Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 12 (Kết nối tri thức): Hệ thống pháp luật và văn bản pháp luật Việt Nam

6.5 K

Với tóm tắt lý thuyết Kinh tế pháp luật lớp 10 Bài 12: Hệ thống pháp luật và văn bản pháp luật Việt Nam sách Kết nối tri thức hay, chi tiết cùng với bài tập trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Kinh tế pháp luật 10.

Kinh tế pháp luật lớp 10 Bài 12: Hệ thống pháp luật và văn bản pháp luật Việt Nam

Phần 1. Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 12: Hệ thống pháp luật và văn bản pháp luật Việt Nam

1. Hệ thống pháp luật Việt Nam

- Hệ thống pháp luật Việt Nam là tổng thể các quy phạm pháp luật, các nguyên tắc. định hướng pháp luật có mối liên hệ mật thiết và thống nhất với nhau, được sắp xếp thành các ngành luật, các chế định pháp luật và được thể hiện trong các văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo những hình thức, thủ tục nhất định để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam.

- Về cấu trúc: hệ thống pháp luật bao gồm: các ngành luật, các chế định pháp luật và các quy phạm pháp luật.

+ Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện để điểu chỉnh quan hệ xã hội theo định hướng và nhằm đạt được những mục đích nhất định.

+ Chế định pháp luật là tập hợp các quy phạm pháp luật có cùng tính chất điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội tương ứng trong một hoặc nhiều ngành luật.

+ Ngành luật là tập hợp các quy phạm pháp luật có đặc tính chung để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong một lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội.

- Về hình thức: hệ thống pháp luật được thể hiện qua các văn bản quy phạm pháp luật.

Lý thuyết KTPL 10 Kết nối tri thức Bài 12: Hệ thống pháp luật và văn bản pháp luật Việt Nam

Hệ thống pháp luật Việt Nam

2. Văn bản pháp luật Việt Nam

a) Văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo một trật tự nhất định mà Nhà nước muốn xác lập).

- Văn bản quy phạm pháp luật gồm các đặc điểm:

+ Có chứa quy phạm pháp luật.

+ Do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

+ Hình thức, trình tự, thủ tục ban hành do luật quy đinh.

- Văn bản quy phạm pháp luật gồm văn bản luật và văn bản dưới luật.

+ Văn bản luật là văn bản do Quốc hội ban hành gồm: Hiến pháp, bộ luật, luật, nghị quyết.

+ Văn bản dưới luật gồm có: pháp lệnh, nghị quyết, nghị quyết liên tịch, lệnh, quyết định, nghị định, thông tư, thông tư liên tịch.

Lý thuyết KTPL 10 Kết nối tri thức Bài 12: Hệ thống pháp luật và văn bản pháp luật Việt Nam

b) Văn bản áp dụng pháp luật Việt Nam

- Văn bản áp dụng pháp luật:

+ Là văn bản chứa đựng các quy tắc xử sự cá biệt, mang tính quyền lực nhà nước do cơ quan, công chức nhà nước có thẩm quyền hoặc cá nhân, tổ chức xã hội được Nhà nước trao quyền ban hành theo trình tự, thủ tục luật định trên cơ sở áp dụng các quy phạm pháp luật đối với những quan hệ cụ thể, cá biệt nhằm xác lập quyền và nghĩa vụ cụ thể của cá nhân, tổ chức nhất định hoặc xác định trách nhiệm pháp lí đối với chủ thể vi phạm pháp luật.

+ Có nội dung cụ thể đối với cá nhân, tổ chức xác định, được thực hiện một lần trong thực tiễn.

 Lý thuyết KTPL 10 Kết nối tri thức Bài 12: Hệ thống pháp luật và văn bản pháp luật Việt Nam

Quyết định điều động và bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh

Phần 2. Trắc nghiệm Kinh tế pháp luật 10 Bài 12: Hệ thống pháp luật và văn bản pháp luật Việt Nam

Câu 1. Văn bản nào dưới đây không phải văn bản dưới luật?

A. pháp lệnh.

B. lệnh.

C. Hiến pháp.

D. nghị quyết.

Đáp án đúng là: C

Văn bản dưới luật gồm: pháp lệnh, nghị quyết, nghị quyết liên tịch, lệnh, quyết định, nghị định, thông tư, thông tư liên tịch. Hiến pháp thuộc văn bản luật.

Câu 2. Về hình thức, hệ thống pháp luật được thể hiện qua

A. các chế định pháp luật.

B. các văn bản quy phạm pháp luật.

C. các ngành luật

D. đáp án khác.

Đáp án đúng là: B

Về hình thức, hệ thống pháp luật được thể hiện qua các văn bản quy phạm pháp luật.

Câu 3. Tập hợp các quy phạm pháp luật có cùng tính chất điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội tương ứng được gọi là gì?

A. Chế định pháp luật.

B. Ngành luật.

C. Quy phạm pháp luật.

D. Văn bản pháp luật.

Đáp án đúng là: A

Chế định pháp luật là tập hợp các quy phạm pháp luật có cùng tính chất điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội tương ứng trong một hoặc nhiều ngành luật.

Câu 4. Ai là người ban hành văn bản quy phạm pháp luật?

A. Chủ tịch nước

B. người có thẩm quyền theo pháp luật quy định.

C. các cơ quan nhà nước

D. các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền theo pháp luật quy định.

Đáp án đúng là: D

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục luật định, trong đó có chứa các quy phạm pháp luật, được áp dụng nhiều lần trong đời sống xã hội nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo một trật tự nhất định mà Nhà nước muốn xác lập. Chỉ các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền theo pháp luật quy định mới được ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Câu 5. Cơ sở để quy định tên gọi, trình tự ban hành của văn bản pháp luật là gì?

A. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

B. Luật Ban hành văn bản hợp nhất.

C. Luật Ban hành văn bản.

D. Luật Ban hành văn bản hành chính.

Đáp án đúng là: A

Nội dung của văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng nhiều lần trong thực tiễn đời sống và là cơ sở để ban hành các văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính thông dụng. Hình thức của văn bản quy phạm pháp luật gắn với nội dung, vấn đề pháp luật quy định. Tên gọi, trình tự ban hành được quy định cụ thể trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Câu 6. Cấu trúc hệ thống pháp luật bao gồm những gì?

A. Các chế định pháp luật, các quy phạm pháp luật, các ngành luật.

B. Các quy phạm pháp luật, các ngành luật.

C. Các chế định pháp luật, các ngành luật.

D. Các chế định pháp luật.

Đáp án đúng là: A

Về cấu trúc, hệ thống pháp luật bao gồm: các chế định pháp luật, các quy phạm pháp luật, các ngành luật:

+ Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện để điều chỉnh quan hệ xã hội theo định hướng và nhằm đạt được những mục đích nhất định.

+ Chế định pháp luật là tập hợp các quy phạm pháp luật có cùng tính chất điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội tương ứng trong một hoặc nhiều ngành luật.

+ Ngành luật là tập hợp các quy phạm pháp luật có đặc tính chung để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong một lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội.

Câu 7. Văn bản quy phạm pháp luật có đặc điểm gì?

A. Có chứa quy phạm pháp luật.

B. Do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành.

C. Hình thức, trình tự, thủ tục ban hành do luật quy định.

D. Cả A, B, C đều đúng.

Đáp án đúng là: D

Văn bản quy phạm pháp luật gồm các đặc điểm:

+ Có chứa quy phạm pháp luật.

+ Do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành.

+ Hình thức, trình tự, thủ tục ban hành do luật quy định.

Câu 8. Văn bản quy phạm pháp luật gồm mấy loại chính?

A. 2 loại.

B. 3 loại.

C. 4 loại.

D. 5 loại.

Đáp án đúng là: A

Văn bản quy phạm pháp luật gồm văn bản luật và văn bản dưới luật:

+ Văn bản luật là văn bản do Quốc hội ban hành gồm: Hiến pháp, bộ luật, luật, nghị quyết.

+ Văn bản dưới luật gồm: pháp lệnh, nghị quyết, nghị quyết liên tịch, lệnh, quyết định, nghị định, thông tư, thông tư liên tịch.

Câu 9. Văn bản nào sau đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật?

A. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

B. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

C. Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

D. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018.

Đáp án đúng là: B

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

=> Không thoả mãn các đặc trưng của pháp luật (không mang tính quy phạm xã hội).

Câu 10. Văn bản áp dụng pháp luật có đặc điểm gì?

A. Chứa đựng các quy tắc xử sự cá biệt.

B. Mang tính quyền lực nhà nước

C. Xác lập quyền và nghĩa vụ cụ thể của cá nhân, tổ chức nhất định.

D. Cả A, B, C đều đúng.

Đáp án đúng là: D

Văn bản áp dụng pháp luật là văn bản chứa đựng các quy tắc xử sự cá biệt, mang tính quyền lực nhà nước do cơ quan, công chức nhà nước có thẩm quyền hoặc cá nhân, tổ chức xã hội được Nhà nước trao quyền ban hành theo trình tự, thủ tục luật định trên cơ sở áp dụng các quy phạm pháp luật đối với những quan hệ cụ thể, cá biệt nhằm xác lập quyền và nghĩa vụ cụ thể của cá nhân, tổ chức nhất định hoặc xác định trách nhiệm pháp lí đối với chủ thể vi phạm pháp luật.

Xem thêm các bài tóm tắt lý thuyết Kinh tế pháp luật lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 11: Khái niệm, đặc điểm và vai trò của pháp luật

Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 12: Hệ thống pháp luật và văn bản pháp luật Việt Nam

Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 13: Thực hiện pháp luật

Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 14: Giới thiệu về Hiến pháp nước Cộng hòa chủ nghĩa Việt Nam

Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 15: Nội dung cơ bản Hiến pháp về chế độ chính trị

Lý thuyết Kinh tế pháp luật 10 Bài 16: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp

Đánh giá

0

0 đánh giá