SBT Khoa học tự nhiên 7 Bài 27 (Chân trời sáng tạo): Trao đổi khí ở sinh vật

5.4 K

Với giải sách bài tập Khoa học tự nhiên 7 Bài 27: Trao đổi khí ở sinh vật sách Chân trời sáng tạo hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Khoa học tự nhiên 7. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Khoa học tự nhiên lớp 7 Bài 27: Trao đổi khí ở sinh vật

Bài 27.1 trang 68 SBT Khoa học tự nhiên 7: Thông thường, các khí khổng nằm tập trung ở bộ phận nào của lá?

A. Biểu bì lá.

B. Gân lá.

C. Tế bào thịt lá.

D. Trong khoang chứa khí.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Thông thường, các khí khổng nằm tập trung ở biểu bì lá. Ở cây Một lá mầm, khí khổng phân bố ở cả biểu bì mặt trên và mặt dưới của lá. Ở cây Hai lá mầm, khí khổng tập trung chủ yếu ở biểu bì mặt dưới lá.

Bài 27.2 trang 68 SBT Khoa học tự nhiên 7: Hai tế bào tạo thành khí khổng có hình dạng gì?

A. Hình yên ngựa.

B. Hình lõm hai mặt.

C. Hình hạt đậu.

D. Có nhiều hình dạng.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Mỗi khí khổng có hai tế bào hình hạt đậu áp sát vào nhau. Các tế bào hạt đậu có thành trong dày, thành ngoài mỏng, đặc điểm này tạo nên một khe hở (lỗ khí) giữa hai tế bào hạt đậu.

Bài 27.3 trang 68 SBT Khoa học tự nhiên 7: Chức năng của khí khổng là

A. trao đổi khí carbon dioxide với môi trường.

B. trao đổi khí oxygen với môi trường.

C. thoát hơi nước ra môi trường.

D. Cả ba chức năng trên.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

Ở thực vật, sự trao đổi khí (carbon dioxide và oxygen) với môi trường bên ngoài được thực hiện chủ yếu qua khí khổng ở lá cây. Đồng thời, nhờ hoạt động đóng mở của khí khổng, khoảng 98% lượng nước cây hút vào bị mất đi qua quá trình thoát hơi nước ở lá. Những quá trình này đều có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của thực vật.

Bài 27.4 trang 68 SBT Khoa học tự nhiên 7: Khi hô hấp, quá trình trao đổi khí diễn ra như thế nào?

A. Lấy vào khí carbon dioxide, thải ra khí oxygen.

B. Lấy vào khí oxygen, thải ra khí carbon dioxide.

C. Lấy vào khí carbon dioxide và hơi nước.

D. Lấy vào khí oxygen và hơi nước.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Khi hô hấp, cả ở động vật và thực vật đều lấy vào khí oxygen và thải khí carbon dioxide.

Bài 27.5 trang 68 SBT Khoa học tự nhiên 7: Sắp xếp các bộ phận sau theo đúng thứ tự của cơ quan hô hấp ở người: phổi, khí quản, khoang mũi, thanh quản, phế quản.

A. Khoang mũi, khí quản, thanh quản, phế quản, phổi.

B. Khoang mũi, thanh quản, khí quản, phế quản, phổi.

C. Khoang mũi, phế quản, khí quản, thanh quản, phổi.

D. Khoang mũi, phổi, khí quản, thanh quản, phế quản.

Lời giải:

Đáp án đúng là: B

Các bộ phận theo đúng thứ tự của cơ quan hô hấp ở người là: khoang mũi, thanh quản, khí quản, phế quản, phổi:

- Khi hít vào, không khí ở môi trường ngoài đi qua khoang mũi, thanh quản, khí quản, phế quản để vào phổi và đến tận các phế nang trong phổi.

- Khi thở ra, không khí từ các phế nang đi qua phế quản, khí quản, thanh quản, khoang mũi và được đưa ra ngoài.

Bài 27.6 trang 68 SBT Khoa học tự nhiên 7: Sự trao đổi khí giữa môi trường và mạch máu diễn ra ở đâu?

A. Phế nang.

B. Phế quản.

C. Khí quản.

D. Khoang mũi.

Lời giải:

Đáp án đúng là: A

Sự trao đổi khí giữa môi trường và mạch máu diễn ra ở các phế nang của phổi. Ở các phế nang, oxygen khuếch tán vào máu và được vận chuyển đến để cung cấp cho các tế bào trong cơ thể; carbon dioxide từ máu sẽ khuếch tán vào phế nang và được đưa ra ngoài qua hoạt động thở ra.

Bài 27.7 trang 68 SBT Khoa học tự nhiên 7: Oxygen từ phế nang sẽ tiếp tục được chuyển đến

A. khí quản.

B. phế quản.

C. tế bào máu.

D. khoang mũi.

Lời giải:

Đáp án đúng là: C

Oxygen từ phế nang sẽ tiếp tục được chuyển đến tế bào máu: Ở các phế nang, oxygen khuếch tán vào máu và được các tế bào máu (hồng cầu) vận chuyển đến để cung cấp cho các tế bào trong cơ thể.

Bài 27.8 trang 68 SBT Khoa học tự nhiên 7Tác nhân nào dưới đây không gây hại cho đường dẫn khí?

A. Bụi.

B. Vi khuẩn.

C. Khói thuốc lá.

D. Khí oxygen.

Lời giải:

Đáp án đúng là: D

- Khí oxygen là loại khí được vận chuyển trong đường hô hấp, không gây hại cho đường dẫn khí.

- Bụi, vi khuẩn, khói thuốc là đều là những tác nhân có thể gây hại cho các cơ quan trong đường dẫn khí: Bụi có thể gây kích ứng mắt, mũi, họng và phổi thậm chí gây bệnh tắc nghẽn phổi; vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp; chất nicotine trong khói thuốc lá có thể gây biến đổi cấu trúc niêm mạc phế quản, dẫn đến tăng sinh các tuyến phế quản, tế bào tiết chất nhầy và làm tê liệt chân lông trong khí quản,…

Bài 27.9 trang 69 SBT Khoa học tự nhiên 7Xác định tên gọi của các cơ quan có trong hệ hô hấp ở người trong hình bên dưới. Trình bày đường đi của các loại khí qua các cơ quan hô hấp.

SBT Khoa học tự nhiên 7 Bài 27: Trao đổi khí ở sinh vật - Chân trời sáng tạo (ảnh 1)

Lời giải:

Xác định tên gọi của các cơ quan có trong hệ hô hấp ở người:

1 - Khoang mũi

2 - Khí quản

3 - Phổi trái

4 - Phổi phải

5, 6 - Phế quản

7 - Tiểu phế quản

8 - Phế nang

Đường đi của các loại khí qua các cơ quan hô hấp: Khi hít vào, khí oxygen trong không khí từ môi trường ngoài di chuyển qua khoang mũi, khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phế nang. Tại các phế nang, oxygen sẽ được khuếch tán vào mao mạch máu, khí carbon dioxide từ mao mạch máu khuếch tán vào các phế nang. Sau đó, khí carbon dioxide tiếp tục di chuyển từ phế nang đến tiểu phế quản, phế quản, khí quản, khoang mũi và thải ra môi trường ngoài qua hoạt động thở.

Bài 27.10 trang 69 SBT Khoa học tự nhiên 7: Khí khổng có chức năng gì? Những đặc điểm nào phù hợp với chức năng đó?

Lời giải:

- Chức năng của khí khổng: Khí khổng có chức năng giúp lá trao đổi khí với môi trường và thoát hơi nước ra ngoài.

- Những đặc điểm của khí khổng phù hợp với chức năng trao đổi khí và thoát hơi nước ra ngoài:

+ Khí khổng thường tập trung ở mặt dưới của lá. Sở dĩ phải có cấu tạo như vậy là bởi vì mặt trên của lá tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời nhiều hơn. Nếu mặt trên có nhiều khí khổng thì mặt trên sẽ thoát hơi nước nhanh hơn rất nhiều so với mặt dưới.

+ Khí khổng thông với các khoang chứa không khí ở bên trong phiến lá nên thuận tiện cho việc trao đổi khí và thoát hơi nước.

+ Khí khổng có khả năng điều tiết tốc độ thoát hơi nước thông qua sự đóng mở của khí khổng: Mỗi khí khổng gồm hai tế bào hình hạt đậu nằm sát nhau, thành ngoài mỏng và thành trong dày. Khi no nước, thành mỏng của tế bào khí khổng căng ra làm cho thành dày căng theo và khí khổng mở, thuận lợi cho quá trình thoát hơi nước. Khi mất nước, thành mỏng hết căng và thành dày duỗi thẳng, khí khổng đóng lại, hạn chế sự thoát hơi nước.

+ Khí khổng không bao giờ đóng hoàn toàn đảm bảo cho sự trao đổi khí diễn ra liên tục suốt ngày đêm.

Bài 27.11 trang 69 SBT Khoa học tự nhiên 7Em hãy cho biết ý nghĩa của việc đeo khẩu trang.

Lời giải:

Ý nghĩa của việc đeo khẩu trang: Đeo khẩu trang giúp ngăn khói, bụi đi vào đường hô hấp; hạn chế các loại vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp; ngăn chặn phát tán nguồn bệnh cho những người xung quanh;...

Bài 27.12 trang 69 SBT Khoa học tự nhiên 7: Thực vật có hô hấp giống con người không? Giải thích.

Lời giải:

Thực vật cũng hấp thụ khí oxygen và thải khí carbon dioxide khi hô hấp như động vật nhưng hoạt động lấy khí oxygen và thải khí carbon dioxide là thụ động, còn ở động vật là chủ động (hoạt động hít - thở).

Xem thêm các bài giải SBT Khoa học tự nhiên lớp 7 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 26: Thực hành về hô hấp tế bào ở thực vật thông qua sự nảy mầm của hạt

Bài 27: Trao đổi khí ở sinh vật

Bài 28: Vai trò của nước và các chất dinh dưỡng đối với cơ thể sinh vật

Bài 29: Trao đổi nước và các chất dinh dưỡng ở thực vật

Bài 30: Trao đổi nước và các chất dinh dưỡng ở động vật

Lý thuyết KHTN 7 Bài 27: Trao đổi khí ở sinh vật

1. Trao đổi khí ở sinh vật

- Khái niệm: Trao đổi khí là sự trao đổi khí oxygen và khí carbon dioxide giữa cơ thể sinh vật với môi trường ngoài.

+ Ở động vật, trao đổi khí diễn ra trong quá trình hô hấp.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 27: Trao đổi khí ở sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Trao đổi khí ở người

+ Ở thực vật, trao đổi khí được thực hiện trong cả quá trình quang hợp và hô hấp.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 27: Trao đổi khí ở sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Trao đổi khí ở thực vật qua tế bào khí khổng

- Đặc điểm trao đổi khí:

+ Trao đổi khí giữa cơ thể sinh vật với môi trường tuân theo cơ chế khuếch tán, các phân tử khí di chuyển từ nơi có nồng độ cao đến nồng độ thấp.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 27: Trao đổi khí ở sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Sự trao đổi khí ở tế bào theo cơ chế khuếch tán

+ Quá trình trao đổi khí không tiêu tốn năng lượng.

+ Tốc độ khuếch tán phụ thuộc vào kích thước, hình dạng phân tử, nhiệt độ, diện tích bề mặt trao đổi khí,…

- Vai trò của sự trao đổi khí với cơ thể sinh vật: Sự trao đổi khí giúp cơ thể sinh vật trao đổi khí đối với môi trường bên ngoài, đảm bảo cho các hoạt động sống của cơ thể được diễn ra bình thường.

2. Trao đổi khí ở thực vật

2.1. Cấu tạo và chức năng của khí khổng

- Ở thực vật, sự trao đổi khí với môi trường bên ngoài được thực hiện chủ yếu qua khí khổng ở lá cây.

- Sự phân bố khí khổng: Ở cây Một lá mầm, khí khổng phân bố ở cả biểu bì mặt trên và mặt dưới của lá.Ở cây Hai lá mầm, khí khổng tập trung chủ yếu ở biểu bì mặt dưới lá.

- Cấu tạo của khí khổng: Mỗi khí khổng có hai tế bào hình hạt đậu áp sát vào nhau, thành trong dày, thành ngoài mỏng tạo nên một khe hở (lỗ khí) giữa hai tế bào hạt đậu giúp các khí di chuyển ra, vào.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 27: Trao đổi khí ở sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Cấu tạo của khí khổng

- Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của khí khổng: Khí khổng mở khi cây được chiếu sáng và được cung cấp đủ nước.

- Vai trò của khí khổng đối với cây:

+ Giúp thực hiện quá trình trao đổi khí giữa cây với môi trường chủ yếu là khí oxygen và khí carbon dioxide.

+ Giúp cây thực hiện quá trình thoát hơi nước.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 27: Trao đổi khí ở sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Trao đổi khí qua khí khổng trong quá trình quang hợp

2.2. Quá trình trao đổi khí qua khí khổng của lá

- Ở thực vật, sự trao đổi khí trong quang hợp diễn ra vào ban ngày; sự trao đổi khí trong hô hấp diễn ra cả ngày và đêm.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 27: Trao đổi khí ở sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Sơ đồ mô tả sự trao đổi khí qua khí khổng

- Trong quá trình quang hợp: Khí carbon dioxide trong không khí di chuyển từ môi trường ngoài qua khí khổng vào khoang chứa khí rồi vào trong tế bào thịt lá để cung cấp nguyên liệu cho quá trình quang hợp. Ngược lại, khí oxygen – sản phẩm của quá trình quang hợp từ các tế bào thịt lá di chuyển vào khoang chứa khí rồi qua khí khổng và được đẩy ra ngoài môi trường qua khí khổng.

- Trong quá trình hô hấp: Khí oxygen trong không khí di chuyển từ môi trường ngoài qua khí khổng vào khoang chứa khí rồi vào trong tế bào thịt lá để cung cấp nguyên liệu cho quá trình hô hấp tế bào. Ngược lại, khí carbon dioxide – sản phẩm của quá trình hô hấp tế bào từ các tế bào thịt lá di chuyển vào khoang chứa khí rồi qua khí khổng và được đẩy ra ngoài môi trường qua khí khổng.

3. Trao đổi khí ở động vật

3.1. Cơ quan trao đổi khí ở động vật

- Cơ quan trao đổi khí ở động vật rất đa dạng:

+ Động vật đơn bào và một số động vật đa bào như ruột khoang, giun tròn, giun dẹp,… trao đổi khí qua bề mặt cơ thể.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 27: Trao đổi khí ở sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Sự trao đổi khí qua bề mặt cơ thể ở một số động vật

+ Các loài côn trùng như châu chấu, ruồi,… trao đổi khí qua hệ thống ống khí.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 27: Trao đổi khí ở sinh vật | Khoa học tự nhiên 7 (ảnh 8)

Trao đổi khí qua hệ thống ống khí ở châu chấu

+ Các loài sống dưới nước như cá, tôm, cua, trai,… trao đổi khí qua mang.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 27: Trao đổi khí ở sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Sự trao đổi khí qua mang ở cá

+ Động vật thuộc lớp Bò sát, Chim, Thú trao đổi khí qua phổi.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 27: Trao đổi khí ở sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Trao đổi khí qua phổi ở chó

3.2. Đường đi của khí qua các cơ quan hô hấp ở người

- Đường dẫn khí ở người: Khoang mũi → Họng → Thanh quản → Khí quản → Phổi.

- Ở người, sự trao đổi khí carbon dioxide và oxygen giữa cơ thể và môi trường ngoài được thực hiện thông qua hoạt động hít vào, thở ra: Khi hít vào, khí oxygen trong không khí được dẫn vào phổi đến các phế nang. Tại các phế nang, khí oxygen khuếch tán vào mạch máu và được vận chuyển đi khắp cơ thể; khí carbon dioxide từ máu sẽ khuếch tán vào phế nang và thải ra môi trường qua hoạt động thở ra.

Lý thuyết KHTN 7 Chân trời sáng Bài 27: Trao đổi khí ở sinh vật | Khoa học tự nhiên 7

Sơ đồ mô tả đường đi của các loại khí qua các cơ quan hô hấp ở người

Đánh giá

0

0 đánh giá