Với tóm tắt lý thuyết Lịch sử lớp 10 Bài 17: Văn minh Phù Nam sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết cùng với bài tập trắc nghiệm chọn lọc có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn Sử 10.
Lịch sử lớp 10 Bài 17: Văn minh Phù Nam
A.Lý thuyết Lịch sử 10 Bài 17:Văn minh Phù Nam
I. Cơ sở hình thành
1. Điều kiện tự nhiên
- Mạng lưới sông ngòi dày đặc kết nối với nhau và đều đổ ra biển qua nhiều cửa sông lớn, trữ lượng nước ngọt dồi dào, nguồn lợi thuỷ sản phong phú, đa dạng;
- Đất đai giàu phù sa.
- Phần biển bao bọc ở phía đông và tây nam lãnh thổ với nhiều hải cảng thuận lợi là con đường hướng ra bên ngoài, tiếp xúc trực tiếp với khu vực Đông Nam Á hải đảo và Ấn Độ. Điều này giúp Phù Nam có thể sớm kết nối với nền thương mại biển quốc tế sôi động qua con đường Tơ lụa và con đường Hồ tiêu.
=> Tạo điều kiện cho phát triển kinh tế nông nghiệp và thương mại.
2. Dân cư và xã hội
a. Dân cư
- Tổ tiên người Phù Nam là các nhóm cư dân bản địa có quá trình phát triển liên tục từ thời kì đồ đá, chủ nhân của nền văn hoá tiền Óc Eo.
- Sự tiếp xúc sớm với văn minh Ấn Độ qua vai trò của thương nhân và các nhà truyền giáo giúp Phù Nam tiếp thu nhiều giá trị văn minh Ấn Độ như chữ viết, tư tưởng, tôn giáo, tổ chức nhà nước và chế độ đẳng cấp.
b. Xã hội
- Gồm nhiều tầng lớp, có sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt dưới ảnh hưởng của Ấn Độ giáo.
+ Quý tộc và tu sĩ: thuộc tầng lớp trên của xã hội, được trọng dụng, chi phối các quan hệ chính trị - xã hội và ngoại giao.
+ Thương nhân: nắm quyền lực lớn trong nền kinh tế.
+ Nông dân, thợ thủ công và một bộ phận nô lệ: là lực lượng lao động, hợp thành tầng lớp bị trị trong xã hội.
II. Thành tựu văn minh tiêu biểu
1. Tổ chức nhà nước
- Nhà nước Phù Nam ra đời vào khoảng đầu thế kỉ I, tồn tại đến thế kỉ VII.
- Nhà nước Phù Nam mang tính chất của nhà nước chuyên chế cổ đại phương Đông, đứng đầu là vua nắm cả vương quyền và thần quyền. Giúp việc cho vua là các quan lại trong hệ thống chính quyền.
Vua Phù Nam (tranh minh họa)
2. Chữ viết
- Khoảng cuối thế kỉ II đầu thế kỉ III, trên cơ sở tiếp nhận chữ Phạn của người Ấn Độ, người Phù Nam đã xây dựng hệ thống chữ viết riêng để ghi lại tiếng nói của mình.
- Nhiều minh văn được người Phù Nam chạm khác trên bia đá, trên khung cửa của những ngôi đền, trên đồ dùng kim khí (bằng sắt, đồng, vàng) hoặc trên những miếng đất nung.
- Thư tịch cổ Trung Quốc cũng cho biết người Phù Nam có nhiều sách vở và thư viện.
3. Đời sống vật chất
- Người Phù Nam xúc tiến mạnh mẽ hoạt động trao đổi, buôn bán với bên ngoài.
- Thương cảng Óc Eo trở thành một trong những trung tâm thương mại quan trọng bậc nhất thời bấy giờ, thu hút thương nhân Ấn Độ, Trung Quốc, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã đến buôn bán nhộn nhịp.
- Ở: nhà sàn làm bằng gỗ, lợp lá.
- Phương tiện đi lại: chủ yếu là thuyền, phù hợp với môi trường sông, rạch và ven biển.
- Trang phục: khá đơn giản, đàn ông mặc khố dài tới gối, ở trấn; phụ nữ dùng một tấm vải quấn lại thành váy và đeo trang sức.
Đồng tiền vàng La Mã được tìm thấy ở Óc Eo
4. Đời sống tinh thần
a. Tín ngưỡng, tôn giáo
- Thịnh hành nhiều tín ngưỡng bản địa Đông Nam Á: tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ thần Mặt Trời.
- Tiếp nhận hệ thống các vị thần, Phật, nghi thức thờ cúng và triết lí từ Ấn Độ giáo, Phật giáo, hoà nhập vào tín ngưỡng bản địa để tạo nên tôn giáo của mình.
b. Nghệ thuật
- Kĩ thuật tạc tượng, điêu khắc trên các chất liệu gỗ, gốm, kim loại rất tinh xảo, chịu ảnh hưởng đậm nét phong cách Ấn Độ.
- Âm nhạc, nghệ thuật ca múa rất phát triển.
c. Phong tục tập quán
- Có tục chôn cất người chết bằng nhiều hình thức: thuỷ táng, hoả táng, địa táng, điểu táng. Khi có người qua đời, những người thân phải cạo đầu, cạo râu và mặc đồ trắng.
- Đeo trang sức, một số đồ vật được coi là bùa chú.
- Biết dùng loại cây giống thạch lựu để chế biến ra rượu uống.
B.Bài tập trắc nghiệm Lịch sử 10 Bài 17:Văn minh Phù Nam
Câu 1. Những lực lượng nào trong xã hội Phù Nam có vai trò chi phối các quan hệ chính trị - xã hội và ngoại giao?
A. Quý tộc và tu sĩ.
B. Nông dân và nô lệ.
C. Nông dân và thợ thủ công.
D. Thợ thủ công và thương nhân.
Đáp án đúng là: A
Xã hội Phù Nam cổ đại gồm nhiều tầng lớp, có sự phân hoá giàu nghèo rõ rệt dưới ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Giới quý tộc và tu sĩ thuộc tầng lớp trên của xã hội, được trọng dụng, chi phối các quan hệ chính trị - xã hội và ngoại giao. (SGK - Trang 101)
Câu 2. Tầng lớp bị trị trong xã hội Phù Nam bao gồm
A. quý tộc, tăng lữ và nông dân.
B. tu sĩ, thợ thủ công và nô lệ.
C. nông dân, thương nhân và quý tộc.
D. nông dân, thợ thủ công và nô lệ.
Đáp án đúng là: D
Nông dân, thợ thủ công và một bộ phận nô lệ là lực lượng lao động, hợp thành tầng lớp bị trị trong xã hội Phù Nam. (SGK - Trang 101)
Câu 3. Nhà nước Phù Nam ra đời vào khoảng thời gian nào?
A. Thế kỉ VII TCN.
B. Đầu thế kỉ I.
C. Cuối thế kỉ II.
D. Đầu thế kỉ III.
Đáp án đúng là: B
Nhà nước Phù Nam ra đời vào khoảng đầu thế kỉ I. (SGK - Trang 101)
Câu 4. Nhà nước Phù Nam mang tính chất của nhà nước
A. dân chủ chủ nô phương Tây.
B. phong kiến phương Đông.
C. chuyên chế cổ đại phương Đông.
D. cộng hòa đại nghị phương Tây.
Đáp án đúng là: C
Trong khoảng bảy thế kỉ tồn tại, nhà nước Phù Nam mang tính chất của nhà nước chuyên chế cổ đại phương Đông, đứng đầu là vua nắm cả vương quyền và thần quyền. Giúp việc cho vua là các quan lại trong hệ thống chính quyền. (SGK - Trang 101)
Câu 5. Người Phù Nam đã dựa vào loại chữ nào để xây dựng hệ thống chữ viết của riêng mình?
A. Chữ Hán.
B. Chữ Phạn.
C. Chữ La-tinh.
D. Chữ Quốc ngữ.
Đáp án đúng là: B
Khoảng cuối thế kỉ II đầu thế kỉ III, trên cơ sở tiếp nhận chữ Phạn của người Ấn Độ, người Phù Nam đã xây dựng hệ thống chữ viết riêng để ghi lại tiếng nói của mình. (SGK - Trang 102)
Câu 6. Địa bàn chủ yếu của Vương quốc Phù Nam là khu vực nào của Việt Nam ngày nay?
A. Bắc Bộ.
B. Nam Bộ.
C. Bắc Trung Bộ.
D. Nam Trung Bộ.
Đáp án đúng là: B
Địa bàn chủ yếu của Vương quốc Phù Nam là khu vực Nam Bộ Việt Nam ngày nay. (SGK - Trang 100)
Câu 7. Văn minh Phù Nam gắn liền với nền văn hóa nào sau đây?
A. Văn hóa Sa Huỳnh.
B. Văn hóa Phùng Nguyên.
C. Văn hóa Óc Eo.
D. Văn hóa Đông Sơn.
Đáp án đúng là: C
Văn minh Phù Nam gắn liền với nền văn hóa Óc Eo. (SGK - Trang 100)
Câu 8. Điều kiện tự nhiên nào sau đây đã tạo cơ sở cho Phù Nam có thể sớm kết nối với nền thương mại biển quốc tế?
A. Giáp biển, có nhiều cảng biển.
B. Mạng lưới sông ngòi dày đặc.
C. Đất đai canh tác giàu phù sa.
D. Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa.
Đáp án đúng là: A
Phần biển bao bọc ở phía đông và tây nam lãnh thổ với nhiều hải cảng thuận lợi là con đường hướng ra bên ngoài, tiếp xúc trực tiếp với khu vực Đông Nam Á hải đảo và Ấn Độ. Điều này giúp Phù Nam có thể sớm kết nối với nền thương mại biển quốc tế sôi động qua con đường Tơ lụa và con đường Hồ tiêu. (SGK - Trang 101)
Câu 9. Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng điều kiện tự nhiên của Phù Nam?
A. Đất đai khô cằn, khó canh tác.
B. Giáp biển, có nhiều hải cảng.
C. Nguồn lợi thuỷ sản phong phú.
D. Mạng lưới sông ngòi dày đặc.
Đáp án đúng là: A
Phù Nam được thiên nhiên ưu đãi nhiều điều kiện cho phát triển kinh tế nông nghiệp và thương mại: mạng lưới sông ngòi dày đặc kết nối với nhau và đều đổ ra biển qua nhiều cửa sông lớn, trữ lượng nước ngọt dồi dào, nguồn lợi thuỷ sản phong phú, đa dạng, đất đai giàu phù sa,... Phần biển bao bọc ở phía đông và tây nam lãnh thổ với nhiều hải cảng thuận lợi là con đường hướng ra bên ngoài, tiếp xúc trực tiếp với khu vực Đông Nam Á hải đảo và Ấn Độ. Điều này giúp Phù Nam có thể sớm kết nối với nền thương mại biển quốc tế sôi động qua con đường Tơ lụa và con đường Hồ tiêu. (SGK - Trang 101)
Câu 10. Văn minh Phù Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn minh nào sau đây?
A. Văn minh La Mã.
B. Văn minh Ấn Độ.
C. Văn minh Lưỡng Hà.
D. Văn minh Trung Hoa.
Đáp án đúng là: B
Văn minh Phù Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn minh Ấn Độ. Sự tiếp xúc sớm với văn minh Ấn Độ qua vai trò của thương nhân và các nhà truyền giáo giúp Phù Nam tiếp thu nhiều giá trị văn minh Ấn Độ như chữ viết, tư tưởng, tôn giáo, tổ chức nhà nước và chế độ đẳng cấp. (SGK - Trang 101)
Câu 11. Một trong những trung tâm thương mại quan trọng bậc nhất của Vương quốc Phù Nam là
A. thương cảng Hội An.
B. thương cảng Đà Nẵng.
C. thương cảng Vân Đồn.
D. thương cảng Óc Eo.
Đáp án đúng là: D
Phát huy lợi thế đường biển với nhiều hải cảng, người Phù Nam xúc tiến mạnh mẽ hoạt động trao đổi, buôn bán với bên ngoài. Thương cảng Óc Eo trở thành một trong những trung tâm thương mại quan trọng bậc nhất thời bấy giờ, thu hút thương nhân Ấn Độ, Trung Quốc, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã đến buôn bán nhộn nhịp. (SGK - Trang 102)
Câu 12. Nhà ở của cư dân Phù Nam chủ yếu là
A. nhà sàn.
B. nhà đất.
C. nhà thuyền.
D. nhà bê tông.
Đáp án đúng là: A
Cư dân Phù Nam sống trong những ngôi nhà sàn làm bằng gỗ, lợp lá. (SGK - Trang 103)
Câu 13. Phương tiện đi lại chủ yếu của cư dân Phù Nam là
A. xe bò.
B. ngựa.
C. voi.
D. thuyền.
Đáp án đúng là: D
Phương tiện đi lại chủ yếu của người Phù Nam là thuyền, phù hợp với môi trường sông, rạch và ven biển. (SGK - Trang 103)
Câu 14. Một trong những tín ngưỡng bản địa của người Phù Nam là
A. tín ngưỡng thờ thánh Ala.
B. tín ngưỡng thờ Chúa.
C. tín ngưỡng thờ Phật.
D. tín ngưỡng phồn thực.
Đáp án đúng là: D
Ở Phù Nam thịnh hành nhiều tín ngưỡng bản địa Đông Nam Á như tín ngưỡng vạn vật hữu linh, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ thần Mặt Trời. (SGK - Trang 103)
Câu 15. Nghệ thuật điêu khắc của người Phù Nam chịu ảnh hưởng đậm nét của quốc gia nào?
A. Ấn Độ.
B. Đại Việt.
C. Trung Quốc.
D. Triều Tiên.
Đáp án đúng là: A
Kĩ thuật tạc tượng, điêu khắc trên các chất liệu gỗ, gốm, kim loại của người Phù Nam rất tinh xảo, chịu ảnh hưởng đậm nét phong cách Ấn Độ. (SGK - Trang 103)
Xem thêm các bài tóm tắt lý thuyết Lịch sử lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:
LT Lịch sử 10 Bài 16: Văn minh Chăm–pa
LT Lịch sử 10 Bài 17: Văn minh Phù Nam
LT Lịch sử 10 Bài 18: Văn minh Đại Việt
LT Lịch sử 10 Bài 19: Các dân tộc trên đất nước Việt Nam
LT Lịch sử 10 Bài 20: Khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam