Văn bản Ra-ma buộc tội - Nội dung, tác giả, tác phẩm

6.7 K

Tài liệu tác giả tác phẩm Ra-ma buộc tội Ngữ văn lớp 10 Cánh diều gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Ra-ma buộc tội lớp 10.

Ra-ma buộc tội - Ngữ văn lớp 10

I. Tìm hiểu tác phẩm Ra-ma buộc tội

1. Thể loại: Sử thi 

2.Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác: Thuộc khúc ca thứ 6, chương 79 trích sử thi Ramayana Ấn Độ

Ra-ma buộc tội - Tác giả tác phẩm (mới 2022) | Ngữ văn lớp 10 Cánh diều

3. Phương thức biểu đạt: Tự sự

4. Người kể chuyện: Ngôi thứ 3

5. Tóm tắt:

Rama là hoàng tử của vua Daxaratha. Khi chuẩn bị lên ngôi vua thì Rama bị thứ phi Kakei nhắc đến một ân huệ cũ. Lúc này, nhà vua buộc phải đẩy Rama vào rừng 14 năm. Xi ta là vợ của Rama đã đồng ý đi theo chàng. Khi thời gian đầy ải sắp kết thúc, Xita bị quỷ bắt cóc. Để bảo vệ vợ, Rama đã chiến đấu anh dũng để cứu Xita. Thế nhưng khi cứu được nàng, Rama lại nghi ngờ danh tiết của Xita để đến mức Xita phải bước lên dàn hỏa thiêu để tự vẫn. Sau cùng, với sự trợ giúp của thần lửa, Xita quay về bên Rama và sống hạnh phúc.

6. Bố cục

- Phần 1 (Từ đầu …. được lâu): Hoàn cảnh của Rama và lửa lòng cả Rama

- Phần 2 (Còn lại): Thái độ và hành động của Xita để tự minh oan cho mình

7. Giá trị nội dung

- Tình huống gay cấn, ngặt nghèo buộc nhân vật bộc lộ tình cách của bản thân

- Ca ngợi Xita với vai trò một người vợ trong trắng, tiết hành.

8. Giá trị nghệ thuật

- Xây dựng nhân vật lý tưởng về cả ngoại hình và tâm lý

- Ngôn ngữ kịch tính

- Sử dụng hàng loạt các điển tích, điển cổ

II. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Ra-ma buộc tội

1. Hoàn cảnh tái hợp của Rama và Xita

- Xi-ta vừa được Ra-ma giải cứu khỏi tay quỷ vương Ra-va-na.

- Cuộc tái hợp của hai vợ chồng không phải ở không gian riêng tư mà trong không gian cộng đồng với sự chứng kiến của rất nhiều người.

- Ra – ma là:

+ Một quốc vương với bổn phận cai trị vương quốc mẫu mực

+ Một người chồng hết lòng quan tâm nhớ thương vợ.

=> Ra-ma trong vai trò của một quan tòa buộc phải kết tội Xi-ta. Lời buộc tội có sự chi phối lớn bởi hoàn cảnh.

- Bởi vì trong Ra-ma luôn tồn tại mối nghi ngờ vì Xi-ta đã bị quỷ vương bắt đi một thời gian, liệu nàng có chung chạ chăn gối với hắn ta không là điều không ai biết

- Xi-ta chưa kịp vui mừng, hạnh phúc vì được giải thoát, đã bị chính người chồng đem ra kết tội, sỉ nhục

=> Xi-ta buộc phải minh chứng cho danh dự và sự trinh bạch của mình.

=> Hoàn cảnh tái hợp đặc biệt ấy chính là điều kiện để Ra-ma và Xi-ta bộc lộ phẩm chất.

2. Lời buộc tội của Ra-ma

- Trước khi Xi-ta lên giàn hỏa thiêu:

+ Xưng hô: ta - phu nhân, cách xưng hô trịnh trọng nhưng lạnh lùng xa cách.

+ Nhấn mạnh mục đích chiến đấu “ta làm điều đó vì nhân phẩm của ta…”, không phải vì Xi-ta mà vì danh dự, phẩm giá.

+ Bộc lộ nghi ngờ, ghen tuông về trinh tiết của Xi-ta: “nàng đã lưu lại lâu trong nhà kẻ xa lạ,…”.

+ Lăng nhục Xi-ta, không nhận vợ và đuổi nàng đi “ta không cần đến nàng nữa…”.

=>Những lời nói rất lạnh lùng, tàn nhẫn với những chỉ thị oai nghiêm chứng tỏ lòng ghen tuông đẩy đến cao độ. 

=> Ra-ma tuy là một vị thần nhưng vẫn có lúc yêu lúc ghen, lúc cương quyết lúc mềm yếu.

- Khi Xi-ta lên giàn hỏa thiêu:

+ Kiên quyết không nói một lời, ngồi câm lặng “mắt dán xuống đất”

+ Ra-ma tê dại “nom chàng khủng khiếp như thần chết”.

=> Một tâm lý phức tạp với nhiều cung bậc giằng xé trong con người Ra-ma:

Anh hùng (cao thượng) >< Con người (mềm yếu)

=> Hoàn cảnh ngặt nghèo buộc Ra-ma phải lựa chọn danh dự của bản thân và gia tộc

=> Đó là một hình mẫu lý tưởng của người anh hùng thời xưa.

=> Mặc dù rất yêu vợ nhưng Ra-ma bị đặt trong tình thế của một bậc quân vương mẫu mực và đứng trong không gian của cộng đồng lời buộc tội càng trở nên gay gắt. 

3. Lời đáp và hành động của Xi-ta

- Phản ứng trước những lời buộc tội của Rama

+ Mở tròn xoe đôi mắt đẫm lệ,

+ Đau đớn đến nghẹt thở như một dây leo bị vòi voi quật nát, muốn chôn vùi cả hình hài lẫn thân xác.

+ Nước mắt đổ ra như suối, giọng nói nghẹn ngào nức nở

=> Phản ứng của Xi-ta từ ngạc nhiên đến sững sờ, bàng hoàng đến đau đớn tột độ

- Lời đáp của Xi-ta.

+ Chỉ trích lời nói của Ra-ma, xem đó là lời lẽ của kẻ thấp hèn chửi mắng một con mụ thấp hèn.

+ Nêu ra những bằng chứng chứng minh cho sự thủy chung: Khỉ Ha-nu-man có thể làm chứng cho nàng, nguồn gốc xuất thân cao quý không cho phép nàng làm điều ô uế

+ Lấy tư cách của mình ra để thề: “hãy tin vào danh dự của thiếp”

+ Khẳng định tình yêu dành cho Ra-ma: “trái tim thiếp thuộc về chàng”.

=> Lời nói của Xi-ta vừa có tình vừa có lí, thể hiện nàng là một người phụ nữ lí trí, thông minh, đức hạnh và chung thủy.

- Hành động tự thiêu của Xi-ta

+ Xi-ta đi quanh Ra-ma, cúi lậy chư thần, đấng Bra-ma, cầu xin sự chứng giám của thần Lửa A-nhi

+ Nàng dũng cảm chấp nhận cái chết để chứng minh cho sự chung thủy, cho tình yêu, cho phẩm hạnh của mình.

+ Thái độ của người xung quanh: ai nấy đều đau lòng đứt ruột, các phụ nữ kêu khóc thảm thương,..thể hiện lòng thương cảm, sự tin tưởng.

+ Xi-ta nhảy vào lửa nhưng không chết bởi nàng được thần linh che chở và chứng giám cho sự chung thủy.

+ Thần lửa A- nhi đã xuất hiện mà chứng minh sự trong sạch của Xi-ta trước tất cả dân chúng, quần thần, bạn hữu.

+ Nhờ vậy mà Ra- ma hiểu được tấm lòng và sự thủy chung của vợ, hai người đã được đoàn tụ

=> Xi-ta là mẫu phụ nữ lí tưởng của Ấn Độ yêu chồng, thủy chung, nhẫn nại, chịu đựng, dũng cảm, vị tha.

III. Đọc tác phẩm: Ra-ma buộc tội

Gia-na-ki (Janaki) khiêm nhường đúng trước Ra-ma. Ra-ma nói: “Hỡi phu nhân cao quý! Ta đưa nàng tới đây sau khi đã đánh bại kẻ thù. Ta đã làm tất cả bằng khả năng của mình. Ta đã trả thù kẻ lăng nhục ta và con giận của ta đã hả. Ngày hôm nay, ai nấy đều đã được chứng kiến tài nghệ của ta. Ta đã làm tròn lời hứa, và giờ đây không còn gì vướng mắc với chính mình. Nàng đã bị gã Rắc-sa-xa (Rakshasa) tâm địa xảo trá bắt cóc khi vắng mặt ta, đó là do số phận nàng xui nên, nhưng ta đã gỡ cho nàng khỏi điều vu khống. Kẻ nào bị quân thù lăng nhục mà không đem tài nghệ của mình ra để trả thù là kẻ tầm thường. Ngày hôm nay, việc chàng Ha-nu-man hảo hán vượt biển cả đã kết thúc thành công; việc đốt phá Lan-ka (Lanka) và những kì tích khác đã đem lại vinh quang. Ngày hôm nay, tài nghệ và những lời khuyên sáng suốt của Vi-phi-sa-na (Viphisana) đã hoàn toàn được chứng tỏ; cả những cố gắng của chàng cũng thành công tốt đẹp, chàng đã từ bỏ người anh bất hảo của mình, ủng hộ đại nghĩa của ta và nương tựa vào ta”.

Nghe những lời đó, Gia-na-ki mở tròn đôi mắt đẫm lệ. Thấy người đẹp khuôn mặt bông sen với những cuộn tóc lượn sóng đứng trước mặt mình, lòng Ra-ma đau như dao cắt. Nhưng vì sợ tai tiếng, chàng bèn nói với nàng trước mặt những người khác: “Để trả thù sự lăng nhục, ta đã làm những gì mà một con người phải làm: ta đã tiêu diệt Ra-va-na. Cũng như đại đạo sĩ A-ga-xti-a (Agaxtia) nhờ công sám hối khổ hạnh đã giải thoát cho các xứ phương Nam khỏi nỗi kinh khiếp đối với In-van (Ilvala) và Va-ta-pi (Vatapi)3, ta cũng giải thoát cho cõi thế gian này khỏi mối lo sợ Ra-va-na. Phải biết chắc điều này: chẳng phải vì nàng mà ta đã đánh thắng kẻ thù với sự giúp đỡ của bạn bè. Ta làm điều đó vì nhân phẩm của ta, để xoá bỏ vết ô nhục, để bảo vệ uy tín và danh dự của dòng họ lùng lẫy tiếng tăm của ta. Ta làm điều đó chính là để chứng tỏ ta không thuộc về một gia đình bình thường. Nay ta phải nghi ngờ tư cách của nàng vì nàng đã lưu lại lâu trong nhà một kẻ xa lạ. Giờ đây, nàng đang đứng trước mặt ta, nhưng trông thấy nàng, ta không chịu nổi, chẳng khác nào ánh sáng đối với người bị đau mắt. Vậy ta nói cho nàng hay, nàng muốn đi đâu tuỳ nàng, ta không ưng có nàng nữa. Người đã sinh trong một gia đình cao quý có thể nào lại lấy về một người vợ từng sống trong nhà kẻ khác, đơn giản chỉ vì mụ ta là một vật để yêu đương? Nàng đã bị quấy nhiễu khi ở trong vạt áo của Ra-va-na, đôi mắt tội lỗi của hắn đã hau háu nhìn khắp người nàng, vậy làm sao ta có thể nhận nàng về khi nghĩ tới gia đình cao quý đã sinh ra ta?

Nay mục đích cứu nàng đã đạt được rồi, ta không cần đến nàng nữa. Nàng muốn đi đâu tuỳ ý. Hỡi phu nhân cao quý! Ta nói rõ cho nàng hay, chẳng chút quanh co, ngập ngừng: nàng có thể để tâm đến Lắc-ma-na(Laksmana), Bha-ra-ta(Bharata),Xa-tru-na(Xatruna), Xu-gri-va (Xugriva), hay nếu nàng thích, nàng có thể đi theo Vi-phi-sa-na cũng được,...

Thấy nàng yêu kiều xinh đẹp, lại có được nàng trong nhà hắn, Ra-va-na đâu có chịu đựng được lâu”.

Nghe những lời giận dữ đó của Ra-ma, Gia-na-ki đau đón đến nghẹt thở, như một cây dây leo bị vòi voi quật nát. Nghe những lời tố cáo chưa từng có, trước mặt đồng đủ mọi người, Gia-na-ki xấu hổ cho số kiếp của nàng. Nàng muốn tự chôn vùi cả hình hài thân xác của mình. Mỗi lời nói của Ra-ma xuyên vào trái tim nàng như một mũi tên. Nước mắt nàng đổ ra như suối. Lấy tà áo lau nước mắt, rồi bằng giọng nghẹn ngào, nức nở, nàng nói: “Cớ sao chàng lại dùng những lời lẽ gay gắt khó tả như vậy đối với thiếp, giống như một kẻ thấp hèn chửi mắng một con mụ thấp hèn? Thiếp đâu phải là người như chàng tưởng! Thiếp có thể lấy tư cách của thiếp ra mà thề, hãy tin vào danh dự của thiếp. Suy từ hành vi của loại phụ nữ thấp hèn, chàng đã ngờ vực tất cả giới phụ nữ, nhưng như thế đâu có phải. Nếu chàng có hiểu biết thiếp chút đỉnh thì xin hãy từ bỏ mối ngờ vực không căn cứ đó đi.

Chàng xem, Ra-va-na đã đụng tới thiếp khi mà thiếp đang chết ngất đi, làm thế nào tránh được? Về điều đó, chỉ có số mệnh của thiếp là đáng bị chê trách, nhưng những gì nằm trong vòng kiểm soát của thiếp, túc trái tim thiếp đây, là thuộc về chàng. Thiếp có thể làm gì với cái thân thiếp đây, bởi nó có thể phụ thuộc vào kẻ khác, khi thiếp hoàn toàn ở dưới quyền lực của hắn. Thiếp còn gì là thanh danh, nếu như chàng vẫn chưa hiểu được thiếp qua tình yêu của thiếp và qua tiếp xúc với tâm hồn của thiếp. Hồi chàng phái Ha-nu-man tới dò tin túc về thiếp, cớ sao chàng không gửi cho thiếp lời nhắn nhủ chàng từ bỏ thiếp? Nếu thế thì thiếp đã kết liễu đời mình ngay trước mặt chàng Va-nara (Vanara) đó rồi. Mà sự thể đã như vậy, thì chàng chẳng cần phải mạo hiểm để có thể nguy hại đến thân mình; và các bạn hữu của chàng đã khỏi phải chịu đựng những phiền muộn, đau khổ. Hỡi Đức vua! Như một người thấp hèn bị cơn giận giày vò, Người đang nghĩ về thiếp như một phụ nữ tầm thường. Tên thiếp là Gia-na-ki, bởi vì thiếp có liên quan đến lễ tế sinh của nhà vua Gia-na-ka chứ không phải vì thiếp sinh ra trong gia đình đó; chỉ có nữ thần Đất là mẹ của thiếp thôi. Vì không thể suy xét cho đúng đắn, chàng đã không hiểu được bản chất của thiếp. Chàng không nghĩ đến vì sao hồi còn thanh niên chàng đã cưới thiếp. Tình yêu của thiếp, lòng trung thành của thiếp nay xem ra hoàn toàn vô ích!”.

Nói dứt lời, Gia-na-ki và khóc. Nàng nói với Lắc-ma-na lúc này đang buồn bã và suy nghĩ ủ ê: “Hỡi Lắc-ma-na, em hãy chuẩn bị cho chị một giàn hoả thiêu. Với nông nỗi đáng buồn hiện nay, đó là phương thúc duy nhất cho chị. Chị không muốn sống sau những lời tố cáo lầm lạc như vậy. Chồng chị không hài lòng về chị, chàng đã ruồng rẫy chị trước mặt mọi người. Giờ thì chị sẽ từ bỏ tấm thân này cho ngọn lửa”.

Cố nén cơn giận, Lắc-ma-nanhìn Ra-ma, và qua nét mặt, cử chỉ của người anh, Lắc-ma-na đoán được động cơ của anh. Chàng chuẩn bị một giàn hoả thiêu cho Xi-ta. Vào lúc đó, chẳng có ai trong đám bạn hữu dám nói gì với Ra-ma, hoặc nhìn vào chàng lúc đó nom chàng khủng khiếp như thần Chết vậy.

Ra-ma vẫn ngồi, mắt dán xuống đất, Xi-ta lượn quanh chàng rồi bước tới giàn lửa. Sau khi cúi lạy chư thần, đấng Bra-ma(Brahma), nàng thưa với thần Lửa A-nhi (Agni):

“Nếu con trước sau một lòng một dạ với Ra-ma thì cúi xin thần hãy tìm cách bảo vệ con. Ra-ma đã coi một phụ nữ trinh tiết như một kẻ gian dối, nhưng nếu con trong trắng, xin thần A-nhi phù hộ cho con”.

Nói dứt lời, Gia-na-ki lượn quanh giàn thiêu rồi dũng cảm bước vào ngọn lửa. Ai nấy, già cũng như trẻ, đau lòng đứt ruột xem nàng Gia-na-ki đứng trong giàn hoả. Trước mặt mọi người, trang tuyệt thế giai nhân đó nạp mình cho lửa. Các bậc thánh, các chư thần nhìn Gia-na-ki bước vào lửa, chẳng khác một lễ vật trong lễ tế sinh.

Thấy nàng như vậy, như một thiên thần bị đuổi khỏi trời do một thần chú nguyền rủa, các phụ nữ bật ra tiếng kêu khóc thảm thương. Cả loài Rắc-sa-xa lẫn loài Va-na-ra cùng kêu khóc vang trời trước cảnh tượng đó.

Xem thêm các bài tóm tắt tác giả, tác phẩm Ngữ văn lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Tác giả - tác phẩm: Thần trụ trời

Tác giả - tác phẩm: Ra – ma buộc tội (Trích sử thi Ra-ma-ya-na – Van-mi-ki)

Tác giả - tác phẩm: Cảm xúc mùa thu – Bài 1 (Đỗ Phủ)

Tác giả - tác phẩm: Tự tình – Bài 2 (Hồ Xuân Hương)

Tác giả - tác phẩm: Câu cá mùa thu (Nguyễn Khuyến)

Đánh giá

0

0 đánh giá