Sách bài tập Ngữ Văn 7 Bài 10: Trang sách và cuộc sống | Kết nối tri thức

3.4 K

Tailieumoi sưu tầm và biên soạn giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Bài 10: Trang sách và cuộc sống sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 7. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 7 Bài 10: Trang sách và cuộc sống

Đọc hiểu và thực hành Tiếng Việt trang 38, 39, 40

Bài tập 2. trang 38, 39, 40 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Những tấm lòng cao cả - cuốn nhật kí về những điều nhỏ bé có ý nghĩa lớn lao

Tập truyện "Những tấm lòng cao cả" của nhà văn Ý Ét-môn-đô đơ A-mi-xi

(Edmondo de Amicis) ra mắt bạn đọc lần đầu tiên vào ngày 18 tháng 10 năm 1886, ngay sau đó được chào đón nồng nhiệt ở Ý. Trải qua những biến động của lịch sử, vượt ra khỏi phạm vi bối cảnh nước Ý cuối thế kỉ XIX, tác phẩm luôn được nhiều thế hệ độc giả trên thế giới đón nhận và yêu mến. Có thể nói, "Những tấm lòng cao cả" là cuốn nhật kí về những điều nhỏ bé, về những chuyện rất bình thường, nhưng sức lay động của tình yêu thương, lòng trung thực, sự chân thành và quả cảm từ những câu chuyện nhỏ lại thật mạnh mẽ.

Tập truyện được thể hiện dưới hình thức một cuốn nhật kí của cậu học trò lớp 3 - En-ri-cô Bốt-ti-ni (Enrico Bottini). Cốt truyện là chuỗi sự việc xảy ra trong suốt năm học lớp 3 của En-ri-cô và các bạn, gắn với không gian cụ thể của nhà trường, gia đình, thành phố nơi lũ trẻ học tập và sinh sống. Nhưng rộng hơn, đó chính là bối cảnh của nước Ý nửa cuối thế kỉ XIX với nhiều biến động xã hội: cuộc tái thiết đất nước sau khi nước Ý giành được độc lập, những xung đột và mâu thuẫn ngay trong lòng xã hội vì nghèo đói, đông dân và di dân sau chiến tranh,... Tuy nhiên, chính trong bối cảnh đó, khát vọng vun đắp nên một thế hệ mới với tâm hồn trung thực, cao thượng, quả cảm - những tấm lòng cao cả thực sự đã trở thành niềm cảm hứng mãnh liệt của Ét-môn-đô đơ A-mi-xi, thôi thúc ông viết nên thiên truyện như một “thiên trường ca cảm động về nghề dạy học” (Hoàng Thiếu Sơn).

Mười chương của cuốn sách gắn với mười tháng trong năm học của En-ri-cô

ở trường và ở nhà cùng với thầy cô, bạn bè và cha mẹ. Mỗi ngày của En-ri-cô đều

không thể quên được qua những trang nhật kí ngắn gọn, giản dị. Từng trang nhật kí của cậu học trò lớp 3 như những mảnh ghép nhỏ tạo nên một bức tranh toàn cảnh, gợi ấn tượng sâu sắc và cảm động về từng khoảnh khắc của đời sống, từng con người, mà ở đó, vượt lên trên những éo le, ngang trái và mất mát, vượt lên nỗi nhọc nhằn, thống khổ hằng ngày là tình yêu thương và lòng trung thực. En-ri-cô luôn cảm nhận được tình yêu thương hết lòng của thầy cô dành cho học trò, mặc dù việc dạy học cũng vô cùng khó khăn, gian khổ. Ấn tượng về cô giáo lớp 1, về thầy hiệu trưởng, và đặc biệt là thầy chủ nhiệm lớp 3 – thầy Péc-bô-ni (Pecboni) thật sâu đậm trong trái tim cậu bé. Ngay từ những trang nhật kí đầu tiên – ngày khai trường, cùng với niềm vui được lên lớp mới, En-ri-cô đã bắt đầu cảm nhận về nỗi buồn nhớ khi tạm biệt thầy giáo cũ thân thương: “Chúng tôi sắp bước qua cổng thì thấy có người đặt tay lên vai mình: Đó là thầy giáo lớp 2 của tôi, có mái tóc hung, bù xù và tính vui vẻ không bao giờ cạn. Thầy bảo tôi: “Chúng ta thế là xa nhau mãi rồi phải không En-ri-cô?”. Tôi cũng biết như vậy, thế mà lời nói của thầy vẫn làm cho lòng tôi nặng trĩu” Tuy còn là một đứa trẻ, En-ri-cô đã bắt đầu cảm nhận nỗi buồn như một phần của cuộc sống, nhưng chính điều đó đã làm cho cậu học trò lớp 3 trưởng thành hơn: sự trưởng thành trong tình yêu thương và lòng trắc ẩn, cùng với điều ấy, cậu bé biết trân trọng hơn mỗi khoảnh khắc của đời sống, của những kỉ niệm với thầy cô, bạn bè và gia đình. Bài học đầu tiên mà En-ri-cô và các bạn học được từ thầy chủ nhiệm Péc-bô-ni là bài học của yêu thương, chân thành và lòng trung thực, không chỉ bằng lời nói mà trong mọi hành động, trong cách ứng xử nghiêm khắc mà bao dung của thầy trước lỗi lầm của cậu học trò mới “múa như con rối” ngay sau lưng thầy, khi thầy bận chăm sóc một học sinh có dấu hiệu bị ốm “mặt ửng đỏ và đầy những nốt sưng nhỏ;... Những lời từ trái tim người thầy đã lay động và cảm hoá cả những học trò tưởng như cứng đầu nhất: “Thầy không muốn phải phạt một ai. Các con hãy tỏ ra cho thầy thấy là những đứa trẻ chân thành, dũng cảm. Trường học của chúng ta sẽ là một gia đình, và các con sẽ là niềm an ủi và niềm tự hào của thầy? Ngay sau giờ học ấy, dù thầy Péc-bô-ni không phạt và không yêu cầu cậu học trò “múa như con rối” sau lưng thầy phải xin lỗi, nhưng điều bất ngờ đã xảy ra: Cậu học trò lúc nãy đứng trên ghế làm trò, bước lại gần thầy và hỏi thầy với giọng run run: “Thưa thầy, thầy có tha lỗi cho con không ạ?“ Tình yêu thương và lòng trung thực được thể hiện trong những điều nhỏ bé, bình thường nhất, trong cách ứng xử hằng ngày giữa thầy cô và học trò, giữa cha mẹ và con cái, giữa những đứa trẻ với nhau và đặc biệt là cách chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật, đau ốm, không nơi nương tựa,... Có nhiều trang nhật kí của En-ri-cô chỉ dành để viết về người đàn bà bán rau quả rong đau ốm trong căn gác xép (ngày 28 tháng 10), cậu bé nạo ống khói (ngày 31 tháng 10), về bác bán than (ngày 7 tháng 1), hoặc về những người nghèo khổ vô gia cư trên phố,... Qua những trang nhật kí ấy, cậu bé lớp 3 hiểu hơn về tình yêu thương và lòng trung thực. Và quan trọng hơn, đó là cách để cậu bé tự hiểu về mình, tự sửa mình và trưởng thành hơn.

Với cách thể hiện đó, En-ri-cô vừa là một nhân vật trong tác phẩm, vừa là một người kể chuyện trung thực, giàu lòng trắc ẩn. Dường như không có ai là nhân vật chính. En-ri-cô cũng không tự kể về mình nhiều. Mỗi ngày của En-ri-cô trong trang nhật kí là một ngày để học thêm điều mới từ chính những gì bình thường, quen thuộc nhất trong lớp học, ở nhà, trên đường phố, trong ngõ nhỏ, trong căn gác xép của những người nghèo sống quanh cậu,... Lối viết từ cách nhìn, cách cảm nhận qua trang nhật kí trong một năm học của cậu học trò lớp 3 En-ri-cô Bốt-ti-ni đã giúp Ét-môn-đô đơ A-mi-xi gửi gắm được những điều cao cả một cách tự nhiên, chân thực và bình dị nhất. Có lẽ, đó cũng là điều tác giả muốn các bạn nhỏ vun đắp hằng ngày: làm những việc nhỏ bé với tình yêu thương lớn lao và tâm hồn cao thượng.

(Nhóm biên soạn)

 

Câu 1 trang 40 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Người viết tập trung bàn luận về vấn đề gì trong tác phẩm Những tấm lòng cao cả?

Trả lời:

Vấn đề được đưa ra bàn luận: những điều nhỏ bé có ý nghĩa lớn lao

 

Câu 2 trang 40 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Tìm một số câu văn cho biết rõ hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Hoàn cảnh này có liên quan như thế nào tới đời sống được thể hiện trong tác phẩm?

Trả lời:

Chú ý những câu văn nêu không gian, thời gian, bối cảnh lịch sử của tác phẩm. Hãy liệt kê 2 - 3 câu tiêu biểu như:

+ Tập truyện … nồng nhiệt ở nước Ý.

+ Nhưng rộng hơn …. sau chiến tranh.

 

Câu 3 trang 40 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Hãy tìm những lí lẽ, bằng chứng được người viết sử dụng nhằm làm sáng tỏ ý kiến về nội dung và đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm.

Trả lời:

Các lí lẽ và bằng chứng được đưa ra: Hãy tìm những lí lẽ, bằng chứng được người viết sử dụng nhằm làm sáng tỏ ý kiến về nội dung và đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm.

+ nội dung: đề tài, đời sống và ý nghĩa được thể hiện trong các câu chuyện

+ nghệ thuật: hình thức thể hiện, cốt truyện, người kể chuyện.

 

Câu 4 trang 40 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Mối quan hệ giữa mục đích viết và đặc điểm, nội dung chính của văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học được thể hiện như thế nào trong văn bản này?

Trả lời:

Mục đích viết phù hợp với đặc điểm, nội dung chính của văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học được. Tác giả muốn các bạn nhỏ vun đắp hàng ngày: làm những việc nhỏ bé với tình yêu thương lớn lao và tâm hồn cao thượng.

  • Bài tập 3. trang 40 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Sau khi đọc một cuốn sách yêu thích, nếu có cơ hội gửi tới nhà văn một số câu hỏi về tác phẩm, em sẽ đặt những câu hỏi nào? Những câu hỏi nào em có thể dự đoán câu trả lời? Hãy dự đoán câu trả lời.

    Trả lời:

    Có thể đặt câu hỏi về những vấn đề mà em quan tâm hoặc muốn tìm hiểu rõ hơn sau khi đọc sách. Câu hỏi có thể liên quan đến:

    - Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.

    - Mục đích của nhà văn khi viết tác phẩm.

    - Ý nghĩa của nhan đề tác phẩm.

    - Mối quan hệ giữa nhân vật, sự việc trong tác phẩm và đời sống thực.

    Tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề nêu trên đều có thể dự đoán được câu trả lời dựa vào suy luận từ những thông tin có sẵn trong tác phẩm hoặc những thông tin em đã tìm hiểu thêm về tác phẩm. Hãy tự trả lời theo cách của em và chú ý tính phù hợp của câu trả lời với đặc điểm nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

  • Viết trang 40, 41

  • Bài tập 1 trang 40 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Ghi chép ngắn gọn về một cuốn sách em đã chọn để đọc.

    Trả lời:

    Sơ đồ tham khảo dưới đây là một gợi ý cho em:

    SBT Ngữ văn 7 Bài tập 1 trang 40 Kết nối tri thức

    Tuy nhiên, em có thể trình bày một cách sinh động, cụ thể hơn. Tham khảo thêm cách trình bày sau của một bạn học sinh và chọn cách thể hiện mà em yêu thích.

    SBT Ngữ văn 7 Bài tập 1 trang 40 Kết nối tri thức

  • Bài tập 2 trang 40, 41 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Tưởng tượng về cuộc gặp gỡ của em với một nhân vật mà em yêu thích trong cuốn sách đã đọc và trả lời các câu hỏi sau:

    Câu 1 trang 41 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Nếu được hỏi nhân vật một số câu hỏi, em sẽ đặt những câu hỏi nào?

    Trả lời:

    Có thể đặt câu hỏi về:

    - Lai lịch của nhân vật.

    - Tình huống xuất hiện của nhân vật trong tác phẩm.

    - Những điều em muốn hiểu rõ hơn về sở thích, tâm trạng của nhân vật.

    - Hành động mà nhân vật đã thực hiện (được kể trong tác phẩm) hoặc có thể thực hiện (theo dự đoán của em).

    Câu 2 trang 41 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Nhân vật có thể trả lời em ra sao? Hãy hình dung và viết lại câu trả lời cho mỗi câu hỏi đó.

    Trả lời:

    Hãy dự đoán câu trả lời dựa vào các chi tiết trong tác phẩm. Nhưng em cũng có thể tưởng tượng ra những câu trả lời theo cách mà em suy nghĩ, mong muốn.

    Câu 3 trang 41 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Kể lại cuộc trò chuyện của em và nhân vật theo hình thức một câu chuyện hoặc một bài phỏng vấn.

    Trả lời:

    Căn cứ vào những câu hỏi và câu trả lời (dự kiến) từ câu 1 và câu 2, thể hiện lại cuộc trò chuyện của em với nhân vật. Có thể trình bày như một bài phỏng vấn (xem lại phần Đọc và trải nghiệm cùng nhân vật và phần Đọc và trò chuyện cùng tác giả trong SGK (tr. 106 - 108)).

    * Bài văn mẫu tham khảo:

    Màn đêm đã buông xuống ôm trọn một ngày hè oi ả. Gió lồng lộng thổi, không khí đã dịu mát hơn. Em cùng bà nằm trên chiếc chõng tre, bà kể cho em nghe câu chuyện “Cây khế”. Giọng nói của bà sao mà dịu dàng, nhẹ nhàng quá, đang lắng tai nghe, em bỗng mơ màng chìm vào giấc ngủ. Trong mơ, em đã gặp được nhân vật người em trong câu chuyện “Cây khế”. Đó quả là một cuộc gặp gỡ thú vị, đáng nhớ.

    Em như được quay ngược về quá khứ, trở lại không gian của làng quê Việt Nam ta thuở trước. Trước mắt em hiện lên hình ảnh của một ngôi nhà tranh khá cũ kĩ, một khoảng sân nhỏ, trong khoảng sân đó có một cây khế ngọt. Dưới gốc cây, có một người đàn ông đang đứng bần thần, ngước mắt nhìn lên từng chùm lá khế xanh tươi. Người đàn ông này mặc trên mình bộ trang phục quý phái, sang trọng làm bằng lụa tơ tằm, tóc búi củ hành, trông vô cùng quyền quý. Nhưng gương mặt, ánh mắt nhìn cây khế lại bô cùng bi thương, đượm buồn. Em đoán đây là nhân vật người em trong câu chuyện “Cây khế”. Sau khi người anh ra đi, người em trở nên giàu có, nhưng có vẻ cái chết của người anh đã để lại nỗi đau lớn trong lòng người em. Em chậm rãi bước lại gần, người đàn ông giật mình, quay lại nhìn em với ánh mắt đầy bất ngờ. Em mạnh dạn hỏi người đàn ông:

    – Cháu xin lỗi vì đã làm phiền, nhưng ngài có phải là nhân vật người em trong câu chuyện “Cây khế” không ạ?

    – Phải, chính là ta. – Người đàn ông do dự đáp- Cậu là ai? Sao lại đến đây?

    Em trả lời:

    – Cháu chỉ là một người học trò bình thường thôi ạ. Cháu đã được nghe kể về câu chuyện của ngài.

    Hôm nay gặp được ngài ở đây, quả là may mắn.

    Người em nghe thế, không nói gì, chỉ quay đầu tiếp tục ngước nhìn cây khế. Em bước lại gần, cất tiếng hỏi:

    – Ngài đang đau buồn vì cái chết của ngườu anh trai ư?

    Người em vẫn đáp lại bằng giọng nói buồn bã:

    – Khi mất đi người thân, ai mà không đau buồn cơ chứ. Huống chi, đó lại là người thân duy nhất của ta.

    Tôi tò mò hỏi tiếp:

    – Ngài có trách chim thần vì đã hất anh ngài xuống biển không?

    – Ta không trách chim thần. Chuyện ra cơ sự này là do lòng tham bô đáy của anh trai ta. Nếu anh trai ta không quá tham lam, cố lấy thật nhiều châu báu thì chim thần cũng đâu hất anh ta xuống biển.

    Tôi gật gù:

    – Cũng đúng, nhờ chim thần mà ngài trở nên giàu có. Giờ đây, ngài không cần phải làm lụng vất vả, không cần phải chịu khổ cực nữa.

    Người em nghe vậy liền nói:

    – Ta muốn dùng số vàng mà chim thần tặng để đi giúp đỡ những người dân nghèo khổ, bất hạnh hơn ta trong cuộc sống. Ta vẫn muốn sống cuộc sống giản dị, bình thường như trước kia. Có vẻ như ta không thích hợp với cuộc sống giàu sang, phú quý.

    Nghe vậy, em vô cùng khâm phục phẩm chất, lòng nhân ái, thương người của người em. Em muốn nói chuyện nhiều hơn nữa. Những chưa kịp mở lời, em đã bị đánh thức khỏi giấc mộng đẹp bởi tiếng gọi của bà:

    – Cháu ơi dậy đi. Cháu vào giường mà ngủ cho muỗi khỏi đốt.

    Em bừng tỉnh giấc, nhưng vẫn còn mơ màng, bâng khuâng về cuộc gặp gỡ thú vị vừa qua với nhân vật người em trong câu chuyện “Cây khế”. Quả thực, giấc mơ đó đã đem đến cho em nhiều bài học quý giá: về lòng vị tha và lòng yêu thương con người.

  • Bài tập 3 trang 41 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Viết cảm nhận của em về cuốn sách đã đọc (trong vai một nhà phê bình).

    Tham khảo cấu trúc bài viết sau:

    SBT Ngữ văn 7 Bài tập 3 trang 41 Kết nối tri thức

    Trả lời:

     

    Sơ đồ tham khảo là một gợi ý cho em. Tuy nhiên, em có thể xem lại SGK (tr. 104 - 106) phần Đọc cùng nhà phê bình để nắm vững hơn các yêu cầu và cách trình bày một văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học.

    Cần chú ý:

    - Giới thiệu được tên tác phẩm, vấn đề cần bàn luận, hoàn cảnh đời sống trong tác phẩm.

    - Nêu được ý kiến về đặc điểm nội dung của tác phẩm: đề tài, vấn đề đời sống trong tác phẩm, ý nghĩa, chủ đề.

    - Nêu được ý kiến về đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm: ngôn ngữ, biện pháp nghệ thuật, hình ảnh,...

    * Bài văn mẫu tham khảo:

    Viết về cuốn sách Chuyện con mèo dạy hải âu bay

    “Một câu chuyện khiến tâm hồn nở hoa, một thế giới vẹn nguyên, trong sáng và nhân hậu sâu xa, một câu chuyện như viên ngọc khó tìm, dành cho mọi trẻ em và người lớn”. Tôi đang nói đến cuốn sách "Chuyện con mèo dạy hải âu bay" của nhà văn Luis sepúlveda, nhà xuất bản hội Nhà văn.

    Cuốn sách là món quà vô cùng quý giá mà cô bạn Khánh Đăng đã dành tặng tôi. Một cuốn sách nhẹ nhàng nhưng đầy ý nghĩa nhân văn. Một cuốn sách mà ở đó, tôi học được sự tận tâm và tầm quan trọng của việc giữ lời hứa. “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” là một câu chuyện đầy tình người và tình mèo gói gọn trong 140 trang sách. Một câu chuyện cổ tích, một câu chuyện tưởng chừng hết sức phi lí chuyện con mèo dạy hải âu bay. Tôi đã rất thắc mắc khi lần đầu cầm cuốn sách trên tay: không có cánh, làm sao một con mèo lại có thể dạy hải âu bay? Đọc đến trang cuối cùng, tôi đã tìm ra lời giải: Cuộc sống muôn màu, mỗi loài một khác nhưng tình yêu thương thì không! Và chú mèo Zorba đã dạy được hải âu bay bằng tất cả tình yêu thương của mình.

    “Tôi hứa rằng tôi sẽ không ăn quả trứng!”

    “Tôi xin hứa rằng tôi sẽ chăm lo cho quả trứng đến khi con chim non ra đời.”

    “Tôi hứa sẽ dạy nó bay."

    Câu chuyện kể về chàng mèo Zorba mập ú và hành trình thực hiện ba lời hứa với Kengah cô hải âu tội nghiệp đã chết vì váng dầu trên biển, sau khi để lại quả trứng. Tưởng chừng đó chỉ là lời hứa an ủi để nàng hải âu Kengah nhắm mắt yên lòng nhưng Zorba đã khiến nó trở thành lời hứa cộng đồng mèo ở bến cảng. Bắt một con mèo ấp trứng thật sự không hề đơn giản chút nào. Trong những ngày khó khăn đó, thỉnh thoảng Zorba thấy thật uổng phí thì giờ, bởi có vẻ như nó đang chăm lo một vật thể không sức sống. Thậm chí, cơ thể nó còn bị chuột rút do không được vận động. Nhưng khi quả trứng nứt ra, một cái đầu trắng, bé xíu, ướt nhẹp thò ra khỏi vỏ trứng, con chim non chiếp chiếp gọi "Má!" thì bao mệt mỏi, vất vả, khó khăn trước đó tan biến hết. Zorba xúc động khiến nó "ngượng hồng lựng cả mình". Zorba đã gặp phải nhiều khó khăn khi yêu thương đứa con khác biệt của mình, nhưng nó chấp nhận điều đó. Nó bắt ruồi cho con chim nhỏ ăn mặc cho bị gọi là con mèo mập khùng điên đang tập thể dục. Vì Lucky bé bỏng Zorba đã phải thương lượng với lũ chuột hôi hám. Nó bỏ thời gian hội ý và tư vấn để dạy cho hải âu bay một việc mà chính nó cũng không làm được.

    Chú mèo Zorba mập ú, mèo Secretario nhanh nhảu, Đại tá quyền quý, mèo Einstein uyên bác hay cả chú mèo Bốn Biển đều cố gắng dạy cô bé hải âu ấy học bay, một điều mà họ chưa bao giờ thực hành. Nhưng bằng tất cả tình yêu thương, bằng sự tận tâm của mình, họ đã đánh thức Lucy tìm lại khả năng của chính mình: "Con là chim hải âu và con phải sống cuộc đời của một con hải âu. Con phải bay”. Tôi đã thấy Ở Zorba, một con mèo can đảm, một con mèo trọng lời hứa. Nó hoàn toàn có thế hủy lời hứa khi cô hải âu đã chết, nhưng với tất cả danh dự của một con mèo, nó đã giữ lại và thực hiện lời hứa ấy bằng tất cả sự nhiệt và tình yêu thương của mình. Con người chúng ta có lẽ nên xem lại bản thân mình khi nhìn thấy một con mèo như thế, đôi khi ta nói những lời hứa rồi lại dễ dàng nuốt trôi những lời hứa ấy!

    “Chúng ta đã dành cho con sự chăm sóc mà không hề nghĩ tới việc biến con thành con mèo. Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Chúng ta cảm thấy con cũng yêu chúng ta như vậy, chúng ta là bạn con, là gia đình của con và chúng ta muốn con biết rằng nhờ con, chúng ta đã học được một điều đáng tự hào: Chúng ta học được cách trân trọng, quý mến và yêu thương một kẻ không giống chúng ta”. Những lời giảng giải của Zorba với “đứa con” Lucky đã giúp tôi nhận ra để thấu hiểu và yêu thương kẻ khác là một việc rất khó nhưng không phải không thể: “Thật dễ dàng để chấp nhận yêu thương một kẻ nào đó giống mình thật sự rất khó khăn và con đã giúp chúng ta làm được điều đó”. Con mèo mun ấy đã làm được, đã yêu thương con hải âu, chăm sóc nó mà không hề nghĩ tới việc biến con hải âu thành một con mèo. Chúng ta cũng thấy một con người như nhà thơ, đã thấu hiểu mèo Zorba mà chấp nhận giúp đỡ nó. Một con người cũng đã vượt qua luật bất thành văn của loài người là những loài khác không nói được tiếng người để đến giúp đỡ một con mèo dạy hải âu bay.

    Cuốn sách còn cho tôi thấy những bà mẹ tuyệt vời. Là mẹ hải âu đã vất vả chống chọi với cái chết từ vết dầu đang phủ lên thân nó, chống chọi với những giọt dầu đang thấm vào nó, chống chọi với cái chết để lo cho cuộc đời của đứa con trong quả trứng sắp sinh ra. Tôi thấy hình ảnh của một người mẹ vĩ đại. Người mẹ thứ hai là Zorba, mặc dù là anh mèo, nhưng nó luôn được Lucky gọi là má: “Con yêu má, Zorba. Má là con mèo tuyệt vời nhất thế giới”. Và má Zorba ấy đã rơi nước mắt khi nhìn thấy “đứa con” của mình bay lượn trên trời.

    Tôi còn thấy ở câu chuyện này tình bạn thật đẹp giữa những con mèo, việc của một con mèo cũng là việc của tất cả những con mèo vùng cảng. Tôi cũng thấy ở đó những sự tàn phá của con người tác động đến thiên nhiên thông qua lời kể của chú mèo Bốn Biển, qua cái chết thương tâm của nàng hải âu Kengah . . . Thiết nghĩ con người chúng ta phải suy nghĩ và hành động đúng đắn để bảo vệ môi trường. Đừng để những việc làm vô ý thức của chúng ta hôm nay giết chết những thế hệ mai sau.

    Gấp cuốn sách lại, tôi vẫn nghe giọng nói đáng yêu của cô hải âu bé nhỏ Lucky: “Con yêu má, Zorba!”. Tình yêu thương chỉ đơn giản vậy thôi, trong trẻo và tự nhiên!

    “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” thật sự là một câu chuyện nhẹ nhàng, tình cảm nhưng vô cùng xúc động, đầy triết lí, nhân văn, một câu chuyện khiến tâm hồn nở hoa.

  • Bài tập 4 trang 41 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Tóm tắt một tác phẩm truyện mà em đã đọc theo một số hình thức sau:

    - Viết văn bản tóm tắt.

    - Lập sơ đồ để tóm tắt.

    Có thể chuyển thể thành truyện tranh hoặc thơ bốn chữ, năm chữ sau khi em đã tóm tắt được nội dung chính của truyện.

    Trả lời:

    Em đã được tìm hiểu và thực hành tóm tắt truyện trong bài 1. Bầu trời tuổi thơ

    và tập làm thơ bốn chữ, năm chữ trong bài 2. Khúc nhạc tâm hồn. Để thực hiện được bài tập này, em cần chú ý các bước sau:

    - Tóm tắt truyện trên cơ sở trả lời ngắn gọn những câu hỏi sau: Truyện kể về sự việc gì? Có những nhân vật nào? Câu chuyện xảy ra ở đâu, bao giờ? Câu chuyện mở đầu, diễn biến và kết thúc thế nào?

    - Từ văn bản, sơ đồ tóm tắt, có thể chuyển thể thành truyện tranh. Tham khảo cách trình bày tóm tắt một phần nội dung truyện Bầy chim chìa vôi trong SGK (tr. 110 - 111). Em cũng có thể tham khảo cách tóm tắt truyện bằng hình thức thơ bốn chữ, năm chữ trong bài làm của bạn học sinh như hình dưới.

    SBT Ngữ văn 7 Bài tập 4 trang 41 Kết nối tri thức

    SBT Ngữ văn 7 Bài tập 4 trang 41 Kết nối tri thức

    SBT Ngữ văn 7 Bài tập 4 trang 41 Kết nối tri thức

    SBT Ngữ văn 7 Bài tập 4 trang 41 Kết nối tri thức

  • Bài tập 5 trang 41 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Trong những cuốn sách đã đọc, nhân vật nào đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc? Viết bài văn phân tích nhân vật đó.

    Trả lời:

    Xem lại các yêu cầu của bài văn phân tích một nhân vật yêu thích trong cuốn sách đã đọc (SGK, tr. 112). Thực hành viết theo các bước và kiểm tra lại bài viết trên cơ sở các câu hỏi sau:

    - Trong bài viết, em đã giới thiệu được nhân vật yêu thích chưa?

    - Bài viết đã trình bày được đặc điểm nổi bật của nhân vật qua các lí lẽ và bằng chứng cụ thể chưa?

    - Bài viết đã nêu được nhận xét, đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn chưa?

    - Bài viết có nêu được ý nghĩa, bài học rút ra từ nhân vật hay không?

    * Bài văn mẫu tham khảo:

    Bầy chim chìa vôi” là một trong những truyện ngắn vô cùng ý nghĩa dành cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là thanh thiếu niên. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều khi đăng tải truyện ngắn đã nhắn nhủ: “Hy vọng những cậu bé, cô bé – những công dân tương lai của chúng ta mang một tấm lòng nhân ái để bảo vệ thế gian này đang bị chính người lớn chúng ta tàn phá.” Đây cũng chính là điều mà hai nhân vật chính Mon và Mên trong câu chuyện đã làm được. Hai cậu bé cho người đọc một cảm giác gần gũi, nhẹ nhàng, vừa dũng cảm, đáng yêu.

    “Bầy chim chìa vôi” là tác phẩm truyện ngắn kể về hai cậu bé Mon và Mên cùng những suy nghĩ, hành động bảo vệ tổ chim chìa vôi trong đêm bão, câu chuyện được kể theo ngôi thứ ba thú vị, hấp dẫn, cùng với nghệ thuật miêu tả nhân vật qua lời đối thoại đặc sắc đã làm nổi bật lên hình ảnh hai cậu bé Mon và Mên vừa dễ thương, vừa giàu lòng nhân ái.

    Mở đầu câu chuyện là khoảng thời gian đêm khuya với sự trằn trọc của hai cậu bé. Mon tuy là em trai, nhưng cậu bé lại chính là người bắt đầu những câu hỏi thể hiện sự lo lắng về tổ chim chìa vôi. Cậu bé liên tục hỏi anh Mên: “Anh ơi… em bảo…”, sau đó là hàng loạt những câu hỏi thắc mắc về tổ chim chìa vôi: “Thế bãi cát giữa sông đã ngập chưa?”; “Thế anh bảo chúng có bơi được không?”; “Sao nó lại không làm tổ trên bờ hả anh?”; “Thế làm thế nào bây giờ?”… Liên tục những câu hỏi lặp lại cho thấy suy nghĩ non nớt nhưng vô cùng lo lắng cho tổ chim chìa vôi ở bãi cát giữa sông. “Những con chim chìa vôi non bị chết đuối mất”. Thậm chí, có thể do quá lo lắng, em Mon còn đặt ra thắc mắc tại sao những chú chim chìa vôi lại làm tổ trên bãi cát giữa sông như vậy? Tại sao chúng không lựa một nơi an toàn, cao và khô ráo hơn, để chúng an toàn trong đêm mưa bão, và cũng để cho hai anh em Mon và Mên bớt lo lắng, suy nghĩ về sự an toàn của bầy chim.

    Sau một hồi xoay mình qua lại, thì thầm khó ngủ, cố gắng suy nghĩ sang chuyện khác thì Mon vẫn không thể ngủ được, bèn thủ thỉ với anh mình, ngập ngừng gọi “anh ơi…” rồi đưa ra quyết định rằng “mình phải đem chúng vào bờ, anh ạ”. Đây là một quyết định quả quyết, thể hiện Mon là một cậu bé mạnh mẽ, quá quyết, không thể bỏ rơi tổ chim chìa vôi trong đêm nước sông đang lên, từ những lo lắng đã biến thành quyết định. Quyết định đi cứu những chú chim non không đến từ anh Mên mà lại đến từ chính Mon, đây là điều thể hiện sự dũng cảm, nhân hậu và lòng quyết tâm của Mon.

    Trái ngược với sự quan tâm trực tiếp từ Mon, anh trai của cậu bé – Mên lại có một cách lo lắng kín đáo hơn, tuy có chút cọc cằn nhưng lại vô cùng ấm áp. Khi em trai trằn trọc giữa đêm không ngủ, thực chất anh Mên cũng chưa ngủ được, cũng vì thế nên cậu bé mới trả lời em trai một cách tỉnh táo và ráo hoảnh tới vậy. Thay vì lo lắng trực tiếp và liên tục đặt ra câu hỏi, Mên lại đáp lại em trai một cách cục cằn: “Gì đấy? Mày không ngủ à?...”; “Bảo cái gì mà lắm thế?” hay “Tao không biết”. Dẫu vậy, anh Mên cũng bày tỏ nỗi lo lắng “Ừ nhỉ”, “Tao cũng sợ”. Để nỗi lo lắng qua đi, Mon và Mên đã nghĩ đến câu chuyện bắt cá cùng bố, cười “hi hi” khi nghe em Mon kể trò nghịch ngợm, nhưng dường như hai cậu bé vẫn không yên tâm chìm vào giấc ngủ. Khi em Mon nhắc lại một lần nữa: “Tổ chim sẽ bị chìm mất”, Mên im lặng nhưng một lúc sau hỏi lại: Thế làm thế nào bây giờ?, cuối cùng im lặng một phút sau khi em trai đưa ra quyết định đi cứu tổ chim, đưa ra câu hỏi “Đi bây giờ à?”. Đây không phải một câu hỏi thể hiện sự chần chừ của Mên mà chỉ là một lời nói giúp em trai Mon chắc chắn về quyết định của mình, chắc chắn hai anh em sẽ đi cùng nhau. Điều này cho thấy Mên là một người anh cọc cằn, hay tỏ ra gắt gỏng với em trai nhưng cũng có một tấm lòng ấm áp, nhân hậu, sự quan tâm của cậu bé thể hiện qua suy nghĩ và hành động chứ không qua lời nói.

    Hai anh em sau thời gian rạng sáng vật lộn trên bờ sông với chiếc đò, cuối cùng đã đưa con đò về vị trí cũ, trời đã “tang tảng sáng”. Khung cảnh bình minh hiện lên với vẻ đẹp lạ kì cùng nhiều cảm xúc. Hai đứa trẻ chạy ngược lên đoạn bờ sông dối diện với dải cát, trong khi Mon tò mò về dải cát đã bị nhấn chìm hay chưa, thì anh Mên ngồi thụp xuống, căng mắt nhìn sát mặt sông. Thật may, bãi cát chưa bị nước nhấn chìm hết. Bình minh đã đủ sáng để soi rõ những hạt mưa trên mặt sông, con nước bắt đầu dần lên và nuốt chửng dải cát. Trong những giây cuối cùng, bầy chim chìa vôi non cất cánh bay lên không trung tạo nên một “cảnh tượng như huyền thoại” trong mắt hai đứa trẻ. Đây là thời điểm chín muồi, chim non đủ cứng cáp và ý thức được sự nguy hiểm của dòng nước sắp nuốt chửng chúng, cũng là thời điểm mà trong lòng hai anh em Mon và Mên trào lên cảm giác hạnh phúc, thành tựu và hạnh phúc khó tả. Hai anh em đứng không nhúc nhích, gương mặt tái nhợt vì nước mưa nhưng đã hửng lên ánh mặt trời ấm áp, hạnh phúc. Hai anh em quay lại nhìn nhau, đã khóc từ bao giờ.

    Hai anh em Mon và Mên đều là những cậu bé dũng cảm, nhân hậu nhưng cũng vô cùng trong sáng, đáng yêu. Khung cảnh bầy chim chìa vôi bay lên từ bãi cát giữa sông đã tác động đến cảm xúc của hai đứa trẻ, đó là một cảnh đẹp, kì diệu và gỡ bỏ bao nhiêu lo lắng, bất an của hai anh em.

    Qua hai nhân vật Mon và Mên, chúng ta càng thấy rõ hơn những phẩm chất tốt đẹp mà bất cứ thiếu niên nào cũng nên có: nhân hậu, dũng cảm, biết yêu thương loài vật, con người. Là một thiếu niên, hãy cùng nhau nuôi dưỡng và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của mình, để có thể giống như mong muốn của tác giả: những công dân tương lai của chúng ta mang một tấm lòng nhân ái để bảo vệ từng thứ nhỏ bé nhất trên thế giới này.

  • Nói và Nghe trang 41

    Bài tập trang 41 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Chọn một trong hai nội dung sau để thuyết trình trong Ngày hội với sách:

    Câu 1 trang 41 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Giới thiệu về các sản phẩm sáng tạo sau khi đọc sách.

    Trả lời:

    Tranh minh họa: Bầy chim chìa vôi

    Giới thiệu về các sản phẩm sáng tạo sau khi đọc sách

    Câu 2 trang 41 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Trình bày ý kiến về ý nghĩa, tác dụng của việc đọc sách.

    Trả lời:

    Em thực hiện bài tập này cùng với các bạn theo hình thức thuyết trình trên lớp. Em có thể chọn nội dung phù hợp và sử dụng các công cụ hỗ trợ như:

    - Văn bản đa phương thức đã chuẩn bị trong phần Đọc và Thực hành tiếng Việt.

    - Các văn bản đã chuẩn bị trong phần Viết. Chú ý chuyển đổi thành hình thức nói sao cho sinh động, cuốn hút.

    Nên trao đổi, thảo luận, đặt câu hỏi sau khi nói và nghe để hoạt động này thực sự hữu ích đối với em và các bạn.

    * Bài nói mẫu tham khảo:

    Ngày nay khi công nghệ thông tin vô cùng phát triển, người ta có thể dễ dàng tìm được những nguồn giải trí khác nhau. Thế nhưng đối với rất nhiều người, đọc sách vẫn là một thói quen thú vị mang đến nhiều lợi ích. Chúng ta bắt đầu bước vào cuộc sống, bắt đầu bước vào những tháng ngày học tập và rèn luyện bằng những ngày tháng học tập và rèn luyện bằng những cuốn sách thân yêu.

    Sách mở mang cho ta trí tuệ, đem đến cho ta hiểu biết, dẫn dắt chúng ta vào những chỗ sâu xa và giải thích cho chúng ta những gì bí ẩn. Sách là sông, là biển, là rừng. Sách là cả xã hội rộng lớn bao la. Sách đưa chúng ta đến những thiên hà nghĩa là đưa chúng ta đến những thế giới vượt xa ngoài tầm với. Thế nhưng cũng có những cuốn sách viết về những thế giới vi mô. Khi ấy, chúng ta mới biết ngay trong bàn tay nhỏ bé của mình cũng là cả một thế giới riêng đang ngự trị. Sách đem đến cho chúng ta hiểu biết nhưng sách còn giúp chúng ta thư giãn. Khi buồn ta có thể giải khuây bằng những mẩu chuyện hài. Khi vui, chúng ta có thể thư thái mà cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống qua những áng văn chương.

    Xem phim ảnh, chúng ta thấy vô cùng thích mắt. Thế nhưng trí tưởng tượng chắc chắn không được phát huy mạnh mẽ bằng khi ta đọc sách. Đọc một cuốn sách, chúng ta có thể thỏa sức bay lượn theo những thú chơi của ngôn từ để mà hình dung, để mà tưởng tượng. Đọc sách nhiều, chúng ta sẽ có những ý nghĩa hay, những ngôn từ đẹp. Và thế là khi cần ta có thể pha trò hay có thể tự tin mà giao tiếp với xung quanh.

    Lợi ích của việc đọc sách còn là ở chỗ: sách không bị giới hạn về không gian và thời gian. Bạn có thể đi về quá khứ, đi đến tương lai. Bạn có thể kiếm tìm bất cứ những gì mình thích. Bởi ngay cả khi đã có thêm máy tính thì sách vẫn là công cụ quan trọng nhất lưu giữ trí khôn của nhân loại bao la. Chính việc sách không bị giới hạn về không gian và thời gian mà đọc sách sẽ giúp chúng ta học cũ mà biết mới. Từ đó mà ấp ủ, nâng niu, vun đắp và xây dựng cho những khát vọng trong tương lai.

    Trong những ý nghĩa lớn lao của sách, chúng ta đặc biệt quan tâm đến việc sách làm đẹp tâm hồn. Đọc sách nhất là sách văn chương, chúng ta được đi đến những miền đất bao la. Ở đó, chúng ta có thể gặp những người hạnh phúc hay những người bất hạnh. Những người ấy có thể vui sướng hay đau khổ hơn cuộc sống của chúng ta. Chính vì thế mà chúng ta có thể vui mừng hay cảm động chia sẻ, tự hào, thích thú hay thất vọng, nhói đau. Tất cả những tình cảm ấy, dần dần bồi đắp tình thương yêu cho tâm hồn của mỗi chúng ta. Nó nối kết chúng ta với mỗi người trong cùng một dân tộc hay cả nhân loại bao la.

    Như vậy đọc sách đem đến cho chúng ta nhiều lợi ích. Sách là báu vật của mỗi người. Hãy biết quý trọng và nâng niu nó. Hãy để nó là chiếc cầu đưa chúng ta đến với tương lai.

    Thực tế có ý kiến cho rằng: "Đọc sách là sinh hoạt và nhu cầu trí tuệ thường trực của con người có cuộc sống trí tuệ". Ý kiến này một lần nữa đã khẳng định những tác dụng lớn lao mà sách đem lại cho con người.

  • Xem thêm các bài giải SBT Ngữ Văn lớp 7 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

    Bài 7: Thế giới viễn tưởng

    Bài 8: Trải nghiệm để trưởng thành

    Bài 9: Hoà điệu với tự nhiên

    Bài 10: Trang sách và cuộc sống

    Ôn tập học kì 2

Đánh giá

0

0 đánh giá