Tài liệu tóm tắt Nhìn về vốn văn hóa dân tộc Ngữ văn lớp 12 bộ Kết nối tri thức ngắn gọn, đầy đủ ý gồm có 03 bài tóm tắt tác phẩm Nhìn về vốn văn hóa dân tộc hay nhất từ đó giúp học sinh nắm được những nét chính về nội dung của văn bản để học tốt môn Ngữ văn lớp 12.
Tóm tắt Nhìn về vốn văn hóa dân tộc
Tóm tắt Nhìn về vốn văn hóa dân tộc - Mẫu 1
Tác giả nêu ra những hạn chế của văn hóa truyền thống dân tộc. Văn học Việt chưa có tầm vóc lớn lao, chưa có vị trí quan trọng, chưa nổi bật và chưa có khả năng ảnh hưởng đến các nền văn học khác. Văn hóa Việt Nam cũng có thế mạnh: thiết thực, linh hoạt, dung hòa, lành mạnh với những vẻ đẹp dịu dàng, thanh lịch; con người hiền lành, tình nghĩa. Việt Nam có nhiều tôn giáo nhưng không xảy ra xung đột. Người Việt Nam sống tình nghĩa, khôn khéo và hài hòa với thiên nhiên. Về nghệ thuật, người Việt sáng tạo tác phẩm tinh tế, không mang vẻ vĩ mô, tráng lệ, phi thường. Về quan niệm sống, người Việt luôn mong ước thái bình, sống thanh nhàn, thong thả. Văn hóa Việt ảnh hưởng sâu sắc bởi học thuyết Phật giáo, Nho giáo và tư tưởng Lão – Trang.
Tóm tắt Nhìn về vốn văn hóa dân tộc - Mẫu 2
“Nhìn về vốn văn hóa dân tộc” tác giả Trần Đình Hựu - nhà khoa học chuyên nghiên cứu về vấn đề lịch sử tư tưởng và văn hóa Việt Nam trung cận đại. Đoạn trích trong sách giáo khoa thuộc phần II của bài viết “Về vấn đề đặc sắc văn hóa dân tộc” với những nhận định mang tính bao quát, một cái nhìn khách quan trong việc phân tích, đánh giá khoa học về giá trị, bản sắc văn hóa của nước ta lúc bấy giờ. Trước hết để người đọc hiểu sâu sắc bài viết của mình tác giả đưa ra khái niệm văn hóa và chỉ ra các phương diện chủ yếu văn hóa được biểu hiện ra bên ngoài như: tôn giáo, nghệ thuật, kiến trúc, hội họa, văn học, ứng xử, sinh hoạt. Ở mỗi một khía cạnh đó Trần Đình Hựu chỉ ra các điểm tích cực và hạn chế cùng với những nguyên nhân, yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa (nội lực, ngoại lực) để tìm cách khắc phục. Nhưng nhìn chung đặc điểm nổi bật của văn hóa Việt Nam là giàu tính nhân bản, tinh tế, hướng tới sự phát triển hài hòa trên tất cả các phương diện với tinh thần chung “thiết thực, linh hoạt và dung hòa”. Ta không thấy trong bài viết có sự khen hay chê hoàn toàn mà tất cả đều hướng tới một mục đích duy nhất là làm cho văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển, hội nhập với sự tiến bộ của thế giới nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt.
Tóm tắt Nhìn về vốn văn hóa dân tộc - Mẫu 3
Đoạn trích Nhìn về vốn văn hóa dân tộc trích từ phần II, bài “Về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc”, in trong cuốn “Đến hiện đại từ truyền thống”. Từ những hiểu biết sâu sắc về vốn văn hóa dân tộc, tác giả đã phân tích rõ những mặt tích cực và một số hạn chế của văn hóa truyền thống. Trước hết, tác giả nêu ra những hạn chế của văn hóa truyền thống dân tộc. Văn học Việt chưa có tầm vóc lớn lao, chưa có vị trí quan trọng, chưa nổi bật và chưa có khả năng ảnh hưởng đến các nền văn học khác. Điều đó được thể hiện qua các phương diện sau: Thần thoại không phong phú; tôn giáo, triết học, khoa học kĩ thuật, âm nhạc, hội họa, không phát triển; thơ ca thì chưa có tác giả nào có tầm vóc lớn lao... Bên cạnh mặt hạn chế, văn hóa Việt Nam cũng có thế mạnh: thiết thực, linh hoạt, dung hòa, lành mạnh với những vẻ đẹp dịu dàng, thanh lịch; con người hiền lành, tình nghĩa. Việt Nam có nhiều tôn giáo nhưng không xảy ra xung đột. Người Việt Nam sống tình nghĩa, khôn khéo và hài hòa với thiên nhiên. Về nghệ thuật, người Việt sáng tạo tác phẩm tinh tế, không mang vẻ vĩ mô, tráng lệ, phi thường. Về quan niệm sống, người Việt luôn mong ước thái bình, sống thanh nhàn, thong thả. Văn hóa Việt ảnh hưởng sâu sắc bởi học thuyết Phật giáo, Nho giáo và tư tưởng Lão – Trang nhưng cái gốc của văn hóa Việt Nam là tính nhân bản và tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hòa.
Bố cục Nhìn về vốn văn hóa dân tộc
- Phần 1: Từ đầu đến “nhưng chắc chắn có liên quan gần gũi với nó”: Lời nhân xét về nền văn hóa dân tộc.
- Phần 2. Tiếp theo đến “để lại dấu vết khá rõ trong văn học”: Đặc điểm của nền văn hóa Việt Nam.
- Phần 3. Còn lại: Con đường hình thành văn hóa.