Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới - Tác giả tác phẩm – Ngữ văn lớp 9

Tải xuống 6 2.6 K 1

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 9 tài liệu tác giả tác phẩm Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới hay nhất, gồm 6 trang đầy đủ những nét chính về văn bản như:

Các nội dung được Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn chi tiết giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa kiến thức từ đó dễ dàng nắm vững được nội dung tác phẩm Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới Ngữ văn lớp 9.

Mời quí bạn đọc tải xuống để xem đầy đủ tài liệu tác phẩm Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới Ngữ văn lớp 9:

CHUẨN BỊ HÀNH TRANG VÀO THẾ KỈ MỚI

(Vũ Khoan)

A. Nội dung tác phẩm

Tác phẩm đã nêu ra bình luận cụ thể về những điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách và thói quen của người Việt Nam, từ đó, đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi con người Việt Nam phải khắc phục điểm yếu để bước vào thế kỉ mới

Tác giả tác phẩm Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới – Ngữ văn lớp 9 (ảnh 2)

B. Đôi nét về tác phẩm

1. Tác giả: Vũ Khoan

- Nhà hoạt động chính trị.

- Nhiều năm là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

- Từng là Bộ trưởng Bộ Thương mại, Phó Thủ tướng Chính phủ.

2. Tác phẩm

a, Hoàn cảnh sáng tác

- Đầu năm 2001, thời điểm mở đầu thế kỉ XXI khi dân tộc ta đang đứng trước những yêu cầu và nhiệm vụ to lớn là đưa nước ta đi vào công nghiệp hóa, vượt qua tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020.

b, Bố cục

- Luận điểm chính: Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, lớp trẻ Việt Nam cần nhận ra những cái mạnh, cái yếu của con người Việt Nam để rèn những thói quen tốt trước khi bước vào nền kinh tế mới.

- Tác giả đã lập luận chặt chẽ bằng hệ thống các luận cứ:

+ Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới thì quan trọng nhất là sự chuẩn bị bản thân con người.

+ Bối cảnh của thế giới hiện nay và những mục tiêu nặng nề của đất nước.

+ Những điểm mạnh và điểm yếu của con người Việt Nam.

+ Kết luận.

c, Ý nghĩa nhan đề 

- Hành trang ở đây được dùng với nghĩa những giá trị tinh thần mang theo như tri thức, kĩ năng, thói quen…

- Thế kỉ mới: Thế kỉ XXI

- Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới là sắp sẵn những phẩm chất trí tuệ, kĩ năng, thói quen để tiến vào thế kỉ XXI.

d, Giá trị nội dung

- Bài viết bàn về những điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách và thói quen cuả người Việt Nam, nêu yêu cầu phải khắc phục điểm yếu, hình thành những đức tính và thói quen tốt khi đất nước đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thế kỉ mới.

e, Giá trị nghệ thuật

- Ngôn ngữ báo chí, gắn với đời sống, cách nói trực tiếp, dễ hiểu, giản dị.

- Sử dụng cách so sánh: người Nhật, người Hoa trong cùng một sự việc, hiện tượng xong lại có các thói quen và ứng xử - khác nhau.

- Sử dụng thành ngữ, tục ngữ, ca dao cụ thể, sinh động.

C. Đọc hiểu văn bản

1. Ý nghĩa ra đời của bài viết

- Bài viết ra đời vào đầu năm 2001, thời điểm chuyển giao giữa 2 thế kỉ, hai thiên niên kỉ - thời điểm bắt đầu một chặng đường mới.

- Luận điểm cơ bản của bài viết được nêu ra ngay trong câu mở đầu: Lớp trẻ Việt Nam cần nhận ra những cái mạnh, cái yếu của con người Việt Nam để rèn những thói quen tốt khi bước vào nền kinh tế mới.

- Vấn đề ấy không chỉ có ý nghĩa thời sự trong thời điểm chuyển giao thế kỉ, mà còn có ý nghĩa lâu dài đối với quá trình đi lên của đất nước. Bởi vì, nhận rõ điểm mạnh, điểm yếu, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu là điều kiện hết sức cần thiết để phát triển đối với mỗi người và mọi dân tộc. Điều đó lại càng cần thiết với dân tộc ta khi thực sự đi vào công cuộc xây dựng, phát triển trong xu thế hội nhập, trong nền kinh tế có xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.

- Vấn đề nêu trực tiếp, rõ, ngắn gọn, có ý nghĩa thời sự và lâu dài trong quá trình đi lên của đất nước.

2. Trình tự lập luận của bài viết

a) Luận cứ 1: Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới thì quan trọng nhất là sự chuẩn bị của bản thân con người

- Đây là luận cứ quan trọng mở đầu cho cả hệ thống luận cứ của văn bản. Nó có ý nghĩa đặt vấn đề, mở ra hướng lập luận của toàn văn bản. Luận cứ này dựa trên hai lí lẽ:

+ Từ cổ chí kim, bao giờ con người cũng là động lực phát triển của lịch sử.

+ Trong thế kỉ tới mà ai ai cũng thừa nhận rằng nền kinh tế tri thức sẽ phát triển mạnh mẽ thì vai trò con người lại càng nổi trội.

- Con người sáng tạo ra lịch sử, những phát minh, sáng kiến vĩ đại, kì diệu đều là của con người... Vì vậy, trong thế kỉ mới – thế kỉ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự hội nhập kinh tế toàn cầu, chủ nhân vẫn là con người nên sự chuẩn bị bản thân con người lại càng trở nên cần thiết và quan trọng hơn.

=> Bằng lí lẽ sắc sảo, logic, tác giả đã cho ta thấy vai trò, vị trí của con người trong quá trình tiến hóa của nhân loại và dân tộc Việt Nam. Quan điểm xác đáng được tác giả rút ra trên cơ sở khoa học, thực tiễn cụ thể. 

b) Luận cứ 2: Bối cảnh thế giới và mục tiêu, nhiệm vụ của đất nước

- Bối cảnh hiện nay: Một thế giới khoa học công nghệ phát triển như huyền thoại, sự giao thoa hội nhập ngày càng sâu rộng giữa các nền kinh tế.

- Nước ta phải đồng thời giải quyết ba nhiệm vụ: thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đồng thời phải tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức.

=> Hệ thống lý lẽ chặt chẽ thể hiện những định hướng phát triển với mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của đất nước trong hoàn cảnh mới.

c) Luận cứ 3: Những điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam

+ Thông minh, nhạy bén với cái mới nhưng thiếu kiến thức cơ bản, kém khả năng thực hành;

+ Cần cù, sáng tạo nhưng thiếu đức tính tỉ mỉ, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ, chưa quen với cường độ khẩn trương;

+ Có tinh thần đoàn kết, đùm bọc, nhất là trong công cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, nhưng lại thường đố kị nhau trong làm ăn và trong cuộc sống thường ngày;

+ Bản tính thích ứng nhanh, nhưng lại có nhiều hạn chế trong thói quen và nếp nghĩ, kì thị kinh doanh, quen với bao cấp, thói sùng ngoại hoặc bài ngoại quá mức, thói “khôn vặt”, ít giữ chữ “tín”.

=> Lòng yêu nước, tinh thần dân tộc đòi hỏi mọi người phải nhìn rõ cả điểm mạnh và điểm yếu của dân tộc, có sự thôi thúc vươn lên, vứt bỏ những cái yếu kém, vượt qua những hạn chế để sánh vai được với những đất nước phát triển, văn minh, tiến bộ. Thái độ của tác giả là tôn trọng sự thực, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, toàn diện, không thiên lệch về một phía, khẳng định và trân trọng những phẩm chất tốt đẹp, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt yếu kém, không rơi vào sự đề cao quá mức hay tự ti, miệt thị dân tộc.

- Từ ba luận cứ được triển khai rất chặt chẽ nói trên, tác giả kết thúc bài viết bằng việc nêu lên yêu cầu đối với thế hệ trẻ: Bước vào thế kỉ mới, muốn “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” thì chúng ta sẽ phải lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu. Muốn vậy thì khâu đầu tiên, có ý nghĩa quyết định là hãy làm cho lớp trẻ – những người chủ thực sự của đất nước trong thế kỉ tới – nhận ra điều đó, quen dần với những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất.

D. Sơ đồ tư duy

Tác giả tác phẩm Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới – Ngữ văn lớp 9 (ảnh 1)

Sơ đồ tư duy Phân tích Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới

Phân tích Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới hay nhất ( 4 mẫu) (ảnh 3)

Dàn ý chi tiết Phân tích Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới

1. Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về tác giả Vũ Khoan: Một nhà chính trị, ngoại giao xuất sắc, một vị thủ tướng có đóng góp quan trọng vào con đường phát triển của đất nước.

- “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới” ra đời đúng thời điểm như một kim chỉ nam để mỗi người Việt Nam tự nhìn nhận lại những điểm mạnh, điểm yếu của mình nhằm sẵn sàng vươn tới một kỉ nguyên mới.

2. Thân bài:

  • Sự chuẩn bị bản thân con người là sự chuẩn bị quan trọng nhất trong hành trang bước vào thế kỉ mới

- Khẳng định trong thời khắc chuyển giao giữa hai thế kỷ, cần chuẩn bị tốt hành trang để bước sang một thế kỉ mới thành công.

- Nhấn mạnh sự chuẩn bị bản thân con người là quan trọng nhất vì:

+ Con người lúc nào cũng là động lực phát triển của lịch sử.

+ Con người giữ vai trò nổi trội trong nền kinh tế tri thức mà nền kinh tế này sẽ phát triển nổi trội vào thế kỉ mới.

⇒ Cách đặt vấn đề trực tiếp, ngắn gọn, thuyết phục.

  • Tình hình thế giới và những nhiệm vụ của đất nước

- Tình hình thế giới:

+ Khoa học công nghệ phát triển như huyền thoại.

+ Sự giao thoa sâu rộng giữa các nền kinh tế.

- Nhiệm vụ của đất nước:

+ Thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu của nền kinh tế nông nghiệp.

+ Đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa.

+ Tiếp cận với nền kinh tế tri thức.

⇒ Cách trình bày luận điểm logic chặt chẽ.

  • Những điểm mạnh, điểm yếu của con người Việt Nam và nhiệm vụ của con người khi bước vào thế kỉ mới

- Điểm mạnh của con người Việt Nam:

+ Thông minh, nhạy bén với cái mới.

+ Cần cù, sáng tạo.

+ Có tinh thần đoàn kết, đùm bọc, nhất là trong kháng chiến chống ngoại xâm.

+ Bản tính thích ứng nhanh.

- Điểm yếu của con người Việt Nam:

+ Thiếu kiến thức cơ bản, kém khả năng thực hành.

+ Thiếu đức tính tỉ mỉ, hành động theo phương châm “nước đến chân mới nhảy”, chưa có được thói quen tôn trọng những quy định nghiêm ngặt của công việc là cường độ khẩn trương.

+ Thường ích kỉ, đố kị nhau trong đời sống thường ngày.

+ Thái độ kì thị với sự kinh doanh, thói quen ảnh hưởng sự bao cấp, nếp nghĩ sùng ngoại hoặc bài ngoại quá mức.

⇒ Lập luận song hành: đi liền với điểm mạnh là điểm yếu => cái nhìn trực diện, thông suốt, thấu đáo, không né tránh => Người Việt Nam nhận rõ về những điểm mạnh, điểm yếu của mình.

- Từ điểm mạnh, điểm yếu, đề ra nhiệm vụ khi bước vào thế kỉ mới:

+ Lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh: Phát huy điểm mạnh.

+ Vứt bỏ điểm yếu.

+ Làm cho lớp trẻ nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu, làm quen với những thói quen tốt đẹp.

⇒ Lập luận chặt chẽ, logic, chắc chắn, giàu sức thuyết phục => Tài năng của một người tài năng luôn lo lắng cho vận mệnh đất nước.

3. Kết bài:

- Khái quát lại những nét tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

- Trình bày giá trị thời đại của bài viết tới thời điểm hôm nay, liên hệ bản thân về việc phát huy những điểm mạnh, điểm yếu bản thân để phát triển đất nước trong tương lai.

Top 11 bài Phân tích Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới hay nhất (ảnh 2)

 

Bài văn mẫu Phân tích Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới – mẫu 1

“Chuẩn bị hành trang vào thế kỳ mới” của tác giả Vũ Khoan là một bài viết hay sâu sắc. Nó đã nói thẳng lên vấn đề cốt lõi mà bấy lâu nay rất nhiều người chúng ta biết mà tránh né. Đó là việc phải đổi mới cách suy nghĩ, những tính xấu của người Việt để có thể đáp ứng kịp sự thay đổi của khoa học công nghệ trong thế kỷ mới.

Ngay từ phần đầu của bài viết tác giả Vũ Khoan đã vào thẳng luôn vấn đề rằng: Bấy lâu nay người dân chúng ta thường chỉ biết nhìn vào những ưu điểm của mình như dân ta có tinh thần cần cù, dũng cảm, đoàn kết, sáng tạo…nhưng chúng ta không bao giờ nói tới những đức tính xấu của người Việt mình. Chúng ta vẫn còn những đức tính, thói quen chưa tốt cần phải loại bỏ để chuẩn bị hành trang đưa đất nước vào thế kỷ mới. Tác giả chỉ rõ để đưa đất nước ta thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, tiến lên theo con đường hiện đại hóa, thì chúng ta phải nỗ lực rất nhiều bởi hiện nay đất nước ta đang phải đối đầu với rất nhiều khó khăn, thử thách. Trong đó thế hệ trẻ sẽ là lực lượng tiên phong là trụ cột quyết định sự nghiệp phát triển đất nước trong thế kỷ mới này. Tác giả chỉ rõ chúng ta cần khắc phục những đức tính còn yếu kém như kém khả năng thực hành, thiếu tính tỉ mỉ, không coi trọng nguyên tắc làm để làm đúng quy trình công nghệ, nhiều khi không có tính tương trợ, tính đoàn kết cộng đồng trong làm ăn, kinh doanh. Để đưa đất nước đi lên chúng ta phải hình thành những thói quen tốt, từ những việc nhỏ nhất. Tác giả Vũ Khoan không dùng cách viết nghệ thuật, thường thấy trong văn chương, mà ông sử dụng những từ ngữ chân thành, đời thường, nhưng lại mạnh mẽ và có sức thuyết phục người đọc người nghe rất cao, bởi tác giả đã đi đúng vào vấn đề trọng tâm. Cách nhìn vấn đề của tác giả vô cùng khách quan không mang tính cá nhân mà tác giả chỉ muốn vì lợi ích chung của cả dân tộc để nói lên những điều còn yếu kém. Trong mỗi câu viết của mình tác giả đều có thái độ tôn trọng độc giả, lập luận một cách thấu tình đạt lý, giọng văn trầm lặng, điềm tĩnh, sâu sắc giàu tính thuyết phục người đọc. Trong mỗi câu văn của mình tác giả đều phân tích rất chi tiết những cái mạnh và cái yếu của người dân Việt Nam. Chỉ rõ cho chúng ta thấy điều chúng ta đã làm được và điều chúng ta còn chưa có, yếu kém thì cần sửa chữa hoặc khắc phục. Ví dụ như người Việt Nam cần cù, nhiều sáng tạo nhưng chưa có tính khẩn trương…

Bài viết này đã nói thẳng lên một vấn đề vô cùng tế nhị, “nhạy cảm” của người dân chúng ta. Bằng ngôn ngữ đời thường, dễ hiểu, tác giả đã chỉ rõ cho chúng ta thấy rõ những cái cần khắc phục, để xây dựng tập quán, thói quen tốt cho mỗi người dân Việt Nam. Qua đó chúng ta sẽ có đủ kinh nghiệm, trí tuệ để bước vào thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa trong kỷ nguyên mới.

Video bài văn mẫu Phân tích Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới

Bài văn mẫu Phân tích Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới – mẫu 2

Mỗi người Việt Nam - nhất là thế hệ trẻ chúng ta - đã được sống những giây phút thiêng liêng của cái Tết năm 2001. Đó là thời điểm chuyển tiếp từ thế kỉ XX vào thế kỉ XXI. Bước vào thế kỉ mới, đất trời như đổi khác hơn, con người cũng bồi hồi, xao động mong muốn được đổi khác, lớn lên, tiến bộ hơn để sống hạnh phúc hơn. Vậy chúng ta phải suy nghĩ thế nào, phải làm việc, học tập, ứng xử ra sao ? Biết bao băn khoăn, day dứt, bao câu hỏi đặt ra, đòi ta phải trả lời. Một trong những ý kiến giúp chúng ta giải bài toán đặc biệt, trước hết là bài toán về nhận thức tư tưởng, bài toán về cách sống ấy, nằm trong một văn bản nghị luận ngắn gọn mà sâu sắc: Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới của ông Vũ Khoan.

Mở đầu bài viết, tác giả đã đặt vấn đề trực tiếp, rõ ràng: "Cái mạnh, cái yếu" của người Việt Nam mà tác giả nói tới là những ưu điểm, những hạn chế trong phẩm chất, nhân cách bản thân mỗi con người. Đây là khởi nguồn của mọi thành công, hay thất bại trong cuộc sống. Khi bước vào thế kỉ mới, thiên niên kỷ mới, mỗi người phải chuẩn bị cho mình biết bao việc, trong đó hàng đầu, có tính quyết định chính là nhận ra ưu điểm, nhược điểm của chính mình. Vấn đề mà ông Vũ Khoan đặt ra và nhắc nhở tuổi trẻ chúng ta thật thẳng thắn và cần thiết. Trước hết, tác giả giải thích lí do và ý nghĩa việc chuẩn bị hành trang - nhận ra ưu điểm và nhược điểm - trong nhân cách bản thân mỗi người: "Chúng ta đã chứng kiến sự phát triển như huyền thoại của khoa học và công nghệ... dưới tác động của những tiến bộ về khoa học và công nghệ, sự giao thoa, hội nhập giữa các nền kinh tế chắc chắn sẽ sâu rộng hơn nhiều". Như vậy, việc bồi đắp trí tuệ, trau dồi đạo đức, nhân cách của mỗi người tuổi trẻ chúng ta là một đòi hỏi khách quan có tính thời đại, tính lịch sử. Nó không đơn thuần là những khái niệm tinh thần chủ quan, trừu tượng mà là sự đòi hỏi khách quan, cụ thể của cuộc sống cả đất nước và mỗi con người. Tại sao? Ông Vũ Khoan chỉ rõ: nước ta phải cùng một lúc giải quyết ba nhiệm vụ: thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tiếp cận ngay với kinh tế tri thức. Trong ba nhiệm vụ đó, có lẽ nhiệm vụ "tiếp cận ngay với nền kinh tế tri thức" là một đòi hỏi bức bách, một sứ mệnh thiêng liêng, vẻ vang nhất đối với tuổi trẻ chúng ta.

Tiếp sau - phần chính của bài viết - tác giả thẳng thắn chỉ ra những "điểm mạnh và điểm yếu", những ưu điểm và hạn chế, thiếu sót trong phẩm chất con người Việt Nam chúng ta. Thứ nhất: Chúng ta thông minh, nhạy bén với cái mới, nhưng kiến thức cơ bản không vững chắc, khả năng thực hành bị hạn chế. Thứ hai: Chúng ta cần cù sáng tạo, nhưng trong cần cù, chúng ta thiếu đức tính tỉ mỉ, nhất là chưa có thói quen tôn trọng những quy định nghiêm ngặt của công việc là cường độ khẩn trương. Chúng ta có khả năng sáng tạo, nhưng chỉ loay hoay "cải tiến", làm tắt, chứ không coi trọng quy trình công nghệ. Thứ ba: Nhân dân ta có truyền thống đùm bọc, đoàn kết với nhau trong công cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Nhưng trong công việc làm ăn, trong kinh tế thì lại phạm vào thói xấu "trâu buộc ghét trâu ăn", kèn cựa, ganh tị với nhau. Thứ tư: Bản tính thích ứng - một tính tốt nữa của chúng ta - sẽ giúp nhân dân ta mau chóng hội nhập với thế giới. Nhưng trong "hội nhập" đã xuất hiện vài thói xấu như "thái độ kì thị", "sùng ngoại", "khôn vặt",... không giữ chữ "tín", gây tác hại khôn lường...Chắc rằng, vị cán bộ cao cấp, nhà ngoại giao, người hoạt động giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực của đất nước ta - ông Vũ Khoan - còn muốn nêu lên nhiều nữa "cái mạnh", "cái yếu" của người Việt Nam. Nhưng bốn cặp đối lập như trên, cũng đủ giúp chúng ta hiểu ra biết bao điều bổ ích. Điều bổ ích nhất là tác giả đã phân tích những điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách, thói quen ấy một cách cụ thể, sâu sắc. Mỗi ưu điểm cũng như thiếu sót đều có nguyên nhân, đều có tác dụng, hoặc hạn chế khi đất nước và dân tộc bước vào thế kỉ mới, hội nhập với nền kinh tế tri thức. Chúng có quan hệ biện chứng, thúc đẩy, hoặc hạn chế công cuộc xây dựng đất nước trong thời đại ngày nay.

Qua lịch sử, qua nhiều tác phẩm văn chương và thực tế cuộc sống, chúng ta nhận thấy những phát hiện, những lời khẳng định và phê phán của ông Vũ Khoan là hoàn toàn chính xác. Khi viết, ông đã dẫn chứng nhiều ví dụ sinh động, vận dụng nhiều ca dao, tục ngữ, thành ngữ quen thuộc, dễ hiểu, dễ nhớ: "nước đến chân mới nhảy", "liệu cơm gắp mắm", "nhiễu điều phủ lấy giá gương", "trâu buộc ghét trâu ăn", "bóc ngắn cắn dài",... những cụm từ ấy điểm xuyết trong bài văn không chỉ giúp cho lí lẽ được mềm mại, mà còn đánh thức người đọc những tri thức cơ bản về lịch sử, về văn chương, đầy tính thuyết phục. Với học sinh chúng ta, sự phát hiện của ông Vũ Khoan về những lỗ hổng trong kiến thức cơ bản do chạy theo những môn học "thời thượng", bệnh "học chay, học vẹt" là những lời phê phán, nhắc nhở thiết thực. Còn các phát hiện khác qua những cặp đối lập "cái mạnh", "cái yếu" của nhân cách Việt Nam biểu hiện trong lối sống, trong khoa học và các hoạt động kinh tế, chính trị, ngoại giao,... cũng đều là những lời nhắn gửi cần thiết đối với học sinh. Bởi vì, đó là những hành trang để chúng ta chuẩn bị vào đời, chuẩn bị làm một công dân Việt Nam bước vào thế kỉ mới.

Phần cuối bài viết, ông Vũ Khoan nhấn mạnh thêm lý do và ý nghĩa việc nhận ra điểm mạnh, điểm yếu trong mỗi con người. Nghĩa là phải biết "lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu". Tác giả dùng cụm từ muốn "sánh vai cùng các cường quốc năm châu" như có ý nhắc chúng ta nhớ lại lời Hồ Chí Minh trong bức thư gửi học sinh nhân năm học mở đầu khi đất nước được độc lập, dân tộc được tự do. Người cho rằng: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Lời Hồ Chí Minh nói cách đây nửa thế kỷ, nay lại đồng vọng trong tâm hồn chúng ta, được ông Vũ Khoan nhấn mạnh để hướng chúng ta vào nhiệm vụ cụ thể: hãy học tập tốt, hãy phát huy những ưu điểm, vứt bỏ những khuyết điểm trong tính cách, thói quen, nếp sống, công việc để vươn tới phía trước. Mỗi người chuẩn bị thật tốt những hành trang trí tuệ, tâm hồn, năng lực như thế chắc chắn đất nước ta, dân tộc ta sẽ "bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu" trong thế kỉ mới, thiên niên kỷ mới.

Tóm lại, qua văn bản Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, chúng ta hiểu rằng: Để chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới, thế hệ trẻ Việt Nam cần nhìn rõ cái mạnh và cái yếu của con người Việt Nam để rèn cho mình những đức tính và thói quen tốt. Thế mạnh của người Việt Nam là thông minh, nhạy bén với cái mới, cần cù sáng tạo, đoàn kết, đùm bọc nhau trong thời kì chống ngoại xâm. Bên cạnh đó cũng có nhiều điểm yếu cần khắc phục: thiếu kiến thức cơ bản, kém khả năng thực hành, thiếu đức tính tỉ mỉ, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ, thiếu tính cộng đồng trong làm ăn. Bước vào thế kỉ mới, để đưa nước ta tiến lên, chúng ta cần phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu, hình thành những thói quen tốt ngay từ những việc nhỏ. Bài nghị luận chính trị xã hội được viết một cách giản dị, sâu sắc với những lí lẽ rành mạch, những dẫn chứng cụ thể, sinh động, ngôn từ vừa hiện đại, vừa đậm đà chất dân tộc, rất dễ hiểu, đầy tính thuyết phục. Ấy là những lời giải tường minh, khúc chiết cho một bài toán về trí tuệ, tâm hồn đối với chúng ta.

 

Tài liệu có 6 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống