Với tóm tắt lý thuyết Lịch sử lớp 10 Bài 10: Cơ sở hình thành văn minh Đông Nam Á thời kì cổ - trung đại sách Cánh diều hay, chi tiết cùng với bài tập trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Sử 10.
Lịch sử lớp 10 Bài 10: Cơ sở hình thành văn minh Đông Nam Á thời kì cổ - trung đại
Phần 1. Lý thuyết Lịch sử 10 Bài 10: Cơ sở hình thành văn minh Đông Nam Á thời kì cổ - trung đại
1. Cơ sở tự nhiên
1.1. Vị trí địa lí
- Nằm ở phía đông nam của châu Á.
- Gồm hai bộ phận là Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo.
- Khu vực này được coi là “ngã tư đường” giao thông quốc tế (giữa Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương; giữa lục địa Á - Âu với châu Úc)
Lược đồ khu vực Đông Nam Á
1.2. Điều kiện tự nhiên
- Địa hình:
+ Bao gồm hệ thống núi đồi, cao nguyên, thung lũng, đồng bằng, xen kẽ với các đảo, quần đảo,...
+ Phần lớn các quốc gia Đông Nam Á đều tiếp giáp biển.
- Sông ngòi: có nhiều sông lớn, như Mê Công, Sa-lu-en, I-ra-oa-đi, sông Hồng, Chao Phờ-ray-a,...
- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa điển hình với đặc trưng chung là nóng ẩm, mưa nhiều
- Nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, đặc biệt là sự phong phú của các loại khoáng sản, lâm sản, thổ sản, cây hương liệu, gia vị…
Một số loại hương liệu, gia vị ở Đông Nam Á
2. Cơ sở xã hội
2.1 Cư dân, tộc người
- Cư dân Đông Nam Á được cho là kết quả của sự pha trộn giữa hai chủng tộc: Môn-gô-lô-ít và Ốt-xtra-lô-ít, sinh ra tiểu chủng Môn-gô-lô-ít phương Nam.
- Từ tiểu chủng Môn-gô-lô-ít phương Nam này lại chia thành 2 nhánh (còn gọi là 2 loại hình nhân chủng), gồm: nhánh Nam Á và nhánh Anh-đô-nê-diêng
- Từ mỗi loại hình nhân chủng trên lại có sự cộng huyết, hòa huyết với nhau, hình thành nên nhiều tộc người khác nhau.
=> Do đó, thành phân dân cư và tộc người ở Đông Nam Á rất phong phú.
2.2. Tổ chức xã hội
- Tổ chức xã hội cơ bản của cư dân Đông Nam Á là làng (với tên gọi khác nhau ở mỗi vùng, miền).
- Làng có vai trò tạo dựng nên các cộng đồng cư dân có quan hệ gần gũi với nhau, cùng đoàn kết để chinh phục thiên nhiên và chống ngoại xâm.
=> Chính sự phát triển của các cộng đồng cư dân này đã chuẩn bị cho sự ra đời của văn minh Đông Nam Á.
3. Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc
3.1. Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ
- Từ khoảng đầu Công nguyên, cư dân Đông Nam Á đã có sự tiếp xúc,giao lưu với văn hóa Ấn Độ
- Con đường giao lưu văn hóa: truyền đạo và thương mại
- Cư dân Đông Nam Á đã tiếp nhận có chọn lọc và sáng tạo các giá trị văn hóa mới từ văn hóa Ấn Độ, như: tôn giáo, chữ viết, văn học, nghệ thuật, kiến trúc, lễ hội…
Chùa vàng ở Thái Lan
- Một số biểu hiện ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đến Đông Nam Á:
+ Hin-đu giáo, Phật giáo từ Ấn Độ để lại dấu ấn sâu đậm trong cách thức tổ chức bố máy nhà nước và đời sống tinh thần của nhiều quốc gia Đông Nam Á
+ Chữ viết của Ấn Độ có mặt ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á. Trên cơ sở hệ thống chữ viết của người Ấn Độ, cư dân Đông Nam Á đã sáng tạo ra những chữ viết của riêng dân tộc mình, như: chữ Chăm cổ; chữ Khơ-me cổ; chữ Mã Lai cổ…
+ Các tác phẩm văn học của Ấn Độ, đặc biệt là bộ sử thi Ramayana có ảnh hưởng sâu rộng của các nước Đông Nam Á. Cư dân Đông Nam Á đã sáng tạo ra những tác phẩm văn học của mình dựa trên nguyên tác là sử thi Ramayana, ví dụ như: Riêm Kê (Campuchia), Ra-ma Kiên (Thái Lan)…
3.2. Ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc
- Các quốc gia Đông Nam Á tiếp xúc với văn hóa Trung Quốc từ những thế kỉ tiếp giáp Công nguyên.
- Con đường giao lưu văn hóa: sự bành trướng ảnh hưởng của các vương triều Trung Quốc xuống Đông Nam Á
- Một số biểu hiện ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc đến Đông Nam Á:
Đền Thiên Hậu ở Ma-lai-xi-a
+ Nho giáo, Đạo giáo và nhiều học thuyết tư tưởng khác của Trung Quốc được truyền bá vào Đông Nam Á
+ Ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc còn được thể hiện trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, như: ngôn ngữ, văn học, ẩm thực, trang phục, kiến trúc,...
Phần 2. Bài tập trắc nghiệm Lịch sử 10 Bài 10: Cơ sở hình thành văn minh Đông Nam Á thời kì cổ - trung đại
Câu 1. Nhận xét nào sau đây đúng về thành phần cư dân, tộc người ở Đông Nam Á?
A. Thành phần tộc người ở Đông Nam Á rất phong phú.
B. Nhóm Nam Á chỉ sinh sống ở vùng Đông Nam Á hải đảo.
C. Nhóm Anh-đô-nê-diêng chỉ sống ở vùng Đông Nam Á lục địa.
D. Chỉ có một tộc người duy nhất sinh sống trên toàn Đông Nam Á.
Đáp án đúng là: A
- Cư dân Đông Nam Á được cho là kết quả của sự pha trộn giữa hai chủng tộc: Môn-gô-lô-ít và Ốt-xtra-lô-ít, sinh ra tiểu chủng Môn-gô-lô-ít phương Nam.
- Từ tiểu chủng Môn-gô-lô-ít phương Nam này lại chia thành 2 nhánh (còn gọi là 2 loại hình nhân chủng), gồm: nhánh Nam Á và nhánh Anh-đô-nê-diêng
- Từ mỗi loại hình nhân chủng trên lại có sự cộng huyết, hòa huyết với nhau, hình thành nên nhiều tộc người khác nhau.
=> Do đó, thành phần dân cư và tộc người ở Đông Nam Á rất phong phú.
Câu 2. Những tôn giáo nào của Ấn Độ đã du nhập vào Đông Nam Á?
A. Phật giáo và Nho giáo.
B. Hồi giáo và Thiên Chúa giáo.
C. Nho giáo và Đạo giáo.
D. Hin-đu giáo và Phật giáo.
Đáp án đúng là: D
Hin-đu giáo và Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào Đông Nam Á và để lại những dấu ấn sâu đậm trong cách thức tổ chức bộ máy nhà nước, đời sống tinh thần của cư dân.
Câu 3. Trên cơ sở sử thi Ra-ma-ya-na của Ấn Độ, cư dân Campuchia đã sáng tạo ra tác phẩm nào?
A. Phạ Lắc Phạ Lam.
B. Ma-ra-rao.
C. Riêm Kê.
D. Ra-ma Khiên.
Đáp án đúng là: C
Trên cơ sở sử thi Ra-ma-ya-na của Ấn Độ, cư dân Campuchia đã sáng tạo ra tác phẩm Riêm Kê.
Câu 4. Cư dân Lào sáng tạo ra tác phẩm Phạ Lắc Phạ Lam trên cơ sở của bộ sử thi nào dưới đây?
A. Ma-ha-bha-ra-ta.
B. Ra-ma-ya-na.
C. I-li-át.
D. Ô-đi-xê.
Đáp án đúng là: B
Cư dân Lào sáng tạo ra tác phẩm Phạ Lắc Phạ Lam trên cơ sở của bộ sử thi Ra-ma-ya-na.
Câu 5. Cư dân Đông Nam Á đã có sự tiếp xúc, giao lưu với văn hóa Ấn Độ ngay từ
A. đầu Công nguyên.
B. thế kỉ X.
C. thế kỉ XV.
D. thế kỉ XX.
Đáp án đúng là: A
Từ khoảng đầu Công nguyên, cư dân Đông Nam Á đã có sự tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ thông qua các thương nhân và nhà truyền đạo.
Câu 6. Đông Nam Á là cầu nối giữa hai đại dương nào?
A. Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
B. Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
C. Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.
D. Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương.
Đáp án đúng là: A
Khu vực Đông Nam Á được coi là “ngã tư đường” giao thông quốc tế (là cầu nối giữa Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương; giữa lục địa Á - Âu với châu Úc)
Câu 7. Nội dung nào dưới đây không phản ánh đúng điều kiện tự nhiên của khu vực Đông Nam Á?
A. Địa hình bị chia cắt bởi núi, cao nguyên, biển,…
B. Tất cả các quốc gia Đông Nam Á đều giáp biển.
C. Có nhiều sông lớn, đồng bằng phù sa màu mỡ.
D. Nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa.
Đáp án đúng là: B
Hiện nay, Lào là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không tiếp giáp với biển.
Câu 8. Phần lớn các nước Đông Nam Á đều tiếp giáp với biển nên có điều kiện thuận lợi để phát triển
A. nghề nông trồng lúa nước.
B. sản xuất thủ công nghiệp.
C. nghề đi biển và buôn bán đường biển.
D. sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp.
Đáp án đúng là: C
Phần lớn các nước Đông Nam Á đều tiếp giáp với biển nên có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề đi biển và buôn bán đường biển. Biển cũng tạo đường giao thương cho các nước trong khu vực, đồng thời nối liền Đông Nam Á với các tuyến đường thương mại hàng hải quốc tế.
Câu 9. Ở Đông Nam Á, nghề nông trồng lúa nước phát triển do có
A. đường bờ biển dài, nhiều vũng, vịnh kín gió.
B. sông ngòi ngắn và dốc, nhiệt độ cao, ít mưa.
C. nhiều sông lớn, đồng bằng châu thổ màu mỡ.
D. khí hậu hàn đới với đặc trưng: nhiệt độ thấp, ít mưa.
Đáp án đúng là: C
Ở Đông Nam Á, nghề nông trồng lúa nước phát triển do có nhiều sông lớn, đồng bằng châu thổ màu mỡ.
Câu 10. Cư dân Đông Nam Á là kết quả của sự pha trộn giữa hai chủng tộc nào?
A. Môn-gô-lô-ít và Nê-grô-ít.
B. Nê-grô-ít và Ốt-xtra-lô-ít.
C. Ơ-rô-pê-ô-ít và Nê-grô-ít.
D. Môn-gô-lô-ít và Ốt-xtra-lô-ít.
Đáp án đúng là: D
Cư dân Đông Nam Á là kết quả của sự pha trộn giữa hai chủng tộc Môn-gô-lô-ít và Ốt-xtra-lô-ít.
Câu 11. Văn hóa Ấn Độ được truyền bá vào Đông Nam Á thông qua con đường nào?
A. Chiến tranh xâm lược.
B. Giao lưu kinh tế và truyền đạo.
C. Chiến tranh xâm lược và truyền đạo.
D. Giao lưu kinh tế và chiến tranh xâm lược.
Đáp án đúng là: B
Từ khoảng đầu Công nguyên, cư dân Đông Nam Á đã có sự tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ thông qua các thương nhân và nhà truyền đạo.
Câu 12. Học thuyết tư tưởng nào của Trung Quốc đã được truyền bá vào Đông Nam Á?
A. Phật giáo.
B. Thiên Chúa giáo.
C. Nho giáo.
D. Hồi giáo.
Đáp án đúng là: C
Các quốc gia Đông Nam Á đã có sự tiếp xúc với văn hóa Trung Quốc từ những thế kỉ tiếp giáp công nguyên. Nho giáo, Đạo giáo và nhiều học thuyết tư tưởng khác của Trung Quốc đã được truyền bá vào Đông Nam Á.
Câu 13. Nội dung nào dưới đây không phản ánh đúng những cơ sở hình thành văn minh Đông Nam Á thời cổ - trung đại?
A. Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc.
B. Cơ sở về cư dân, tộc người và tổ chức xã hội.
C. Cơ sở về điều kiện tự nhiên.
D. Ảnh hưởng của văn minh Hy Lạp - La Mã.
Đáp án đúng là: D
Văn minh Đông Nam Á thời cổ - trung đại được hình thành dựa trên các cơ sở về:
+ Điều kiện tự nhiên
+ Cư dân, tộc người và tổ chức xã hội.
+ Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc.
Câu 14. Cư dân các quốc gia Chăm-pa, Cam-pu-chia,… đã sáng tạo ra chữ viết riêng trên cơ sở tiếp thu
A. chữ Hán của Trung Quốc.
B. chữ Phạn của Ấn Độ.
C. chữ La-tinh của La Mã.
D. chữ hình nêm của Lưỡng Hà.
Đáp án đúng là: B
Cư dân các quốc gia Chăm-pa, Cam-pu-chia,… đã sáng tạo ra chữ viết riêng trên cơ sở tiếp thu chữ Phạn của Ấn Độ.
Câu 15. Tác phẩm văn học nào của Ấn Độ có ảnh hưởng sâu rộng tại khu vực Đông Nam Á?
A. Sử thi Đăm-săn.
B. Vở kịch Ơ-đíp làm vua.
C. Sử thi Ra-ma-ya-na.
D. Vở kịch Ô-ten-lô.
Đáp án đúng là: C
Sử thi Ra-ma-ya-na của Ấn Độ có ảnh hưởng sâu rộng tại khu vực Đông Nam Á. Trên cơ sở tiếp thu tác phẩm văn học này, cư dân Đông Nam Á đã sáng tạo ra nhiều tác phẩm của riêng mình, như: Riêm Kê (Campuchia), Ra-ma Khiên (Thái Lan), Phạ Lắc Phạ Lam (Lào),…
Xem thêm các bài tóm tắt lý thuyết Lịch sử lớp 10 Cánh diều hay, chi tiết khác:
LT Lịch sử 10 Bài 9: Cách mạng công nghiệp thời kì hiện đại
LT Lịch sử 10 Bài 10: Cơ sở hình thành văn minh Đông Nam Á thời kì cổ - trung đại