Giải Chuyên đề Lịch sử 11 Cánh diều Chuyên đề 3: Danh nhân trong lịch sử Việt Nam

5.1 K

Tailieumoi.vn giới thiệu giải Chuyên đề Lịch sử 11 Chuyên đề 3: Danh nhân trong lịch sử Việt Nam sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm Chuyên đề học tập Lịch sử 11. Mời các bạn đón xem:

Giải Chuyên đề Lịch sử 11 Chuyên đề 3: Danh nhân trong lịch sử Việt Nam

I. Khái quát về danh nhân trong lịch sử dân tộc

Mở đầu trang 47 Chuyên đề Lịch Sử 11: Vậy thế nào là danh nhân? Danh nhân tiêu biểu có vai trò và đóng góp như thế nào trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc?

Lời giải:

Danh nhân là người nổi tiếng, có cống hiến nổi bật, có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng và được xã hội ghi nhận.

- Vai trò của danh nhân với lịch sử dân tộc:

+ Khởi xướng, tập hợp, lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa, kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ và giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

+ Đứng đầu các vương triều, chính quyền; đề ra đường lối, chính sách, lãnh đạo nhân dân xây dựng đất nước.

+ Có nhiều đóng góp về văn hoá, giáo dục, tạo ra những phát minh, sáng chế, sáng lập các trường phái tư tưởng,... góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa và khoa học, kĩ thuật nước nhà.

1. Khái niệm danh nhân

Câu hỏi trang 48 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin và quan sát các hình 1, 2, giải thích khái niệm danh nhân.

Đọc thông tin và quan sát các hình 1, 2, giải thích khái niệm danh nhân

Lời giải:

- Khái niệm: Danh nhân là người nổi tiếng, có cống hiến nổi bật, có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng và được xã hội ghi nhận.

2. Vai trò của danh nhân trong lịch sử dân tộc

Câu hỏi trang 48 Chuyên đề Lịch Sử 11: Nêu những nét chính về vai trò của danh nhân trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Lấy ví dụ cụ thể.

Lời giải:

- Trong lịch sử Việt Nam, danh nhân có vai trò quan trọng ở nhiều lĩnh vực, như:

+ Khởi xướng, tập hợp, lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa, kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ và giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ví dụ: Trần Quốc Tuấn là danh tướng kiệt xuất của Đại Việt, ông đã thống lĩnh quân đội nhà Trần giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên (năm 1285 và 1287 - 1288)

+ Đứng đầu các vương triều, chính quyền; đề ra đường lối, chính sách, lãnh đạo nhân dân xây dựng đất nước. Ví dụ: trong thời gian trị vì, vua Lê Thánh Tông đã tiến hành công cuộc cải cách đất nước một cách toàn diện, trên nhiều lĩnh vực, đưa vương triều Lê sơ phát triển đến đỉnh cao.

+ Có nhiều đóng góp về văn hoá, giáo dục, tạo ra những phát minh, sáng chế, sáng lập các trường phái tư tưởng,... góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa và khoa học, kĩ thuật nước nhà. Ví dụ: danh y Tuệ Tĩnh được suy tôn là “vị Thánh thuốc Nam”, ông là người đã đặt nền móng cho sự phát triển của nền y học cổ truyền của Việt Nam.

II. Một số nhà chính trị nổi tiếng của Việt Nam thời kì trung đại

1. Đinh Bộ Lĩnh (924 - 979)

Câu hỏi trang 49 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 3:

- Trình bày thân thế, sự nghiệp của Đinh Bộ Lĩnh.

Trình bày thân thế, sự nghiệp của Đinh Bộ Lĩnh

 

Lời giải:

+ Đinh Bộ Lĩnh sinh năm 924, quê ở làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay la Gia Viễn, Ninh Binh). Cha của ông là Đinh Công Trứ - nha tướng dưới thời Dương Đình Nghệ, nắm giữ chức Thứ sử Hoan Châu. Đinh Bộ Lĩnh sớm tỏ ra là người thông minh, có khí phách và tài thao lược.

+ Trong bối cảnh đất nước bị chia cắt sau khi chính quyền nhà Ngô suy yếu, Đinh Bộ Lĩnh đã sử dụng những phương pháp quân sự, vận động và liên kết, để lần lượt thu phục các sứ quân, chấm dứt tình trạng cát cứ.

+ Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình) và trị vì đất nước từ năm 968 cho đến khi qua đời (năm 979).

Câu hỏi trang 49 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 3:

- Đánh giá vai trò của Đinh Bộ Lĩnh đối với lịch sử dân tộc.

Đánh giá vai trò của Đinh Bộ Lĩnh đối với lịch sử dân tộc

Lời giải:

- Đinh Bộ Lĩnh có nhiều đóng góp lớn với lịch sử dân tộc:

+ Đinh Bộ Lĩnh là người có công lao chấm dứt tình trạng cát cứ, thống nhất đất nước và lập ra Nhà nước Đại Cồ Việt.

+ Trong thời gian trị vì, Đinh Bộ Lĩnh đã cho thi hành nhiều chính sách, biện pháp tích cực nhằm: ổn định và phát triển đất nước; tổ chức bộ máy chính quyền của nhà nước độc lập và thiết lập quan hệ bang giao với các nước láng giềng.

2. Lê Thánh Tông (1442 - 1497)

Câu hỏi trang 50 Chuyên đề Lịch Sử 11: Trình bày thân thế, sự nghiệp của Lê Thánh Tông qua khai thác thông tin, tư liệu, quan sát Hình 4 và rút ra nhận xét về đóng góp của ông đối với dân tộc.

 

Trình bày thân thế, sự nghiệp của Lê Thánh Tông qua khai thác thông tin, tư liệu

Lời giải:

- Thân thế và sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông:

+ Lê Thánh Tông là con thứ tư của vua Lê Thái Tông, tên huý là Lê Tư Thành. Ông lên ngôi năm 1460, khi 18 tuổi, đặt niên hiệu là Quang Thuận, năm 1470, đổi niên hiệu là Hồng Đức.

+ Trong 38 năm trị vì đất nước, Lê Thánh Tông đã từng bước đưa triều Lê sơ phát triển đến đỉnh cao.

- Những đóng góp chính của vua Lê Thánh Tông đối với lịch sử dân tộc:

+ Tiến hành công cuộc cải cách đất nước một cách toàn diện, trên nhiều lĩnh vực từ: hành chính, luật pháp, quân sự - quốc phòng, kinh tế đến văn hóa - giáo dục,… đưa vương triều Lê sơ phát triển đến đỉnh cao.

+ Mở rộng bờ cõi Đại Việt.

+ Lê Thánh Tông còn là một nhà văn hóa lớn, ông và các văn thần trong Hội Tao đàn đã để lại nhiều tác phẩm thơ ca có giá trị, như: Hồng Đức quốc âm thi tập, Quỳnh uyển cửu ca, Minh Lương cẩm tú, Cổ tâm bách vịnh,…

 

III. Một số danh nhân quân sự Việt Nam

1. Ngô Quyền (898 - 944)

Câu hỏi trang 51 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 5, nêu nhận xét về đóng góp của Ngô Quyền trong lĩnh vực quân sự và đánh giá vai trò của ông đối với lịch sử dân tộc.

Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 5, nêu nhận xét về đóng góp của Ngô Quyền

Lời giải:

 

- Đóng góp của Ngô Quyền trong lĩnh vực quân sự:

+ Trực tiếp chỉ huy quân dân Việt Nam tổ chức cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược (năm 938).

+ Cách tổ chức trận địa mai phục và kế sách đóng cọc gỗ trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho các cuộc đấu tranh yêu nước sau này, góp phần làm phong phú và phát triển thêm nghệ thuật quân sự của Việt Nam.

- Vai trò của Ngô Quyền đối với lịch sử dân tộc:

+ Lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong trận Bạch Đằng, đập tan tham vọng xâm lược của quân Nam Hán, kết thúc hơn một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra thời kì độc lập, tự chủ lâu dài của nước Việt.

+ Trong thời gian trị vì, Ngô Quyền đã cho thi hành nhiều chính sách, biện pháp tích cực nhằm: ổn định và phát triển đất nước; xây dựng chính quyền độc lập, tự chủ.

2. Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300)

Câu hỏi trang 53 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 6, cho biết:

- Những nét chính về thân thế, sự nghiệp và đóng góp của Trần Quốc Tuấn.

Những nét chính về thân thế, sự nghiệp và đóng góp của Trần Quốc Tuấn

Lời giải:

- Thân thế và sự nghiệp:

+ Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, tại thôn Tức Mặc, xã Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường (nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định), là con của An Sinh vương Trần Liễu và là cháu của vua Trần Thái Tông.

+ Trần Quốc Tuấn sớm bộc lộ là người thông minh xuất chúng, ham thích đọc sách và luyện tập võ nghệ.

+ Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên năm 1285 và 1287 - 1288, Trần Quốc Tuấn được cử giữ chức Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội Đại Việt. Dưới sự lãnh đạo của ông, nhân dân Đại Việt đã giành được nhiều thắng lợi lớn tại: Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Bạch Đằng,… đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.

+ Năm 1289, Trần Quốc Tuấn được vua Trần phong là Hưng Đạo Đại vương.

+ Sau khi Trần Quốc Tuấn qua đời (năm 1300), triều đình phong ông là Thái sư Thượng phụ Quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo đại vương, nhân dân suy tôn ông là Đức Thánh Trần và lập đền thờ ở nhiều nơi.

- Đóng góp:

+ Trần Quốc Tuấn là một danh tướng kiệt xuất, có nhiều đóng góp quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược. Cụ thể:

▪ Trong kháng chiến chống quân Mông Cổ (năm 1258), Trần Quốc Tuấn trực tiếp cần quân lên phòng thủ biên giới trước thời điểm quân Mông Cổ kéo vào xâm lược Đại Việt.

▪ Trong hai lần kháng chiến chống quân Nguyên (1285 và 1288 - 1287), Trần Quốc Tuấn nắm giữ vai trò Tổng chỉ huy quân đội Đại Việt. Trên cương vị này, ông đã trực tiếp đốc thúc vương hầu, tôn thất, điều động binh lính, chuẩn bị kháng chiến; giao cho các tướng trấn giữ ở những khu vực trọng yếu; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc... Khi quân giặc với sức mạnh như vũ bão tiến vào Đại Việt, ông cùng bộ tham mưu của quân đội nhà Trần định ra kế sách, chiến lược cho toàn bộ cuộc kháng chiến.

+ Trần Quốc Tuấn còn là một nhà lí luận quân sự xuất sắc. Ông đã biên soạn hai bộ sách là Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư, trong đó đúc kết các kế sách, binh pháp đánh trận cho quân đội.

Câu hỏi trang 53 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 6, cho biết:

- Vì sao Trần Quốc Tuấn được suy tôn là Đức Thánh Trần?

Vì sao Trần Quốc Tuấn được suy tôn là Đức Thánh Trần?

Lời giải:

- Nhân dân suy tôn Trần Quốc Tuấn là Đức Thánh Trần, do: Trần Quốc Tuấn là danh tướng kiệt xuất, có đóng góp to lớn đối với dân tộc; bên cạnh tài thao lược, ông còn là tấm gương về về đạo trung - hiếu và tấm lòng yêu nước, thương dân.

- Việc nhân dân suy tôn Trần Quốc Tuấn làm Đức Thánh Trần là một cách để tri ân, tưởng nhớ công đức của ông đối với đất nước; đồng thời cũng thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

3. Nguyễn Huệ (1753 - 1792)

Câu hỏi trang 54 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu trong mục 3, cho biết những nét chính về thân thế, sự nghiệp của Quang Trung - Nguyễn Huệ và đánh giá vai trò của ông đối với lịch sử dân tộc.

Lời giải:

- Thân thế và sự nghiệp của Quang Trung - Nguyễn Huệ:

+ Nguyễn Huệ (còn có tên gọi khác là: Nguyễn Quang Bình hoặc Hồ Thơm), sinh năm 1753, tại thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Hoài Nhơn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

+ Năm 1771, khi mới 18 tuổi, Nguyễn Huệ đã cùng Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa chống lại chính quyền Đàng Trong. Từ một cuộc khởi nghĩa nông dân, dưới sự lãnh đạo của anh em Nguyễn Huệ, phong trào Tây Sơn đã phát triển thành phong trào dân tộc với nhiều cống hiến lớn, như: tiêu diệt các tập đoàn phong kiến Nguyễn, Trịnh, Lê - đặt nền tảng cho công cuộc thống nhất đất nước; tiêu diệt quân xâm lược Xiêm, Thanh, bảo vệ nền độc lập dân tộc.

+ Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ở Phú Xuân, lấy hiệu là Quang Trung. Trong thời gian trị vì, ông đã ban hành nhiều chính sách tiến bộ nhằm ổn định và phát triển đất nước.

+ Năm 1792, Quang Trung đột ngột qua đời, để lại nhiều tiếc nuối cho dân tộc.

- Vai trò của Quang Trung - Nguyễn Huệ với lịch sử dân tộc:

+ Tham gia lãnh đạo phong trào Tây Sơn, lật đổ các chính quyền Nguyễn, Trịnh, Lê; đặt cơ sở cho sự nghiệp thống nhất đất nước.

+ Chỉ huy các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Xiêm, Thanh, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.

+ Thiết lập vương triều mới (định đô ở Phú Xuân), ban hành nhiều chính sách tiến bộ nhằm ổn định và phát triển đất nước.

4. Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013)

Câu hỏi trang 55 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 8, trình bày những nét chính về cuộc đời, sự nghiệp và vai trò của Võ Nguyên Giáp đối với lịch sử dân tộc.

Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 8, trình bày những nét chính về cuộc đời

Lời giải:

♦ Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

- Võ Nguyên Giáp sinh năm 1911, quê ở làng An Xá, tổng Đại Phong Lộc (nay là xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) trong một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước.

- Ngay từ khi còn là học sinh, Võ Nguyên Giáp đã tích cực tham gia phong trào yêu nước chống Pháp.

- Năm 1940, Võ Nguyên Giáp gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, ông được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,…

- Năm 1944, Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

- Năm 1948, Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên ở Việt Nam được phong quân hàm Đại tướng khi mới 37 tuổi.

- Trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) và chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn. Tên tuổi của ông gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và chiến dịch Hồ Chí Minh (1975),…

- Từ năm 1975 - 1991, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước Việt Nam.

- Từ năm 1992 đến lúc từ trần (năm 2013), Đại tướng là Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Chủ nhiệm Đề tài: "Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam", kiêm cố vấn chương trình khoa học cấp Nhà nước về "Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh",…

♦ Vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lịch sử dân tộc:

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp có công lao lớn trong tổ chức và phát triển lực lượng quân đội Việt Nam theo hướng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và nền quốc phòng vững mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong từng giai đoạn lịch sử.

+ Tháng 12/1944, Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

+ Võ Nguyên Giáp cũng đề xuất và tổ chức xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công, đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển,...

- Đại tướng đã trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, quan trọng có ảnh hưởng quyết định tới kết quả của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975.

- Đại tướng còn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của khoa học quân sự Việt Nam. Các công trình lịch sử và lí luận quân sự nổi bật của ông như: Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Từ nhân dân mà ra, Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng,... đã tổng kết và phát triển những nội dung cơ bản về đường lối chiến tranh nhân dân.

IV. Một số danh nhân văn hóa Việt Nam

1. Trần Nhân Tông (1258 - 1308)

Câu hỏi trang 56 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 9, cho biết:

- Vài nét về thân thế, sự nghiệp và đóng góp của Trần Nhân Tông đối với lịch sử dân tộc.

Vài nét về thân thế, sự nghiệp và đóng góp của Trần Nhân Tông đối với lịch sử dân tộc

 

Lời giải:

- Thân thế và sự nghiệp:

+ Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm, là hoàng tử trưởng của vua Trần Thánh Tông.

+ Ông trị vì Đại Việt từ năm 1278 đến năm 1293, sau đó nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông và lên làm Thái thượng hoàng (1293 - 1298).

+ Năm 1298 cho đến khi qua đời (năm 1300) ông xuất gia và tu tập tại núi Yên Tử (Quảng Ninh)

- Đóng góp:

+ Tham gia chỉ huy, lãnh đạo 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược (1285; 1287 - 1288).

+ Trong thời gian trị vì, Trần Nhân Tông đã cho ban hành nhiều chính sách nhằm ổn định và phát triển đất nước.

+ Trần Nhân Tông cũng là một nhà văn hóa lớn, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của văn hóa dân tộc, đặc biệt là trên lĩnh vực tôn giáo (ông đã sáng lập ra Thiền phái Trúc lâm Yên Tử).

Câu hỏi trang 56 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 9, cho biết:

- Vì sao Trần Nhân Tông được suy tôn là Phật hoàng?

Vì sao Trần Nhân Tông được suy tôn là Phật hoàng?

Lời giải:

Giải thích: Sau một thời gian làm Thái thượng hoàng, Trần Nhân Tông xuất gia tu hành, trở thành vị sư tổ sáng lập Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Do đó, ông được nhân dân suy tôn làm Phật hoàng.

2. Nguyễn Trãi (1380 - 1442)

Câu hỏi trang 57 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu, trình bày những nét chính về thân thế sự nghiệp và nêu nhận xét về vai trò của Nguyễn Trãi đối với lịch sử dân tộc.

Lời giải:

- Thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Trãi:

+ Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, quê gốc ở làng Chi Nhạn (nay thuộc Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Ông là con của Nguyễn Phi Khanh, cháu của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Năm 1400, Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh và ra làm quan dưới triều Hồ.

+ Năm 1418, Nguyễn Trãi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, cùng Lê Lợi bàn mưu tính kế, giúp Lê Lợi soạn các loại văn thư chiếu lệnh, góp công lớn vào sự nghiệp giải phóng đất nước.

+ Sau khi đuổi xong giặc Minh, vương triều Lê sơ được thiết lập. Nguyễn Trãi chưa kịp thực hiện hoài bão xây dựng đất nước thái bình thịnh trị, vua dân hoà mục như ông hằng mong ước, thì cuộc đời chuyển sang giai đoạn khó khăn và bi thảm. Đầu năm 1429, Lê Lợi nghi ngờ Trần Nguyên Hãn mưu phản, sai quân bắt tội khiến vị danh tướng này phải nhảy xuống sông tự vẫn; Nguyễn Trãi cũng bị nghi ngờ và bắt giam. Sau khi được tha ông không được tin dùng nữa.

+ Suốt mười năm (1429 - 1439), Nguyễn Trãi chỉ được giao những chức “nhàn quan”, không có thực quyền. Năm 1439, Nguyễn Trãi xin cáo quan về ở Côn Sơn, nhưng chỉ mấy tháng sau, vua Lê Thái Tông lại vời ông ra làm việc nước.

+ Năm 1442, oan án Lệ Chi Viên đã cướp đi sinh mệnh, khiến Nguyễn Trãi mãi mãi không còng cơ hội thực hiện hoài bão giúp dân, giúp nước của mình.

- Vai trò của Nguyễn Trãi:

+ Nguyễn Trãi có nhiều đóng góp lớn trong thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, xây dựng Vương triều Lê sơ, khôi phục và phát triển đất nước.

+ Nguyễn Trãi là nhà văn hóa lớn, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của văn hóa dân tộc trên các phương diện như: văn học, lịch sử, địa lí, luật pháp, lễ nghi, tư tưởng,…

3. Nguyễn Du (1766 - 1820)

Câu hỏi trang 58 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 11:

- Trình bày những nét chính về thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Du.

Trình bày những nét chính về thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Du

Lời giải:

+ Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh). Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống văn chương và nghệ thuật, cha là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm.

+ Cuộc đời Nguyễn Du gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX. Trong hoàn cảnh ấy, Nguyễn Du đã sống phiêu bạt nhiều năm trên đất Bắc (1786 - 1796) rồi về ở ẩn tại quê nội Hà Tĩnh (1796 - 1802). Từ năm 1802 cho đến khi qua đời (1820), Nguyễn Du đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong triều Nguyễn.

+ Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du gồm những tác phẩm có giá trị lớn bằng chữ Hán và chữ Nôm. Thơ chữ Hán có ba tập, gồm 243 bài. Sáng tác chữ Nôm xuất sắc nhất là Đoạn trường tân thanh, thường gọi là Truyện Kiều.

Câu hỏi trang 58 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 11:

- Đánh giá vai trò của Nguyễn Du đối với nền văn học nước nhà.

Đánh giá vai trò của Nguyễn Du đối với nền văn học nước nhà

Lời giải:

+ Là một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Ông đã để lại cho hậu thế một khối lượng di sản đồ sộ, trong đó, tiêu biểu nhất là kiệt tác Truyện Kiều.

+ Đặt nền móng cho sự phát triển của ngôn ngữ văn học hiện đại Việt Nam.

4. Hồ Xuân Hương (1772 - 1822)

Câu hỏi trang 59 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 12, trình bày những nét chính về thân thế, sự nghiệp và rút ra nhận xét về đóng góp tiêu biểu của Hồ Xuân Hương trong lĩnh vực văn học.

Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 12, trình bày những nét chính về thân thế

Lời giải:

- Thân thế và sự nghiệp của Hồ Xuân Hương:

+ Hồ Xuân Hương (1772 - 1822), sinh tại phường Khán Xuân (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội ngày nay), cha là Sinh đồ Hồ Phi Diễn, người hương Quỳnh Đôi (nay thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Thuở nhỏ, Hồ Xuân Hương đã nổi tiếng thông minh và giỏi làm thơ. Cuộc đời Hồ Xuân Hương trải qua nhiều éo le, ngang trái, điều này đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng và các sáng tác của bà.

+ Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Hồ Xuân Hương đã để lại nhiều áng thơ xuất sắc, tiêu biểu như: Bỡn bà lang khóc chồng, Bánh trôi nước, Cảnh làm lẽ, Cải quạt giấy,.. Hồ Xuân Hương được mệnh danh là “Bà Chúa thơ Nôm” vì cách sử dụng chữ Nôm kết hợp giữa phong cách nghệ thuật sáng tạo và nét phóng túng, đậm đà chất văn học dân gian.

Đóng góp của Hồ Xuân Hương:

+ Để lại cho hậu thế một khối lượng di sản văn chương đồ sộ, có nhiều giá trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học Việt Nam.

+ Thông qua các tác phẩm của mình, Hồ Xuân Hương đã có đóng góp lớn cho nữ quyền, cho sự bình đẳng của phụ nữ; di sản của Hồ Xuân không chỉ là thơ ca, mà còn là hệ ứng xử - tinh thần - ý thức vì một sự tiến bộ tốt đẹp.

V. Một số danh nhân Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ

1. Chu Văn An (1292 - 1370)

Câu hỏi trang 60 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 13, cho biết:

- Những nét chính về thân thế, sự nghiệp và nêu nhận xét về đóng góp của Chu Văn An đối với dân tộc.

Những nét chính về thân thế, sự nghiệp và nêu nhận xét về đóng góp của Chu Văn An

 

Lời giải:

- Thân thế và sự nghiệp:

+ Chu Văn An (1292 - 1370) tên thật là Chu An, tự là Linh Triệt, quê ở xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Năm 1314, ông đỗ thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học.

+ Dưới thời vua Trần Minh Tông, ông được nhà vua mời ra Thăng Long làm Tư nghiệp ở Quốc Tử Giám. Đến đời vua Dụ Tông, vua ham chơi, lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước. Chu Văn An khuyên can nhưng vua không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là “Thất trảm sớ”.

+ Sau khi dâng “Thất trảm sớ” nhưng không được vua trả lời, Chu Văn An rời kinh thành về vùng đất Chí Linh (Hải Dương) mở trường tiếp tục dạy học.

- Đóng góp:

+ Là một nhà giáo ưu tú với triết lí giáo dục nhân văn (thực hiện giáo dục không phân biệt giàu nghèo; học đi đôi với hành; học suốt đời; học để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội). Triết lí giáo dục của Chu Văn An đã có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của giáo dục nước nhà.

+ Chu Văn An cũng là tấm gương về một vị quan chính trực, thanh liêm, hết lòng vì dân, vì nước.

Câu hỏi trang 60 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, tư liệu và quan sát Hình 13, cho biết:

- Việc Chu Văn An được phối thờ ở Văn Miếu chứng tỏ điều gì?

Việc Chu Văn An được phối thờ ở Văn Miếu chứng tỏ điều gì?

Lời giải:

♦ Giải thích: Việc Chu Văn An được phối thờ ở Văn Miếu đã cho thấy sự tôn vinh, tri ân công đức của triều đình phong kiến cũng như nhân dân Việt Nam đối với bậc học giả tài năng, đức độ; đồng thời, cũng thể hiện quan điểm coi trọng người hiền tài của nhà nước quân chủ ở Việt Nam.

2. Tuệ Tĩnh (1330 - ?)

Câu hỏi trang 61 Chuyên đề Lịch Sử 11: Dựa vào thông tin trong mục 2, trình bày những nét chính về thân thế, sự nghiệp của Tuệ Tĩnh và nêu nhận xét về đóng góp của ông đối với nền y học nước nhà.

Lời giải:

- Thân thế và sự nghiệp của danh y Tuệ Tĩnh:

+ Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, quê ở tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thương Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Ông sinh ra trong gia đình nghèo, mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi.

+ Năm 1351, Tuệ Tĩnh đỗ Thái học sinh. Năm 1374, ông đậu Đệ nhị giáp tiến sĩ (tức Hoàng giáp) nhưng vẫn chuyên tâm nghiên cứu y học, làm thuốc chữa bệnh cứu người.

+ Vào khoảng năm 1385, Tuệ Tĩnh đã bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh. Nhờ tài năng của mình, ông được vua Minh phong là Đại y Thiền sư. Sau đó, ông qua đời tại Giang Nam, Trung Quốc.

- Đóng góp của danh y Tuệ Tĩnh:

+ Đặt nền móng cho nền y học cổ truyền Việt Nam

+ Có đóng góp lớn trong việc xây dựng quan điểm y học độc lập, phù hợp với thực tiễn (câu nói “Nam dược trị Nam nhân” của Tuệ Tĩnh thể hiện quan điểm biện chứng về mối quan hệ mật thiết giữa con người với môi trường xung quanh”.

3. Lê Quý Đôn (1726 - 1784)

Câu hỏi trang 62 Chuyên đề Lịch Sử 11: Dựa vào thông tin trong mục 3, trình bày những nét chính về thân thế, sự nghiệp và rút ra nhận xét về đóng góp của Lê Quý Đôn đối với nền khoa học của Việt Nam.

Lời giải:

- Thân thế và sự nghiệp của Lê Quý Đôn:

+ Lê Quý Đôn sinh tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam (nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) trong một gia đình khoa bảng.

+ Thuở nhỏ, Lê Quý Đôn là người ham học, thông minh, được người đương thời coi là “thần đồng”. Sau khi thi đỗ tiến sĩ, Lê Quý Đôn được bổ nhiệm làm quan và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền Lê - Trịnh như: Thị độc Hàn lâm viện. Tả thị lang bộ Lại, Thị lang bộ Hộ, Thượng thư bộ Công....

- Đóng góp của Lê Quý Đôn:

+ Là nhà bác học uyên thâm, ông đã để lại cho đời sau khoảng 40 công trình khảo cứu có giá trị trên nhiều lĩnh vực, có đóng góp to lớn cho nền văn hiến nước nhà.

+ Trong thời gian làm quan dưới triều Lê - Trịnh, ông đã có nhiều đề xuất nhằm phát triển đất nước và có đóng góp lớn trong quan hệ bang giao giữa Đại Việt với các nước láng giềng.

Luyện tập và Vận dụng (trang 62)

Luyện tập 1 trang 62 Chuyên đề Lịch Sử 11: Trình bày khái quát những nét chính về khái niệm danh nhân và vai trò của các danh nhân đối với lịch sử Việt Nam.

Lời giải:

Danh nhân là người nổi tiếng, có cống hiến nổi bật, có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng và được xã hội ghi nhận.

- Vai trò của danh nhân với lịch sử dân tộc:

+ Khởi xướng, tập hợp, lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa, kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ và giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

+ Đứng đầu các vương triều, chính quyền; đề ra đường lối, chính sách, lãnh đạo nhân dân xây dựng đất nước.

+ Có nhiều đóng góp về văn hoá, giáo dục, tạo ra những phát minh, sáng chế, sáng lập các trường phái tư tưởng,... góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa và khoa học, kĩ thuật nước nhà.

Luyện tập 2 trang 62 Chuyên đề Lịch Sử 11: Lập bảng thống kê các danh nhân tiêu biểu của Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đóng góp của họ đối với dân tộc theo mẫu sau:

Lập bảng thống kê các danh nhân tiêu biểu của Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị

Lời giải:

(*) Lưu ý: Học sinh điền các thông tin dưới đây vào bảng

♦ Tên danh nhân: Đinh Bộ Lĩnh

- Lĩnh vực hoạt động: chính trị

- Đóng góp tiêu biểu:

+ Chấm dứt tình trạng cát cứ, thống nhất đất nước và lập ra Nhà nước Đại Cồ Việt.

+ Trong thời gian trị vì, Đinh Bộ Lĩnh đã cho thi hành nhiều chính sách, biện pháp tích cực nhằm: ổn định và phát triển đất nước.

♦ Tên danh nhân: Lê Thánh Tông

- Lĩnh vực hoạt động: chính trị

- Đóng góp tiêu biểu:

+ Tiến hành công cuộc cải cách đất nước một cách toàn diện, đưa vương triều Lê sơ phát triển đến đỉnh cao.

+ Mở rộng bờ cõi Đại Việt.

+ Lê Thánh Tông còn là một nhà văn hóa lớn của dân tộc.

♦ Tên danh nhân: Ngô Quyền

- Lĩnh vực hoạt động: quân sự

- Đóng góp tiêu biểu:

+ Lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong trận Bạch Đằng, đập tan tham vọng xâm lược của quân Nam Hán, kết thúc hơn một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra thời kì độc lập, tự chủ lâu dài của nước Việt.

+ Trong thời gian trị vì, Ngô Quyền đã cho thi hành nhiều chính sách, biện pháp tích cực nhằm: ổn định và phát triển đất nước; xây dựng chính quyền độc lập, tự chủ.

♦ Tên danh nhân: Trần Quốc Tuấn

- Lĩnh vực hoạt động: Quân sự

- Đóng góp tiêu biểu:

+ Là một danh tướng kiệt xuất, có nhiều đóng góp quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược.

+ Là một nhà lí luận quân sự xuất sắc, có đóng góp lớn cho sự phát triển của khoa học quân sự Việt Nam.

♦ Tên danh nhân: Nguyễn Huệ

- Lĩnh vực hoạt động: Quân sự

- Đóng góp tiêu biểu:

+ Tham gia lãnh đạo phong trào Tây Sơn, lật đổ các chính quyền Nguyễn, Trịnh, Lê; đặt cơ sở cho sự nghiệp thống nhất đất nước.

+ Chỉ huy các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Xiêm, Thanh, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.

+ Thiết lập vương triều mới, ban hành nhiều chính sách tiến bộ nhằm ổn định và phát triển đất nước.

♦ Tên danh nhân: Võ Nguyên Giáp

- Lĩnh vực hoạt động: quân sự

- Đóng góp tiêu biểu:

+ Có công lao lớn trong tổ chức và phát triển lực lượng quân đội Việt Nam theo hướng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và nền quốc phòng vững mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong từng giai đoạn lịch sử.

+ Trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, quan trọng có ảnh hưởng quyết định tới kết quả của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước.

+ Là một nhà lí luận quân sự xuất sắc, có đóng góp lớn cho sự phát triển của khoa học quân sự Việt Nam.

♦ Tên danh nhân: Trần Nhân Tông

- Lĩnh vực hoạt động: văn hóa

- Đóng góp tiêu biểu:

+ Tham gia chỉ huy, lãnh đạo 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược (1285; 1287 - 1288).

+ Trong thời gian trị vì, Trần Nhân Tông đã cho ban hành nhiều chính sách nhằm ổn định và phát triển đất nước.

+ Là một nhà văn hóa lớn, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của văn hóa dân tộc, đặc biệt là trên lĩnh vực tôn giáo.

♦ Tên danh nhân: Nguyễn Trãi

- Lĩnh vực hoạt động: văn hóa

- Đóng góp tiêu biểu:

+ Có nhiều đóng góp lớn trong thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, xây dựng Vương triều Lê sơ, khôi phụcvà phát triển đất nước.

+ Là nhà văn hóa lớn, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của văn hóa dân tộc trên các phương diện như: văn học, lịch sử, địa lí, luật pháp, lễ nghi, tư tưởng,…

♦ Tên danh nhân: Nguyễn Du

- Lĩnh vực hoạt động: văn hóa

- Đóng góp tiêu biểu:

+ Là một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Ông đã để lại cho hậu thế một khối lượng di sản đồ sộ, trong đó, tiêu biểu nhất là kiệt tác Truyện Kiều.

+ Đặt nền móng cho sự phát triển của ngôn ngữ văn học hiện đại Việt Nam.

♦ Tên danh nhân: Hồ Xuân Hương

- Lĩnh vực hoạt động: văn hóa

- Đóng góp tiêu biểu:

+ Để lại cho hậu thế một khối lượng di sản văn chương đồ sộ, có nhiều giá trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học Việt Nam.

+ Thông qua các tác phẩm của mình, Hồ Xuân Hương đã có đóng góp lớn cho nữ quyền, cho sự bình đẳng của phụ nữ; di sản của Hồ Xuân không chỉ là thơ ca, mà còn là hệ ứng xử - tinh thần - ý thức vì một sự tiến bộ tốt đẹp.

♦ Tên danh nhân: Chu Văn An

- Lĩnh vực hoạt động: giáo dục - đào tạo

- Đóng góp tiêu biểu:

+ Là một nhà giáo ưu tú với triết lí giáo dục nhân văn. Triết lí giáo dục của Chu Văn An đã có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của giáo dục nước nhà.

+ Là tấm gương về một vị quan chính trực, thanh liêm, hết lòng vì dân, vì nước.

♦ Tên danh nhân: Tuệ Tĩnh

- Lĩnh vực hoạt động: y dược học

- Đóng góp tiêu biểu:

+ Đặt nền móng cho nền y học cổ truyền Việt Nam

+ Có đóng góp lớn trong việc xây dựng quan điểm y học độc lập, phù hợp với thực tiễn.

♦ Tên danh nhân: Lê Quý Đôn

- Lĩnh vực hoạt động: khoa học

- Đóng góp tiêu biểu:

+ Là nhà bác học uyên thâm, ông đã để lại cho đời sau khoảng 40 công trình khảo cứu có giá trị trên nhiều lĩnh vực, có đóng góp to lớn cho nền văn hiến nước nhà.

+ Trong thời gian làm quan dưới triều Lê - Trịnh, ông đã có nhiều đề xuất nhằm phát triển đất nước và có đóng góp lớn trong quan hệ bang giao giữa Đại Việt với các nước láng giềng.

Vận dụng 3 trang 62 Chuyên đề Lịch Sử 11: Sưu tầm tư liệu và viết một đoạn ngắn về đóng góp của một trong những danh nhân tiêu biểu ở Việt Nam.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Đoạn văn ngắn giới thiệu về Nguyễn Huệ

Nguyễn Huệ (còn có tên gọi khác là: Nguyễn Quang Bình hoặc Hồ Thơm), sinh năm 1753, tại thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Hoài Nhơn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).

Nguyễn Huệ là một thiên tài quân sự, một vị anh hùng dân tộc kiệt xuất. Hình ảnh Nguyễn Huệ tiêu biểu cho tinh thần quật cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Chỉ với 39 tuổi xuân nhưng ông đã có 22 năm đánh Nam dẹp Bắc: lần lượt đánh đổ các chính quyền phong kiến Nguyễn, Trịnh, Lê - tạo cơ sở cho quá trình thống nhất đất nước; đuổi Xiêm diệt Thanh - góp phần bảo vệ vững chắc nền độc lập của nước nhà. Mỗi chiến công trong cuộc đời Nguyễn Huệ đánh dấu một mốc son trong lịch sử hào hùng của cả dân tộc Việt Nam.

Không chỉ thể hiện tài năng trên lĩnh vực quân sự, Nguyễn Huệ còn là một nhà cải cách, với những chính sách tiến bộ nhằm canh tân đất nước. Trong thời gian ngắn ngủi (4 năm) kể từ khi lên ngôi hoàng đế sáng lập vương triều (năm 1788) cho đến khi từ trần (năm 1792), công cuộc canh tân dựng nước cùng với những hoài bão lớn lao của vua Quang Trung tuy chưa được thực hiện đầy đủ và chưa phát huy hết tác dụng nhưng đã cho thấy tầm vóc, tài năng và ý chí quật khởi, tự cường của ông.

Vận dụng 4 trang 62 Chuyên đề Lịch Sử 11: Thiết kế áp phích/ tập san, băng hình để giới thiệu với thầy cô và bạn học về một danh nhân tiêu biểu ở địa phương em.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Áp phích giới thiệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thiết kế áp phích/ tập san, băng hình để giới thiệu với thầy cô và bạn học

 

Đánh giá

0

0 đánh giá