Trong mười bốn dòng thơ cuối, Nguyễn Du đã sử dụng nhiều phương tiện (lời người kể chuyện, lời nhân vật, bút pháp tả cảnh ngụ tình

369

Trả lời Câu 4 trang 69 Ngữ văn 9 Tập 1 Kết nối tri thức chi tiết trong bài Kim – Kiều gặp gỡ giúp học sinh dễ dàng chuẩn bị bài và soạn văn 9. Mời các bạn đón xem:

Soạn bài Kim – Kiều gặp gỡ

Câu 4 (trang 69 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Trong mười bốn dòng thơ cuối, Nguyễn Du đã sử dụng nhiều phương tiện (lời người kể chuyện, lời nhân vật, bút pháp tả cảnh ngụ tình) để thể hiện thế giới nội tâm của nhân vật Thúy Kiều. Em hãy:

a. Phân tích đặc điểm của bức tranh thiên nhiên (thời gian, không gian, sự vật).  Miêu tả bức tranh thiên nhiên ấy, tác giả muốn thể hiện trạng thái cảm xúc nào ở nhân vật?

b. Chỉ ra đâu là lời người kể chuyện, đâu là lời nhân vật. Lời nhân vật được thể hiện ở hình thức nào và điều gì giúp em nhận biết hình thức ngôn ngữ đó?

c. Cho biết nhân vật đã bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ gì trong lời nói của mình.

Trả lời:

a. Phân tích đặc điểm của bức tranh thiên nhiên:

- Thời gian: Từ khoảng chiều tối cho đến đêm khuya.

- Không gian: Không gian đêm trăng quang đãng, yên tĩnh, thơ mộng. Cảnh trăng được nhìn từ căn phòng của Thúy Kiều.

- Sự vật:

+ Mặt trăng là sự vật nổi bật và tiêu biểu trong mười bốn câu thơ này. Hình ảnh trăng được miêu tả vô cùng sinh động, nên thơ, mang tâm tình của Thúy Kiều: “Gương nga chênh chếch dòm song,/ Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân” Trăng được nhân hóa, có hành động ‘chênh chếch dòm song” như Kiều đang nhìn về phía Kim Trọng. Ánh sáng trăng tỏa ra vàng dịu nhẹ, bao trùm lấy toàn bộ bức tranh đêm khuya.

+ Mặt trời gác núi là sự vật biểu tượng cho chiều tà, cũng đồng thời báo hiệu đã đến lúc Kiều phải tạm xa Kim Trọng.

+ Giọt sương treo nặng trên cành xuân là hình ảnh mang đậm chất thơ, giọt sương ấy cũng như nỗi lòng của Thúy Kiều, khiến nàng nặng lòng suy nghĩ.

+ Cây hải đường ngả sang nhà hàng xóm như đang chới với, hướng tâm tư của mình đến người yêu nơi xa.

- Miêu tả hình ảnh ấy, tác giả muốn thể hiện các tâm trạng sau của nhân vật Thúy Kiều;

+ Yêu thương, bồi hồi, tương tư chàng Kim.

+ Nỗi buồn thoáng chút vì phải tạm xa Kim Trọng.

+ Nỗi nặng lòng, bề bộn, ngổn ngang.

b. Chỉ ra lời người kể chuyện và lời nhân vật:

- Lời nhân vật: “Người mà đến thế thì thôi,/ Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi!/ Người đâu gặp gỡ làm chi,/ Trăm năm biết có duyên gì hay không?”

- Lời người kể chuyện: các câu thơ còn lại.

Đặc điểm lời nhân vật:

- Lời nhân vật được thể hiện dưới hình thức: lời độc thoại, nhân vật tự nói với chính mình.

- Lời nhân vật được đặt trong dấu ngoặc kép, sau dấu hai chấm. Trước khi bắt đầu lời nói nhân vật có lời dẫn chuyện miêu tả cảm xúc của nhân vật. Nhân vật nói xong không có lời hồi đáp. Nội dung lời nói chỉ để biểu đạt tâm trạng sâu kín bên trong.

c. Những tâm trạng, cảm xúc mà nhân vật bộc lộ trong lời nói của mình:

- Rối bời, lo lắng cho tình duyên của mình với chàng Kim.

- Băn khoăn, không biết mình và Kim Trọng có nên duyên hay không.

- Hi vọng mối nhân duyên của mình sẽ ra được ‘quả ngọt”.

Đánh giá

0

0 đánh giá