Giải SGK Tiếng Việt lớp 5 Tập 2 Bài 10: Những búp chè trên cây cổ thụ | Kết nối tri thức

507

Lời giải Tiếng Việt lớp 5 Bài 10: Những búp chè trên cây cổ thụ sách Kết nối tri thức gồm đầy đủ các phần Đọc, Nói và nghe, Viết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Tiếng Việt lớp 5 Tập 2. Mời các bạn theo dõi:

Tiếng Việt lớp 5 Tập 2 Bài 10: Những búp chè trên cây cổ thụ

Đọc: Những búp chè trên cây cổ thụ trang 48, 49, 50

Nội dung chính Những búp chè trên cây cổ thụ: Búp chè trên những cây cổ thụ Tà Xùa mang những nét đặc trưng về búp, lá, vị chè. Đó là niềm tự hào của những người con quê hương, nơi có sản vật ấy. Ước mong lan toả và giới thiệu sản vật quê hương tới thật nhiều người luôn là ấp ủ, ước mong của những người con yêu quê hương.

Câu hỏi trang 48 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Trao đổi với bạn về một đồ uống mà em yêu thích (tên gọi, nguồn gốc, cách pha, hương vị,...).

Trả lời:

Em thích uống Trà xanh không độ. Loại đồ uống này được làm từ những búp trà xanh của vùng đất Thái Nguyên kết hợp với công nghệ sản xuất khép kín vô trùng, giữ nguyên chất dinh dưỡng của trà. Trà đóng thành chai và sử dụng trực tiếp, bảo quản nơi thoáng mát, ngon hơn khi uống lạnh. Trà có vị chát và thơm nhẹ. Trong mỗi chai trà xanh có chứa EGCG (Polyphenol), giúp chống oxy hoá mạnh, là vi chất cần thiết cho cơ thể con người giúp ngăn ngừa được nhiều bệnh nguy hiểm: giảm béo, chống ung thư, tốt cho não bộ,…

Văn bản: Những búp chè trên cây cổ thụ

Tôi có một cậu bạn người Mông tên là Thào A Sùng. Mỗi lần gặp cậu, tôi lại được nghe cậu kể về bản làng Tà Xùa quê hương cậu, về những cây chè cổ thụ cao lớn ở đó với giọng tự hào. Cậu luôn trăn trở vì còn ít người biết đến chè Tà Xùa.

Một lần, huyện tôi tổ chức cuộc thi "Bảy sắc cầu vồng" giữa các trường. Chúng tôi gặp nhau trong một trận đấu. Chỉ còn câu hỏi cuối cùng khi tỉ số đang nghiêng về trường tôi.

– Quê hương Bắc Yên của chúng ta có loại chè rất ngon. Em biết gì về loại chè ấy?

Tim tôi đập mạnh. Đèn bên đội Thào A Sùng loé sáng. Cậu từ từ đứng lên.

– Thưa cô,... Đó là chè ở Tà Xùa quê em ạ.

– Đúng rồi! Em biết những gì về chè Tà Xùa?

– Chè Tà Xùa được làm từ những búp chè to, dưới lá có lớp lông tơ mịn, trắng như tuyết, mọc trên những cây cổ thụ cao lớn. Nước chè khi pha có màu vàng ánh xanh, thơm ngan ngát. Mẹ em bảo khi uống, vị ban đầu sẽ hơi chát, sau đó đọng lại là vị ngọt. Chè ngon, nhưng cây chè còn ít, nên không được nhiều người biết đến ạ.

– Em có ước mơ nào cho chè Tà Xùa không?

Cậu cười, ánh mắt tràn ngập khát khao.

– Em ước làm kĩ sư nông nghiệp để giúp bản trồng được nhiều chè hơn. Em sẽ mang chè Tà Xùa đi khắp thế giới.

Hội trường rộ tiếng vỗ tay. Trong phút chốc, chúng tôi như quên mất cuộc thi, chỉ xôn xao hỏi nhau về cây chè quê hương.

Buổi tối, Thào A Sùng đến nhà tôi chơi. Mẹ tôi nói ngày mai sẽ đến Tà Xùa để mua chè. Mẹ bảo cứ nghĩ đến chén nước chè trong veo, hương thiên nhiên nồng nàn, nóng đến sưởi ấm bàn tay là muốn đến Tà Xùa ngay.

Thào A Sùng cười thật tươi. Trong mắt cậu, tôi như thấy những đồi chè bạt ngàn, thân cây đẫm sương còn ngọn vươn cao đón nắng.

(Theo Nguyễn Hương)

Những búp chè trên cây cổ thụ lớp 5 (trang 48, 49, 50) | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

* Trả lời câu hỏi

Câu 1 trang 50 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Thào A Sùng kể với bạn những gì về quê hương của cậu?

Trả lời:

Thào A Sùng kể với bạn về quê hương của cậu: cậu kể về bản làng Tà Xùa quê hương cậu, về những cây chè cổ thụ cao lớn ở đó với giọng tự hào. Cậu luôn trăn trở vì còn ít người biết đến chè Tà Xùa.

Câu 2 trang 50 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Trong cuộc thi "Bảy sắc cầu vồng” Thào A Sùng đã giới thiệu thế nào về chè Tà Xùa?

Những búp chè trên cây cổ thụ lớp 5 (trang 48, 49, 50) | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Trong cuộc thi "Bảy sắc cầu vồng” Thào A Sùng đã giới thiệu về chè Tà Xùa:

Cây chè

cây chè cao như cây cổ thụ

Búp chè

búp chè to, dưới lá có lớp lông tơ mịn, trắng như tuyết.

Nước chè

khi pha có màu vàng ánh xanh, thơm ngan ngát; khi uống, vị ban đầu hơi chát, sau đọng lại vị ngọt

 

Câu 3 trang 50 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Thào A Sùng mơ ước điều gì? Những chi tiết nào thể hiện ước mơ đó?

Trả lời:

Thào A Sùng mơ ước làm kĩ sư nông nghiệp, giúp bản trồng được nhiều chè hơn, mang chè Tà Xùa đi khắp thế giới.

Những chi tiết thể hiện ước mơ đó là: cười, ánh mắt tràn ngập khát khao, quên mất cuộc thi mà chỉ xôn xao hỏi nhau về cây chè quê hương, cười thật tươi, trong mắt cậu như có những đồi chè bát ngát, thân cây đẫm sương còn ngọn vươn cao đón nắng.

Câu 4 trang 50 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Theo em, vì sao khi nghe Thào A Sùng nói về chè Tà Xùa, các bạn nhỏ như quên mất cuộc thi? Chọn câu trả lời dưới đây hoặc nêu ý kiến của em.

A. Vì Thào A Sùng nói rất hay, các bạn háo hức muốn nghe tiếp.

B. Vì các bạn nhận ra hiểu biết về sản vật quê hương của mình còn ít ỏi, muốn biết thêm.

C. Vì các bạn đang có cảm hứng về việc phát triển sản vật quê hương giống như Thào A Sùng.

Trả lời:

Theo em, khi nghe Thào A Sùng nói về chè Tà Xùa, các bạn nhỏ như quên mất cuộc thi vì: B. Vì các bạn nhận ra hiểu biết về sản vật quê hương của mình còn ít ỏi, muốn biết thêm.

Câu 5 trang 50 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Tưởng tượng và kể tiếp câu chuyện khi Thào A Sùng đã trưởng thành.

Trả lời:

Khi đã trưởng thành, nhớ lại cuộc thi năm xưa, Sùng bỗng rưng rưng xúc động. Cậu không ngờ thời gian trôi nhanh như vậy, từ một giống chè là lạ lùng trong tâm thức mọi người đến khi là thức uống có mặt nơi nơi, nhà nhà vì vị ngon ngọt của nó. Cứ độ vài tuần, Thào A Sùng lại đến một huyện, tỉnh nào đó để tiếp tục công việc quảng bá, giới thiệu và lập gian hàng thương mại, tìm đầu ra cho chè Tà Xùa. Có lần, Sùng giới thiệu được một tay lái người nước ngoài, giúp chè Tà Xùa từng bước vươn ra thị trường thế giới.

* Luyện tập theo văn bản đọc

Câu 1 trang 50 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Tìm từ ngữ gọi tên sản vật của một số địa phương mà em biết và nêu đặc điểm của những sản vật đó.

Những búp chè trên cây cổ thụ lớp 5 (trang 48, 49, 50) | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Sản vật

Địa phương

Đặc điểm

chè

Tà Xùa

chát, ngọt

sữa

Mộc Châu

thơm, mát, bùi

bánh cáy

Thái Bình

thơm, cay nồng

bánh cu đơ

Hà Tĩnh

ngọt, thơm

cốm

Hà Nội

bùi, ngậy

 

Câu 2 trang 50 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Đặt một câu ghép nói về sản vật của một địa phương, trong câu có chứa từ ngữ đã tìm được ở bài tập 1.

Những búp chè trên cây cổ thụ lớp 5 (trang 48, 49, 50) | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

– Sữa Mộc Châu là thức uống dinh dưỡng, được nhiều người dân trên cả nước tin dùng và sử dụng hàng ngày.

– Chẳng những cốm Hà Nội là sản vật tinh hoa có trên những gian hàng tạp hoá mà còn là thức đồ khó thiếu trong ngày hỉ, đám hỏi.

Viết: Tìm ý cho đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một sự việc trang 51

Tìm ý cho đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một sự việc

Chọn một trong những đề dưới đây:

Đề 1: Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một lễ hội của quê hương.

Đề 2: Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một buổi hoạt động ngoại khoá của trường hoặc lớp em.

Đề 3 Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về hoạt động gói bánh chưng hoặc bánh tét ngày Tết.

Tìm ý cho đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một sự việc trang 51 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Câu 1 trang 51 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Chuẩn bị.

– Lựa chọn sự việc mà em muốn thể hiện tình cảm, cảm xúc.

– Ghi chép lại những chi tiết nổi bật của sự việc, ghi ngắn gọn tình cảm, cảm xúc của em về những chi tiết đó.

Trả lời:

Em lựa chọn sự việc mà em muốn thể hiện tình cảm, cảm xúc rồi ghi chép lại những chi tiết nổi bật của sự việc, ghi ngắn gọn tình cảm, cảm xúc của em về những chi tiết: tình cảm, cảm xúc về một lễ hội của quê hương; tình cảm, cảm xúc về một buổi hoạt động ngoại khoá của trường hoặc lớp em; tình cảm, cảm xúc về hoạt động gói bánh chưng hoặc bánh tét ngày Tết.

Câu 2 trang 51 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Tìm ý.

G:

Tìm ý cho đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một sự việc trang 51 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Đề 1: Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một lễ hội của quê hương.

Tìm ý cho bài viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một lễ hội của quê hương.

Mở đầu: Một lễ hội em được xem để lại cho em nhiều cảm xúc là lễ hội chọi gà tại quê của em.

Triển khai: Lễ hội rất đặc biệt vì được diễn ra thoải mái ở nhiều nơi, có thể là một bãi đất rộng, một góc đường chứ không cần một sân khấu, những chuẩn bị cầu kì như mọi lễ hội khác. Hoạt động diễn ra trong lễ hội chọi gà là hai con gà chọi sẽ chọi, đấu với nhau, xem con gà nào mổ, đạp khoẻ hơn. Những người có gà chọi trong làng đều có thể đến tham gia, mọi người ai muốn đều có thể tới xem.

Kết thúc: Lễ hội là một hoạt động ý nghĩa để gắn kết tình làng nghĩa xóm, những người có cùng đam mê với lễ hội chọi gà. Em đã được biết thêm một lễ hội, để lại trong em nhiều ấn tượng với hoạt động chọi gà thú vị và hấp dẫn.  

Đề 2: Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một buổi hoạt động ngoại khoá của trường hoặc lớp em.

Tìm ý cho bài viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một buổi hoạt động ngoại khoá của trường hoặc lớp em.

Mở đầu: Trường em tổ chức một hoạt động ngoại khoá hấp dẫn trong một buổi chào cờ tuần trước, các chú công an về trường hướng dẫn chúng em cách sơ cứu người khi bị đuối nước.

Triển khai: Hoạt động này làm các bạn học sinh toàn trường háo hức, hưởng ứng rất nhiệt tình với những câu hỏi được đưa ra. Những lúc chú công an lấy tay nén vào ngực, hô hấp nhân tạo với búp bê, chúng em chăm chú theo dõi. Đó là các bước cơ bản để giúp một người đuối nước có thể đẩy nước ra ngoài, lấy lại sự thở được. Sau đó có ba bạn học sinh may mắn được trực tiếp thử nghiệm cho toàn trường xem. Các bạn hồi hộp, lo lắng nhưng vẫn thực hành được dưới sự hướng dẫn của người lớn.

Kết thúc: Qua hoạt động ngoại khoá này, chúng em đã biết thêm một kĩ năng quan trọng để giúp tránh đuối nước, cấp cứu người khác khỏi thời gian nguy hiểm. Hi vọng chúng em được theo dõi thêm nhiều hoạt động ngoại khoá bổ ích hơn nữa.

Đề 3: Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về hoạt động gói bánh chưng hoặc bánh tét ngày Tết.

Tìm ý cho bài viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về hoạt động gói bánh chưng hoặc bánh tét ngày Tết.

Mở đầu: Gói bánh chưng là hoạt động truyền thống hàng năm mà gia đình em đều thực hiện. Cả gia đình quây quần lại về nhà ông bà ngoại, gói bánh vào những ngày 27, 28 âm lịch.

Triển khai: Gói bánh chưng giữa những ngày cận Tết, quây quần cùng mọi người ở nhà làm em thấy háo hức và vui lắm. Mỗi người một việc, ông thì chẻ lạt; bà thì lau lá, cắt lá; bố và mẹ, cậu mợ cùng nhau đổ khuôn gói bánh; em và mấy đứa nhỏ cùng nhau háo hức theo dõi, xếp bánh gọn gàng một chỗ. Mọi người trò chuyện, kể biết bao nhiêu chuyện hàng ngày rồi cùng vui, cùng ca cho quên đi thời gian gói bánh. Phải mất tới cả buổi sáng, mọi người mới có thể gói hết 50 cái bánh chưng. Thật là một con số ấn tượng. Công đoạn còn lại chỉ còn chờ nấu bánh và trông bánh, vớt bánh nữa thôi!

Kết thúc: Gói bánh chưng thể hiện tiếp nối truyền thống, văn hoá cổ truyền của dân tộc, không quên phong tục, văn hoá của nước mình. Em sẽ tiếp tục noi gương, cùng gìn giữ văn hoá đẹp của dân tộc như gia đình mình.

Câu 3 trang 51 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Góp ý và chỉnh sửa.

– Các ý có được sắp xếp hợp lí và phù hợp với bố cục của đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một sự việc không?

– Có thể hiện được tình cảm, cảm xúc về những chi tiết nổi bật của sự việc không?

Trả lời:

Em trao đổi với thầy cô giáo và các bạn trong lớp để cùng nhau góp ý, chỉnh sửa đoạn văn theo các tiêu chí bài cho trước.

Đọc mở rộng trang 52

Câu 1 trang 52 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Đọc phiếu đọc sách dưới đây:

Đọc mở rộng Bài 10 Tập 2 trang 52 lớp 5 | Kết nối tri thức Giải Tiếng Việt lớp 5

Trả lời:

Em đọc phiếu đọc sách bài đã cho.

Câu 2 trang 52 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Đọc một cuốn sách viết về một miền đất.

Trả lời:

Em đọc cuốn sách viết về một miền đất: Cuốn sách “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi. Tác phẩm nói về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An. Bối cảnh của tiểu thuyết là miền Tây Nam Bộ Việt Nam nửa cuối 1940, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Câu chuyện lột tả được chi tiết con người, thiên nhiên miền phương Nam. Cuốn sách được chuyển thể thành bộ phim “Đất phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn; chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 2023 của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

Câu 3 trang 52 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Viết phiếu đọc sách theo mẫu ở bài tập 1 và dựa vào đó chia sẻ với các bạn những thông tin thú vị trong cuốn sách.

Trả lời:

Dựa vào câu chuyện em đã đọc, em viết thông tin phù hợp vào phiếu đọc sách theo mẫu.

* Vận dụng

Câu hỏi trang 52 sgk Tiếng Việt lớp 5 Tập 2: Dựa vào cuốn sách mà em đã đọc về một miền đất, vẽ tranh hoặc chia sẻ với người thân cảm xúc, suy nghĩ về cảnh vật, con người,... của miền đất dó.

Trả lời:

Em chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ về cảnh vật, con người với người thân sau khi đọc cuốn sách “Đất rừng phương Nam”: Cảnh vật của nơi đất rừng phương Nam thật hùng vĩ, có những rừng cây phát triển trong nước ngập mặn, thú dữ xuất hiện trong rừng tiềm ẩn những nguy hiểm rình rập; bù lại, con người phương Nam chan hoà, tình cảm và giàu lòng nhân ái, cưu mang đùm bọc lẫn nhau trong thời nguy khốn. Phẩm chất con người thật cao quý và đáng ngưỡng mộ trong những thời kì chiến tranh gian khó như vậy.

Xem thêm các bài giải bài tập Tiếng Việt lớp 5 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 9: Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân

Bài 10: Những búp chè trên cây cổ thụ

Bài 11: Hương cốm mùa thu

Bài 12: Vũ điệu trên nền thổ cẩm

Bài 13: Đàn t'rưng – tiếng ca đại ngàn

Bài 14: Đường quê Đồng Tháp Mười

Đánh giá

0

0 đánh giá