày những thông tin cơ bản, đáng chú ý nhất về cuộc đời, những yếu tố ảnh hưởng lớn đến sáng tác của tác giả Nguyễn Trãi.

- Cuộc đời của Nguyễn Trãi.

- Quá trình sáng tác: Trình bày những thông tin về các chặng đường sáng tác gắn với các tác phẩm theo từng thể loại.

- Một số thông tin khác về Nguyễn Trãi.

Khái quát bài viết: Khẳng định vai trò, vị trí của Nguyễn Trãi trong lịch sử văn học dân tộc, trong đời sống xã hội.

Câu hỏi 3 (trang 82 sách Chuyên đề học tập Ngữ văn 11): Viết bài giới thiệu về một tác giả (tự chọn) theo một trong các hướng triển khai khác nhau.

Trả lời:

Nhắc đến Nguyễn Du là chúng ta nhớ đến một đại thi hào của dân tộc Việt Nam, một danh nhân văn hóa thế giới. Ông không chỉ có đóng góp lớn cho văn học nước nhà ông còn được cả thế giới biết đến với thi phẩm Truyện Kiều. Có thể nói Nguyễn Du chính là một hiện tượng của nền văn học Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung.

Nguyễn Du có tên chữ là Tố Như hiệu là Thanh Hiên sinh năm 1765 mất năm 1820, quê tại làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân Tỉnh Hà Tĩnh. Sinh thời ông có một nền tảng gia đình vô cùng danh giá, cha làm quan lớn trong triều Lê, anh trai cùng cha khác mẹ cũng làm tới quan Tham tụng trong triều. Tuy nhiên do mồ côi cha mẹ sớm ( 9 tuổi mất cha, 12 tuổi mất mẹ), tuổi thơ ông trải qua một cách đầy biến động, phải tha hương nhiều nơi lúc thì về quê cha, khi về quê mẹ và có một thời gian phải phiêu dạt tận quê vợ ở Thái Bình. Cộng thêm vào giai đoạn đó lịch sử nước nhà có nhiều rối ren các thế lực phong kiến chém giết và tàn sát lẫn nhau, nông dân nổi dậy khởi nghĩa khắp nơi mà tiêu biểu là phong trào Tây Sơn do Nguyễn Huệ lãnh đạo. Những yếu tố đó đã tác động không nhỏ đến tình cảm cũng như nhận thức của nhà thơ. Bởi thế ông luôn nhận thức trung thành với triều Lê, căm thù sâu sắc với quân Tây Sơn, sau này làm quan thì rụt rè, u uất. Có thể nói chính cuộc sống chìm nổi cùng với thời thế đầy biến động, phiêu bạt nhiều nơi đã là những thứ hồ để tạo nên một Nguyễn Du có học vấn sâu rộng, trái tim chất chứa yêu thương và cảm thông sâu sắc với những kiếp người nghèo khổ. Ông cũng được coi như 1 trong năm người giỏi nhất nước Nam thời bấy giờ.

Nguyễn Du được coi là một người có thiên phú văn học từ nhỏ , bậc thầy trong việc sử dụng tiếng Việt ngôi sao sáng chói trên bầu trời văn học Việt Nam. Ông để lại cho đời cả một kho tàng văn học phong phú với khoảng hơn ngàn tác phẩm bao gồm cả chữ hán và chữ nôm. Trong đó chữ Hán có Thanh Hiên thi tập gồm 78 bài, Bắc hành tạp lục 125 bài, Nam trung tạp ngâm 40 bài... chữ Nôm có văn chiêu hồn, Văn tế, và tiêu biểu là tác phẩm Truyện Kiều hay còn có tên gọi khác là Đoạn trường Tân Thanh.

Các tác phẩm của Nguyễn Du Thể hiện tình cảm chân thành, cảm thông sâu sắc của tác giả đối với cuộc sống và con người, đặc biệt là những con người bé nhỏ, những số phận bất hạnh, những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh như Thuý Kiều, Đạm Tiên.... Các tác phẩm của ông mang tính triết lí về thân phận bất hạnh của phụ nữ trong xã hội cũ, đề cập đến vấn đề thân phận người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. Đồng thời các tác phẩm của Nguyễn Du cũng khái quát bản chất tàn bạo của chế độ phong kiến chà đạp quyền sống của con người. Qua đó đề cao quyền sống của con người, đồng cảm và ca ngợi tình yêu tự do, khát vọng hạnh phúc (như mối tình Kim- Kiều, nhân vật Từ Hải). 

Với những đóng góp của mình cho nền văn học nước nha. Nguyễn Du được tôn vinh là đại thi hào dân tộc. Các tác phẩm của ông để lại cho thế hệ sau những giá trị nội dung, tư tưởng, nghệ thuật sâu sắc. Dù thời gian có trôi bao lâu, thì cái tên Nguyễn Du vẫn để lại dấu ấn sâu sắc trong nền văn học nước nhà, trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ giống như Tố Hữu đã viết:

Nghìn năm sau  nhớ Nguyễn Du.

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.

Phần 3: Thuyết trình về một tác giả văn học

I. Thuyết trình cá nhân về một tác giả văn học

1. Chuẩn bị

Chuẩn bị bài thuyết trình theo hai phương án:

- Phương án 1: Khi thực hiện hoạt động viết ở Phần 2, bạn đã có được một bài giới thiệu phù hợp với mục đích và hướng lựa chọn đă xác định. Tóm tắt bài viết và chuyển bản tóm tắt đó thành đề cương bài thuyết trình.

- Phương án 2: Giới thiệu về một tác giả văn học chưa được thực hiện ở hoạt động viết. Bạn cần bắt đầu tiến hành các bước đọc về tác giả văn học như đă hướng dẫn ở Phần 1 , lựa chọn hướng viết và lập đề cương cho bài thuyết trình.

Đề cương phải có đầy đủ các phần theo bố cục của bài thuyết trình. Trong mỗi phần, các ý cần được tổ chức theo thứ tự hợp lí, giữa các ý có sự phân định rành mạch. Để nắm được những thao tác cơ bản, bạn hãy tham khảo cách tóm tắt sau (đối với bài giới thiệu Tố Hữu Nhà thơ cách mạng của Nguyễn Văn Long):

Mở đầu: Giới thiệu vị trí của Tố Hữu trong nền văn học Việt Nam.

Triển khai:

- Giới thiệu hoàn cảnh xuất thân, chặng đường hoạt động cách mạng và những cương vị xã hội của Tố Hữu.

- Giới thiệu về sự nghiệp văn học của Tố Hữu chặng đường trước Cách mạng.

- Giới thiệu về sự nghiệp văn học của Tố Hữu chặng đường sau Cách mạng.

- Giới thiệu về vai trò lãnh đạo văn nghệ cách mạng của Tố Hữu.

Kết thúc: Khẳng định lại vị trí của nhà thơ trong nền văn học Việt Nam và những giải thưởng đã đạt được.

Lưu ý:

- Ở mỗi phần, mỗi ý, bên cạnh việc nêu nội dung cơ bản, dẫn chứng tiêu biểu, cẩn ghi chú cách trình bày, thời gian dành cho từng phần. Những ghi chú này có tác dụng giúp người nói chủ động, nhấn mạnh vào những điểm cốt lõi, tránh tình trạng lan man.

- Chuẩn bị và kiểm tra thiết bị trình chiếu, slide, các video clip, thiết bị âm thanh (nếu có).

2. Trình bày bài giới thiệu

Bài thuyết trình cá nhân trước hết được trình bày theo kế hoạch đã đặt ra với chuyên đề này, ngoài ra, có thể được thực hiện với các quy mô, hình thức tổ chức và trước những đối tượng người nghe khác nhau. Bạn có thể trình bày bài thuyết trình về một tác giả văn học theo các bước sau:

Mở đầu:

- Giới thiệu ngắn gọn về bản thân (tên, lớp, trường,...).

- Giới thiệu tác giả văn học và mục đích của việc trình bày, giới thiệu về tác giả đó.

Triển khai:

- Dựa vào đề cương đă chuẩn bị hoặc các slide trình chiếu, lần lượt trình bày từng ý về cuộc đời, sự nghiệp, đóng góp của tác giả theo hướng đã lựa chọn. Nhấn mạnh trọng tâm của vấn đề, thuyết trình rŏ ràng; diễn giải, phân tích dẫn chứng ở những chỗ cần làm sáng tỏ.

- Nếu có video clip trình chiếu xen kẽ, cần làm rõ sự kết nối giữa bài giới thiệu và hình ảnh.

- Khi trình bày, thường xuyên tương tác với người nghe; tuỳ thái độ, phản ứng của người nghe mà điều chỉnh, bổ sung những thông tin cần thiết. Tuyệt đối tránh tình trạng đọc bài viết soạn sẵn.

Kết thúc: Khẳng định lại vị trí của tác giả văn học và sự cần thiết của việc nắm được các thông tin cơ bản về tác giả nhằm nâng cao chất lượng học tập môn Ngữ văn.

II. Tổ chức diễn đàn giới thiệu về một tác giả văn học

Diễn đàn về một tác giả văn học là hình thức sinh hoạt tập thể có quy mô rộng, có chủ đề xác định, tập trung bàn về một tác giả lớn đang thu hút sự quan tâm của độc giả hoặc một tác giả được học trong chương trình môn Ngữ văn (vốn tiêu biểu cho một xu hướng, trào lưu, thời đại văn học, phong cách nghệ thuật). Để tổ chức diễn đàn, cần tuân thủ một số hoạt động chung: lựa chọn chủ đề, phân công nhiệm vụ cụ thể, xây dựng kịch bản phối hợp giữa các thành viên theo sự điều hành chung.

Các bước tổ chức diễn đàn bao gồm:

1. Chuẩn bị

- Thành lập ban tổ chức: Ban tổ chức có thể gồm đại diện Ban Giám hiệu, thầy/ cô giáo đại diện tổ bộ môn Ngữ văn, đại diện Đoàn thanh niên, đại diện cán bộ Đoàn một số lớp, nhóm học sinh yêu thích môn Ngữ văn,...

+ Ban tổ chức xác định chủ đề, mục đích của việc tổ chức hoạt động. Thông thường, hoạt động giới thiệu một tác giả văn học cần hướng tới một mục tiêu nhất định (mối liên hệ giữa tác giả với chương trình môn Ngữ văn hoặc nhân dịp kỉ niệm về tác giả,...).

+ Ban tổ chức thống nhất các nội dung của diễn đàn, phân công nhiệm vụ cho các thành viên (chuẩn bị, tập hợp tư liệu về tác giả, xây dựng đề cương, phân công người trình bày).

+ Xây dựng kịch bản và phân công người dẫn chương trình (nên là học sinh).

+ Chọn ngày tổ chức diễn đàn, lập các danh sách cần thiết và gửi giấy mời đến những người tham gia theo các tư cách khác nhau.

- Thành lập ban tham vắn: Ban tham vấn là các thầy, cô giáo, các chuyên gia,... những người có uy tín, có chuyên môn có thể giải đáp, trao đổi về những vấn đề mà các bạn muốn tìm hiểu về tác giả văn học.

Lưu ý:

- Những bạn được giao nhiệm vụ trình bày cẩn tìm hiểu kĩ về tác giả, trao đổi với nhau để soạn đề cương cho bài giới thiệu.

- Người được giao dẫn chương trình chuẩn bị kịch bản cho buổi tổ chức diễn đàn.

- Bộ phận phụ trách kiểm tra việc dựng sân khấu, làm poster và chuẩn bị các thiết bị kĩ thuật (máy chiếu, ánh sáng, âm thanh,...).

2. Tổ chức diễn đàn

- Giới thiệu mục tiêu, chương trình diễn đàn, khách mời, người trình bày, các thành phần tham gia.

- Người trình bày bài giới thiệu về một tác giả văn học dựa vào đề cương và các slide (nếu có) để thuyết trình.

- Người dẫn chương trình kết nối người trình bày với người nghe để hỏi, trao đổi về một số khía cạnh liên quan đến tác giả văn học được giới thiệu. Người trình bày có thể giải đáp nhanh một số câu hỏi do người nghe nêu lên.

- Đại biểu, ban tham vấn trao đổi, giải đáp, bổ sung, làm rõ, trả lời ý kiến của các thành viên tham gia.

- Bế mạc: Khẳng định vị trí của tác giả văn học, nêu thông điệp hoặc bài học rút ra từ nội dung trao đổi tại diễn đàn.

3. Đánh giá kết quả diễn đàn

- Có thể đánh giá kết quả diễn đàn qua lời phát biểu cảm tưởng của đại diện học sinh hoặc nhận xét của người đại diện ban tổ chức diễn đàn.

- Kết quả của diễn đàn cũng có thể được đánh giá thông qua số lượng câu hỏi và các vấn đề trao đổi của học sinh, cŭng như những ý kiến trả lời, phản hồi của các đại biểu, các thầy, cô giáo và ban tham vấn.

Xem thêm các bài soạn Chuyên đề Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Chuyên đề 1: Tập nghiên cứu và viết báo cáo về một vấn đề văn học trung đại Việt Nam

Chuyên đề 2: Tìm hiểu ngôn ngữ trong đời sống xã hội hiện đại

Chuyên đề 3: Đọc, viết và giới thiệu về một tác giả văn học

Đánh giá

0

0 đánh giá