Tài liệu tác giả tác phẩm Con Hổ có nghĩa Ngữ văn lớp 7 Kết nối tri thức gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Con Hổ có nghĩa lớp 7.
Tác giả tác phẩm: Con Hổ có nghĩa - Ngữ văn 7
I. Tác giả Vũ Trinh
- Vũ Trinh (1759-1828)
- Quê quán: Bắc Ninh
- Phong cách sáng tác: ông sáng tác cả thơ và văn xuôi
- Tác phẩm chính: Lan trì kiến văn lục
II. Tìm hiểu tác phẩm Con Hổ có nghĩa
1. Thể loại: Truyện truyền kì
2. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác
- Tác phẩm là truyện thứ 8 trong 45 truyện ngắn viết bằng chữ Hán trong Lan Trì kiến văn lục
3. Phương thức biểu đạt: Tự sự
4. Tóm tắt tác phẩm Con Hổ có nghĩa
Truyện Con hổ có nghĩa gồm hai câu chuyện về loài hổ.
Truyện thứ nhất: Kể về một bà đỡ họ Trần ở huyện Đông Triều được hổ cõng vào rừng trong một đêm nọ. Khi đến nơi bà thấy một con hổ cái đang sinh nở rất khó khăn bèn giúp hổ cái sinh con trót lọt. Con Hổ đực mừng rỡ đào lên một cục bạc biếu bà. Cục bạc đó đã giúp bà sống qua được năm mất mùa đói kém.
Truyện thứ hai: Kể về Bác tiều ở huyện Lạng Giang đang đốn củi ở sườn núi thấy một con hổ bị hóc xương bèn giúp hổ lấy xương ra. Hổ đã biếu bác một con nai để tạ ơn. Khi bác tiều mất, hổ đến viếng. Từ đó, mỗi lần giỗ bác, hổ lại đưa dê hoặc lợn về biếu gia đình bác.
5. Bố cục tác phẩm Con Hổ có nghĩa
- Phần 1: Từ đầu… Bà nhờ số bạc mà sống được : bà đỡ Trần giúp đỡ Hổ, và được đền ơn
- Phần 2: Còn lại: Bác Tiều phu giúp Hổ, được hổ nhớ ơn
6. Giá trị nội dung tác phẩm Con Hổ có nghĩa
- Ca ngợi con hổ sống có nghĩa, có tình
- Đề cao đạo lý làm người, biết ơn người giúp đỡ mình
7. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Con Hổ có nghĩa
- Truyện hư cấu
- Thành công trong sử dụng hình ảnh loại vật để nói đến con người
- Ngôn ngữ giản dị
- Tình huống truyện lôi cuốn, hấp dẫn
III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Con Hổ có nghĩa
1.Truyện con Hổ và bà đỡ họ Trần
- Tình huống truyện
+ Một đêm con Hổ tới cõng bà đỡ họ Trần đi
+ Tới chỗ Hổ cái chỉ và chảy nước mắt
- Bà đỡ họ Trần có tấm lòng nhân hậu đã giúp đỡ đẻ cho Hổ
- Hổ biết đền đáp ân tình với người giúp đỡ mình
+ Quỳ chân trước xuống đất, vừa quỳ vừa nhìn bà
+ Đưa nén bạc cho bà
+ Đưa bà về nhà
+ Hổ bèn dừng lại, quỳ xuống hướng về bà đỡ cúi đầu, vẫy đuôi tỏ ý tiễn biệt
- Nhờ bạc của Hổ mà bà đỡ Trần sống qua năm mất mùa đói kém
Tuy Hổ là loài được mệnh danh là “ Chú sơn lâm”, nhưng lại là loài vật nhưng sống ân tình, biết trả ơn người đã giúp đỡ mình một cách chân thành nhất. Hình ảnh Hổ quỳ xuống , cúi đầu người đã giúp đỡ mình thật cảm động
2. Truyện con Hổ và Bác Tiều
- Tình huống truyện
- Bác Tiều giúp đỡ Hổ chữa hóc xương
+ Bác Tiều đang kiếm củi sườn núi
+Bác Tiều thấy Hổ mắc khúc xương trong họng
+ Giúp Hổ lấy khúc xươn ra
- Ông là người can đảm và tốt bụng
- Hổ đền ơn cứu giúp của Bác Tiều
+ Mang con hươu đến của nhà bác Tiều
- Hổ trọng tình nghĩa, không quên ơn Bác Tiều
+Lúc bác mất Hổ đến trước mộ
+ Đên giỗ bác Tiều đêm hươu, lợn đến mấy chục năm liền
Đến loài vật hung ác nhưng khi được cứu giúp vẫn khắc ghi công ơn người đã giúp mình. Bài học rút ra là con người phải sống trọng tình nghĩa, biết đền ơn những người giúp đỡ mình.
IV. Đọc tác phẩm: Con hổ có nghĩa
Huyện Đông Triều có bà đỡ là bà Trần. Một đêm bà nghe tiếng gõ cửa, bèn mở cửa nhìn khắp xung quanh mà chẳng thấy ai. Đột nhiên, có con hổ chồm tới cõng bà đi. Ban đầu, bà sợ chết khiếp. Sau đó, bà tỉnh táo lại, thấy hổ dùng một chân trước ôm bà chạy như bay, gặp bụi rậm gai góc thì dùng một chân rẽ lối, từ từ mà đi. Tới chỗ ngọn núi sâu trong rừng, hổ thả bà xuống. Bà lại thấy một con hổ cái đang cào đất, lăn lộn. Bà cho là hổ định ăn thịt mình, sợ hãi không dám động đậy. Hổ đực dùng chân chỉ dẫn bà nhìn hổ cái và chảy nước mắt. Bà thấy như có cái gì động đậy trong bụng hổ cái, biết là nó sắp đẻ. Sẵn có thuốc kích đẻ trong dải áo, bà bèn hoà với nước suối ấn cho nó uống. Cảm thấy hổ cái đỡ đau, bà lại xoa bóp bụng cho nó. Lát sau thì hổ sinh con. Bà thấy hổ đực mừng rỡ đùa giỡn với con mình, còn hổ cái thì nằm phục xuống, dáng mệt mỏi lắm. Hổ đực rời khỏi gốc cây, đến bên bà đỡ, quỳ chân trước trên đất, vừa quỳ vừa nhìn bà, lát sau đưa ra một khối bạc. Bà biết hổ tặng mình, nhận lấy và buộc vào thắt lưng. Hổ đực từ từ đứng dậy, vừa đi vừa ngoái nhìn bà. Bà theo hổ ra khỏi rừng. Lúc rời khỏi khu rừng, trời sắp sáng, bà giơ tay nói: “Xin chúa sơn lâm quay về”. Hổ bèn dừng lại quỳ xuống, hướng về bà đỡ cúi đầu quẫy đuôi tỏ ý tiễn biệt. Bà đi khá xa, hổ mới gầm lớn rồi rời đi. Bà về đến nhà, bỏ bạc ra cân được hơn mười lạng. Năm ấy mất mùa, bà nhờ có số bạc ấy mà sống qua được.
Huyện Lạng Giang có một người tiều phu nọ đang kiếm củi ở chân núi. Từ xa thấy cây cối trong thung lũng phía trước ngọn núi lay động không ngớt, bác tiều mới vác búa đến xem. Bác ngó quanh thì thấy một con hổ trán trắng, to như con bò, khi thì cúi đầu cào đất, khi thì nhảy lên vật xuống, thỉnh thoảng lấy chân móc họng, miệng ngoác lớn như cái sàng, máu chảy lênh láng. Bác tiều phu thấy miệng hổ có khúc xương mắc trong họng. Bàn chân hổ móng vuốt lớn, càng móc, khúc xương càng vào sâu. Bác tiều chậm rãi uống rượu lấy can đảm, rồi trèo lên cây hô lên rằng: “Cổ họng ngươi đau phải không? Đừng cắn ta, ta sẽ lấy xương ra cho ngươi”. Hổ nghe thấy, nằm phục xuống, há miệng hướng về bác tiều như cầu cứu. Bác tiều trèo xuống, thò tay vào cổ họng hổ, lấy ra một chiếc xương bò to như cánh tay. Hổ liếm mép, vừa bỏ đi vừa nhìn khuôn mặt bác tiều. Bác tiều hô lớn: “Nhà ta ở thôn ấy, hễ được miếng ngon thì nhớ nhau nhé”. Bác tiều ra về được mấy hôm, nửa đêm nghe thấy ngoài cửa có tiếng kêu rất dữ dội. Sáng hôm sau mở cửa, bác tiều thấy có một con hươu chết ở đó. Nhiều năm sau, bác tiều qua đời. Lúc sắp chôn, một con hổ bỗng nhiên đến trước mộ. Những người đưa đám bỏ chạy, từ xa thấy hổ dùng đầu dụi quan tài, gầm gừ, gào lớn, đi quanh quan tài vài vòng rồi bỏ đi. Về sau, mỗi dịp đến ngày giỗ bác tiều, hổ lại đưa hươu, lợn đến để ở ngoài cửa, mấy chục năm liền.
(Dương Tuấn Anh dịch, tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, tháng 5/2021, tr. 47 – 49)
V. Văn mẫu
Đề bài: Truyện Con hổ có nghĩa là một truyện hay mang tính giáo huấn sâu sắc. Hãy cho biết cảm nghĩ của em khi đọc truyện.
Truyện trung đại Việt Nam từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX là loại truyện văn xuôi chữ hán, có cách viết không giống với truyện hiện đại ngày nay. Truyện nhiều khi gần với kể, với sử và thường mang tính giáo huấn. Tuy vậy cũng có loại truyện hư cấu, tưởng tượng nghệ thuật, các nhà văn mượn hình ảnh của loài vật để nói về con người, đạo đức nhân sinh... Truyện Con hổ có nghĩa là một thí dụ điển hình.
Ngay sau khi bà trần cứu được hổ cái qua cơn hoạn nạn mà tưởng chừng không thể vượt qua. Hổ cái được mẹ tròn con vuông, gia đình nhà hổ vô cùng hạnh phúc và sung sướng mừng rỡ đùa giỡn với con. Cảm động trước ơn cứu mạng của bà Trần, Hổ đực quỳ xuống bên cạnh một gốc cây, lấy tay đào lên một cục bạc, tặng ngay cho bà Trần giúp bà sống qua năm mất mùa đói kém. Hành động trả ơn của hổ đực để lại trong em bao ấn tượng sâu sắc. Việc trả ơn diễn ra tức thì, không đắn đo suy nghĩ, mà số bạc đâu có ít những “hơn mười lạng bạc”.
Hình ảnh hổ đực được khắc họa sinh động, ấn tượng qua thủ pháp nghệ thuật nhân hoá, nhờ đó chúng ta thấy rằng con hổ đực mang trong mình những hành động, suy nghĩ như một con người. Trong gia đình, nó hết lòng với vợ con lúc bụng mang dạ chửa, luôn biết quan tâm, chăm sóc yêu thương hổ cái lúc sắp sinh con..., hổ đực vui mừng, sung sướng đến tột độ khi được làm cha, lưu luyến cảm động nghẹn ngào khi chia tay ân nhân cứu mạng vợ mình.
Hổ đực nhận thức được rằng nó sẽ chẳng bao giờ thấy vợ và con trên cõi đời này nữa nếu như không có bà đỡ Trần. Nó hiểu rằng hạnh phúc hôm nay với gia đình nó là do bà đỡ Trần đem lại. Từ những suy nghĩ mang đậm chất nhân văn, chất Con người như vậy giúp hổ đực hành động thật cao đẹp và cảm động nhường nào - ân nghĩa vẹn tròn. Hành động trả ơn được diễn ra tự nhiên như một bản năng, một thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức. Nó như hiểu vô đạo lí ở đời rằng ơn ai một chút chẳng quên, chịu ơn cứu mạng thì phải khắc cốt ghi xương. Trong đôi mắt hổ đực, bàn tay của bà Trần như đôi bàn tay tiên tri, nhẹ nhàng cứu vợ nó qua cơn vật lộn với tử thần. Và trong tâm khảm hổ đực ơn cứu mạng này phải ghi lòng tạc dạ và đền đáp ân sinh. Khi tiễn bà Trần - vị ân nhân đáng kính ra về, hổ vẫn cúi đầu vẫy đuôi, khi bà Trần đã rời xa nó vẫn Gầm lên một tiếng rồi bỏ đi.
Tiếng gầm của hổ đực phải chăng cảm phục đến nghẹn ngào mà không cất được nên lời? Hay chính là lời chào tiễn biệt vị ân nhân, mà cả đời mang ơn cứu mạng. Trong đôi mắt hổ đực hình ảnh bà Trần như một vị tiên, và chính trong đôi mắt ấy hiện lên lòng biết ơn vô hạn với người đã cứu sống vợ con mình. Và để rồi hổ đực, hổ cái ngày ngày bên con và cũng ngày ngày nhớ đến bà Trần, dẫu rằng đã hậu tạ chút bạc. Nó hiểu rằng chút bạc ấy không thể so sánh, mua bán ơn cứu mạng. Cả gia đình nó, cha truyền cho con ghi nhớ đời đời.
Cũng là lối sống có nhân nghĩa nhưng cách báo đáp ân nghĩa của hổ trắng lại khác. Nó được cứu sống sau lần hóc xương. Và nó cũng hiểu rằng, nó sẽ chẳng bao giờ được nhìn thấy thiên nhiên cuộc sống, chốn rừng thiêng kia nếu như không có bác tiều. Vị ân nhân ấy như một vị thánh xuất hiện trước mặt nó, ân cần, hết lòng giúp nó trước khi nó từ giã cuộc sống. Nó cũng san sẻ miếng ngon cho ân nhân của mình. Nhưng cảm động hơn khi biết rằng vị ân nhân đã chết, nó đau xót vô chừng bởi nó không thế làm gì giúp bác được. Nén chặt đau thương, tình cảm dâng trào, hổ trán trắng đã đến đưa tang bác tiều. Khi chôn cất, hổ bỗng nhiên đến trước mộ nhẩy nhót... Từ xa, nhìn thấy hổ dụi đầu vào quan tài gầm lên, chạy quanh quan tài vài vòng rồi đi. Và đâu phải chỉ ngày bác mất, mà từ đó về sau, mỗi dịp ngày giỗ bác tiều hổ lại đưa Dê hoặc Lợn đến để ở ngoài cửa nhà bác tiều.
Thật cảm động và đáng khâm phục biết bao trước hành động của hổ trán trắng. Nhớ ơn cứu mạng, trong tâm khảm hồ trán trắng, hình ảnh vị ân nhân đã cứu sống mình không bao giờ phai nhạt. Lúc sống hổ quan tâm, chăm sóc, có miếng ngon đều mang biếu bác tiều, và khi qua đời nó vẫn giữ trong lòng biết ơn như ngày nào, dân gian có câu Sông tết chết giỗ, tỏ lòng biết ơn, ngày giỗ lần nào hổ trán trắng đều có lễ vật cúng, tê ân nhân ân nghĩa ấy được kết tụ trong hai tiếng ngầm của nó; một tiếng ngầm Đền ơn khi đem nai đến cho ân nhân khi còn sống, mà một tiếng gầm đau thương khi ân nhân sang thế giới bên kia. Trong những tiếng gầm ấy hằn lên niềm tiếc thương vô hạn với người đã cứu mình. Đồng thời nó cũng khẳng định với cuộc đời và chính bản thân nó phải ghi lòng tạc dạ với lời hứa, với ân nhân cứu mạng cả khi sống cũng như đã khuất.
Chúng ta thấy rằng trên thực tế có những con hổ có nghĩa nhưng hẳn không thế cao đẹp như con hổ trong truyện.
Mục đích của các nhà nho phong kiến dựng lên câu chuyện này nhằm mục đích giáo huấn, răn dạy con người, hay nói theo cách khác là mượn chuyện hổ nói chuyện người. Quan niệm nho giáo phong kiến ngày xưa luôn đề cao lối sống nhân nghĩa, vì vậy các tác giả xây dựng hai con hổ trong câu chuyện là tiêu biểu cho suy nghĩ, hành động của người đền ơn đáp nghĩa. Nhưng từ xưa đến nay trong tiềm thức nhân dân ta hổ là loài hung tợn nhất vậy sao lại có nghĩa và ân tình đến thế. Con hổ đực và hổ trán trắng đã được tác giả thổi vào suy nghĩ và hành động của con người, và nó hành động như con người. Loài vật dữ tợn như vậy mà trong lòng ẩn chứa bao tình cảm con người, ân nghĩa vẹn tròn, có tình có nghĩa. Vậy con người thì sao. Câu chuyện mượn hình ảnh hai con hổ trả ơn đáp nghĩa để răn dạy con người phải sống có nghĩa. Khi người khác gặp hoạn nạn phải sẵn lòng giúp đỡ không nề hà, nguy hiểm. Bà đỡ Trần và bác tiều phu có sợ hổ ăn thịt không? Họ sợ chứ, nhưng nhờ lòng yêu thương của một con người, tình cảm con người họ vượt qua sợ hãi cứu hai con hổ thoát chết.
Và khi mang ơn, chịu ơn phải biết nhớ ơn và tìm cách trả ơn. Sự trả ơn phải xuất phát từ sự ngưỡng mộ, khâm phục và lòng biết ơn chân thành, từ suy nghĩ và hành động, từ sự nhận thức về đạo lí, cuộc sống ở đời. Người làm ơn không so đo tính toán, giúp đỡ kẻ khác gặp hoạn nạn là bổn phận, trách nhiệm, đồng thời kẻ chịu ơn phải khắc cốt ghi xương, ở đây ta nhận thấy điều đáng quý, đáng khâm phục của hình ảnh hai người làm việc nghĩa là bác Tiều và bà Trần là: Họ không hề đòi hỏi gì sau khi cứu hổ mẹ và hổ trán trắng. Và dường như họ sinh ra là để làm việc thiện. Và cũng rất tự nhiên, hai con hổ trả ơn, đáp nghĩa như một thói quen, bản năng có sẵn.
Câu chuyện hết sức sâu sắc, nó không chỉ dừng lại ở góc độ một con vật, một giai đoạn lịch sử mà nó mang yếu tố thời đại. Bất kì một xã hội nào mà con người sông với nhau nhân nghĩa, yêu thương đều phải ca ngợi, và có như vậy xã hội mới tốt đẹp. Từ xưa cho đến nay dân tộc ta luôn có truyền thống đẹp “sống có ân nghĩa”. Đặc biệt qua câu chuyện này chúng ta càng hiểu thêm rằng “ân nghĩa” là sợi dây nối kết con người gần nhau hơn, giúp họ vượt qua rào cản của tiền bạc, công danh, giúp họ quên đi sự sòng phẳng mua bán bằng tiền. Câu chuyện mang tính triết lí sâu sắc, mang một lối sống đáng khâm phục, cảm động xiết bao. Đã bao câu chuyện, đã bao lần con người nói đến “có nghĩa”. Cái nghĩa chính là cái gốc làm nên giá trị đích thực trong nhân cách sống của con người. Và hơn thế cái nghĩa trong mỗi người phải luôn tự tu dưỡng, hoàn chỉnh. Đó cũng chính là đạo đức sống. Câu chuyện khuyên dạy chúng ta hãy sống tốt đẹp hơn, yêu thương nhau hơn. Đồng thời câu chuyện đề cao lối sống ân nghĩa vẹn tròn sau trước. Các tác giả viết câu chuyện này cũng thầm gửi tới cho chúng ta một thông điệp: Mọi người hãy biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, sống nhân nghĩa với nhau sống đúng với đạo lý làm người để nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Câu chuyện có giá trị nhân văn sâu sắc, có giá trị thời đại to lớn.
Khi học xong câu chuyện, em như lớn lên trước đạo lý trong cuộc sống, chịu ơn thì phải trả ơn, ơn nghĩa ấy trả đến bao giờ cũng không hết, và phải lấy đó làm phương châm sống cho mình. Em thầm mơ ước xã hội này, thế giới này, ai ai cũng hiểu và làm được như vậy.
Xem thêm các bài tóm tắt tác giả, tác phẩm Ngữ văn lớp 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Tác giả - tác phẩm: Con kiến và mối
Tác giả - tác phẩm: Con Hổ có nghĩa
Tác giả - tác phẩm: Thiên nga, cá măng và tôm hùm
Tác giả - tác phẩm: Cuộc chạm trán trên đại dương
Tác giả - tác phẩm: Đường vào trung tâm vũ trụ