Văn bản Người ở bến sông Châu - Sương Nguyệt Minh - Nội dung, tác giả, tác phẩm

8.6 K

Tài liệu tác giả tác phẩm Người ở bến sông Châu (Sương Nguyệt Minh) Ngữ văn lớp 10 Cánh diều gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Người ở bến sông Châu (Sương Nguyệt Minh) lớp 10.

Tác giả tác phẩm: Người ở bến sông Châu (Sương Nguyệt Minh) - Ngữ văn 10

I. Tác giả Sương Nguyệt Minh

Người ở bến sông Châu (Sương Nguyệt Minh) - Tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 10 - Cánh diều (ảnh 1)

- Nhà văn Sương Nguyệt Minh tên thật là Nguyễn Ngọc Sơn, quê ở Yên Mỹ, Yên Mô, Ninh Bình. Ông là nhà văn quân đội, đến với nghiệp văn chương khá muộn màng, năm 1992, lần đầu tiên có truyện ngắn đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trước khi đến với nghiệp văn, ông từng làm nhiều nghề sinh nhai: từ buôn thuốc lá, trứng vịt, pháo; làm nghề khoan giếng, cho đến cắt dán phong bì.

Hiện tại, nhà văn Sương Nguyệt Minh đang công tác tại Ban Sáng tác - Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

* Giải thưởng:

- Giải thưởng cuộc thi bút ký báo Giáo dục thời đại năm 2004 với tác phẩm "Nhọc nhằn gieo chữ vùng cao".

- Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn cuộc thi Nhà xuất bản Giáo dục với tác phẩm "Những bước đi vào đời", năm 2004.

* Các tác phẩm tiêu biểu:

- Đêm Thánh Vô Cùng

- Lửa cháy trong rừng hoang

- Người về bến sông Châu,

- Nỗi đau dòng họ

II. Tìm hiểu tác phẩm Người ở bến sông Châu 

1. Thể loại: Truyện ngắn

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tácSáng tác vào tháng 6/1997 xuất bản tại NXB Phụ nữ, Hà Nội, 2016

3. Phương thức biểu đạtTự sự

4. Tóm tắt tác phẩm Người ở bến sông Châu (Sương Nguyệt Minh)Câu chuyện kể về dì Mây tốt bụng, mạnh mẽ và đầy bản lĩnh. Mặc dù trong cuộc đời gặp biết bao biến cố, khó khăn, thiệt thòi, nhưng dì vẫn mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn.

Người ở bến sông Châu (Sương Nguyệt Minh) - Tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 10 - Cánh diều (ảnh 1)

5. Bố cục tác phẩm Người ở bến sông Châu (Sương Nguyệt Minh)

- Phần 1: Từ đầu đến “di lên vách bếp”: Chú San đi lấy vợ , dì Mây trở về xóm Trại

- Phần 2: Tiếp đến “Sóng nước lao xao”: Cuộc sống giản dị của dì Mây ở xóm Trại

- Phần 3: Tiếp đến “ở phía cuối con đường về bến”: Dì Mây giúp cô Thanh (vợ chú San) vượt cạn

- Đoạn 4: Còn lại: Phẩm chất cao đẹp của dì Mây

6. Giá trị nội dung tác phẩm Người ở bến sông Châu (Sương Nguyệt Minh)

- Ca ngợi phẩm chất vị tha và tính cách mãnh mẽ của nhân vật dì Mây.

- Cảm thông trước hoàn cảnh và số phận của những người phụ nữ bước ra từ chiến tranh, họ đã hi sinh hạnh phúc của cá nhân góp phần làm nên chiến thắng lớn cho dân tộc

7. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Người ở bến sông Châu (Sương Nguyệt Minh)

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật

- Các tình huống được xây dựng hồi hộp, hấp dẫn lôi cuốn người đọc

III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Người ở bến sông Châu 

1. Bối cảnh câu chuyện

- Không gian: Dòng sông, con đò, cây cầu

- Thời gian: Ngày dì Mây trở về, chập tối, đêm, sáng, chiều chiều, đêm mưa, tháng ba lại về, cuối thu, đêm sông Châu.

=> Ý nghĩa của những hình ảnh dòng sông, con đò, cây cầu xuất hiện trong truyện.

- Hình ảnh dòng sông, con đò, cây cầu như chứng nhân quan trọng chứng kiến mọi thăng trầm, biến cố đổi thay của những người dân nơi đây.

- Hơn hết đó còn là những sự vật âm thầm chứng kiến những thăng trầm cuộc đời nhân vật chính, dòng sông Châu là nơi chứng kiến tình yêu đẹp đẽ, trong trẻo, thơ mộng của chú San và dì Mây, bến đò là nơi dì Mây chèo đò đưa chú San đi học. Bến đò cũng là nơi đón dì Mây từ chiến trường bom đạn trở về, dòng sông là nơi chứng kiến, cảm thương trước hoàn cảnh nghiệt ngã, đau thương của dì Mây, khi chứng kiến chú San đi lấy vợ đúng ngày mình trở về.

2. Nhân vật dì Mây

* Hoàn cảnh

- Trước khi đi xung phong

+ Có mối tình đẹp đẽ, trong trẻo với chú San.

+ Nhưng phải chia tay nhau vì chú San đi học nghề ở nước ngoài. Còn dì thì xung phong làm cô y sĩ Trường Sơn.

=> Mỗi người mỗi ngả

- Khi từ chiến trường bom đạn chờ về

+ Dì bị đạn phạt vào chân, phải đi tập tễnh.

+ Chú San thì đã lấy vợ đúng vào ngày dì trở về

=> Tình cảnh đáng thương, trớ trêu, tủi thân của dì.

* Ngoại hình

- Trước khi đi xung phong

+ Tóc dì đen dài, óng mượt

+ "Dì đẹp gái nhất làng, có khối trai làng ra bến sông ngó trộm dì mày tắm”

- Khi từ chiến trường bom đạn chờ về

+ Mái tóc dì xơ và thưa hơn nhiều

=> Bom đạn chiến tranh đã lấy đi tuổi thanh xuân, tươi đẹp của những người con gái đôi mươi.

* Phẩm chất tính cách

- Dứt khoát, cương quyết

+ Thái độ của dì Mây rất cương quyết, thể hiện sự bản lĩnh kiên cường của người phụ nữ. Dì nhất quyết không đồng ý trước lời đề nghị “Mây, chúng ta sẽ làm lại” của chú San.

+Trước sự thể đã rồi dì nhận phần thiệt thòi về mình, dì chỉ muốn một người đàn bà khổ.

- Vượt lên hoàn cảnh

+ Mặc dù phải dùng chân giả nhưng dì vẫn giúp ông chèo đò

+ Vẫn sống tiếp sau cú sốc đau đớn về tinh thần.

- Yêu thương con người và tốt bụng

+ Không khi nào dì Mây lấy tiền đò của những lứa học sinh đi học cấp 3 trường huyện.

- Khi dì Mây giúp cô Thanh (vợ chú San) vượt cạn, khi cô Thanh đẻ thiếu tháng lại tràng hoa quấn cổ à phẩm chất tốt bụng, tính cách thương người, luôn nghĩ tới người khác của dì Mây. Mặc dù ở vào hoàn cảnh của dì việc làm đó chẳng hề dễ dàng, nhưng dì vẫn không chút e ngại, chần chừ, suy nghĩ gì mà lập tức tới giúp đỡ cô Thanh vượt qua cơn nguy hiểm, để mẹ tròn con vuông.

=> Có thể thấy dì Mây hiện lên với rất nhiều những phẩm chất cao thượng, tốt đẹp, dì đại diện cho những người con gái bước ra từ chiến tranh, mạnh mẽ kiên cường, nhưng đầy tình yêu thương, vị tha sâu sắc.

IV. Đọc tác phẩm: Người ở bến sông Châu 

1. Ngày dì Mây khoác ba lộ về làng, chú San đi lấy vợ. Hôm ấy, nước sông Châu đỏ quạch. Sóng lớp lớp đập tung vào trụ cầu đổ đứng trơ trọi giữa dòng nước từ thời bom Mỹ thả. Hoàng hôn màu đỏ ối. Mây đen trắng lẫn lộn bay cuồn cuộn. Nước sông Châu mỗi lúc một lên cao, chảy xiết. Đám rước dâu ngồi trên dò bảo nhau: Lũ mạn ngược đổ về...

Chú San lấy cô Thanh giáo viên ở xóm Bãi bên kia sông. Đám rước đông, Mai phải phụ với ông chèo dò chở mấy chuyến mới hết. Chú San đi học nghề ở nước ngoài về mấy tháng nay, chưa xin được việc. Chú mặc áo sơ vin, thắt ca ra vát, đứng ngay ở mũi đò. Các cô mặc áo cổ lá sen; các bà, các ông mặc áo nâu sồng ngồi ở khoang đò, miệng nhai trầu bom bẻm. Mặt chú San tươi, rạng rỡ, lúc nào cũng cười cười, răng trắng lấp loá.

Đám rước dâu qua sông một lúc thì dì Mây về. Dì đeo chiếc ba lô bạc màu toòng teng ở một bên vai. Dì đứng ở bờ đê xóm Bãi gọi ông. Giọng dì nghèn nghẹn lẫn trong ráng chiều lúc hiện lên rất rõ, lúc nhoè đi. Ông đứng ở cửa lều có dỏng tai nghe. Trong tiếng gió và sóng, Mai cảm nhận tiếng vọng của một thời xa lắc và loáng thoáng cả tiếng bọn trẻ chăn trâu: “Cô... ô... ơi. Lỡ đò rồi.”.

Mai cứ ngỡ mình trong mơ. Khi bừng tỉnh, Mai đã thấy ông chèo đò ra giữa dòng sông. Dì Mây bước tập tễnh, tập tễnh xuống bến. Ông quẫy chèo gấp gáp. Mắt ông nhoè đi. Dò kịch bến. Dì Mây nhào xuống đò. Đò ngang tròng trành, trong trành. Ông ôm lấy dì. Đôi vai rung lên. Ông nói từng hơi đứt quãng: “Mây ơi! Sao đến hôm nay mới về... Chậm mất rồi! Con ơi!... Cha cứ tưởng…”.

Chập tối.

Gió ở bến sông Châu thổi quằn quặn. Sau túp lều cỏ, tàu lá chuối rung lật bật. Nước sông Châu chảy xa xá), vài con két đi ăn về muộn thỉnh thoảng kêu lạc loài giữa không trung. Mai rốn lại neo chặt dò. Ông đi trước, dì Mây tập tễnh theo sau về xóm Trại. [...]

Cỗ cưới vẫn chưa tàn. Người ra, vào tấp nập, cười nói, chúc tụng vang một góc làng.

Cô Thanh mặc quần láng Nam Định, áo pô pơ lin trắng loá đi từng bàn tiếp thức ăn. [...]

Hàng xóm vẫn chưa biết dì Mây về. Cả nhà nói chuyện chủng chẳng. Ông hỏi bâng quơ những chuyện xưa xa lắc. Bố an ủi dì Mây cao số. Chuyện trò chẳng biết vui hay buồn. Mẹ đụng phải cái gì cũng rơi, cũng vỡ. Tim Mai đập thon thót. Thỉnh thoảng bố hỏi, dì Mây miễn cưỡng trả lời, bụng dạ cứ để ở bên nhà chú San. [...]

Bên nhà chú San có tiếng quát tắt nhạc. Thím Ba hổn hển đến ghé sát tai chú San thì thầm. Hình như chưa hết câu, chú đã ngồi phịch xuống ghế ôm đầu. Tiếng ồn ào lắng lại chỉ còn tiếng thu dọn bát đĩa kêu lách cách. Một lát sau, chú San rẽ hàng râm bụt, bổ sang. Người chú quấn đầy dây tơ hồng. Bố ngồi bó gối quay mặt đi nơi khác. Mẹ ngại ngùng chào đãi bôi. Ông tra thuốc vào nõ điếu, rít liên tục. Chú San nhận lỗi, xin phép được nói chuyện với dì. Dì Mây nuốt nước mắt vào trong: “Bây giờ không còn gì để nói nữa. Anh về đi!”. Dì chống nạng gỗ, lộc cộc bỏ ra ngoài ngõ. Chú San đứng phắt dậy đi theo: “Cho anh nói một câu”. “Không!”.

“Anh chỉ xin nói một câu thôi.”. Dì Mây thở hổn hển, tay vin cành dựa hẳn vào cây bưởi. “Anh có lỗi. Anh tệ quá. Mây cứ chửi mắng anh đi.”. Chú San nắm hai tay đập liên hồi vào thân cây. Lá bưởi xào xạc. Vài con chim giật mình bay vút lên không trung. Dì Mây tức tưởi: “Hôm nay là ngày gì? Anh nhớ không? Có ngờ đâu ngày ấy tiễn anh đi cũng là ngày li biệt.”.

Họ lặng im, không ai nói gì nữa. Trong mắt hai người không phải màn đêm dưới tán lá bưởi thoang thoảng mùi hương thuần khiết mà là bến sông. Bến sông Châu năm ấy giữa mùa hoa gạo cháy. Từng cánh, từng cánh hoa đỏ tươi rắc đầy lối xuống đò. Phía ga Ghềnh xa xa ì ùng tiếng bom Mỹ thả. Đạn cao xạ lụp bụp nổ. Từng dám khói tròn đen trắng lẫn vẫn trên nền trời xanh ngắt. Nhịp cầu bị bom đánh sập trơ ở bến sông. Người con gái chèo đò đưa người con trai đi nước ngoài học. Đò ngang bồng bềnh, bồng bềnh. Bỗng máy bay rẹt qua đầu. Người con gái bỏ chèo ôm chặt, nép đầu vào ngực người yêu. Con đỏ cứ trôi đi, chở hai người lặng im ôm nhau như không hề có chiến tranh, không có cuộc chia li.

Mai ra múc nước, gầu va vào thành giếng. Hai người bừng tỉnh. Giọng chú San bồi hồi: “Ở nước ngoài, đêm nào anh cũng nhớ đến em, nhớ bến sông Châu.”. Tiếng dì Mây da diết: “Ngày ở Trường Sơn, trang nhật kí nào em cũng viết tên anh.”. Hồi ức trở về những ngày xa nhau. Một thời đã qua ở hai khung trời xa cách lại hiện lên. Người con gái ở Trường Sơn đạn nổ bom rơi, người con trai ở xứ bạn đầy hoa tuyết trắng rơi rơi, êm ả, thanh bình,... Tình yêu, nỗi nhớ như kéo không gian, thời gian gần lại.

Trong lòng họ, tình yêu, tình thương lại bùng lên bất chợt, cồn cào, da diết. Chú San đột nhiên vung tay đấm rung cành bưởi: “Mây! Chúng ta sẽ làm lại .”. “San! Anh nói gì thế?”. “Anh sẽ từ bỏ tất cả. Chúng ta về sống với nhau.”. Dì Mây lặng đi, người rũ ra, mềm oặt. Dì từ từ khuỵu xuống. Chú San sẽ sàng đỡ dì ngồi xuống đống củi xếp cạnh gốc cây bưởi.

Bên kia hàng râm bụt, cô Thanh di di lại lại. Chốc chốc, cô lại dứt lá râm bụt xoàn xoạt. Dây tơ hồng quấn quýt ở tay cô. Trong buồng hạnh phúc, giường cưới bỏ ngô, màn trắng thấp thoáng qua cửa sổ. “Chết thật!” Mai buột miệng thốt lên. Tình thế này chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Trên đầu không thấy gió thổi, mây bay. Cây trong vườn đứng im phăng phắc. Không khí ngột ngạt nghẹt thở. Đó đây im ắng hãi hùng như đang dồn nén cho một trận cuồng phong bão tổ sắp cuộn lên ở bến sông Châu.

“Không!”. Tiếng dì Mây phá vỡ khoảng không gian im lặng. Dì bật dậy, chống nạng gỗ cộc cộc đi vào sân. Chú San chạy theo níu áo dì Mây. Dì đứng lại, thở hổn hển: “Thôi! Thôi! Lỡ rồi! Đằng nào cũng chỉ một người đàn bà khổ. Anh về đi!”. Chú San ngập ngừng định nói điều gì. Dì Mây ngăn lại: “Anh đừng lo cho tôi.”. Dì thở dài đánh thượt: “Sự thể đã thế, cố mà sống với nhau cho vuông tròn.”. Cô Thanh đứng bên kia hàng râm bụt mếu máo nói với sang: “Chị ơi! Chúng em ơn chị.”.

Đêm dài quá.

Chuột trên mái nhà duổi nhau kêu chí choé. Có tiếng ken két như thân tre vặn mình sát vào nhau. Lại có tiếng cọt kẹt như tiếng dát giường kêu vọng trong đêm sâu vắng. Thở dài. Chốc chốc lại thở dài, dì Mây dựa lưng vào vách, một chân lành còn lại bỏ gối. Dì ngồi rất lâu trước ngọn đèn dầu tù mù. [...] Dì ngồi như tượng.

2. Sáng.

Tin dì Mây về loang đi khắp xóm Trại. Dì Mây ngượng ngùng tiếp khách. Người đưa đẩy, an ủi, kẻ cảm thông, xót xa. Nữa buổi, vãn khách, dì Mây lại khoác ba lô ra lều cỏ. Dì ngồi trên bờ đê cao, ngẩn ngơ nhìn hoa gạo đỏ rắc đầy bến sông Châu. Mai se sẽ ngồi bên: “Dì ơi! Dì về được nhà là mừng lắm. Người còn là quý nhất, dì ơi.”. Dì Mây mơ màng như không nghe Mai nói. Dì khe khẽ, thì thầm: “Ngày xưa, dì và chú San thường ngồi ở bến sông này...”. Lặng đi một lát, lại nói tiếp trong hơi thở: “Dì chèo đò đưa chú đi học cũng vào mùa hoa gạo...”. Dì thở dài, nuối tiếc. Đôi mắt nhìn xa xăm. [...]

Chiều chiều.

Mẹ hái lá bưởi mang ra bến sông Châu. Mẹ và dì gội đầu cho nhau. Tóc dì Mây rụng nhiều, xơ và thưa. Ngày chưa đi bộ đội, dì thường sai Mai lấy ghế đẩu cho dì đứng lên chải tóc. Tóc dì đen óng mượt. Những lúc gội dầu xong, dì nắm sát chân tóc quay mù mịt. Bao nhiêu hạt nước li ti bắn ra rơi cả vào mặt Mai. Chú San nấp bên hàng râm bụt, vạch lá nhìn trộm cũng giật mình. Mùa hoa loa kèn, dì Mây rủ Mai ra triền sông chơi. Hai dì cháu duổi nhau. Chạy ngược chiều gió thổi, tóc dì xổ tung bay bồng bềnh, bồng bềnh như mây. Mai thầm ước khi thành thiếu nữ có mái tóc mây dài dẹp như di. Mẹ và dì Mây nặng tình quá. Hai chị em rủ rỉ rù rì chuyện trò. Mai chẳng rõ, chỉ thấy chốc chốc mẹ thở dài. Lúc về, mẹ dặn: “Mai. Chịu khó học hành rồi đỡ đần ông cho dì vui. Đừng có nhảy cẫng đi chơi, bỏ dì ngồi một mình.”. Mẹ lại bảo: “Dì ra đây là phải. Ở nhà nhìn sang bên kia hàng râm bụt thấy người ta như đôi chim cu, đến tôi cũng nẫu ruột.”. Mai lờ mờ hiểu được câu: “Chị em gái như trái cau non.”.

Từ ngày ra bến sông Châu, dì Mây buồn lắm, cứ tha thẩn đi ra đi vào, lúc tư lự ngồi ngắm trời nhìn nước, lúc lụi cụi nấu cơm. Vắng Mai, chỉ còn ông và dì, hai bố con chòi chọi, ăn được bữa cơm đến khốn khổ. Ông thương dì, cố nhai, cố nuốt, mắt ngân ngấn nước. Dì cũng não lòng, có hôm bỏ bữa. Ban ngày đi lại còn khuây khoả.

Ban đêm, nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc bên trạm xá xã vọng sang, dì Mây lại giật mình thon thót.

Dì Mây thỉnh thoảng cũng phụ với ông chèo đò. Dì bỏ chân giả, chống nạng gỗ, khó nhọc leo lên sạp thuyền ngồi, hai tay cầm chèo quẫy nước. Lũ bạn Mai đi học cấp ba trường huyện, chẳng bao giờ dì lấy tiền đò. Đi nhờ mãi cũng ngại, bọn nó bảo:

“Chúng cháu sức dài vai rộng, dì giúp mãi, ngại quá!”. Dì Mây cười: “Đáng là bao, cho chúng mày nợ đến nữa có lương rồi trả.”. Bọn nó nhao nhao: “Ứ trả đâu. Chúng cháu dồn lại, dì lấy chồng đi mừng luôn thể.”. Dì Mây chợt thoáng buồn. Chúng nó kín đáo nhìn nhau, nói lãng sang chuyện khác. Thương dì, mỗi lần qua chúng nó bỏ vào lều có khi thì hoa quả, lúc lại bánh trái. Có đứa còn ngắt cành hoa loa kèn to cắm ở đầu chõng tre dì nằm nữa. Lũ bạn Mai như một đàn chim sẻ chợt ùa đến, thoắt bay đi, làm cho bến sông Châu lúc ồn ào náo động, lúc lại im ắng, buồn tẻ.

Về một thời gian, tóc dì Mây mọc thêm, da dẻ hồng hào trở lại. Đêm trăng sáng. Dì Mây cuộn tóc cao trên gáy rũ Mai xuống bến sông tắm. Nước sông Châu chảy êm đềm mát rượi. Vai dì Mây để trần. Trăng sáng lấp loá trên ngực dì căng đầy. Cổ dì Mây trắng ngần, mắt dì sáng lên, lung linh, huyền hoặc. Thảo nào mẹ thường nói: “Ngày xưa dì đẹp nhất làng.”. Mẹ cũng bảo: “Có khối trai làng ra bến sông ngó trộm dì mày tắm.”. Mai chột dạ ngước lên, chỉ thấy triền đê cao ngút. Bờ bên kia lấp loá ánh lửa hàn. Họ đang sắp bắc cầu. Mai bơi lại gần: “Dì ơi! Dì còn trẻ lắm.”. “Nôm ạ. Dì sắp thành bà cô rồi đấy. Còn mày nữa. Tao cứ ngày một già đi, mày lại cứ phổng phao ra.”. Dì Mây quẫy mình, một chân còn lại quẫy nước, hai tay sãi mạnh, người lấp loá trên sông đầy ánh bạc. Sóng nước lao xao.

3. Làng xây trạm xá mới. Bà y sĩ trưởng trạm không sống nổi với nghề, bỏ việc. Thiếu người, bàn ghế, giường tủ để trơ trỏng. Biết dì là quân y sĩ Trường Sơn, ông Chủ tịch xã nói khó với dì ra giúp. Dì Mây trở lại nghề. Khổ nhất là những đêm trời mưa, người ta gọi dì Mây đến khám tại nhà. Đường quê khấp khểnh sống trâu, dì bước đầy bước hụt. Con đường từ bến sông đến trạm xá có vài trăm mét, dì cậm cạch bước, lưng thấm đẫm mồ hôi. Ông Chủ tịch xã bảo: “Tập xe đạp đi, tôi cho người sửa đường rãi đá mạt.”. Dì Mây bảo: “Trạm xá còn thiếu thuốc. Tôi cố, cũng như người tập thể dục.”. Mấy tháng rồi, lúc trời mưa, con đường đầy dấu chân tròn in vào đất phù sa.

Đêm mưa.

Vợ chú San vượt cạn thiếu tháng. Thai ngôi ngược lại tràng hoa quấn cổ. Thím Ba loay hoay đỡ mãi, cô Thanh không dể được. Cô cứ luôn mồm kêu: “Chị Ba ơi... Em chết mất... Em đau quá! .... Cô Thanh đuối dần, không còn sức rặn, một hai phần sống, tám chín phần chết. Đường lên huyện xa lắc. Đò ngang cách trở. Mưa gió dầm dề. Người ướt lướt thướt, chú San mặt cắt không còn một hạt máu. Dì Mây khoác áo mưa đến. Chú San đang dở khóc dở mếu. Thím Ba lại vướng thằng Cún. Nó khóc ngắn ngặt, không rời thím nửa bước. Thím bực mình đét vào đít nó một cái: “Con với cái. Rõ khổ.”. Thím Ba kéo dì Mây ra ngoài hiên, rỉ tai: “Đưa lên huyện không kịp mà động dao kéo vào cũng không cứu nổi. Nhà nó, chồng lêu bêu chưa xin được việc. Ba cái đồng bạc đi nước ngoài về ăn hết rồi tiền đậu thuốc men. Vạ lây. Mày khốn.”. Như thể không nghe thím Ba nói, dì Mây tiêm thuốc tế, thuốc trợ sức, rạch rộng rồi bảo cô Thanh cố rặn. Cô Thanh nhìn dì Mây bằng con mắt sợ hãi, cầu cứu. Dì nhỏ nhẹ: “Em cố lên. Hãy nghĩ đến dứa con. Nào... Cố lên em... Cố lên...”. Cô Thanh mím môi, oằn mình dồn sức. Khiếp quá! Mai chạy ra ngoài đứng. Lúc sau, nghe loáng thoáng tiếng dì Mây bảo thím Ba băng lại rốn cho dứa bé. Dì Mây khâu xong vừa lúc trời rạng, mưa ngớt từ lúc nào. Mồ hôi dì vã ra như tắm. Dì Mây thở phào. Thím Ba bảo: “Mặt nó tím ngắt mà không khóc.”. Dì Mây ghé miệng vào mũi nó mút mút rồi phát nhẹ vào đít nó một cái. Tiếng oe oe bật ra.

Chú San ở ngoài nhảy cẫng lên: “Sống rồi! Con ơi!”. Ở trong, dì Mây gục luôn xuống bàn đỡ đẻ, khóc tức tưởi. “Ơ cái con này!”. Thím Ba ngạc nhiên. Dì Mây càng khóc to hơn. Tiếng khóc của dì hoà lẫn tiếng oe oe của đứa bé. Nghe xót xa, tủi hờn, xen lẫn niềm ao ước, chờ mong và vui buồn lẫn lộn.

Chú San vào, bối rối. Thím Ba bảo: “Tôi hiểu ra rồi. Cứ để con Mây nó khóc. Xúm vào dưa vợ về phòng sau dễ.”. Chú San lóng ngóng vịn vào xe dây. Khi chú San quay lại, dì Mây không còn ở đó nữa. Dưới nền trời bàng bạc là muôn triệu hạt mưa bụi li ti, giăng giăng bay trắng dòng sông Châu. Bóng dì Mây thấp thoáng trong bụi mưa, bước thấp, bước cao, ở phía cuối con đường về bến. [...]

4. Tháng Ba lại về.

Hoa gạo nở rắc dầy lối xuống sông. Ông độ này yếu, thỉnh thoảng họ khúc khắc. Bờ bên kia ngổn ngang cọc xi măng, sắt thép. [...] Hôm Chỉ huy đến liên hệ cho bộ đội tập kết xây cầu, bố còn mặc cả: “Chú Quang này. Bến sông đầy bom bị chưa nổ. Lúc rà bom, tôi cho dân quân gác, đơn vị chú phải nuôi cơm.”. Thấy ảnh dì Mây đội mũ tai bèo treo trên tường, chú Quang giật mình, nhìn trân trân như bắt gặp người thân. Bố bảo: “Em gái nhà tôi đấy. Người ta báo tử từ dạo chưa giải phóng.”. Chú Quang lặng người. Hai mắt chớp chớp. Như người mất hồn, chú ngẩn ngơ về...

Lính công binh làm cầu rà bom suốt ngày ngụp lặn ở bến sông Châu. Người nào cũng đen ngòm, khoẻ như vâm, nhưng trông hiền khô. Lũ bạn Mai đi học qua suốt ngày trêu chọc... Ngồi trước trang sách, đầu óc Mai cứ để ở đâu đâu. Khổ thế! Người nôn nao, bứt rứt không yên. Mẹ hốt hoảng chạy về nhà, la lối: “Ôi em ơi là em ơi ơi....

Em sống khôn thác thiêng...”. Lo quá, Mai cứ nghĩ dì Mây... Bố quát: “Cái gì? Nói đi nào. Cứ ông ổng khóc.”. “Thím Ba... Mình ra mà coi... người ta bảo thím đun te vướng bom bi.”. Hoảng quá, Mai chạy theo bố ra bến sông. Chân cứ díu lại, trống ngực đánh thình thịch, tức thở. Người ta bọc vòng trong vòng ngoài. Bố đến, mọi người giãn ra. Dì Mây ngồi cạnh thím Ba, im phắc. Tóc dì xoã ra, mắt ráo hoảnh, vô hồn như nhìn về cõi xa xăm. Thím Ba đã tắt thở. [...] Dưới sông te lưới nổi lập lờ, lập lờ.

Đám ma thím Ba về, bố sọp hẳn người. Ban đêm, thơ thẩn trong vườn lại ra cầu ao ngồi. Sáng, bố bảo dì Mây: “Tôi biết lúc sắp tắt thở, mẹ thằng Cún trăng trối để dì nuôi cháu. Tôi nghĩ chẳng biết có phải không. Dì cho nó về ở với tôi...”. Dì Mây gạt đi: “Cứ để tôi nuôi cháu, sau sẽ liệu.”. Bố bảo: “Tôi ơn di.”.

Cuối thu, trời hơi se lạnh.

Giữa nền trời mờ đục, sếu từng đàn giăng giăng hình chữ V bay mải miết về phương Nam tránh rét. Trong làng thêm nhiều người đan áo. Ông mặc ấm mỗi lần xuống bến. Lính công binh bắc thêm một nhịp cầu. Họ kháo nhau thủ trưởng tán dì Mây không đổ. Ở bờ bên này họ bảo: “Dì Mây chắn cửa hầm che chở cho thương binh. Bom nổ người lính công binh sốt rét tóc rụng trọc đầu vẫn lành lặn, còn cô y sĩ Trường Sơn bị mảnh đạn phạt một chân.”. Bên kia bờ sông họ bảo:

“Chú Quang sốt rét vẫn còn hành hạ, lấy vợ chắc gì đã có con.”. Lính đúc móng giữa dòng lại nói: “Chú Quang di suốt dọc sông Châu tìm cô y sĩ Trường Sơn đã cứu mình thoát nạn.”. Dân xóm Trại thì đồn: dì Mây sắp lấy chồng. Còn bên bến sông Châu là ngôi nhà tình nghĩa dựng ngay trên nền căn lều cũ, dì Mây thở dài: “Ngày ấy, ở Trường Sơn có hẹn ước gì đâu. Bây giờ người ta đã là kĩ sư. Còn mình... liệu có nên không?”.

Rồi dì lại vỗ về ầu ơ ru thằng Cún ngủ.

Chuyện tình của thủ trưởng, chẳng biết có thật không, lính tráng truyền nhau dệt nên như huyền thoại. Nhưng có một sự thật chẳng hề nói quá: Đêm nào vắng tiếng ru vọng ra từ căn nhà mới xây bên bến sông Châu là những người lính công binh thao thức hoài, khó ngủ...

Đêm sông Châu.

Đất trời như giao hoà một màu bàng bạc. Muôn triệu vì sao chỉ chít, nhấp nháy, rắc đầy xuống bến sông. Làng quê lam lũ, mệt mỏi chìm vào giấc ngủ. Mùi hương cỏ mật lẫn vào mùi hương nồng nàn của đất phù sa dậy lên . Sông Châu thao thức. Sóng vỗ về, rì rầm bài ca ngàn xưa của đất trời. Văng vắng trong đêm tiếng dì Mây ra thằng Cún ngủ.

Giọng ầu ơ từ bến sông Châu lan xa, vang vọng. Lính công binh bắc cầu chợt dừng tay hàn, lắng nghe. Tiếng ru lúc dầu trầm lắng, nghèn nghẹn, xót xa, sau êm ái, trong sáng, mênh mang, ngân nga sâu lắng tận sâu thẳm con tim những người lính. Tiếng ru lẫn vào hơi thở sông nước trong đêm, hoà vào hương thơm

của cây cỏ, đất trời.

Tháng 6 – 1997

(Người ở bển sông Châu, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2001)

Xem thêm các bài tóm tắt tác giả, tác phẩm Ngữ văn lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Tác giả - tác phẩm: Kiêu binh nổi loạn (Ngô gia văn phái)

Tác giả - tác phẩm: Người ở bến sông Châu (Sương Nguyệt Minh)

Tác giả - tác phẩm: Hồi trống Cổ Thành (La Quán Trung)

Tác giả - tác phẩm: Đất nước (Nguyễn Đình Thi)

Tác giả - tác phẩm: Lính đảo hát tình ca trên đảo (Trần Đăng Khoa)

Đánh giá

0

0 đánh giá