Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 12 trang 23 Tập 2 | Chân trời sáng tạo Ngữ văn lớp 12

898

Tài liệu soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 12 trang 23 Tập 2 Ngữ văn lớp 12 Chân trời sáng tạo hay, ngắn gọn nhất giúp học sinh nắm được nội dung chính của bài, dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 12. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Tri thức ngữ văn lớp 12 trang 23 Tập 2

1. Tiểu thuyết

- Tiểu thuyết là thể loại văn xuôi tự sự hư cấu cỡ lớn, có khả năng phản ánh những bức tranh đời sống ở quy mô sâu rộng. Nếu truyện ngắn có kích thước nhỏ, có thể đọc hết trong một lần đọc và được xuất bản dưới dạng tập truyện thì tiểu thuyết có dung lượng lớn hơn, có thể được xuất bản thành một ấn bản riêng, với số lượng nhân vật nhiều hơn, nhiều tuyến truyện đan xen với nhau, diễn biến cốt truyện phức tạp hơn và xảy ra trong bối cảnh không gian rộng, thời gian dài hơn. Chẳng hạn, tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng có dung lượng khoảng hơn 100 trang với khoảng 7- 8 nhân vật quan trọng, các tuyến truyện chính đan vào nhau xoay quanh tuyến trung tâm là hành trình tiếp cận với xã hội thượng lưu của nhân vật chính Xuân Tóc Đỏ trong đô thành Hà Nội thời thuộc địa Pháp. Tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi (Lev Tolstoy) dài hàng nghìn trang với hàng trăm nhân vật quan trọng, hàng chục tuyến truyện đan xen phức tạp xoay quanh sự thăng trầm của các thế hệ ba dòng họ Bôn-kôn-xki (Bolkonsky), Bê-zu-khốp (Bezoukhov) và Rô-xtốp (Rostov) trong những biến động dữ dội của nước Nga qua cuộc Chiến tranh Vệ quốc năm 1812.

2. Tiểu thuyết hiện đại

- Thời hiện đại: Thời đại lịch sử gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật, quá trình đô thị hoa, chủ nghĩa tư bản và ý thức cá nhân. Ở phương Tây, thời hiện đại gắn với kỉ nguyên phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật và tư duy lí tính. Ở phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, thời hiện đại thường được tính là thời kì tiếp sau thời trung đại, khi quá trình thuộc địa hóa gây ra những biến động mạnh mẽ trong văn hóa và xã hội, khiến cơ cấu văn hóa truyền thống bị phá vỡ.

- Tiểu thuyết hiện đại: Hình thức tiểu thuyết gắn liền với thời hiện đại, với những thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc và tư duy nghệ thuật so với tiểu thuyết trung đại. Ở Việt Nam, nếu tiểu thuyết trung đại sử dụng chữ Hán là chủ yếu, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn học Trung Quốc với kết cấu chương hồi, cốt truyện tuyến tính, đặc biệt chú trọng sự kiện và chi tiết đời sống, điểm nhìn ngôi thứ ba toàn tri, thì tiểu thuyết hiện đại sử dụng chữ Quốc ngữ, tiếp thu ảnh hưởng từ văn học phương Tây với kết cấu chương đoạn hiện đại, cốt truyện có thể tuyến tính hoặc phi tuyến tính, đặc biệt chú trọng đến thế giới nội tâm và sự phát triển tính cách của nhân vật, điểm nhìn đa dạng, phức tạp (ngôi thứ nhất hoặc thứ ba toàn tri, hạn tri hoặc có sự kết hợp, di chuyển điểm nhìn).

- Ngôn ngữ tiểu thuyết: Nếu ngôn ngữ trong tiểu thuyết trung đại mang tính cách điệu, trau chuốt thì ngôn ngữ tiểu thuyết hiện đại dung nạp lời nói hằng ngày của mọi lớp người, kể cả tiếng lóng, phương ngữ,... Nhìn chung, tiểu thuyết kết hợp khéo léo giữa ngôn ngữ của người kể chuyện (ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba) với ngôn ngữ của nhân vật.

+ Ngôn ngữ của người kể chuyện phản ánh thái độ, quan điểm của người kể chuyện đối với câu chuyện và nhân vật. Ngôn ngữ của nhân vật phản ánh xuất thân, nền tảng văn hóa, tính cách, thái độ của nhân vật. Trong một số tiểu thuyết có sự đan cài phức tạp giữa ngôn ngữ của người kể chuyện và ngôn ngữ của nhân vật trong cùng một câu văn hoặc đoạn văn. Ví dụ:

Chỉ có cặp vợ chồng Văn Minh là biết rõ sự thực, nhưng mà ở vào trường hợp há miệng mắc quai. Tuyên bố rằng Xuân vốn con nhà hạ lưu, làm nghề nhặt banh sân quần vợt, vì một trò dâm dục bỉ ổi mà phải đuổi? Chao ôi! Thế thì còn gì là tiệm may Âu hóa nữa! (Vũ Trọng Phụng, Số đỏ)

- Nhân vật tiểu thuyết: Nhờ quy mô lớn và khả năng phản ánh đời sống sâu rộng, tiểu thuyết có xu hướng xây dựng những nhân vật đời thường trong nhiều mối quan hệ đa dạng, với số phận trọn vẹn và quá trình phát triển tính cách dài, phức tạp.

3. Biện pháp tu từ nói mỉa

Nói mỉa là biện pháp tu từ sử dụng cách diễn đạt có nghĩa tường minh khác với điều người nói, người viết muốn thể hiện, nhằm bộc lộ thái độ mỉa mai, châm biếm, tạo hiệu quả hài hước cho văn bản. Nói mỉa thường được sử dụng trong giao tiếp hằng ngày và trong sáng tác văn chương, đặc biệt là trong thơ văn trào phúng.

Ví dụ: Chuột chù chê khỉ rằng hôi

        Khỉ mới trả lời: Cả họ mày thơm

(Ca dao)

Lưu ý: Ý nghĩa mỉa mai cũng có thể được thể hiện trong cách nói nghịch ngữ.

Ví dụ: Những tiếng “Hắn đấy!” hay “Xem hắn kìa!” là những lời chào mừng kín đáo và kính trọng mà chúng tôi thường gặp dọc đường. (Nguyễn Ái Quốc, Vi hành)

Trong ví dụ trên, ý nghĩa mỉa mai được thể hiện qua sự kết hợp để làm bật lên tính mâu thuẫn, đối lập giữa những lời chào mừng kín đáo và kính trọng với những tiếng “Hắn đấy!” hay “Xem hắn kìa!”.

Xem thêm các bài soạn văn lớp 12 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá