TOP 10 bài Nghị luận về lối sống văn minh khi tham gia giao thông 2024 SIÊU HAY

1.4 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Nghị luận về lối sống văn minh khi tham gia giao thông Ngữ văn 11 Kết nối tri thức, gồm 10 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới. 

Nghị luận về lối sống văn minh khi tham gia giao thông

Đề bài: Nghị luận về lối sống văn minh khi tham gia giao thông

Dàn ý chi tiết Nghị luận về lối sống văn minh khi tham gia giao thông

1. Mở bài

- Giao thông hiện nay là vấn đề  được đề cập nhiều nhất ở tất cả các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển.

– Vấn đề ứng xử văn hóa trong giao thông hiện nay cũng là vấn đề đang được quan tâm nhiều

2. Thân bài

– Nói qua tình hình chung giao thông nước ta hiện nay, đang gặp những khó khăn và có những thuận lợi gì?…

– Giải thích lối sống văn minh khi tham gia giao thông là gì: Ở đây có thể hiểu “lối sống văn minh khi tham gia giao thông” là thái độ cư xử đúng mực là cách giao tiếp giữa mọi người với nhau khi tham gia giao thông. Hay nói cách khác văn minh giao thông chính là cách xử sự của người tham gia giao thông và người quản lý giao thông.

– Những người tham gia giao thông có văn minh tức là đi đúng làn đường của mình, không vượt đèn đỏ, không lạng lách đánh võng, nhường đường cho xe ưu tiên có thái độ tôn trọng luật giao thông một cách đúng mực. 

– Tình trạng tham gia giao thông hiện nay: nhiều người tham gia giao không coi luật giao thông. Họ thường xuyên vi phạm luật nhưng lại vượt luật, gây náo loạn giao thông. Bộ phận này phần lớn ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Điều này là một nét văn hóa ứng xử không tốt đang hiện hình trong giới trẻ và nhiều người khi tham gia giao thông.

– Đặt lại vấn đề: Vậy việc tham gia giao thông những nét văn hóa giao thông có nên xem xét chỉ một phái người tham gia giao thông, hay phải nói them về những người quản lý giao thông. Việc ban hành những quy định cũng như thắt chặt giao thông cũng cần phải khiến cho dân phục và làm theo một cách tự giác. Nếu làm điều này không được rõ ràng thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến việc cư xử có văn hóa của những người tham gia giao thông.

– Các vấn đề giao thông ngày nay càng xuất hiện nhiều, và để xử lý được vấn đề này cần có sự phối hợp ăn ý và có văn hóa giữa người tham gia giao thông và những người quản lý giao thông.

+ Tình trạng tắc đường đang diễn ra nhiều” Do mọi người tham gia giao thông ai cũng muốn đi nhanh dẫn đến tình trạng chen lấn, tắc nghẹt.

+ Văn hóa trên xe bus hiện nay: Là một loại phương tiện công cộng, bởi thế cần xây dựng văn hóa xe bus sao cho lành mạnh để mọi người có thể hạn chế sự ách tắc và tai nạn giao thông hiện nay.

Xây dựng được lối sống văn minh khi tham gia giao thông lành mạnh sẽ có tác dụng rất lớn đối với người tham gia giao thông. Khi mọi người tham gia giao thông đều có ý thức và trách nhiệm thì sẽ tạo nên môi trường lành mạnh, cũng như văn hóa ứng xử giao thông cũng được nâng cao. Điều này hạn chế tai nạn cũng như mang lại sự trong lành cho những cung đường.

3. Kết bài

– Cần xây dựng cho mình thói quen tốt khi tham gia giao thông. Tự xây dựng thói quen tốt khi tham gia giao thông là đang tự xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình.

– Lối sống văn minh khi giao thông hiện nay vô cùng cần thiết, bởi nó sẽ giúp cho cuộc sống của bạn thêm tốt đẹp hơn.

TOP 10 bài Nghị luận về lối sống văn minh khi tham gia giao thông 2024 SIÊU HAY (ảnh 1)

Nghị luận về lối sống văn minh khi tham gia giao thông - Mẫu 1

Giao thông là vấn đề luôn đặt ra thách thức cho mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, và điều này càng phức tạp hơn nhiều. Có nhiều số liệu về tai nạn giao thông, cảnh báo và biện pháp phòng ngừa, nhưng để giải quyết vấn đề này cần sự hợp tác của cộng đồng người tham gia giao thông. Tuy nhiên, văn hóa giao thông vẫn là một vấn đề đau đầu, đòi hỏi sự nhìn nhận và suy xét.

An toàn giao thông không chỉ là bảo vệ chính bản thân mình mà còn là bảo vệ gia đình, người thân và xã hội. Thực tế, tình hình giao thông ngày càng phức tạp. Các phương tiện truyền thông thông báo về tình hình và nguyên nhân cùng các biện pháp giải quyết, nhưng vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể.

Văn hóa giao thông là ứng xử của người dân khi tham gia giao thông. Người tham gia giao thông có văn hóa là những người biết cách ứng xử, tuân thủ luật giao thông và thể hiện đạo đức khi tham gia giao thông. Tôn trọng luật giao thông và tự giác là những điểm quan trọng. Những hành động cần phải thể hiện qua sự tự giác, không phải do áp đặt.

Người tham gia giao thông có văn hóa là những người tận tâm với cộng đồng. Họ không chen lấn, giúp đỡ những nạn nhân, nhường đường cho xe cứu thương và báo cáo kịp thời về tình hình giao thông. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số người có 'văn hóa giao thông' còn kém, đặc biệt là các bạn trẻ, thể hiện qua việc không đội mũ bảo hiểm, vượt ẩu, chở quá số người, đi ngược chiều và không có ý thức tốt. Thậm chí, vấn đề dừng đỗ xe không đúng quy định cũng gây nhiều bất cập.

Văn hóa giao thông thể hiện nhân cách của mỗi người. Có văn minh, lịch sự, có ứng xử văn hóa hay không, đều thể hiện trong các tình huống giao thông. Mỗi người dân, nếu có ý thức và hành động đúng đắn về văn hóa giao thông, sẽ giúp cải thiện tình trạng giao thông, mang lại hạnh phúc cho mọi người và xã hội.

Nghị luận về lối sống văn minh khi tham gia giao thông - Mẫu 2

Lối sống văn minh khi tham gia giao thông là tập hợp các cách thức ứng xử, sự tuân thủ, chấp hành các luật lệ cũng như các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông. Đây là yếu tố quyết định trực tiếp tới an toàn của mỗi cá nhân cũng như cả cộng đồng khi di chuyển trên mọi phương thức vận tải, đặc biệt là đường bộ. Vậy nhưng, hiện nay, văn hóa giao thông của một bộ phận người Việt đang xuống dốc một cách nghiêm trọng. Trên đường, không khó để có thể bắt gặp hình ảnh người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ hay lạng lách đánh võng… Nghiêm trọng hơn, trong kì nghỉ lễ mùng 2 tháng 9 vừa rồi, dư luận đã lên án gay gắt vụ việc một người cố tình lái máy xúc vượt qua đường ray, khiến nó hư hại nghiêm trọng và gây nên tình trạng trì trệ trên tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam. Đứng trước hiện tượng này, thiết nghĩ, Nhà nước cần chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng những đồ án quy hoạch để giảm thiểu áp lực lên hệ thống đường xá nội đô, sử phạt nghiêm khắc những cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, tất cả chúng ta cần góp phần xây dựng văn hoá giao thông  bằng những việc làm cụ thể như: đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, dừng, đỗ đúng phần đường quy định, nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu giao thông, không dàn hàng, dùng điện thoại, ô che khi điều khiển phương tiện giao thông… “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội”. Nếu có được sự chung tay của toàn xã hội, nỗi ám ảnh về những vụ tai nạn giao thông thương tâm sẽ được đẩy lùi.

TOP 10 bài Nghị luận về lối sống văn minh khi tham gia giao thông 2024 SIÊU HAY (ảnh 2)

Nghị luận về lối sống văn minh khi tham gia giao thông - Mẫu 3

Giao thông là vấn đề vẫn được các cơ quan chức năng nhắc đến rất nhiều hiện nay. Đó là việc gia tăng tai nạn giao thông, tắc đường, kẹt xe, xây dựng các công trình đường sá… Tuy nhiên có một vấn đề ngày càng được nhấn mạnh và kêu gọi mọi người ủng hộ là cách ứng xử trong văn hóa giao thông ở nước ta.

Vậy có thể hiểu văn hóa giao thông là gì? Chúng ta vẫn thường nghe đến vẫn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp; nhưng gần đây lại xuất hiện cụm từ “văn hóa giao thông”. Khi nhắc đến văn hóa chắc hẳn chúng ta sẽ nghĩ đến thái độ cư xử đúng mực, cách giao tiếp giữa mọi người với nhau. Văn hóa giao thông cần phải có sự phối hợp giữa người tham gia giao thông và người quản lý giao thông.

Mọi người tham gia giao thông có văn hóa tức là đi đúng làn đường của mình, không vượt đèn đỏ, không lạng lách đánh võng, nhường đường cho xe ưu tiên. Cách cư xử có văn hóa này sẽ tạo nên môi trường tham gia giao thông lành mạnh và an toàn, hạn chế được sự quá tải cũng như tai nạn giao thông.

Tình trạng nhiều người tham gia giao thông hiện nay không coi luật giao thông ra gì, vi phạm luật nhưng lại vượt luật, gây náo loạn giao thông. Bộ phận này tập trung ở thanh thiếu niên, vì ý thức của họ chưa được nâng cao, không biết cách tự giác, cũng như muốn khẳng định cái “tôi’ của bản thân mình.

Tuy nhiên khi nói đến văn hóa giao thông thì cũng phải nhắc đến những người quản lý giao thông như cảnh sát giao thông, các cơ quan có nhiệm vụ điều tiết giao thông. Việc ban hành những quy định cũng như thắt chặt giao thông cũng cần phải khiến cho dân phục. Điều này cũng xuất phát từ việc xử phạt công bằng, văn minh, không có trường hợp bỏ qua hay nhận tiền hối lộ. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc cư xử có văn hóa của những người tham gia giao thông.

Mặc dù quy định được ban ra nhưng không cần nhất thiết phải thực hiện cứng nhắc, khi có thể mềm dẻo thì vẫn có thể mềm dẻo được. Như thế sẽ tạo nên được môi trường tham gia giao thông lành mạnh.

Hiện nay, việc xây dựng các công trình giao thông như cầu vượt, mở rộng đường đang khiến cho tình trạng ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Để xử lý được vấn đề này cần có sự phối hợp ăn ý và có văn hóa giữa người tham gia giao thông và người điều tiết giao thông.

Một vấn đề về ứng xử văn hóa giao thông chính là “văn hóa xe bus”. Đây là một loại phương tiện công cộng, bởi thế cần xây dựng văn hóa xe bus lành mạnh để mọi người có thể hạn chế sự ách tắc và tai nạn giao thông hiện nay.

Xây dựng được văn hóa giao thông lành mạnh có tác dụng rất lớn đối với người tham gia giao thông. Khi mọi người đều có ý thức và trách nhiệm thì sẽ tạo nên môi trường lành mạnh, hạn chế tai nạn cũng như mang lại sự trong lành cho những cung đường.

Đối với những người trẻ thì cần xây dựng cho mình thói quen tốt khi tham gia giao thông. Chúng ta đang tự xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho mình.

Văn hóa giao thông hiện nay vô cùng cần thiết, nó sẽ giúp cho cuộc sống của bạn thêm tốt đẹp hơn.

Nghị luận về lối sống văn minh khi tham gia giao thông - Mẫu 4

Để hòa bình và hạnh phúc lan tỏa trên toàn thế giới, con người luôn theo đuổi lối sống văn hóa và văn minh. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, lối sống văn hóa cần thể hiện trong mọi lĩnh vực, trong mọi tình huống, từ chuyện ăn, mặc, học hành đến đi lại. Trong đó, văn hóa giao thông đang trở thành một vấn đề quan trọng và lâu dài.

Nhưng 'Văn hóa giao thông' là gì và tại sao cần thiết? Văn hóa giao thông là việc tuân thủ quy định của luật giao thông và có lối ứng xử đẹp khi tham gia giao thông. Điều này thể hiện trong việc tuân thủ đèn tín hiệu, làm theo hướng dẫn của cảnh sát giao thông và ứng xử nhường đường cho người khác.

Hiện nay, văn hóa giao thông ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề nguy hiểm và luôn ở chế độ báo động. Tình hình giao thông được mô tả như một cơn ác mộng, đại dịch, địa ngục, kẻ sát nhân lặng thầm. Tai nạn giao thông tăng lên với hậu quả nghiêm trọng, khiến nhiều gia đình mất đi trụ cột, mất đi mầm non tương lai của đất nước.

Tham gia giao thông, chúng ta thường gặp những hình ảnh lạ lẫm như người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà chưa có bằng lái, lạng lách, đánh võng, vi phạm luật giao thông. Văn hóa giao thông còn được đánh giá qua việc những người tham gia có ý thức và trách nhiệm hay không.

Để xây dựng văn hóa giao thông, không chỉ cần nâng cấp cơ sở hạ tầng mà còn cần giáo dục luật giao thông cho mọi người. Việc học luật giao thông không chỉ qua văn bản mà còn cần sự hiểu biết và ý thức từ mỗi người. Nếu mọi người hiểu rằng luật giao thông là để đảm bảo an toàn, phục vụ lợi ích cộng đồng, chúng ta sẽ có những ứng xử đúng và từ đó hình thành văn hóa giao thông tích cực.

Thế hệ trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi văn hóa giao thông. Việc tham gia các hoạt động tuyên truyền, giữ gìn trật tự an toàn giao thông sẽ góp phần hình thành văn hóa giao thông tích cực. Mỗi người dân, từ thành phố đến nông thôn, đều cần chấp hành luật giao thông để tạo nên một môi trường giao thông an toàn và lịch sự.

Nghị luận về lối sống văn minh khi tham gia giao thông - Mẫu 5

Giao thông luôn là vấn đề nan giải của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam ta, và vấn đề này còn có nhiều điều đáng nói hơn cả. Bao nhiêu số liệu về tai nạn giao thông được công bố, bao nhiêu lời cảnh báo giao thông được đưa ra, bao nhiêu biện pháp phòng ngừa được đề xuất, rất cần sự chung tay hợp tác của cộng đồng người tham gia giao thông nhưng đến nay, văn hóa giao thông vẫn là điều gây nhức nhối, cần có sự nhìn nhận, suy xét lại rất nhiều.

An toàn giao thông là an toàn cho chính mình, cho gia đình, những người thân và toàn xã hội. Thực tế tình trạng giao thông luôn diễn biến vô cùng phức tạp. Các phương tiện truyền thông, báo chí, truyền hình rang rảng thông báo tình trạng, nguyên nhân và biện pháp giải quyết nhưng tình trạng này vẫn chưa có sự giải quyết thấu đáo nhất.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như cơ sở hạ tầng còn kém chất lượng, tuy nhiên nguyên nhân chính hơn cả vẫn là do ý thức của người dân đối với việc tuân thủ các biện pháp an toàn giao thông là vẫn rất kém – hay có nghĩa rằng văn hóa giao thông của người dân nước ta rất cần được đem ra bàn luận.

Văn hóa giao thông chính là văn hóa của người dân khi xuống đường tham gia giao thông. Người dân tham gia giao thông có văn hóa là người biết cách ứng xử, chấp hành các quy định về luật giao thông, tuân thủ các phép tắc chuẩn mực đạo đức cần có khi tham gia giao thông. Hay nói cụ thể hơn, văn hóa giao thông thể hiện ở khía cạnh thứ nhất là biết chấp hành theo pháp luật về các quy định an toàn giao thông. Tôn trọng luật giao thông và tự giác chấp hành luật giao thông như dừng đỗ đúng nơi quy định, đi đúng làn đường cho phép, không vượt đèn đỏ, không đi ngược chiều… Các hành động cần phải được thể hiện rõ trong sự tự giác, không phải do bị ép buộc hay hành động theo kiểu đối phó.

Ở khía cạnh thứ hai, người tham gia giao thông có văn hóa là người có tinh thần vì cộng đồng cao. Không chen lấn xô đẩy, biết giúp đỡ các nạn nhân, giúp đỡ trẻ em người già, nhường đường cho xe cứu thương, kịp thời báo cáo đến các cơ quan có chức năng nếu phát hiện có tình trạng xấu về giao thông kể cả vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, một bộ phận người dân có “văn hóa giao thông” còn rất kém, đặc biệt là các bạn trẻ, tình trạng không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, chở quá số người được quy định, tình trạng đi ngược chiều, cố tình đi vào đường cấm gây cản trở cho giao thông và những người có ý thức tốt trong tham gia giao thông rất nhiều. Ngay cả những vấn đề dừng đỗ xe không đúng quy định cũng gây nhiều bất cập.

Văn hóa giao thông, những biểu hiện trong ứng xử khi tham gia giao thông đều phần nào cho thấy nhân cách của mỗi người. Có văn minh, lịch sự, có cư xử văn hóa hay không, trong các tình huống về giao thông đều có phản ánh cả.

Cải thiện tình trạng giao thông nằm trong tầm tay mỗi người, nó có ở ý thức của mỗi người. Hãy bắt đầu từ những việc tưởng như nhỏ nhặt nhất, nhỏ bé nhất như đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn khi lái các phương tiện xe máy, ô tô. Đi đúng làn đường quy định và dừng đỗ đúng làn đường quy định. Nghiêm túc chấp hành luật giao thông, không lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, không uống rượu bia khi lái xe, luôn biết giúp đỡ những người tham gia giao thông khác. Bảo vệ, giữ gìn các tài sản công về cơ sở hạ tầng giao thông đường phố, giữ gìn đường phố luôn xanh, sạch, đẹp. Có ý thức nghiêm túc, tự giác thực hiện đồng thời ra sức tuyên truyền cho mọi người biết về văn hóa và các cách ứng xử khi tham gia giao thông.

An toàn giao thông sẽ mang lại hạnh phúc cho mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội. Mỗi người dân, nếu biết đồng lòng hành động đúng đắn và suy nghĩ thiết thực về văn hóa giao thông thì vấn đề giao thông an toàn sẽ rất dễ dàng.

Nghị luận về lối sống văn minh khi tham gia giao thông - Mẫu 6

Muốn có hòa bình và hạnh phúc, khắp mọi nơi trên thế giới, con người vẫn luôn theo đuổi lối sống văn hóa, văn minh. Nhưng để đạt được điều đó, lối sống văn hóa không chỉ cần thực hiện trong một thời điểm hay trong một sự việc, mà phải được thể hiện trong mọi lĩnh vực, mọi tình huống dù là chuyện ăn, chuyện mặc, chuyện học hành hay chuyện đi lại. Trong đó, văn hóa giao thông là một vấn đề đã, đang và sẽ còn được quan tâm lâu dài.

Nhưng “Văn hóa giao thông” là gì và tại sao cần có văn hóa giao thông trong cuộc sống? Hiểu một cách đơn giản, văn hóa giao thông là việc tuân thủ đúng quy định của luật giao thông và có lối ứng xử đẹp trong cách tham gia giao thông. Văn hóa này thể hiện ngay trong việc tuân thủ đèn tín hiệu trên đường, làm theo hướng dẫn của cảnh sát giao thông hay ứng xử nhường đường cho người đi bộ, người già, trẻ nhỏ…

Hiện nay, chúng ta chưa thể khẳng định rằng chúng ta có một văn hóa giao thông đáng tự hào. Mỗi ngày tham gia giao thông vẫn còn là một cuộc chiến, bởi tình hình giao thông của nước ta vẫn đang tiềm ẩn nhiều vấn đề nguy hiểm và luôn ở chế độ báo động. Không ít người nước ngoài nói về giao thông Việt Nam như một cơn ác mộng, là đại dịch, là địa ngục, là kẻ sát nhân lặng thầm,… Tất cả những hình ảnh so sánh, ví von ấy đã đủ để phản ánh thực trạng tham gia giao thông vô cùng phức tạp. Hằng năm, tỉ lệ các vụ tai nạn giao thông tăng lên với một con số nhảy vọt đáng sợ và hậu quả cũng ngày càng nghiêm trọng. Đã bao nhiêu gia đình mất đi trụ cột vững chắc, bao nhiêu em thơ mất cha, mất mẹ và chúng ta đã mất đi bao nhiêu mầm non tương lai của đất nước vì những vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Đất nước mất đi vị thế, mất đi hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế là một điều đáng buồn, nhưng mất đi những người con là máu xương, là một phần của đất nước thì càng đau xót hơn vạn lần. Mất mát to lớn nhất của tai nạn giao thông còn gì hơn chính là khi chúng ta mất đi một phần gắn bó của gia đình, của quê hương, cộng đồng.

Con đường đi học cỡ chừng hai cây số mà có thể mất cả nửa tiếng đồng hồ để vượt qua. Nắm tay một em nhỏ bước thêm hai khoảng sân nhỏ là đến cổng trường mà biết bao phương tiện giao thông đã lấp đầy vỉa hè…

Nào đâu chỉ thế, cho dù không phải giờ cao điểm, không bị ách tắc, giao thông vẫn được điểm tô một màu xám xịt bởi các bạn học sinh còn chưa có bằng lái xe đã điều khiển xe mô tô, xe gắn máy. Không ít bạn còn lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu. Vẫn có những mái tóc bồng bềnh trong gió vì không đội mũ bảo hiểm mà nhiều nhất là trên những chiếc xe đạp điện. Ta vẫn thường thấy trên những chiếc xe buýt là tấm bảng nội quy với dòng chữ: “Nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai”. Chao ôi, cái điều đáng ra là hiển nhiên ấy, điều mà tưởng như mọi người đều sẽ thực hiện trong niềm vui thì giờ đây lại phải nhắc nhở trong bảng nội quy.

Tình trạng đáng lo ngại ấy vẫn đang từng ngày, từng giờ hiện hữu, bởi chúng ta chưa có một nền văn hóa giao thông đáng tự hào. Thay vì ứng xử một cách có ý thức và trách nhiệm, văn minh, lịch sự khi tham gia giao thông thì rất nhiều người trong số chúng ta lại tham gia giao thông với lối ứng xử bản năng đến lạ kì. Dù là đường một chiều nhưng vì đi quá chỗ cần đến, ta vẫn quay lại như thể đó là đường riêng của mình. Dù đã chuyển sang đèn đỏ nhưng những chiếc xe vẫn lao vút qua không ngần ngại. Khi không may có va chạm xảy ra, thay vì hỏi han tình hình đối phương, nói những lời xin lỗi hay cảm ơn tùy hoàn cảnh thì người ta quay ra xích mích, cãi lộn, thậm chí gây gổ đánh nhau chẳng cần biết ai sai, ai đúng, mà nhiều khi chẳng ai trong số họ chấp hành đúng luật giao thông. Chúng ta từng không ít lần xem được những đoạn video chia sẻ về việc nam thanh niên tạt đầu ô tô còn dọa đánh tài xế trên mạng xã hội; không ít bài báo viết về những vụ việc xô xát nghiêm trọng sau va chạm.

Sau những lần ấy, việc chúng ta nên làm phải chăng là luyện ngón tay, múa bàn phím, bình luận chê bai? Biết lên án, phê phán những hành vi ứng xử thiếu văn hóa giao thông là dấu hiệu đáng mừng, là một việc tốt, nhưng nếu chỉ như thế, văn hóa giao thông không bao giờ được cải thiện. Chừng nào chưa cải thiện được văn hóa giao thông thì chừng đó giao thông vẫn còn là lưỡi hái tử thần đáng sợ.

Một đất nước, cho dù có phát triển theo phương hướng nào thì văn hóa cũng là nền tảng quan trọng. Những bước tiến dù nhanh hay chậm với nhịp điệu và tốc độ ra sao thì cũng cần có văn hóa mới bền vững được. Muốn hình thành văn hóa giao thông, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng sao cho đáp ứng được nhu cầu lưu thông của các phương tiện giao thông ngày càng gia tăng là cần thiết. Nhưng quan trọng hơn là việc giáo dục Luật giao thông cho mỗi người. Có một sự thật là người Việt Nam không học Luật giao thông qua các văn bản luật, qua các chương trình an toàn giao thông mà học từ những lần bị xử lí vi phạm. Cho đến thời điểm được yêu cầu dừng xe, không ít người vẫn không biết vì lí do gì và chỉ biết thêm luật ấy sau khi nhận biên bản. Đó là điều đáng buồn. Người Việt nhìn chung, sợ các vấn đề pháp lí, dè chừng các điều luật và né tránh những cung đường giao thông “có cảnh sát giao thông chốt”. Nhìn luật như một thứ vô hình, chung chung, trừu tượng nên không biết và không hiểu nhưng lại e dè nó như một thứ áp chế mình nên việc thực hiện Luật giao thông chưa được nâng cao. Chỉ khi suy nghĩ ấy được thay đổi, để mỗi người hiểu rằng luật giao thông được đưa ra để đảm bảo an toàn, phục vụ cho lợi ích của người tham gia giao thông thì chúng ta mới có những ứng xử đúng. Và từ đó, hình thành những ứng lối xử đẹp tạo nên văn hóa giao thông.

Khi văn hóa giao thông phát triển, ta sẽ thấy một bộ mặt đất nước hoàn toàn mới, sẽ thấy nhiều hơn những cái dắt tay đưa người già qua đường, việc nhường ghế trên xe buýt trở thành nét đẹp của hành vi đạo đức chứ không vì nội quy hay do người khác nhắc nhở. Trên những vỉa hè không còn những quán hàng và những chiếc xe liều mình lao lên thoát khỏi ách tắc. Ta thấy những người sẵn sàng xin biên bản, đó là hành động dũng cảm chịu trách nhiệm về hành vi của mình chứ không vì muốn nhanh, muốn tiện mà thỏa hiệp với cái xấu.

Để rồi, khi bước ra khỏi lũy tre làng, vươn mình ra thế giới, ta không phải ngại ngần khi thấy Thái Lan mở rộng đường sá, phát triển xa lộ cao tầng, Hồng Kông và Singapore tăng cường nâng cấp giao thông công cộng, đất nước Anh với những con đường “không vết chân chim” hay như nước Lào - một đất nước mà mọi tiêu chí đánh giá GCI đều thấp hơn nước ta nhưng lại có văn hóa giao thông đáng ngưỡng mộ. Mọi người dân, dù ở cố đô Luông Pha Băng, thủ đô Viên Chăn hay miền Nam nước Lào, từ thành phố lớn đến nông thôn thì ý thức tham gia giao thông của người dân đều rất tốt, họ chấp hành luật rất nghiêm túc và có văn hoá ở mọi lúc, mọi nơi.

Muốn có được viễn cảnh tươi đẹp ấy, thế hệ trẻ đóng vai trò quan trọng. Sẽ là ai nếu không phải chúng ta tham gia tích cực trong các hoạt động tuyên truyền văn hóa giao thông, tham gia vào công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tiêu biểu như sinh viên, thanh niên tình nguyện giúp điều khiển giao thông trên các tuyến đường hay xảy ra ùn tắc. Màu áo xanh với lá cờ đỏ ở các ngã tư đường từ lâu đã là hình ảnh đẹp đẽ, thân thuộc. Bên cạnh đó, chính chúng ta cũng là người tham gia giao thông, nếu chúng ta có những ứng xử đẹp thì cũng đồng nghĩa với việc góp phần hình thành nên văn hoá giao thông của cộng đồng.

Nghị luận về lối sống văn minh khi tham gia giao thông - Mẫu 7

Một trong những chủ trương phát triển của nước ta là phải hoàn thành được "Điện, đường, trường, trạm". Cùng với việc xây dựng mạng lưới điện, trường học và trạm y tế, những con đường là một trong những vấn đề cốt yếu giúp đất nước phát triển hơn. Thế nhưng giao thông phát triển lại mang theo vấn đề vốn vô cùng nan giải. Giáo dục về an toàn giao thông chính là cách nâng cao dân trí của người tham gia giao thông.

An toàn giao thông có thể hiểu là sự an toàn của mỗi người khi tham gia giao thông. Ngày nay trên báo đài hoặc truyền thông công cộng, ta vẫn có thể dễ dàng nghe được những thông tin về các vụ tai nạn giao thông trên toàn quốc. Thống kê đã chỉ ra rằng trung bình mỗi ngày có khoảng 10 người bước ra khỏi nhà và mãi mãi không bao giờ quay về nhà nữa. Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia chỉ ra rằng chỉ 8 tháng đầu năm 2017, đã có gần 13.000 vụ tai nạn giao thông đã xảy ra, cướp đi mạng sống của hơn 5.000 người và khiến hơn 10.000 người khác bị thương. Những con số giật mình đó thật sự đã thức tỉnh mỗi chúng ta về ý thức tham gia giao thông. Những vụ tai nạn giao thông liên hoàn ngày một diễn ra càng nhiều, sinh mạng con người cũng vì thế mà trở nên mong manh hơn mỗi khi bước ra khỏi cửa. Không những đẩy những phận người vào chỗ chết hoặc không thì cũng tổn hại đến sức khỏe và tinh thần, chúng còn khiến những người thân của họ phải vác trên vai gánh nặng, gieo nỗi đau thương và tang tóc lên hàng triệu mái nhà trên mảnh đất hình chữ S này.

Mất an toàn giao thông hình thành bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng xét cho cùng vẫn chủ yếu do ý thức con người. Không thể phủ nhận việc ý thức tham gia giao thông của người Việt Nam vô cùng kém. Vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng, đua xe trên cao tốc là những vấn đề nan giải mà hàng năm qua chúng ta vẫn loay hoay không có cách nào giải quyết. Tâm lí muốn nhanh chóng khiến nhiều người sẵn sàng vi phạm luật giao thông chỉ để nhanh thêm được vài giây ngắn ngủi nhưng lại chậm cả đời bởi tai nạn giao thông đang rình rập ở mỗi con đường. Hậu quả là hàng ngàn vụ tai nạn đã xảy ra chỉ vì lối tham gia giao thông vô ý thức, vô kỉ luật mà hàng triệu người dân đang làm. Chưa ý thức được cái chết và sự nguy hiểm của lạng lách, đánh võng, vì vậy mà nhiều người vẫn vô tư vi phạm luật giao thông để rồi mang đến hậu quả đau lòng cho người khác và cho chính mình.

Việc mất an toàn giao thông cũng do chất lượng cầu đường của chúng ta chưa đảm bảo. Việc mới là một quốc gia đang phát triển khiến kinh phí đổ vào việc đầu tư những con đường lớn còn ít, nền đất của một nước ở khu vực nhiệt đới còn yếu nên nhiều con đường được xây dựng có chất lượng kém. Những ổ gà, ổ voi xuất hiện là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn cho những người tham gia giao thông nhất là vào mùa mưa lũ.

Không chỉ vậy, có một số doanh nghiệp tư nhân vì muốn tiết kiệm chi phí mà sử dụng những phương tiện đã quá hạn bảo trì. Bởi vậy, chất lượng xe không đảm bảo khiến mỗi cung đường ta đi càng trở nên nguy hiểm hơn và mạng sống con người cũng trở nên " ngàn cân treo sợi tóc".

Vì vậy, việc nâng cao ý thức người tham gia giao thông là quốc sách mà mỗi quốc gia cần trang bị cho mình. Nâng cao chất lượng phương tiện công cộng và khuyến khích người dân tham gia là một giải pháp góp phần giải quyết nạn kẹt xe, tắc đường mỗi giờ cao điểm. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc và xử phạt những doanh nghiệp sử dụng xe có chất lượng kém để răn đe. Xét đến cùng, ý thức con người vẫn là điều kiện tiên quyết. Nâng cao ý thức người tham gia giao thông bằng cách mở lớp học hay giáo dục từ khi còn tấm bé là cách chúng ta cải thiện ý thức người đi đường.

An toàn giao thông từ lâu đã trở thành một vấn đề nan giải của mỗi quốc gia, dân tộc. Để giải quyết vấn đề khó khăn này rất cần sự đồng lòng và chung tay góp sức của những người dân và các cấp chính quyền. Là người đi đường thông minh để giảm thiểu tai nạn giao thông là bạn đang góp phần rất lớn vào công cuộc hiện đại hóa và văn minh hóa đất nước.

Nghị luận về lối sống văn minh khi tham gia giao thông - Mẫu 8

Đã từ lâu, an toàn giao thông là một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Những năm gần đây số tai nạn giao thông đã xãy ra càng nhiều, tỉ lệ tử vong tăng rất nhanh. Vậy chúng ta, nhất là những người trẻ có suy nghĩ và hành động như thế nào để góp phần làm giảm thiểu tai nạn giao thông? Do đó chúng ta phải cần xây dựng văn hóa giao thông.

Cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội hiện nay ta thấy rằng các phương tiện giao thông ngày càng hiện đại, số lượng ngày càng tăng. Bây giờ 16 tuổi đã được chạy xe đạp điện, xe máy điện. Các bạn thân mến, xe đạp điện và xe máy điện rất có ít cho học sinh, sinh viên vì các lợi ít như: không cần nhiên liệu, không tốn sức đạp,... Đặc biệt xe đạp điện làm giảm thiểu tai nạn giao thông, cho học sinh, sinh viên yên tâm hơn khi đi bằng xe đạp điện, xe máy điện. Ngoài việc chấp hành những quy định giao thông đường bộ thì người tham gia giao thông phải có văn hóa giao thông cần biết thể hiện sự tôn trọng, nhường nhịn những đối tượng tham gia giao thông như trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và những người tàn tật biết giúp đỡ những người bị nạn, người gặp rủi ro trên đường. Bên cạnh đó người có văn hóa giao thông là người biết tỏ thái độ lên án với những hành vi thiếu văn hóa của người tham gia giao thông như: không đội nón bảo hiểm, đua xe, gây tai nạn rồi bỏ trốn,... Có rất nhiều tiêu chí để đánh giá về văn hóa giao thông mà chúng ta vừa kể trên, văn hóa giao thông còn thể hiện được sự hiểu biết sâu rộng về những thông tin cần thiết liên quan đến các cơ quan chức năng để kịp thời ứng phó trợ giúp khi có rủi ro tai nạn xảy ra như số điện thoại bệnh viện, dịch vụ cứu thương... đó chính là sự hợp tác điều kiện hỗ trợ lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lí trật tự an toàn giao thông, khi cần thiết, ngoài ra nét văn hóa đó còn thể hiện ở trang phục quần áo gọn gàng, tiện lợi khi tham gia giao thông.

Không đội mũ bảo hiểm, không giấy tờ xe, lạng lách, phóng nhanh, đua xe,... đây là những hành vi thiếu văn hóa trong quá trình tham gia giao thông đường bộ. Tất cả các điều này đều đáng lo ngại cho tính mạng của các bạn học sinh và đây cũng là điểm đáng báo động cho các nhà trường quản lí giáo dục học sinh nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Từ những yếu tố trên tôi thấy rằng nhà trường có vai trò rất lớn trong việc giáo dục tuyên truyền cho học sinh những kiến thức cơ bản về luật giao thông để họ ý thức tham gia giao thông, góp phần cải thiện được tình trạng vi phạm giao thông như hiện nay. Xây dựng văn hóa giao thông cũng chính là cho học sinh và các bậc phụ huynh có những nhận thức đúng đắn hơn về an toàn giao thông.

Biết được bao cái chết thương tâm của những người vô tội và biết bao những con người còn sống mà cơ thể không lành lặn chỉ vì những tai nạn giao thông. Nguyên nhân do đâu thì có lẽ ai cũng biết tuy nhiên để giảm thiểu tình trạng này thì mỗi chúng ta ai ai cũng có trách nhiệm bảo vệ mình trước khi người khác bảo vệ, đây là vấn đề liên quan đến tính mạng con người. Chính vì thế mà trách nhiệm không phải của riêng ai mà là của tất cả mọi người, của toàn xã hội.

Là một học sinh mỗi người chúng ta cần phải xem xét lại toàn bộ những hành động của mình khi tham gia giao thông tự giác học luật và thực hiện đúng quy tắc mỗi khi ra đường. Nhà trường và xã hội cần đặc mục tiêu sau đó áp dụng hướng dẫn học sinh và người dân của mình góp phần vào nếp sống an toàn giao thông tại địa phương mình. Hãy lên tiếng vì an toàn giao thông để đảm bảo sự an toàn của mình và những người xung quanh. Nếu làm được những viêc này sẽ góp phần lớn vào việc giảm thiểu tai nạn giao thông, một vấn nạn mà xã hội và đất nước đang cần sự giúp đỡ của chính những con người đang sống trên mãnh đất quê hương Việt Nam.

Nghị luận về lối sống văn minh khi tham gia giao thông - Mẫu 9

"An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà", một câu khẩu hiệu mà ai ai cũng thuộc, từ trẻ con đến người cao tuổi. Tưởng như vấn đề cơ bản được giáo dục từ bậc mẫu giáo này phải được quản lý quy củ, nhưng có lẽ, vấn đề an toàn giao thông luôn đi kèm với những câu chuyện tang thương, tội nghiệp về những vụ tai nạn thảm khốc, hay những lời cằn nhằn về tình trạng tắc đường kéo dài giờ tan tầm.

An toàn giao thông là một khái niệm dùng để chỉ những hành vi đảm bảo tính mạng cho người tham gia giao thông và trật tự, an toàn đường phố. An toàn giao thông là người dân tuân thủ và chấp hành luật giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không,... để bảo vệ an toàn cho chính mình khi điều khiển phương tiện hay ngồi trên phương tiện di chuyển. Với đường bộ, an toàn giao thông là những quy tắc như đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy, thắt dây an toàn khi ngồi ghế xe oto, dừng lại trước vạch sơn khi đèn giao thông màu đỏ, dững đỗ xe đúng nơi quy định,... Đường sắt và đường hàng không thường ít được nhắc tới do hai phương tiện này không được sử dụng nhiều như xe máy, xe đạp, ô tô tại Việt Nam.

Thực trạng về vấn đề an toàn giao thông cho thấy, hầu hết các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Sài Gòn, tham gia giao thông giống như chơi một ván bài với mạng sống. Theo số liệu thống kê, chỉ trong 50 tháng kể từ cuối 2015, đã có gần 43 nghìn vụ tai nạn, làm chết gần 19 nghìn người, con số người bị thương lên tới 35 nghìn, chưa kể những trường hợp người sống thực vật hay tử vong khi đã đưa vào bệnh viện cấp cứu. Chỉ trong 1 tháng vừa qua, trên địa bàn Hà Nội đã có 5 vụ thương vong do ô tô con gây ra, để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản, như vụ xe ô tô Mercedes đâm hai phụ nữ đi xe gắn máy tại hầm Kim Liên ngày 1/5/2019, khiến hai chị này ngã xuống hầm và tử vong sau khi được đưa vào bệnh viện. Chiếc xe ô tô bị hư hại nặng nề. Đó là về tai nạn, còn tình trạng tắc nghẽn, ùn ứ, ô nhiễm tiếng ồn do còi xe, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đua xe trái phép,...không đếm xuể. Đêm ngày 21/4 vừa qua, một chiếc ô tô được điều khiển bởi người có nồng độ cồn cao quá mức quy định đã mất lái tông thẳng vào dải phân cách cầu vượt Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, gây tử vong cho một người quét rác đang làm nhiệm vụ. Biết bao cảnh vợ mất chồng, cha mất con đã xảy ra vì tai nạn giao thông kinh hoàng trên đường phố.

Đối với người dân các thành phố đông đúc, việc về nhà vào mỗi giờ tan tầm được coi là cực hình vì sự tắc nghẽn, xe ô tô chen làn xe máy, xe máy lạng lách, tìm mọi cách, vượt cả lên vỉa hè để di chuyển. Tình trạng vượt đèn đỏ, còi xe đinh tai nhức óc là cảnh tượng thường thấy ở mỗi ngã ba, ngã tư. Thanh niên mới lớn rủ nhau tập kết đua xe vào ban đêm gây mất trật tự, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân cư. Tất cả những thực trạng đó đều xảy ra như cơm bữa và dường như, chính quyền hoàn toàn không có cách giải quyết.

Một số ý kiến cho rằng, vấn nạn an toàn giao thông trở nên như vậy là do người tham gia giao thông không chấp hành, tuân thủ đúng luật giao thông. Nếu không vượt đèn đỏ sẽ không dẫn tới những vụ tai nạn chớp nhoáng. Nếu không lấn vạch, lề đường làm nơi buôn bán, đỗ xe đã không có sự ùn ứ, tắc nghẽn. Một phần, những người tham gia giao thông chưa chắc đã có đủ kĩ năng và trình độ điều khiển phương tiện. Hiện nay, việc mua bán, làm bằng xe máy giả diễn ra ở mọi nơi, công khai với giá dịch vụ ưu đãi để có bằng lái xe nhanh gọn. Những người mua bằng ấy khi đi ra đường, không hiểu rõ luật lễ, vô hình dung gây tai nạn cho người khác vì sự thiếu hiểu biết của mình. Phần lớn nguyên nhân vẫn quy tụ về ý thức kém, thiếu trách nhiệm, chỉ cần được đi nhanh cho xong công việc của mình mà sẵn sàng phóng nhanh vượt ẩu, bất chấp tính mạng của những người xung quanh.

Ngoài ra, việc phương tiện giao thông thô sơ, xe tự chế, xe máy dày đặc cũng ảnh hưởng tới chất lượng an toàn giao thông. Ở các nước phát triển, phần lớn người dân đi lại bằng tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt thì tại Việt Nam, xe máy là phương tiện chủ yếu vì đặc tính nhỏ gọn, dễ luồn lách. Cũng chính vì thế, đường sá ngày càng xuống cấp, ổ voi, ổ gà, thậm chí cả "ổ khủng long", các công trường xây dựng không có biển cảnh báo, nắp cống hỏng lâu ngày không được cải tạo,... Cơ sở hạ tầng yếu kém dẫn tới người dân khó khăn trong việc di chuyển, tại giờ cao điểm khi lượng người tham gia giao thông đạt cực điểm, việc di chuyển trên các tuyến phố gần như là điều bất khả thi.

Những hậu quả tiêu cực của việc mất an toàn giao thông đã và đang hiển hiện trước mắt. Số người thiệt mạng không ngừng tăng cao, các ca cứu thương người tai nạn giao thông tại các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Thiệt mạng về người dẫn tới mất mát về tài sản và vật chất, tiền chữa bệnh, phương tiện đi lại bị phá hủy, biến dạng, cầu đường bị đâm hỏng thanh chắn, cột điện, cây xanh bị đâm đổ,... Hậu quả rõ ràng nhất mà chúng ta đang phải đối mặt hàng ngày là sự ùn tắc giao thông, ảnh hưởng cả về thời gian, không khí, môi trường và cả về tinh thần người tham gia giao thông. Có thể nói, giao thông Việt Nam trở thành nỗi lo lắng lớn nhất cho du khách nước ngoài vì sự hỗn loạn, thiếu quy củ, vô ý thức của những người điều khiển phương tiện.

Đối mặt với tình trạng này, Nhà nước đã rất nhiều lần đưa ra giải pháp cả tạm thời và lâu dài. Để giảm thiểu tai nạn, luật an toàn giao thông yêu cầu người ngồi trên xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm. Tạm thời giải quyết vấn đề tắc đường, Nhà nước đã thử nghiệm thay đổi giờ học, giờ tan của trường học và công ty nhưng dường như không khả thi. Ngoài ra, công tác đẩy mạnh khuyến khích người dân dùng phương tiện công cộng như tàu điện, xe gắn máy cũng đang diễn ra rất chậm trễ. Chế tài xử phạt được đưa ra nhưng thực sự chưa đủ nghiêm khắc để giáo dục và răn đe, công an giao thông còn để đồng tiền chi phối. Các biện pháp tuyên truyền giáo dục cải thiện ý thức người tham gia giao thông cũng hầu như chỉ nằm trên lý thuyết, còn thực tế thì chưa thấy có sự thay đổi.

Vấn đề an toàn giao thông vẫn là câu chuyện muôn thuở, từ bàn trà uống nước cho tới bàn họp của các cán bộ cấp cao. Không ít ý kiến được đưa ra, không ít bộ luật được áp dụng, nhưng dường như, cái cốt lõi là ý thức con người lại không thể thay đổi được. Cha mẹ vượt đèn đỏ, con cái nhìn làm theo. Đáng buồn nhưng phải thừa nhận, bài toán giao thông có lẽ vẫn chưa một ai giải được trong khoảng thời gian vừa qua.

Nghị luận về lối sống văn minh khi tham gia giao thông - Mẫu 10

Trong những năm gần đây, an toàn giao thông đang là vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm. Đi khắp nẻo đường, câu khẩu ngữ “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà” như lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo với những người tham gia giao thông, hãy chấp hành luật giao thông để đem lại an toàn cho chính mình, cho gia đình mình và cho xã hội.

Thực tế, tai nạn giao thông đang diễn ra từng ngày từng giờ, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trên các mặt báo hay chương trình thời sự hàng ngày những tin tức về các vụ tai nạn giao thông thường xuyên được cập nhật. Mỗi ngày trôi qua là có không biết bao nhiêu sinh mạng bị đe dọa bởi tai nạn giao thông? Tai nạn giao thông có thể đến với bất kì ai mà không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp hay địa vị xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, bao gồm: cơ sở hạ tầng giao thông còn kém, phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện an toàn (quá hạn, quá cũ, xe tự tạo),…Tuy nhiên nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam tăng cao hơn hẳn so với các nước trên thế giới đó là ý thức người tham gia giao thông còn quá kém.

Từ lâu việc xây dựng văn hóa giao thông đã được nhiều chuyên gia xem là biện pháp quan trọng nhất nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên để hình thành và duy trì nếp văn hóa giao thông rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành, đặc biệt trước hết là người tham gia giao thông. Vậy tuổi trẻ học đường phải suy nghĩ và hành động như thế nào để góp phần làm giảm tai nạn giao thông cho xã hội đồng thời thể hiện mình là người có văn hóa khi tham gia giao thông?

Trước hết chúng ta cần hiểu như thế nào về “Văn hóa giao thông ”? Khái niệm văn hoá giao thông là một biểu hiện cụ thể của khái niệm văn hóa nói chung. Văn hóa giao thông là một khái niệm khá mới mẻ với nhiều cách hiểu khác nhau:

Nói một cách tổng thể, văn hóa khi tham gia giao thông là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông.

Trên thực tế, văn hóa giao thông được thực hiện thông qua hai yếu tố sau:

Tính pháp lý khi tham gia giao thông

Văn hóa giao thông chính là phải chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng.

Để làm được điều này, cần phải loại bỏ các hành động như vượt đèn đỏ, dừng đổ đèn đỏ không đúng quy định, chen lấn làn, bóp còi inh ỏi, bật pha trong phố, đi ngược chiều… Những hành vi trên không chỉ gây phiền toái mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn cho chính người vi phạm và những người xung quanh.

Tính cộng đồng khi tham gia giao thông

Bên cạnh việc tuân thủ nghiêm túc luật giao thông, người tham gia giao thông một cách văn hóa còn cần có tính cộng đồng. Tính cộng đồng chính là việc xử sự, là mối quan hệ giữa con người với con người khi tham gia giao thông.

Điều này thể hiện qua việc không chen lấn, việc cứu giúp người khác bị rủi ro khi tham gia giao thông, như cấp cứu người bị nạn, chủ động đưa người già, yếu, trẻ nhỏ qua đường; cùng với cảnh sát giao thông phê bình, ngăn chặn hành vi sai phạm của người khác; thấy các sự cố về đường sá, phương tiện, phải kịp thời báo hiệu, thông báo cho nơi liên quan, để kịp thời ngăn chặn xử lý.

Tính cộng đồng khi tham gia giao thông sẽ giúp giảm thiểu tình trạng tắc đường do ai cũng muốn đi nhanh muốn chen lấn, giúp ngăn chặn những vụ việc va chạm, tranh cãi hoặc thậm chí đánh lộn không đáng có trên đường cũng như chấm dứt tình trạng vô cảm trước nỗi đau và rủi ro của người khác

Như chúng ta biết mỗi cử chỉ “Văn hóa giao thông” làm nên nét nhân cách của mỗi con người. Nó cũng không chỉ thể hiện cho mọi người thấy bạn là người văn minh lịch sự như thế nào mà thông qua hình ảnh đó còn góp phần quảng bá hình ảnh con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên khi nhìn vào thực trạng hiện nay chúng ta có thể thấy cách thực hiện của một bộ phận sinh viên, thanh niên có “văn hóa giao thông” hay không: điều khiển xe mô tô phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, đường ngược chiều gây cản trở giao thông; không có đăng ký, biển số, giấy phép lái xe,… Một số sinh viên còn đi xe mô tô, đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, dùng ô khi điều khiển xe đạp, xe máy... Khi tan trường, sinh viên “tụm năm, tụm ba”, dừng đỗ xe dưới lòng đường; đi xe đạp dàn hàng ba, hàng bốn hay đi xe máy, thậm chí kẹp ba, kẹp bốn, lạng lách, đánh võng. Vừa điểu khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại… Thậm chí khi có sự va quẹt thì thoái thác trách nhiệm, chưa cần biết người va quẹt có bị sao không đã văng những câu chửi…

Sinh viên, thanh niên là một lực lượng đông đảo có một vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Thanh niên là người chủ tương lai của đất nước, nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu, một phần là do thanh niên”. Vậy là những sinh viên các bạn hãy đóng một vai trò to lớn trong việc xây dựng “Văn hoá giao thông” ở nước ta bằng những việc làm cụ thể như:

+ Chúng ta hãy bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhất như đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, dừng, đỗ đúng phần đường quy định, nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu giao thông. Không dàn hàng, dùng ô che khi điều khiển phương tiện giao thông….

+ Góp phần xây dựng nhiều tuyến phố, nhiều con đường xanh - sach - đẹp; xây dựng nhiều con đường giao thông nông thôn; bảo vệ, giữ gìn và xây dựng nhiều công trình giao thông công cộng...

+ Hãy là những tuyên truyền viên tích cực về văn hóa giao thông. Lực lượng học sinh, sinh viên, thanh niên hãy giương cao khẩu hiệu: “Văn hóa giao thông, đồng hành tuổi trẻ”, “Văn hoá giao thông là không tai nạn”, “Một ý thức giao thông, triệu nụ cười hạnh phúc”, “Xây dựng xã hội giao thông văn minh, đầy tình người và không tai nạn”...

+ Sinh viên, thanh niên cũng là lực lượng xung kích, lực lượng chủ chốt tham gia vào công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tham gia các hoạt động khác như hội diễn văn hoá văn nghệ; hội thi về an toàn giao thông.

An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội. Tuổi trẻ học đường với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ tiên phong trong nhiều lĩnh vực, có sức khỏe, có tri thức… cần có những suy nghĩ và hành động đúng đắn và gương mẫu thực hiện những giải pháp thiết thực để góp phần góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, chúc các bạn sinh viên khi tham gia giao thông đều an toàn.

Đánh giá

0

0 đánh giá