Giải Chuyên đề Lịch sử 11 Cánh diều Chuyên đề 1: Lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt

4.4 K

Tailieumoi.vn giới thiệu giải Chuyên đề Lịch sử 11 Chuyên đề 1: Lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm Chuyên đề học tập Lịch sử 11. Mời các bạn đón xem:

Giải Chuyên đề Lịch sử 11 Chuyên đề 1: Lịch sử nghệ thuật truyền thống Việt

I. Nghệ thuật thời Lý - Trần

Mở đầu trang 4 Chuyên đề Lịch Sử 11: Vậy nghệ thuật truyền thống Việt Nam được phát triển và đạt những thành tựu như thế nào qua các thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng và Nguyễn?

Lời giải:

- Nghệ thuật truyền thống Việt Nam bao gồm các lĩnh vực: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc. Nhiều di sản nghệ thuật truyền thống Việt Nam được lưu lại đến ngày nay, ví dụ như:

+ Lĩnh vực kiến trúc: thành nhà Hồ (Thanh Hóa); Kinh thành Huế (Thừa Thiên Huế),…

+ Lĩnh vực điêu khắc: rồng đá trước thềm điện Kính Thiên trong khu Di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội); tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh); tượng các vị La Hán chùa Tây Phương (Hà Nội),…

+ Lĩnh vực hội họa: tranh Cửu Long ẩn vân tại lăng vua Khải Định (Thừa Thiên Huế); các làng nghề tranh dân gian như: tranh hàng Trống (Hà Nội); tranh Đông Hồ (Bắc Ninh); tranh làng Sình (Thừa Thiên Huế),…

+ Lĩnh vực âm nhạc: Nhã nhạc cung đình; dân ca ví, dặm Nghệ - Tĩnh,…

Qua các thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng và Nguyễn, nghệ thuật truyền thống Việt Nam có sự phát triển và mang những nét đặc trưng riêng về phong cách nghệ thuật.

1. Nghệ thuật thời Lý

Câu hỏi trang 6 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, dựa vào Bảng 1 và quan sát các hình 2, 3, 4:

- Nêu những nét cơ bản của nghệ thuật kiến trúc thời Lý và rút ra nhận xét.

Lời giải:

♦ Những nét cơ bản về nghệ thuật kiến trúc thời Lý

- Kiến trúc cung đình: năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (nay thuộc Ninh Bình) ra Đại La và đổi tên là Thăng Long (Hà Nội). Từ đây, Kinh thành Thăng Long phát triển nhanh chóng trên quy mô lớn. Hoàng thành Thăng Long được xây dựng gồm nhiều cung điện, tiêu biểu nhất là điện Càn Nguyên.

- Kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng dân gian:

+ Hệ thống chùa, tháp được xây dựng ở nhiều nơi, trong đó có nhiều công trình quy mô lớn. Tiêu biểu như: Chùa Phật Tích, chùa Diên Hựu; Tháp Báo Thiên, tháp Sùng Thiện Diên Linh,…

+ Hệ thống đền, miếu thờ phụng thần linh, anh hùng, người có công với làng, với nước.... cũng được xây dựng ở nhiều nơi trên cả nước. Các công trình tiêu biểu là: đền Đồng Cổ, đền Bà Chúa Kho, Văn Miếu,…

=> Nhận xét:

- Điểm nổi bật trong kiến trúc thời Lý là: loại hình phong phú; quy hoạch thống nhất, cân xứng; trang trí tinh xảo và có sự hài hòa với cảnh quan thiên nhiên xung quanh.

- Kiến trúc thời Lý có sự kế thừa nghệ thuật truyền thống của người Việt và sự tiếp thu những yếu tố văn hóa bên ngoài (Ấn Độ, Trung Hoa,...).

- Dấu tích của nhiều công trình kiến trúc thời Lý vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay, trở thành những di sản có giá trị to lớn về lịch sử - văn hóa của dân tộc. Ví dụ như: dấu tích của Hoàng thành Thăng Long; chùa Một Cột,…

Câu hỏi trang 6 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, dựa vào Bảng 1 và quan sát các hình 2, 3, 4:

- Mô tả một công trình kiến trúc thời Lý mà em ấn tượng nhất.

Lời giải:

♦ Mô tả một công trình mà em ấn tượng nhất

(*) Tham khảo: Mô tả chùa Diên Hựu

- Chùa Diên Hựu được xây dựng dưới thời vua Lý Thái Tông. Chùa còn được biết đến với nhiều tên gọi khác, như: Liên Hoa Đài hay Chùa Một Cột.

- Nét độc đáo của kiến trúc chùa Diên Hựu là toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá cao, vươn lên giữa hồ Linh Chiểu như hình bông sen đang xòe cánh.

Câu hỏi trang 7 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin và quan sát các hình 5, 6:

- Nêu những nét cơ bản của nghệ thuật điêu khắc thời Lý và rút ra nhận xét.

Nêu những nét cơ bản của nghệ thuật điêu khắc thời Lý và rút ra nhận xét

Lời giải:

- Dưới thời Lý, các tác phẩm, hiện vật được chạm khắc chủ yếu trên những vật liệu như: đá, gốm, gỗ, đất nung,…

- Hình tượng điêu khắc chủ yếu là: cảnh thiên nhiên (như: mây, nước, hoa sen, hoa cúc, lá đề) và các linh vật (như: rồng, phượng,…).

- Nghệ thuật đúc đồng cũng rất phát triển. Trong bốn tác phẩm nghệ thuật bằng đồng nổi tiếng được xem là “An Nam tứ đại khí” có ba tác phẩm được tạo ra vào thời Lý là: đỉnh tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Phật Di Lặc chùa Quỳnh Lâm.

=> Nhận xét:

- Nghệ thuật điêu khắc thời Lý phát triển khá phong phú, đa dạng và có sự tiếp thu chọn lọc những yếu tố văn hóa từ Trung Quốc, Ấn Độ, Champa,…

- Đặc điểm chung của điêu khắc thời Lý là sự khắc họa chân thực, đơn giản, uyển chuyển, mềm mại và mang đậm tính bản địa.

Câu hỏi trang 7 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin và quan sát các hình 5, 6:

- Mô tả một tác phẩm điêu khắc thời Lý mà em ấn tượng nhất.

Mô tả một tác phẩm điêu khắc thời Lý mà em ấn tượng nhất

Lời giải:

(*) Tham khảo: hình tượng Rồng thời Lý

- Hình tượng rồng thời Lý chịu ảnh hưởng của Phật giáo với đặc điểm nổi bật là:

+ Thân hình tròn, da trơn, nhỏ dần về phần đuôi.

+ Đầu rồng ngẩng cao, miệng há rộng hứng viên ngọc. Đầu rồng không có sừng mà có bờm, mào và chòm râu dưới hàm.

+ Thân rồng thường có từ 11 đến 13 khúc, uốn lượn mềm mại, thanh thoát, nhẹ nhàng và có tư thế như đang bay;

+ Chân rồng chỉ có 3 móng; móng vuốt rồng không sắc nhọn.

2. Nghệ thuật thời Trần

Câu hỏi trang 8 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin và quan sát các hình 7, 8:

- Nêu những thành tựu chính về kiến trúc thời Trần và rút ra nhận xét.

Nêu những thành tựu chính về kiến trúc thời Trần và rút ra nhận xét

Lời giải:

- Thành tựu chính:

+ Kiến trúc cung đình: dưới thời Trần, ngoài hệ thống cung điện tại Kinh thành Thăng Long nhà Trần còn xây dựng thêm các cung điện, lăng mộ ở một số nơi khác. Ví dụ như: cung điện ở Tức Mặc (Nam Định); hành cung Lỗ Giang (Thái Bình); lăng môn Trần Thủ Độ (Thái Bình); khu lăng mộ An Sinh (Quảng Ninh),…

+ Kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng dân gian tiếp tục phát triển: nhiều đền, chùa, đình, miếu,… được trùng tu hoặc xây mới. Tiêu biểu như: Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh), chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội),...

- Nhận xét:

+ Điểm nổi bật trong kiến trúc thời Trần là: loại hình phong phú; quy hoạch thống nhất, cân xứng; trang trí tinh xảo và có sự hài hòa với cảnh quan thiên nhiên xung quanh.

+ Kiến trúc thời Trần có sự kế thừa nghệ thuật truyền thống của người Việt và sự tiếp thu những yếu tố văn hóa bên ngoài (Ấn Độ, Trung Hoa,...).

+ Dấu tích của nhiều công trình kiến trúc thời Trần vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay, trở thành những di sản có giá trị to lớn về lịch sử - văn hóa của dân tộc. Ví dụ như: chùa Phổ Minh (Nam Định); tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc); chùa Bối Khê (Hà Nội),…

Câu hỏi trang 8 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin và quan sát các hình 7, 8:

- Mô tả một công trình kiến trúc thời Trần mà em ấn tượng nhất.

Mô tả một công trình kiến trúc thời Trần mà em ấn tượng nhất

Lời giải:

(*) Tham khảo: mô tả chùa Phổ Minh (Nam Định)

- Chùa Phổ Minh còn có tên là chùa Tháp. Chùa được xây dựng dưới thời Lý và được triều Trần mở rộng vào năm 1262. Chùa nằm về phía tây cung điện Trùng Quang, nơi các thái thượng hoàng nhà Trần sau khi nhường ngôi cho con về ở. Chùa có quy mô rất bề thế và là nơi tu hành tụng niệm của quan lại, quý tộc cao cấp triều Trần.

- Vẻ đẹp kiến trúc của chùa Phổ Minh:

+ Cụm kiến trúc chính của chùa bao gồm 9 gian tiền đường, 3 gian thiêu hương, 3 gian toà thượng điện, xếp theo hình chữ "công".

+ Công trình có giá trị nhất, giữ vai trò chủ đạo của chùa và được bảo tồn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay là tháp Phổ Minh. Tháp Phổ Minh được xây dựng vào khoảng năm 1305, dưới thời vua Trần Anh Tông, cao 19,5m, có 14 tầng, lên cao thu hẹp dần và kết thúc bằng một chỏm nhọn hình bầu rượu có nhiều cạnh. Các tầng trên đều trổ cửa cuốn tò vò ra bốn phía. Tháp được trang trí giản dị nhưng vẫn rất đẹp với hoa văn dây uốn lượn, hình rồng gấp khúc vờn mây. Trông xa, tháp Phổ Minh như một bông sen lớn trổ thẳng lên bầu trời trong xanh.

Câu hỏi trang 9 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin và quan sát các hình 9, 10:

- Nêu những thành tựu chính về điêu khắc thời Trần và rút ra nhận xét.

Nêu những thành tựu chính về điêu khắc thời Trần và rút ra nhận xét

Lời giải:

- Thành tựu chính:

+ Dưới thời Trần, các tác phẩm, hiện vật được chạm khắc chủ yếu trên những vật liệu như: đá, đồng, gỗ,…

+ Hình tượng điêu khắc chủ yếu là: cảnh thiên nhiên (như: hoa sen, hoa cúc, phong cảnh núi sông…); các linh vật (như: rồng, hổ, chim lạc…); tượng hình người và các loài động vật (như: trâu, ngựa,…).

+ Các tác phẩm, hiện vật điêu khắc tiêu biểu thời Trần là: vạc Phổ Minh; bộ cánh cửa ở chùa Phổ Minh (Nam Định); tượng hổ đá tại lăng Trần Thủ Độ (Thái Bình); các hình chạm khắc trên hương án bằng đá tại chùa Thầy, chùa Bối Khê (Hà Nội),…

- Nhận xét:

+ Nghệ thuật điêu khắc thời Trần phát triển khá phong phú, đa dạng và có sự tiếp thu chọn lọc những yếu tố văn hóa từ Trung Quốc, Ấn Độ, Champa,…

+ Nghệ thuật điêu khắc thời Trần là sự nối tiếp của nghệ thuật điêu khắc từ thời Lý nhưng cách tạo hình hiện thực, khoáng đạt, khoẻ khoắn hơn và thể hiện khá rõ tinh thần thượng võ cùng dấu ấn vương quyền.

Câu hỏi trang 9 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin và quan sát các hình 9, 10:

- Mô tả một tác phẩm điêu khắc thời Trần mà em ấn tượng nhất.

Mô tả một tác phẩm điêu khắc thời Trần mà em ấn tượng nhất

Lời giải:

- Tượng hổ đá ở lăng Trần Thủ Độ (Thái Bình) có kích thước gần như thật (dài 1,43 m), thân hình thon, bắp vế căng tròn với dáng nằm xoải chân, chân thu về phía trước, đầu ngẩng cao. Tượng hổ tạo khối đơn giản, được sắp xếp một cách chặt chẽ, vững chãi.

II. Nghệ thuật thời Lê sơ và thời Mạc

1. Nghệ thuật thời Lê sơ

Câu hỏi trang 12 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát các hình 13, 14:

- Nêu những thành tựu chính về kiến trúc thời Lê sơ và rút ra nhận xét.

Nêu những thành tựu chính về kiến trúc thời Lê sơ và rút ra nhận xét

 

Lời giải:

- Thành tựu chính:

+ Dưới thời Lê sơ, đặc biệt là thời vua Lê Thánh Tông, Kinh thành Thăng Long và hệ thống cung điện được trùng tu, xây mới trên quy mô lớn. Tiêu biểu là: điện Kính Thiên, quần thể kiến trúc Lam Kinh, miếu và lăng mộ của các vua Lê

+ Việc xây chùa mới bị hạn chế. Nhiều chùa được trùng tu như chùa Minh Độ (Hải Dương), chùa Thiên Phúc (Hà Nội), chùa Kim Liên (Hà Nội), chùa Đại Bi (Bắc Ninh),...

+ Lăng mộ thời Lê sơ cũng là những công trình nghệ thuật đặc sắc. Các lăng mộ của vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử nhìn chung có quy mô nhỏ. Điển hình là lăng mộ vua Lê Thái Tổ.

- Nhận xét:

+ Kiến trúc cung đình phát triển mạnh, với nét độc đáo là: có sự kết hợp hài hòa giữa phong cách truyền thống đã định hình thời Lý - Trần với phong cách kiến trúc uy nghi, bề thế ảnh hưởng từ tinh thần Nho giáo. Tuy nhiên, hầu hết các công trình kiến trúc đều có quy mô vừa phải, toát lên tính cần kiệm.

+ Kiến trúc tôn giáo kém phát triển so với thời Lý - Trần, rất hạn chế việc xây mới các đình, chùa, miếu,… mà chủ yếu dừng lại ở việc sửa sang, tu bổ các công trình đã xây dựng từ trước đó.

Câu hỏi trang 12 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát các hình 13, 14:

- Mô tả một công trình kiến trúc thời Lê sơ mà em ấn tượng nhất.

Mô tả một công trình kiến trúc thời Lê sơ mà em ấn tượng nhất

Lời giải:

- Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời vua Lê Thánh Tông. Điện được xây dựng trên núi Nùng, trên nền cũ của cung Càn Nguyên - Thiên An (thời Lý - Trần).

- Điện Kính Thiên là nơi cử hành các nghi lễ trọng thể nhất của triều đình, thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự và đón tiếp sứ giả nước ngoài.

- Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, hiện nay, Điện Kính Thiên chỉ còn lại một số dấu tích như: thềm đá và nền điện cũ.

Câu hỏi trang 13 Chuyên đề Lịch Sử 11: Dựa vào thông tin và các hình ảnh trong mục b:

- Nêu những thành tựu chính về điêu khắc thời Lê sơ và rút ra nhận xét.

Nêu những thành tựu chính về điêu khắc thời Lê sơ và rút ra nhận xét

Lời giải:

- Thành tựu chính:

+ Điêu khắc thời Lê sơ phát triển thể hiện qua hình tượng rồng, tượng quan hầu, tượng thú, bia Vĩnh Lăng, bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội),...

+ Chạm khắc gỗ ở các đình làng miêu tả cảnh sinh hoạt của nhân dân, như: đấu vật, đánh cờ, chèo thuyền,...

+ Các dòng tranh khắc gỗ như: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội) ra đời thời kì này đã tạo ra những bức tranh dân gian đặc sắc, trở thành tài sản quý giá trong kho tàng nghệ thuật Việt Nam.

- Nhận xét: Nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ kế thừa những tinh hoa của nghệ thuật thời Lý, Trần đồng thời có những bước tiến mới, như:

+ Đề tài và hình tượng điêu khắc có sự đa dạng, phong phú hơn.

+ Phong cách điêu khắc có sự thay đổi theo hướng hoa mĩ, cầu kì hơn so với trước đó.

Câu hỏi trang 13 Chuyên đề Lịch Sử 11: Dựa vào thông tin và các hình ảnh trong mục b:

- Mô tả một tác phẩm điêu khắc thời Lê sơ mà em ấn tượng nhất.

Mô tả một tác phẩm điêu khắc thời Lê sơ mà em ấn tượng nhất

Lời giải:

- Tác phẩm điêu khắc được coi là đẹp nhất, tiêu biểu nhất cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ là hình tượng rồng ở hai bên thềm bậc điện Kính Thiên ở Đông Kinh, được tạc năm 1467 dưới thời vua Lê Thánh Tông.

- Hai con rồng được đục chạm công phu, điêu luyện, thân dài uốn khúc, chắc khỏe, đầu ngẩng cao, mắt to, sừng dài, bờm hất ra sau, rồng có thế đang bò từ trên điện xuống một

2. Nghệ thuật thời Mạc

Câu hỏi trang 15 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát các hình từ 19 đến 22:

- Liệt kê những thành tựu chính về kiến trúc thời Mạc và rút ra nhận xét.

Liệt kê những thành tựu chính về kiến trúc thời Mạc và rút ra nhận xét

Lời giải:

- Những thành tựu chính về kiến trúc thời Mạc:

+ Kiến trúc cung đình, với các công trình tiêu biểu như: thành nhà Mạc (ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang); một số cung điện ở Dương Kinh (Hải Phòng).

+ Kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng dân gian, với các công trình tiêu biểu như: chùa Trăm Gian ở Chương Mỹ (Hà Nội); đình Lỗ Hạnh ở làng Đông Lỗ (Hiệp Hoà, Bắc Giang); đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội); đạo quán Hưng Thánh (Hà Nội),…

- Nhận xét:

+ Do bối cảnh nội chiến kéo dài nên kiến trúc cung đình thời Mạc không có điều kiện phát triển. Tính chất phòng thủ là đặc điểm chi phối kiến trúc cung đình thời kì này.

+ Kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng dân gian có sự hưng khởi, phát triển mạnh mẽ hơn so với thời Lê sơ.

Câu hỏi trang 15 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát các hình từ 19 đến 22:

- Mô tả một công trình kiến trúc thời Mạc mà em ấn tượng nhất.

Mô tả một công trình kiến trúc thời Mạc mà em ấn tượng nhất

Lời giải:

(*) Tham khảo: mô tả đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội)

- Đình Tây Đằng hiện nay tọa lạc tại thôn Đông, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội. Căn cứ vào dấu vết kiến trúc và nghệ thuật trang trí hiện còn, có thể khẳng định, đình Tây Đằng có niên đại khởi dựng vào thời Mạc, thế kỷ XVI. Đình đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, và lần gần đây nhất là vào năm 2002 - 2004.

- Kiến trúc của đình gồm: cổng đình, hồ bán nguyệt, nghi môn, tả- hữu mạc, đại đình, giếng đình và một số hạng mục phụ trợ khác.

Cổng đình: được xây khá đơn giản, với hai trụ liền tường bao. Trụ có tiết diện hình vuông, với đầu cột bổ trụ ô lồng đèn, không có hoa văn trang trí.

Hồ bán nguyệt: ở vị trí phía trước sân đình, trong hồ thả sen. Ven hồ có hai đường dẫn vào nghi môn và sân đình.

Nghi môn: được xây theo dạng tứ trụ. Đỉnh trụ đắp tứ phượng, đầu quay về bốn hướng, đuôi chụm lại tạo thành hình trái giành. Phía dưới phượng là phần mui luyện, với bốn mặt đắp trang trí hình hổ phù uy nghi. Tiếp đến là các ô lồng đèn, có trang trí đề tài tứ linh. Thân trụ soi gờ kẻ chỉ, bên trong đắp nổi các câu đối chữ Hán. Đế trụ thắt dạng cổ bồng

Tả - hữu mạc: nằm ở hai bên phía trước đại đình, được khởi dựng vào năm Canh Thân (1860). Mỗi toà đều có 3 gian, 2 chái, kết cấu chồng diêm, mái lợp ngói mũi hài, góc mái dạng đao cong, có trang trí hình rồng.

Đại đình: có bố cục mặt bằng dạng chữ Nhất, quay hướng Nam. Nền đình được lát bằng gạch Bát Tràng, cao hơn sân 60 cm. Đình có bộ mái thấp, lớn, lợp ngói mũi hài nhiều lớp, với 4 mái xòe rộng, trùm ra ngoài vỉa nền và hai chái. Hai đầu bờ nóc là hai con lân cõng trên lưng một vân xoắn lớn.

- Các mảng chạm khắc trang trí trên kết cấu gỗ của đình Tây Đằng đã đạt đến đỉnh cao, tinh tế và điêu luyện. Đề tài trang trí phong phú, đa dạng về loại hình, gồm: linh vật, hình tượng thiên thần, hình tượng con người,..

- Đình Tây Đằng không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa của nhân dân địa phương, nơi hội tụ cộng đồng làng xã, mà còn là một “bảo tàng văn hoá, nghệ thuật dân gian” sống động, là nguồn tư liệu sáng giá để chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hoá của cộng đồng và dân tộc.

Câu hỏi trang 15 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát các hình từ 19 đến 22:

- Nêu những điểm chính của nghệ thuật kiến trúc thời Mạc.

Nêu những điểm chính của nghệ thuật kiến trúc thời Mạc

Lời giải:

+ Kiến trúc cung đình:

▪ Tại Thăng Long, nhà Mạc tiếp quản gần như toàn bộ các công trình cung điện của nhà Lê sơ để lại, không xây dựng thêm và cũng ít tu bổ.

▪ Xây dựng nhiều cung điện ở Dương Kinh (thuộc Hải Phòng ngày nay).

+ Kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng dân gian: có sự phát triển mạnh mẽ

▪ Nhiều ngôi chùa được sửa sang, tu bổ, tôn tạo hoặc xây mới. Tiêu biểu như: chùa Bà Tấm (Hà Nội), chùa Cập Nhất ở Thanh Hà (Hải Dương), chùa Trăm Gian ở Chương Mỹ (Hà Nội),…

▪ Đình làng trở nên phổ biến và là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng làng xã. Hai ngôi đình nổi tiếng nhất thời Mạc là: đình Lỗ Hạnh ở làng Đông Lỗ (Hiệp Hoà, Bắc Giang) và đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội).

▪ Nhiều đạo quán có điều kiện sửa sang, tu bổ. Tiêu biểu là: quán Hưng Thánh, quán Hội Linh và quán Linh Tiên (Hà Nội), quán Tiên Phúc (Hải Dương),...

Câu hỏi trang 16 Chuyên đề Lịch Sử 11: Dựa vào nội dung mục b:

- Nêu những thành tựu chính về điêu khắc thời Mạc và rút ra nhận xét.

Lời giải:

- Thành tựu chính:

Hoạt động tạc tượng thời Mạc khá phát triển với chất liệu và loại hình khá phong phú, tiêu biểu là các tượng được tạc từ gỗ mít và gỗ vàng tâm.

+ Một số loại hình tượng tiêu biểu thời Mạc là: tượng tam thế; tượng Quan Âm; tượng chân dung,…

+ Ngoài ra, điêu khắc thời Mạc còn hướng tới một số chủ đề khác, như: cảnh sắc thiên nhiên (ví dụ: thú vật, hoa lá,…); cảnh sinh hoạt của nhân dân (ví dụ: người phụ nữ gánh nước, người đẽo cày,…) hay các linh vật (ví dụ: rồng, phượng,…).

- Nhận xét:

+ Nghệ thuật điêu khắc thời Mạc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của nghệ thuật thời Lý, Trần và có một số đặc điểm kế thừa nghệ thuật thời Lê sơ.

+ Phong cách chung là thể hiện xu hướng tả thực, gần gũi với cuộc sống đời thường. Bố cục cũng phóng khoáng và tự nhiên hơn trước.

Câu hỏi trang 16 Chuyên đề Lịch Sử 11: Dựa vào nội dung mục b:

- Mô tả một tác phẩm điêu khắc thời Mạc mà em ấn tượng nhất.

Lời giải:

- Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay tại chùa Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội) được tạc ở tư thế ngồi xếp bằng, cao 1.32 m tính cả bệ cao 2.55 m. Những cánh tay tạo thành vòng sáng rộng khoảng 1.55 m. Tượng ngồi ở tư thế “tham thiền nhập định” nhưng lại toát ra cái “động” của nội tâm qua những cánh tay chính hướng ra xung quanh với nhiều động tác khác nhau.

 

III. Nghệ thuật thời Lê trung hưng và thời Nguyễn

1. Nghệ thuật thời Lê trung hưng

Câu hỏi trang 18 Chuyên đề Lịch Sử 11: Khai thác thông tin và các hình ảnh trong mục a:

- Nêu những nét cơ bản về nghệ thuật kiến trúc thời Lê trung hưng.

Nêu những nét cơ bản về nghệ thuật kiến trúc thời Lê trung hưng

 

Lời giải:

Kiến trúc cung đình

+ Ở Đàng Ngoài: cùng với hệ thống cung điện của vua Lê, phủ chúa Trịnh dần trở thành một quần thể kiến trúc đồ sộ, bao gồm 52 cung, phủ, điện, đài, vườn ngự uyển,..

+ Ở Đàng Trong: chính quyền chúa Nguyễn cũng từng bước cho xây dựng kinh đô ở Phú Xuân (Huế). Từ năm 1558 đến năm 1774, thủ phủ chúa Nguyễn trải qua 8 lần thay đổi vị trí. Sau mỗi lần di chuyển, quy mô xây dựng lại lớn hơn, gồm có thành trì, cung điện, dinh thự, nhà thờ tổ,...

Kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng dân gian:

+ Kiến trúc tôn giáo có bước phát triển mạnh, gắn liền với sự phục hồi của Phật giáo.

▪ Nhiều ngôi chùa đã được sửa sang, tu bổ, tôn tạo hoặc xây mới ở cả Đàng Ngoài và Đàng Trong.

▪ Kiến trúc chùa có nhiều kiểu dáng đa dạng.

▪ Địa điểm xây dựng chùa thường là những nơi yên tĩnh, phong cảnh đẹp, gần núi, sông.

▪ Một số công trình tiêu biểu như: chùa Keo (Thái Bình), chùa Tây Phương (Hà Nội); chùa Thiên Mụ (Huế); chùa Tam Thai (Đà Nẵng)…

+ Kiến trúc tín ngưỡng dân gian có nhiều loại hình, tiêu biểu là đình làng.

▪ Ở Đàng Ngoài: trong các thế kỉ XVII - XVIII, gần như làng xã nào cũng có đình làng, tiêu biểu là: đình làng Chu Quyến (Hà Nội), đình làng Thổ Tang (Vĩnh Phúc)....

▪ Ở Đàng Trong, đình làng cũng dần xuất hiện, gắn liền với quá trình khai phá các vùng đất lập làng xóm mới.

Câu hỏi trang 18 Chuyên đề Lịch Sử 11: Khai thác thông tin và các hình ảnh trong mục a:

- Mô tả một công trình kiến trúc nổi bật thời Lê trung hưng và rút ra nhận xét.

Mô tả một công trình kiến trúc nổi bật thời Lê trung hưng và rút ra nhận xét

Lời giải:

- Mô tả: phủ chúa Trịnh

+ Phủ chúa Trịnh được xây dựng trong khoảng hơn một thế kỉ (1592 - 1749) bằng các vật liệu như: gạch, ngói và các loại gỗ quý.

+ Phủ được xây dựng ở phía nam hồ Tả Vọng (hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội ngày nay). Tổng thể công trình bao gồm 52 cung, phủ, điện, đài, vườn ngự quyển,…

+ Xung quanh phủ và ven các hồ lân cận, chúa Trịnh cho xây dựng nhiều nguyệt đài, nhà thủy tạ, như: đình Tả Vọng trên Gò Rùa; cung Khánh thụy, trại thủy binh trên hồ,…

+ Quanh phủ chúa là tường thành bao bọc và cổng thành kiên cố. Phía trên các cổng thành đều có vọng gác, lợp mái cho quân lính đứng canh.

- Nhận xét về kiến trúc thời Lê trung hưng:

+ Kiến trúc cung đình thời Lê trung hưng về cơ bản vẫn tiếp nối thời Lê sơ và thời Mạc, nhưng được xây dựng với quy mô lớn hơn, lộng lẫy hơn.

+ Kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng dân gian có sự phát triển mạnh mẽ.

Câu hỏi trang 19 Chuyên đề Lịch Sử 11: Dựa vào thông tin và hình ảnh trong mục b, nêu những nét cơ bản về nghệ thuật điêu khắc thời Lê trung hưng và rút ra nhận xét.

Dựa vào thông tin và hình ảnh trong mục b, nêu những nét cơ bản về nghệ thuật

Lời giải:

♦ Nghệ thuật điêu khắc thời Lê trung hưng

- Điêu khắc cung đình gắn với quá trình xây dựng và trang trí cung vua, phủ chúa, xây dựng lăng mộ....

+ Khi các vua chúa qua đời, chính quyền Đàng Ngoài và Đàng Trong đều quan tâm đến việc xây dựng lăng mộ, dựng bia đá khắc ghi công lao, chạm khắc rùa đá và đúc tượng để thờ,...

+ Hình tượng rồng - biểu tượng cho uy quyền của nhà vua đã mờ nhạt, ít được sử dụng.

- Điêu khắc dân gian phát triển đa dạng hơn so với điêu khắc cung đình.

+ Loại hình điêu khắc phổ biến vẫn là những bức chạm khắc trên gỗ, cột đá ở các đình làng; tạc tượng và chạm khắc trên chuông đồng, tượng Phật thờ trong các ngôi chùa.

+ Các tác phẩm tiêu biểu là: tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), tượng La Hán ở chùa Tây Phương (Hà Nội); chạm khắc bia, rùa đá và chuông đồng ở chùa Thiên Mụ (Huế), đá mĩ nghệ Bửu Long (Đồng Nai),...

♦ Nhận xét:

- Nghệ thuật điêu khắc thời Lê trung hưng đạt đến trình độ điêu luyện; đề tài thể hiện phong phú, đa dạng phản ánh sinh động đời sống và ước mơ, khát vọng về cuộc sống bình yên của nhân dân.

- Nghệ thuật điêu khắc dân gian phát triển mạnh mẽ hơn so với điêu khắc cung đình.

- Nhiều tác phẩm điêu khắc thời Lê trung hưng còn lưu lại đến ngày nay đã trở thành những kiệt tác, có giá trị cao về lịch sử - văn hóa, ví dụ như: tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh); tượng các vị La Hán ở chùa Tây Phương (Hà Nội),…

Câu hỏi trang 20 Chuyên đề Lịch Sử 11: Khai thác thông tin và các hình ảnh trong mục c, nêu những nét cơ bản về mĩ thuật thời Lê trung hưng và rút ra nhận xét.

Khai thác thông tin và các hình ảnh trong mục c, nêu những nét cơ bản về mĩ thuật

Lời giải:

♦ Mỹ thuật thời Lê trung hưng:

- Mĩ thuật thời Lê trung hưng phát triển rực rỡ với nhiều thể loại như: vẽ trang trí hoa văn trên đồ gốm sứ, vẽ trên giấy bồi và trên ván gỗ, các bức vẽ ở đình, chùa,... nhưng phổ biến nhất vẫn là tranh lụa và tranh dân gian.

+ Tranh lụa thời Lê trung hưng có nhiều chủ đề như tranh phong cảnh, tranh trang trí đồ vật hoặc tranh vẽ chân dung (tiêu biểu là tranh vẽ về Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Trịnh Đình Kiên, Phan Huy Ích,...).

+ Tranh dân gian xuất hiện vào khoảng thế kỉ XVII, phát triển mạnh trong các thế kỉ XVIII - XIX với bốn dòng chính là: tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (còn gọi là tranh đỏ) và tranh làng Sình.

- Mĩ thuật ở Đàng Trong nổi bật với nghệ thuật trang trí, tạo hoa văn nổi bằng việc đắp vữa gắn sành, sứ ở các ngôi chùa, phối hợp với nhiều màu sắc để có hình ảnh đẹp.

♦ Nhận xét:

- Mỹ thuật thời Lê trung hưng phát triển phong phú với nhiều thể loại.

- Đề tài thể hiện rất phong phú, phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

- Họa tiết mĩ thuật thời Lê trung hưng có phần đơn giản nhưng rất sinh động, giàu tính hiện thực.

Câu hỏi trang 21 Chuyên đề Lịch Sử 11: Dựa thông tin và hình ảnh trong mục d, phân tích những điểm mới về nghệ thuật thời Lê trung hưng.

Dựa thông tin và hình ảnh trong mục d, phân tích những điểm mới về nghệ thuật

Lời giải:

- Cùng với sự tồn tại của cung vua và hai phủ chúa, sự phát triển của kinh tế hàng hoá và văn hóa dân gian đã tạo nên những điểm mới của nghệ thuật thời Lê trung hưng.

- Một số điểm mới của nghệ thuật thời Lê trung hưng:

+ Sự mở rộng của kiến trúc cung đình: đây là thời kì có cả cung vua (nhà Lê) và phủ chúa (chúa Trịnh, chúa Nguyễn). Kiến trúc ở phủ chúa Trịnh và phủ chúa Nguyễn ngày càng mở rộng, được xây dựng ở nhiều nơi và thường xuyên được làm mới.

+ Kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng dân gian phát triển rực rỡ, độc đáo, sáng tạo: nhiều ngôi chùa, tháp, đình làng được tu sửa hoặc xây dựng mới; kĩ thuật điêu khắc, chạm trổ có nhiều nét hoa văn tinh xảo, có nhiều chủ đề gắn với đời sống dân dã, bối cảnh làng quê..

+ Mĩ thuật xuất hiện yếu tố mới và trở nên đa dạng, thể hiện ở: sự phong phú, đa dạng của tranh lụa; sự ra đời và nở rộ của ba dòng tranh dân gian (Đông Hồ, Hàng Trống và Kim Hoàng, tranh làng Sình) gắn với đời sống, tín ngưỡng của người dân.

+ Nghệ thuật có sự kế thừa và giao thoa mạnh mẽ: các loại hình nghệ thuật có sự kế thừa các thời kì trước đó, đồng thời có hướng đi mới, kết hợp giao thoa văn hóa giữa các vùng, miền và văn hóa Đông - Tây,...

2. Nghệ thuật thời Nguyễn

Câu hỏi trang 22 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin và quan sát các hình ảnh trong mục đi a:

- Mô tả những nét cơ bản về nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn và rút ra nhận xét.

Mô tả những nét cơ bản về nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn và rút ra nhận xét

Lời giải:

- Kiến trúc thời Nguyễn:

+ Kiến trúc cung đình phát triển mạnh mẽ:

▪ Kinh thành Huế là công trình tiêu biểu nhất cho phong cách kiến trúc cung đình. Đây là một quần thể độc đáo, bao gồm: Kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành.

▪ Ngoài kinh thành Huế, triều Nguyễn đã xây dựng nhiều thành trì quân sự ở nhiều địa phương trên cả nước. Tiêu biểu nhất là: thành Gia Định (Sài Gòn) và thành Hà Nội.

▪ Kiến trúc lăng, tẩm, đàn miếu,… là một bộ phận quan trọng của kiến trúc cung đình triều Nguyễn. Đây là những công trình kiến trúc đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật truyền thống và sự hài hòa với tự nhiên.

+ Kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng không nở rộ như giai đoạn Lê trung hưng, chủ yếu dừng lại ở việc trùng tu, tôn tạo các công trình đình, chùa đã xây dựng từ trước đó.

- Nhận xét: kiến trúc thời Nguyễn có sự kế thừa truyền thống của các thời kì trước đó, đồng thời tiếp thu những nét đặc sắc kiến trúc của Trung Hoa và vận dụng hiệu quả kiểu kiến trúc xây thành quân sự phỏng ngự Vau-ban của Pháp.

Câu hỏi trang 22 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin và quan sát các hình ảnh trong mục đi a:

- Giới thiệu một công trình kiến trúc nổi bật của Kinh thành Huế.

Giới thiệu một công trình kiến trúc nổi bật của Kinh thành Huế

Lời giải:

- Kinh thành Huế được xây dựng và hoàn thiện trong suốt 140 năm (1805 - 1945), nằm trên bờ bắc sông Hương, quay mặt về hướng nam.

- Về mặt phong thuỷ, tiền án của kinh thành là núi Ngự Bình cao hơn 100 m; hai bên là cồn Hến và cồn Dã Viên tạo thế rồng chầu, hổ phục đề cao vương quyền. Sông Hương rộng, trải dài giữa hai cồn như một cánh cung mang sinh khí cho kinh thành.

- Đây là một phức hợp công trình kiến trúc có giá trị phòng ngự cao như luỹ, pháo đài, hoả mai, một sự kết hợp hài hoà giữa thành luỹ truyền thống và thành hào hiện đại của châu Âu thời bấy giờ.

- Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá thế giới với tiêu chí là một ví dụ nổi bật về một thủ đô phong kiến ở phương Đông.

Câu hỏi trang 24 Chuyên đề Lịch Sử 11: Dựa vào thông tin và các hình ảnh trong mục b:

- Mô tả những nét cơ bản về nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn.

Lời giải:

- Điêu khắc thời Nguyễn nổi bật với nghệ thuật khảm sành, sứ và đắp vữa gắn sành, sứ. Loại hình nghệ thuật này được sử dụng ở hầu hết các công trình kiến trúc trong Đại Nội (Huế) và trong lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn, như: điện Thái Hoà, điện Kiến Trung. cung An Định, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Khải Định,...

- Nét đặc sắc về nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn còn thể hiện ở việc chạm khắc trên bia đá, tạc tượng (người hoặc con vật), chạm trổ trên gỗ, tạo hoa văn trang trí trên đồng,.. Trong đó, hình tượng “tứ linh” (long, ly, quy, phượng) là phổ biến hơn cả.

- Nghệ thuật điêu khắc tại các ngôi chùa và đình làng thời Nguyễn về cơ bản vẫn tiếp nối phong cách thời Lê trung hưng, gồm có chạm trổ trên gỗ, đá hoặc đúc chuông, đúc tượng Phật,...

Câu hỏi trang 24 Chuyên đề Lịch Sử 11: Dựa vào thông tin và các hình ảnh trong mục b:

- Giới thiệu một sản phẩm mà em ấn tượng nhất.

Lời giải:

- Cửu đỉnh được đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1836, dưới thời vua Minh Mạng. Cửu đỉnh được đặt tại sân Thế miếu.

- Cả 9 chiếc đỉnh đồng này đều có kiểu dáng chung, giống nhau (bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có hai quai, dưới bầu có ba chân). Trên mỗi chiếc đỉnh có 18 hình khắc, chạm nổi các hình ảnh mô tả cảnh vật, sản vật của đất nước. Tổng cộng có 153 hình ảnh (kèm tên gọi) được khắc trên cửu đỉnh, bao gồm: tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, hoa cỏ, động vật, binh khí,… Công trình này được xem là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam.

- Cửu đỉnh vừa là biểu tượng uy quyền của triều đình quân chủ, tượng trưng cho đế nghiệp muôn đời bền vững, vừa thể hiện ước mơ về sự trường tồn của vương triều Nguyễn và sự giàu đẹp của đất nước.

- Năm 2012, Cửu đỉnh được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Câu hỏi trang 24 Chuyên đề Lịch Sử 11: Dựa vào thông tin và các hình ảnh trong mục c, mô tả những nét cơ bản về mĩ thuật thời Nguyễn và rút ra nhận xét.

Dựa vào thông tin và các hình ảnh trong mục c, mô tả những nét cơ bản

Lời giải:

- Mỹ thuật thời Nguyễn:

+ Mỹ thuật cung đình được chú trọng. Những vật dụng cá nhân hoặc dụng cụ dùng hằng ngày cũng được trang trí công phu, tỉnh xảo.

+ Mĩ thuật dân gian tiếp tục phát triển với nhiều loại hình, sử dụng nhiều chất liệu khác nhau. Các dòng tranh dân gian ra đời từ thời Lê trung hưng tiếp tục phát triển. Mỗi dòng tranh dân gian có nghệ thuật tạo màu sắc và cách in ấn khác nhau, nhưng đều gắn với chủ đề lịch sử hoặc phản ánh cuộc sống thường ngày của người dân.

- Nhận xét: Điểm độc đáo của mĩ thuật thời Nguyễn là sự ảnh hưởng, tác động qua lại giữa mĩ thuật dân gian và mĩ thuật cung đình.

+ Những họa tiết trang trí trong các đình làng xung quanh Huế như: Kim Long, Lại Thế, Dương Nỗ,... có nhiều đặc điểm gần với kiến trúc và mĩ thuật cung đình.

+ Ở vùng phụ cận Huế, thợ thủ công mĩ nghệ đã có công không nhỏ trong việc chạm khảm thành quách, lăng tẩm, thêu gấm trang phục, trang trí nội thất cho các công trình của vua và quan lại.

Câu hỏi trang 25 Chuyên đề Lịch Sử 11: Khai thác thông tin, tư liệu và hình ảnh trong mục d:

- Mô tả những nét cơ bản về âm nhạc thời Nguyễn.

Mô tả những nét cơ bản về âm nhạc thời Nguyễn

Lời giải:

- Đến thời Nguyễn, âm nhạc cung đình được hoàn thiện và phát triển đến đỉnh cao. Trong đó, đặc sắc nhất là Nhã nhạc cung đình - một loại hình nghệ thuật đặc biệt được sử dụng vào các dịp tế lễ, lễ tiết của triều đình.

- Âm nhạc dân gian:

+ Phát triển trên khắp các tỉnh thành trong cả nước.

+ Phong phú về loại hình, đồng thời mang đặc trưng vùng, miền như: nghệ thuật sân khấu cải lương, tuồng, hát chèo, hát quan họ, hát trống cơm, hát ví, giặm, hát xẩm,...

Câu hỏi trang 25 Chuyên đề Lịch Sử 11: Khai thác thông tin, tư liệu và hình ảnh trong mục d:

- Giới thiệu một loại hình nghệ thuật âm nhạc mà em ấn tượng nhất.

Giới thiệu một loại hình nghệ thuật âm nhạc mà em ấn tượng nhất

Lời giải:

- Tham khảo: giới thiệu về Dân ca quan họ

+ Dân ca Quan họ là hình thức hát giao duyên của người dân đồng bằng Bắc Bộ, chủ yếu là vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang). Loại hình nghệ thuật này được hợp thành từ nhiều yếu tố: âm nhạc, lời ca, phục trang, lễ hội,... đã trở thành nét văn hoá rất đặc sắc của người dân Kinh Bắc.

+ Về thời điểm ra đời Dân ca Quan họ, có hai quan điểm cho rằng vào thế kỉ XI hoặc thế kỉ XVII.

+ Năm 2009, Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Câu hỏi trang 26 Chuyên đề Lịch Sử 11: Nêu những điểm mới về nghệ thuật của Việt Nam dưới thời Nguyễn.

Lời giải:

- Những điểm mới về nghệ thuật của Việt Nam dưới thời Nguyễn:

+Kiến trúc thời Nguyễn, đặc biệt là kiến trúc cung đình Huế có quy mô lớn, kiên cố.

+ Dưới thời Nguyễn, xuất hiện một số loại hình nghệ thuật mới và đặc sắc, độc đáo, đặc biệt là nghệ thuật khảm sành, sứ và Nhã nhạc cung đình Huế.

+ Nghệ thuật thời Nguyễn có sự kết hợp văn hóa Đông - Tây, đặc biệt là văn hóa Việt - Pháp. Các công trình kiến trúc đều có sự kết hợp văn hóa Đông - Tây, vừa phát huy được những thành tựu của các thời kỉ trước, vừa vận dụng được hiệu quả của kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc thành quân sự phòng ngự Vau-ban của Pháp.....

Luyện tập và Vận dụng (trang 26)

Luyện tập 1 trang 26 Chuyên đề Lịch Sử 11: Lập bảng tóm tắt những thành tựu tiêu biểu về kiến trúc, điêu khắc của Việt Nam dưới thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng và Nguyễn theo mẫu sau:

Lập bảng tóm tắt những thành tựu tiêu biểu về kiến trúc, điêu khắc của Việt Nam

Lời giải:

(*) Lưu ý: Học sinh điền các thông tin sau vào bảng

♦ Thời Lý

- Kiến trúc

+ Kinh thành Thăng Long là công trình nổi bật nhất trong loại hình kiến trúc cung đình.

+ Kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng dân gian có sự phát triển. Nhiều đình, chùa, miếu được xây dựng.

+ Đặc điểm: loại hình phong phú; quy hoạch thống nhất, cân xứng; trang trí tinh xảo và có sự hài hòa với cảnh quan thiên nhiên xung quanh; có sự kế thừa nghệ thuật truyền thống của người Việt và sự tiếp thu những yếu tố văn hóa bên ngoài.

- Điêu khắc

+ Chủ yếu sử dụng các chất liệu như: đá, gốm, gỗ, đất nung,…

+ Hình tượng điêu khắc chủ yếu là: cảnh thiên nhiên và các linh vật.

+ Nghệ thuật đúc đồng phát triển.

+ Đặc điểm: khắc họa chân thực, đơn giản, uyển chuyển, mềm mại và mang đậm tính bản địa.

♦ Thời Trần

- Kiến trúc

+ Kiến trúc cung đình: ngoài hệ thống cung điện tại Kinh thành Thăng Long, nhà Trần còn xây dựng thêm các cung điện, lăng mộ ở một số nơi khác.

+ Kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng dân gian tiếp tục phát triển: nhiều đền, chùa, đình, miếu,… được trùng tu hoặc xây mới.

+ Đặc điểm: loại hình phong phú; quy hoạch thống nhất, cân xứng; trang trí tinh xảo và có sự hài hòa với cảnh quan thiên nhiên xung quanh; có sự kế thừa nghệ thuật truyền thống của người Việt và sự tiếp thu những yếu tố văn hóa bên ngoài.

- Điêu khắc

+ Chủ yếu sử dụng những vật liệu như: đá, đồng, gỗ,…

+ Hình tượng điêu khắc chủ yếu là: cảnh thiên nhiên; các linh vật; tượng hình người và các loài động vật….

+ Đặc điểm: cách tạo hình hiện thực, khoáng đạt, khoẻ khoắn và thể hiện khá rõ tinh thần thượng võ cùng dấu ấn vương quyền.

♦ Thời Lê sơ

- Kiến trúc

+ Kiến trúc cung đình phát triển mạnh, với nét độc đáo là: có sự kết hợp hài hòa giữa phong cách truyền thống đã định hình thời Lý - Trần với phong cách kiến trúc uy nghi, bề thế ảnh hưởng từ tinh thần Nho giáo. Tuy nhiên, hầu hết các công trình kiến trúc đều có quy mô vừa phải, toát lên tính cần kiệm.

+ Kiến trúc tôn giáo kém phát triển so với thời Lý - Trần, chủ yếu dừng lại ở việc sửa sang, tu bổ các công trình đã xây dựng từ trước đó.

- Điêu khắc

+ Hình tượng điêu khắc chủ yếu là: tượng linh vật, tượng thú, tượng quan hầu, cảnh sinh hoạt của nhân dân,…

+ Các dòng tranh khắc gỗ ra đời.

+ Đặc điểm: kế thừa những tinh hoa thời Lý, Trần đồng thời có những bước tiến mới, như: đề tài và hình tượng điêu khắc có sự đa dạng, phong phú; phong cách điêu khắc có sự thay đổi theo hướng hoa mĩ, cầu kì hơn.

♦ Thời Mạc

- Kiến trúc

+ Do bối cảnh nội chiến kéo dài nên kiến trúc cung đình thời Mạc không có điều kiện phát triển. Tính chất phòng thủ là đặc điểm chi phối kiến trúc cung đình thời kì này.

+ Kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng dân gian có sự hưng khởi, phát triển mạnh mẽ hơn so với thời Lê sơ.

- Điêu khắc

+ Hoạt động tạc tượng khá phát triển với chất liệu và loại hình khá phong phú. Một số loại hình tượng tiêu biểu là: tượng tam thế; tượng Quan Âm; tượng chân dung,…

+ Ngoài ra, điêu khắc thời Mạc còn hướng tới một số chủ đề khác, như: cảnh sắc thiên nhiên; cảnh sinh hoạt của nhân dân; hay các linh vật…

+ Đặc điểm: tả thực, gần gũi với cuộc sống đời thường; bố cục phóng khoáng, tự nhiên.

♦ Thời Lê trung hưng

- Kiến trúc

+ Kiến trúc cung đình về cơ bản vẫn tiếp nối thời Lê sơ và thời Mạc, nhưng được xây dựng với quy mô lớn hơn, lộng lẫy hơn.

+ Kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng dân gian có sự phát triển mạnh mẽ.

- Điêu khắc

+ Điêu khắc cung đình gắn với quá trình xây dựng và trang trí cung vua, phủ chúa, xây dựng lăng mộ....

+ Điêu khắc dân gian phát triển đa dạng hơn so với điêu khắc cung đình.

♦ Thời Nguyễn

- Kiến trúc

+ Kiến trúc cung đình phát triển mạnh mẽ: xây dựng Kinh thành Huế; hệ thống thành lũy ở các địa phương,…

+ Kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng không nở rộ như giai đoạn Lê trung hưng, chủ yếu dừng lại ở việc trùng tu, tôn tạo các công trình đình, chùa đã xây dựng từ trước đó.

+ Đặc điểm: có sự kế thừa truyền thống của các thời kì trước đó, đồng thời tiếp thu những nét đặc sắc kiến trúc của Trung Hoa và vận dụng hiệu quả kiểu kiến trúc xây thành quân sự phỏng ngự Vau-ban của Pháp.

- Điêu khắc

+ Sử dụng các chất liệu như: gỗ, đá, đồng,… hoặc các chất liệu quý như: vàng, ngọc,…

+ Điêu khắc cung đình nổi bật với nghệ thuật khảm sành, sứ và đắp vữa gắn sành, sứ.

+ Nghệ thuật điêu khắc dân gian về cơ bản vẫn tiếp nối phong cách thời Lê trung hưng.

Vận dụng 2 trang 26 Chuyên đề Lịch Sử 11: Làm sáng tỏ nhận định: Nghệ thuật thời Lê trung hưng và thời Nguyễn có nhiều điểm mới so với nghệ thuật các thời kì trước đó.

Lời giải:

- Điểm mới về nghệ thuật của thời Lê trung hưng:

+ Sự mở rộng của kiến trúc cung đình: đây là thời kì có cả cung vua (nhà Lê) và phủ chúa (chúa Trịnh, chúa Nguyễn). Kiến trúc ở phủ chúa Trịnh và phủ chúa Nguyễn ngày càng mở rộng, được xây dựng ở nhiều nơi và thường xuyên được làm mới.

+ Kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng dân gian phát triển rực rỡ, độc đáo, sáng tạo: nhiều ngôi chùa, tháp, đình làng được tu sửa hoặc xây dựng mới; kĩ thuật điêu khắc, chạm trổ có nhiều nét hoa văn tinh xảo, có nhiều chủ đề gắn với đời sống dân dã, bối cảnh làng quê..

+ Mĩ thuật xuất hiện yếu tố mới và trở nên đa dạng, thể hiện ở: sự phong phú, đa dạng của tranh lụa; sự ra đời và nở rộ của ba dòng tranh dân gian (Đông Hồ, Hàng Trống và Kim Hoàng, tranh làng Sình) gắn với đời sống, tín ngưỡng của người dân.

+ Nghệ thuật có sự kế thừa và giao thoa mạnh mẽ: các loại hình nghệ thuật có sự kế thừa các thời kì trước đó, đồng thời có hướng đi mới, kết hợp giao thoa văn hóa giữa các vùng, miền và văn hóa Đông - Tây,...

- Điểm mới về nghệ thuật của thời Nguyễn:

+Kiến trúc thời Nguyễn, đặc biệt là kiến trúc cung đình Huế có quy mô lớn, kiên cố.

+ Dưới thời Nguyễn, xuất hiện một số loại hình nghệ thuật mới và đặc sắc, độc đáo, đặc biệt là nghệ thuật khảm sành, sứ và Nhã nhạc cung đình Huế.

+ Nghệ thuật thời Nguyễn có sự kết hợp văn hóa Đông - Tây, đặc biệt là văn hóa Việt - Pháp. Các công trình kiến trúc đều có sự kết hợp văn hóa Đông - Tây, vừa phát huy được những thành tựu của các thời kỉ trước, vừa vận dụng được hiệu quả của kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc thành quân sự phòng ngự Vau-ban của Pháp.....

Vận dụng 3 trang 26 Chuyên đề Lịch Sử 11: Tìm hiểu và chỉ ra những điểm giống và khác nhau của biểu tượng rồng thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc và Nguyễn. Giới thiệu những điểm giống và khác nhau đó với thầy cô và bạn học.

Lời giải:

- Điểm giống nhau:

+ Hình tượng rồng là biểu tượng của vương quyền.

+ Phong cách tạo hình: thân hình giống loài rắn; tư thế uốn lượn thành nhiều khúc; đầu rồng có bờm, mào và chòm râu dài dưới hàm; mắt rồng lồi, miệng há rộng và ngậm một viên ngọc,…

- Điểm khác nhau:

+ Rồng thời Lý: thân hình tròn, da trơn, nhỏ dần về phần đuôi; thân rồng thường có từ 11 đến 13 khúc, uốn lượn mềm mại, thanh thoát, nhẹ ngành và có tư thế như đang bay; Chân rồng chỉ có 3 móng; móng vuốt rồng không sắc nhọn.

Rồng thời Trần: thân hình mập mạp, uốn khúc mạnh mẽ; trên mình rồng phủ lớp vảy hình răng cưa sắc nhọn; chân rồng ngắn; chân rồng có 5 móng; đầu rồng có thêm sừng và mắt lồi ra thể hiện cho tầm mắt nhìn bao quát bốn cõi; miệng rồng há to và nhe răng nanh thể hiện sự đe dọa.

+ Rồng thời Lê sơ: Đầu rồng to, có bờm lớn ngược ra sau. Mép trên của miệng vẫn kéo dài nhưng được vuốt gần như thẳng ra, bao quanh là một hàng răng cưa xếp lại như hình chiếc lá. Răng nanh rồng cũng được kéo dài lên phía trên, ở gốc uốn xoăn thừng. Lông rồng kéo dài ra và đuôi chếch lên phía sau. Đầu sừng hai chạc cuộn tròn lại phía trên lông mày. Rồng có râu ngắn bố trí đều và một chân trước thường đưa lên để đỡ râu.

+ Rồng thời Nguyễn: Rồng được các nghệ nhân thể hiện ở nhiều tư thế như ẩn mình trong mây hoặc ngậm chữ thọ, hai rồng chầu mặt trời, hoa cúc hay chữ thọ… Phần lớn mình rồng thời Nguyễn không dài mà uốn lượn với độ cong lớn. Đầu rồng khá to, sừng chĩa ngược ra sau và giống sừng hươu. Mắt rồng to, mũi của sư tử và miệng há lộ răng nanh. Vây trên lưng rồng sắp xếp dài ngắn đều đặn và có tia. Râu rồng lượn sóng từ dưới mắt và chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng rồng khi dùng cho vua thì chân có năm móng mạnh mẽ, còn quan lại và tầng lớp quý tộc chỉ được dùng hình tượng rồng bốn hoặc ba móng, đuôi không có bờm lông, các chi tiết hoa văn cũng mờ hơn so với rồng trong cung đình.

Vận dụng 4 trang 26 Chuyên đề Lịch Sử 11: Lập nhóm và sưu tầm tư liệu về công trình kiến trúc hoặc điêu khắc tiêu biểu của Việt Nam dưới thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng và Nguyễn. Giới thiệu công trình đó với thầy cô và bạn học.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Giới thiệu về Cửu đỉnh thời Nguyễn

Cửu đỉnh là bộ 9 chiếc đỉnh đồng lớn được đúc tại Kinh thành Huế dưới thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn. Việc đúc Cửu đỉnh được bắt đầu vào tháng 10 năm Ất Mùi (1835) và hoàn thành đầu năm 1837. Đỉnh được coi là biểu tượng uy quyền của triều đình quân chủ, tượng trưng cho đế nghiệp muôn đời bền vững.

Ngày 4/3/1837, triều đình nhà Nguyễn tổ chức lễ khánh thành và an vị cho Cửu đỉnh dưới sự chủ lễ của vua Minh Mạng. Cửu đỉnh được coi như biểu trưng và là pháp khí của triều đình nhà Nguyễn đương thời. 9 chiếc đỉnh này được an vị tại sân chầu trước Thế Tổ miếu, phía sau Hiển Lâm Các trong Hoàng thành (Đại Nội - Kinh thành Huế). Các đỉnh được đặt tên lần lượt là: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh. Cửu đỉnh được xếp một hàng ngang, đối diện với 9 gian thờ trong Thế Tổ miếu, tương ứng với 9 vị vua được thờ trong miếu. Riêng chiếc đỉnh lớn nhất (Cao đỉnh) là chiếc đỉnh ứng với vua Gia Long - vị vua sáng lập triều Nguyễn, được đặt chính giữa và nhô về phía trước so với 8 chiếc còn lại.

Cửu đỉnh được coi là "bộ bách khoa thư của Việt Nam" được các học sĩ thời phong kiến soạn một cách tổng quát, phong phú. Cửu đỉnh gắn liền với số 9 - được coi là con số linh thiêng, may mắn trong văn hóa phương Đông. Trên mỗi đỉnh có 18 hình khắc theo cách chạm nổi, ngoại trừ một hình khắc tên của đỉnh thì 17 hình còn lại là hình ảnh mô tả cảnh vật, sản vật của đất nước. Tổng cộng có 153 hình ảnh đậm tính dân tộc, tính dân gian cùng tên gọi được khắc trên 9 đỉnh. Các hình khắc trên đỉnh được chia làm 3 tầng, mỗi tầng 6 hình xen kẽ với mảng trống, xếp trên dưới so le với nhau. Các hình này được phân thành các nhóm, mỗi nhóm có 9 hình khắc trên 9 đỉnh như: Tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, hoa cỏ, động vật, binh khí, xe thuyền...

Cửu đỉnh cũng được coi là "bộ sách địa chí của Việt Nam", với những danh thắng tiêu biểu được giới thiệu đủ trên khắp 3 miền, thể hiện tư tưởng hòa bình, thống nhất đất nước. Đặc biệt, triều đình nhà Nguyễn đã xác lập chủ quyền lãnh hải quốc gia Việt Nam trên 3 chiếc đỉnh lớn nhất. Đó là hình ảnh của Đông Hải (biển Đông - khắc trên Cao đỉnh), Nam Hải (vùng biển phía nam - khắc trên Nhân đỉnh), Tây Hải (biển phía tây - khắc trên Chương đỉnh).

Cửu đỉnh được đúc theo phương thức thủ công truyền thống. Khuôn đúc bằng đất sét cũng được tạo tác thủ công vô cùng tỉ mỉ. Sau khi hoàn thành, tất cả khuôn đúc được phá bỏ để tránh sự sao chép. Tạo hình các đỉnh, cũng như các hình khắc, hoa văn, họa tiết trên Cửu đỉnh vô cùng tinh xảo và độc đáo, chưa từng có trong các công trình, tác phẩm mỹ thuật đã tồn tại trong lịch sử Việt Nam.

Từ khi an vị ở sân Thế Tổ miếu - Hoàng thành Huế (năm 1837) tới nay, Cửu đỉnh chưa từng được di dời đi nơi khác và cũng chưa từng phải duy tu, sửa chữa. Trải qua gần 200 năm, qua khói lửa chiến tranh, Cửu đỉnh vẫn tồn tại và xứng đáng là một kiệt tác điêu khắc của người xưa, niềm tự hào của triều Nguyễn và nay là báu vật của đất nước.

Năm 2012, bộ Cửu đỉnh nhà Nguyễn được công nhận là Bảo vật quốc gia (đợt 1). Năm 2021, sau hai năm nghiên cứu và xây dựng hồ sơ, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét trước khi đệ trình UNESCO công nhận Cửu đỉnh là Di sản tư liệu thế giới.

Đánh giá

0

0 đánh giá