Giải Sinh Học 12 Bài 8: Quy luật Menđen: Quy luật phân li

3 K

Tailieumoi.vn giới thiệu Giải bài tập Sinh Học lớp 12 Bài 8: Quy luật Menđen: Quy luật phân li chính xác, chi tiết nhất giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Quy luật Menđen: Quy luật phân li lớp 12.

Bài giảng Sinh học 12 Bài 8: Quy luật Menđen: Quy luật phân li

Giải bài tập Sinh Học lớp 12 Bài 8: Quy luật Menđen: Quy luật phân li

Trả lời câu hỏi giữa bài

Trả lời câu hỏi thảo luận trang 33 SGK Sinh học 12: Tại sao chỉ bằng việc phân tích kết quả của các phép lai, Menđen lại có thể biết được bên trong tế bào của cơ thể, mỗi cặp nhân tố di truyền quy định một tính trạng và trong mỗi giao tử lại chỉ có một nhân tố di truyền?

Trả lời:

Ông cho giao phấn cặp P thuần chủng khác nhau về 1 cặp tính trạng (hoa đỏ, hoa trắng) thu được F1, khi cho F1 tự thụ phấn cho đời F2 phân ly 3 đỏ: 1 trắng nhưng ông không biết giải thích tại sao.

Để tìm câu trả lời, Menđen cho F2 tự thụ phấn ông thu được kết quả:

Tất cả hoa trắng tự thụ đều cho F3 hoa trắng

2/3 hoa đỏ tự thụ phấn cho đời con phân ly 3 đỏ: 1trắng

1/3 hoa đỏ cho toàn hoa đỏ

Menđen nhận thấy rằng sau tỉ lệ 3 hoa đỏ: 1 hoa trắng ở đời F2 là tỉ lệ 1: 2: 1.

Hay tỷ lệ kiểu gen là: 1 hoa đỏ thuần chủng: 2 hoa đỏ không thuần chủng: 1 hoa trắng thuần chủng

⟹ Mỗi cặp tính trạng do 1 cặp nhân tố di truyền trong nhân quy định và khi giảm phân, thụ tinh các giao tử là ngẫu nhiên.

Câu hỏi và bài tập (trang 36, 37 SGK Sinh học lớp 12)

Câu 1 trang 36 SGK Sinh học 12: Để cho các alen của một gen phân li đồng đều về các giao tử, 50% giao tử chứa alen này, 50% giao từ chứa alen kia thì cần có điều kiện gì?

A. Bố mẹ phải thuần chủng.

B. Số lượng cá thể con lai phải lớn.

C. Alen trội phải trội hoàn toàn so với alen lặn.

D. Quá trình giảm phân phải xảy ra bình thường.

E. Tất cả các điều kiện nêu trên.

Trả lời:

Tất cả các điều kiện trên đều cần cho sự phân ly đồng đều của các NST về các giao tử.

Chọn E

Câu 2 trang 37 SGK Sinh học 12: Nếu các alen của cùng một gen không có quan hệ trội - lặn hoàn toàn mà là đồng trội (mỗi alen biểu hiện kiểu hình của riêng mình) thì quy luật phân li của Menđen có còn đúng hay không? Tại sao?

Phương pháp giải:

- Mỗi tính trạng do 1 cặp gen qui định, 1 có nguồn gốc từ bố, 1 có nguồn gốc từ mẹ. Các alen của bố và mẹ tồn tại trong tế bào 1 cách riêng rẽ, không hoà trộn vào nhau. Khi hình thành giao tử, các thành viên của 1 cặp alen phân li động đều về các giao tử, nên 50% số giao tử chứa alen này còn 50% giao tử chứa alen kia.

Trả lời:

Vẫn đúng. Vì quy luật phân li cùa Menđen chi sự phân li của các alen mà không nói về sự phân li tính trạng mặc dù qua sự phân li tính trạng Menđen phát hiện ra quy luật phân li của alen.

Câu 3 trang 37 SGK Sinh học 12: Trong phép lai một tính trạng, để cho đời sau có tỉ lệ phân li kiểu hình xấp xỉ 3 trội : 1 lặn thì cần có các điều kiện gì?

Phương pháp giải:

Trong phép lai một cặp tính trạng, tỉ lệ phân li kiểu hình 3: 1 là hệ quả của sự phân li đồng đều của các alen về các giao tử và sự tổ hợp tự do của các giao tử trong quá trình thụ tinh.

Trả lời:

Để cho đời sau có tỉ lệ phân li kiểu hình 3 trội 1 lặn thì cần có các điều kiện:

- Cả bố lẫn mẹ đều phải dị hợp từ về một cặp alen

- Có hiện tượng trội lặn hoàn toàn

- Số lượng con lai phải lớn

- Các cá thể có kiểu gen khác nhau phải có sức sống như nhau.

- Sự phân li các alen và sự tổ hợp tự do của các giao tử diễn ra bình thường.

Câu 4 trang 37 SGK Sinh học 12: Cần phải làm gì để biết chính xác kiểu gen của một cá thể có kiểu hình trội?

Phương pháp giải:

Một cá thể có kiểu hình trội sẽ có kiểu gen đồng hợp (AA) hoặc dị hợp (Aa).

Trả lời:

Ta cần sử dụng phép lai phân tích (lai với cơ thể mang tính trạng lặn)

Nếu F1: Đồng hình ⟹ kiểu gen của cây mang kiểu hình trội là đồng hợp: AA x aa ⟹ Aa

Nếu F2: phân ly 1 trội : 1 lặn ⟹ kiểu gen của cây mang kiểu hình trội là dị hợp: Aa x aa ⟹ 1Aa:1aa.

Lý thuyết Bài 8: Quy luật Menđen: Quy luật phân li

I. Phương pháp nghiên cứu di truyền học của Menđen

Phương pháp lai và phân tích con lai của Menđen.

B1: Tạo dòng thuần về từng tính trạng.

B2: Lai các dòng thuần chủng khác biệt về 1 hoặc 2 tính trạng rồi phân tích kết quả lai ở F1, F2, F3.

B3: Sử dụng toán xác suất để phân tích kết quả lai sau đó đưa ra giả thuyết để giải thích kết quả.

B4: Tiến hành thí nghiệm chứng minh cho giả thuyết.

* Thí nghiệm và cách suy luận khoa học của Menđen.

Giải Sinh Học 12 Bài 8: Quy luật Menđen: Quy luật phân li (ảnh 1)

Bố mẹ thuần chủng (P): cây hoa đỏ x cây hoa trắng

F1:                                          100% hoa đỏ

Cho F1 tự thụ phấn ⇒                   F2

F2:          705 cây hoa đỏ: 224 cây hoa trắng (xấp xỉ 3 đỏ: 1 trắng)

II. Hinh thành học thuyết khoa học

1. Nội dung giả thuyết

- Mỗi tính trạng dều do 1 cặp nhân tố di truyền qui định. Trong tế bào nhân tố di truyền không hòa trộn vào nhau

- Bố (mẹ) chỉ truyền cho con (qua giao tử) 1 trong 2 thành viên của nhân tố di truyền.

- Khi thụ tinh, các giao tử kết hợp với nhau một cách ngẫu nhiên tạo nên các hợp tử.

2. Kiểm tra giả thuyết:

- Bằng phép lai phân tích (lai kiểm nghiệm): Tiến hành ở 7 tính trạng khác nhau, cho F1 lai với cây hoa trắng cho tỉ lệ kiểu hình xấp xỉ 1:1

- Sơ đồ lai như dự đoán của Men đen.

 

Qui ước gen:

A ⇒ qui định hoa đỏ là trội hoàn toàn so với a ⇒ qui định hoa trắng.

Ta có sơ đồ lai một cặp tính trạng như sau:

Giải Sinh Học 12 Bài 8: Quy luật Menđen: Quy luật phân li (ảnh 2)

P thuần chủng: AA x aa

Gp:                    A   |   a

F1:           Aa (100% hoa đỏ)

F1 x F1:             Aa x Aa

GF1 :             A, a   |   A , a

F2:        KG:   1AA: 2Aa: 1aa

             KH:  3hoa đỏ: 1 hoa trắng

3. Nội dung qui luật

- Mỗi tính trạng được qui định bởi 1 cặp alen.

- Các alen của bố, mẹ tồn tại trong tế bào của cơ thể con một cách riêng rẽ, không hòa trộn vào nhau.

 

- Khi hình thành giao tử, các thành viên của cặp alen phân li đồng đều về các giao tử, nên 50% số giao tử chứa alen này và 50% số giao tử chứa alen kia.

III. Cơ sở tế bào học của quy luật phân li.

Giải Sinh Học 12 Bài 8: Quy luật Menđen: Quy luật phân li (ảnh 3)

- Trong tế bào sinh dưỡng, các gen và các NST luôn tồn tại thành từng cặp. Các gen nằm trên các NST.

- Khi giảm phân tạo giao tử, các thành viên của một cặp alen, mỗi NST trong từng cặp NST tương đồng phân li đồng đều về các giao tử.

+ Lôcut: là vị trí xác định của gen trên NST.

+ Alen: là những trạng thái khác nhau của cùng 1 gen.

Đánh giá

0

0 đánh giá