Bài thơ Ngắm trăng, Lai Tân - Hồ Chí Minh - Nội dung, tác giả, tác phẩm

214

Tài liệu tác giả tác phẩm Ngắm trăng, Lai Tân Ngữ văn lớp 12 Cánh diều gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Ngắm trăng, Lai Tân lớp 12.

Tác giả tác phẩm: Ngắm trăng, Lai Tân - Ngữ văn 12

I. Tác giả Hồ Chí Minh

Văn bản  - Hồ Chí Minh - Nội dung, tác giả, tác phẩm (ảnh 1)

- Hồ Chí Minh (1890-1969), tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, quê quán làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

- Quá trình hoạt động văn học, kháng chiến:

+ Học ở trường Quốc học Huế rồi dạy học ở Dục Thanh (Phan Thiết).

+ Sớm có lòng yêu nước; Năm 1911, ra đi tìm đường cứu nước

+ Hoạt động cách mạng ở nhiều nước: Pháp, Trung Quốc, Thái Lan…

+ Ngày 3-2-1930, thành lập đảng cộng sản Việt Nam.

+ Năm 1941, trở về nước, lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước

+ Tháng 8-1942, sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ của quốc tế, bị chính quyềnTưởng Giới Thạch bắt giam đến tháng 9-1943.

+ Ra tù, Người trở về nước, lãnh đạo phong trào cách mạng, tiến tới tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.

+ Ngày 2-9-1945, đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, giữ chức vụ Chủ tịch nước.

+ Lãnh đạo nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ.

→ Hồ Chí Minh là nhà yêu nước và nhà cách mạng vĩ đại, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào quốc tế.

A. Ngắm trăng (Vọng nguyệt)

II. Tìm hiểu văn bản Ngắm trăng

1. Thể loại

- Tác phẩm Ngắm trăng thuộc thể loại: thất ngôn tứ tuyệt.

2. Xuất xứ

- In trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

3. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: biểu cảm.

4. Bố cục đoạn trích

- Phần 1 (2 câu đầu): Hoàn cảnh ngắm trăng của Bác.

- Phần 2 (2 câu sau): Sự giao hòa đặc biệt giữa người tù thi sĩ và trăng.

5. Giá trị nội dung

- Bài thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên say mê và phong thái ung dung của Bác ngay cả trong cảnh tù đày.

6. Giá trị nghệ thuật

- Sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt giản dị.

- Hình ảnh thơ trong sáng, đẹp đẽ.

- Ngôn ngữ lãng mạn.

- Màu sắc cổ điển và hiện đại song hành.

III. Tìm hiểu chi tiết văn bản Ngắm trăng

1. Hai câu thơ đầu: Hoàn cảnh ngắm trăng của thi sĩ

- Cách ngắt nhịp: 4/3.

- Luật: bằng (chữ thứ 2 của câu thứ nhất).

- “Trong tù không rượu cũng không hoa” : Bác ngắm trăng trong hoàn cảnh đặc biệt: trong tù.

+ Điệp từ “không” thể hiện sự thiếu thốn.

⇒ Việc kể ra hoàn cảnh ngay trong câu thơ đầu không hải nhằm mục đích kêu than hay kể khổ mà để lí giải cho tâm trạng băn khoăn “nại nhược hà?” sau đó của người thi sĩ.

- Trước sự khó khăn thiếu thốn ấy Bác vẫn hướng tới trăng bởi Người yêu trăng và có sự lạc quan hướng đến điểm sáng trong tâm hồn để vượt qua cảnh ngộ ngặt nghèo

- “Khó hững hờ” – trước cảnh đẹp đẽ trong lành không thể nào hững hờ, không thể bỏ lỡ.

⇒ Người luôn vượt qua khó khăn hướng tới ánh sáng, vẫn luôn xốn xang trước cái đẹp dù cho trong hoàn cảnh nào.

Nhật kí trong tù: Ngắm trăng, Lai Tân - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 12 Cánh diều

2. Hai câu thơ cuối: Sự giao hòa giữa người nghệ sĩ và trăng

- “Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt”: Người và trăng đối nhau qua khung cửa nhà tù ⇒ bộc lộ chất thép trong tâm hồn, vẫn bất chấp song sắt trước mặt để ngắm trăng.

- Nhân hóa “nguyệt tòng song khích khán thi gia”- thể hiện trăng cũng giống như con người, cũng vượt qua song sắt nhà tù để tìm ngắm nhà thơ ⇒ Một sự hóa thân kì diệu, là giây phút thăng hoa tỏa sáng của tâm hồn nhà thơ, cho thấy sự giao thoa giữa người và trăng.

 - Hai câu thơ cuối có sự đăng đối về mặt ý và hình thức:

+ Chữ "song" (cửa sổ) ở giữa cặp từ nhân/ nguyệt- minh nguyệt/ thi gia: người tù vượt qua song sắt, qua sự kìm kẹp để hướng ra ngoài ngắm trăng.

+ Trăng cũng nhòm qua khe cửa ngắm nhà thơ: sự giao hòa giữa trăng với người, người và trăng.

+ Biện pháp nhân hóa: trăng trở thành người bạn tri âm tri kỷ từ rất lâu của người tù.

⇒ Cả người và trăng đều chủ động gặp gỡ tự do, vượt qua những rào cản cửa sắt nhà tù. Cuộc ngắm trăng này trở nên thi vị khi hai tâm hồn tri kỉ tìm đến với nhau: người - trăng.

⇒ Nghệ thuật hết sức cân chỉnh, cho thấy sức mạnh tinh thần kì diệu, phong thái ung dung của người chiến sĩ Cách mạng.

⇒ Đặc điểm thơ Đường là chọn miêu tả những khoảnh khắc dồn nén của đời sống, đó thường sẽ là những khoảnh khắc đặc biệt trong cả tâm trạng và bên ngoài hiện thực. Thông qua một khoảnh khắc ngắm trăng của thi sĩ, thể hiện cốt cách thanh cao vượt khỏi tù đầy hướng về tương lai tốt đẹp.

B. Lai Tân

IV. Tìm hiểu văn bản Lai Tân

1. Thể loại

- Tác phẩm Lai Tân thuộc thể loại: thất ngôn tứ tuyệt.

2. Xuất xứ

- In trong Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

3. Phương thức biểu đạt

- Phương thức biểu đạt: biểu cảm.

4. Bố cục đoạn trích

- Phần 1 (3 câu đầu): 3 câu tự sự nói về hành vi thường thấy ở 3 viên quan ở Lai Tân.

- Phần 2 (Câu cuối): là một lời kết luận, một nhận xét, đánh giá của tác giả.

5. Giá trị nội dung

- Bài thơ ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong những ngày Bác bị giam cầm trong nhà tù của bọn Tưởng Giới Thạch. Bức tranh hiện thực nhà tù và một phần xã hội Trung Quốc đã được thu nhỏ trong bốn câu thơ bảy chữ kèm theo thái độ.

6. Giá trị nghệ thuật

- Sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt giản dị.

- Chất trào phúng nhẹ nhàng mà sâu cay.

V. Tìm hiểu chi tiết văn bản Lai Tân

1. Ba câu thơ đầu

- Sử dụng kiểu câu tự sự, với giọng điệu kể khách quan, không hề có sự bình luận hay bộc lộ thái độ của tác giả.

- Ba câu thơ đầu tác giả nói đến ba đối tượng khác nhau trong hệ thống quan lại Trung Quốc, cụ thể trong bối cảnh nhà giam Lai Tân thời điểm bấy giờ.

+ Câu 1: Ban trưởng nhà lao: chuyên đánh bạc.

• Con người thực thi của pháp luật nhà tù, cai quản tù nhân, thế mà lại là một người ham đánh bac.

• Hai chữ “thiên thiên” cho thấy sự việc, hành động diễn ra một cách thường xuyên, ngày này qua ngày khác, đều đặn như một thói quen, như một lẽ hiển nhiên.

Dưới ngòi bút của Hồ Chí Minh, nhà tù Tưởng Giới Thạch không phải là nơi giam giữ và cải tạo tù nhân mà là một sòng bạc với những con bạc lại là những người thực thi pháp luật. Hình ảnh nhà tù bên ngoài thì nghiêm minh nhưng bên trong thì giả dối, bất công, phi lí.

+ Câu 2: Cảnh trưởng tham lam ăn tiền của phạm nhân.

• Hành động cảnh trưởng là hành động của một tên ăn cướp, hành động của một tên trấn lột, ăn chặn bẩn thỉu và tàn nhẫn. Cái nực cười mỉa mai nhất là hành động này lại diễn ra ở chốn ngục tù, giữa cảnh trưởng và tù nhân. Tù nhân thì làm gì có tiền thế mà chúng cũng chẳng tha.

• Thái độ của tác giả khi phản ánh thực trạng này rất thẳng thắn, dứt khoát, trực diện. Điều đó thể hiện qua hai chữ “tham thôn” được sử dụng với đúng nghĩa của nó.

Hành động của cảnh trưởng đã nói hết sự thối nát, đê tiện của nhà tù dưới thời Tưởng Giới Thạch.

+ Câu 3: Nói về việc làm của huyện trưởng. Câu này có nhiều cách hiểu.

• Huyện trưởng chong đèn làm việc công; rất có thể là viên quan mẫn cán nhưng quan liêu, bằng chứng là dung túng cho bộ hạ (ban trưởng, cảnh trưởng) làm điều sằng bậy.

• Thực chất huyện trưởng chong đèn là để hút thuốc phiện.

Nếu hai câu trên tác giả vạch trần bộ mặt bọn quan lại một cách trực diện thì ở câu này, Người lại sử dụng nghệ thuật châm biếm sắc sảo, sâu cay.

=> Tóm lại chỉ qua ba câu thơ Hồ Chí Minh đã khái quát được sự thối nát của bộ máy chính quyền nơi đây. Các bộ máy chính quyền ấy chính là bộ mặt của xã hội Trung hoa dưới thời giặc Tưởng. Ở xã hội ấy, sự phi lý chồng chất, sự bất công chồng chất, sự thối nát chồng chất, nó diễn ra ở mọi chỗ, mọi việc, mọi lúc.

Nhật kí trong tù: Ngắm trăng, Lai Tân - Tác giả tác phẩm (mới 2024) | Ngữ văn lớp 12 Cánh diều

2. Câu thơ cuối bài

- Câu thơ cuối không đi theo mạch logic cua ba câu thơ trên. Câu cuối có thể hiểu “trời đất Lai Tân vẫn thái bình như cũ”. Thoạt nhìn tưởng như câu thơ thể hiện một sự hài lòng, một lời ca ngợi. Nhưng thực chất là sự mỉa mai, châm biếm của tác giả.

- Thái bình mà tác giả muốn ám chỉ ở đây là:

+ Thái bình đối với bọn quan lại thối nát, đê tiện, nhiễu nhương, bởi bọn chúng vẫn ngày ngày được đánh bạc, dược ăn hối lộ và hút thuốc phiện, không cần quan tâm dân tình ra sao. Điều đó càng khắc sâu thêm tình trạng thối nát đã trở thành một “nề nếp” diễn ra thường xuyên, bình ổn trong bộ máy chính quyền Lai Tân.

+ Bài thơ được viết cuối năm 1942 là lúc cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đang ở thời kì ác liệt, phát xít Nhật xâm lược Trung Quốc, biết bao biến động, biết bao tang thương, vậy mà bọn người này vẫn bình chân, vẫn cứ thấy Lai Tân thái bình. Điều đó có cho thấy sự tàn ác, nhẫn tâm của tầng lớp quan lại Trung Quốc.

- Hai chữ “thái bình” được xem là nhãn tự của bài thơ, Hoàng Trung Thông nhận xét: “Hai chữ thái bình mà xâu tóm lại bao nhiêu việc làm trên là muôn thuở của xã hội Trung Quốc, của giai cấp bóc lột thống trị. Chỉ hai chữ ấy mà xé toang tất cả mọi thái bình trá nhưng thực chất là đại loạn ở bên trong”.

Với giọng thơ có vẻ bình thản vô cảm nhưng kì thực là mỉa mai, đả kích mạnh mẽ, Hồ Chí Minh đã tố cáo sự thối nát của bộ máy chính quyền đã đến mức trầm trọng, trở thành phổ biến, trở thành nếp sống trên đất nước Trung Hoa.

VI. Đọc tác phẩm: Ngắm trăng, Lai Tân

Ngắm trăng

(Vọng nguyệt)

Hồ Chí Minh

Phiên âm

Ngục trung vô tửu diệc vô hoa,

Đối thử lương tiêu nại nhược hà?

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,

Nguyệt tòng song khích khán thi gia

Dịch nghĩa

Trong tù không rượu cũng không hoa,

Trước cảnh đẹp đêm nay biết làm thế nào?

Người hướng ra trước song ngắm trăng sáng,

Từ ngoài khe cửa, trăng ngắm nhà thơ

Dịch thơ

Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ;

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ

Nam Trân dịch

(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật Hà Nội, 2011)

 

Lai Tân

Hồ Chí Minh

Phiên âm

Giam phòng Ban trưởng thiên thiên đổ,

Cảnh trưởng tham thôn giải phạm tiền;

Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự,

Lai Tân y cựu thái bình thiên

Dịch nghĩa

Ban trưởng nhà giam ngày đánh bạc,

Cảnh trưởng tham lam ăn tiền phạm nhân bị giải;

Huyện trưởng chong đèn làm việc công,

Lai Tân vẫn thái bình như xưa

Dịch thơ

Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc,

Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh

Chong đèn, huyện trưởng làm công việc,

Trời đất Lai Tân vẫn thái bình.

Nam Trân dịch

(Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, sách đã dẫn)

VII. Văn mẫu

Đề bài: Em thích nhất dòng thơ hoặc hình ảnh nào trong bài thơ Ngắm trăng? Vì sao?

Em thích nhất dòng thơ “Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ”. Bởi lẽ cả câu thơ sáng lên tâm hồn của người chiến sĩ cộng sản. Ngay giữa chốn lao tù tăm tối người tù tay bị xích, thân thể bị đọa đày nơi ngục lạnh nhưng vẫn mang tâm trạng thanh thản thưởng thức vẻ đẹp của một đêm trăng sáng. Bốn bức tường giam chật hẹp không ngăn được dòng cảm xúc mênh mông. Bác thả hồn theo ánh trăng và gửi gắm vào đó khát vọng tự do, ấy là tự do cho bản thân và tự do cho cả dân tộc.

Đánh giá

0

0 đánh giá