Tài liệu tác giả tác phẩm Nhật kí Đặng Thùy Trâm Ngữ văn lớp 12 Cánh diều gồm đầy đủ những nét chính về văn bản như: tóm tắt, nội dung chính, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm, dàn ý từ đó giúp học sinh dễ dàng nắm được nội dung bài Nhật kí Đặng Thùy Trâm lớp 12.
Tác giả tác phẩm: Nhật kí Đặng Thùy Trâm - Ngữ văn 12
I. Tác giả Đặng Thùy Trâm
- Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942 tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên – Huế), gia đình thường trú tại Hà Nội.
- Xuất thân trong một gia đình trí thức, thân phụ là Bác sĩ Đặng Ngọc Khuê và mẹ là Dược sĩ nguyên là giảng viên tại trường Đại học Dược khoa Hà Nội.
- Thuở nhỏ theo gia đình sinh sống và học tập tại Hà Nội, là cựu học sinh Trường Trung học Chu Văn An, Hà Nội.
- Tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, Thùy Trâm tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam với tư cách là một bác sĩ quân y và được điều vào công tác ở Đức Phổ, chiến trường Quảng Ngãi trong chiến tranh Việt Nam.
- Chị vào Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 27 tháng 9 năm 1968.
- Ngày 22 tháng 6 năm 1970, trên đường công tác từ Ba Tơ vê đồng băng chị bị quân đội Hoa Kỳ phục kích và hy sinh.
- Hài cốt chị được mai táng tại nơi hy sinh, sau thống nhất được đưa về nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Cường. Năm 1990, được gia đình đưa về nghĩa trang Liệt sĩ Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội.
- Trong thời gian công tác tại chiến trường Quảng Ngãi với bom đạn ác liệt, cô đã dành thời giờ quý báu ghi lại những sự việc sảy ra đang lúc cứu chữa bệnh nhân và cảm nghĩ của mình cũng như ý nghĩa thân phận con người với vô vàn gian khổ trong chiến tranh vệ quốc...
II. Tìm hiểu văn bản Nhật kí Đặng Thùy Trâm
1. Thể loại
- Tác phẩm Nhật kí Đặng Thùy Trâm thuộc thể loại: nhật kí.
2. Xuất xứ
- Theo Nhật kí Đặng Thùy Trâm, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009.
3. Hoàn cảnh sáng tác Nhật kí Đặng Thùy Trâm
Đặng Thùy Trâm viết trong hoàn cảnh thời kháng chiến chống Mĩ, bối cảnh tại một bệnh viện dân y nhưng chủ yếu điều trị các thương bệnh binh. Nhật ký được viết từ ngày 8 tháng 4 năm 1968 đến ngày 20 tháng 6 năm 1970 (hai ngày trước khi chị hy sinh).
4. Phương thức biểu đạt
- Phương thức biểu đạt: tự sự.
5. Tóm tắt Nhật kí Đặng Thùy Trâm
Nhật kí nói về việc giới thiệu những công việc hàng ngày của bác sĩ Đặng Thùy Trâm và về suy nghĩ của tác giả về ước mơ và lý tưởng - là nguyên nhân để giải thích cho những công việc mà tác giả đang làm. Cuối cùng, qua bức thư gửi cho mẹ thể hiện tình cảm tác giả về gia đình và quê hương- đó chính là nguồn động lực để cô tiếp tục thực hiện lý tưởng của mình.
6. Bố cục Nhật kí Đặng Thùy Trâm
- Phần 1 (từ đầu đến “đã tạo nên họ”): Công việc hàng ngày của bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
- Phần 2 (tiếp theo đến “trong đôi mắt và nụ cười nghe Thùy”): Suy nghĩ và ước mơ của Đặng Thùy Trâm.
- Phần 3 (còn lại): Tình cảm với gia đình và quê hương của người con gái Hà Nội.
7. Giá trị nội dung
- Với cách viết mộc mạc, chân thành, Đặng Thùy Trâm đã khiến cho người đọc như được quay ngược thời gian trở về với những năm tháng kháng chiễn chống Mỹ ác liệt. Cuốn nhật kí như một thước phim quay chậm không chỉ hiện ra trước mắt chúng ta biết bao đau thương mất mát khiến người đọc không khỏi xúc động nghẹn ngào mà còn tô đậm thêm truyền thống chủ nghĩa anh hùng trong thế hệ thanh niên được sinh ra trong thời chinh chiến. Những dòng chữ ngắn gọn mà tha thiết chứa đựng toàn bộ ý chí kiên cường của người con gái vốn được sinh ra nơi chốn đô thành, vậy mà giờ đây lại phải sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn thiếu thốn.
8. Giá trị nghệ thuật
- Ngôn từ giản dị, lôi cuốn.
III. Tìm hiểu chi tiết văn bản Nhật kí Đặng Thùy Trâm
1. Công việc hàng ngày của bác sĩ Đặng Thùy Trâm
* Công việc của một bác sĩ:
- Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã đí qua gần nửa thế kỷ nhưng dấu ấn mà nó để lại vẫn còn vang vọng mãi trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam.
- Ngay trong câu văn mở đầu đoạn trích, Đặng Thùy Trâm đã tái hiện phần nào những ấn tượng vê cuộc chiến ấy qua việc miêu tả công việc hàng ngày của mình và đồng đội: "Những ngày bận rộn công tác dồn dập, thương nặng, người ít, mọi người trong bệnh xá đều hết sức vất vả".
=> Bằng thủ pháp liệt kê, câu văn đã vừa làm hiện lên sự khốc liệt của chiến tranh vừa cho thấy những vất vả của các y, bác sĩ trong những ngày tháng chiếu đấu gian khổ.
- Sự vất vả ấy được thể hiện rõ nét hơn trong câu văn tiếp theo khi Đặng Thùy Trâm nghĩ đến công việc của riêng bản thân mình: "Riêng mình, trách nhiệm càng nặng nề hơn bao giờ hết, mỗi ngày làm việc từ sáng tinh mơ cho đến đêm khuya".
=> Câu văn ngắn gọn nhưng đã cho người đọc thấy những gian khổ, hy sinh thầm lặng của nữ bác sĩ và biết bao người "con gái con trai" đã cống hiến tuổi xuân cho tổ quốc.
- Đặng Thùy Trâm và thế hệ nhứng người trẻ như cô là dù có vất và, khó khăn, thiếu thốn và thậm chí là hy sinh nhưng họ cũng không hề hối tiếc. Ngược lại, trong họ còn lấp lánh niềm tự hào vì đã sống hết mình, cống hiến hết mình cho cách mạng và kháng chiến: "Vô cùng vất vả và cũng còn nhiều khó khăn trong công việc nhưng hơn bao giờ hết mình cảm thấy rằng mình đã đem hết tài năng và sức lực của mình để cống hiến cho cách mạng".
* Công việc của một người thầy:
- Đặng Thùy Trâm còn đảm đương công tác giảng dạy cho các y bác sĩ trẻ ở lớp sơ cấp.
- Trong vai trò của một người thầy, chị đã xót thương những đứa em và cũng là đồng đội cùng chiến đấu với mình do hoàn cảnh chiến tranh mà không có điều kiện học tập: "đến với lớp không phải chỉ vì tinh thần trách nhiệm mà bằng cả tình thương của một người chị đối với những đứa em đã chịu biết bao nhiêu thiệt thòi, đau khổ vì bọn bán nước nên không tìm đến với khoa học được".
=> Có thể nói, trong những ngày tháng đau thương nhất, khi cả dân tộc phải oằn mình gánh chịu cơn đau chiến tranh do đế quốc Mĩ gây nên thì tấm lòng nhân hậu, tình yêu thương của Đặng Thùy Trâm phải chăng chính là dòng nước mát lành làm diu đi những vết thương lòng, tiếp thêm sức mạnh và tinh thần đoàn kết để con người Việt Nam vững vàng trước phong ba.
2. Suy nghĩ và ước mơ của Đặng Thùy Trâm
- Đặng Thùy Trâm đã viết lên những dòng nhật kí rất chân thật vê những suy nghĩ, băn khoăn, trăn trở của chính mình.
- Đó là suy nghĩ về sự trôi chảy của thời gian, đồng nghĩa với sự tàn phai của tuổi trẻ: "Thêm một tuổi đời, vậy là cái tuổi ba mươi đâu còn xa nữa. Vài năm nữa thôi mình sẽ trở thành một chị cán bộ già dặn, đứng đắn. Nghĩ đến đó mình thoáng thấy buồn".
=> Suy nghĩ của chị mang đậm dấu ấn của cảm thức thời gian thường thấy trong những trang viết của nhưng người phụ nữ.
3. Tình cảm với gia đình và quê hương của người con gái Hà Nội
- Cùng với ngọn lửa của lý tưởng sống thì một ngọn lửa khác không rừng rực cháy mà ấm áp, sưởi ấm lòng người, có thể cảm nhận được rất rõ ràng trong "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm", đó là tình cảm gia đình.
- Cái điều thiêng liêng vốn có của nhân loại ấy ở Đặng Thuỳ Trâm có một sắc thái riêng.
IV. Đọc tác phẩm Nhật kí Đặng Thùy Trâm
Nhật kí Đặng Thùy Trâm
(trích)
Đặng Thùy Trâm
20.7.1968
Những ngày bận rộn công tác dồn dập, thương nặng, người ít, mọi người trong bệnh xá đều hết sức vất vả. Riêng mình, trách nhiệm càng nặng nề hơn bao giờ hết, mỗi ngày làm việc từ sáng tinh mơ cho đến đêm khuya. Khối lượng công việc quá lớn mà người không có nên một mình mình vừa phải phụ trách bệnh xá, vừa lo điều trị, vừa giảng dạy. Vô cùng vất vả và cũng còn nhiều khó khăn trong công việc, nhưng hơn bao giờ hết mình cảm thấy rằng mình đã đem hết tài năng, sức lực của mình để cống hiến cho cách mạng. Đôi mắt người thương binh hôm nào đau nhức tưởng như bỏ hôm nay cũng đã sáng lại một phần. Cánh tay anh bộ đội sưng phù đe doạ chảy máu bây giờ cũng đã lành lặn. Những cánh tay xương gãy rời cũng đã liền lại,... Đó chính là nhờ sức lực của mình và những người y tá đêm ngày lăn lộn trong công tác bên giường bệnh.
Và với những học sinh, mình cũng đã đem lại những điều quý giá trong lí luận về y học. Mình đến với lớp không phải chỉ vì tinh thần trách nhiệm mà bằng cả tình thương của một người chị đối với những đứa em đã chịu biết bao thiệt thòi đau khổ vì bọn bán nước nên không tìm đến với khoa học được. Thương biết mấy những Thuận, những Liên, những Luận, Xuân, Nghĩa mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều rất giống nhau: rất ham học, rất cố gắng để đạt mức hiểu biết cao nhất. Thuận mới vừa khóc cha chết, hai chiếc tang còn nặng trên ngực nhưng nụ cười đã trở lại trên đôi môi nhợt nhạt – Thuận đã hát, đã cười, đã sôi nổi thảo luận, nhìn Thuận mình biết bao mến thương và cảm phục.
Liên vừa lo học vừa lo làm việc trong bệnh xá. Liên lặn lội trong mọi công việc từ sớm đến tối như một con chim nhanh nhẹn, vui cười đi đầu trong mọi gian khổ – đó cũng là một hình ảnh mà mình cần học tập.
Kể làm sao cho hết những người anh hùng vô danh mà mảnh đất miền Nam đau thương khói lửa này đã tạo nên họ [..]
1.1.1970
Thêm một tuổi đời, vậy là cái tuổi ba mươi đâu còn xa nữa. Vài năm nữa thôi mình sẽ trở thành một chị cán bộ già dặn, đứng đắn. Nghĩ đến đó mình thoáng thấy buồn. Tuổi xuân của mình đã qua đi trong lửa khói, chiến tranh đã cướp mất hạnh phúc trong tình yêu và tuổi trẻ. Ai lại không tha thiết với mùa xuân, ai lại không muốn cái sáng ngời trong đôi mắt và trên đôi môi căng mọng khi cuộc đời còn ở tuổi hai mươi? Nhưng... tuổi hai mươi của thời đại này đã phải dẹp lại những ước mơ hạnh phúc mà lẽ ra họ phải có... Ước mơ bây giờ là đánh thắng giặc Mỹ, là Độc lập, Tự do của đất nước. Từ ước mơ đó mới có được những gì gọi là của riêng mình. Mình cũng như những thanh niên khác đã lên đường ra tiền tuyến, và tuổi trẻ qua đi giữa tiếng bom rơi đạn nổ. Tuổi trẻ của mình đã thấm đượm mồ hôi, nước mắt, máu xương của những người đang sống và những người đã chết.
Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường, tuổi trẻ của mình cũng đã nóng rực vì ngọn lửa căm thù đang ngày đêm hun đốt. Và gì nữa, phải chăng mùa xuân của tuổi trẻ cũng vẫn thắm đượm thêm vì màu sắc của mơ ước và yêu thương vẫn ánh lên trong những đôi mắt nhìn mình? Một đôi mắt đen thậm quầng vì thức đêm nhưng bao giờ đến với mình cũng là niềm vui và sôi nổi. Một đôi mắt long lanh dưới hàng mi dài cũng vậy, bao giờ cũng đến với mình tha thiết tin yêu. Và đôi mắt tinh ranh của một người bạn gái nhìn mình như hiểu hết, như trao hết niềm tin. Th. ơi! Đó phải chăng là hạnh phúc mà chỉ Th. mới được hưởng mà thôi? Hãy vui đi, hãy giữ trọn trong lòng niềm mơ ước và để màu xanh của tuổi trẻ ngời rạng mãi trong đôi mắt và nụ cười nghe Thuỳ! [...]
19.5.1970
Được thư mẹ... mẹ của con ơi, mỗi dòng chữ, mỗi lời nói của mẹ thấm nặng yêu thương, như những dòng máu chảy về trái tim khao khát nhớ thương của con. Ôi! Có ai hiểu lòng con ao ước được về sống giữa gia đình, dù chỉ là giây lát đến mức nào không? Con vẫn hiểu điều đó từ lúc bước chân lên chiếc ô tô đưa con vào con đường bom đạn. Nhưng con vẫn ra đi vì lí tưởng. Ba năm qua, trên từng chặng đường con bước, trong muôn vàn âm thanh hỗn hợp của chiến trường, bao giờ cũng có một âm thanh dịu dàng, tha thiết mà sao có một âm lượng cao hơn tất cả mọi đạn bom sấm sét vang lên trong lòng con. Đó là tiếng nói của miền Bắc yêu thương, của mẹ, của ba, của em, của tất cả. Từ hàng lim xào xạc trên đường Đại La, từ tiếng sóng sông Hồng dào dạt vỗ đến cả âm thanh hỗn tạp của cuộc sống thủ đô vẫn vang vọng trong con không một phút nào nguôi cả.
Biết bao lần trong giấc mơ con trở về với Hà Nội, con trở về giữa vòng tay êm ấm của ba má, trong tiếng cười trong trẻo của các em và trong ánh sáng chan hoà của Hà Nội. Xa nhà ba năm, năm năm hay bao lâu đi chăng nữa chắc rằng cũng không có gì khác trong tình nhớ thương của con. [..]
Con vẫn là một chiến sĩ trong cuộc chiến đấu này. Địch càn lên, súng nổ rần rần, con vẫn cười, bình tĩnh ra công sự. Địch tập kích vào căn cứ, vừa chạy dịch có đêm phải ngủ rừng con cũng vẫn cười, nụ cười vẫn nở ngay cả khi tàu rọ và HU-1A quăng tốc-két (rocket) xuống ngay trên đầu mình... Vậy mà khi nghĩ đến gia đình, đến những người thân yêu trên cả hai miền, lòng con xao xuyến xót xa và cũng có những lúc, những giọt nước mắt thấm mặn yêu thương chảy tràn trên đôi mắt của con.
(Nhật ki Đặng Thuỳ Trâm, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009)
V. Văn mẫu
Đề: Theo em, văn bản Nhật kí Đặng Thùy Trâm có ý nghĩa như thế nào đối với thế hệ trẻ ngày nay?
Văn bản như một lời cổ vũ, khuyến khích và là động lực cho thế hệ trẻ vươn lên vượt khó, tiếp tục kiên cường để phát triển đất nước, để xứng đáng với đất nước mà bao người đã đổ máu xây dựng. Bên cạnh đó, văn bản như một lời thức tỉnh, nhắc nhở thế hệ trẻ đang chạy theo những văn hóa nước ngoài mà dần quên đi giá trị lịch sử, cần ghi nhớ công ơn to lớn của những con người đã hi sinh cho cuộc sống hòa bình ở hiện tại, từ đó, biết chăm chỉ học hành, đưa đất nước đi lên, phát triển, sánh vai với cường quốc năm châu.