Lý thuyết Địa lí 10 Bài 40 (Chân trời sáng tạo 2024): Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh

873

Với tóm tắt lý thuyết Địa lí lớp 10 Bài 40: Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết cùng với 15 câu trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Địa lí 10.

Địa lí lớp 10 Bài 40: Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh

A. Lý thuyết Địa lí 10 Bài 40: Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh

I. Phát triển bền vững

1. Khái niệm

Là sự phát triển để thoả mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng thoả mãn nhu cầu của thế hệ tương lai dựa trên sự phát triển hài hoà giữa kinh tế, xã hội, môi trường.

2. Sự cần thiết của phát triển bền vững

- Về kinh tế: Các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải,... tạo ra khí thải, rác thải, nước thải vào môi trường làm ô nhiễm không khí, nước, đất,... => Phát triển bền vững nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo điều kiện duy trì tăng trưởng kinh tế cho thế hệ tương lai.

- Về xã hội: Trong một quốc gia, khu vực hay giữa các nền kinh tế trên thế giới vẫn đang tồn tại khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng trong thu nhập, bùng nổ dân số gây nên các vấn đề về thất nghiệp, tệ nạn xã hội,… => Phát triển bền vững nhằm giảm nghèo, tạo việc làm ổn định; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội,…

- Về môi trường: Tài nguyên thiên nhiên ngày càng suy giảm nghiêm trọng, môi trường đất, nước, không khí,... bị ô nhiễm nặng nề, nhiều loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng, biến đổi khí hậu,... => Phát triển kinh tế cần áp dụng các tiến bộ khoa học - kĩ thuật để giảm các tác động xấu đến môi trường và tài nguyên.

II. Tăng trưởng xanh

1. Khái niệm

Tăng trưởng xanh là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển theo những mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững, đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp cho đời sống và sản xuất của con người trong hiện tại và cho thế hệ tương lai.

2. Biểu hiện của tăng trưởng xanh

a. Tăng trưởng xanh góp phần giảm phát thải khí nhà kính

- Hiện trạng

+ Hầu hết các hoạt động kinh tế đều phát thải khí nhà kính, gây biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường.

+ Tỉ lệ phát thải khí nhà kính của ngành công nghiệp năng lượng và hoạt động giao thông vận tải chiếm tỉ trọng cao.

- Giải pháp

+ Sản xuất xe điện hoặc ô tô áp dụng các tiêu chuẩn giảm phát thải khí nhà kính.

+ Phát triển điện mặt trời, đầu tư hạ tầng cây xanh đô thị,...

b. Xanh hoá trong sản xuất

- Xanh hoá trong sản xuất bằng việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hoá các ngành kinh tế, sử dụng năng lượng tái tạo.

- Phát triển cơ sở hạ tầng - kĩ thuật kết hợp ứng dụng công nghệ số, nhằm nâng cao chất lượng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

c. Xanh hoá lối sống và tiêu dùng bền vững

- Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh.

- Tạo lập văn hoá tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới.

- Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường.

- Sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tiết kiệm năng lượng,…

B. 15 câu trắc nghiệm Địa lí 10 Bài 40: Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh

Câu 1. Biểu hiện của tăng trưởng xanh trong công nghiệp là

A. sử dụng vật liệu mới, năng lượng tái tạo.

B. phục hồi các nguồn tài nguyên sinh thái.

C. phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

D. duy trì, nâng cao năng suất và lợi nhuận.

Đáp án: A

Giải thích:

Tăng trưởng xanh trong công nghiệp

- Sản xuất các sản phẩm chất lượng cao; sử dụng vật liệu mới, năng lượng tái tạo.

- Đổi mới trang thiết bị kĩ thuật làm tăng năng suất lao động; chế tạo, sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao.

- Sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

Câu 2. Nhận định nào sau đây không đúng với tăng trưởng xanh?

A. Tăng năng lực cạnh tranh nhờ áp dụng khoa học - công nghệ.

B. Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với thay đổi mô hình tăng trưởng.

C. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và phát triển nông nghiệp.

D. Giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đáp án: C

Giải thích: Tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, có vai trò trong giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế gắn với thay đổi mô hình tăng trưởng; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại.

Câu 3. Xanh hoá lối sống và tiêu dùng bền vững có biểu hiện nào sau đây?

A. Đô thị hoá bền vững gồm xử lí rác thải và chất thải.

B. Phát triển nông nghiệp hữu cơ và áp dụng khoa học.

C. Sử dụng năng lượng tái tạo và các vật liệu thay thế.

D. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Đáp án: A

Giải thích:

Xanh hoá lối sống và tiêu dùng bền vững

- Kết hợp lối sống truyền thống đẹp với những tiện nghi văn minh, hiện đại.

- Đô thị hoá bền vững gồm xử lí rác thải, chất thải; duy trì lối sống hoà hợp với thiên nhiên ở nông thôn.

Câu 4. Xanh hóa trong sản xuất không có biểu hiện nào sau đây?

A. Mở rộng các khu kinh tế, vùng kinh tế.

B. Ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số.

C. Tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

D. Áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Đáp án: A

Giải thích: Xanh hoá trong sản xuất bằng việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hoá các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng tái tạo dựa trên tiến bộ của khoa học - công nghệ. Phát triển cơ sở hạ tầng - kĩ thuật kết hợp ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Câu 5. Biểu hiện của xanh hóa trong lối sống là

A. đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

B. tăng cường dùng năng lượng tái tạo.

C. ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.

D. áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Đáp án: A

Giải thích: Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng xanh; tạo lập văn hoá tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới. Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường; sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tiết kiệm năng lượng; có hành vi thiết thực bảo vệ môi trường.

Câu 6. Biểu hiện của xanh hóa trong lối sống không phải là

A. sử dụng xe công cộng.

B. tái sử dụng nhiều đồ.

C. đổ chất thải vào nước.

D. tiết kiệm năng lượng.

Đáp án: C

Giải thích: Biểu hiện của xanh hóa trong lối sống là nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường; sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tiết kiệm năng lượng; có hành vi thiết thực bảo vệ môi trường.

Câu 7. Phát triển bền vững được tiến hành trên các phương diện

A. bền vững xã hội, kinh tế, môi trường.

B. bền vững môi trường, xã hội, dân cư.

C. bền vững xã hội, kinh tế, tài nguyên.

D. bền vững kinh tế, môi trường, văn hóa.

Đáp án: A

Giải thích: Phát triển bền vững là kết quả của các tương tác qua lại và phụ thuộc lẫn nhau giữa hệ thống tự nhiên, hệ thống kinh tế và hệ thống xã hội. Trong đó không cho phép vì sự ưu tiên phát triển kinh tế mà gây ra sự suy thoái và tàn phá hệ thống tự nhiên, xã hội.

Câu 8. Biểu hiện của tăng trưởng xanh trong nông nghiệp là

A. sử dụng vật liệu mới, năng lượng tái tạo.

B. phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

C. phục hồi các nguồn tài nguyên sinh thái.

D. sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao.

Đáp án: C

Giải thích:

Tăng trưởng xanh trong nông nghiệp

- Áp dụng khoa học kĩ thuật canh tác tiến bộ nhằm duy trì, nâng cao năng suất và lợi nhuận. 

- Giảm dần các yếu tố tác động tiêu cực và phục hồi các nguồn tài nguyên sinh thái như đất, nước, không khí và đa dạng sinh học.

- Giảm ô nhiễm và sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả hơn.

Câu 9. Mô hình định hướng của tăng trưởng xanh là

A. thúc đẩy sự phát triển cac-bon ở mức trung bình và tiến bộ xã hội.

B. đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp cho các thế hệ sau.

C. tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu mới và hóa thạch.

D. tăng trưởng tập trung vào phát triển kinh tế mới, nguồn tài nguyên.

Đáp án: B

Giải thích: Tăng trưởng xanh là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển theo những mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững, đảm bảo nguồn vốn tự nhiên tiếp tục cung cấp cho đời sống và sản xuất của con người trong hiện tại và cho thế hệ tương lai.

Câu 10. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thủng tầng ôdôn là do

A. tác động của các trận bão lớn, áp thấp nhiệt đới và hoạt động sản xuất.

B. sự suy giảm diện tích rừng, phát triển nông nghiệp xanh, khai thác than.

C. việc phát thải các khí gây hại trong sản xuất và sinh hoạt của con người.

D. hoạt động phun trào của núi lửa, trong tự nhiên xuất hiện nhiều thiên tai.

Đáp án: C

Giải thích: Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thủng tầng ôdôn là do việc phát thải các khí gây hại trong sản xuất và sinh hoạt của con người ra môi trường ngày càng nhiều.

Câu 11Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu để thu ngoại tệ ở nhiều nước đang phát triển tại Trung Á, châu Phi, Mĩ La-tinh là

A. máy móc.

B. khoáng sản.

C. lâm sản.

D. thuỷ sản.

Đáp án: B

Giải thích: Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu để thu ngoại tệ ở nhiều nước đang phát triển tại Trung Á, châu Phi, Mĩ La-tinh là khoáng sản.

Câu 12. Xanh hóa trong sản xuất không có biểu hiện nào sau đây?

A. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

B. Sử dụng năng lượng tái tạo và các vật liệu thay thế.

C. Phát triển nông nghiệp hữu cơ và áp dụng khoa học.

D. Đô thị hoá bền vững gồm xử lí rác thải và chất thải.

Đáp án: D

Giải thích:

Xanh hoá sản xuất: Đầu tư phát triển vốn tự nhiên; Ngăn ngừa và xử lí ô nhiễm.

- Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

- Sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu mới, vật liệu thay thế; sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao để tăng năng suất lao động, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.

- Phát triển nông nghiệp hữu cơ, áp dụng khoa học và kĩ thuật nông nghiệp hiện đại để có năng suất và hiệu quả cao.

Câu 13. Nhận định nào sau đây đúng với tăng trưởng xanh?

A. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và phát triển nông nghiệp.

B. Giảm năng lực cạnh tranh do áp dụng khoa học - công nghệ.

C. Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với thay đổi mô hình tăng trưởng.

D. Tăng phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đáp án: C

Giải thích: Tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, có vai trò trong giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế gắn với thay đổi mô hình tăng trưởng; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại.

Câu 14. Nhận định nào dưới đây không đúng khi giải quyết vấn đề môi trường?

A. Tôn trọng quyền tự quyết xả thải của các quốc gia.

B. Thực hiện các công ước quốc tế về môi trường.

C. Kiểm soát môi trường nhờ các tiến bộ về khoa học.

D. Đảm bảo hoà bình, công bằng giữa các quốc gia.

Đáp án: A

Giải thích: Giải quyết các vấn đề về môi trường cầm đảm bảo hòa bình, công bằng giữa các quốc gia trên thế giới; Kiểm soát môi trường nhờ các tiến bộ về khoa học - kĩ thuật và công nghệ hiện đại. Đồng thời, thực hiện tốt các công ước quốc tế về môi trường.

Câu 15. Nhận định nào sau đây không phải là nguyên nhân dẫn đến suy thoái, ô nhiễm môi trường?

A. Sử dụng máy móc cũ kĩ, công nghệ lạc hậu.

B. Thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai.

C. Hệ thống pháp luật về môi trường còn hạn chế.

D. Đông dân, kinh tế còn phụ thuộc tự nhiên.

Đáp án: B

Giải thích: Nguyên nhân dẫn đến suy thoái, ô nhiễm môi trường là do việc sử dụng máy móc cũ kĩ, công nghệ lạc hậu; dân số đông, nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên; Hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật về tài nguyên, môi trường còn hạn chế.

Xem thêm các bài tóm tắt Lý thuyết Địa lí lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 34: Địa lí ngành giao thông vận tải

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 35: Địa lí ngành bưu chính viễn thông

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 36: Địa lí ngành thương mại

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 37: Địa lí ngành du lịch và tài chính-ngân hàng

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 39: Môi trường và tài nguyên thiên nhiên

Lý thuyết Địa lí 10 Bài 40: Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh

Đánh giá

0

0 đánh giá