Giải SGK Kinh tế Pháp luật 11 Bài 5 (Kết nối tri thức): Thị trường lao động và việc làm

12.5 K

Lời giải bài tập Giáo dục kinh tế Pháp luật lớp 11 Bài 5: Thị trường lao động và việc làm sách Kết nối tri thức hay, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi Kinh tế Pháp luật 11 Bài 5 từ đó học tốt môn KTPL 11.

Giải bài tập KTPL lớp 11 Bài 5: Thị trường lao động và việc làm

Câu hỏi trang 29 KTPL 11: Em hãy đọc thông tin sau để trả lời câu hỏi:

Thông tin. Trong ngày hội tư vấn tuyển sinh được tổ chức tại Trường Trung học phổ thông NT, các chuyên gia từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học đã tư vấn cho học sinh cách xét tuyển vào trường và lựa chọn ngành học phù hợp. Bên cạnh đó, các trường đại học và các chuyên gia cùng học sinh tìm hiểu những nghề học sau khi tốt nghiệp dễ tìm được việc làm, phù hợp với sở thích và nguyện vọng của học sinh.

Câu hỏi: Thông tin trên phản ánh vấn đề gì? Hãy chia sẻ hiểu biết của em về các hoạt động đó.

Lời giải:

- Ngày hội tư vấn tuyển sinh được tổ chức tại trường Trung học phổ thông NT phản ánh về hoạt động hướng nghiệp đối với các em học sinh.

- Chia sẻ hiểu biết:

+ Hướng nghiệp là hoạt động nhằm hỗ trợ mọi cá nhân chọn lựa và phát triển chuyên môn nghề nghiệp phù hợp nhất với khả năng của cá nhân, đồng thời thỏa mãn được nhu cầu nhân lực cho các lĩnh vực nghề nghiệp (thị trường lao động).

+ Hướng nghiệp không dừng lại ở việc lựa chọn một nghề nghiệp mà cá nhân yêu thích. Thuật ngữ hướng nghiệp còn bao gồm đa dạng các hoạt động, từ khám phá đam mê thật sự của bản thân, đánh giá khả năng phù hợp của bản thân với nghề nghiệp, góc nhìn sâu rộng hơn về những ngành nghề trên thị trường, và quan trọng hơn là định hướng phát triển nghề nghiệp bản thân.

1. Lao động và thị trường lao động

Câu hỏi 1 trang 30 KTPL 11: Ở thông tin 1, hoạt động của bác A nhằm mục đích gì? Theo em, lao động là gì?

Thông tin 1. Bác A là một thợ thêu, làm ra rất nhiều bức tranh thêu độc đáo phục vụ cho khách hàng trong và ngoài nước. Để làm ra mỗi sản phẩm, bác thường thiết kế rất tỉ mỉ hình ảnh, hoa văn, hoạ tiết, màu sắc,... Sản phẩm được hoàn thành là kết quả của sự kết hợp làm việc miệt mài và đôi bàn tay khéo léo của người thợ với chiếc khung thêu thân thuộc cùng những tấm vải lụa mềm mại và những cuộn chỉ màu sắc rực rỡ.

Lời giải:

- Hoạt động của bác A nhằm tạo ra các sản phẩm tranh thêu, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của khách hàng trong và ngoài nước; đồng thời cũng đem lại nguồn thu nhập để bác A trang trải cuộc sống.

- Lao động là hoạt động có mục đích, có ý thức của con người nhằm tạo ra các sản phẩm phục vụ cho các nhu cầu của đời sống xã hội.

Câu hỏi 2 trang 30 KTPL 11: Lao động có vai trò như thế nào trong hoạt động kinh tế?

Lời giải:

- Vai trò như thế nào trong hoạt động kinh tế:

+ Trong hoạt động sản xuất, lao động được coi là yếu tố đầu vào, ảnh hưởng tới chi phí tương tự như việc sử dụng các yếu tố sản xuất khác.

+ Lực lượng lao động là một bộ phận của dân số, là người được hưởng thụ lợi ích của quá trình phát triển.

Câu hỏi 3 trang 30 KTPL 11: Trong thông báo tuyển dụng, các công ty đưa ra mức lương và chế độ đãi ngộ cho người lao động nhằm mục đích gì?

Thông tin 2. Tại Thành phố H, nhu cầu tuyển dụng lao động cuối năm ở một số ngành nghề đang sôi động. Nhiều doanh nghiệp trên địa bản cho biết họ gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động. Công ty cổ phần Sản xuất Container đang cần tuyển 650 lao động, trong đó có 100 lao động phổ thông, 500 thợ hàn, thợ cơ khí,... với mức lương cơ bản từ 6 đến 18 triệu đồng. Tuy nhiên, sau ba tháng nhiều hồ sơ ứng tuyển không đạt yêu cầu. Công ty N cũng đang thông báo tuyển 127 lao động cho các vị trí kĩ thuật viên: thuỷ lực, cơ khí, sơn dầu, máy lạnh, cửa cuốn, lao động phổ thông,... với nhiều chế độ ưu đãi vượt trội nhưng vẫn tìm không đủ người.

Lời giải:

- Trong thông báo tuyển dụng, các công ty đưa ra mức lương và chế độ đãi ngộ cho người lao động nhằm mục đích: thu hút, tuyển dụng được những lao động có tay nghề cao, phù hợp với yêu cầu công việc.

Câu hỏi 1 trang 31 KTPL 11: Qua thông tin 1, em hãy nhận xét tình hình cung - cầu lao động trên thị trường ở Việt Nam năm 2021.

Thông tin 1. Năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của Việt Nam đạt 50,6 triệu người. Trong đó, lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là 49,1 triệu người. Tỉ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi ước tính là 3,20%, tỉ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 3,10%.

Lời giải:

- Trong năm 2021, trên thị trường Việt Nam có sự chênh lệch giữa cung - cầu lao động, theo hướng: nguồn cung lao động lớn hơn so với nhu cầu tuyển dụng việc làm.

=> Sự chênh lệch giữa cung - cầu lao động này đã dẫn tới việc: 3,2% lực lượng lao động trong độ tuổi bị thất nghiệp và 3,1% người lao động trong độ tuổi thiếu việc làm.

Câu hỏi 2 trang 31 KTPL 11: Từ thông tin 2, em hãy xác định các chủ thể tham gia hoạt động tuyển dụng. Các yếu tố cần có trong hoạt động tuyển dụng là gì?

Thông tin 2. Anh B và anh C đọc thông tin niêm yết tuyển dụng của công ty thương mại và kinh doanh du lịch X thông báo tuyển 25 lao động cho các vị trí việc làm như thu ngân, đóng gói, kiểm kê hàng, giao hàng,... ưu tiên tuyển dụng những người có độ tuổi từ 18 đến 25, sức khoẻ tốt, nhiệt tình trong công việc với mức lương từ 5 - 8 triệu đồng/tháng, tuỳ theo vị trí việc làm. Nhận thấy minh có đủ điều kiện, hai anh đã đăng kí dự tuyển.

Lời giải:

- Những chủ thể tham gia vào hoạt động tuyển dụng là:

+ Người lao động làm thuê.

+ Người sử dụng sức lao động.

- Các yếu tố cần có trong hoạt động tuyển dụng là:

+ Nguồn cung (bao gồm cả: nguồn cung lao động và nguồn cung việc làm).

+ Nguồn cầu (bao gồm cả: nhu cầu làm việc và nhu cầu tuyển dụng)

+ Giá cả sức lao động (tiền công, tiền lương, chế độ đãi ngộ,…).

2. Việc làm và thị trường việc làm

Câu hỏi 1 trang 32 KTPL 11: Công việc của anh M và mẹ anh có ý nghĩa thế nào đối với gia đình? Em hiểu thế nào là việc làm?

Thông tin 1. Gia đình anh M có nhiều niềm vui vì anh mới được nhận vào làm cho công ty cơ khí với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Mẹ anh mới nhận được giấy chứng nhận đăng kí hộ kinh doanh hàng tạp hoá.

Lời giải:

- Công việc của anh M và mẹ anh có ý nghĩa:

+ Giúp mỗi cá nhân có thu nhập để duy trì, cải thiện cuộc sống của bản thân và gia đình.

+ Góp phần sáng tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội, giúp duy trì và phát triển đất nước.

- Việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập và không bị pháp luật cấm, có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người, giúp duy trì và cải thiện cuộc sống. Mỗi người có thể làm nhiều việc khác nhau: có việc làm chính thức hay việc làm không chính thức.

Câu hỏi 2 trang 32 KTPL 11: Các chủ thể tham gia các hội chợ, các phiên giao dịch việc làm nhằm mục đích gì?

Thông tin 2. Để kết nối cung - cầu lao động trong bối cảnh thị trường lao động đang từng bước sôi động trở lại, thành phố H đã thực hiện các giải pháp như: rà soát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhu cầu tìm việc của người lao động để tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối, tăng cường đào tạo ngắn hạn, dài hạn cho người lao động để đáp ứng nguồn cung của doanh nghiệp,...

Lời giải:

- Doanh nghiệp tham gia vào các hội chợ, các phiên giao dịch việc làm nhằm mục đích:

+ Giới thiệu tới người lao động những thông tin về doanh nghiệp mình;

+ Cung cấp thông tin về nhu cầu, mức lương tuyển dụng, từ đó mong muốn tuyển được những lao động có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu công việc.

- Người lao động tham gia vào các hội chợ, các phiên giao dịch việc làm nhằm mục đích:

+ Tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng lao động của các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp.

+ Tìm kiếm công việc phù hợp với nhu cầu và năng lực của bản thân.

Câu hỏi 3 trang 32 KTPL 11: Các phiên giao dịch việc làm có tác dụng như thế nào?

Lời giải:

- Các phiên giao dịch việc làm có tác dụng: kết nối cung - cầu lao động trên thị trường. Cụ thể là:

+ Cung cấp thông tin về doanh nghiệp, nhu cầu, mức lương tuyển dụng.

+ Giúp người lao động có thông tin, tiếp cận được đến các cơ sở có nhu cầu tuyển dụng để tìm kiếm được việc làm.

3. Mối quan hệ giữa thị trường lao động và thị trường việc làm

Câu hỏi 1 trang 33 KTPL 11: Qua thông tin 1, em thấy sự lệch pha về cung - cầu lao động tại tỉnh C thể hiện như thế nào? Điều này có tác động gì đến nền kinh tế?

Thông tin 1. Theo thống kê của tỉnh C, gần 90% các công ty của tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng các ngành kĩ sư, sửa chữa, máy tính, du lịch, công nghệ, kĩ thuật nhưng đang thiếu hụt nguồn cung. Các lĩnh vực hành chính, ngân hàng đang dẫn đầu nguồn cung nhưng nhu cầu tuyển dụng không nhiều. Sự lệch pha giữa cung và cầu về lao động đã giảm đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, khiến cho họ chuyển hướng đầu tư sang các tỉnh khác.

Lời giải:

- Sự lệch pha về cung - cầu lao động tại tỉnh C:

+ Các ngành kĩ sư, sửa chữa, máy tính, du lịch, công nghệ, kĩ thuật… có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng đang thiếu hụt nguồn cung lao động.

+ Các ngành hành chính, ngân hàng… có nhu cầu tuyển dụng ít, nhưng lại dư thừa nguồn cung lao động.

- Tác động: sự lệch pha giữa cung và cầu về lao động đã giảm đi sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, khiến cho họ chuyển hướng đầu tư sang các tỉnh khác.

Câu hỏi 2 trang 33 KTPL 11: Thông tin 2 cho thấy thị trường việc làm có vai trò kết nối cung - cầu, giúp thị trường lao động nước ta phát triển như thế nào?

Thông tin 2. Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kết nối cung - cầu lao động, giai đoạn 2015 - 2020, các trung tâm dịch vụ việc làm đã tổ chức gần 6.000 phiên giao dịch việc làm, giới thiệu và cung ứng gần 5 triệu lượt người, 68,5% trong số đó có kết nối việc làm thành công. Kết quả, cả nước đã giải quyết được trên 8 triệu việc làm, thị trường lao động Việt Nam có sự chuyển biến tích cực, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo cơ cấu kinh tế; tỉ lệ thất nghiệp chung là 2,48% số người trong độ tuổi lao động, khu vực thành thị luôn duy trì dưới 4%.

Lời giải:

- Thông tin 2 cho thấy, thị trường việc làm có vai trò kết nối cung - cầu đã:

+ Tổ chức gần 6.000 phiên giao dịch việc làm, giới thiệu và cung ứng gần 5 triệu lượt người, 68,5% trong số đó có kết nối việc làm thành công.

+ Góp phần giải quyết trên 8 triệu việc làm trên phạm vi cả nước.

+ Giúp thị trường lao động Việt Nam có sự chuyển biến tích cực.

4/ Xu hướng tuyển dụng lao động của thị trường

Câu hỏi 1 trang 34 KTPL 11: Qua thông tin 1, em có nhận xét gì về xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động ở Việt Nam?

Thông tin 1. Theo bản tin thị trường lao động Việt Nam quý III năm 2022: Năm nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất: công nghiệp chế tạo; thông tin và truyền thông; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ. Năm nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất: tài chính, kế toán, nhân viên phần mềm, ngân hàng, marketing. Năm nghề người lao động đi tìm việc nhiều nhất: lao động kĩ thuật trong công nghiệp, hành chính, bán hàng trong lĩnh vực bất động sản, tiếp thị kĩ thuật số bán hàng, y tế và chăm sóc sức khỏe. Dự báo nhu cầu việc làm sẽ tăng ở một số ngành sản xuất phương tiện vận tải, sản xuất sản phẩm điện tử.

Lời giải:

- Thị trường lao động ở Việt Nam đang nổi lên một số xu hướng tuyển dụng như:

+ Gia tăng tuyển dụng lao động ở các nhóm ngành, nghề về công nghệ cao, dịch vụ hoặc các ngành, nghề dựa trên nền tảng công nghệ.

+ Giảm tuyển dụng lao động ở các nhóm ngành nghề về: nông nghiệp, kĩ thuật công nghiệp giản đơn.

+ Tăng tuyển dụng lao động có chất lượng cao; giảm tuyển dụng lao động giản đơn.

Câu hỏi 2 trang 34 KTPL 11: Những yêu cầu đối với việc phát triển nguồn nhân lực để thực hiện định hướng phát triển đất nước trong Văn kiện đại hội Đảng XIII cho thấy xu hướng tuyển dụng lao động trên thị trường sẽ như thế nào?

Thông tin 2. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đầy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới".

Thực hiện phương châm: “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỉ luật, kỉ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội, có kĩ năng sống, kĩ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế".

Lời giải:

- Xu hướng tuyển dụng trên thị trường lao động luôn gắn liền với chiến lược, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước cùng với những yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Câu hỏi 3 trang 34 KTPL 11: Em cần có trách nhiệm gì để tham gia thị trường lao động và lựa chọn được nghề nghiệp, việc làm phù hợp?

Lời giải:

- Để có được việc làm phù hợp, học sinh cần:

+ Trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về nghề nghiệp;

+ Trau dồi các kĩ năng;

+ Nắm được xu hướng phát triển của thị trường lao động;

+ Tự đánh giá sở trường, nguyện vọng và điều kiện của bản thân để lựa chọn, định hướng nghề nghiệp.

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 34 KTPL 11: Em đồng tình hay không đồng tình với các quan điểm sau? Vì sao?

a. Người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước mới được coi là có việc làm.

b. Nhu cầu tuyển dụng lao động thường tăng lên vào dịp cuối năm.

c. Để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động, các cơ quan hữu quan phải chia sẻ nguồn dữ liệu về cung - cầu lao động.

d. Người làm giúp việc cho một gia đình được coi là có việc làm.

e. Để khích lệ người lao động làm việc hiệu quả, doanh nghiệp phải tăng cường các chế độ đãi ngộ đối với người lao động.

Lời giải:

- Ý kiến a. Không đồng tình, vì: người lao động làm bất cứ công việc nào mà tạo ra thu nhập và không bị pháp luật cấm thì đều được coi là có việc làm.

- Ý kiến b. Không đồng tình, vì: nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như: sự biến động của kinh tế trong và ngoài nước; quy mô và tình hình sản xuất của doanh nghiệp… Ví dụ: cuối năm 2022 - đầu năm 2023, do sự suy thoái của nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp ở Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, nên đã dẫn đến “làn sóng” sa thải, cắt giảm hàng loạt nhân sự.

- Ý kiến c. đồng tình, vì: việc chia sẻ nguồn dữ liệu về cung - cầu lao động sẽ góp phần kết nối được người lao động với nhà tuyển dụng, giúp cho: người lao động tìm được chỗ làm phù hợp và người sử dụng lao động tìm được người thích hợp.

- Ý kiến d. Đồng tình, vì: người lao động làm bất cứ công việc nào mà tạo ra thu nhập và không bị pháp luật cấm thì đều được coi là có việc làm.

- Ý kiến e. Đồng tình, vì:

+ Bên cạnh mức lương (tiền công), thì chế độ đãi ngộ là một trong những động lực giúp người lao động tích cực, hăng hái và nhiệt tình hơn trong công việc.

+ Việc đưa ra chế độ đãi ngộ hợp lí, không chỉ giúp người lao động cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc; mà còn giúp cho doanh nghiệp: thu hút hoặc duy trì được nguồn lao động có chất lượng cao, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất.

Luyện tập 2 trang 35 KTPL 11: Thị trường lao động và thị trường việc làm sẽ biến động như thế nào trong các trường hợp sau?

a. Cung về lao động trên thị trường ngày càng tăng nhưng không tăng đều giữa các ngành nghề.

b. Có nhiều nhà máy, xí nghiệp mới xây dựng trong khu vực.

c. Nhà nước công bố quy định tăng lương cơ bản cho người lao động.

d. Nhà nước có chủ trương chuyển từ nền kinh tế truyền thống sang kinh tế số.

Lời giải:

- Trường hợp a: Thị trường lao động và việc làm sẽ bị lệch pha ở một số ngành, nghề.

+ Ở những ngành nghề có nguồn cung lao động lớn nhưng nhu cầu tuyển dụng việc làm không nhiều => xuất hiện tình trạng: một bộ phận người lao động bị thất nghiệp hoặc thiếu việc làm.

+ Ở những ngành nghề có nguồn cung lao động ít, nhưng nhu cầu tuyển dụng việc làm cao => xuất hiện tình trạng: thiếu hụt lao động.

- Trường hợp b: Các nhà máy, xí nghiệp mới được xây dựng trong khu vực sẽ có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn => thúc đẩy thị trường lao động và việc làm chuyển biến theo hướng tích cực. Cụ thể:

+ Người lao động tại địa phương có cơ hội lớn trong việc ứng tuyển, tìm kiếm các công việc phù hợp với bản thân. Các doanh nghiệp tại địa phương cũng có cơ hội tìm kiếm được những ứng viên phù hợp với yêu cầu công việc, giảm thiểu bớt chi phí cho hoạt động tuyển dụng,…

+ Thị trường việc làm tại địa phương cũng diễn ra sôi động hơn, nhiều hội chợ tuyển dụng, phiên giao dịch việc làm hoặc các trung tâm môi giới và giới thiệu việc làm… được mở ra, nhằm kết nối cung - cầu lao động.

- Trường hợp c:

+ Lương cơ bản là mức lương thấp nhất hay tối thiểu mà người lao động có thể nhận được khi làm việc trong một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị nào đó (không bao gồm các khoản tiền thưởng, phụ cấp, trợ cấp và các khoản thu nhập bổ sung). Đây là mức lương được dùng làm căn cứ tính đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động

+ Khi nhà nước công bố quy định tăng lương cơ bản cho người lao động, sẽ dẫn đến một số biến động, ví dụ như: người sử dụng lao động cần tính toán, cân đối lại các chi phí đầu vào sản xuất với tình hình phát triển của doanh nghiệp, để từ đó đưa ra các quyết định tuyển dụng thêm hoặc cắt giảm nhân sự => thị trường lao động và việc làm có thể biến động theo hướng tăng/ giảm.

- Trường hợp d: Khi nhà nước có chủ trương chuyển từ nền kinh tế truyền thống sang kinh tế số, thị trường lao động và việc làm sẽ có sự chuyển biến theo hướng:

+ Gia tăng số lượng lao động và việc làm trên các nền tảng công nghệ.

+ Giảm số lượng lao động ở những nhóm ngành, nghề về kĩ thuật giản đơn.

Luyện tập 3 trang 35 KTPL 11: Em hãy đưa ra lời khuyên cho các nhân vật trong các trường hợp sau:

a. Bạn B đang học lớp 11. Từ nhỏ, bạn đã có niềm đam mê với công nghệ, mong muốn trở thành một kĩ sư công nghệ thông tin nhưng bố mẹ không ủng hộ vì muốn bạn theo học đại học Y để trở thành bác sĩ.

b. Anh H mới tốt nghiệp đại học nhưng khả năng sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin cũng như kĩ năng giao tiếp còn nhiều hạn chế. Anh đã ba lần tham gia tuyển dụng nhưng vẫn chưa tìm được việc làm.

c. Với mơ ước trở thành công dân toàn cầu để có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu, bạn A chỉ tập trung vào học ngoại ngữ.

Lời giải:

♦ Trường hợp a. Trong trường hợp này, bạn B nên:

- Chia sẻ, tâm sự để bố mẹ hiểu:

+ Một trong những xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay là gia tăng lao động trong các nhóm ngành, nghề kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ. Nên việc bản thân B có mong muốn trở thành một kĩ sư công nghệ thông tin là phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, việc làm.

+ Trở thành kĩ sư công nghệ thông tin là mong muốn và đam mê của B. Nếu B từ bỏ ước mơ này, để theo học một ngành học khác mà không có đam mê (ngành Y như yêu cầu của bố mẹ) thì sẽ rất khó có thể đạt được kết quả tốt.

- Thể hiện mong muốn và thái độ quyết tâm theo đuổi ước mơ đến cùng.

- Ngoài việc tự thuyết phục bố mẹ, B cũng có thể nhờ thầy cô, những người thân khác cùng trợ giúp trong việc tư vấn, thuyết phục bố mẹ.

♦ Trường hợp b. Trong trường hợp này, anh H nên:

+ Cải thiện kĩ năng ngoại ngữ, công nghệ thông tin và một số kĩ năng mềm khác (ví dụ: kĩ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề,…) để có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công việc.

+ Tăng cường tham gia các hội chợ tuyển dụng, phiên giao dịch việc làm hoặc liên hệ với các trung tâm mối giới, giới thiệu việc làm… để biết thêm thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp, từ đó kết nối và tìm được công việc phù hợp với năng lực của bản thân.

♦ Trường hợp c: Trong trường hợp này, bạn A nên:

+ Xác định được ước mơ và nghề nghiệp cụ thể, phù hợp với: sở thích, năng lực của bản thân và xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động trong và ngoài nước (vì: công dân toàn cầu” là một khái niệm không rõ ràng, cụ thể).

+ Bên cạnh kĩ năng ngoại ngữ, A cần tập trung rèn luyện thêm năng lực chuyên môn và các kĩ năng mềm khác, như: kĩ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề,…

Vận dụng

Vận dụng 1 trang 35 KTPL 11: Em hãy xác định nghề mình sẽ lựa chọn trong tương lai và xây dựng kế hoạch để thực hiện sự lựa chọn đó.

Lời giải:

(*) Gợi ý: để lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp, các em cần:

- Đánh giá bản thân (sở thích, điểm mạnh, điểm yếu…).

- Tìm hiểu về xu hướng tuyển dụng lao động và việc làm

- Nghiên cứu về công việc mà mình đã lựa chọn (yêu cầu công việc là gì? Triển vọng của nghề? Cần những kĩ năng gì để đáp ứng được công việc?...)

- Tìm hiểu về những nơi đào tạo về nghề đó (ví dụ: các trường đại học, học viện, các trung tâm đào tạo,…).

- …

Vận dụng 2 trang 35 KTPL 11: Hãy tìm hiểu những thông tin về xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động Việt Nam trong 5 năm tới và chia sẻ với các bạn trong lớp.

Lời giải:

(*) Thông tin tham khảo:

- Trong 5 năm tới, thị trường lao động ở Việt Nam có sự thay đổi về chất lượng, cơ cấu ngành nghề, sự kết hợp, lồng ghép nhau hình thành những nhóm ngành nghề theo hướng tích hợp, phù hợp cơ cấu công nghệ số.

- Theo dự báo, trong 5 năm tới sẽ có 6 nhóm ngành phát triển mạnh. Cụ thể là:

+ Thứ nhất, nhóm ngành công nghệ và kỹ thuật: cơ điện tử, tự động hóa, nhiệt, công nghệ kỹ thuật ô tô - tàu thủy), điện - điện tử, công nghệ hàn, công nghệ dệt - sợi - may; quản trị viên của các ngành kỹ thuật cùng các nhóm ngành thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế công nghiệp, mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc (kiến trúc cảnh quan - thiết kế đô thị - thiết kế nội thất...), công nghệ xây dựng, công nghệ vật liệu, năng lượng, công nghệ môi trường.

+ Thứ 2, nhóm ngành công nghệ thông tin, phát triển chuyên sâu khoa học máy tính: công nghệ thông tin - lập trình và phần mềm (bảo mật mạng, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh - hoạt hình) và trí tuệ nhân tạo.

+ Thứ ba, nhóm ngành quản trị kinh doanh - kinh doanh quốc tế - tài chính - ngân hàng kết hợp các chuyên ngành quản trị rủi ro, quản lý chất lượng - quản trị kỹ thuật và y tế, quản lý hệ thống thông tin, kế hoạch và dự báo kinh tế - nhân lực - xã hội - kinh doanh, tư vấn tài chính, quản lý dự án khoa học môi trường - hàng không, logistic và chuỗi cung ứng, quản lý văn phòng cao cấp, truyền thông marketing - digital marketing, tài chính kế toán, kiểm toán, ngân hàng, tài chính doanh nghiệp.

+ Thứ 4, nhóm ngành về khoa học xã hội, du lịch - nhà hàng - khách sạn khách sạn - ẩm thực, sư phạm kỹ thuật và sư phạm giáo dục, luật, ngôn ngữ (Anh, Nhật, Trung, Hàn), quan hệ công chúng - tổ chức sự kiện, truyền thông đa phương tiện Đông phương học và tâm lý các chuyên ngành.

+ Thứ 5, nhóm ngành về chăm sóc sức khỏe: y, dược, điều dưỡng, nha (răng - hàm - mặt), các chuyên ngành quản trị cơ sở dữ liệu ngành y tế, kỹ sư nghiên cứu tế bào gốc, công nghệ y sinh, nghiên cứu gen và dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ và sức khỏe.

Cuối cùng là nhóm ngành công nghệ nông - lâm (khoa học cây trồng, chăn nuôi - thú y, lâm sinh, công nghệ sau thu hoạch), công nghệ thủy - hải sản (nuôi trồng, chế biến) và công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học - hóa (dược, sinh, mỹ phẩm, thực phẩm...).

Lý thuyết KTPL 11 Bài 5: Thị trường lao động và việc làm

1. Lao động và thị trường lao động

a) Khái niệm lao động

- Lao động là hoạt động có mục đích, có ý thức của con người nhằm tạo ra các sản phẩm phục vụ cho các nhu cầu của đời sống xã hội.

- Trong hoạt động sản xuất, lao động được coi là yếu tố đầu vào, ảnh hưởng tới chi phí tương tự như việc sử dụng các yếu tố sản xuất khác. Lực lượng lao động là một bộ phận của dân số, là người được hưởng thụ lợi ích của quá trình phát triển.

- Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 5: Thị trường lao động và việc làm | Kinh tế Pháp luật 11

Công nhân làm việc trong nhà máy

b) Thị trường lao động

- Thị trường lao động (hoặc thị trường sức lao động) là nơi thực hiện các quan hệ xã hội giữa người bán sức lao động (người lao động làm thuê) và người mua sức lao động (người sử dụng sức lao động), thông qua các hình thức thỏa thuận về giá cả (tiền công, tiền lương) và các điều kiện làm việc khác, trên cơ sở một hợp đồng lao động bằng văn bản, bằng miệng, hoặc thông qua các dạng hợp đồng hay thỏa thuận khác.

- Thị trường lao động được cấu thành bởi ba yếu tố: cung, cầu và giá cả sức lao động. Thị trường lao động có thể hoạt động hiệu quả khi các quyền tự do mua, bán sức lao động được đảm bảo bằng luật pháp và hệ thống các chính sách liên quan đến quyền, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia thị trường.

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 5: Thị trường lao động và việc làm | Kinh tế Pháp luật 11

Tăng cường biện pháp hỗ trợ người lao động

2. Việc làm và thị trường việc làm

- Việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập và không bị pháp luật cấm, có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người, giúp duy trì và cải thiện cuộc sống. Mỗi người có thể làm nhiều việc khác nhau: có việc làm chính thức (việc làm toàn thời gian) hay việc làm không chính thức (việc làm bán thời gian).

- Thị trường việc làm là nơi gặp gỡ, trao đổi mua bán hàng hóa việc làm giữa người lao động và người sử dụng lao động cũng như xác định mức tiền công của người lao động trong từng thời kỳ nhất định.

- Thị trường việc làm kết nối cung - cầu lao động trên thị trường thông qua các phiên giao dịch việc làm, các trung tâm môi giới và giới thiệu việc làm, các thông tin tuyển dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng.... để cung cấp thông tin cụ thể về doanh nghiệp, nhu cầu, mức lương tuyển dụng, giúp người lao động có thông tin, tiếp cận được đến các cơ sở có nhu cầu tuyển dụng để tìm kiếm được việc làm.

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 5: Thị trường lao động và việc làm | Kinh tế Pháp luật 11

Xuất khẩu lao động sang Hàn quốc

3. Mối quan hệ giữa thị trường lao động và thị trường việc làm

- Thị trường lao động và thị trường việc làm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

- Thông qua các dịch vụ kết nối nhà tuyển dụng và người lao động, thị trường việc làm giúp người lao động tìm được chỗ làm phù hợp, người sử dụng lao động tìm được người thích hợp, giúp cho thị trường lao động nhanh chóng đạt đến trạng thái cân bằng cung - cầu lao động.

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 5: Thị trường lao động và việc làm | Kinh tế Pháp luật 11

Xu hướng tuyển dụng tại Việt Nam nửa cuối năm 2022

4. Xu hướng tuyển dụng lao động của thị trường

- Thị trường lao động ở Việt Nam đang nổi lên 4 xu hướng:

+ Gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ;

+ Chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm;

+ Lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế;

+ Xu hướng lao động “phi chính thức" gia tăng.

- Xu hướng tuyển dụng trên thị trường lao động luôn gắn liền với chiến lược, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước cùng với những yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Bởi vậy, để có được việc làm phù hợp, học sinh cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về nghề nghiệp, trau dồi các kỹ năng, nắm được xu hướng phát triển của thị trường lao động, tự đánh giá sở trường, nguyện vọng và điều kiện của bản thân để lựa chọn, định hướng nghề nghiệp.

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 5: Thị trường lao động và việc làm | Kinh tế Pháp luật 11

Những lĩnh vực hàng đầu dự kiến tăng tuyển dụng trong những năm tới

Xem thêm các bài giải SGK Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 4: Thất nghiệp

Bài 5: Thị trường lao động và việc làm

Bài 6: Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh

Bài 7: Đạo đức kinh doanh

Bài 8: Văn hóa tiêu dùng

Đánh giá

0

0 đánh giá