Chuyên đề Địa Lí 12 Chân trời sáng tạo Thực trạng phát triển làng nghề

22

Tailieumoi.vn giới thiệu giải Chuyên đề Địa lí lớp 12 Thực trạng phát triển làng nghề sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm Chuyên đề học tập Địa lí 12. Mời các bạn đón xem:

Giải Chuyên đề Địa lí 12 Thực trạng phát triển làng nghề

1. Tổng quan tình hình phát triển

Câu hỏi trang 39 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào hình 3.6, thông tin trong bài và hiểu biết của bản thân, hãy trình bày khái quát tình hình phát triển làng nghề ở nước ta.

Dựa vào hình 3.6, thông tin trong bài và hiểu biết của bản thân, hãy trình bày khái quát tình hình phát triển làng nghề

Lời giải:

- Năm 2020, cả nước có hơn 4500 làng nghề, trong đó 1951 làng nghề được công nhận (với gần 900 làng nghề truyền thống).

- Có đến 70% làng nghề sản xuất ở quy mô nhỏ. Các làng nghề có quy mô sản xuất lớn về lao động, mặt bằng thường là các làng nghề gắn với sản xuất hàng thủ công mĩ nghệ, sản xuất sinh vật cảnh, sản xuất muối,…

- Các làng nghề phong phú về ngành nghề, đa dạng về sản phẩm. Sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Một số sản phẩm nghề truyền thống đã gia tăng giá trị nhờ tham gia vào OCOP.

- Nguồn nguyên liệu chính cho các làng nghề thường có sẵn ở địa phương hoặc khu vực lân cận như nguồn nông sản, lâm sản, thủy sản, đất sét,…

- Hiện nay, phần lớn các làng nghề sử dụng máy móc sản xuất thô sơ, công nghệ cũ. Nhiều làng nghề đã áp dụng kĩ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại ở một số công đoạn trong quy trình sản xuất. Góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.

- Du lịch làng nghề ngày càng phát triển khắp cả nước, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho địa phương.

- Hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước cũng được các làng nghề, cơ quan chức năng và chính quyền các cấp quan tâm.

- Các làng nghề ở nước ta tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc (chiếm khoảng 60%), nhiều nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Một số tỉnh, thành phố có nhiều làng nghề là Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp,…

2. Thực trạng phát triển một số làng nghề

Câu hỏi trang 45 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin trong bài và hiểu biết của bản thân, hãy trình bày thực trạng phát triển một số làng nghề ở nước ta.

Lời giải:

- Làng nghề tương Bần Yên Nhân (Hưng Yên): thuộc xã Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Là làng nghề làm tương nổi tiếng, có từ hàng trăm năm nay. Nguồn nguyên liệu chính để làm tương là đậu tương, gạo nếp, muối. Làng nghề hiện có gần 20 hộ tham gia hội làng nghề. Bình quân mỗi cơ sở làm tương tạo việc làm cho từ 5 – 10 lao động thường xuyên (2021). Quá trình làm tương hiện nay đã sử dụng máy móc ở một số khâu để tăng năng suất sản phẩm. Năm 2011, sản phẩm tương bần của làng nghề đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Vào mỗi mùa hè, hàng nghìn lít tương bần được chuyển đi tiêu thụ trong cả nước. Hiện nay, làng nghề là điểm du lịch tham quan của khách du lịch khi đến tỉnh Hưng Yên.

- Làng nghề đá mĩ nghệ Non Nước (Đà Nẵng): nằm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng), là làng nghề truyền thống, được hình thành từ thế kỉ XVII. Nguồn nguyên liệu phục vụ chế tác trước đây khai thác từ núi Ngũ Hành Sơn. Hiện nay, để bảo vệ quần thể danh thắng núi Ngũ Hành Sơn, nguồn nguyên liệu được cung cấp từ một số tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên,… Các sản phẩm đá mĩ nghệ tại làng nghề phong phú và đa dạng. Làng nghề có hơn 20 doanh nghiệp, 370 cơ sở sản xuất kinh doanh lớn, nhỏ với khoảng 1500 lao động (2022). Các sản phẩm được cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước Pháp, Hoa Kỳ,… Làng nghề cũng là một trong những điểm tham quan của khách du lịch khi đến Đà Nẵng.

- Làng nghề gạch, ngói, gốm Mang Thít (Vĩnh Long): các làng nghề đã tồn tại hơn 100 năm với hơn 900 lò gạch mái vòm còn nguyên vẹn. Nguồn nguyên liệu chính là đất sét tại địa phương. Các sản phẩm chủ yếu là gạch, ngói, gốm. Trong làng nghề có các cơ sở sản xuất với quy mô khác nhau, trong đó các cơ sở sản xuất lớn có hàng trăm lao động. Từ những năm 1960 đến nay, làng nghề đã ứng dụng máy móc vào sản xuất ở công đoạn nhào đất, ép gạch. Sản phẩm của làng nghề cung cấp chủ yếu cho thị trường trong nước, ngoài ra còn xuất khẩu sang các thị trường EU, Hoa Kỳ, Đài Loan, Hồng Công,… Hiện nay làng nghề cũng là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách dọc sông Cổ Chiên.

- Làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội): thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội; là một làng gốm truyền thống ra đời từ thế kỉ XIV. Nguồn nguyên liệu chính sử dụng là đất sét. Các sản phẩm của làng nghề tinh xảo, phong phú cả về chủng loại và kiểu dáng, có tính cạnh trạng cao trên thị trường. Có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 1000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ (2020). Ngoài tạo việc làm cho lao động địa phương, làng nghề đang tạo việc làm với thu nhập ổn định cho khoảng 5000 lao động đến từ các địa phương khác. Là một trong những làng nghề sản xuất gốm sứ tiêu biểu của nước ta về đổi mới công nghệ trong sản xuất. Trước đây, chủ yếu sử dụng lò than để nung gốm, từ năm 2000 đến nay đã chuyển sang lò ga hiện đại, làm tăng chất lượng sản phẩm ra lò, tiết kiệm tiêu họa năng lượng, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Sản phẩm gốm sứ có mặt trong các nước và ở các thị trường lớn trên thế giới như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Là một trong những điểm du lịch tiêu biểu của thành phố Hà Nội, lượng khách đến tham quan, mua bán ước khoảng 200 000 lượt/năm.

- Làng hoa Vạn Thành (Lâm Đồng): thuộc Phường 5, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Làng nghề với hơn 50 năm trồng hoa, có diện tích lớn nhất trong các làng nghề trồng hoa ở Đà Lạt, với hơn 230 ha (2023). Trồng các loại cây, hoa có giá trị kinh tế cao như lan, li li, hoa hồng, cẩm chướng,… Có gần 300 hộ nông dân chuyên sản xuất các loại hoa cắt cành. Hiện nay, đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sử dụng nhà kính, cơ giới hóa,… Sản phẩm cung cấp cho nhiều địa phương trong cả nước, là một trong những điểm thu hút khách du lịch khi đến Đà Lạt.

- Làng nghề sản xuất muối Tuyết Diêm (Phú Yên): thuộc xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, đến nay đã hơn 150 năm. Có 131 ha chuyên sản xuất muối, sản lượng hàng năm khoảng 12 000 tấn (2020). Có khoảng 40 hộ tham gia sản xuất vào Hợp tác xã muối Tuyết Diêm với hơn 850 thành viên. Có hơn 15 ha chuyển sang sản xuất muối theo phương pháp phủ bạt nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng muối. hoạt động khai thác du lịch tại làng nghề còn ở dạng tiềm năng.

Xem thêm lời giải Chuyên đề học tập Địa Lí 12 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

I. Khái quát

II. Thực trạng phát triển làng nghề

III. Vai trò và tác động của làng nghề đến phát triển kinh tế, xã hội và tài nguyên, môi trường

IV. Định hướng phát triển làng nghề

V. Tìm hiểu phát triển làng nghề ở địa phương

Xem thêm lời giải Chuyên đề học tập Địa Lí 12 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Chuyên đề 1: Thiên tai và biện pháp phòng, chống

Chuyên đề 2: Phát triển vùng

Chuyên đề 3: Phát triển làng nghề

Đánh giá

0

0 đánh giá