Sách bài tập KTPL 11 Bài 5 (Kết nối tri thức): Thị trường lao động và việc làm | SBT Kinh tế Pháp luật 11 Kết nối tri thức

1.9 K

Với giải sách bài tập Kinh tế Pháp luật 11 Bài 5: Thị trường lao động và việc làm sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Kinh tế Pháp luật 11. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Kinh tế Pháp luật 11 Bài 5: Thị trường lao động và việc làm

Câu 1 trang 17 SBT Kinh tế Pháp luật 11:Khoanh tròn vào chữ cái trước phương án em chọn.

a) trang 17 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Lao động là hoạt động:

A. mang tính bản năng của con người để thích nghi với mọi hoàn cảnh và mỗi trường sống.

B. để phân biệt hoạt động của con người với hoạt động mang tính bản năng của loài vật.

C. có mục đích, có ý thức của con người nhằm tạo ra các sản phẩm phục vụ cho các nhu cầu của đời sống xã hội.

D. nhằm thoả mãn các đam mê và nhu cầu của đời sống con người.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

b) trang 17 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Ý nào dưới đây thể hiện vai trò của lao động trong hoạt động sản xuất?

A. Lao động là một trong các yếu tố cấu thành giá trị hàng hoá.

B. Lao động là một trong những yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất.

C. Lao động là một trong những yếu tố đầu ra của hoạt động sản xuất.

D. Lao động là một bộ phận không thể thiếu được của đời sống con người.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

c) trang 17 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Việc làm là hoạt động lao động

A. tạo ra thu nhập và không bị pháp luật cấm.

B. có mục đích của con người.

C. nhằm kết nối con người với nhau trong mọi lĩnh vực.

D. cơ bản nhất của con người trong mọi thời đại.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Câu 2 trang 18 SBT Kinh tế Pháp luật 11:Thị trường lao động và thị trường việc làm sẽ biến động như thế nào trong các trường hợp sau?

a. Cung về lao động trên thị trường ngày càng tăng nhưng không tăng đều giữa các ngành nghề.

b. Có nhiều nhà máy, xí nghiệp mới xây dựng trong khu vực.

c. Nhà nước công bố quy định tăng lương cơ bản cho người lao động.

d. Nhà nước có chủ trương chuyển từ nền kinh tế truyền thống sang kinh tế số.

Lời giải:

a. Cung về lao động tăng không đều giữa các ngành nghề sẽ khiến mất cân đối cung - cầu về lao động, thừa nhân lực ở ngành nghề này nhưng thiếu nhân lực ở ngành nghề khác, gây áp lực lớn hơn lên thị trường việc làm. Nếu điều tiết không tốt thị trường lao động thì sẽ dẫn đến sự mất cân đối tương tự ở thị trường việc làm.

b. Có nhiều nhà máy, xí nghiệp được xây dựng sẽ khiến cầu về lao động ở khu vực đó tăng cục bộ, thị trường việc làm sôi động hơn với những hoạt động tuyển dụng, giao dịch việc làm đáp ứng nhu cầu lao động cho các nhà máy, xí nghiệp.

c. Khi Nhà nước quy định tăng mức lương cơ bản cho người lao động thì mức cung về lao động sẽ tăng lên, mức cầu về lao động sẽ giảm đi, vì người lao động có thể yên tâm về mức thu nhập tối thiểu để bảo đảm mức sống của bản thân và gia đình, còn người sử dụng lao động sẽ phải chi nhiều hơn để bảo đảm mức lương phải trả cho người lao động.

d. Khi Nhà nước có chủ trương chuyển từ kinh tế truyền thống sang kinh tế số thì cầu về lao động trí tuệ, lao động chất lượng cao ngày càng tăng, lao động giản đơn giảm đi, dẫn tới một số lao động không đáp ứng được nhu cầu sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, gây mất cân đối trên thị trường lao động và việc làm.

Câu 3 trang 18 SBT Kinh tế Pháp luật 11:Theo em, các nhận định sau đúng hay sai? Vì sao?

a. Thị trường việc làm kết nối cung - cầu lao động trên thị trường thông qua các phiên giao dịch việc làm.

b. Thị trường lao động hoạt động theo nguyên tắc thị trường bởi vậy không chịu sự tác động của Nhà nước.

c. Thị trường lao động và thị trường việc làm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

d. Lao động là một trong những yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất.

Lời giải:

Trường hợp a. Đúng, vì thông qua các phiên giao dịch việc làm, mọi thông tin về số lượng, chất lượng lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động đều được biểu hiện.

Trường hợp b. Sai,vì bất cứ thị trường nào cũng chịu sự quản lí, tác động của Nhà nước ở các cấp độ khác nhau.

Trường hợp c. Đúng, vì thị trường việc làm giúp người lao động và người sử dụng lao động gặp nhau, giúp cho thị trường lao động đạt đến trạng thái cân bằng cung - cầu lao động.

Trường hợp d. Đúng, vì quá trình sản xuất là sự kết hợp giữa các yếu tố: tư liệu sản xuất và người lao động. Không có lao động, sản xuất không thể diễn ra.

Câu 4 trang 19 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy nhận xét hành vi của các nhân vật trong những trường hợp dưới đây:

a. Là một sinh viên mới ra trường, đi làm được một năm nhưng anh T đã hai lần thay đổi chỗ làm vì cho rằng đó là cách để chọn được nơi làm việc tốt nhất.

b. V có đam mê trở thành cô giáo dạy Ngữ văn nhưng lại đăng kí thi vào trường đại học kinh tế để sau này tìm được việc làm có thu nhập cao.

c. D có ước mơ trở thành một kĩ sư xây dựng. Mặc dù đang học trung học phổ thông nhưng mỗi dịp nghỉ hè, D lại theo phụ bố làm thêm ở công trường xây dựng để rèn luyện kĩ năng và kinh nghiệm để sau này dễ tìm được việc làm.

Lời giải:

a. Anh T nên hiểu liên tục thay đổi chỗ làm không phải là cách để chọn được nơi làm việc tốt nhất vì văn hoá doanh nghiệp ở mỗi nơi khác nhau. Bởi vậy, muốn tìm được một việc làm tốt, anh T cần tìm hiểu kĩ điều kiện làm việc, văn hoá doanh nghiệp, mong muốn và sở trường của bản thân đề tìm được nơi

b. Quan niệm thi vào trường đại học kinh tế để sau này tìm được việc làm có thu nhập cao là quan niệm sai lầm vì mức lương cao hay thấp được xác định trong mối quan hệ cung - cầu trên thị trường lao động ở từng thời kì nhất định.

c. Quá trình rèn luyện kĩ năng và kinh nghiệm trong thực tiễn để tìm được việc làm trong tương lai là rất quan trọng. Bởi vậy, việc làm của bạn D là cần thiết.

Câu 5 trang 19 SBT Kinh tế Pháp luật 11:Em hãy đưa ra lời khuyên cho các nhân vật trong những trường hợp sau:

a. Bạn B đang học lớp 11. Từ nhỏ, bạn đã có niềm đam mê với công nghệ, mong muốn trở thành một kĩ sư công nghệ thông tin nhưng bố mẹ không ủng hộ vì muốn bạn theo học đại học Y để trở thành bác sĩ.

b. Anh H mới tốt nghiệp đại học nhưng khả năng sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin cũng như kĩ năng giao tiếp còn nhiều hạn chế. Anh đã ba lần tham gia tuyển dụng nhưng vẫn chưa tìm được việc làm.

c. Với mơ ước trở thành công dân toàn cầu để có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu, bạn A chỉ tập trung vào học ngoại ngữ.

Lời giải:

a. Bạn B nên thẳng thắn trao đổi mơ ước và đam mê của mình với bố mẹ, học tập chăm chỉ, kiên trì theo đuổi mục tiêu để chứng minh cho bố mẹ thấy lựa chọn của mình là đúng và phù hợp với khả năng, nguyện vọng của bản thân.

b. Anh H nên rèn luyện các kĩ năng như: kĩ năng thuyết trình, giao tiếp, sử dụng ngoại ngữ, công nghệ thông tin,..

c. Với mơ ước trở thành công dân toàn cầu để có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu, bạn A chỉ tập trung vào học ngoại ngữ thì chưa đủ. Vì để trở thành công dân toàn cầu cần nhiều kĩ năng và các kiến thức khác nên A cần trau dồi toàn diện các kiến thức, kĩ năng.

Câu 6 trang 19 SBT Kinh tế Pháp luật 11: Em hãy viết bài giới thiệu về xu hướng tuyển dụng lao động lành nghề tại các doanh nghiệp ở địa phương, đồng thời đưa ra lời khuyên cho các bạn về hoạt động học tập và rèn luyện để trở thành người lao động lành nghề.

Lời giải:

Hiện nay, xu hướng tuyển dụng lao động lành nghề tại các doanh nghiệp địa phương đang ngày càng trở nên phổ biến và được ưu tiên hơn. Điều này là do nhu cầu về nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng, đồng thời những yêu cầu về kỹ năng và kiến thức chuyên môn ngày càng nâng cao. Doanh nghiệp hiểu rằng, để phát triển và cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng khắc nghiệt, họ cần những người lao động có trình độ chuyên môn cao và thực hiện công việc lành nghề. Người lao động lành nghề không chỉ đảm bảo chất lượng và hiệu suất làm việc mà còn mang lại sự tin tưởng và lòng tin của đối tác và khách hàng.

Để trở thành người lao động lành nghề, trên hết, hãy đặt nền tảng vững chắc về kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Việc học tập và rèn luyện chính là cơ hội để nắm vững kiến thức và cải thiện kỹ năng của mình. Ngoài việc theo học trong những trường học chuyên ngành, bạn cũng có thể tham gia các khóa học, tu nghiệp, hoặc thực tập tại các doanh nghiệp có liên quan để nắm bắt thực tế công việc và rèn kỹ năng thực tế. Bên cạnh đó, đầu tư vào việc phát triển các kỹ năng mềm cũng là điều vô cùng quan trọng. Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian và khả năng giải quyết vấn đề giúp bạn tỏa sáng và nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng. Để có thể thể hiện khả năng lành nghề của mình, hãy luôn nỗ lực để cải thiện và nâng cao trình độ thông qua việc tiếp thu kiến thức và kỹ năng mới, theo dõi các xu hướng và công nghệ mới trong lĩnh vực của mình. Đồng thời, hãy thường xuyên cập nhật và liên tục rèn luyện bằng cách tham gia vào các hoạt động học tập và thực hành. Tuyển dụng lao động lành nghề là một xu hướng đáng chú ý trong thị trường lao động hiện nay.

Đối với các bạn trẻ, nắm bắt xu hướng này và lựa chọn học tập và rèn luyện đúng hướng chính là cách thông minh nhất để đạt được thành công trong công việc và xây dựng một tương lai rộng mở.

Hãy luôn tự tin và đam mê trong việc hoàn thiện bản thân, đồng thời hãy luôn nỗ lực để trở thành người lao động lành nghề với sự chuyên môn và hiệu quả cao.

Xem thêm các bài giải SBT Giáo dục Kinh tế và Pháp luật lớp 11 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 4: Thất nghiệp

Bài 5: Thị trường lao động và việc làm

Bài 6: Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh

Bài 7: Đạo đức kinh doanh

Bài 8: Văn hóa tiêu dùng

Lý thuyết KTPL 11 Bài 5: Thị trường lao động và việc làm

1. Lao động và thị trường lao động

a) Khái niệm lao động

- Lao động là hoạt động có mục đích, có ý thức của con người nhằm tạo ra các sản phẩm phục vụ cho các nhu cầu của đời sống xã hội.

- Trong hoạt động sản xuất, lao động được coi là yếu tố đầu vào, ảnh hưởng tới chi phí tương tự như việc sử dụng các yếu tố sản xuất khác. Lực lượng lao động là một bộ phận của dân số, là người được hưởng thụ lợi ích của quá trình phát triển.

- Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 5: Thị trường lao động và việc làm | Kinh tế Pháp luật 11

Công nhân làm việc trong nhà máy

b) Thị trường lao động

- Thị trường lao động (hoặc thị trường sức lao động) là nơi thực hiện các quan hệ xã hội giữa người bán sức lao động (người lao động làm thuê) và người mua sức lao động (người sử dụng sức lao động), thông qua các hình thức thỏa thuận về giá cả (tiền công, tiền lương) và các điều kiện làm việc khác, trên cơ sở một hợp đồng lao động bằng văn bản, bằng miệng, hoặc thông qua các dạng hợp đồng hay thỏa thuận khác.

- Thị trường lao động được cấu thành bởi ba yếu tố: cung, cầu và giá cả sức lao động. Thị trường lao động có thể hoạt động hiệu quả khi các quyền tự do mua, bán sức lao động được đảm bảo bằng luật pháp và hệ thống các chính sách liên quan đến quyền, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia thị trường.

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 5: Thị trường lao động và việc làm | Kinh tế Pháp luật 11

Tăng cường biện pháp hỗ trợ người lao động

2. Việc làm và thị trường việc làm

- Việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập và không bị pháp luật cấm, có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người, giúp duy trì và cải thiện cuộc sống. Mỗi người có thể làm nhiều việc khác nhau: có việc làm chính thức (việc làm toàn thời gian) hay việc làm không chính thức (việc làm bán thời gian).

- Thị trường việc làm là nơi gặp gỡ, trao đổi mua bán hàng hóa việc làm giữa người lao động và người sử dụng lao động cũng như xác định mức tiền công của người lao động trong từng thời kỳ nhất định.

- Thị trường việc làm kết nối cung - cầu lao động trên thị trường thông qua các phiên giao dịch việc làm, các trung tâm môi giới và giới thiệu việc làm, các thông tin tuyển dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng.... để cung cấp thông tin cụ thể về doanh nghiệp, nhu cầu, mức lương tuyển dụng, giúp người lao động có thông tin, tiếp cận được đến các cơ sở có nhu cầu tuyển dụng để tìm kiếm được việc làm.

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 5: Thị trường lao động và việc làm | Kinh tế Pháp luật 11

Xuất khẩu lao động sang Hàn quốc

3. Mối quan hệ giữa thị trường lao động và thị trường việc làm

- Thị trường lao động và thị trường việc làm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

- Thông qua các dịch vụ kết nối nhà tuyển dụng và người lao động, thị trường việc làm giúp người lao động tìm được chỗ làm phù hợp, người sử dụng lao động tìm được người thích hợp, giúp cho thị trường lao động nhanh chóng đạt đến trạng thái cân bằng cung - cầu lao động.

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 5: Thị trường lao động và việc làm | Kinh tế Pháp luật 11

Xu hướng tuyển dụng tại Việt Nam nửa cuối năm 2022

4. Xu hướng tuyển dụng lao động của thị trường

- Thị trường lao động ở Việt Nam đang nổi lên 4 xu hướng:

+ Gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ;

+ Chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm;

+ Lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế;

+ Xu hướng lao động “phi chính thức" gia tăng.

- Xu hướng tuyển dụng trên thị trường lao động luôn gắn liền với chiến lược, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước cùng với những yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

- Bởi vậy, để có được việc làm phù hợp, học sinh cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về nghề nghiệp, trau dồi các kỹ năng, nắm được xu hướng phát triển của thị trường lao động, tự đánh giá sở trường, nguyện vọng và điều kiện của bản thân để lựa chọn, định hướng nghề nghiệp.

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 5: Thị trường lao động và việc làm | Kinh tế Pháp luật 11

Những lĩnh vực hàng đầu dự kiến tăng tuyển dụng trong những năm tới

Đánh giá

0

0 đánh giá