Với giải Vận dụng 1 trang 60 Lịch Sử 12 Kết nối tri thức chi tiết trong Bài 9: Cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 – 1975 đến nay. Một số bài học lịch sử của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập Lịch Sử 12. Mời các bạn đón xem:
Giải bài tập Lịch sử 12 Bài 9: Cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4 – 1975 đến nay. Một số bài học lịch sử của các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1945 đến nay
Vận dụng 1 trang 60 Lịch Sử 12: Sưu tầm tư liệu từ sách báo và internet hãy viết bài giới thiệu ngắn gọn về một cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc từ sau tháng 4-1975
Lời giải:
(*) Tham khảo: Bảo vệ biên giới phía Bắc: cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc
Ngay từ cuối năm 1978, Trung Quốc đã âm thầm lựa chọn, điều động lực lượng binh lực cùng số lượng lớn trang thiết bị vũ khí áp sát trên toàn tuyến biên giới với Việt Nam. Đến trung tuần tháng 2-1979, Trung Quốc đã điều động tổng cộng 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập với tổng số 32 sư đoàn, 6 trung đoàn xe tăng với hơn 500 xe tăng, 4 sư đoàn và nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không với khoảng 2.000 khẩu pháo... Bên cạnh đó, hơn 200 tàu chiến của hạm đội Nam Hải và hơn 900 máy bay được đặt trong tình trạng báo động cao độ. Cũng từ tháng 1-1979, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động trinh sát vũ trang để chuẩn bị cho chiến dịch xâm chiếm dọc biên giới với Việt Nam. Trong tháng 1 và tuần đầu tiên của tháng 2-1979, Trung Quốc đã gây ra hàng trăm vụ xâm phạm vũ trang vào lãnh thổ Việt Nam, từ gây hấn cho tới tập kích, bắn phá các đồn biên phòng và trạm gác của Công an; phục kích, bắt cóc người đưa về Trung Quốc...
Đồng thời với việc chuẩn bị về binh lực, Trung Quốc đẩy mạnh việc chuẩn bị trên mặt trận ngoại giao, tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao con thoi ở khu vực và thế giới, trong đó đặc biệt là chuyến công du Mỹ vào tháng 1-1979 của lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Trong nước, Trung Quốc cũng tiến hành chuẩn bị kỹ lưỡng về tuyên truyền với đỉnh điểm là tuyên bố của Đặng Tiểu Bình “dạy cho Việt Nam một bài học”. Cuộc chiến xâm chiếm trên toàn tuyến biên giới Việt Nam bùng nổ sáng sớm 17-2-1979 là kết quả của quá trình chuẩn bị, tính toán từ trước của Trung Quốc!
Vào 3 giờ 30 phút rạng sáng 17-2-1979, quân Trung Quốc sử dụng pháo binh bắn phá một số mục tiêu trong lãnh thổ của nước ta, sau đó huy động 600.000 quân, hơn 500 xe tăng, xe bọc thép, hàng nghìn khẩu pháo các loại tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam dài hơn 1.400km. Hướng tấn công chủ yếu của quân Trung Quốc là Lạng Sơn và Cao Bằng; hướng quan trọng là Lào Cai (Hoàng Liên Sơn); hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu); hướng nghi binh, thu hút lực lượng ta là Quảng Ninh và Hà Tuyên.
Không ai có thể tin rằng một dân tộc vừa phải trải qua 30 năm chiến tranh với thương tích đầy mình lại đi khiêu khích, rồi xâm lược một nước khác, lại là nước lớn hơn, thậm chí là nước đã từng ủng hộ và giúp đỡ to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trước đó, như một số người Trung Quốc nói rằng cuộc chiến tranh chống Việt Nam của họ chỉ là một “cuộc phản công tự vệ”.
Trước tình cảnh Tổ quốc lâm nguy, thêm một lần nữa, quân và dân Việt Nam không còn con đường nào khác là buộc phải cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình. Đây là thử thách đầy khắc nghiệt với dân tộc Việt Nam trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta một lần nữa đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng, kiên quyết chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Đối mặt với đội quân xâm lăng từ bên kia biên giới phía Bắc đông tới 60 vạn người cùng hàng nghìn xe tăng và pháo hạng nặng, Việt Nam vào ngày 17-2-1979 chỉ có lực lượng công an vũ trang, dân quân địa phương và 7 sư đoàn với tổng số quân khoảng 7 vạn người. Sự chênh lệch về lực lượng, về vũ khí trang bị là rất lớn. Thế nhưng, tinh thần chiến đấu của quân và dân ta là anh dũng vô song. Lực lượng ít hơn đội quân Trung Quốc hàng chục lần nhưng quân và dân biên giới đã chiến đấu ngoan cường, anh dũng chặn đứng bước tiến của đội quân đông hơn gấp bội. Sự đánh trả dũng mãnh bảo vệ biên giới của quân và dân ta đã gây thiệt hại nặng nề cho quân Trung Quốc. Khoảng 6 vạn quân Trung Quốc đã bị thương vong cùng hàng trăm tù binh bị bắt sống. Thiệt hại nặng nề trên chiến trường, bị dư luận thế giới lên án, Trung Quốc buộc phải rút quân vào ngày 6-3-1979.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979 đã khẳng định ý chí, sức mạnh bền bỉ của nhân dân Việt Nam quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Thế nhưng, để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh khắc nghiệt này, nhân dân Việt Nam đã phải chịu những tổn thất nặng nề: Hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ thương vong; hàng chục nghìn dân thường bị thiệt mạng. Các thị xã: Cao Bằng, Lạng Sơn, Cam Đường, Lào Cai gần như bị hủy diệt hoàn toàn; tổng cộng có 320 xã, 735 trường học, 41 nông trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 38 lâm trường bị tàn phá; 400 nghìn gia súc bị giết, bị cướp. Khoảng 50% trong tổng số 3,5 triệu người ở 6 tỉnh biên giới bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống.
Quá khứ bi hùng đó nhắc nhở chúng ta, tất cả các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, phải luôn tăng cường đoàn kết, xây dựng đất nước giàu mạnh để đủ sức đối phó với mọi tình huống trong một thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bất trắc. Trên cơ sở đó, có chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột; phát huy truyền thống “giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Nhắc lại sự thật lịch sử về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, bên cạnh việc khẳng định sự chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, còn là dịp để chúng ta tri ân những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường và quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Xem thêm lời giải bài tập Lịch Sử lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Xem thêm các bài giải bài tập Lịch sử lớp 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:
Bài 8. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975)
Bài 10. Khái quát về công cuộc Đổi mới từ năm 1986 đến nay
Bài 11. Thành tựu cơ bản và bài học của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay