Giải Lịch Sử 12 Bài 2: Liên Xô và các nước Đông Âu (1945 - 2000) Liên Bang Nga (1991 - 2000)

1.5 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Lịch Sử lớp 12 Bài 2: Liên Xô và các nước Đông Âu (1945 - 2000) Liên Bang Nga (1991 - 2000) chính xác, chi tiết nhất giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Liên Xô và các nước Đông Âu (1945 - 2000) Liên Bang Nga (1991 - 2000) lớp 12.

Giải bài tập Lịch Sử lớp 12 Bài 2: Liên Xô và các nước Đông Âu (1945 - 2000) Liên Bang Nga (1991 - 2000)

Trả lời câu hỏi giữa bài

Trả lời câu hỏi thảo luận số 1 trang 14 SGK Lịch sử 12: Nêu những thành tựu chính của Liên Xô trong công cuộc khôi phục kinh tế sau chiến tranh

Trả lời:

Với tinh thần tự lực tự cường, nhân dân Liên Xô đã hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm khôi phục kinh tế (1946 - 1950) trong vòng 4 năm 3 tháng.

- Kinh tế:

+ Công nghiệp: được phục hồi vào năm 1947. Đến năm 1950, tổng sản lượng công nghiệp tăng 73% so với mức trước chiến tranh (kế hoạch dự kiến là 48%) hơn 6200 xí nghiệp được phục hồi hoặc xây dựng mới đi vào hoạt động.

+ Nông nghiệp: sản xuất nông nghiệp năm 1950 đã đạt mức trước chiến tranh.

- Khoa học - kĩ thuật: phát triển nhanh chóng. Năm 1949, Liên Xô đã chế tạo thành công bom nguyên tử, phá thế độc quyền vũ khí nguyên tử của Mĩ.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 2 trang 14 SGK Lịch sử 12: Những thành tựu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu là gì?

Trả lời:

- Thành tựu: Với sự giúp đỡ có hiệu quả của Liên Xô và sự nỗ lực vươn lên của nhân dân, các nước Đông Âu đã giành được nhiều thành tựu to lớn.

+ Công nghiêp: Các nước Đông Âu đã tiến hành xây dựng nền công nghiệp, điện khí hóa toàn quốc, nâng sản lượng công nghiệp lên gấp hàng chục lần.

+ Nông nghiệp: phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu lương thực và thực phẩm của nhân dân.

+ Khoa hoc - kĩ thuật: trình độ được nâng lên rõ rệt.

=> Từ những nước nghèo, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã trở thành các quốc gia - nông nghiệp.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 3 trang 14 SGK Lịch sử 12: Trình bày sự ra đời và vai trò của Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) đến đầu những năm 70 của thế kỉ XX.

Trả lời:

* Sự ra đời:

- Ngày 8 - 1 - 1949, Hội đồng tương trợ kinh tế (thường gọi tắt là SEV) được thành lập với sự tham gia của các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu là: Liên Xô, Anbani, Ba Lan, Bungari, Hungari, Tiệp Khắc, Rumani; năm 1950, kết nạp thêm Cộng hòa dân chủ Đức.

- Mục tiêu:

+ Tăng cường sự hợp tác giữa các nước xã hội chủ nghĩa.

+ Thúc đẩy sự tiến bộ về kinh tế và kĩ thuật.

+ Thu hẹp dần sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế giữa các nước thành viên.

+ Không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân.

* Vai trò của SEV:

- Từ năm 1951 đến năm 1973, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân hằng năm của các nước trong khối SEV là khoảng 10%, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của các nước thành viên năm 1973 tăng 5,7 lần so với năm 1950.

- Liên Xô giữ vai trò quyết định trong khối SEV. Từ năm 1949 đến năm 1970, Liên Xô đã viện trợ không hoàn lại cho các nước thành viên tới 20 tỉ rúp.

Trả lời câu hỏi thảo luận trang 17 SGK Lịch sử 12: Lập niên biểu các sự kiện quan trọng ở Liên Xô trong thời gian tiến hành cải tổ (1985 – 1991)

Trả lời:

THỜI GIAN

SỰ KIỆN

KẾT QUẢ, Ý NGHĨA

Tháng 3 - 1985

 

Goócbachốp lên nắm quyền lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô, tiến hành công cuộc cải tổ đất nước.

Sau 6 năm cải tổ, do phạm nhiều sai lầm nên Liên Xô lâm vào tình trạng khủng hoảng toàn diện về kinh tế, chính trị và xã hội.

Tháng 8 - 1991

 

Một số người lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiến hành đảo chính Goócbachốp.

 

Cuộc đảo chính thất bại. Goócbachốp từ chức Tổng Bí thư, giải tán Ủy ban Trung ương Đảng, đình chỉ hoạt động của Đảng Cộng sản Liên Xô. Chính phủ Liên bang hầu như bị tê liệt.

21 - 12 - 1991

 

Những người lãnh đạo 11 nước Cộng hòa kí hiệp định thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

Nhà nước Liên bang Xô viết tan rã.

25 - 12 - 1991

 

Goócbachốp tuyên bố từ chức Tổng thống lá cờ búa liềm trên nóc điện Kremli bị hạ xuống.

Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sụp đổ sau 74 năm tồn tại.

Trả lời câu hỏi thảo luận trang 18 SGK Lịch sử 12: Nêu những nét chính về tình hình Liên bang Nga trong những năm 1991 – 2000.

Trả lời:

- Về kinh tế:

+ Trong những năm 1990 - 1995, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của GDP luôn là con số âm: 1990: - 3,6%, 1995: -4,1%.

+ Từ năm 1996, kinh tế Liên bang Nga bắt đầu có những tín hiệu phục hồi: năm 1997 tốc độ tăng trưởng là 0,5%, năm 2000 lên đến 9%.

- Về chính trị: tháng 12 - 1993, Hiến pháp Liên bang Nga được ban hành quy định thể chế Tổng thống Liên bang.

- Về đối nội: nước Nga phải đối mặt với hai thách thức lớn:

+ Tình trạng không ổn định do sự tranh chấp giữa các đảng phái.

+ Những vụ xung đột sắc tộc, nổi bật là phong trào lo khai ở vùng Trecxnia.

- Về đối ngoại:

+ Một mặt nước Nga ngả về phương Tây với hi vọng nhận được sự ủng hộ về chính trị và sự viện trợ kinh tế.

+ Mặt khác, nước Nga khôi phục và phát triển mối quan hệ với các nước châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, các nước ASEAN).

* Từ năm 2000 V. Putin lên làm Tổng thống, nước Nga có những chuyển biến khả quan. Kinh tế dần dần hồi phục và phát triển, chính trị và xã hội tương đối ổn định, vị thế quốc tế được nâng cao.

Tuy vậy, Nga vẫn phải đương đầu với những khó khăn như: nạn khủng bố do các phần tử li khai gây ra. Tiếp tục khắc phục những trở ngại trên con đường phát triển để giữ vững địa vị của một cường quốc Âu - Á.

Câu hỏi và bài tập (trang 18 sgk Lịch Sử 12)

Bài 1 trang 18 SGK Lịch sử 12: Lập niên biểu các sự kiện chính của Liên Xô và các nước Đông Âu từ năm 1945 đến năm 1991.

Trả lời:

THỜI GIAN

SỰ KIỆN

1945- 1950

Liên Xô tiến hành công cuộc khôi phục kinh tế sau chiến tranh thế giới thứ hai

1944 – 1950

Sự ra đời của các nước dân chủ nhân dân Đông Âu.

8 – 1 - 1949

Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) được thành lập.

1950 – đầu những năm 70

Liên Xô tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội.

1950 - 1975

Tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu.

1973

Liên Xô rơi vào cuộc khủng hoảng dầu mỏ nghiêm trọng

Tháng 3-1985

M.Goocbachop lên nắm quyền lãnh đạo nhà nước Liên Xô, đưa ra đường lối cải tổ

Tháng 8-1991

Đảo chính M.Goocbachop thất bại

Ngày 25 – 12-1991

Chế độ XHCN ở Liên Xô sụp đổ cùng với sự tan rã của Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết.

Ngày 28 – 6 - 1991

Hội đồng tương trợ kinh tế tuyên bố giải thế

Ngày 1 – 7 - 1991

Tổ chức hiệp ước Vácsava chấm dứt hoạt động

Bài 2 trang 18 SGK Lịch sử 12: Phân tích những nguyên nhân chính dẫn đến sự tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu.

Trả lời:

Những nguyên nhân chính dẫn đến sự tan rã của chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu:

- Một là, do đường lối lãnh đạo mang tính chủ quan, duy ý chí, cùng với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp làm cho sản xuất trì trệ, đời sống nhân dân không được cải thiện. Thêm vào đó là sự thiếu dân chủ và công bằng đã làm tăng thêm sự bất mãn trong quần chúng.

- Hai là, không bắt kịp bước phát triển của khoa học – kĩ thuật tiên tiến, dẫn tới tình trạng trì trệ, khủng hoảng về kinh tế, xã hội. Chẳng hạn như ở Liên Xô, trong những năm 70 của thế kỉ XX phải nhập lương thực của các nước Tây Âu.

- Ba là, khi tiến hành cải tổ lại phạm phải sai lầm trên nhiều mặt, làm cho khủng hoảng thêm trầm trọng. Đặc biệt là sai lầm khi thực hiện chế độ đa nguyên đa đảng, từ bỏ quyền lãnh đạo cao nhất của Đảng.

- Bốn là, sự chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước có tác động không nhỏ làm cho tình hình trở nên thêm rối loạn.

Lý thuyết Bài 2: Liên Xô và các nước Đông Âu (1945 - 2000) Liên Bang Nga (1991 - 2000)

I. Liên Xô và các nước Đông Âu từ năm 1945 đến giữa những năm 70

1. Liên Xô

a. Công cuộc khôi phục kinh tế (1945 - 1950)

* Bối cảnh: Liên Xô bị tổn thất nặng nề sau CTTG II (khoảng 27 triệu người chết, hàng ngàn thành phố, làng mạc, xí nghiệp bị phá huỷ). Các nước tư bản bao vây kinh tế, cô lập chính trị.

Liên Xô bị tàn phá bởi Chiến tranh thế giới thứ hai

=> Để khắc phục những khó khăn trên, Liên Xô đề ra kế hoạch 5 năm nhằm khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh (1946 – 1950).

* Thành tựu chủ yếu:

- Liên Xô đã hoàn thành kế hoạch 5 năm khôi phục kinh tế (1946 – 1950) trước thời hạn 9 tháng. Đến năm 1950:

+ Sản lượng công nghiệp: tăng 73%

+ Sản lượng nông nghiệp: đạt mức trước chiến tranh.

+ Khoa học – kĩ thuật: Năm 1949, Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử, phá vỡ thế độc quyền vũ khí hạt nhân của Mĩ.

Liên Xô thử thành công bom nguyên tử

b. Liên Xô tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội (từ năm 1950 đến nửa đầu những năm 70)

Liên Xô tiến hành các kế hoạch dài hạn nhằm xây dựng Chủ nghĩa xã hội và đạt nhiều thành tựu:

* Kinh tế

- Liên Xô trở thành cường quốc công nghiệp đứng thứ hai thế giới (sau Mĩ).

+ Chiếm khoảng 20% tổng sản lượng công nghiệp toàn thế giới.

+ Đi đầu trong nhiều ngành công nghiệp quan trọng.

- Sản lượng nông phẩm trong những năm 60 (thế kỉ XX) tăng trung bình 16%/năm.

* Về khoa học - kĩ thuật:

- Năm 1957: Liên Xô là nước đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo.

- Năm 1961: phóng tàu vũ trụ Phương Đông đưa nhà du hành vũ trụ I. Gagarin bay vòng quanh Trái Đất, mở đầu kỉ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người.

Yury Gararin, du hành gia đầu tiên trong lịch sử nhân loại

* Về xã hội: có nhiều biến đổi

- Chính trị tương đối ổn định.

- Tỷ lệ công nhân chiến 55% số người lao đông cả nước.

- Trình độ học vấn của người dân được nâng cao (3/4 số dân có trình độ trung học và đại học).

* Về đối ngoại: Liên Xô thực hiện chính sách bảo vệ hòa bình thế giới, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc và giúp đỡ các nước xã hội chủ nghĩa.

* Ý nghĩa

- Củng cố và tăng cường sức mạnh cho nhà nước Xô viết và giúp đỡ các nước XHCN.

- Nâng cao uy tín và vị trí của Liên Xô trên trường quốc tế.

- Liên Xô trở thành nước Xã hội chủ nghĩa lớn nhất và là chỗ dựa cho phong trào cách mạng.

2. Các nước Đông Âu (Đọc thêm)

a. Sự ra đời các nhà nước dân chủ nhân dân Đông Âu

- Trong những năm 1944 - 1945, cùng với cuộc tiến công truy kích quân đội phát xít của Hồng quân Liên Xô, nhân dân các nước Đông Âu đã nổi dậy giành chính quyền thành lập nước dân chủ nhân dân. Cộng hòa Nhân dân Ba Lan (1944), Cộng hòa Nhân dân Rumani (1944),...

- Riêng ở Đông Đức, với sự giúp đỡ của Liên Xô, tháng 10 - 1949 nước Cộng hòa Dân chủ Đức được thành lập.

- Trong những năm 1945 - 1949, các nhà nước dân chủ nhân dân tiến hành cải cách ruộng đất, xóa bỏ chế độ chiếm hữu ruộng đất của địa chủ, quốc hữu hóa các xí nghiệp lớn của nước ngoài, ban hành các quyền tự do, dân chủ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

=> Chính quyền nhân dân được củng cố vai trò lãnh đạo của các đảng cộng sản ngày càng được khẳng định.

Lược đồ các nước dân chủ nhân dân Đông Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai

b. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu

- Trong những năm 1950 - 1975, các nước Đông Âu đã thực hiện nhiều kế hoạch 5 năm nhằm xây dựng cơ sở vật chất - kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội trong tình hình khó khăn phức tạp.

- Với sự giúp đỡ có hiệu quả của Liên Xô và sự nỗ lực vươn lên của nhân dân, các nước Đông Âu đã giành được nhiều thành tựu to lớn.

+ Tiến hành xây dựng nền công nghiệp, điện khí hóa toàn quốc, nâng sản lượng công nghiệp lên gấp hàng chục lần.

+ Nông nghiệp phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu lương thực và thực phẩm của nhân dân.

+ Trình độ khoa hoc - kĩ thuật được nâng lên rõ rệt.

=> Từ những nước nghèo, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã trở thành các quốc gia - nông nghiệp.

3. Quan hệ hợp tác giữa các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu (Đọc thêm)

a. Quan hệ kinh tế khoa học - kĩ thuật

- Ngày 8 - 1 - 1949, Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) được thành lập với sự tham gia của các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu là: Liên Xô, Anbani, Ba Lan, Bungari, Hungari, Tiệp Khắc, Rumani;

- Mục tiêu của SEV là tăng cường sự hợp tác giữa các nước xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy sự tiến bộ về kinh tế và kĩ thuật, thu hẹp dần sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế giữa các nước thành viên, không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân.

b. Quan hệ chính trị - quân sự

- Ngày 14 - 5 - 1955, đại biểu của các nước Anbani, Ba Lan, Cộng hòa dân chủ Đức, Hungari, Liên Xô, Tiệp Khắc, Rumani hợp tại Vacsava cùng kí kết Hiệp ước hữu nghị hợp tác tương trợ đánh dấu sự ra đời của Tổ chức Hiệp ước Vacsava.

- Mục tiêu là thành lâp liên minh phòng thủ về quân sự và chính trị của các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu.

- Tổ chức Hiệp ước Vacsava có vai trò to lớn trong việc giữ gìn hòa bình, an ninh ở châu Âu và thế giới.

- Sự lớn mạnh của Liên Xô và các nước thành viên đã tạo nên thế cân bằng về sức mạnh quân sự giữa các nước xã hội chủ nghĩa và các nước tư bản chủ nghĩa đầu những năm 70.

II. Liên Xô và các nước Đông Âu từ giữa những năm 70 đến năm 1991

1. Sự khủng hoảng của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô

* Bối cảnh:

- Năm 1973, cuộc khủng hoảng dầu mỏ bùng nổ đã tác động mạnh mẽ đến tình hình chính trị, kinh tế tài chính của nhiều nước trên thế giới.

- Trong bối cảnh đó, Liên Xô chậm đề ra những biện pháp sửa đổi để thích ứng với tình hình mới.

- Đến cuối những năm 70 - đầu những năm 80, nền kinh tế Liên Xô dần dần bộc lộ những dấu hiệu suy thoái.

* Sự khủng hoảng:

- Kinh tế: Công nghiệp trì trệ, nông nghiệp sa sút. Hàng hoá, lương thực, thực phẩm khan hiếm.

- Chính trị - xã hội: Những vi phạm về pháp chế, thiếu dân chủ, các tệ nạn quan liêu, tham nhũng ngày càng trầm trọng.

=> Đất nước lâm vào khùng hoảng toàn diện.

=> Goóc-ba-chốp đề ra đường lối cải cách năm 1985.

M.Gooc-ba-chop

* Nội dung công cuộc cải tổ của Goóc-ba-chốp:

+ Về chính trị: Thực hiện chế độ tổng thống, đa nguyên về chính trị, xoá bỏ chế độ một đảng.

+ Về kinh tế: Thực hiện nền kinh tế thị trường nhưng trong thực tế chưa thực hiện được.

- Thực chất:

+ Từ bỏ, phá vỡ chủ nghĩa xã hội.

+ Làm cho nền kinh tế thêm suy sụp, kéo theo sự rối loạn về chính trị và xã hội.

- Cuộc đảo chính ngày 19 - 8 - 1991 thất bại, đưa lại hậu quả nghiêm trọng cho Liên Xô, Đảng Cộng sản Liên Xô bị đình chỉ hoạt động.

- 11 nước cộng hoà tách khỏi Liên bang, Liên bang Xô viết tan rã.

- Ngày 25-12-1991, Tổng thống Goóc-ba-chổp từ chức, chấm dứt chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sau 74 năm tồn tại.

2. Sự khủng hoảng của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu

- Từ đầu những năm 80 cùa thế kỷ XX, các nước Đông Âu lâm vào khủng hoảng toàn diện về kinh tế và chính trị; bắt đầu từ Ba Lan rồi lan sang các nước Đông Âu và lên đến đỉnh cao vào năm 1988.

- Những nhà lãnh đạo đất nước quan liêu, bảo thủ, tham nhũng.

- Bị các nước đế quốc bên ngoài kích động, quần chúng biểu tình, đòi thi hành cải cách kinh tế chính trị, thực hiện chế độ đa nguyên về chính trị, tổng tuyển cử tự do. Đảng và nhà nước các nước Đông Âu phải chấp nhận những yêu cầu trên.

- Kết quả: Các thế lực chống Chủ nghĩa xã hội thắng cử lên nắm chính quyền. Cuối năm 1989 chế độ Xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ ở hầu hết Đông Âu.

Bức tường Béc-lin bị phá bỏ, nước Đức tái thống nhất

3. Nguyên nhân tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu

- Một là, đường lối lãnh đạo chủ quan, duy ý chí, quan liêu bao cấp làm cho sản xuất trì trệ, đời sống của nhân dân không được cải thiện. Thiếu dân chủ và công bằng làm tăng thêm sự bất mãn trong quần chúng.

- Hai là, không bắt kịp bước phát triển của khoa học kĩ thuật tiến tiến, dẫn tới tình trạng trì trệ, khủng hoảng về kinh tế, xã hội.

- Ba là, khi tiến hành cải tổ lại phạm phải sai lầm trên nhiều mặt, làm cho khủng hoảng thêm trầm trọng.

- Bốn là, sự chống phá của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước.

4. Mở rộng: Bài học kinh nghiệm (nhận xét).

- Đây là sự sụp đổ của một mô hình XHCN chưa khoa học, bước lùi tạm thời của CNXH. Vì vậy cần phải xây dựng mô hình CNXH khoa học, nhân văn, phù hợp với điều kiện khách quan, hoàn cảnh của mỗi quốc gia.

- Phải luân nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đồng thời cảnh giác với sự phá hoại từ bên ngoài.

- Sự tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu để lại nhiều bài học cho các nước XHCN đang tiến hành công cuộc cải cách và đổi mới, nhằm xây dựng chế độ XHCN nhân văn hơn, vì hạnh phúc của con người.

III. Liên Bang Nga từ năm 1991 đến năm 2000

1. Khái quát:

- Từ sau năm 1991, Liên bang Nga là “quốc gia kế tục Liên Xô”, kế thừa địa vị pháp lí của Liên Xô tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như các cơ quan ngoại giao của Liên Xô ở nước ngoài.

- Trong thập kỉ 90, dưới chính quyền Tổng thống Enxin, tình hình Liên bang Nga chìm đắm trong khó khăn và khủng hoảng.

2. Về kinh tế

Từ năm 1996, nền kinh tế Nga dần dần phục hồi, năm 1997 đạt tăng trưởng kinh tế 0,5%, năm 2000 là 9%.

Biểu đồ tốc độ tăng trưởng kinh tế của Liên bang Nga giai đoạn 1990 - 2005

3. Về chính trị

- Hiến pháp 1993, quy định Liên bang Nga theo chế độ Tổng thống Liên bang.

- Từ năm 1992 – 1999, Tổng thống Enxin, nước Nga đứng trước hai thử thách lớn:

+ Tình trạng không ổn định về chính trị, tranh chấp giữa các đảng phái.

+ Những cuộc xung đột sắc tộc (Trecxia…).

- Từ năm 2000, V. Putin làm Tổng thống, nhà nước pháp quyền được củng cố, tình hình xã hội ổn định; nhưng vẫn đứng trước thử thách lớn: xu hướng li khai và nạn khủng bố,...

4. Về đối ngoại

- Một mặt ngả về phương Tây với hi vọng nhận được sự ủng hộ về chính trị và viện trợ về kinh tế.

- Mặt khác, khôi phục và phát triển mối quan hệ với các nước châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, các nước ASEAN, … )

- Từ năm 2000, chính quyền của Tổng thống V. Putin đã đưa Liên bang Nga dần thoát khỏi khó khăn và khủng hoảng, kinh tế hồi phục và phát triển; chính trị, xã hội ổn định và địa vị quốc tế được nâng cao để trở lại vị thế một cường quốc Âu - Á.

5. Mở rộng: Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Liên bang Nga phản ánh xu thế toàn cầu hóa của thế giới hiện nay.

- Từ năm 1994, Liên bang Nga bên cạnh chú trọng quan hệ với các nước phương Tây còn khôi phục và phát triển mối quan hệ với các nước châu Á.

- Điều này quy định bởi tác động của xu thế toàn cầu hóa với bản chất là quá trình tăng lên mạnh mẽ của những mối liên hệ, những ảnh hưởng tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới.

=> Mối quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc ngày càng được mở rộng, thắt chặt đã khiến Nga cần điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình cho phù hợp với xu thế chung của thế giới được hình thành từ những năm 80 của thế kỉ XX.

 

Đánh giá

0

0 đánh giá