Giải Sinh Học 12 Bài 42: Hệ sinh thái

2.1 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Sinh Học lớp 12 Bài 42: Hệ sinh thái chính xác, chi tiết nhất giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Hệ sinh thái lớp 12.

Giải bài tập Sinh Học lớp 12 Bài 42: Hệ sinh thái

Trả lời câu hỏi giữa bài

Trả lời câu hỏi thảo luận số 1 trang 187 SGK Sinh học 12: Quan sát hình 42.1, hãy cho biết các thành phần vô sinh và hữu sinh của 1 hệ sinh thái.

Phương pháp giải:

Thành phần vô sinh là môi trường vật lí (sinh cảnh)

Thành phần hữu sinh là quần xã sinh vật.

Trả lời:

- Thành phần vô sinh: Ánh sáng, khí hậu,nhiệt độ, độ ẩm,đất, ...

- Thành phần hữu sinh: Sinh vật sản xuất, sinh vật tiêu thụ, sinh vật phân giải:

+ Sinh vật sản xuất là sinh vật có khả năng sử dụng năng lượng mặt trời để tổng hợp nên các chất hữu cơ. Gồm thực vật là chủ yếu và một số vi sinh vật tự dưỡng.

+ Sinh vật tiêu thụ gồm các động vật ăn thực vật và động vật ăn động vật.

+ Sinh vật phân giải gồm chủ yếu là các vi khuẩn, nấm, một số loài động vật không xương sống (như giun đất, sâu bọ,…); chúng phân giải xác chết và chất thải của sinh vật thành các chất vô cơ.

Trả lời câu hỏi thảo luận số 2 trang 189 SGK Sinh học 12: Hãy nêu ví dụ về một hệ sinh thái nhân tạo. Nêu các thành phần của hệ sinh thái và các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng hệ sinh thái.

Trả lời:

VD: Hệ sinh thái đồng lúa

- Thành phần vô sinh: đất, nước, không khí, nhiệt độ

- Thành phần hữu sinh: vi sinh vật, lúa nước, cỏ dại, châu chấu, ếch nhái…

- Các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng: bón phân hợp lý, diệt trừ cỏ dại, sâu bệnh, tăng cường hoạt động của thiên địch, …

Câu hỏi và bài tập (trang 190 SGK Sinh học lớp 12)

Câu 1 trang 190 SGK Sinh học 12: Thế nào là một hệ sinh thái? Tại sao nói hệ sinh thái biểu hiện chức năng của một tổ chức sống?

Trả lời:

- Khái niệm hệ sinh thái: Hệ sinh thái bao gồm quần xã sinh vật và nơi sống của quần xã (sinh cảnh). Các sinh vật trong quần xã luôn tác động lẫn nhau và đồng thời tác động với các thành phần vô sinh của sinh cảnh.

Nhờ có các tác động qua lại đó mà hệ sinh thái là một hệ thống sinh học loài chính và tương đối ổn định.

- Hệ sinh thái biểu hiện chức năng như một tổ chức sống, qua sự trao đổi vật chất và năng lượng giữa các sinh vật trong nội bộ quần xã và giữa quần xã với sinh cảnh của chúng. Trong đó, quá trình "đồng hoá"  tổng hợp các chất hữu cơ, sử dụng năng lượng mặt trời do các sinh vật tự dưỡng trong hệ sinh thái thực hiện và quá trình "dị hoá" do các sinh vật phân giải chất hữu cơ thưc hiện.

Câu 2 trang 190 SGK Sinh học 12: Hãy lấy ví dụ về một hệ sinh thái trên cạn và một hệ sinh thái dưới nước (hệ sinh thái tự nhiên hoặc nhân tạo), phân tích thành phần cấu trúc của các hệ sinh thái đó.

Trả lời:

Ví dụ hệ sinh thái trên cạn: Hệ sinh thái rừng nhiệt đới

- Thành phần vô sinh: đất, đá, nước, thảm mục,…

- Sinh vật sản xuất: các cây gỗ to, vừa, nhỏ, cây bụi, cây leo,…

- Sinh vật tiêu thụ: chim, khỉ, trâu, bò, hươu, nai, hổ, báo,…

- Sinh vật phân giải: Giun đất, sâu bọ, vi khuẩn, nấm, địa y

Hệ sinh thái dưới nước: Hệ sinh thái đầm nước nông

- Thành phần vô sinh: đất, đá, nước, thảm mục, các chât lắng đọng, nhiệt độ, ánh sáng,…

- Sinh vật sản xuất: Tảo, rong, bèo sen, cây cỏ, cây bụi mọc ven bờ

- Sinh vật tiêu thụ: Cua, ốc, tôm, cá, ếch nhái, rắn, ba ba, chim…

- Sinh vật phân huỷ: giun, các vi sinh vật.

Câu 3 trang 190 SGK Sinh học 12: Hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân tạo có những điếm gì giống và khác nhau?

Trả lời:

Một hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo có những điếm giống và khác nhau:

- Hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo đều có những đặc điếm chung về thành phần cấu trúc, bao gồm thành phần vật chất vô sinh và thành phần hữu sinh.

Thành phần vật chất vô sinh là môi trường vật lí (sinh cảnh) và thành phần hữu sinh là quần xã sinh vật. Các sinh vật trong quần xã luôn tác động lẫn nhau và đồng thời tác động với các thành phần vô sinh của sinh cảnh.

- Tuy nhiên hệ sinh thái nhân tạo cũng có nhiều đặc điểm khác với hệ sinh thái tự nhiên, ví dụ như: hệ sinh thái nhân tạo có thành phần loài ít, do đó tính ổn định của hệ sinh thái thấp, dễ bị dịch bệnh.

Hệ sinh thái nhân tạo nhờ được áp dụng các biện pháp canh tác và kĩ thuật hiện đại nên sinh trưởng của các cá thể nhanh, năng suất sinh học cao....

Câu 4 trang 190 SGK Sinh học 12: Hãy chọn phương án trả lời đúng.

Kiểu hệ sinh thái nào sau đây có đặc điểm: năng lượng mặt trời là năng lượng đầu vào chủ yếu, được cung cấp thêm một phần vật chất và có số lượng loài hạn chế?

A. Hệ sinh thái biển.

B. Hệ sinh thái thành phố.

C. Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới.

D. Hệ sinh thái nông nghiệp.

Trả lời:

Đây là đặc điểm của hệ sinh thái nông nghiệp.

Chọn D.

Lý thuyết Bài 42: Hệ sinh thái

I. Khái niệm hệ sinh thái

- Hệ sinh thái bao gồm quần xã sinh vật và sinh cảnh của quần xã (môi trường vô sinh của quần xã). Trong hệ sinh thái, các sinh vật trong quần xã luôn luôn tác động lẫn nhau và tác động qua lại với các thành phần vô sinh của sinh cảnh.

Giải Sinh Học 12 Bài 42: Hệ sinh thái (ảnh 2)

- Trong hệ sinh thái, trao đổi chất và năng lượng luôn diễn ra giữa các cá thể trong quần xã và giữa quần xã với sinh cảnh của chúng. Trong đó, quá trình “đồng hóa” tổng hợp chất hữu cơ do các sinh vật tự dưỡng thực hiện và quá trình “dị hóa” do các sinh vật phân giải chất hữu cơ thực hiện.

Giải Sinh Học 12 Bài 42: Hệ sinh thái (ảnh 3)

- Bất kì một sự gắn kết nào giữa sinh vật với các nhân tố sinh thái của môi trường để tạo thành một chu trình sinh học hoàn chỉnh, dù ở mức đơn giản nhất, đều được coi là một hệ sinh thái. 

Ví dụ: Hệ sinh thái nhỏ nhất: 1 giọt nước ao hồ (có nhiều vi sinh vật sống trong đó).

II. Các thành phần cấu trúc của hệ sinh thái

Một hệ sinh thái bao gồm 2 thành phần cấu trúc: thành phần vô sinhlà môi trường vật lí (sinh cảnh) và thành phần hữu sinh là quần xã sinh vật:

1. Thành phần vô sinh

Giải Sinh Học 12 Bài 42: Hệ sinh thái (ảnh 4)

+ Các yếu tố khí hậu (to, độ ẩm, ánh sáng, gió, lượng mưa,…)

+ Các yếu tố thổ nhưỡng.

+ Nước.

+ Xác sinh vật trong môi trường

2. Thành phần hữu sinh

Thành phần hữu sinh của quần xã gồm:

 

Giải Sinh Học 12 Bài 42: Hệ sinh thái (ảnh 1)

 

+ Sinh vật sản xuất: đó là những loài sinh vật có khả năng quang hợp và hóa tổng hợp, tạo nên nguồn thức ăn cho mình và để nuôi các loài sinh vật dị dưỡng.

+ Sinh vật tiêu thụ: gồm các loài động vật ăn thực vật, sau là những loài động vật ăn thịt.

+ Sinh vật phân hủy: nhóm này gồm các vi sinh vật sống dựa vào sự phân hủy các chất hữu cơ có sẵn. Chúng tham gia vào việc phân giải vật chất để trả lại cho môi trường những chất ban đầu.

III. Các kiểu hệ sinh thái chủ yếu trên Trái đất

1. Các hệ sinh thái tự nhiên

Giải Sinh Học 12 Bài 42: Hệ sinh thái (ảnh 5)

- Các hệ sinh thái trên cạn (rừng nhiệt đới, sa mạc và hoang mạc, sa van đồng cỏ, thảo nguyên, rừng lá rộng ôn đới, rừng thông phương Bắc, đồng rêu hàn đới)

Giải Sinh Học 12 Bài 42: Hệ sinh thái (ảnh 6)

- Các hệ sinh thái dưới nước (rừng ngập mặn, cỏ biển, rạn san hô và hệ sinh thái vùng biển khơi, ao, hồ, sông, suối...).

2. Các hệ sinh thái nhân tạo

Giải Sinh Học 12 Bài 42: Hệ sinh thái (ảnh 7)

- Các hệ sinh thái nhân tạo: đồng ruộng, hồ nước, rừng trồng, thành phố... đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống của con người. Hệ sinh thái nông nghiệp cần bón thêm phân, tưới nước và diệt cỏ dại.

Sơ đồ tư duy Hệ sinh thái:

Giải Sinh Học 12 Bài 42: Hệ sinh thái (ảnh 8)
 
Đánh giá

0

0 đánh giá